Ngày hôm
qua 18-4-2019, sau khi chia tay với các bạn, tôi dùng xe Grab đi về, nhưng muốn
đi ngang qua Hồ Con Rùa để xem lại chốn xưa, rồi đi tới Đường Sách để tìm mua
quyển sách mới của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Hồ Con Rùa
thì cũng như xưa, nhưng thật ra có nhiều chuyện đáng nói. Trước nhất nó gợi tôi
nhớ khi lên Sàigòn học vào năm 1956, nơi đó nó là một đài tưởng niệm chiến
tranh, có tượng của binh sĩ người Âu ngày trước.
Sau đó,
chánh quyền Sàigòn phá bỏ, tôi không nhớ là làm công viên hay vườn hoa nhỏ, sau
khi Dinh Độc Lập được xây cất, nơi đây mới làm thành một quảng trường, có hồ nước,
có cột trụ vươn cao, trên cùng như bàn tay xòe hay cái hoa nở, gần đó có con rùa
bằng đồng, trên lưng rùa mang một tấm bảng ghi tên các nước đồng minh đã tham
chiến để bảo vệ Miền Nam, tiền đồn của thế giới tự do. Lại còn có những đường đi
bằng xi măng quanh co trên mặt hồ, và có một cầu thang, có nhiều cấp dẫn lên một
sân thượng, để người ta có thể lên đó hóng gió, ngắm nhìn phong cảnh chung
quanh.
Mặc dù nơi
đây có tên chính thức là Quảng trường
Quốc tế, vì trên lưng con rùa mang bia kỷ niệm, tri ân các nước, nên người ta
thường gọi là Hồ Con Rùa.
Hồ Con Rùa
trước 1975, người ta cho rằng sau khi xây cất Dinh Độc Lập xong, Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu cho mời một ông thầy địa lý người Tàu xem phong thủy vùng Dinh
Độc Lập, thầy địa lý cho rằng đất vùng đó có con rồng, đầu nó nằm dưới Dinh Độc
Lập, đuôi nó nằm tại Quảng trường Quốc tế, khi nào đuôi của nói vùng vẩy, đất
nước sẽ xáo trộn, phải ếm nó bằng cách tạo ra con rùa để trấn cho nó nằm im.
Sau khi đã
chiếm miền Nam, thành phần trí thức như Sĩ Quan, công chức cấp cao phải đi học
tập, nhưng còn một số văn nghệ sĩ, cũng cần phải cho họ im hơi lặng tiếng, vì
những tác phẩm của họ là thứ văn hóa chống lại xã hội chủ nghĩa, mặc dù nhừng
chiến dịch “Bài trừ văn hóa”. Đốt sách vở miền Nam vẫn còn nhẹ hơn Tần Thủy Hoàng
với chánh sách: “phần thư khanh nho” là chánh sách đốt sách, chôn người có học.
Để có thể
bắt những thành phần phản động, người ta lợi dụng chuyện trấn ếm ở Hồ Con Rùa,
cho rằng những người chống đối muốn phá cái trấn ếm nên đêm 1-4-1976 đã dùng mìn
phá bỏ con rùa, cho cái đuôi con rồng nó quậy, như vậy là chế độ sẽ sụp đổ. Do đó
đêm sau 2-4-1976, nhiều văn nghệ sĩ đã bị hốt đưa về trại giam Phan Đăng Lưu,
trong đó có thầy tôi nhà văn Doãn Quốc Sỹ, bạn tôi nhà văn Dương Nghiễm Mậu và
những người khác như Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn …
Đến năm 1982 nhà xuất bản Trẻ phát hành Vụ án Hồ con rùa của tác giả nhà báo Huỳnh Bá Thành. Huỳnh Bá Thành
là ai ? Những năm 1971-1973, ở Sàigòn và miền Nam, người đọc báo, nhất là
đọc báo Điện Tín đều biết tên tuổi “Họa sĩ Ớt” ký dưới những bức tranh biếm họa
độc đáo, nhưng ngày đó ít ai biết tên thật của Hoạ sĩ Ớt là Huỳnh
Thanh Tâm. Còn Huỳnh Bá Thành là bút danh của Ớt làm báo sau ngày năm 1975. Huỳnh
Thanh Tâm sinh ngày 2-7-1944 tại xã
Hòa Hải, huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam, sinh trong một gia đình lao động. Lớn
lên ở vùng quê có truyền thống cách mạng nên từ thời trung học, đã tham gia
phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên miền Trung.
Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành
Năm 1966, ông vào Sàigòn vừa học đại học vừa hoạt động cách
mạng. Năm 1969, ông được kết nạp vào Đảng CSVN.
Tháng
2-1974, ông được phân công hoạt động điệp báo thuộc Cụm A10 An ninh Sàigòn -
Gia Định. Đầu năm 1975, khi nhật báo Điện Tín nơi ông làm việc có vỏ bọc hợp
pháp bị chính quyền Sàigòn đóng cửa, ông được đưa vào mật khu để nhận nhiệm vụ
mới là thâm nhập hoạt động trong lực lượng thứ ba của Dương Văn Minh, để cùng
các đồng chí khác tác động, vận động lực lượng chống đối, cô lập, chia rẽ chính
quyền Nguyễn Văn Thiệu nhằm vô hiệu hóa sự chống phá của phe quốc gia.
Sau tháng
4 năm 1975, Huỳnh Bá Thành được về làm việc ở Sở Công an Tp HCM với quân hàm
Trung tá. Huỳnh Bá Thành có công tham gia đề xuất chuyển tờ tin nội bộ của Sở,
thành tờ báo Công an khi sang công tác ở đây, Huỳnh Bá Thành được cử làm Phó tổng
biên tập, rồi Tổng biên tập tuần báo Công An, qua đời năm 1993, vì một cơn bạo
bệnh.
Tại Sở
Công an Tp HCM với quân hàm Trung tá. Huỳnh Bá Thành có thể là tác giả hay chí
ít có góp công dàn dựng trong kịch bản “Vụ án Hồ Con Rùa” vào tháng 4 năm 1976,
để gom bắt hết các tên phản động được mang tên là
“Những tên biệt kích cầm bút”.
Tôi chụp ảnh
Nhà Thờ Đức Bà đang sửa chữa.
Bưu Điện
Sàigòn kẻ ra người vào, những đoàn tham quan cũng thường dừng chân tại đây.
Rồi tôi
sang Đường Sách để tìm mua quyển Về thu xếp
lại …
Mua sách
xong, tôi cuốc bộ dọc theo đường Nguyễn Du cũ, rồi theo đường Công Lý nhằm mục đích
đi ngang Toà án để chụp ảnh Tòa án.
Cũng trên
đường nầy, đối diện với Dinh Gia Long, có một công viên nhỏ, nay công viên nầy
chỉnh trang lại, tượng Quách Thị Trang từ Bùng Binh Sàigòn, nay dời về đây, vì
nơi đó đang thi công ga xe điện Bến Thành - Suối Tiên.
Đứng ở ngã
tư Công Lý với Gia Long, tôi chụp ảnh Dinh Gia Long ngày nay là nhà Bảo tàng Thành
phố.
Rời nơi đây,
tôi chuyển hướng, đi theo đường Gia Long, chụp ảnh Thư viện Quốc Gia, nay là
Thu viện Khoa học Tổng Hợp. Tôi nhớ tới Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, ông là
Kiến trúc sư trưởng của công trình nầy. Ông là cậu của nhà tôi, là người đã giới
thiệu cho tôi đi làm sau “mười ngày” học tập cải tạo trở về năm 1977. Ông có lần
nói với tôi: Khi nào cậu viết xong tập biên khảo về nhà cửa miền Nam, cháu viết
Lời giới thiệu cho Cậu nghe. Nhưng tôi chẳng được vinh dự nầy vì sau đó cậu đột
tử, trước khi tác phẩm hoàn tất.
Rời Thư
viện Quốc Gia tôi đi tiếp đường Gia Long rồi quẹo đường Nguyễn Trung Trực, hướng
về trung tâm Sàigòn. Đến Lê Thánh Tôn, tôi muốn tìm một chút nào hình ảnh xưa,
tìm vết tích rạp Ciné Lê Lợi không thấy đâu cả, có lẽ nơi đó nay là một khách sạn.
Nhìn qua bên kia đường, tôi thấy một khách sạn, nay đã được tân trạng lại, nhưng
xưa nó là khách sạn Tân Lộc của Nguyễn Tấn Đời. Nhớ khoảng trên 50 năm trước, về
quê vào dịp Hè, tôi đi với thầy giáo Nguyễn Tấn Phát, hai anh gặp nhau chào hỏi
thân mật, tôi được giới thiệu bạn của anh Phát. Nguyễn Tấn Đời mở ví lấy ra tờ
danh thiếp đưa cho tôi, thân mật bảo, chừng nào trở lên Sàigòn học, hôm nào rảnh
ghé anh chơi. Tôi ậm ừ cám ơn, nhưng chẳng bao giờ tìm thăm anh, lúc đó anh mới
là Giám đốc hãng gạch Đời Tân mà thôi.
Ông Nguyễn
Chánh Lý là Giám Đốc Công Thương Ngân Hàng, tức là ngân hàng của Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa, có trụ sở gần đầu đường Nguyễn Huệ, sau Ngân Hàng bị áp lực của Mỹ
đóng cửa, ông về làm Giám Đốc Mékong Ngân Hàng, nằm trên đường Hàm Nghi gần Bến
xe Bus Sàigòn, một lần đi ăn ở nhà hàng Ngân Đình, nơi cột cờ Thủ Ngữ. Ông tâm
tình: “Tôi phục Đời Tân quá! Anh ta ra ứng cử Dân Biểu, xuống Rạch Giá thăm quý
Linh Mục hứa rằng số phiếu mà ông ta được không cần biết của ai, sẽ trả cho quý
cha theo lũy tiến, ông cũng đến phía Hòa Hảo nói như thế, rồi về Sàigòn tuyên bố
là sẽ thắng cử, mà ông ta thắng cử thật.
Ông ta học
Anh Văn, nhờ thầy đến nhà dạy, ông ta đích thân ra mở cửa, đích thân bưng nước
mời thầy uống, bưng bánh trái mời thầy dùng. Khi hết giờ thầy ra về, chính Đời
Tân đích thân đưa ra mở cổng và đóng cổng. Nhưng còn một cú tuyệt vời, ông Nguyễn
Chánh Lý không biết. Số là sau 30 tháng 4 người ta mở khám giải phóng tù nhân. Đời
Tân về nhà với hai bàn tay trắng, vợ con đi cả rồi. Đời Tân cùng với đệ tử thân
tín chạy xuống Rạch Giá, ông cho đệ tử chạy đi tìm những người ở Sàigòn xuống, đang
ẩn náu tại đó, báo tin cho họ ai muốn đi khỏi Việt Nam hùn với Đời Tân, ông ta
làm cú chót rủng rỉnh tiền đầy túi, vượt biên thành công.
Tôi chụp thêm
tấm ảnh chợ Bến Thành phía đường Lê Thánh Tôn, nơi dãi bán hoa và trái cây.
Tôi ra Công
viên 23 tháng 9 chụp thêm tấm ảnh rôi ra đón xe Bus về nhà.
Một cô gái
trẻ, chắc là học sinh, thấy tôi lên xe, cháu nhường ghế cho tôi ngồi, xe chạy một
lúc, tôi mới nhìn ra trên xe có nhiều khung ảnh nhắc nhỡ người ta, nhường chỗ
cho người tàn tật, già cả, mang thai, trẻ nhỏ.
Giá mà có
thêm những bảng nhắc nhở người ta tôn trọng vệ sinh, đừng vứt rác bừa bãi, tôn
trọng giao thông, đừng vượt đèn đỏ. Có những nhắc nhở để người ta có ý thức, tôn
trọng nếp sống văn minh, nhất là đi ra nước ngoài, đừng để người khác đánh giá
dân tộc ta chưa văn minh, thiếu văn hóa.
8664190419
đọc thầy viết về Sài gòn em thấy vẫn thiếu một cái gì ,vì những hình ảnh ấy em đã từng sống rất gần gũi ,nay tất cả đã ngoài tầm tay nên không thấy một nỗi thân thương nào ,là một học trò tỉnh nhỏ về sài gòn học ,dấu ấn muôn đời không phai là tấm lòng rộng mở của dân Sài gòn ,họ hòa ái với tất cả mọi nguồn ,nên đoản văn của thầy làm em không tìm thấy nỗi thân thương nào ,mong thầy thông cảm
ReplyDelete