Pages

Monday, April 21, 2025

Bỗng Dưng

Hôm nay bỗng dưng tôi nhớ đến anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường (1918-2008), ai cũng cho rằng anh là một trong những người đã thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ năm 1947, nhưng theo anh Lê Lừng có lẽ những ngày đầu của Gia Đình Phật Tử chúng ta phải xem xét lại, khách quan mà nói nó phát xuất từ gia đình Bác sĩ Lê Đình Thám, trong đó có con của Bác Sĩ như chị Lê Thị Ngọc Anh (Mẫn Em), Lê Thị Thể Dư, Lê Ðình Luân, Lê Ðình Liêm, Lê Ðình Lực, đều là con bác sĩ tâm Minh; Lê Ðình Kiền, Lê Ðình Cũng (cháu gọi bác sĩ là bác); Hồ Ðắc Lệ, Hồ Ðắc Bích (em bà bác sĩ) và Lê Lừng. Tham gia có 4 anh chị ở trước mặt nhà Bác sĩ là anh Tạo, chị Thúy ... các em ở trên xóm Từ Ðàm, như Nguyễn Tấn Phước, Nguyễn Ngọc Loan v.v...


Nguyên Hùng Võ Đình Cường (1918-2008)

Trước đây ở Việt Nam, có lần tôi gặp anh Lê Đình Duyên trong một buổi lễ ở chùa Già Lam, Gia Định, khi tôi mới đi học tập cải tạo về, trong đó có cả anh Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, anh Duyên là con trai lớn của Bác sĩ Lê Đình Thám, anh Duyên là thân phụ của Lê Đình Du, phu quân của Lê Dương Mỹ.

Nhớ tới anh Cường cũng làm cho tôi nhớ tới chị Cường, có lần Ban Hướng Dẫn Trung Ương họp Tam Cá Nguyệt ở Đà Lạt thuộc Miền Khuông Việt, lần đó có chị Cường, chị Lữ Hồ cùng đi. Có lẽ vì vậy mà chị Cường biết tôi, nên sau nầy anh Cường mất rồi, tôi đi thăm chị Cường, chị đã tiếp tôi, chị em trò chuyện thân mật.

Chị Võ Đình Cường và tôi

Còn anh Nguyễn Hữu Huỳnh có cậu con trai là Nguyễn Hữu Hồng Đức, năm 1960 đoàn Huynh Trưởng A Dục đi tham quan Đà Lạt anh Huỳnh cho Hồng Đức đi theo, vì anh Huỳnh bận điều khiển Đoàn nên Hồng Đức theo tôi, rồi từ đó sau khi về Sàigòn, Hồng Đức cứ muốn tôi đến nhà chơi với em, nên gia đình anh Huỳnh và tôi thân thiết nhau hơn. Anh Huỳnh có người em thứ 3 sinh sống trên đường Võ Văn Tần gần rạp Nam Quang, người em thứ 4 sinh sống ở Banmêthuột, có cửa hàng Trúc Lâm nằm trên đường gần chợ và ngó xéo qua rạp chiếu bóng Lodo.


Rạp chiếu bóng LODO Thị xã Banmêthuột

Từ khi tôi rời thành phố Banmêthuột năm 1970, đổi về dạy học ở Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn, năm 1972, tôi có trở lại đó 1 lần làm Thư ký Hội Đồng thi Tuyển sinh lớp Đệ Thất (lớp 6) Trung Học Kỹ thuật Banmêthuột, lần đó tôi muốn uống rượu Cần cho biết, nên đã đi thăm ông Y Braham, nguyên là Hiệu Trưởng của Trường, cũng nguyên là Phát ngân viên, tôi tỏ ý muốn uống rượu Cần cho biết. Ở nhà không có, ông phải cho người nhà đi mượn của người khác cho tôi uống.


Uống rượu Cần

Ông ta giải thích rằng rượu Cần làm bằng cơm nguội, uống với cái cần bằng ống tre, ống trúc. Có 2 cách uống, uống rượu lễ là người ta rót nước vào bằng cái chén hay cái tô, người ta rót hết bao nhiêu mình uống hết bấy nhiêu, còn uống thường là mình uống tới đâu thì ra hiệu cho người rót biết để ngưng.

Nghe nói có em Y Tlung Arul, có học Trường Bách Khoa Trung Cấp Sàigòn, sau về Trường làm Giáo viên, sau đó em đã mất. Còn có một em người Chăm ở Ninh Thuận, nghe đâu sau nầy em chuyên buôn bán đất đai, nhà cửa trở nên đại gia là Não Ngọc Anh.

Trường Banmêthuột nay tôi còn nhớ có anh Y Niêng được tuyển vào làm nhân viên tạp vụ và anh Y Huân Nié làm Giám thị và có một anh là Quản Đốc Ký Túc Xá (lâu ngày tôi quên tên – vì Ký túc xá sau thuộc Bộ Sắc Tộc quản trị), nhà bếp có ông Nghi và ông Hóa.

Nơi trường nầy, nay tôi còn nhớ ông bà Hiệu Trưởng Đống Văn Quang, chị Quang là giáo viên Tiểu học, chị bị bệnh chi đó nên đi lại rất chậm, sau anh chị đổi về Sàigòn rồi li dị nhau, anh di tản sang Úc đã lập gia đình khác, anh Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ, phụ tá Hiệu Trưởng Kỷ sư Nguyễn Văn Quán, ông bà Giám thị kiêm Thủ Kho Nguyễn Văn Anh, Phụ Tá kỹ thuật Nguyễn Hữu Phòng, Trưởng Phòng Hành Chánh ông Hảo, Thư ký: chị Tuyết, cô Dung, cô Lan, anh Tuấn.

Có 2 giáo sư người Chăm dạy tại trường là anh Quảng Đại Khẩn, sau 1968 anh Khẩn bỏ dạy vào khu theo phong trào Fulro và anh Quảng Đại Hội, sau 1975 anh Hội về Sàigòn buôn bán chợ Trời.

Có ông Mỹ cố vấn lâu ngày tôi quên tên và cô Mỹ làm việc thiện nguyện là cô Diana, sau cô thành hôn với anh Quang là giáo sư dạy Anh văn Trung học Tổng Hợp Banmêthuột, hình như sau 1975 cập vợ chồng Việt-Mỹ nầy, định cư ở Virginia.

Ở Banmêthuột tôi vẫn còn nhớ chùa Khải Đoan (ghép tên vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng hậu) với con đường đi bên hông trường, men theo đó xuống suối Đốc học rồi lên tới chợ. Chợ Banmêthuột thuở đó, trong chợ có những sạp bán rau, thịt cá chen lẫn với nữ trang vàng, bạc. Người Thượng từ trong buôn làng ra chợ chỉ mặc khố, để ngực trần rất tự nhiên và họ thích mang nhiều nữ trang trên người.    

 
      Vợ chồng người Thượng (Radhé)                                Cô gái Thượng                    

Tôi đã  ở Banmêthuột từ năm 1966 đến 1970, thời đó không an ninh, phía Đông chỉ đi đến phi trường Phụng Dực, phía tây chỉ đi đến chùa Khải Đoan, phía Nam chưa đì đến cầu 14, còn phía Bắc chưa đi khỏi thành phố.

Xung quanh Banmêthuột thời đó chỉ có rừng và đồn điền cao-su, có đường đi xuống Khánh Dương về Nha Trang, có đường đi Kontum, đường về Nam chỉ đi tới cầu 14, đường phía Tây hình như đi về ngã 3 biên giới, nhưng không an ninh.


Cầu tại cây số 14 đường về Sàigòn QL 13 nên có tên gọi là Cầu 14

Ngày nay Banmêthuột trong tôi còn nhớ chút ít nhiều, chỉ có hình ảnh chị Phượng và cô em gái cô Sương, hai chị em có sạp bán báo tại nhà ở gần cuối chợ cũng gần Ty Cảnh Sát.

Ngày nay mọi thứ đều mờ nhạt trong tôi, chỉ có lục tìm hình ảnh trên Mạng mà thôi.

866421042025






Sunday, April 6, 2025

Tình cờ

Hôm nay xé tờ lịch, tình cờ thấy có chữ SI HOANG ở phố thị Phú Quốc, làm cho tôi nhớ đến nhà may Sĩ Hoàng danh tiếng một thời ở chốn Sàigòn phồn hoa văn vật từ thập niên 1970, nằm trên đường Gia Long, xeo xéo cửa Bộ Kinh Tế, Sĩ Hoàng là con trai của chị Trần Thị Kim Dung, tôi nhớ thời gian đó, tôi có gặp chị ở đâu đó, đã cùng đi ăn sáng, chị lại hẹn gặp tôi vào buổi chiều muộn để xuống bến tàu, đi tàu du lịch ban đêm trên sông Sàigòn, từ bến tàu, tàu sẽ chạy theo sông Sàigòn, qua cầu Bình Triệu rồi trở về, tiếc quá tôi đã nhận lời nhưng vì lý do nào đó không thực hiện được.

Tôi nhớ năm vừa rồi về Việt Nam, Đặng Văn Nữu đưa tôi đi chơi, có ghé thăm chị Tuyết Trinh và chị Kim Dung, có chụp 1 tấm ảnh với 2 chị để kỷ niệm.

Tông, chị Minh Dung, chị Tuyết Trinh,anh Đặng Văn Nữu

Chị Tuyết Trinh năm 1955 khi thành lập Gia Đình Phật Tử Giác Minh, chị làm Liên Đoàn Trưởng đầu tiên của Gia đình nầy, sau đó năm 1956 một số sang chùa Phước Hòa sinh hoạt thành lập Gia Đình Phật Tử Minh Tâm tại đây và anh Bạch Vọng Giang làm Liên Đoàn Trưởng. Đến năm 1960, anh Bạch Vọng Giang nghỉ sinh hoạt, tôi từ Gia Đình Phật Tử Giác Minh sang đó sinh hoạt giữ chức Liên Đoàn Phó, Quyền Liên Đoàn Trưởng, chị Tuệ Tâm làm Liên Đoàn Phó, chị Minh Dung là Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Nữ, chị Thanh Minh là Đoàn Trưởng Đoàn Nữ Oanh Vũ, được vài tháng tôi ngưng sinh hoạt để trở về sinh hoạt với Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam, giữ chức vụ Phó Tổng Thư Ký, rồi năm sau làm Tổng Thư kỳ nhiều nhiệm kỳ cho Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm, cho đến năm 1973.

Nhìn lại, tôi đã sinh hoạt với GĐPT Giác Minh, Minh Tâm, Giác Dũng, Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa (1960-1964), Đoàn Huynh Trưởng GĐPT Thủ Đô A DỤC do anh Phan Cảnh Tuân làm Đoàn Trưởng, anh Nguyễn Hữu Huỳnh làm Đoàn Phó, có đi tham quan Đà Lạt năm 1960.

Đà Lạt Giáng Sinh 1960

Tháng Giêng năm 1964, sai cuộc Cách mạng thành công, Bác Đỗ Văn Giu làm Trưởng Đoàn, tôi là Huynh Trưởng trực đã hướng dẫn một phái Đoàn ra tham quan Huế theo lời mời của GĐPT Trung Phần, lần đó chúng tôi có tham quan cổ thành Quảng Trị, cầu Bến Hải, viếng chùa Thiên Mụ, cũng có đi thuyền và tắm trên sông Hương. Riêng bác Giu hình như có đi ngủ đò trên sông Hương, sáng sớm bác trở về chùa Linh Quang nơi phái đoàn tạm trú, mang theo một mớ khoai lang luộc, bọc trong chiếc khăn tay, mở khăn ra khoai còn bốc khói.


Hội Trường Chùa Từ Đàm Huế tháng Giêng năm 1964

Tôi còn có nhiều lần đến Huế trong phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, đi Tour Miền Trung tham quan động Phong Nha, Kẻ Bàng, tham quan Hội An, Đà Nẵng.

Lại còn được tham quan Đà Lạt trong phái đoàn Huynh Trưởng A Dục vào Giáng Sinh năm 1960, không kể những chuyến đi khác với gia đình, với chùa chiền với nghỉ dưỡng của công ty thuộc công đoàn.

Nha Trang, tôi nhớ năm 1963, tham gia biểu tình, nhiều người bị nhà cầm quyền bắt, tôi sợ mình cùng bị bắt nên trốn ra Nha Trang ở 2, 3 tuần, có hôm ra Ninh Thuận ở 1, 2 ngày. Những người bạn tôi thuở đó như Trúc Hải Phan Văn Bưởi, Nguyễn Khánh Thuận, quen biết nhau ở Sàigòn rồi ra trường được phân bổ ra Nha Trang, Ninh Thuận vào thập niên 1960, nay họ đã qua đời từ lâu, người bị tai nạn, người tuổi già.

 Hôm nay tự nhiên nhớ chuyện xa xưa, nhớ đến Trúc Hải nên nhớ tới chị Trúc Hải trước đây sống với con gái là Phan Phước Thảo ở Nha Trang, sau hình như về lại Cam Ranh, nơi anh Hải có nhà ở đó. Tôi đã Điện thư cho Thảo để hỏi thăm sức khỏe chị Hải và gia đình Thảo với anh trai của Thảo (tôi quên tên), mong rằng Thảo sẽ nhận được email của tôi.

Tôi có 2 nhóm bạn GĐPT: Nhóm đầu tiên là anh Vui, anh Thống, anh Ngô Mạnh Thu và tôi, nhóm kế theo là anh Trúc Hải - Phan Văn Bưởi, anh Nguyền Khánh Thuận, anh Lê Xuân Thiệu và tôi, cả 3 anh đều đã quá vãng. Chúng tôi đều là những Huynh Trưởng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm có trụ sở tại chùa Giác Minh, sau nầy là chùa Vĩnh Nghiêm.

Nguyện cho những anh chị quá vãng sớm vãng sanh về cõi an lạc và cầu nguyện cho những người còn sinh tiền luôn được khỏe mạnh, hạnh phúc.

866406042025







Tuesday, March 25, 2025

Sự thay đổi kỳ lạ

Mấy tuần trước, tôi thấy trong tinh thần tôi có sự thay đổi kỳ lạ và nó có ảnh hưởng đến thể xác. Tôi thấy hình như mình có sự lãng quên hoặc là do sự lãng quên của người già hay nói khác hơn là tiến trình của lão hóa hoặc là do bệnh Alzheimer, cả hai thứ tôi đều chưa có kinh nghiệm, nói đến kinh nghiệm là khi nào mình đã trải qua.

Do vậy, tôi cần phải học hỏi, học ở đâu ? Hỏi nơi nào ? Còn đâu nữa, hỏi Google hoặc là ChatGPT mà thôi. Rồi tôi nghi mình bị Alzheimer. Vấn đề chống lão hóa, tôi thường xuyên đi bộ thể dục, trừ mùa Đông khí trời lạnh không thể ra ngòai được thì đi trong Mall, nhưng từ khi ở Việt Nam tôi không thể đi bộ vì khu tôi ở bị người ta lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, không thể đi trên vỉa hè, ở Mỹ muốn đến Mall phải lái xe chừng 10 phút, cũng là trở ngại vì tôi từng gây tai nạn, phải bỏ một chiếc xe, nay không có xe riêng lái đi.

Tôi làm Website hay viết Blog là để cho bộ não phải làm việc, tôi nghĩ viết ngoài sự cảm xúc còn phải sử dụng trí não để nhớ chuyện nọ, chi tiết kia, không thể viết hàng ngày thì cũng vài ba hôm viết một bài để cho có bài vở đăng trên Blog.

Trong thời gian đó, tôi thấy đầu óc tôi hình như quên quên, nhớ nhớ chớ nó không yên ổn nhớ chuyện nọ chuyện kia. Có khi ngồi vào bàn ăn, nhìn món ăn biết đó là món mình đã ăn, nó ở trước mắt nhưng không biết tên gọi là chi.

Mọi ngày tôi vẫn sáng sớm sau khi thức giấc, dậy súc miệng, rửa mặt, pha cà-phê, pha trà, thay nước cúng Phật, cúng ông bà rồi ngồi thiền, xong thời công phu uống cà-phê, uống trà, ăn Oatmilk.

Bưổi trưa vào lúc 15 giờ tụng một thời kinh luân phiên hôm nay là Kinh A Di Đà, ngày mai là kinh Pháp Hoa phẩm thứ 25: Quán Thế Âm.

Từ ngày ở Việt Nam về vào 20-12-2024 cho đến nay tôi vẫn làm như thế, hôm qua tôi bổng nhớ ra là tôi đã quên bẵng đi tập thể dục: Phép vẫy tay.

và bài tập 12 thế Dịch Cân Kinh.


Tập Dịch Cân Kinh trước sân Thiếu Lâm Tự

Như vậy là trong suốt 3 tháng tôi đã quên mất việc tập luyện nầy, đó là lão hóa hay triệu chứng của Alzheimer ?

Lão hóa thì không sợ vì nó sẽ đi từ từ, ai cũng thế nhưng Alzheimer đáng sợ, vì có ngày mình sẽ tự hỏi mình : Tại sao tôi ở nơi nầy ? Đây là đâu ? Nhà mình ở đâu ? …

Hình như hôm qua, tôi bắt đầu phục hồi chút ít, tôi nhớ tới việc Tập Vẫy tay, và các thế Dịch Cân Kinh, nhưng không nhớ thế cuối cùng, tôi đang tìm lại nó ở trên Mạng, hy vọng sẽ được như ý.

866425032025






Thursday, March 20, 2025

KHÔNG THỂ XÓA TÊN SÀI GÒN

 Nguyễn Ngọc Huy

I/ NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA TÊN SAIGON.

Trong “Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị” của ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài tức là củi thổi, Gòn: tên loại cây cỏ bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm. Về địa danh Sàigòn thì Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị ghi: tên riêng của đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé.

Ðịnh nghĩa Sài Gòn của quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị cho ta thấy rằng tên Sài Gòn trước đây dùng để chỉ vùng Chợ Lớn hiện nay, còn vùng mà ta gọi là Sài Gòn hiện nay thì trước đây lại gọi là Bến Nghé. Ðiều này được xác nhận nhờ hai người Anh là Crawford và Finlayson đã đến vùng này năm 1922. Cứ theo lời những người này thuật lại thì Sài Gòn và Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết là Bingeh hay Pingeh) là hai thành phố phân biệt nhau và cách xa nhau độ 1 hay 2 dặm, Bến Nghé là nơi đồn binh và đạt cơ quan chánh phủ, còn Sài Gòn là trung tâm thương mãi và là nơi cư ngụ của người Hoa kiều và các thương gia (tài liệu của Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises tức là Tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2). Vậy, Saigon và Bến Nghé là hai thành phố phân biệt nhau và có hai tên khác nhau đàng hoàng, nhưng đến khi người Pháp chinh phục ba tỉnh phía đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sàigòn để chỉ đất Bến Nghé cũ, mà họ dùng làm trung tâm hành chánh, vì Bến Nghé là một tiếng khó cho người ngoại quốc phát âm hơn Sài Gòn. Người Việt Nam bắt buộc phải theo họ mà gọi Bến Nghé là Sàigòn, còn vùng trước đó gọi là Sài Gòn thì được gọi là Chợ Lớn theo một cái tên mà sử gia Phan Khoang trong bộ Việt Sử, Xứ Ðằng Trong, cho là dường như đã có từ đời vua Gia Long.

Cũng theo quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của thì tên Sàigòn có nghĩa là củi gòn. Nhà học giả Trương Vĩnh Ký đã theo thuyết này mà ông cho biết là dựa vào bộ Gia Ðịnh Thông Chí của ông Trịnh Hoài Ðức. Trong tập Souvenirs historiques, ông Trương Vĩnh Ký lại kể lại rằng người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng ấy năm 1885.

Sau ông Trương Vĩnh Ký, còn có ông đốc phủ Lê Văn Phát đi xa hơn trong thuyết kể trên đây. Theo ông Lê Văn Phát thì trước đây, vùng Sài gòn Chợ Lớn hãy còn bị rừng bao phủ và tên Sài gòn có lẽ phát xuất từ tên Khmer Prei Kor tức là Rừng Gòn (Forêt des Kapokiers). Prei Kor là tên mà người Khmer dùng để gọi một địa phương mà trọng tâm là Chùa Cây Mai ở Phú Lâm ngày nay. Mặt khác, ông Lê Văn Phát cũng cho biết rằng người Lào (mà ngôn ngữ gần như ngôn ngữ Thái) đã gọi vùng này là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái cũng có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn (Brousse des kapokiers).

Thuyết về nguồn gốc tên Sài gòn của các học giả Việt Nam trên đây sau này đã bị một số học giả khác bác bỏ. ông Vương Hồng Sến trong bộ Sàigòn Năm Xưa cho biết rằng theo tiếng Khmer thì Kor có nghĩa là gòn mà cũng có thể có nghĩa là con bò, và Prei Kor có thể là Rừng Bò chứ chưa ắt hẳn là Rừng Gòn.

Mặt khác, các nhà học giả Pháp nghiên cứu về nước Cam.Bu.Chia đã tìm được trong bộ sử chép tay của nước ấy một dữ kiện quan trọng về vùng này. Theo bộ sử ấy, năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đã đến Cam.Bu.Chia xin vua Cam.Bu.Chia cho đặt một số sở thuế ở vùng Prei Nokor va` Kas Krobey. Vua Cam.Bu.Chia lúc ấy có một hoàng hậu la` con gái chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bởi đó, ông đã chấp nhận lời yêu cầu của chúa Nguyễn.

Theo ông Etienne Aymonier thì Nokor là xứ, quốc gia và Prei Nokor là rừng của vua (forf royale). Nhưng linh mục Tandart lại bảo rằng tiếng Nokor do tiếng nam phạn Nagaram mà ra, và có nghĩa là Thành phố của rừng hay thành phố ở giữa rừng (ville de la forêt). Bởi vậy theo ông, Prei Nokor có nghĩa là thành phố.

Nhà học giả Pháp Louis Malleret khi nêu ra tài liệu về Prei Nokor đã dựa vào ý nghĩa của tiếng Khmer này theo linh mục Tandart để bác bỏ thuyết của các học giả Việt Nam trước đó cho rằng Sàigòn có nghĩa là Củi Gòn. Ông đã theo ý kiến của một người Pháp khác là Maurice Verdeille theo đó tiếng Sàigo`n có lẽ phát xuất từ tiếng Tây ngòn có nghĩa là cống phẩm của phía tây (tribut de l’ouest). Tiếng Hán Việt có nghĩa là cống phẩm của phía tây nếu đọc theo Việt Nam là Tây Cống và Tây Ngòn hẳn là Tây Cống, nhưng phát âm theo giọng Trung Hoa. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này là vì ông đã dựa vào một dữ kiện lịch sử do ông Trịnh Hoài Ðức chép lại, là khi Cam Bu Chia bị phân ra cho hai vua thì cả hai vua nầy đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor, vốn là thủ đô của vua thứ nhì từ năm 1674 (trong khi vua thứ nhứt đóng đô ở Oudong ở phía bắc Nam Vang).

Một tác giả khác, ông Vương Hồng Sển, nhắc lại trong quyển Sài Gòn Năm Xưa rằng người Hoa Kiều đã tập trung vào vùng Chợ Lớn ngày nay để mua bán năm 1778 sau khi Cù Lao Phố (gàn tỉnh lị Biên Hòa ngày nay) là nơi được thành lập để mua bán từ cuối thế kỷ thứ XVII, đã bị Tây Sơn phá tan khi họ kéo vào đánh Miền Nam. Sau khi thành phố này đã vững, người Hoa Kiều đã đáp thêm bờ kinh Chợ Lớn, cẩn đá cho cao ráo kiên cố. Và có lẽ để ghi công việc này, họ đặt tên chỗ mới này là Ðề Ngạn, tức là bờ sông cao dốc trên có đe ngăn nước. Ðề Ngạn là tiếng Hán Việt, chớ người Trung Hoa phát âm theo giọng Quảng Ðông thì nói thành Tài Ngon hay Thầy Ngồn. Ông Vương Hồng Sển cho rằng tiếng Sài Gòn chính do Thầy Ngồn mà ra.

Về đất Bến Nghé thì người Trung Hoa gọi là Xi Cong. Ông Vương Hồng Sển cho rằng đó là họ đọc trại lại tiếng Saigon của ta và khi viết ra Hán văn thì họ dùng hai chữ mà ta đọc là Tây Cống.

Vậy, có ba thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của tên Saigon:

Thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát: Sàigon do tiếng Khmer Prei Kor mà ra, và có nghĩa là củi gòn.

Thuyết của ông Louis Malleret: Saigon do tiếng Tây Ngòn, tức là Tây Cống phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là cống phẩm của phía tây.

Thuyết của ông Vương Hồng Sển: Sài gòn do tiếng Thầy Ngồn tức là Ðề Ngạn phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Còn về tiếng Tây Cống, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng nó chỉ được người Trung Hoa dùng sau này để phiên âm lại tên Sàigòn sau khi tên này được dùng để chỉ đất Bến Nghé cũ.

Ba thuyết trên đây cái nào cũng có vẻ có lý phần nào nhưng thực sự, không cái nào có thể làm cho chúng ta hoàn toàn thỏa mãn. Như thế có lẽ vì những người nêu ra các thuyết ấy đã quên để ý đến cách ông bà chúng ta đặt các địa danh ở Nam Kỳ trước đây. Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong việc đạt địa danh này, ông bà chúng ta đã theo một số nguyên tắc:

1- Các cụ có thể phiên âm một địa danh Khmer đã có và bỏ dấu cho thành tiếng Việt Nam. Thí dụ như Psar Deck thiếng Khmer là Chợ Sắt đã được các cụ gọi lại là Sa Ðéc, hay Me So tiếng Khmer là Người Ðàn Bà Ðẹp hay nàng Tiên được các cụ gọi là Mỹ Tho. Trong một bài kỷ niệm ngày 30 tháng tư, đăng trong tờ Việt Báo, ông Phạm Nam Sách khi nói về tỉnh Ba Xuyên đã nhắc đến một địa danh mà ông nói là là Bảy Sào, Bải Sào, Bảy Sau hay Bải Sau chi đó. Thực sự đó là Bải Xào, một tiếng phát xuất từ tiếng Khmer Bai Xao có nghĩa là Cơm Sống. Ðịa danh này sở dĩ có là vì trong trận đánh nhau với người Việt Nam, người Khmer đã thua chạy về đến đó và ngừng lại nấu cơm ăn, nhưng cơm chưa kịp chín thì quân Việt Nam lại kếo đến và người Khmer phải bỏ chạy. Ðể đánh dấu việc này, họ gọi đất đó là Cơm Sống, tiếng Khmer là Bai Xao và các cụ ta bỏ dấu thêm thành Bải Xào.

2- Các cụ có thể dịch nghĩa một địa danh Khmer đã có. Thí dụ như tên Bến Nghé phát xuất từ tiếng Khmer Kompong Krabei có nghĩa la Vũng Trâu. Theo sử Khmer mà ông Malleret viện dẫn thì ngoài Prei Nokor, vua Cam.Bu.Chia còn cho chúa Nguyễn đạt sở thuế ở Kas Krobey. Chữ Krobey rất gần Krabei, và có thể Kas Krobey với Kompong Krobei cũng là một và có nghĩa là Vũng Trâu, Bến Trâu gì đó.

3- Nhưng tên theo hai loại trên đây là do người Việt Nam bình dân đặt ra khi mới đến một địa phương, về sau, khi đã có nhiều người Việt Nam ở và triều đình Việt Nam đặt ra các đơn vị hành chánh, thì triều đình lại dùng tiếng Hán Việt như Trấn Biên, Phiên Trấn, Phước Long, Phước Tuy v.v… Mặt khác, khi viết sử hay viết sách địa lý mà gặp một tên nôm do người bình dân đã đặt, các cụ đã dịch phăng nó ra tiếng Hán Việt chớ ít khi chịu chép tên nôm. Như Ba Giỗng, các cụ dịch là Tam Phụ và Bến Nghé, các cụ dịch lại là Ngưu Chử khi chép vào sách chớ không chịu viết tên nôm là Ba Giồng, Bến Nghé.

Nếu lấy các qui tắc đặt địa danh của các cụ ngày xưa làm tiêu chuẩn dể suy luận thì ta thấy ngay các thuyết trên đây về nguồn gốc và ý nghĩa của Sàigòn không ổn.

Nếu các cụ ta ngày xua muốn dịch tiếng Khmer Prei Kor ra tiếng Việt thì các cụ đã dùng tên Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn để đạt cho địa phương này, chớ không ghép một tiếng Hán Việt là Sài với một tiếng nôm là Gòn để thành Sàigòn, cũng nhu khi dịch Kompong Krabei ra tiếng Việt, các cụ đã gọi là Bến Nghé chớ không nói Tân Nghé, Chử Nghế hay Ngạn Nghé (Tân, Chử và Ngạn là những tiếng Hán Việt có nghĩa là cái cồn nhỏ, bến sông, bờ sông). Nếu bảo rằng gòn là một loại cây không có tên Hán Việt và các cụ đã dùng tên ấy như tiếng Hán Việt thì các cụ đã theo văn phạm Hán Việt mà gọi Củi Gòn là Gòn Sài chớ không thể gọi là Sài Gòn

Chữ Sài là tiếng Hán Việt có nghĩa là Củi, nhưng cũng chữ ấy mà dùng làm chữ nôm thì lại đọc là Thầy. Vậy, nếu đọc theo tiếng nôm hoàn toàn hai chữ mà ông bà chúng ta dùng để chỉ tên đất ta đang nghiên cứu thì ta có Thầy Gòn. Tên này rất gần với Tây Ngòn hay Thầy Ngồn là những tiếng Hán Việt Tây Công hay Ðề Ngạn đọc theo giọng Trung Hoa.

Nhưng các cụ ngày xưa rất sính dùng tiếng Hán Việt. Ðến như tiếng nôm hoàn toàn là Ba Giồng, Bến Nghé mà các cụ còn nhứt định phải dịch ra là Tam Phụ, Ngưu Chử khi viết vào sách vở thì không lý do gì các cụ lại không dùng các tiếng Hán Việt đã sẵn có là Tây Cống hay Ðề Ngạn, mà lại dùng tiếng Thầy Gòn là tiếng phiên âm theo giọng của người Trung Hoa.

Vậy, các thuyết kể trên đây đều không vững cả.

Cuối cùng, chỉ còn một dấu vết nhỏ trong các tài liệu nói về ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giúp ta một lối thoát: đó là việc ông Lê Văn Phát cho biết rằng người Lào đã gọi vùng Chợ Lớn ngày nay là Cai ngon, mà Cai ngon theo tiếng Thái có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn. Chúng tôi không biết tiếng Lào hay tiếng Thái nên không thể xác nhận được ý nghĩa của Cai Ngon theo tiếng Thái, nhưng nếu quả đúng như ông Lê Văn Phát nói thì tên Sàigòn do ông bà ta phiên âm từ tiếng Thái Cai Ngon và bỏ dấu theo giọng Việt Nam như thông lệ.

Xét về mặt nguyên tắc đạt địa danh của ông bà chúng ta ngày xưa, thì vấn đề này có thể kể là tạm giải quyết. Nhưng nghi vấn còn lại là tại sao lại có tiếng Lào hay tiếng Thái lọt vào đây? Hiện nay, không có nhiều tài liệu lịch sử giúp chúng ta có một sự hiểu biết rộng rãi và chánh xác về thời kỳ người Việt Nam mới vào ở đất Nam Kỳ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện sau đây để suy luận:

Vào đầu thế kỷ XVII, nước Cambodia đã bị người Xiêm (Thái Lan hiện nay) uy hiếp nặng nề, và chính vì muốn dựa vào người Việt Nam để chống lại Xiêm mà vua Chey Chetta II đã đi cưới công chúa Ngọc Vạn (là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu năm 1620, rồi đén năm 1623 lại để cho chúa Nguyễn đạt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nay.

Vùng Chợ Lớn chỉ trở thành một vùng thương mãi thạnh vượng từ năm 1788 với khối người Hoa Kiều tụ tập về đó sau khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn phá hủy. Vậy, lúc chúa Nguyễn mới đạt cơ sở thuế hơn 150 năm về trước vùng này chưa có mua bán gì nhiều.

Người Việt Nam chỉ vào ở Nam Kỳ nhiều từ khi có lực lượng của ông Trần Thượng Xuyên đóng thường trực để bảo vệ cho họ từ năm 1680. Vậy, lúc chúa Nguyễn đạt sở thuế ở vùng Chợ Lớn ngày nay, hơn 50 năm trước đó, chưa có đông người Việt Nam và chưa có sản xuất nhiều lúa gạo để bán.

Như thế, cơ sở thuế của chúa Nguyễn chắc chỉ đánh vào một vài sự buôn bán nhỏ, không quan trọng lắm, và do đó mà vua Cambodia đã dễ dàng cho chúa Nguyễn thâu lấy nguồn lợi này, chớ nếu có sự mua bán quan trọng và quyền lợi thuế vụ lớn thì vua Cam Bu Chia lúc đó vốn còn hoàn toàn độc lập với chúa Nguyễn, chắc không phải chấp nhận dễ dàng lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Vậy, sự mua bán đó dựa vào móng hàng gì? Có thể một trong những món hàng được buôn bán thời đó là gòn, vì vùng này có nhiều cây gòn, có lẽ không nhiều đến thành rừng, nhưng cũng đạt mức quan trọng để có thể gọi là rừng chổi được. Người Xiêm có thể đã đến đó mua gòn để đem về nước dồn gối, dồn nệm. Một ít thương gia Xiêm có thể đã có mặt ở vùng này trước khi chúa Nguyễn đạt sở thuế tại đó, và vì thấy vùng này có nhiều cây gòn, họ gọi nó là Cai Ngon tức là Rừng Chổi Cây Gòn, rồi các viên chức Việt Nam liên lạc với họ để đánh thuế lúc mới đến đã theo họ mà gọi đất này là Sài Gòn, thay vì phiên âm hay dịch nghĩa tên Khmer của địa phương này.

Về cái tên Khmer này, các học giả đã không đồng ý kiến với nhau, người thì nói là Prei Kor, người thì nói là Prei Nokor. Ông Malleret đã dựa vào sử Khmer mà bảo đó là Prei Nokor và theo linh mục Tandart để dịch Prie Nokor là thành phố của rừng. Vì không biết tiếng Khmer và văn phạm Khmer, chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này, nhưng vẫn thấy có những chỗ không ổn.

a- Nếu Prei Kor có nghĩa là Rừng Gòn hay Rừng Bò thì văn phạm Khmer cũng như văn phạm Việt Nam đặt tiếng rừng lên trên, tiếng phụ nghĩa cho rừng ở dưới. Như vậy Prei Nokor dịch ra là rừng của vua như Aymonier thì vẫn hợp với văn phạm đó, còn dịch ra như linh mục Tandart là thành phố giữa rừng thì lại đi ngược với văn phạm đó rồi. Hiểu theo văn phạm như nói trên đây thì Prei Nokor là rừng của thành phố mới phải, nhưng tên Rừng của Thành Phố thì cố nhiên là không có ý nghĩa gì.

b- Mặt khác, nếu Prei Nokor là thành phố giữa rừng hay rừng của vua thì nó chỉ có thể có từ năm 1674 là năm mà vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đến đặt sở thuế tại đó thì đất này hãy còn là một thị xã nhỏ, không có vua ở nên không thể mang tên Prei Nokor là thành giữa rừng hay rừng của vua được.

Do các nghi vấn trên đây, chúng ta thấy rằng thuyết của ông Malleret không vững. Và chúng ta có thể đưa ra giả thuyết khác: địa điểm mà vua Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đặt sở thuế vẫn tên là Prei Kor vì nơi đó có nhiều gòn và là nơi mua bán gòn, nhưng sau đó, khi vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia đến đóng đô tại đó, nó có tên mới là Prei Nokor (hiểu theo nghĩa là rừng của vua hay thành phố giữa rừng đều được cả). Các sử gia Cam-Bu-Chia sau này chép lại việc cho chúa Nguyễn đến địa phương này đặt sở thuế đã chép lại tên Prei Nokor mà họ được biết nhiều hơn mà bỏ tên Prei Kor đi. Với giả thuyết này thì ý nghĩa và nguồn gốc tên Sài Gòn có thể giải quyết được: đó là một tên phiên âm từ tiếng Xiêm Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chổi Cây Gòn, và phù hợp với tên Khmer nguyên thủy Prei Kor cũng có ý nghĩa tương tự.

Vì không biết ngôn ngữ và văn phạm Khmer và Thái (Xiêm) nên chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này và chỉ xin nêu ra những nhận xét trên đây. Chúng tôi mong ước rằng có vị nào thông thạo tiếng Khmer hay tiếng Thái lưu tâm đến vấn đề này để làm sáng thêm ý nghĩa và nguồn gốc tên Saigon yêu dấu của chúng ta.

(Viết vào thập niên 80's).

Hình ảnh Sài Gòn xưa

Trích từ trang Việt Nam Quê Hương Tôi cùa Nguyễn Tấn Lộc :

http://nguyentl.free.fr

Vietsciences

22/09/2005 Nguyễn Ngọc Huy

 

Tuesday, March 18, 2025

Ca sĩ Mỹ Linh

Mấy hôm nay, do tôi được nghe ca sĩ Mỹ Linh hát trong Youtube bài Mùa xuân đó có em, tôi ái mộ giọng hát Mỹ Linh, nhà tôi cho biết Thu Hường hát bài đó cũng hay, nên tôi cũng đã nghe qua và tôi cũng nghe Quang Lập hát bài hát nầy, đáng nghe.

Do ái mộ, nên tôi tìm hiểu về ca sĩ Mỹ Linh, tên thật là Đỗ Mỹ Linh sinh ngày 19 tháng 8 năm 1975 tại Hà Nội thành hôn với nhạc sĩ Anh Quân năm 1998, họ có với nhau 2 người con là Trương Anh Duy và Trương Mỹ Anh và con riêng của Anh Quân là Anna Trương hay Trương Mỹ Hà.


Ca sĩ Mỹ Linh và chồng nhạc sĩ Anh Quân

Trương Anh Duy, Trương Mỹ Anh, Anh Quân, Anna Trương Mỹ Hà, Mỹ Linh

Vài tấm ảnh của Mỹ Linh:







Mời nghe ca khúc Mùa xuân đó có em



https://www.youtube.com/watch?v=jBqlkSh1Vho


Sunday, March 16, 2025

Tôi nghĩ mình bị Alzheimer ?

Chừng 2 năm nay, tôi nghi ngờ mình bị Alzheimer và đang ở giai đoạn nào ? Nên tôi lên mạng dùng ChatGPT tìm hiểu:

 Người bị alzheimer làm sao biết ở giai đoạn nào ?

ChatGPT said:

Bệnh Alzheimer có 7 giai đoạn theo thang đo của Tiến sĩ Barry Reisberg (thang Global Deterioration Scale – GDS). Dưới đây là cách nhận biết từng giai đoạn:

Giai đoạn 1: Không có suy giảm trí nhớ

  • Người bệnh hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu nào của Alzheimer.

Giai đoạn 2: Suy giảm trí nhớ rất nhẹ (giai đoạn tiền lâm sàng)

  • Hay quên những điều nhỏ nhặt như tên người quen, vị trí đồ vật.
  • Vẫn tự sinh hoạt bình thường, chưa ảnh hưởng đến cuộc sống.

Giai đoạn 3: Suy giảm trí nhớ nhẹ

  • Khó nhớ từ ngữ khi nói chuyện, quên tên người mới gặp.
  • Gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, tổ chức công việc.
  • Bắt đầu có dấu hiệu mất tập trung, làm việc chậm hơn trước.

Giai đoạn 4: Suy giảm trí nhớ trung bình

  • Gặp khó khăn khi thực hiện công việc phức tạp như quản lý tài chính, nấu ăn theo công thức.
  • Quên các sự kiện quan trọng trong đời.
  • Có thể bắt đầu thay đổi tâm trạng, trầm cảm hoặc thu mình.

Giai đoạn 5: Suy giảm trí nhớ khá nghiêm trọng

  • Cần hỗ trợ trong các hoạt động hàng ngày như chọn quần áo, ăn uống.
  • Quên địa chỉ, số điện thoại, có thể đi lạc.
  • Vẫn nhớ tên mình và người thân rất thân thiết.

Giai đoạn 6: Suy giảm trí nhớ nghiêm trọng

  • Cần giúp đỡ trong việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân.
  • Nhận diện người thân bị hạn chế, có thể quên cả vợ/chồng, con cái.
  • Tâm trạng thay đổi thất thường, có thể bị hoang tưởng, kích động.

Giai đoạn 7: Suy giảm trí nhớ rất nghiêm trọng (giai đoạn cuối)

  • Mất khả năng giao tiếp, đi lại, nuốt thức ăn.
  • Hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc.

Không chủ quan, tôi nghĩ mình có thể đang ở giai đoạn 2 mà thôi. Nếu thế cũng đáng mừng.

Vì có hôm xem ảnh cũ chụp vào tháng 5 năm 1975, thấy có 29 người nhưng có 1 người tôi không nhớ tên người đó.

                    Giáo sư và nhân viên Trung Học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, tháng 5 năm 1975

Nhớ lại một sự kiện đi Chiêm bái Phật tích Ấn Độ năm 2019 cách nay đã 6 năm, có 6 người, hình ảnh những người đó hiện ra trong trí nhớ, nhưng tôi không thể nhớ tên của người mình muốn biết tên ! 


Tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ tháng 3 năm 2019

Chính vì vậy làm cho tôi nghi ngờ mình bị Alzheimer hơn là bị quên lãng.


Chiêm Chiêm bái Phật Tích tại Ấn Độ và Nepal năm 2019


                                                                                                                       866416032025






Friday, March 14, 2025

Những hình ảnh xưa

 



Học lớp Nhứt E với Thầy Châu Văn Tính ở Trường Nam Châu Đốc 1956

Lớp Đệ Thất E Niên khóa 1956-1957 Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sàigòn

Lớp Đệ Nhị A Niên khóa 1961-1962 Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sàigòn

          Lớp Đệ Nhị A Niên khóa 1961-1962 Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sàigòn

Tiệc tống cựu nghênh tân Hiệu Trưởng THKT Nguyễn Trường Tộ năm 1974

Tiệc tống cựu nghênh tân Hiệu Trưởng THKT Nguyễn Trường Tộ năm 1974

Các Tân Khoa Cử Nhân Văn Học VN, Anh Văn, Báo chí năm 1973

Các Tân khoa Cử nhân Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1973

Tiệc mừng Tân Khoa Cử Nhân năm 1973 tại nhà Lý Trương Quang

Tư Quỳnh Đại Diện Ủy Ban Quân Quản Tp. HCM nhận bàn giao Trường THKT NTT & TTCN PĐP

Bửu Cầu bạn đồng ngũ khóa 27 Thủ Đức hội ngộ tại chùa Linh Phong Đà Lạt
(cùng Trung đội 39 với Trần Văn Nhựt)

Ngày mới sang Louisville 10-4-1991

HT. Thích Tâm Châu tại Louisville

Sư Bà Hải Triều Âm tại Đại Ninh, Lâm Đồng

HT. Thích Minh Châu phát bằng Cử Nhân Văn Học Việt Nam VĐH Vạn Hạnh
HT. Thích Thanh Từ tại tịnh thất Đà Lạt

HT. Tuệ Sỹ tại Thi Ngạn Am, Già Lam Gia Định

Sư Bà Huệ Giác, Cô Tám, Cô Hương Nhũ, Cô Ba Bình Đại và Sư Tâm Giới từ VN sang thăm

Cùng Pauline con riêng của Chị Hai tôi tham quan cung điện Verseille ở ngoại ô Paris năm 2017

Đi chùa Nam Thiên ở Sydney, Úc 2018

 
Lumbini thuộc Nepal, nơi đức Phật đản sinh 624 TTL, tham quan năm 2019

Đi chùa Thái ở Florida 2019

 
866414032025