Pages

Monday, April 28, 2025

Chuyện Thú Vị

Tôi có học chung với Giáo sư Trịnh Như Tích 2 năm 1964-1966  tại Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Phú Thọ Sàigòn. Được biết anh có học thêm ở Luật khoa, lấy bằng Cử nhân Luật rồi tiếp theo Cao học Luật, nhưng không ngờ sau nầy anh thích trồng cây cảnh trong sân vườn nhà, thỉnh thoảng chụp ảnh cảnh vườn hoa đua sắc khoe màu, hơn thế nữa anh lại viết những dòng giới thiệu như:

CÕI THẦN TIÊN

Buổi sáng ngồi nhâm nhi ly cà phê đậm trong sân vườn những con chim sơn ca bay từ trên núi  xuống đậu trên cây Mapple hót líu lo thật hay cùng với các loài chim quí khác. Phảng phất hương thơm của hoa hồng,hoa đỗ quyên  theo gió thật êm dịu.Nơi đây cũng là cõi thần tiên rồi.

Buổi chiều những loài chim quí bay về tổ để lại nơi đây tĩnh mịch im ắng, vì trên núi  có:


Cửa động đầu non đường lối cũ

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng trôi.


Tản Đà

 Thân mến

GS Trinh Nhu Tich

Anh chị Trịnh Như Tích hiện nay sống tại thành phố San Jose. Những lần tôi sang thăm bạn bè tại đây, có thì giờ anh đưa rước chúng tôi đi uống coffee, hoặc mời về nhà dùng bữa cơm chay do chị nấu nướng, tình nghĩa thêm đậm đà. 

Lớp chúng tôi có 6 người: anh Nguyễn Văn Bài từng giữ chức Giám học Trường Kỹ Thuật Long Xuyên, sau đổi về Nha Kỹ Thuật Sàigòn, sau dạy ở Trung học kỹ thuật Cao Thắng rồi anh đã mãn phần từ lâu, kế đó anh Nguyễn Văn Đước, giáo sư dạy ở Nha Trang, Bà Rịa rồi làm Hiệu Trưởng Trung học Kỹ thuật Tây Ninh, anh cũng đã mất từ lâu, kế đó anh Lương Văn Nhơn ra trường được phân bổ dạy tại Trường Kỹ thuật Vnh Long, sau đó làm Hiệu trưởng Trung học Kỹ thuật Kiến Hòa (Bến Tre), nay định cư ở Houston, Texas, Một người nữa là anh Nguyễn Đức Lộc dạy ở Trung học Kỹ thuật Việt Đức sau nầy là Trường Đại học Kỹ Thuật Thủ Đức, nay anh sống ở thành phố Thủ Đức, tôi ra trường dạy ở Trung học kỹ thuật Banmêthuột, năm 1968 bị động viên đi khóa 27, mãn khóa học tiếp ở Trường Quân Cụ, mãn khóa được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, đơn vị đóng tại Sóc Trăng, tôi được phân bổ làm Trung Đội Trưởng sửa chữa, đóng tại thị xã Cà Mau, sau biên chế thành Tiểu Đoàn 21Tiếp Vận đồn trú tại Sóc Trăng, rồi tháng 9 năm 1968 tôi được biệt phái về dạy học lại. 

Có lần tôi đến nhà anh Tích, anh đàn Dương cầm cho tôi nghe 1 bản nhạc, lâu ngày tôi quên là bản chi. Nói về âm nhạc khi tôi học ở Trường Kỹ Thuật Cao thắng, năm đầu tiên học tại chi nhánh của Trường là Trung học Kỹ thuật Phan Đình Phùng, tọa lạc tại số 2 Phạm Đăng Hưng Đakao, nằm trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ số 48 Phan Đình Phùng, xế cửa Đài Phát Thanh Sàigòn.

Nơi đây lúc đó có Trường Quốc Gia Âm Nhạc (học buổi chiều từ 5 ghiờ trở đi), Trường Kỷ sư Công Nghệ khóa đầu tiên, có 2 chị sinh viên theo học, nay tôi chỉ còn nhớ có 1 chị tên Hảo. Sau nơi nầy còn có Trường Thương Mại, Trường Nữ Công Gia Chánh, Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng. Nay chỉ còn có 1 trường duy nhất: Trường Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ.

Thỉnh thoảng anh Trịnh Như Tích báo cho anh em biết vườn cảnh của nhà anh lúc hòn non bộ, lúc một chậu hoa mới đơm bông, anh gửi tới các bạn đồng nghiệp cũng như cựu học sinh các trường Kỹ thuật Đà Nẵng, Gia Định.

Cũng cám ơn anh luôn nhớ tới bạn bè, đồng nghiệp và các cựu học sinh của mình. Mong anh có nhiều sức khỏe, trường thọ để chăm sóc khu vườn nhỏ của mình, thỉnh thoảng cho anh em thưởng thức hoa tươi, cảnh đẹp.

866428042025







Monday, April 21, 2025

Bỗng Dưng

Hôm nay bỗng dưng tôi nhớ đến anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường (1918-2008), ai cũng cho rằng anh là một trong những người đã thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ năm 1947, nhưng theo anh Lê Lừng có lẽ những ngày đầu của Gia Đình Phật Tử chúng ta phải xem xét lại, khách quan mà nói nó phát xuất từ gia đình Bác sĩ Lê Đình Thám, trong đó có con của Bác Sĩ như chị Lê Thị Ngọc Anh (Mẫn Em), Lê Thị Thể Dư, Lê Ðình Luân, Lê Ðình Liêm, Lê Ðình Lực, đều là con bác sĩ Tâm Minh; Lê Ðình Kiền, Lê Ðình Cũng (cháu gọi bác sĩ là bác); Hồ Ðắc Lệ, Hồ Ðắc Bích (em bà bác sĩ) và Lê Lừng. Tham gia có 4 anh chị ở trước mặt nhà Bác sĩ là anh Tạo, chị Thúy ... các em ở trên xóm Từ Ðàm, như Nguyễn Tấn Phước, Nguyễn Ngọc Loan v.v...


Nguyên Hùng Võ Đình Cường (1918-2008)

Trước đây ở Việt Nam, có lần tôi gặp anh Lê Đình Duyên trong một buổi lễ ở chùa Già Lam, Gia Định, khi tôi mới đi học tập cải tạo về, trong đó có cả anh Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, anh Duyên là con trai lớn của Bác sĩ Lê Đình Thám, anh Duyên là thân phụ của Lê Đình Du, Du là phu quân của Lê Dương Mỹ.

Nhớ tới anh Cường cũng làm cho tôi nhớ tới chị Cường, có lần Ban Hướng Dẫn Trung Ương họp Tam Cá Nguyệt ở Đà Lạt thuộc Miền Khuông Việt, lần đó có chị Cường, chị Lữ Hồ cùng đi. Có lẽ vì vậy mà chị Cường biết tôi, nên sau nầy anh Cường mất rồi, tôi đi thăm chị Cường, chị đã tiếp tôi, chị em trò chuyện thân mật.

Chị Võ Đình Cường và tôi

Còn anh Nguyễn Hữu Huỳnh có cậu con trai là Nguyễn Hữu Hồng Đức, năm 1960 đoàn Huynh Trưởng A Dục đi tham quan Đà Lạt anh Huỳnh cho Hồng Đức đi theo, vì anh Huỳnh bận điều khiển Đoàn nên Hồng Đức theo tôi, rồi từ đó sau khi về Sàigòn, Hồng Đức cứ muốn tôi đến nhà chơi với em, nên gia đình anh Huỳnh và tôi thân thiết nhau hơn. Anh Huỳnh có người em thứ 3 sinh sống trên đường Võ Văn Tần gần rạp Nam Quang, người em thứ 4 sinh sống ở Banmêthuột, có cửa hàng Trúc Lâm nằm trên đường gần chợ và ngó xéo qua rạp chiếu bóng Lodo.


Rạp chiếu bóng LODO Thị xã Banmêthuột

Từ khi tôi rời thành phố Banmêthuột năm 1970, đổi về dạy học ở Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn, năm 1972, tôi có trở lại đó 1 lần làm Thư ký Hội Đồng thi Tuyển sinh lớp Đệ Thất (lớp 6) Trung Học Kỹ thuật Banmêthuột, lần đó tôi muốn uống rượu Cần cho biết, nên đã đi thăm ông Y Braham, nguyên là Hiệu Trưởng của Trường, cũng nguyên là Phát ngân viên, tôi tỏ ý muốn uống rượu Cần cho biết. Ở nhà không có, ông phải cho người nhà đi mượn của người khác cho tôi uống.


Uống rượu Cần

Ông ta giải thích rằng rượu Cần làm bằng cơm nguội, uống với cái cần bằng ống tre, ống trúc. Có 2 cách uống, uống rượu lễ là người ta rót nước vào bằng cái chén hay cái tô, người ta rót hết bao nhiêu mình uống hết bấy nhiêu, còn uống thường là mình uống tới đâu thì ra hiệu cho người rót biết để ngưng.

Nghe nói có em Cựu học sinh THKT Banmêthuột là Y Tlung Arul, có học Trường Bách Khoa Trung Cấp Sàigòn, sau về Trường làm Giáo viên, sau đó em đã mất. Còn có một em người Chăm ở Ninh Thuận, nghe đâu sau nầy em chuyên buôn bán đất đai, nhà cửa trở nên đại gia là Não Ngọc Anh.

Trường Banmêthuột nay tôi còn nhớ có anh Y Niêng được tuyển vào làm nhân viên tạp vụ và anh Y Huân Nié làm Giám thị và có một anh là Quản Đốc Ký Túc Xá (lâu ngày tôi quên tên – vì Ký túc xá sau thuộc Bộ Sắc Tộc quản trị), nhà bếp có ông Nghi và ông Hóa.

Nơi trường nầy, nay tôi còn nhớ ông bà Hiệu Trưởng Đống Văn Quang, chị Quang là giáo viên Tiểu học, chị bị bệnh chi đó nên đi lại rất chậm, sau anh chị đổi về Sàigòn rồi li dị nhau, anh di tản sang Úc đã lập gia đình khác, anh Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ, phụ tá Hiệu Trưởng Kỷ sư Nguyễn Văn Quán, ông bà Giám thị kiêm Thủ Kho Nguyễn Văn Anh, Phụ Tá kỹ thuật Nguyễn Hữu Phòng, Trưởng Phòng Hành Chánh ông Đoàn Ái Hảo, Thư ký: chị Tuyết, cô Dung, cô Lan, anh Tuấn và bà Y tá tôi đã quên tên.

Có 2 giáo sư người Chăm dạy tại trường là anh Quảng Đại Khẩn, sau 1968 anh Khẩn bỏ dạy vào khu theo phong trào Fulro và anh Quảng Đại Hội, sau 1975 anh Hội về Sàigòn buôn bán chợ Trời.

Có ông Mỹ cố vấn là Greeneway và cô Mỹ làm việc thiện nguyện là cô Diana chừng 20 tuổi, đẹp, rất dễ mến, sau cô thành hôn với anh Quang là giáo sư dạy Anh văn Trung học Tổng Hợp Banmêthuột, hình như sau 1975 cập vợ chồng Việt-Mỹ nầy, định cư ở Virginia.

Ở Banmêthuột tôi vẫn còn nhớ chùa Khải Đoan (ghép tên vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng hậu. Chùa được xây dựng bằng gỗ quý mái ngói. 


Chùa Sắc tứ Khải Đoan

Có con đường mòn đi bên hông trường, men theo đó xuống suối Đốc học rồi lên tới chợ. Chợ Banmêthuột thuở đó, trong chợ có những sạp bán rau, thịt cá chen lẫn với nữ trang vàng, bạc. Người Thượng từ trong buôn làng ra chợ chỉ mặc khố, để ngực trần rất tự nhiên và họ thích mang nhiều nữ trang trên người.    

 
      Vợ chồng người Thượng (Radhé)                                Cô gái Thượng                    

Tôi đã  ở Banmêthuột từ năm 1966 đến 1970, thời đó không an ninh, phía Đông chỉ đi đến phi trường Phụng Dực,


phía tây chỉ đi đến chùa Sắc tứ Khải Đoan, phía Nam chưa đi đến cầu 14, còn phía Bắc chưa đi khỏi thành phố.

Xung quanh Banmêthuột thời đó chỉ có rừng và đồn điền cao-su, có đường đi xuống Khánh Dương về Nha Trang, có đường đi Kontum, đường về Nam là Quốc Lộ 13 chỉ đi tới cầu 14, đường phía Tây hình như đi về ngã 3 biên giới, nhưng không an ninh.


Cầu tại cây số 14 đường về Sàigòn QL 13 nên có tên gọi là Cầu 14

Ngày nay Banmêthuột trong tôi còn nhớ ít nhiều, chỉ có hình ảnh chị Phượng và em gái cô Phi, hai chị em có sạp bán báo tại nhà ở gần cuối chợ cũng gần Ty Cảnh Sát. Mỗi buổi chiều chúng tôi ăn cơm xong, thả bộ ra đó mua báo từ Saigòn gửi ra theo đường hàng không Air Việt Nam bán cho độc giả. Anh Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ được cãm tình cô Phượng, nhưng sau nầy anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Lộc, xuất thân là giáo sư Nữ công, tốt nghiệp từ Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, trường còn có nữ giáo sư Nguyễn Thị Lài, cô Lài lên đó dạy mang theo 2 con một trai một gái còn 4, 5 tuổi chồng cô Lài là giáo sư Tín dạy ở Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, hình như 2 người đã li dị nhau trước khi cô Lài được phân bổ về trường nầy và cô cũng chỉ dạy có 1 năm rồi thuyên chuyển về Trường Kỹ Thuật Gia Định.

Trường cùng có cô Ngọc dạy  giờ môn Anh Văn, sau cô di chuyển về Sàigòn, có dạy giờ ở Trường Kỹ Thuật Gia Định. Cũng có anh Thời dạy giờ môn Toán, hình như cùng quê Long An với anh Huệ.

Từ ngã sáu, nơi đây có nhà thờ chánh tòa của thành phố, cạnh đó có sân bay trực thăng, có đường đi Nha Trang, đường đi về Nam, đường đi tới chợ ...


Nhà thờ Chánh Tòa hay Nhà Thờ Ngã Sáu

Ngày nay mọi thứ đều mờ nhạt trong tôi, chỉ có lục tìm hình ảnh trên Mạng mà thôi.

866421042025






Sunday, April 6, 2025

Tình cờ

Hôm nay xé tờ lịch, tình cờ thấy có chữ SI HOANG ở phố thị Phú Quốc, làm cho tôi nhớ đến nhà may Sĩ Hoàng danh tiếng một thời ở chốn Sàigòn phồn hoa văn vật từ thập niên 1970, nằm trên đường Gia Long, xeo xéo cửa Bộ Kinh Tế, Sĩ Hoàng là con trai của chị Trần Thị Kim Dung, tôi nhớ thời gian đó, tôi có gặp chị ở đâu đó, đã cùng đi ăn sáng, chị lại hẹn gặp tôi vào buổi chiều muộn để xuống bến tàu, đi tàu du lịch ban đêm trên sông Sàigòn, từ bến tàu, tàu sẽ chạy theo sông Sàigòn, qua cầu Bình Triệu rồi trở về, tiếc quá tôi đã nhận lời nhưng vì lý do nào đó không thực hiện được.

Tôi nhớ năm vừa rồi về Việt Nam, Đặng Văn Nữu đưa tôi đi chơi, có ghé thăm chị Tuyết Trinh và chị Kim Dung, có chụp 1 tấm ảnh với 2 chị để kỷ niệm.

Tông, chị Minh Dung, chị Tuyết Trinh,anh Đặng Văn Nữu

Chị Tuyết Trinh năm 1955 khi thành lập Gia Đình Phật Tử Giác Minh, chị làm Liên Đoàn Trưởng đầu tiên của Gia đình nầy, sau đó năm 1956 một số sang chùa Phước Hòa sinh hoạt thành lập Gia Đình Phật Tử Minh Tâm tại đây và anh Bạch Vọng Giang làm Liên Đoàn Trưởng. Đến năm 1960, anh Bạch Vọng Giang nghỉ sinh hoạt, tôi từ Gia Đình Phật Tử Giác Minh sang đó sinh hoạt giữ chức Liên Đoàn Phó, Quyền Liên Đoàn Trưởng, chị Tuệ Tâm làm Liên Đoàn Phó, chị Minh Dung là Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Nữ, chị Thanh Minh là Đoàn Trưởng Đoàn Nữ Oanh Vũ, được vài tháng tôi ngưng sinh hoạt để trở về sinh hoạt với Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam, giữ chức vụ Phó Tổng Thư Ký, rồi năm sau làm Tổng Thư kỳ nhiều nhiệm kỳ cho Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm, cho đến năm 1973.

Nhìn lại, tôi đã sinh hoạt với GĐPT Giác Minh, Minh Tâm, Giác Dũng, Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa (1960-1964), Đoàn Huynh Trưởng GĐPT Thủ Đô A DỤC do anh Phan Cảnh Tuân làm Đoàn Trưởng, anh Nguyễn Hữu Huỳnh làm Đoàn Phó, có đi tham quan Đà Lạt năm 1960.

Đà Lạt Giáng Sinh 1960

Tháng Giêng năm 1964, sai cuộc Cách mạng thành công, Bác Đỗ Văn Giu làm Trưởng Đoàn, tôi là Huynh Trưởng trực đã hướng dẫn một phái Đoàn ra tham quan Huế theo lời mời của GĐPT Trung Phần, lần đó chúng tôi có tham quan cổ thành Quảng Trị, cầu Bến Hải, viếng chùa Thiên Mụ, cũng có đi thuyền và tắm trên sông Hương. Riêng bác Giu hình như có đi ngủ đò trên sông Hương, sáng sớm bác trở về chùa Linh Quang nơi phái đoàn tạm trú, mang theo một mớ khoai lang luộc, bọc trong chiếc khăn tay, mở khăn ra khoai còn bốc khói.


Hội Trường Chùa Từ Đàm Huế tháng Giêng năm 1964

Tôi còn có nhiều lần đến Huế trong phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, đi Tour Miền Trung tham quan động Phong Nha, Kẻ Bàng, tham quan Hội An, Đà Nẵng.

Lại còn được tham quan Đà Lạt trong phái đoàn Huynh Trưởng A Dục vào Giáng Sinh năm 1960, không kể những chuyến đi khác với gia đình, với chùa chiền với nghỉ dưỡng của công ty thuộc công đoàn.

Nha Trang, tôi nhớ năm 1963, tham gia biểu tình, nhiều người bị nhà cầm quyền bắt, tôi sợ mình cùng bị bắt nên trốn ra Nha Trang ở 2, 3 tuần, có hôm ra Ninh Thuận ở 1, 2 ngày. Những người bạn tôi thuở đó như Trúc Hải Phan Văn Bưởi, Nguyễn Khánh Thuận, quen biết nhau ở Sàigòn rồi ra trường được phân bổ ra Nha Trang, Ninh Thuận vào thập niên 1960, nay họ đã qua đời từ lâu, người bị tai nạn, người tuổi già.

 Hôm nay tự nhiên nhớ chuyện xa xưa, nhớ đến Trúc Hải nên nhớ tới chị Trúc Hải trước đây sống với con gái là Phan Phước Thảo ở Nha Trang, sau hình như về lại Cam Ranh, nơi anh Hải có nhà ở đó. Tôi đã Điện thư cho Thảo để hỏi thăm sức khỏe chị Hải và gia đình Thảo với anh trai của Thảo (tôi quên tên), mong rằng Thảo sẽ nhận được email của tôi.

Tôi có 2 nhóm bạn GĐPT: Nhóm đầu tiên là anh Vui, anh Thống, anh Ngô Mạnh Thu và tôi, nhóm kế theo là anh Trúc Hải - Phan Văn Bưởi, anh Nguyền Khánh Thuận, anh Lê Xuân Thiệu và tôi, cả 3 anh đều đã quá vãng. Chúng tôi đều là những Huynh Trưởng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm có trụ sở tại chùa Giác Minh, sau nầy là chùa Vĩnh Nghiêm.

Nguyện cho những anh chị quá vãng sớm vãng sanh về cõi an lạc và cầu nguyện cho những người còn sinh tiền luôn được khỏe mạnh, hạnh phúc.

866406042025