Pages

Saturday, December 30, 2023

Lại một người bạn vừa mới ra đi

Tôi được điện thoại từ anh bạn Dương Quang Trọng gọi tới, thông thường tôi không bắt máy vì trong ngày 5 lần, 7 lượt điện thoại gọi tới để quảng cáo, quấy rầy vì làm mất thì giờ của chúng ta, không hiểu sao hôm đó tôi lại bắt máy mặc dù số lạ, do anh Trọng từ Los Angeles gọi tới.

Sau khi nghe anh Trọng báo là anh Nguyễn Công Mạnh đã mất rồi, trước tiên gợi nhớ tới những lần anh Mạnh về Việt Nam, lần nào cũng có đi thăm đồng môn và đồng đội là những học sinh Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, khóa 1956-1963 và những đồng đội sĩ quan Công Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như Trần Xuân Minh, lần anh về Việt Nam gần nhất có lẽ là năm 2022, sau đó tôi về, anh em có nhắc chuyến về của anh Mạnh, anh em đã đi uống bia Đức trên đường Phạm Viết Chánh. Trong lần nầy anh kỷ niệm cho mỗi người 1 tờ giấy bạc US$2.00.

Lúc mới vào học Cao Thắng, tôi ở tỉnh lên Sàigòn, năm học chung với anh lớp Đệ Ngũ D, có lẽ là lớp tôi có nhiều kỷ niệm nào là với Thi Thái Thành, Nguyễn Đắc Thận, Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Văn Thông, Trần Phước Châu, Phan Tùng, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Phước Sơn, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Tá, Nguyễn Công Mạnh …, khi chúng tôi còn ăn chưa no, lo chưa tới thì anh Mạnh đã làm ra tiền, ban ngày anh đi học, chiều về cho đên tối anh đi bỏ báo tháng.

Khi tôi vào học trường THKT Cao Thắng, tôi dùng Thế vì khai sinh, giấy tờ tôi sinh năm 1943, nhưng người trẻ tuổi nhất như Trần Thanh Quang sinh năm 1945 và nhừng anh cao niên như anh Mạnh sinh năm 1939 hay anh Nguyễn Xuân Thới sinh năm 1938, năm nào đó đi đám tang thầy Giám Học Phan Văn Long, anh Nguyễn Xuân Thới nhìn vào Cáo Tang, thảng thốt: “Ủa thầy bằng tuổi tôi anh em ơi ! Thầy cùng sanh năm 1938 với tôi !”.

Cùng học có Trần Văn Hớn hay Trần Hưng Bang đều là học sinh tuổi trẻ tài cao. Hớn nghe nói anh sớm lên lon vì chiến công trong khi các đồng đội của anh còn đeo 2 hay 3 bông mai vàng thì anh đã 1 bông mai bạc, còn Trần Hưng Bang sớm bỏ đồng đội lên bàn thờ ngồi.

Tôi nhớ anh Mạnh kể, khi ở Việt Nam vợ anh đã qua đời cho nên khi anh vượt biên, anh đã mang theo hủ cốt của vợ anh và khi qua đến xứ tạm dung nầy anh tái hôn với người vợ trẻ, đẹp khác.

Nay được tin anh đã mãn phần. Thành tâm cầu nguyện cho: Nguyễn Công Mạnh pháp danh Thiện Nhẫn sớm về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

Nam Mô A Di Đà Phật.


866430122023





Nhớ Về Thầy TUỆ SỸ

Tôi vẫn còn nghĩ rằng mình thiếu đức để được gặp Thầy Tuệ Sỹ trong những năm cuối đời của người. Do nơi Từ Hoài Tấn, tôi mới biết thầy Tuệ Sỹ từ Bảo Lộc về lại quán sách Hương Tích trên đường Nguyễn Thượng Hiền ở Quận Bình Thạnh để giảng dạy về môn học chi đó, nhưng rất tiếc khi chúng tôi đến thì thầy đang có lớp dạy, nên chúng tôi đành ra về không gặp được thầy, hôm sau đến thì thị giả Hạnh Viên không tiếp tôi, trên Bảo Lộc thì không biết thầy ở nơi nao để thăm viếng.

                                                Thích Nguyên Chứng - Tuệ Sỹ (1945-2023)

Tôi có tâm tình với vài người bạn, có người nào đó cho biết: “Có lẽ người ta muốn bảo vệ tôi, nên không muốn cho gặp thầy Tuệ Sỹ !? Năm rồi, về Việt Nam tôi có ý định đi đến chùa Phật Ân của Hòa Thượng Minh Tâm để viếng thăm chùa Phật Ân và HT Minh Tâm cùng thầy Tuệ Sỹ, nhân tiện thăm Hòa Thượng Kiến Tánh viện chủ chùa Bửu Lâm thuộc xã Long Đức huyện Long Thành. Nhưng rất tiếc tôi bị Covid-19 nên không thể đi được, còn thời gian trước đó, do nhà tôi phải làm hai hàm răng giả, nên không thể đi du lịch hoặc đi đâu, trừ đi về quê thăm mồ mã ông bà và cha mẹ.

Mấy hôm rồi, có điện thoại nói chuyện với anh bạn tù cải tạo Kà-tum, anh cho biết trước đây muốn thăm thầy Tuệ Sỹ phải do một anh, anh ấy ở Thành đoàn Tp HCM giới thiệu thì được gặp thầy ngay, tôi chua biết thực hư ra sao. Đọc một ít bài của Trần Bảo Trân không thấy anh nầy đề cập đến vấn đề nầy, anh ta đã gặp thầy Tuệ Sỹ ở Bệnh viện, ở chùa Phật Ân. Mỗi người mỗi duyên lành.

Có một điều tôi biết thầy Tuệ Sỹ rất giỏi bói dịch, lần đầu tiên Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam, đến Thanh Minh Thiền Viện thăm thầy Quảng Độ. Thầy Quảng Độ không tiếp. Hôm sau Thiền sư Nhất Hạnh đến Quảng Hương Già Lam thăm thầy Tuệ Sỹ, thầy Tuệ Sỹ đã nhập thất từ sang sớm ngày hôm đó, nên Thiền sư Nhất Hạnh không thể gặp thầy Tuệ Sỹ, còn nếu thầy Tuệ Sỹ không nhập thất ngày hôm đó, lấy lý do chi để từ chối gặp Thiền Sư Nhất Hạnh, cách nào cũng thất lễ, cách tốt nhất là đã nhập thất, tránh được sự vô lễ của kẻ tiểu bối đối với bậc đại sư.

Nói chung thì tôi gặp thầy Tuệ Sỹ rất ít, nhiều lắm là đếm được trên đầu ngón của một bàn tay. Nếu tôi nhớ không lầm, một lần tại hậu tổ chùa Pháp Hội, một lần ngồi thọ trai tại Thiền viện Vạn Hạnh và đôi lần tại Thi Ngạn Am ở Quảng Hương Già Lam. Chỉ có nơi đây, thầy Tuệ Sỹ và tôi trò chuyện nhiều về Phật Pháp, hay nói đúng ra là về Nguyệt san Phật Học do tôi chủ trương, thời gian có giáo sư Nguyễn Văn Hai, nguyên phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, nguyên Phó Giám Đốc Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu Quán, Huế cộng tác. Lúc đó 2 vị mới biết nhau qua Nguyệt San Phật Học và rất tương kính nhau.

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai (1927-2020)

Giáo sư Nguyễn Van Hai đã mất vào ngày Tết Nguyên Đán năm Canh Tý nhằm ngày 25-1-2020,  nay thầy Tuệ Sỹ đã viên tịch vào ngày 24 tháng 11 năm 2023, người thọ 93 , kẻ thọ 79. Họ đã an nhiền về cõi tịnh.

8664301223





Sunday, October 29, 2023

Một thoáng gợi nhớ

 Thỉnh thoảng tôi nhớ tới một anh tên Sử, từ trước tôi vẫn nhớ anh ta có sinh hoạt chung với anh Phan Văn Bưởi tức Trúc Hải, người Huế, sau nầy sinh sống ở Cam Ranh, nhưng mấy hôm gần dây tôi nhớ tới Sử và cho rằng anh ta cùng tôi ở chung trong đơn vị Trung đội 39 Đại Đội 10, Tiểu Đoàn 3, khóa 27 Sinh viên Trường Bộ Binh Thủ Đức, nay muốn kiểm tra phải gọi Trần Minh Nhựt, người cùng Trung Đội 39, anh ta đang định cư ở West Virginia.

Tôi đã hỏi và Nhựt cho biết đúng trong Trung đội chúng tôi có anh Sử, người thấp, như vậy là Sử được minh định chúng tôi quen nhau ở Trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 27 năm 1968, cũng là năm Mậu Thân dễ nhớ, nhưng khó quên đó. Sử ấy có thể họ tên đầy đủ là Trần Đình Sử, anh có đi sinh hoạt GĐPT cùng với anh Trúc Hải ở Huế, anh Sử nầy làm cho tôi nhớ đến một anh Sử khác đó là Nguyễn Minh Sử.

Nguyễn Minh Sử là cựu sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật. Vì Trường Kỹ Thuật ngoài các bộ phận chuyên môn còn có các môn Khoa học như Toán, Lý Hóa, Điện cho nên có thu nhận mỗi năm một khóa lớp Ban Khoa học áp dụng,

Khi tôi được tuyển vào Trường nầy, do ông Trần Lưu Cung, Phó Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học vụ kiêm Giám Đốc Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Ban Kỹ Nghệ Họa của chúng tôi được tuyển Ban 2 năm, gồm có 10 thí sinh chính thức và 2 dự bị, tôi đổ hạng 12 tức là dự bị hạng bét, nhưng khi vào học kể cả tôi chỉ có 6 sinh viên mà thôi, một số anh vừa đổ vào Sư Phạm lại đổ vào Kỷ Sư Công Nghệ hoặc có học bổng du học, nên cuối cùng Sư Phạm Kỹ Thuật chỉ có 6 người theo học, trong đó có anh Nguyễn Văn Bài cũng đổ vào KSCN, nhưng anh chọn SPKT để có học bổng hàng tháng và ra trường sớm. Năm 1966 là năm tốt nghiệp, thì chỉ có 4 sinh viên tốt nghiệp, còn 2 sinh viên được giữ lại học 4 năm.

Sở dĩ tôi nhắc tới anh Nguyễn Minh Sử vì năm đó anh là Chủ tịch Ban Chấp Hành Sinh Viên CĐSPKT, thuộc nhóm Sinh viên ủng hộ Chánh phủ, nên bị Sinh viên CĐSPKT bất tín nhiệm Ban Đại Diện. Vài năm sau đó, chánh phủ Nguyễn Lưu Viên, ông Trần Lưu Cung làm Thứ Trưởng, anh Nguyễn Minh Sử làm Công Cán Ủy Viên Bộ Giáo Dục. Một lần họp, ông Bộ Trưởng bận công vụ vắng mặt, Nguyễn Minh Sử Công Cán Ủy Viên Chủ tọa phiên họp, có Thứ Trưởng Trần Lưu Cung tham dự là thành viên Bộ Giáo Dục. Sau 1975, anh Nguyễn Minh Sử giữ chức Hiệu Phó hay Trưởng Phòng Học Vụ trường Trung Học Phổ Thông Lê Thị Hồng Gấm trên đường Điện Biên Phủ, có cổng chánh đường Pasteur.

Vài kỷ niệm ngày xưa hiện về, gợi nhớ tới bạn bè kẻ còn người mất, gợi nhớ một ít thời gian lịch sử đau thương của nước nhà, cảnh chiến tranh, buồn nào hơn nước mất nhà tan, khổ nào hơn phá rừng, dọn núi, cuốc đất trồng khoai ở các trại học tập cải tạo từ Bắc chí Nam ?!!!

866429102023






Wednesday, October 18, 2023

Giờ tận dụng ánh sáng ban ngày

  tại Mỹ cũng như một số nước Âu Châu, do ở Bắc Bán Cầu nên vào mùa Hè ngày dài hơn đêm, nói cách khác là mặt trời chiếu vào những nơi đó nhiều hơn, không phải chỉ có 12 giờ có ánh sáng mặt trời và 12 giờ trời tối vì không có ánh sáng mặt trời. Không phải ngày và đêm luôn bằng nhau như ở trên đường Xích đạo.

Cho nên chúng ta cần biết trong năm khi nào nước Mỹ thay đổi giờ, mỗi năm mấy lần, quy định vào ngày giờ nào ? Xin đọc những tài liệu sau đây:

Daylight Saving Time ở Mỹ

Đến hẹn lại lên, vào tháng 3 và tháng 11 hằng năm, nước Mỹ sẽ tiến hành đổi giờ chuẩn sang giờ Daylight Saving Time (DST) hay còn gọi là giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày, giờ mùa hè… Vậy DST là gì, mục đích của việc đổi giờ ra sao. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu

Daylight Saving Time là gì?

Người ở hầu hết nước Mỹ trước khi ngủ sẽ phải chỉnh lại đồng hồ lại. Bởi vào lúc 2h sáng chủ nhật là tới thời điểm bắt đầu chu kỳ giờ mùa hè Daylight Saving Time.

Cụ thể là từ thời điểm đó, giờ ở Mỹ cộng thêm 1h đồng hồ so với giờ chuẩn bình thường. Nghĩa là đồng hồ được chỉnh thành 3h sáng thay vì là 2h sáng.

Thường các smartphone và máy tính có kết nối với internet sẽ tự động chỉnh lại giờ.

Ở Mỹ, đây là thời kỳ ấm hơn trong năm, ánh sáng ban ngày dài hơn. Nhờ chỉnh sang giờ DST, người ta sẽ thức sớm hơn bình thường (tức là đi làm sớm hơn, mà chừng vài tuần thì sẽ quen mắt, coi như bình thường) nhưng sẽ có được ánh sáng lâu thêm 1 giờ vào buổi chiều tối.

Việc thay đổi giờ hàng năm ở Mỹ được tiến hành 2 lần. Lần 1 vào ngày CHỦ NHẬT THỨ HAI CỦA THÁNG 3 (đổi sang giờ DST). Lần 2 vào ngày CHỦ NHẬT ĐẦU TIÊN của THÁNG 11 (trở lại giờ bình thường). Cũng có những bang và 1 số khu vực ở Mỹ hay thuộc Mỹ không áp dụng giờ DST. Đó là bang Arizona, Hawaii, 1 số khu vực và hải đảo của Mỹ

Tạo sao lại có DST?

Vào năm 1895, 1 người đàn ông New Zealbad tên George Vernon Hudon đã đưa ra sáng kiến này. Đức và Áo-Hung đã áp dụng DST đầu tiên vào ngày 30/4/1916. Sau này chính phủ mỹ đã bắt đầu áp dụng DST trong chiến trang thế giới lần thứ nhất, học tập nước Đức đã thực hiện nhằm tiết kiệm năng lượng.

Chu kỳ giờ mùa hè DST sẽ kết thúc vào tháng 11 hằng năm, thời điểm người Mỹ sẽ chỉnh giờ lùi lại 1 giờ, trở lại giờ bình thường. Người mỹ gọi đây là giờ mùa đông hay Fall Back( mùa thu lùi lại).

Nguồn: Hoàng Quân
Theo Người Việt USA

Và tiếp theo:

Đổi giờ ở Mỹ 2023 – Quy ước và thời gian đổi giờ

Đổi giờ ở Mỹ là sự kiện hằng năm của nước Mỹ diễn ra 2 lần, lần lượt vào tháng 3 và tháng 11. Mục đích của việc này chủ yếu để tiết kiệm nguồn năng lượng thắp sáng khổng lồ.

Quy ước thời gian đổi giờ là 2h sáng ngày chủ nhậtLần 1 là ngày chủ nhật thứ hai trong tháng 3. Lần 2 là ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 11.


Việc đổi giờ đúng theo giờ quy ước sẽ giúp bạn không bị sai giờ so với những người khác sinh sống tại Mỹ. Đảm bảo công việc, sinh hoạt thuận lợi và hướng đến mục tiêu quan trọng, đó là tiết kiệm năng lượng.

·         Múi giờ ở Mỹ – Cách xác định giờ ở Mỹ nhanh, chính xác

Lịch đổi giờ ở Mỹ năm 2023

Năm

Lần 1: +1 giờ

Lần 2: -1 giờ

2023

2h sáng ngày 12 tháng 3

2h sáng ngày 5 tháng 11

Lần đổi giờ đầu tiên, lúc 2h sáng chủ nhật ngày 12 tháng 3 năm 2023. Người Mỹ sẽ đồng loạt vặn đồng hồ tới 1 tiếng thành 3h sáng để bước vào giờ mùa hè hay còn gọi là giờ mùa xuân, giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (DST).

Giờ mùa hè sẽ kéo dài đến tháng 11. Trong thời gian này sẽ có nhiều ánh sáng hơn vào buổi tối.

Lần đổi giờ thứ hai diễn ra lúc 2h sáng chủ nhật ngày 5 tháng 11 năm 2023. Lúc này người Mỹ sẽ vặn lui đồng hồ thành 1h sáng để quay lại giờ tiêu chuẩn (ST).

Lịch đổi giờ ở Mỹ từ năm 2023 đến 2029

Năm

Lần đổi giờ thứ nhất
(2h sáng chủ nhật thứ hai trong tháng 3)

Lần đổi giờ thứ hai
(2h sáng CN đầu tiên trong tháng 11)

2022

13 tháng 3

6 tháng 11

2023

12 tháng 3

5 tháng 11

2024

10 tháng 3

3 tháng 11

2025

9 tháng 3

2 tháng 11

2026

8 tháng 3

1 tháng 11

2027

14 tháng 3

7 tháng 11

2028

12 tháng 3

5 tháng 11

2029

11 tháng 3

4 tháng 11

Việc đổi giờ sẽ được thực hiện trên các đồng hồ cơ. Riêng các thiết bị có kết nối mạng internet hầu hết sẽ tự động đổi giờ cho chính xác.

Theo Người Việt USA

Những nước áp dụng DST:

Vùng

Bắt đầu

Kết thúc

Đa phần Bắc Mỹ

02:00 giờ địa phươngchủ nhật lần thứ hai của tháng 3 (bắt đầu áp dụng vào năm 2007)

02:00 giờ địa phương, chủ nhật đầu tiên của tháng 11 (bắt đầu áp dụng vào năm 2007)

Newfoundland và Labrador

01:00 giờ địa phương, chủ nhật đầu tiên tháng 4

01:00 giờ địa phương, chủ nhật cuối cùng tháng 10

Đa phần Châu Âu lục địa

01:00 UTC, chủ nhật cuối cùng tháng 3

01:00 UTC, chủ nhật cuối cùng tháng 10

Ai Cập

00:00 giờ địa phương, thứ sáu cuối cùng tháng 4

00:00 giờ địa phương, thứ năm cuối cùng tháng 9

Israel

02:00 giờ địa phương, thứ sáu cuối cùng tháng 3

02:00 giờ địa phương, chủ nhất của tháng Tishrei giữa Rosh Hashanah và Yom Kippur

Cuba

00:00 giờ địa phương, chủ nhật của tháng 3

00:00 giờ địa phương, chủ nhật của tháng 11

Úc (Ngoại trừ Tây ÚcQueensland và Lãnh thổ phía Bắc)

02:00 giờ địa phương, chủ nhật đầu tiên tháng 10

02:00 giờ địa phương, chủ nhật đầu tiên tháng 4


Theo Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia





Tuesday, October 17, 2023

Sống với tuổi già

Năm nay 2023, tôi đã 82 tuổi gọi là đã già rồi hoặc là đã cao tuổi đều được cả. Ở Pháp cũng như ở Mỹ 62 tuổi được về hưu (Mỹ nghỉ hưu tuổi 62, gọi là hưu non, được nghỉ nhưng không có lương, nay phải 67 tuổi mới nghỉ hưu đúng quy định, được hưởng lương hưu).

Người già thường là hoạt động chậm chạp, từ hành động, nói năng cho đến suy nghĩ. Người ta cho rằng đó là lão hóa trong sinh, lão, bệnh, tử. Trong chuổi sinh mệnh của con người không ai tránh khỏi. Người già hầu hết đều có bệnh hoặc giống nhau hoặc cá biệt.

Người già thường có bệnh giống nhau người ta thường gọi là “lú lẫn” hay “quên trước, quên sau”. Có trường hợp tôi cho rằng lúc còn trẻ hoạt động nhiều, nhiều sự việc xảy ra lập đi lập lại, nên dễ nhớ, ví dụ mỗi ngày đi học hay đi làm vào lớp học hay vào sở làm cứ thấy người bạn, hay đồng nghiệp nào đó nhiều lần, nên nhớ họ tên của người ấy, nay lâu ngày đã xa nhau nên không nhớ họ tên của người bạn mình. Chẳng hạn như năm tôi học lớp Đồng Ấu trường làng Bình Mỹ, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc có ba người bạn ngồi cùng bàn đó là Khải con của thầy Giáo, Độ nhà  phiá dưới trường, Trai nhà phía trên trường, tới ngày nay tôi vẫn nhớ tên của 3 người bạn đó. 

Niên học 1955-1956 học lớp Nhứt E với Thầy Châu Văn Tính, bên cạnh tôi có người bạn tên Tri, em của Tri học cùng lớp tên Phú, tôi có người quen là Hồ Văn Phú nên tôi nhớ bạn tôi là Hồ Văn Tri, nhưng thật ra sau nầy nhớ lại anh ta là Quách Văn Tri, về sau là sĩ quan Quân Cảnh nên được đi Mỹ diện HO, anh ta đã mất tại Mỹ, còn Quách Văn Phú nhà ở Mỹ Đức gần Chùa Ông, lâu nay không liên lạc nhau, không rõ anh ta ra sao, còn hay đã mất. 

Tuy nhiên có những trường hợp mới xảy ra hôm qua hay hôm kia, tôi lại không nhớ, trường hợp nầy tôi cho là vì mình không chú ý nên không nhớ, chẳng hạn như tôi tìm thấy trên bàn một tờ giấy tôi ghi tên Long đt: 840933xxxỳy, nhưng tôi không nhớ đó là điện thoại của Long nào ? Chỉ biết là ở Việt Nam vì có mã số 84, nhưng tiếc thay tôi có nhiều bạn, nhiều đồng nghiệp, nhiều học trò, nên không thể biết là Long nào.

Người già có nhiều bệnh, người ta thường nói người già có “Ba cao, một thấp”. Ba cao đó là cao mỡ, cao máu, cao đường và một thấp là bệnh thấp khớp, tức là nhức mỏi ở các khớp xương.

Cao huyết áp, theo lời bác sĩ căn dặn phải uống thuốc suốt dời, và chúng ta cũng nên biết người bị huyết áp cao dễ bị bệnh Tiểu đường, cũng như ngược lại.


Tôi có 2 người bạn, đều bị Huyết áp cao, một anh thường ngày ăn gạo lức muối mè trường kỳ, không uống thuốc chữa trị bệnh mãn tính Cao huyết áp, sau anh bệnh nên gầy yếu phải uống thuốc theo toa bác sĩ.

Một anh nữa, không thèm uống thuốc tây, theo lời chỉ dẫn của bạn bè ở Việt Nam, dùng thuốc Đông y để chữa trị. Theo cách nầy một thời gian không lâu, anh ta bị suy thận, nay phải đi lọc máu mỗi tuần 3 lần.

Tôi có người chị dâu trên 80 tuổi, ở Pháp, chị bị tiểu đường, phải lọc máu mỗi tuần 3 lần, sau đó một thời gian, chị bị cưa 2 chân, vài tháng sau đã qua đời.

Cho nên người già sẽ có những bệnh tật, trong đời sống hàng ngày cần phải hoạt động, nhất là tập thể dục với những động tác nhẹ nhàng như đi bộ, hay tập “Vẫy tay” trong phương pháp Dịch Cân Kinh.


Đi bộ

Điều cần yếu là khám bác sĩ định kỳ. Quan trọng hơn hết là phải đi khám bác sĩ nếu cảm thấy có triệu chứng bệnh, nhớ uống thuốc hàng ngày theo toa bác sĩ.


Tạo ra sự vui vẻ, yêu đời

Buông bỏ hết mọi giận hờn, giữ tâm luôn thanh tịnh và vui vẻ yêu con cháu, người thân, yêu đời. Nên đọc sách, xem truyền hình hay Youtube để cho bộ óc làm việc, như thân thể tập thể dục. Có vậy mới mong được sống khỏe mạnh thanh thản ở  tuổi già.

866417102023






Thursday, October 12, 2023

Mua vé số

Trong mấy tuần đầu tháng 10 năm nay 2023 vé số Power Ball vì không có người trúng số độc đắc, nên tiền thưởng dồn lên được 1 tỷ, tuần vừa qua tăng lên đến hơn 1,7 tỷ. Mấy tuần vừa qua, tôi không mua vé số, nhưng khi đọc tin thấy vé trúng thưởng lên hơn 1,7 tỷ, nên tôi đi mua 2 tờ vé số, 1 tờ Power Ball và một tờ Mega Millions, mỗi tờ giá bét hạng là 2 dollars. Cả 2 tờ tôi đều không trúng 1 con số nào cả.

Riêng giải độc đắc có người mua ở California đã trúng thưởng, nếu để lãnh dài năm thì tiền thưởng là 1,765.000 dollars, nếu lãnh ngay 1 lần sẽ được $774.1 triệu dollars. Tên họ người trúng thưởng có thể được công bố, nhưng cũng có thể không, do người trúng thưởng quyết định.

Tôi nhớ khi còn nhỏ ở nhà quê có chơi số đề 40 con, hình như 1 đồng trúng 36 đồng, mua số cập hình như 1 đồng hay 2 đồng trúng 1,200.00 đồng. Tôi nhớ có lần người bác họ ở gần nhà tôi, thấy có ai đó leo lên cây xuyên thượng trong nhà bác, thế là bác ấy và cha tôi bàn với nhau rồi mua số đề, đó là lần đầu tiên cha tôi mua số đề và trúng, nhưng từ đó về sau chỉ có thua mà thôi.

Một lần tôi nằm chiêm bao thấy đi bắt tôm, hôm ấy tôi lấy 2 cắc mua con tôm số 18 thế là tôi trúng được 7,20 đồng, từ đó trong nhà đặt cho tôi biệt hiệu là Sáu Tôm, vì tôi thứ sáu. Một lần khác tôi nằm chiêm bao thấy có anh lơ xe bảo tôi đi  Sàigòn chơi. Tiền xe đi 10 đồng, về 20 đồng, sáng ra tôi kể lại giấc chiêm bao, cô tôi đánh cá cập 10 x 20 và ngược lại, sáng ấy trật tuốt. Buổi chiều cô tôi không mua cá cập mà mua đơn số 10 và số 20. Kết quả số xổ ra 10 trước và 20 sau. Cô tôi trúng được số 10, được tiền, nhưng cô tôi khóc, cô tức vì nếu mua cá cập như bổi sáng cô sẽ trúng và được nhiều tiền. Đó là thời đánh số đề trước khi ông Ngô Đình Diệm chấp chánh ở Miền Nam.

Tôi nhớ có một lần anh Nguyễn Văn Hội giáo sư Trung học kỳ thuật Cao Thắng và tôi cùng đi gác thi Tú Tài 1 và 2 ở Trường Kỹ thuật An Giang, năm đó có lẽ là năm 1972, ai thi đổ tiếp tục học lớp 12, hoặc vào Đại Học ai thi rớt phải bị động viên, đi quân trường Đồng Đế ở Nha Trang hoặc Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Năm đó, tại trung tâm thi ở Long Xuyên có con hay em ông Phó Tỉnh Trưởng dự thi, nên trước ngày thi được ông Phó Tỉnh Trưởng mời một bữa cơm chiều, tại quán ăn gần Trung Học Thoại Ngọc Hầu, đêm đó được ngủ tại Khách Sạn, gần rạp chiếu bóng nay tôi đã quên tên. Ai thích đỏ đen thì gầy song xì phé, ai thích của lạ thì có người lên Chắc Cà Đao rước vài bóng hồng đến mua vui.

Sau mấy ngày thi, đến khi chúng tôi trở về Sàigòn nộp bài cho Ban Giám Kháo của Hội Đồng Thi đặt tại Trường Cao Thắng, anh Hiệu Trưởng Trần Văn Nên lấy xe nhà Trường đưa chúng tôi về, lúc xuống Bắc Vàm Cống, chúng tôi vui vẻ trò chuyện, mấy người bán vé số cứ đến kèo nài mua vé số của họ. Thấy bị phiền quá, tôi mua 1 tờ, anh Hội mua 1 tờ thế là họ không làm phiền chúng tôi nữa. Sau đó, anh Hội đưa tờ vé số cho tôi và bảo: “Tôi hùn với anh. May ra chúng mình trúng chia nhau xài”

Cuối cùng đến ngày xổ, có hai tờ vé số chúng tôi đều trúng cả, một tờ 20 ngàn và tờ kia an ủi 500 đồng. Tôi gọi điện thoại và hẹn với anh Hội ra Tổng Nha Ngân Khố ở đường Nguyền Huệ lãnh tiền, chia nhau mỗi người 10 ngàn, số tiền 500 còn lại, chúng tôi bước đến ngã ba đường Ngô Đức Kế gần đó uống bia “bốc”, sau nầy gọi là bia tươi hay bia hơi và ăn hột vịt lộn.  

Khi tôi lên Banmêthuộc dạy học, nơi đây có ông Giám Thị Nguyễn Văn Anh, ông nói với tôi: “Mình mua vé số, dù không trúng, nhưng từ khi mua cho đến lúc xổ số có kết quả, mình sẽ ấp ủ, ước mơ bao nhiêu là mộng đẹp. Vậy cũng đủ với mười ngàn mình bỏ ra mỗi tuần mua 1 tờ vé số”.

Cho nên dù vé số Power Ball ngày 11/10/2023 của tôi không trúng một con số nào trong 6 số đó, tôi đều vui vẻ, nhớ tới ông Giám Thị Nguyễn Văn Anh, nhớ tới lần trúng số mua ở Bắc Vàm Cống, uống bia bốc và ăn hột vịt lộn ở ngà ba Ngô Đức Kế - Nguyễn Huệ, như vậy là vui rồi. Mọi chuyện vẫn vậy mà thôi.

Nói đến xổ số, chúng ta không thể không nhắc đến Trần Văn Trạch, người đã sáng tác và hát bài hát Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, hơn 50 năm về trước ở Miền Nam nước Việt già, trẻ, bé, lớn ai cũng có nghe qua. Mời quý vị nghe lại tại:

https://www.youtube.com/watch?v=WmlE1BCKH-w

hoặc:

https://www.youtube.com/watch?v=-8nnPOhyeMw

866412102023