Sau khi tốt
nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Phú Thọ Sàigòn, tôi đi dạy học trước tiên là dạy
ở trường Trung học kỹ thuật Y-Út ở Banmêthuột là một trong những trường kỹ thuật
do Viện trợ Mỹ cung cấp cho dân tộc thiểu số, nên trường có nội trú, học sinh người
Chăm ở Phan Rang lên học, còn học sinh người Thượng gốc Rhadé hay Bana ... ở Banmêthuột,
Kontum, Pleiku, các em đi học được ăn ở miễn phí, có học bổng hàng tháng và có
quần áo hàng năm, có tiền xe đi lại vào dịp lễ nghỉ hoặc bãi trường.
Khi thi vào
trường CĐSPKT năm 1964, tôi được đậu vớt với thứ hạng 12, trong đó 10 người là
chính thức và 2 là dự khuyết, nhưng khi nhập học, kể cả tôi là có 7 người về
sau anh Nguyễn Mạnh Hoạt có học bổng du học ở Pháp, nên chỉ còn lại có 6 người
học mà thôi. Đó là các anh Nguyễn Văn Bài, Nguyễn Văn Đước, Nguyễn Đức Lộc, Lương
Văn Nhơn, Trịnh Như Tích và tôi.
Khi ra trường
năm đó chỉ có 4 nhu cầu, nên chúng tôi được phân bổ: anh Nguyễn Văn Bài về trường
kỹ thuật An Giang, anh Lương Văn Nhơn về trường kỹ thuật Vĩnh Long, tôi về trường
kỹ thuật Banmêthuột, anh Trịnh Như Tích đi xa hơn ra trường kỹ thuật Đà Nẵng, còn
lại anh Nguyễn Văn Đước và Nguyễn Đức Lộc tiếp tục học thêm 2 năm để ra giáo sư
Đệ Nhị Cấp. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Đước được phân bổ về Trường Kỹ
thuật Bà Rịa rồi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Tây Ninh, sau đó anh đã mất. Còn
anh Nguyễn Đức Lộc về Trường kỹ Thuật Việt Đức, nay anh sinh sống tại chợ Thủ Đức.
Năm 1968, tôi
bị động viên đi khóa 27 Thủ Đức, đó là khóa sau cùng mang số thứ tự, sau đó là
khóa 1/68, 2/68… học cơ bản quân sự 3 tháng ở Quang Trung, mang alfa rồi mới vào
quân trường Thủ Đức, vì thời đó chiến tranh lan rộng, cần đào tạo sĩ quan cấp bách,
trước đó đào tạo sĩ quan trên 10 tháng, từ sau khóa 27 chỉ còn có 8 tháng mà
thôi.
Ra trường tôi
được tiếp tục học khóa đào tạo sĩ quan cơ bản Quân Cụ, rồi khóa sĩ quan Quân
Xa. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan Quân xa vào tháng 4 năm 1969, tôi được phân bổ về
vùng IV chiến thuật, tại đây tôi được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, đóng tại Sóc
Trăng, về đến đơn vị cũng là lúc cải tổ thành Đại Đội Bảo Toàn của Tiểu Đoàn 21
Tiếp Vận thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Tướng Vĩnh Nghi chỉ huy, có căn cứ tại một
Trung Tâm huấn luyện Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, nằm trên đường đi Bãi Xào,
còn cách Đài Phát Thanh Ba Xuyên chừng 500 thước, qua cánh ruộng nhỏ, bên kia là
chùa Dơi.
Nhưng tại Đại
Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, tôi được phân bổ làm Trung Đội Trưởng Sửa
Chữa, đóng quân nằm cạnh Trung Đoàn 32 của Đại Tá Chung Văn Bông tại thị xã Cà
Mau (đóng quân tại sân Quần vợt, trước Ty Tiểu Học, cách chợ Cà Mau chừng 100
thước, cách Ty Cảnh Sát cũng khoảng đó).
Vài tháng
sau, tôi được đổi về Hậu cứ làm Trung đội Trưởng Hậu cứ rồi được biệt phái về lại
Trung học Kỹ Thuật Y Út Banmêthuột. Rồi cứ đủ ngày tháng được công nhận là Thiếu
Úy, sau Thiếu Úy 2 năm là được công nhận là Trung Úy nhưng sau đó muốn lên Đại Úy
phải có thâm niên tại ngũ trong quân đội. Theo tổ chức quân đội ngày xưa, tốt
nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, lên cấp bậc cuối cùng là Đại Tá mà thôi, vì nó
thuộc TRỪ BỊ, không phải hiện dịch như Trường Sĩ Quan Đà Lạt, là trường chánh
quy.
Hồi xưa tôi có vài tấm ảnh mặc quân phục, nay tôi chỉ có tấm ảnh bán thân mang quân hàm chuẩn úy và tấm ảnh mặc quân phục khi đi phép về Sàigòn trong lúc đang học ở quân trường, tại đường Phùng Khắc Khoan quận Nhất khi đi phép, chờ xe chở về trường trong khi còn thụ huấn ở quân trường Thủ Đức.
Về Trường kỹ
thuật Y Út Banmêthuột, tôi có tấm ảnh chụp chung với anh Đống Văn Quan Hiệu Trưởng
và ông Nguyễn Văn Anh Tổng Giám Thị.
Về trường Kỹ
thuật Nguyễn Trường Tộ, tôi còn tấm ảnh chụp khi bàn giao chức vụ giữa anh Phạm Văn
Tài và tôi có sự chủ tọa của ông Trần Ngọc Thái, Giám Đốc Nha Học Chánh Sàigòn.
Sau đó là hình ảnh chụp kỷ niệm sau tiệc
Tống Cựu Nghênh Tân ở Xa lộ gần cầu Phan Thanh Giản, có sự tham dự của ông Hội
Trưởng Hội Phụ huynh và Giáo sư Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.
Tấm ảnh chụp
chung với giáo sư và nhân viên sau khi trường được tiếp thu tháng 5 năm 1975.
Một thời đã
qua hay là một thời đáng nhớ, nay tuổi già sức yếu, chạnh nhớ đến ngày xưa một
thời khi còn trẻ, tất cả đều để lại Việt Nam vào ngày 2-4-1991 khi từ giả người
thân và bạn bè tại phi trường Tân Sơn Nhất, đáp chuyến bay Air Việt Nam bay
sang Bangkok, vào tạm trú tại nhà tù của Bộ Nội Vụ Thái Lan, dùng để giam giữ
những người ngoại quốc, hưởng chế độ tù: ăn cơm trắng với hột gà kèm theo chút
muối bọt và tô canh lỏng bỏng vài cọng rau xanh.
866414052025
No comments:
Post a Comment