Pages

Tuesday, April 30, 2019

Tình bạn


Mặc dù tôi uống trụ sinh, uống Vitamin Becossa theo lời cô Mai chỉ dẫn, nhưng vẫn chưa được khỏe hẳn, định hôm nay và ngày mai nghỉ dưỡng sức để về Mỹ, ít nhất ngồi máy bay từ Tân Sơn Nhất tới Narita của Nhật cũng phải mất 6 tiếng, từ Narita bay về Dallas cũng mất 12 tiếng và từ Dallas về nhà cùng mất thêm 2 tiếng. Sáng sớm 5 giờ ra phi trường, về tới nhà cũng khoảng 11 giờ đêm, lức đó là 11 giờ trưa hôm sau giờ Việt Nam.

Vậy mà sáng sớm hôm nay 29-4-2019, Đặng Vĩnh Bửu đã gọi tôi, cho biết Trần Xuân Minh muốn mời vài anh em tới, uống vài ly chia tay. Làm sao từ chối được, đành phải hẹn buổi trưa 12 giờ tại 203 Đào Duy Từ. Nhà tôi khuyến khích: “Anh em có lòng, mời thêm vài người nữa cho vui.” Tôi nhắc Bửu nhớ gọi Nhiều và Đinh Bá Phát, tôi gọi Lâm Văn Tấn. Tấn nhận lời, nhưng sau đó từ chối vì có đám giỗ, không dứt ra được.

Chúng tôi không có ai nhiều, vẫn Trần Xuân Minh, Đặng Vĩnh Bửu, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Minh Chiếu, Minh cho biết Phát không thể tới vì “tài xế” đi khỏi. Thôi thì cây nhà, lá vườn. Chúng tôi vui vẻ tiệc chia tay từ 12 giờ tới 3 giờ chiều chia tay. Trong lúc chén tạc chén thù, Chiếu hỏi tôi: “Ngày mai có rảnh không ?” Tôi biết Chiếu muốn mời một tiệc khác. Tôi phải từ chối ngay: “Xin lỗi ngày mai tôi khóa sổ rồi để chuẩn bị ngày mốt lên đường.”


Tông, Chiếu, Hướng, Minh

Lịch của tôi như thế rồi. Vậy mà sáng sớm ngày 30-4-2019, Lê Thanh Ánh gọi tới : “Có rảnh không đến quán cà-phê 7B gặp anh em trò chuyện cho vui.” Hợp với tôi, vì tôi vừa ham vui, vừa thích gặp bạn bè.

Nhà tôi mấy lần định gặp vợ chồng Lê Thanh Ánh hoặc ở quán Ca-phê  7B hay quán Cây Tre, nhưng chưa thuận tiện gặp nhau, nay Ánh gọi tôi hỏi ngay: “Có bà xã đi không ?” Ánh trả lời ngay: “Có”. Ngại bạn hiểu lầm tôi phải giải thích ngay : “Nhà tôi muốn gặp để thăm hỏi bà xã ông, mấy lần định hẹn gặp mà chưa làm được, nên tôi phải hỏi để đưa nhà tôi đến.” Ánh khuyến khích: “Ừ ! Đến đi có bà xã Đinh Bá Phát nữa.” Nhưng khi báo cho nhà tôi chuẩn bị đi thì nhà tôi cho biết: “Sáng sớm mà em nhờn nhợn muốn ói. Thôi thì anh đi gặp anh em cho vui. Cho em gửi lời thăm chị Ánh nghe !”

Hôm trước, sau khi Điển mất anh Thới, vợ chồng Ánh, Tấn và tôi đã uống cà phê tại quán 7B một lần rồi. Lần nầy tôi vào khu đó tìm, nào là đường số 2, số 4, số 6, số 8, số 7 nhưng hỏi nhiều người đường 7B ở đâu ? Họ đều ngớ ra trả lời không biết. Tôi phải tìm một anh xe ôm đang ngồi ở góc đường số 7 anh ta chỉ cho tôi: “Chạy thẳng tới cây đèn xanh đèn đỏ, quẹo tay phải sẽ thấy đường 7 B.

Tìm được đường 7B chỉ là một đoạn ngắn, chạy tới lui 2, 3 lần tôi vẫn không nhận ra cái quán đã ngồi hôm trước, cũng chẳng thấy vợ chồng Ánh đâu cả, cuối cùng tôi nhìn thấy Hòa, Hòa nhìn thấy tôi, tôi dừng xe lại, thấy Ánh cũng vừa đỗ xe cho bà xã xuống. Chúng tôi dựng xe, ngồi vừa xong thì bà xã Phát chở Phát đến.

Chúng tôi ngồi “tán dóc”, chuyện trên trời, dưới đất, nắng mưa không quên nhắc tới ngày 30 tháng 4 của 44 năm về trước, nhắc tới nhà văn Dương Thu Hương, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, ông Trump và chú Kim Jong Un vừa mới xử tử hình 4 cán bộ cấp cao đã dự hội nghị với Trump ở Hà Nội ...  cho đến gần 11 giờ trưa mới chia tay. 

Anh chị Lê Thanh Ánh, tôi, Phạm Văn Hòa, anh chị Đinh Bá Phát

Tuổi già chỉ có giữ tâm hồn thanh thản, vui với gia đình và bè bạn. Vui vẻ thì sống thọ.

8664300419








Monday, April 29, 2019

Một chút dấu xưa


Sáng nay đưa nhà tôi đi chợ Bến Thành mua một ít bánh kẹo của cửa hàng Hòa Lợi đem về cho các con cháu ở Mỹ. Trong khi chờ nhà tôi vào chợ mua vài bộ quần áo cho con gái, tôi đứng chờ trên đường Lưu Văn Lang, nơi đây vào năm 1948 hay 49 tôi đã trú ngụ 5, 7 ngày tại số 36, đường Sabouraine, đó là địa chỉ của Nhà thuốc Nhành Mai, thuốc dán hiệu Con Rắn. Người miền Nam xưa ai cũng từng nghe biết 2 hiệu thuốc đó cũng như dầu Nhị Thiên Đường ở Phú Lâm hoặc dầu Cù là Mac-Phsu ở đường Lê Thánh Tôn.


Hôm nay cổng và cẩu làm nhà ga Bến Thành dọn dẹp, nên tôi thấy nhà Chú Hỏa rõ hơn.


Tôi chạy xe ngang qua Bệnh viện Đa Khoa, nhớ tới Bót Lê Văn Ken, Bệnh Viện Sàigòn, rạp ciné Vĩnh Lợi, những kios sách cũ bên hè Bộ Công Chánh, nay chỉ còn lại có Bệnh viện là hình bóng cũ của Sàigòn năm xưa mà thôi.

Bệnh viện Sàigòn xưa và nay

Về đến nhà như dự tính, tôi mang quyển Câu hò miền Nam đến Cư xá Lữ Gia biếu cho thầy Cù An Hưng. Năm kia đến thăm, Thầy đã cho tôi quyển Trại Súc Vật cùng quyển 1984 của tác giả George Orwell (1903-1950).

Đến nhà Thầy, tôi không nhớ rõ địa chỉ, nên hỏi người cùng dãi phố, có cô gái tận tình chỉ cho tôi nhà Thầy, có nhiều cây mai trồng trong chậu, đến nơi thấy số 22/33, có lẽ đó là số của đường Lữ Gia, Phường 15, quận 11.

Tôi bấm chuông, đợi một chốc không thấy động tnh tôi lại gõ vào tấm che kèm cửa sắt, thêm một hồi lâu, nghe tiếng hỏi: “Có chi không ?” Nhìn kỷ qua khung lưới thấy khuôn mặt Thầy hiện ra nơi đó, tôi trả lời ngay: “Dạ ghé thăm thầy.” Thầy đáp ngay: “Xin lỗi ! Tôi bận quá ! Phải đi ngay bây giờ !”.

Tôi đưa qua khe hở túi nylon, trong đó có quyển sách và nói:

- Xin biếu Thầy quyển sách.

- Cám ơn.

Thầy lấy rồi đi vào, tôi cũng lên xe đi tìm thăm Nghi Yên.

Vì không có địa chỉ, tôi phải đi tìm, vào sai một con hẽm, phải đi vòng qua con hẽm khác mới nhìn thấy nhà Nghi Yên. Có lẽ từ trong nhà anh nhìn thấy tôi dựng xe nên anh đi ra mở cổng, hỏi: “Tìm ai ?” Tôi chưa kịp trả lời, anh ta nhận ra tôi, tự trả lời ngay: “Huỳnh Ái Tông đây mà !”


Lần nầy trông thấy Nghi Yên khỏe mạnh hơn lần trước. Tôi bỗng nghĩ sao trời oi bức quá, vậy mà trông thấy thiền sư Nhất Hạnh, Nghi Yên khỏe ra. 

Chúng tôi trò chuyện, nhắc tới Trưởng Nguyễn Quang Vui, nhắc tới Triết Trần vừa mới nhờ tôi viết bài về Ngô Mạnh Thu, Nghi Yên hỏi tôi có gặp Tịnh Uyển Nguyễn Thị Oanh, Thiện Linh Đặng Văn Nữu. Còn nữa nhắc tới Nguyễn Hữu Vũ Cương đã lập gia đình và theo vợ đi Mỹ định cư.

Trong khi trò chuyện thì vợ Nghi Yên là Nhiễu cùng con gái đi chợ về, chúng tôi lại trò chuyện tiếp, bên ngoài trời đỗ cơn mưa, nhờ đó thời tiết bớt oi bức.

Nhìn đồng hồ thấy đã 12 giờ, cơn mưa đã nhẹ hạt, tôi chào vợ chồng Nghiễn ra về nghỉ ngơi, để buổi chiều đi họp mặt do Thành và Mai mời, nhân có cô Mỹ từ Pháp về thăm nhà.

Đến hơn 5 giờ 30, tài xế Thành mang xe đến đón tôi. Đường phố xe cộ vắng vẻ hơn ngày thường. Phố đã lên đèn. Khi đến nhà hàng không thấy có ai lạ, hỏi ra cô Mỹ đã đi du lịch ở Phan Thiết, nên không tham dự, mặc dù cô Mai đã sắp đặt, hẹn trước.


Bữa cơm tối nay còn có vài người không tham dự được, như Đặng Đình Quốc Bảo đang du lịch thăm con ở Canada, Nguyễn Hữu Lộc e ngại người ta nghĩ Lộc dự tiệc mừng 30 tháng 4. Còn Bắc Sơn xin phép vắng mặt vì bận việc riêng, nên chúng tôi dự họp mặt chỉ có anh chị Nguyễn Hữu Bi, anh Nguyễn Văn Bính, anh chị Ngô Đức Duyệt, anh chị Nguyễn Xuân Tâm, sau cùng có người đến trễ là cô Nguyễn Thanh Tâm, vợ chồng Thành Mai và tôi. Nhà tôi cũng không dự được vì còn bị cảm, chưa thật sự khỏe mạnh.
 


Họp mặt tuy ít người, nhưng rất vui và ấm cúng. Đến hơn 8 giờ, tiệc tàn. Tâm đưa anh Bính về, Thành-Mai đưa anh chị Bi về, còn tôi được tài xế Thành của Thành đưa về. Thành và tôi trao đổi về xứ Banmêthuột, quê hương của Thành, đó cũng là nơi tôi khởi nghiệp nhà giáo của mình với những em học sinh ngưòi Thượng, người Chàm, người Thái của tôi như Y Tà-Lung Arul, Thạch Văn Mè, Não Văn Anh, Vương Ngọc Nha, Linh Ký Nam …

Hôm nay là ngày Chủ nhật 28-4-2019, do là trong những ngày lễ, người ta đã về quê hay đi du lịch, cho nên đường phố Sàigòn vắng vẻ hơn những ngày cuối tuần khác. Ngồi trong xe, nhìn đường phố nhớ tới vài chục năm trước, người ta chạy loạn, người ta tìm đường bỏ xứ ra đi. Thấm thoát vậy mà đã 44 năm qua rồi, vết thương đã từ từ lành lại tùy theo nổi khổ đau của từng người.  
8664290419    





  

Thursday, April 25, 2019

Quán Cà phê khu Cầu Trắng


Hôm qua đi Bù Húc thăm 2 cô em và các cháu về, trời oi bức quá làm cho tôi bị cảm nắng. Đáng lẽ ra tôi không đi ra ngoài hôm nay, nhưng nghĩ tới vài hôm nữa về Mỹ rồi, có muốn gặp bạn cũng không có cơ hội, nên tôi gọi Grab đi đến quán Cà phê mà các bạn hẹn ước mỗi sáng Thứ Năm họp mặt tại đó.

Đó là quán Sinh tố Cà phê 88, ngay góc đường Nguyễn Quý Cảnh và đường số 7 Phường An Khánh, Quận 2.

Muốn đi tôi phải dùng Grab, gọi Grab đã có app của Grab, điểm đi do định vị GPS chỉ ra nhưng điểm đến người đi phải cho địa chỉ, tôi đi vài lần chỉ biết số 88 nhưng không rõ đây là địa chỉ thuộc đường Nguyễn Quý Cảnh hay đường số 7, lên mạng dò tìm, nó không phải là 88 của đường Nguyễn Quý Cảnh mà cũng chẳng phải của đường số 7, thực ra nó là số 85 đường số 7. Đi đến đây, nếu đi từ Cầu Sàigòn, xuống dốc cầu sẽ gặp Cầu Đen qua khỏi Cầu Đen chừng 200 m là Cầu Trắng, quẹo phải qua Cầu Trắng là đường Song Hành, qua Song Hàng quán cà phê 88 nằm bên tay trái có 2 mặt tiền trên đường Nguyễn Quý Cảnh và đường số 7.

Nơi đây gặp nhau là những đồng môn học sinh Kỹ thuật Cao Thắng hoặc Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, trước 1975 họ dạy ở các trường kỹ thuật Việt Nam, làm ở Điện Lực hoặc Xi măng Hà Tiên.

Hôm nay ngày Thứ Năm 25-4-2019, tôi đến nơi thì đã có các anh Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Xuân Thới, Nguyễn Đức Lộc ngồi ở bàn cà phê, còn có Trần Văn Mẫn đi ra ngoài, một chốc anh trở lại, sau cùng là Thái Thí.

Tông, Mẫn, Thái Thí, Dưỡng, Thới, Lộc

Lần nào anh Thới đến cũng mua theo một nãi chuối cao sáp luộc, vài củ khoai lang luộc hôm nay có thêm bánh tráng ngọt Bến Tre đã nướng và Mẫn đem theo một hộp đậu phộng da cá.

Anh Dưỡng cho biết Lê Đình Cần tháng 6 sẽ về lại, rồi anh gọi cho tôi nói chuyện với Nguyễn Hữu Phòng, vì Phòng và Dưỡng cùng học Ban Kỹ nghệ Sắt ở Bách khoa, ngày đám cưới của Phòng, chỉ có Phòng, Dưỡng và một anh nữa đi máy bay xuống Rạch Giá làm đám cưới, nên họ thân nhau.

Chúng tôi ngồi đến hơn 10 giờ, Thái Thí về trước, sau đó anh Thới về để đưa thằng cháu nội đi học rồi chúng tôi chia tay nhau.

Hôm nay khi đi cũng như lúc về tài xế đều dùng xa lộ Đông Tây, ít đèn xanh, đèn đỏ, đường thênh thang dễ chạy xe. Chuyến về tôi quay video khi xe chạy trong đường hầm, tiếng động cơ rất ồn, tôi cũng chụp vài tấm ảnh ghi hình cao ốc 81 tầng.


Đường dẫn vào đường Hầm qua sông Sàigòn.


Bệnh viện Nhiệt đới.


Bệnh viện Tâm Thần, tục gọi là Nhà thương điên Chợ quán, trước 1945, Pháp đã cho an trí Huỳnh Phú Sổ tại nhà thương nầy một thời gian.


Về tới nhà, tôi phải đi nằm nghỉ ngay vì hôm qua bị say nắng, hôm nay trước khi đi tôi đã uống 2 viên Tylenol. Gặp nhau một buổi, nhưng tình cảm sẽ còn tồn động dài lâu, nhất là những bạn già càng ngày càng khó gặp vì tuổi già sức yếu, bệnh hoạn và rời xa ta không hẹn ngày tái ngộ.

8664260419





 

Đi thăm bà con

Về Bù Húc thăm hai cô em.

Năm ngoái tôi đã đến Bù Húc nay là xã Phong Hòa Huyện Lai Vung tỉnh Đông Tháp tìm thăm bà con bên ngoại. Tôi đã gặp được một chú và 2 cô em. Họ và tôi cùng đầu ông bà cố.

Do lần trước nhà tôi thấy cháu bé Tư, buôn bán lam lũ, dùng tay trần tiếp xúc với nước đá lâu ngày, tay bị chai, nên nhà tôi mua một ít cặp gang tay, vì thế cần đến thăm để cho cháu dùng.

Cũng như hai lần trước, hôm nay Thứ Tư 24-4-2019, chúng tôi ghé nhà cô Tám là mẹ của cháu bé Tư, cô Tám và bé Bảy lăng xăng nấu ăn, lại chuẩn bị hái trái cây của vườn nhà để cho tôi mang về, nào là chuối, xoài, cam, bòn bon, nhãn, mận. Có thứ cháu bé Bảy hái của vườn nhà, có thứ về đến nhà rồi tôi mới biết là cháu đi mua.


Cô Tám cho biết cô Bảy không được khỏe, nên sau khi dùng cơm, trước khi về Sàigòn, tôi đi thăm cô Bảy, mới được biết rằng cháu ngoại của cô dính đến chuyện dùng ma túy, nên cô thương cháu lo đến ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Tôi khuyên cô “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, vì mẹ cháu thương cháu quá, chìu cháu quá nên cháu hư, bây giờ cô có lo cũng chẳng làm được gì, ráng giữ gìn sức khỏe, đừng để đỗ bệnh lại báo các cháu.
 
Cô Trương Thị Bảy và nhà tôi

Cô Bảy nầy bằng tuổi tôi, cô Tám bằng tuổi nhà tôi. Anh em bên ngoại tôi chẳng có nhiều, ai cũng tuổi già sức yếu cả. Tôi định lần nầy đưa 2 cô đi thăm chị của tôi, do cô Tám nhắc, lâu rồi không gặp lại chị tôi. Nhưng tôi không sắp xếp được.

Thăm cô Bảy, lại gặp cháu Mai là con út của cô, lấy chồng ở Biên Hòa về chơi với đứa con trai, hỏi ra cháu ở gần Cầu Hang và thỉnh thoảng đi Quan Âm Tu Viện, nơi chúng tôi thường đi chùa nầy.

Bé Bảy, cháu Mai, tôi, cô Bảy và cháu ngoại

Cô Bảy với tôi, anh em chuyện vãn một lúc rồi từ giả ra về. Tôi dự định ghé thành phố Mỹ Tho cho nhà tôi thăm cô Mỹ Chiêu, vì nghe cô bệnh.

Ghé Mỹ Tho và đi Bình Thạnh, Gia Định thăm các Cô, Thím

Đến Mỹ Tho, chúng tôi phải ghé nhà em trai của cô ở đường Lê Lợi, chú ấy mắt năm ngoái chúng tôi có đi đám tang, nay còn thím và con trai ở nhà, thím phải ngồi xe đưa chúng tôi đến nhà cô Bảy Chiêu, ở đường Phan Hiển Đạo, cách nhau chẳng xa, nhưng do nói chuyện với nhà tôi, thím quên chỉ đường nên bị lạc một khúc chẳng xa.

Đến nhà gặp cô Mỹ Chiêu, chúng tôi mừng vì cô đã bình phục, tuy sức khỏe vẫn còn yếu vì người già.

Tôi dự định Thứ Năm đi gặp các bạn ở nơi họp mặt hàng tuần tại Cầu Trắng, hôm sau Thứ Sáu tôi sẽ đưa nhà tôi đi thăm chị thứ Ba của Cô Mỹ Chiêu là Bùi Thị Ánh ở đường Đinh Bộ Lĩnh, Quận Bình Thạnh, gần Cầu Sơn, Thị Nghè.


Nhà tôi, cô Mỹ Chiêu, thím Bùi Thế Quân

Thăm một chốc, chúng tôi ra về, ngại thời tiết dạo nầy oi bức, xe có máy lạnh, về tới Sàigòn mới có hơn 4 giờ, vậy mà chúng tôi vẫn bị say nắng.

Thứ Sáu 26-4-2019, chờ cho người ta đưa con đi học, đi làm, hơn 8 giờ tôi gọi xe Grab đi sang Gia định thăm cô Ba Bùi Thị Ánh.

Cô Ba nầy với Cô Bảy Chiêu và chú Quân là con ông thứ Tám, bà nội của nhà tôi Thứ Hai. Ông cố của nhà tôi là thầy giáo ngày xưa ở Tầm Vu, Tân An, ông bà mất sớm, bà nội của nhà tôi là chị lớn, phải nuôi các em ăn học. Ông Thứ Bảy là Bùi Văn Dương làm Thanh Tra Học chánh ở Bến Tre, ông Thứ Tám là Bùi Văn Tài làm Trưởng Ty Thú Y ở Mỹ Tho.

Ông Bà Cố của nhà tôi

Chồng của cô Ba Ánh là kỷ sư Long, làm Trưởng ty Kiến Thiết ở Cần Thơ. Năm 1969, ra Trường Quân Cụ, tôi xuống Cần Thơ chờ phân bổ đi đơn vị, tá túc mấy ngày ở nhà kỷ sư Long, chúng tôi thường gọi là Dượng Ba Long. Trước 1975, cô Dượng Ba đã có biệt thự ở đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, chúng tôi đã có đến đó mấy lần. Gần đây Dượng ấy đã mất, trước đó cô Ba đã bị tai biến nằm một chỗ, nhà phải có người giúp việc, vì cô không thể đi lại, các em hoặc có gia đình ra riêng, hoặc còn đi học.

Nhớ lại năm kia, chúng tôi đi sang Tân Tây Lan thăm chú Bùi Thế Hùng và Bùi Thế Dũng là con ông Tám, em của hai cô nầy.

Trước khi đi, chúng tôi gọi điện thoại, nhưng điện thoại viên báo là số điện thoại ấy không còn tồn tại. Thôi thì gọi xe đi theo trí nhớ, rồi đến đó tìm. Tôi cũng lo vì nghe đâu nhà đã xây cất lại do biệt thự cũ, mưa ngập 3, 4 tấc nước. Nhưng tự tin “đường đi ở dưới hai lỗ mũi”, nên không còn phải lo.

Cuối cùng chúng tôi tìm ra nhà. Cháu ngoại dâu của cô đưa chúng tôi vào gặp cô, sau khi biết chắc rằng có bà con với nhau.

Vào trong nhà, chúng tôi được đưa thẳng ra phía sau, cô và con gái là em Nga nhận ngay ra nhà tôi. Cô cháu, chị em mừng rỡ với những giọt nước mắt vì xúc động. Thấy cô ngồi trên xe lăn, thần sắc khỏe mạnh, do cô bị tai biến nên mới đầu khó nghe cô nói, nhưng rồi quen dần.

Nga chuẩn bị cắt móng cho cô, nên hai mẹ con ngồi phía sau nhà cho mát. Nhà cô là biệt thự có lầu, mới xây cất lại cho khỏi bị ngập nước khi trời mưa, xung quanh nhà cô chừa chừng 1 m, nên gió lùa mát mẻ.

Nga đem ghế cho chúng tôi ngồi và đề nghị ngồi nơi đó cho mát, em bưng khay nước mời chúng tôi giải khát rồi đi làm. Nhà tôi tiếp tục thăm hỏi, trò chuyện. Cô cháu vui vẻ bên nhau.

Nhà tôi và cô Bùi Thị Ánh

Khoảng 10 giờ 30 cô muốn vào nhà để dùng bữa. Tôi gọi cô cháu dâu ở nhà bên cạnh sang giúp. Đưa cô vào phòng rồi chúng tôi xin phép ra về.

Đi về, chúng tôi muốn trải nghiệm, đi theo đường Trường Sa từ Xa Lộ cho đến cuối gần Đệ Nhất Khách sạn, xe chạy ngoằn ngoèo theo kênh Nhiêu Lộc dĩ nhiên là xa hơn chạy đường thẳng, nhưng cũng nên đi cho biết, nước kênh sạch không còn hôi thúi như xưa, nhà cửa hai bên đường Trường Sa và Hoàng Sa đều khang trang.

Kênh Nhiêu Lộc, đường Trường Sa và Hoàng Sa chạy 2 bên kênh

Người xưa để lại tục ngữ “Bà con xa, láng giềng gần”. Do bà con, họ hàng lâu ngày không đi lại thăm viếng nhau nên tình cảm phai lạt, xa dần. Chính vì vậy mà tôi thường thăm viếng khi có dịp, có như thế mới mong tình cảm họ hàng khắng khích nhau luôn.
8664260419