Pages

Wednesday, July 16, 2025

Không phải là giấc mơ

Đêm hôm qua, do trong người mấy hôm nay không được khỏe, nên sau khi đi bộ thể dục buổi chiều, trong người cũng hơi mệt nên tôi nằm nghỉ rồi ngủ luôn một giấc đến khoảng 11 giờ tôi tỉnh giấc, cảm thấy bụng đói nên đi ăn một cái bánh Croissant rồi đến giường ngủ nằm, do chưa ngủ được nên tôi lấy Iphone xem, thấy trên phone có hiện ra Trang Huỳnh, tôi bèn kiểm tra để biết là ai. Thấy hiện ra đến từ Châu Đốc, tôi nghĩ ngay là cháu mình, con gái của chú Chí, nên tôi hỏi cháu đang ở đâu ? Cháu cho tôi biết ở gần Xa Cảng Miền Tây. Tôi cũng cho cháu biết con gái tôi ở Cây Da Xà, tôi từ đó mới về đây được 3 tuần.

Cháu gửi cho tôi 1 tấm ảnh, tôi nhìn ra hầu hết, chỉ trừ có một người mặc toàn đen, mập mạp nhưng cậu ta cúi mặt xuống nên không thể nhận dạng.

Khanh (con của Huỳnh Hữu Chí), Vân (con của Huỳnh Hữu Tâm), Dúng (em của Ý), Huỳnh Hữu Ý, Vũ (con của Tâm), Sánh (vợ của Ý), Trang (chị của Khanh)

Tôi hỏi trong ảnh, người mặc bộ đồ đen là ai ? Cháu Trang cho tôi biết đó là Vũ, Vũ là con trai đầu lòng của Huỳnh Hữu Tâm, khi cậu ta còn nhỏ, Huỳnh Hữu Tâm vượt biên, nhà cửa bị tịch thu, Tâm bị bắt giam ở Rạch Giá, khi đi lao động Tâm trốn trại về nên đi lang thang, rồi có lần Tâm ghé nhà tôi nhắn vợ con đến thăm có ngủ qua đêm, bốn năm chục năm sau làm sao tôi nhìn ra Vũ !

Chú thứ Chín của tôi, gia đình không gọi là chú út vì kiêng kỵ tên bà cố tôi là Dương Thị Út bà gọi ông Dương Văn Hóa người lập làng Bình Lâm Tổng Định Thành huyện Châu Thành tỉnh Long Xuyên nay là làng Bình Thủy huyện Châu Phú tỉnh An Giang, là ông Cố, chú ấy có 3 người con trai: Huỳnh Hữu Chí, là giáo sư Trung học NGuyễn Hữu Cảnh Châu Đốc, về sau có làm Hiệu Trưởng trường Trung học trong Núi Sam, Huỳnh Hữu Tâm tốt nghiệp TRường Bách Khoa Trung Cấp, đi Thủ Đức khóa 25 có làm Giám học trường Quốc Gia Nghĩa Tử Sàigòn, Huỳnh Hữu Ý có đi học Trường Bộ Binh Thủ Đức. 

Sáng dậy, tôi nghĩ hình như là đêm hôm mình có giấc mơ gặp các em và các cháu, nhưng tôi nghi ngờ nên mở Điện thoại ra thì thấy có hình trong trong điện thoại, như vậy là có thật, chớ không phải giấc mơ.

Huỳnh Hữu Ý như đã kể trên trước 1975 có bị động viên đi vào Thủ Đức, ra trường mưốn được gần nhà nên chọn Địa phương Quân ở Long Xuyên, sau chuyển qua Cảnh Sát  Cần Thơ rồi chuyển xuống Cái Côn, lập gia đình với Sánh, họ có một con trai là Huỳnh Hữu Hiệp, năm nay chắc cũng khoảng ngoài 30 nhưng chưa lập gia đình. Ý và gia đình sang Mỹ theo diện HO tôi quên năm nào.

Vợ Ý, Sánh rất giỏi hiện nay đang đièu hành một xưởng may nhỏ, nuôi chồng và con, có nhà ở đường 20 tại Cần Thơ, một cái cho thuê, một cái để đó khi nào về Việt Nam có nơi ở.

Não tôi có vấn đề, tôi vẫn luôn nghĩ có thể tôi sẽ bị Alzheimer, vì hiện nay có lúc tôi nhớ nhớ, quên quên. Nhớ những chuyện rất xa như thuở nhỏ bơi xuồng với mẹ từ Long Xuyên về Năng Gù đi trên sông Hậu Giang, khoảng Hòa Bình Thạnh tới Bình Hòa không hiểu có dấu hiệu chi mẹ tôi bảo, con hô to “đua ông nược”. Tôi làm theo lời hô to: “Đua ông nược ! Đua ông nược”. Bổng dưng phía trước cách mũi xuồng tôi chừng 5 thước có một cây nước được phun lên cao chừng 2 thước, đó là dấu hiệu “ông nược” là cá voi. Cá voi sống ngoài biển (nước mặn) nhưng không hiểu vì sao chúng lạc vào vùng nầy nước ngọt và sau nầy được biết chúng dời lên đất Cambodge và hình như ngày nay chúng sinh sôi nảy nở ở vùng sông Camboge gần giáp với Lào.

Năm nay tôi đã 84, anh Hai tôi sinh năm 1928 và mất năm 2017 thọ 89 tuổi, hình như anh là người thọ nhất trong họ nhà tôi từ trước. Mong tôi cũng được như vậy.

866416072025







Tuesday, July 1, 2025

Xuân Hạ Thu Đông

Chúng ta ai cũng biết rằng một năm có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, đó là sự tuần hoàn của vũ trụ. Mùa Xuân khí hậu mát mẻ làm cho cây cỏ sinh sôi nảy nở, mùa Hạ tiết trời oi bức sang mùa Thu se lạnh, cây lá đổi màu vàng úa, đến mùa Đông thời tiết lạnh lẻo, nhiều cây lá rụng trơ cành cho đến mùa Xuân trở lại, cây cối xanh tươi, đơm bông, kết trái.

Đó là sự tuần hoàn của vũ trụ đối với quả địa cầu của chúng ta, nhưng nó cũng có ít nhiều thay đổi thời tiết đối với nhng nơi như Bắc Cực, Nam cực và đường Xích đạo.

Còn con người chúng ta có Sinh, lão, bệnh, tử nhưng chúng ta còn phải chịu cái Nghiệp quả của mình. Có người sinh ra khỏe mạnh, có người bệnh tật bẩm sinh, không ai tránh khỏi quy luật chung của tạo hóa, cho nên không ai giống ai.

Nghiệp thì có Cộng nghiệp và Biệt nghiệp. Cộng nghiệp là nghiệp chung, ví dụ chúng ta là người Việt Nam đó là Cộng nghiệp người Việt Nam, nhưng có người đẹp, người xấu, người giàu sang, người cùng khổ đó là nghiệp riêng của mỗi người nên gọi là Biệt nghiệp.

Theo luật của tạo hóa, từ khai thiên lập địa có bốn chất là nước, gió, lửa và không khị Bốn chất ấy hòa hợp tạo ra đất, đá, cỏ cây rồi dần dần cầm thú, biến hóa hàng triệu năm mới có con người. Con người có trí tuệ hơn cầm thú để chúng ta có nhận thức mình là chúa tể của vạn vật, mình phải luôn học hỏi tiến hóa hơn để đến ngày kia mình tiến hóa hòa nhập vào đại khối của vũ trụ, việc nầy không thể một sớm, một chiều mà phải nhiều kiếp tu luyện để tiến hóa thành thần, thánh, tiên, Phật mới có thể hòa nhập vào đại khối của vũ trụ.

Nhận thức được thế mỗi người chúng ta cần phải tu tập, hàng ngày tinh tấn mới mong được trở về đại khối của vũ trụ.

Chúng ta phải hiểu rằng nguyên thủy mỗi cá nhân chúng ta cùng ở trong đại khối vũ trụ nhưng do bị trọng trượt nên bị tách ra khỏi khối ấy thành cá thể, do đó mỗi cá thể chúng ta phải tu tập tinh tấn để cho cá thể được tinh anh, hầu trở về với đại khối.

Đời thường hay nói: “Đường đi không khó mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Cho nên chúng ta cần vượt núi, qua sông đó, thành quả sẽ đến cho những ai chịu khó vượt núi, qua sông.

866401072025

 

 

 

 

Tuesday, June 24, 2025

Trở về Mỹ

 Tôi dự định sẽ đi Việt Nam 3 tháng, ngày đi là 28-5-2025 và ngày về là 29 tháng 8 năm 2025, nhưng được tin con gái bị bệnh, ở nhà một mình không ai chăm sóc thuốc men, ăn uống nên chúng tôi vội vàng mua vé máy bay về Mỹ.

Con gái tôi ở Việt Nam dùng Iphone lên Mạng mua vé lúc đó vào khoảng 20 giờ, có vé nhưng mà chỗ ngồi khó chọn lựa, cho nên chỗ ngồi từ Tân Sơn Nhất đến Narita, Nhựt chúng tôi ngồi bên nhau số ghế 12B, 12C, nhưng qua tới Nhật tôi ngồi ghế 32E, nhà tôi ngồi ghế 52F, từ Houston về Louisville, tôi ngồi một nơi nhà tôi ngồi 1 nơi, cô tiếp viên để ý thấy, nên cô ta tự động đổi cho hành khách khác để chúng tôi ngồi bên nhau.

Khi về Việt Nam dự đám cưới của cháu tôi, nên các con tôi và gia đình của chúng về đông đủ nhân dịp nghỉ Hè. Dự đám cưới xong, gia đình con trai, con gái tôi đã về Mỹ để đi làm, chỉ có chúng tôi ở lại để sẽ đi du lịch hoặc đi tour, nay nghe tin con bị bệnh, ở nhà một thân một mình không ai chăm sóc, còn phải đi làm nên chúng tôi nhận thấy cần phải về ngay. Mua vé tối thì sáng đã ra phi trường đi chuyến bay 7 giờ sáng, rời Việt Nam bay sang Nhật.

23 giờ 15 ngày 23-6-2025, chúng tôi về đến nhà, con gái chúng tôi dù bệnh cũng phải đi làm. Theo như lời cô Thanh Mai, cô cũng bị bệnh ho ra máu là vì bị vỡ mạch máu nên ho ra máu chớ không phải từ phổi.

Đã một ngày về tới nhà nhưng tuổi già sức yếu nên tôi chưa cảm thấy trở lại sức vẫn còn cảm thất mệt mỏi, sáng ăn chừng vài muổng cơm hay buổi chiều ăn một vài đũa mì mà thôi.

Tối hôm qua về đến nhà, tôi uống 2 viên thuốc xổ BEAULUCK, sáng nay lúc 10 giờ đi chợ Sam’s Club, tôi đã được xổ trong ấy.

Hosting của AHVNHN và nsPhat-hoc do Nguyễn Vũ Hữu Cương mua mấy năm trước, anh ấy cho tôi sử dụng từ đó. Tên Miền của nsphat-học truớc kia là nsphathoc.org vì nó bị mất nên tôi phải thay đổi thành nsphat-hoc.org nay Cương cũng đã lấy lại được tên gốc của nó nsphathoc.org, chắc là tôi sẽ dùng lại tên gốc nầy.

Thời đại @ hay 4.0 tiến rất nhanh, nên những người tuổi cao như tôi chạy theo nó mau thấm mệt. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng rằng mình có sức theo đuổi sự tiến bộ ấy, nếu không bị lùi lại nhanh chóng.

Mong rằng có sức khỏe và trí tuệ minh mẫn để theo chúng như từ trước tới nay vậy.

866424062025






Thursday, June 5, 2025

Sàigòn trong tôi

Tôi về đến Sàigòn vào đêm 29-5-2025, dạo nầy thời tiết nóng quá, hôm qua 5-6-2025, Đỗ Thọ Bình đến gặp tôi để lấy hộp Compass, Bình nhờ tôi mua dùm, đây là hộp Compass Mỹ sản xuất, ngày xưa tôi vào học ở Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật có cơ sở tạm tại Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ, chúng tôi thường học với những bộ Compass nầy, khi tôi lên dạy tại Trung học kỹ thuật Y-Út Banmêthuột, trường do Mỹ Viện trợ cho đồng bào sắc tộc, nên họ cũng đã nhập một số hộp compass nầy, tôi không hiểu vì sao mà hầu hết đều bị rỉ sét.

Tôi vì bệnh nghề nghiệp nên đã mua 1 hộp compass KERN xài, compass Kern bằng inox nên không bị rỉ sét, tuy hộp compass có kích thước không lớn nhưng có đủ 3 compas nhỏ, tire ligne, cây nối nên có thể vẽ vòng tròn to nhỏ tuỳ thích. Ngày nay tôi vẫn còn giữ hộp compass nầy, nhưng đã lâu không dung vì đã sử dụng autocad.

Theo lời Đỗ Thọ Bình thì anh sưu tầm nhiều thứ, mỗi năm anh tổ chức họp mặt cựu học sinh Trung học kỹ thuật Cao Thắng, anh trưng bày mô hình trường xưa, nào là lầu đồng hồ như các Trường Gia Long, Petrus Kỵ, Trường Bác Ái …

Bình đưa tôi đi uống coffee, chúng tôi đến quán Cây Tre gần khu Đầm Sen, nhưng quán đóng cửa 1 ngày, nên tìm quán coffee khác trên đường Nguyễn Văn Luông, làm cho tôi nhớ đến những năm 1970 hay 1980 có khi hàng tuần tôi phải đến một hiệu tiện góc đường Nguyễn Văn Luông và Hậu Giang để thúc hối họ tiện cho những chiếc cối xay lúa công xuất nhỏ. Đó là hiệu tiệm không tên, nhưng anh chủ hiệu thứ 5 mắt anh bị lé, nên thân chủ đặt là tiệm tiện Năm Lé, nay chỗ đó đã bán cho chủ khác, họ xây cất khang trang 3, 4 tầng để ở hay khách sạn, Bình chạy ngang qua, tôi không kịp để ý.

Vào một quán coffee, tôi không nhớ tên, đông khách nên chúng tôi phải lên lâu, trên lầu cũng đông khách, có một thanh niên dẫn theo em hay cháu 3, 4 đứa con trai tuổi teen, chúng đùa nghịch, chạy giỡn la lối om xòm như ở chỗ không người, cậu thanh niên không hề khuyên nhủ, giữ im lặng cho khách khác, người ta ít học, nếu không muốn nói là kém giáo dục, không biết tôn trọng người khác, không biết giữ lịch sự, không biết dạy con cái thì lớn lên chúng sẽ theo đã đó mà dạy trẻ con thành ra vô giáo dục.

Đỗ Thọ Bình còn hẹn tôi một ngày khác do tôi định để anh em Cao Thắng gặp mặt cho vui. Tôi còn phải họp mặt với anh em Cao Thắng khác mà nhà tôi nhắc nhỡ phải mời anh em đi ăn một bữa. Thường thì bữa ăn đó có anh Trần Xuân Minh, Nguyễn Mnh Chiếu, Đặng Vĩnh Bửu, Lâm Văn Tấn, Đặng Ngọc Hữu (ở chợ Thủ Đức), Đinh Bá Phát ở quán ăn 241, số 45 đường Phạm Viết Chánh, Phường Phú Thuận , Quận 1, Tp. HCM.

Vài năm sau nầy tôi không chạy xe máy, nên nhiều quảng đường tôi quên, thấy hơi lạ, nhưng thực ra chúng không thay đổi gì.

Sàigòn tôi đã sinh sống từ những năm 1956 cho đến 1991 mới rời xa đi sang Mỹ sinh sống, thời trước tôi từng ở trước chợ Hòa Hưng, khu Cống Bà Xếp, rồi khu gần Đài Phát Thanh Sàigòn, chính xác hơn là tại địa chỉ số 2 Phạm Đăng Hưng, nay là Mai Thị Lựu, rồi ở 44 Ngô Tùng Châu, gần ngã Sáu Sàigòn, sau dời đến Ngô Tùng Châu Gia Định, rồi 84 Cư Xá Đô Thành trước khi sang Mỹ.

Tôi từng học những năm Trung học tại Trung Học Kỹ thuật Cao Thắng, nên đã dạo nát đường Lê Lợi, Tự Do, khu vực Chợ Bến Thành, xem chiếu bóng ở những rạp Hồng Bàng (trên đường Pasteur, bên cạnh trường tôi học), Lê Lợi, Vĩnh Lợi, Eden, Majestic, Casino Sàigòn, Rex, nay rạp chiếu bóng không còn, vì được thay bởi TV, nằm nhà xem phim, nên các rạp chiếu bóng phải dẹp tiệm.

Ngày nay về Sàigòn, đi đường do người khác chở xe máy, nên có những nơi đã bị quên, mặc dù chúng vẫn không thay đổi bao nhiêu, nhưng tuổi già trí nhớ kém chắc là lẽ thường vậy.

866406062025






Sunday, May 25, 2025

MÙA ĐÔNG MONG CHỜ

 MÙA ĐÔNG MONG CHỜ

Nhìn bao lá úa rớt bên song
Mà thấy nao nao cả tấc lòng              
Ngày đến nguồn vui sao vắng mất
Đêm về tâm sự lại không cùng  
Có còn ghi nhớ dòng lưu niệm
Chưa hết u hoài chuỗi đợi trông
Người đã ra đi trong luyến tiếc
Một mùa Đông rét ...mãi  chờ mong !

Trịnh Cơ

Họa vận

Thiếu phụ mong chồng đi tù cải tạo.

Trăng tàn sương lạnh thấm bên song .
Thiếu phụ chờ chồng nảo cả lòng
Cải tạo chàng đi xa vạn dặm
Đoàn viên nàng đợi mãi không cùng
Heo may gió lộng càng tê tái
Cánh nhạn mây ngàn vẫn ngóng trông
Đất nước hoà bình sao cách biệt
Anh ơi có biết em chờ mong .

Hà Văn Tài .

Sunday, May 18, 2025

Nhớ về chị Thu Nhi (1)

Thời tôi còn đi học khoảng 60 năm về trước, tôi đã biết chị Thu Nhi là một nhà thơ, có thơ đăng trên Phổ Thông nguyệt san của nhà văn Nguyễn Vỹ, đầu năm 1964, sau cuộc tranh đấu Phật Giáo năm 1963 thành công, Gia đình Phật Tử Huế có mời Gia Đình Phật Tử Thủ Đô ra tham quan cố đô Huế, dự một cuộc họp của các Huynh Trưởng Trung Phần tổ chức tại chùa Từ Đàm. Đáng lẽ ra anh Nguyễn Hữu Huỳnh đi, nhưng anh bận việc nhà, hơn nữa gia đình anh ở gần chùa Từ Đàm nên anh không đi, đã đề cử Bác Đỗ Văn  Giu là Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Nam Việt làm Trưởng Đoàn, tôi Phó Trưởng Đoàn kiêm Huynh Trưởng Trực, hướng dần một phái đoàn gồm 23 Huynh Trưởng ra Huế theo lời mời kể trên.

Chuyến đi đó, do anh Nguyễn Hữu Huỳnh liên hệ xin một chuyến bay quân sự DC3, chuyến bay nầy do phi công Mỹ lái, chúng tôi được phi công dễ dãi cho phép ra phòng lái của phi công để nhìn cảnh vật phía trước trời mây bao la hoặc phía dưới là rừng núi hay biển xanh mênh mông.

Trên phi cơ Bác Giu và tôi đang thảo bức điện tín để gửi về Sàigòn

Chuyến trở về, chị Thu Nhi xin quá giang theo phi cơ vào Sàigòn. Do đó chúng tôi quen biết nhau. Năm 1964, Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc Gia Đình Phật Tử tổ chức tại Trung học Gia Long Sàigòn, chị Thu Nhi và chúng tôi có chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm.

Hàng đứng từ trái sang phải Lê Xuân Thiệu, Huỳnh Ái Tông, Đoàn Khị Kim Cúc, chị Thu Nhi, chị Nguyễn Thị Ngân ngồi thứ 2 tù phải sang trái và các em Thiếu nữ GĐPT Giác Minh, Giác Hoa ...

Sau nầy ra ngoại quốc, tôi có gặp chị Thu Nhi tại một hiệu bán hoa tươi của chị, rồi sau đó chị xuất gia là Ni cô Huệ Tâm và trở về Phan Thiết tịnh tu.

Mấy hôm trước từ Huynh trưởng Quảng Pháp Trần Minh Triết cho biết tin từ chị Dung Kiều, ni sư Huệ Tâm bệnh từ lâu nay rất yếu. Sau cùng được tin từ chị Hồng Loan cho biết Ni Sư  Huệ Tâm đã xã bỏ báo thân, an nhiên về cõi tịnh ngày 16 tháng 5 năm 2025 tại quê nhà.

Xin hãy nguyện cầu cho Giác Linh Ni sư Huệ Tâm an nhiên nơi cõi Tịnh.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

(1) Bài nầy đúng ra đăng vào Trang nhà AHVN nhưng do không upload được, nên tôi đăng vào đây.







Wednesday, May 14, 2025

Nhớ người

Hôm nay tôi có thì giờ ngồi trước máy vi tính tìm hình ảnh những người quen biết xưa, người đầu tiên là anh Lê Đình Cần bạn cùng lớp Đệ ngũ D niên học 1958-1959 tại Trung học Kỹ thuật Cao Thắng 65 Đỗ Hữu Vị (nay là Huỳnh Thúc Kháng) Sàigòn, 

Lê Đình Cần - Huỳnh Ái Tông

Anh Hồ Ngọc Thu, thứ nam của thầy Hồ Văn Vầy giáo sư Trung học kỹ thuật Cao Thắng, Thu và tôi cùng học chung lớp Đệ Ngũ D Trung Học K Thuật Cao Thắng, cùng lớp với Cần. Ra đơn vị tôi gặp Thu ở Đại Đội 21 Quân Cụ sau cải biến thành Đại Đội Bảo Toàn Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, đóng quân tại Sóc Trăng. Thu kèm cập tôi uống bia từ đó. Sau Thu và tôi cùng là giáo sư Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn.

Hồ Ngọc Thu - Huỳnh Ái Tông

Anh Bửu Cầu, bạn đồng ngũ với tôi ở Trung đội 39, Đại Đội 10, Tiểu Đoàn Đoàn 3 khóa 27 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cũng là đồng ngũ với Trần Văn Nhựt.


Bửu Cầu - Huỳnh Ái Tông tại chùa Linh Phong Đà Lạt

Trần Văn Nhựt cũng là đồng ngũ ở Trường Bộ Binh, Trường Quân Cụ, ngày nay Nhựt định cư ở West Virginia, sát với tiểu bang của tôi, nhưng nếu lái xe chắc cũng phải 2 hay 3 giờ đồng hồ mới tới, Nhựt và tôi chỉ gặp nhau khi về Việt Nam, còn ở Mỹ chỉ gọi điện thoại thăm hỏi nhau.

Tông - Nhựt tại Sàigòn

Anh bạn cùng đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử với tôi từ những năm 1958, đó là anh Nguyễn Huy Nghiễn, anh cũng là Hướng Đạo sinh, sinh hoạt trong Tráng Đoàn của Huynh Trưởng Trần Trung Du.

                  
Thiện Chí Trần Trung Du         Phúc Ân Nguyễn Huy Nghiễn - Phúc Trung Huỳnh Ái Tông

Huỳnh Hữu Ủy và tôi quen nhau ở trong tù cải tạo Kà-Tum, chúng tôi thường uống trà với bác Phạm Ngọc Quỳnh, tôi là B Trưởng của B11, C 3, D 2 tại Kà-Tum vào những năm 1976 -1977, trước đó tôi ở tại Trãng Lớn, Tây Ninh. Bác Quỳnh là thủ kho của Khối, cũng như Huỳnh Hữu Ủy ra trại vào khoảng tháng 10 năm 1977 (vì trại giải thể, do Kampuchea đánh sang biên giới năm 1977)

Huỳnh Ái Tông  và Huỳnh Hữu Ủy

Vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1976 tôi bị đưa từ Trại Cải Tạo Trãng Lớn lên rừng Kà-Tum ở Tây Ninh để học tập cải tạo, đến đó tự đi rừng đốn cây, tre, nứa, cắt tranh xây dựng lán trại để ở, cho đến 19-6-1977, tôi mới được tam tha về theo diện “hồi hương lập nghiệp” nhờ có sự giúp đỡ của anh Vũ Hữu Thuận là trại viên thuộc B 39 của tôi. 

Trước đó anh Thuận ở Tiểu Đoàn 5, Tiểu Đoàn nầy bị giải thể nên anh được đưa về nhập vào Trung đội tôi, khi ấy anh bị bệnh, hàng ngày tôi phải thăm bệnh tình của anh để báo cáo quân số ai bệnh, ai khỏe để phân công đi lao động. Sau khi anh khỏe mạnh lại, anh cho tôi biết anh muốn giúp tôi về sớm, bằng cách báo cho người nhà xin cho tôi hồi hương lập nghiệp hoặc cả gia đình xin đi vùng kinh tế mới, tôi có một trong 2 giấy ấy, thân nhân của anh sẽ giúp tôi về sớm.

Gia đình tôi đã xin giấy cho tôi hồi hương lập nghiệp ở xã Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh Long Xuyên nên tôi được về sớm vào dịp 2 tháng 9 năm 1977, nhưng mãi cho tới 16-9-1977, tôi mới nhận được giấy và tiền đi đường từ Trảng Lớn về tới nhà ở Sàigòn.

Khi tôi về tới nhà, anh Thuận đã được về trước tôi và anh đã vượt biên sang Houston, sinh sống một thời gian rồi anh đã mãn phần từ lâu.

Một người bạn khác là Huỳnh Hữu Lộc, năm 1962 tôi thi rớt Tú Tài 1, bị ở lại lớp nên học chung với Huỳnh Hữu Lộc, thân nhau từ đó, sau 1975 Lộc vượt biên bị bắt ở Bến Tre, rồi ông Võ Văn Kiệt lãnh về Sàigòn, sau Lộc trở thành đại gia, nổi tiếng về xây dựng với cọc nhồi, Lộc bệnh ung thư, đi Singapour chữa khỏe lại và đã mất từ lâu.

Từ trái qua phải: Nguyễn Tấn Á, Huỳnh Hữu Lộc, Tông, Minh, Bửu, Chiếu.

Trần Xuân Minh với tôi không hề có học chung lớp, về sau nầy là bạn học chung trường nên thân nhau, Đặng Vĩnh Bửu có ông ngoại là thầy dạy ở Cao Thắng, nên quen biết rồi chơi thân với chúng tôi, Nguyễn Minh Chiếu học cùng với Lộc, sau chúng tôi 1 năm, nay thì đều là bạn cùng trường.

Nguyễn Tấn Á với tôi cùng thi đậu vào Trung học kỹ thuật Cao Thắng năm 1956 nhưng không có học chung năm nào, có biết nhau nhưng không chơi thân với nhau. Á có người em là Nguyễn Tấn Việt, kỷ sư anh ta đi săn bị lạc đạn mà mất ở Đa Nhim, biết đâu bị thủ tiêu không ? Á trước theo VC có vào bưng, sau đó anh ta bỏ hàng ngũ CS trở về với Quốc Gia. Trong một tiệc nhậu, Á nhái theo anh hồi chánh có tên tuổi thuở đó, tuyên bố từ bỏ CS trở về hàng ngũ QG.

Còn có Nguyễn Văn Hướng, học sau chúng tôi 1 năm, sau khi ra trường anh làm cho hãng CARIC, hãng nầy nằm bên kia sông Sàigòn, gần bến phà Thủ Thiêm. Hướng chơi rất thân với chúng tôi.

Tông, Hướng, Bửu, Minh, Chiếu ăn tại nhà hàng góc đường An Dương Vương-Lê Hồng Phong

Một người nữa tôi muốn nói tới là Vũ Thế Ngọc, tôi học năm thứ 4 ở Đại Học Vạn Hạnh thì có Vũ Thế Ngọc (Ngọc nhỏ hơn tôi 8 tuổi) và Mai Vi Phúc năm đó ở lại lớp, nên chúng tôi quen biết nhau từ đó, thỉnh thoảng tôi còn gặp Vũ Thế Ngọc lúc đi thăm Hòa Thượng Tuệ Sỹ, lúc uống cà-phê vĩa hè ở góc đường Đồng Khởi và Nguyễn Du với vài văn nghệ sĩ khác có khi có Nguyễn Quốc Thái.

Huỳnh Ái Tông, Vũ Thế Ngọc, HT. Tuệ Sỹ

Một người nữa là Nguyễn Quốc Thái, rất tiếc tôi không nhớ rõ tôi quen biết anh từ khi nào và ở đâu ? Hình như là ở quán cà-phê 27 đường Nguyễn Thị Diệu gần chợ Đũi, quận Ba, Tp. HCM. Hình như do tôi đi uống cà-phê với Từ Hoài Tấn, hôm ấy gặp Nguyễn Quốc Thái, Nguỵ Ngữ, Nguyễn Thanh Vân và quen biết nhau từ đó. Từ Hoài Tấn khi còn nhỏ ở nhà người Dì đi học, tôi có dạy kèm cho Tấn về Toán đố.

Từ Hoài Tấn, Huỳnh Ái Tông, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Quốc Thái và nhà văn Ngụy Ngữ

Lâu lâu điểm lại, để nhớ tới những người bạn hoặc có quen biết nhau, đều là duyên mà có.

866414052025