Pages

Tuesday, September 20, 2022

Những tấm ảnh chụp chung cả lớp

 
Trường làng Bình Thủy Huyện Châu thành tỉnh Long Xuyên

Trường Nam Tiểu học tỉnh Châu Đốc năm 1956

Trung học kỹ thuật Cao Thắng lớp Đệ Nhị A năm 1961

Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật năm 1966

Tiệc mừng Đăng Khoa Cử nhân Văn Học VĐH Vạn Hạnh năm 1973


866420092022






Nhớ tới bạn học, đồng nghiệp ngày trước.

 Mấy hôm nay bỗng dưng tôi nhớ tới những bạn học ngày trước ở Đại học Vạn Hạnh. Đại học Vạn Hạnh được thành lập năm 1964, trước tiên chỉ có 2 Phân khoa. Phân khoa Phật học được cải biến từ Trường Cao Đẳng Phật Học có trụ sở tại Chùa Pháp Hội trên đường Nguyễn Văn Hai thuộc Quận 3 Sàigòn, nơi đây đặt Van phòng Viện Đại Học Vạn Hạnh. Còn Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn đặt tạm tại chùa Xá Lợi. Đầu năm 1965 mới đặt viên đá đầu tiên xây cất Viện Đại Học Vạn Hạnh tại 222 Trương Minh Giảng, Quận 3 Sàigòn. Cũng năm 1965 nầy thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hột, đặt trụ sở tại Chùa Ấn Quang.

Ngay sau khi Viện Đại Học được thành lập, tôi là sinh Viên Ban Cao Đẳng Sư Phạm kỹ Thuật, ghi danh học them tại Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn. Tôi còn nhớ ngày 12 tháng Giêng năm 1965, ngay sau khi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Đại Đức Chơn Thiện cổ võ thành lập Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, thầy là em của Huynh  Trưởng Nguyên Lam Nguyễn Văn Quýnh, Thầy biết tôi nên mời tôi vào liên danh của Thầy, tôi nhận lời và mời thêm Huynh Trưởng Nguyễn Đình Nam, Liên danh nầy đắc cử. Ban Chấp Hành Tổng Hội đầu tiên nhiệm kỳ 1964-1965 gồm có:

- Chủ tịch: Luật sư Trần Tiến Tự.
- Phó Chủ tịch Nội vụ: Sinh viên VK&KHNV Huỳnh Ái Tông
- Phó Chủ tịch Ngoại vụ; Sinh viên Phật Khoa Thích Chơn Thiện
- Tổng Thư ký: SVPK Trần Thiện Bật
- Phó TTK: SVPK Nguyễn Đình Nam
- Thủ quỹ: SVPK Nguyễn Thị Nghĩa

Vào dịp Hè, anh Trần Tiến tự tham gia một phái đoàn Sinh Viên Việt Nam đi Mỹ để giải độc về Chiến tranh Việt Nam đối kháng với phong trào phản chiến ở Mỹ. Do đó anh Trần Tiến Tự bị sinh viên phản đối, vì anh không đại diện cho lập trường của Sinh Viên Vạn Hạnh, họ truất phế anh cho nên tôi phải xử lý thường vụ Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, chờ bàn giao cho Ban Chấp Hành mới nhiệm kỳ 1965-1966.

Anh Trần Tiến Tự đã mất vì bệnh tật sau 1975. Thầy Chơn Thiện sau nầy là Hòa Thượng Thích Chơn Thiện, trụ trì Tổ đình Tường Vân Huế, viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, Sàigòn, Đại biểu Quốc hội khóa XII – XIV, Phó Pháp Chủ Hội Đồng chứng minh, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Viên tịch ngày 8-11-2016.

Anh Bật và chị Nghĩa từ sau ngày mãn nhiệm kỳ tôi không gặp lại họ lần nào. Còn anh Nguyễn Đình Nam và tôi thỉnh thoảng có gặp lại, nhưng thường xuyên liên lạc qua Điện thư, hiện nay anh sinh sống ở Dustin, thủ đô của tiểu bang Texas.

Nhiệm kỳ sau của THSVVH tôi có tham gia, Liên danh của chị Cao Ngọc Phượng đắc cử có tôi trong đó:

- Chủ tịch: SVPK Cao Ngọc Phượng
- Phó Chủ tịch Nội Vụ: SVPK Phúc
- Phó Chủ tịch Ngoại Vụ: SV VH&KHNV Huỳnh Ái Tông
- Tổng Thư ký: SVPK Đỗ Văn Khôn
- Phó Tổng Thư ký: SVPK Chị Uyên
- Thủ quỹ: SVPK Nhất Chi Mai

Chị Cao Ngọc Phượng vốn là giáo sư khoa học Đại Học Đường Sàigòn, sau nầy xuất gia ở Làng Mai nay là Ni Sư Chân Không.

Ni sư Chân Không

Nhất Chi Mai tên thật là Phan Thị Mai pháp đanh Diệu Huỳnh tự Nhất Chi Mai, đã tự thiêu tại chùa Từ Nghiêm ngày 16-5-1967, để cầu nguyện cho Hòa Bình Việt Nam.

Nhất Chi Mai - Phan Thị Mai (1934-1967)

Anh Đỗ Văn Khôn đã mất vì bệnh tật,

Đỗ Văn Khôn

Anh Phúc, chị Uyên, chị Thanh (tôi không nhớ chức vụ của chị) từ ngày tôi rời khỏi Ban Chấp Hành lên Banmêthuộc dạy học, tôi không còn gặp lại họ từ tháng 9 năm 1966.

Đi dạy học ở cao nguyên rồi bị động viên vào quân trường Thủ Đức năm 1968, quân trường Quân Cụ 1968-1969, ra đơn vị thuộc Sư Đoàn 21, đồn trú ở Cà Mau, Sóc Trăng đến cuối năm 1969 được biệt phái về dạy học lại ở Cao nguyên, cho đến năm 1970 mới được chuyển về Sàigòn, có điều kiện đi học lại ở Đại Học Vạn Hạnh, lần nầy học chung với sinh viên thuần túy cũng như những công chức hoặc giáo chức đi học thêm.

Tôi nhớ lúc mới vào học năm thứ 2, có mấy sinh viên trẻ như cô Thủy, cô Vân, anh Đức là học viên Trương Quốc Gia Hành Chánh, về sau Đức và Thủy trở thành đôi bạn, từ năm thứ 3 không thấy 2 bạn đó theo học nữa, còn cô Vân thấy rất siêng năng, nhưng năm cuối cùng không thấy cô tốt nghiệp, còn những sinh viên kia có anh Vũ Văn Trung lớn tuổi nhất, anh sinh năm 1926, lúc đó anh là Liên Đoàn Trưởng khóa sinh Trường Quân Cụ, trước đó anh phục vụ ở vùng 4 chiến thuật. Thập niên 2010, tôi sang Santa Ana, anh Trung có chỡ tôi đi chơi, anh ở trong một chung cư sát tượng đài Việt Mỹ và anh đã mất vài năm sau đó.

Sinh viên kế là anh Bùi Văn Sớm, anh sinh năm 1934, trước kia anh là giáo sư, sau chuyển về Nha Khảo Thí Bộ Giáo Dục, anh cũng định cư ở Santa Ana, mỗi lần tôi sang đó đều có ghé thăm anh, đôi khi anh em còn đi dạo hay đi ăn ở Little Sàigòn, anh đã mất vào năm ngoái, thọ 87 tuổi.


Bùi Văn Sớm (1934-2021)

Sinh viên kế là Lý Trương Quang, anh là giáo sư dạy một trường công, nhà anh ở Cư xá Bưu Điện trên đường Hồng Thập Tự cạnh sân Hoa Lư, mấy năm trước tôi về tìm thăm anh, người láng giềng cho biết đã bán nhà dọn đi nơi khác từ lâu.

Lý Trương Quang (1948-20  )

Có anh Trần Hổ Từ sinh viên thuần túy, anh người Việt gốc Hoa, sau khi có bằng Cử Nhân anh du học ở Đài Loan vào năm 1973.

Năm thứ tư có một số Sinh viên học lại như Mai Vi Phúc là em vợ của đồng nghìệp tôi là anh Trần Hữu Phụng, anh Vũ Thế Ngọc tác giả quyển Trà Kinh, cách nay mấy năm anh và tôi có gặp nhau tại tịnh thất Thầy Tuệ Sỹ và lần khác ở quán cà-phê trước nhà thờ Đức Bà, trên đường Nguyễn Du.

Vũ Thế Ngọc (1949-20  )

Mấy nữ sinh viên còn có Trần Thị Bích Bướm phu nhân của chị là đồng môn Cao Thắng của tôi, sau 1975 anh ta vượt biên, để lại chị Bích Bướm về sau chị tái hôn rồi cùng chồng định cư ở Mỹ.

Trần Thị Bích Bướm (1951-20  )

Trương Thị Bích Vân cô giáo dạy ở Trung Học Trung Thu bên cạnh Trường Sư Phạm Thực Hành Sàigòn, chị Nguyễn Ngọc Mai phu quân của chị là Thiếu Tá Hải Quân, nên đã di tản sang Mỹ trước ngày 30-4-1975, Sinh viên Chu Thị Xuân Mai giáo viên nhà ở vùng Chợ Nancy. Các chị nữ sinh viên nầy hầu hết tôi đều không gặp lại, chỉ trừ chị Bích Bướm có mở quán cà-phê trong con hẽm xế quán cơm chay Giác Đức ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 Sàigòn,  thỉnh thoảng tôi có ghé quán uống cà phê chuyện trò cùng bạn bè.

Hàng đứng từ trái: Huỳnh Ái Tông, Lý Trường Quang, Bùi Văn Sớm, Vũ Văn Trung, Lê Xuân Mai, Trương Thị Bích Vân
Hàng ngồi:Gs Ngô Văn Phát, Nguyễn Sung, Kim, Nguyễn Đăng Thục, Doãn Quốc Sỹ, Huỳnh Minh Đức, KTS Vinh đứng sau Gs Đức

Tôi có những bạn học ở Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, họ sinh vào thập niên 1930, 1940 dần dần họ rời xa chúng tôi, những người bạn sinh viên như anh Vũ Văn Trung, Bùi Văn Sớm đã ra đi, còn những đồng nghiệp giáo chức của tôi như Bùi Khắc Triệu, Lâm Văn Trân, Trần Văn Sáng, Hồ Ngọc Thu, Hồ Ngọc Điển … cũng đã ra đi.

Gs Trường THKT Nguyễn Trường Tộ SG Tống Cựu Nghin Tân Hiệu Trưởng tháng 10 năm 1974

Đầu tháng 5 năm 1975, một cán bộ vốn là cô giáo mẫu giáo nằm vùng ở Gia Định, đại diện Ban Quân Quản thành phố tiếp quản trường, sau đó anh em quân nhân biệt phái phải đi học tập cải tạo, rồi sau đó đi định cư nước ngoài như anh Nguyền Tấn Lợi, đi vượt biên như Vũ Hữu Vĩnh … Qua bao nhiêu năm tháng, thế sự thăng trầm, kẻ còn người mất, khiến chẳng bao giờ gặp lại.

Toàn thể giáo sư và nhân viên văn phòng của THKT Nguyễn Trường Tộ tháng 5 năm 1975

Bạn bè ngày càng thưa vắng, thỉnh thoảng nhớ tới họ, nhớ tới nhiều kỷ niệm thân thương.

Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật họp mặt ngày 25-2-2017


866420092022






Saturday, September 3, 2022

Gợi nhớ kỷ niệm xưa

 Trong những ngày gần đây, tôi xem những Video clip Hồi Ký Miền Nam, lần đầu tự nhiên có Video Clip Mối tình thời chinh chiến của tác giả Phạm Văn Sanh hiện ra trong máy tôi, tôi bắt đầu xem từ đó và những Video clip khác như Chuyện tình thế kỷtrước tác giả Huy Văn Trương, rồi những Video khác trong đó có Trong 5 ngày cuối cùng của tác giả Chuẩn tướng Trần Quang Khôi…

Chuẩn tướng Trần Quang Khôi

Nhờ Video Clip Mối tình thời chinh chiến, tôi biết phần nào về Trường Võ Bị Đà Lạt mà tôi có 2 người bạn học đã tình nguyện vào quân ngũ. Đó là Trần Thanh Quang và Huỳnh Văn Dân. Từ năm 1960 cho tới năm 1962 tôi làm Trưởng lớp Đệ Tam A, đệ Nhị A và cuối năm học tôi thi rớt Tú Tài 1 nên ở lại lớp, còn các bạn khác đa số thi đỗ rồi học tiếp Tú Tài 2, Quang và Dân sau khi đỗ Tú Tài 2 đã tình nguyện vào học trường Võ Bị Đà Lạt hình như là khóa 20. Sau đó Quang đi binh chủng Nhảy Dù, bị thương cụt hết cánh tay trước Tết Mậu Thân.

Lúc Mậu Thân Quang đang ở Mỹ tập sử dụng cánh tay giả, sau đó Quang về Việt Nam trở thành cựu chiến binh, rồi ghi danh đi học Khoa Báo Chí và Văn Chương Anh Mỹ tại Đại học Vạn Hạnh, có đôi giờ Quang và tôi cùng học chung giờ, tốt nghiệp cùng năm 1973. Đến năm 1974 Quang được bổ nhiệm giáo sư dạy tại Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng ở Sàigòn, vài tháng sau Quang được học bổng đi Mỹ du học, hiện Quang sinh sống tại thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri, còn Dân ở Denver, Colorado. Xem Vido Clip làm cho tôi nhớ bạn thuở tuổi học trò.

Lớp Đệ Nhị A KTCT năm 1962 Hàng ngồi từ Trái: 1. Trần Thanh Quang, 2. Chi, 3. Chính, 4. Huỳnh Văn Dân

Còn Chuyện tình thế kỷ trước làm cho tôi nhớ tới Banmêthuộc rất nhiều. Anh chàng sinh viên sĩ quan Đà Lạt  sau khi ra trường, được phân bổ về Banmêthuộc, anh đi máy bay Air Việt Nam từ Đà Lạt sang Banmêthuộc, được xe đưa về trạm vé ở đường Lý Thường Kiệt, rồi đi xe Cyclo đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, làm cho tôi nhớ đến năm 1966, từ Sàigòn lên Banmêthuột chỉ có phương tiện duy nhất là Air Việt Nam.

Sau 45 phút bay, phi cơ đáp xuống phi trường Phụng Dục, chung quanh đất đỏ bao trùm, rồi cũng đi bộ vào nhà ga, sau đó được xe của hãng Air Việt Nam đưa về trụ sở ở đường Lý Thường Kiệt, ngay trung tâm thành phố, tôi cũng gọi Cyclo về Trường Kỹ Thuật Banmêthuộc. Cyclo chạy qua ngã sáu, quẹo phải, qua trạm Điện Lực, qua Bưu Điện bên tay phải, còn bên tay trái là biệt thự của cụ Tôn Thất Hối, thân phụ của bác sĩ Tôn Thất Niệm đương nhiệm Giám Đốc Bệnh Viện Banmêthuộc, kế đó là Tiểu khu rồi Tòa Hành Chánh, qua khỏi Tòa Hành Chánh là Ty Ngân Khố, tại đây xe quẹo phải gặp ngay Ty Tiểu học, bên cạnh là Trường Tiểu học, bên tay trái là đường đi tới Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, kế đó là bệnh viện, đi tiếp nữa là dẫn vào kho đạn. Còn Trường Kỹ Thuật Banmêthuộc nằm cạnh Trường Tiểu học, đối diện với Nhà Xác của Bệnh viện.

Trong truyện, anh Sĩ quan mới ra trường đi tìm đơn vị để trình diện, hỏi thăm một cô nữ sinh bị cô ta phang cho một câu: “Vô duyên”, bởi vì ở Banmêthuộc trẻ con lên 6 lên 7 ai cũng biết Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, còn anh nầy hỏi tức là chọc ghẹo cô ta. Nhưng sau đó cô ta đã hối hận vì mình lỡ lời.

Rồi anh tân sĩ quan được phân bổ về Trung Đoàn 45, đóng quân tại cây số 5, tức là cách thị xã 5 cây số, thỉnh thoảng anh ra phố mua tạp chí hay báo để đọc. Tại cửa hàng sách báo, anh sĩ quan gặp lại cô gái đã sẳn giọng khi anh hỏi đường đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, anh nhìn rõ cô gái bán sách cũng đẹp, còn cô gái ấy là cô Luận đã hối hận vì mình lỡ lời trước đây, nên nay gặp lại anh sĩ quan tiếp đón anh ân cần, họ dần dần làm quen, có cảm tình và yêu nhau.

Tôi nhớ hồi đó lên Banmêthuộc không có ai quen, may nhờ anh Giám học giới thiệu cho tôi ăn cơm tháng ở nhà ông Giáo sư, kiêm Thủ kho, còn ở thì sống chung phòng với anh Giám học và anh Trưởng phòng hành chánh, tất cả chúng tôi đều độc than, nên được ở một phòng trong Trường thuộc Ký túc xá.

Banmêthuộc người ta cho nó cái biệt danh Bụi Mịt Trời, Buồn Muôn Thuở cũng như thuốc lá Pallmall được gán biệt danh Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu. Đối với tôi Banmêthuộc là nắng bụi, mưa bùn. Nơi chốn nầy buồn quá chỉ có một rạp chiếu bóng Lodo, có một rạp hát cải lương Thống Nhất năm khi mười họa mới có gánh hát cải lương đến hát, còn rạp chiếu bóng tôi chưa đi xem lần nào, nên chẳng biết ra sao. Mỗi chiều ăn cơm xong, chúng tôi thả bộ ra chợ, có thì giờ thì đi đến chùa Khải Đoan lễ Phật, hoặc đến quán sách báo gần cuối chợ.

Cinéma LODO đầu chợ Banmêthuộc vào thập niên 1960

Nơi quán sách báo nầy tôi không còn nhớ tên, ông bà chủ trên 60 nhà ở Sàigòn lên đây kinh doanh, họ có 2 cô con gái chị Phượng và cô Phi, cả 2 đều có nét da trắng, gương mặt hồng hào dễ nhìn, nói năng nhỏ nhẹ để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Khách đến quán nầy đa số là sĩ quan. Trong số họ có ai trồng cây si tôi không biết.

Đầu năm 1968, tôi được lệnh nhập ngũ đi khóa 27 Thủ Đức, tháng 8 ra Trường, tiếp tục theo học chuyên môn ở Trường Quân Cụ Gò Vấp, đến tháng 4 năm 1969 ra Trường được phân bổ đến Đại Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, Tại đây tôi được phân bổ làm Trung Đội Trưởng Sửa Chữa, đồn trú bên cạnh Trung Đoàn 32 đóng tại Trung tâm Thị xã Cà Mau, chừng một tháng, tôi được thuyên chuyển về hậu cứ làm Trung Đội Trưởng Hậu Cứ thuộc Đại Đội Bảo Toàn của Tiểu oàn 21 Tiếp Vận đóng quân tại Thị xã Sóc Trăng, trên đường đi Bãi Xào, cách Đài Phát Thanh Ba Xuyên chừng nửa cây số. Đến gần cuối tháng 9 tôi được biệt phái, lên phi cơ Air Việt Nam về Sàigòn từ giả đơn vị nầy.

Tháng 10 năm 1969, tôi trở lại Banmêthuộc, vài hôm đi ra quán sách báo, vẫn còn đó hai chị em chị Phượng, cô Phi nhưng không như ngày nào, trên gương mặt họ có nét buồn phiền hay là tôi suy bụng ta ra bụng người.

Tôi vẫn xem mấy cái Video Clip Hồi ký Miền Nam, nhất là những trận đánh oai hùng, những ngày tù cải tạo gian nan, xót xa cho kiếp tù đày, xót xa cho thân phận nhược tiểu, bị cường quốc bỏ rơi không hề thương tiếc.


Một anh lính dù ngồi nghỉ bên đường

Chuyện anh chàng sĩ quan có mối tình với cô Luận, làm cho tôi liên tưởng tới cô Phi và ngày tôi mới đặt chân lên xứ Buồn Muôn Thuở nầy. Tôi nghĩ sẽ có một ngày tôi trở lại đó, để nhơi lại kỷ niệm xưa.

866403092022