Pages

Wednesday, December 8, 2021

Những chuyến đi để đời.

 Trong đời tôi có những chuyến đi để đời, mỗi lần nhớ lại còn cảm thấy vui hoặc sợ hãi hoặc là mình có chút may mắn trong đời.

Chuyện thứ nhất, năm 1969 sau khi ra Trường Quân Cụ ở Gò Vấp, tôi chọn nhiệm sở ở vùng 4, trong khi chờ đợi cơ quan Quân Cụ vùng IV phân bổ đi đơn vị, tôi được phép nghỉ 3 ngày, nên lấy vé xe về Sàigòn sống với gia dình, ngày cuối cùng đi từ Sàigòn xuống tới Vĩnh Long đã 6 giờ, không có xe đò đi tiếp và cũng không có địa chỉ các bạn để ngủ nhờ qua đêm, tôi đành phải đi chuyến xe Lambro từ Vĩnh Long qua Cần Thơ khoảng cách chừng 40 km, xe chạy mất chừng 1 giờ đồng hồ.

Ngồi trong xe rồi tôi mới quan sát, trong xe toàn là các bà bạn hàng, họ đi buôn bán nên về trễ, xe chạy trên đường cũ cập theo bờ kênh một đoạn xa, lúc đó đường mới quân đội Mỹ đang thi công. Xe chạy được một lúc tôi mới cảm thấy lo sợ, chẳng may có VC ra chận đường, đương nhiên là tôi không tránh khỏi bị họ dẫn đi, sống chết có trời biết. Đây là thời điểm dễ xãy ra, bởi vì không có xe qua lại, an ninh sau Tết Mậu Thân vẫn chưa trở lại bình thường. Đường đi từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau vẫn phải tổ chức đoàn Convoy. Xe dừng tại bến Bắc Cần Thơ, tôi mới thở phào hít không khí dòng sông Hậu Giang dịu mát tâm hồn.

Tôi không nhớ rõ năm nào, có thể là năm 1985 hay 1986, tôi phải đi công tác giao dịch với phòng công nghiệp huyện Mỹ An tỉnh Đồng Tháp để xây dựng cho họ một nhà máy đường công xuất nhỏ vài tấn ngày tại Ngã sáu thuộc huyện nầy.

Ngã sáu là ngã sáu sông chớ không phải đường bộ. Có lần người ta chỉ tôi đến ngã tư Cái Bường hỏi thăm người ta chỉ nơi chon cất tro cốt nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tôi nhớ mình nhiều lần đi dường xe Sàigòn – Châu Đốc có qua Sa Đéc, đâu có nơi nào là ngã tư Cái Bường, sau hỏi lại mới biết đó là ngã tư sông như Ngã Năm Phong Điền, Ngã Bảy Phụng Hiệp ở Cần Thơ, Hậu Giang.

Tôi nhớ sau khi đến Công ty làm thủ tục giấy tờ, có cả giấy giới thiệu để ra xa cảng mua vé xe đi Cao Lãnh. Đến Cao Lãnh vào khoảng 5 giờ chiều, hỏi thăm mới biết không còn xe đi vào huyện Mỹ An, hỏi thăm người ta mới biết đến ngã ba Mỹ Thọ đón xe lôi gắn máy đi vào trong ấy, nó là một huyện trong đồng Tháp Mười.

Đến ngã ba, trong khi chờ đợi, có một anh người cũng khoảng gần 30 đi với một cậu thiếu niên tuổi chừng 13, 14. Hỏi ra mới biết cả 2 cũng đi về Mỹ An. Mộc chốc có chiếc xe lôi gắn máy thấy chúng tôi đứng chờ xe, anh lái xe lôi cho biết không còn xe về Mỹ An, đáng lẽ anh ta đi Mỹ An, nhưng hôm ấy nhà có giỗ, anh ta phải về nhà, nên khuyên chúng tôi đi với anh ta đến chợ Mỹ Quý, được nửa phần đường, phần còn lại chịu khó cuốc bộ. Biết anh ta nói thật, chúng tôi cùng lên xe.

Khi xe anh ta chạy tới chợ Mỹ Quý, trời đã chạng vạng tối, thả chúng tôi xuống, tiền bạc trả xong chúng tôi cuốc bộ trên con đường đá đã lâu ngày không sửa chữa, nơi phơi bày đá dăm chen lẫn với đất và đá, hai bên đường vẫn có lề cỏ xanh tươi, qua khỏi lề và nền đường là ruộng lúa, cỏ trải dài đến hàng cây mút mắt ở xa.

Màn đêm buông xuống, hai bên không có nhà, trên trời không có trăng chỉ có ít sao, ba chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, vừa để ý nơi đen đen đó là lề đường, đi chệch qua đó có thể xuống ruộng. Anh kia cho tôi biết theo kinh nghiệm đi hành quân, giờ đầu đi được 6 km, giờ sau 5 km và những giờ sau còn 4 km mà thôi.

Dọc đường, có một cái quán, chong đèn leo lét, chúng tôi cũng hơi mõi chân, nên dừng lại quán, mỗi người uống một ly nước chanh, rồi đi tiếp chừng hơn nữa giờ sau, chúng tôi mới vào đến huyện lỵ Mỹ An, khi bước lên chiếc cầu sắt bắt qua con kênh trước khi vào huyện lỵ, có ánh sáng tôi nhìn đồng hồ đã hơn 8 giờ đêm.

Đó là đoạn đường, đi không thấy lối đi, đến nơi không biết nó là đâu. Từ nhỏ tôi đã nghe nói đến đồng Tháp Mười, nơi có nhiều cây tràm, lúa hoang mọc trên những đám tráp. Xóm tôi có người chú họ, chú ấy không có đất canh tác, cứ đến mùa nước vào khoảng tháng 10, tháng 11 chú bơi xuồng vào đồng Tháp Mười, vài ngày sau chú về chở đầy một xuồng toàn là lúa hạt.

Chú kể lại, vào tới đồng Tháp Mười rồi, tìm xem nơi nào có lúa chín, đưa xuồng tới đó, lấy cây dầm gạt ngang, cho hạt lúa rụng vào xuồng, khi nào đầy xuồng thì bơi xuồng về. Lúa ấy xay ra toàn là gạo màu nâu, chú cũng cho biết thêm, chim tha những cọng lúa rơi hạt trên tráp rồi nó nẩy mầm lên cây, chớ chẳng có ai trồng trọt gì hết.

Năm ngoái, chúng tôi đi từ Phú Hòa Long xuyên về Sàigòn, cậu tài xế tự nhiên đưa chúng tôi đi cho biết Quốc Lộ N2, chúng tôi qua cầu Vàm Cống, theo đó cho xe chạy qua cầu Cao Lãnh, hướng về Sàigòn, đến ngã ba Mỹ Thọ lại đi về Mỹ An, ngồi trên xe nhìn 2 bên đường thấy nhà nhà khang trang, đến thị xã Mỹ An xe chạy qua cầu đúc xi măng, tôi nhớ tới chiếc cầu sắt sơn đen ngày xưa, lần đầu tôi đã vào đồng Tháp Mười, ngày đó đất đai hoang vu, nhà cửa thưa thớt. Ngày nay nhà cửa khang trang, những khu đất trồng lúa, những mảnh vườn trồng cây ăn trái nào là xoài riêng, mít Thái đang vươn mình trên mảnh đất phì nhiêu màu mỡ.

Năm 2017, anh tôi bệnh nằm bệnh viện, biết tin tôi qua Paris thăm anh ấy một tuần rồi về. Trong thời gian tôi sang thăm, anh tôi vẫn nằm trong bệnh viện, anh cho biết bác sĩ chỉ thăm bệnh và cho uống thuốc chớ không có chữa trị chi cả, trong thời gian đó anh xem trên mạng thấy có tin đến cuối năm sẽ không còn xài tờ 500 Euro, anh nhờ tôi lục tìm tiền anh để trong các phong bì, sau 2 ngày tìm kiếm được khoảng 7, 8 chục tờ, anh mới bảo em vợ của anh đưa tôi ra Ngân hàng đổi cũng lấy tiền Euro, mệnh giá nhỏ hơn. Tôi đem ra đổi 5 ngàn, họ chỉ đổi 3 ngàn vì tôi là người nước ngoài, còn em vợ anh tôi nhân viên ngân hàng cho biết là nộp tiền vào chương mục, chớ họ không đổi. 

Hai tháng sau anh tôi mất, tôi liền mua vé cấp tốc sang Paris, đến nơi tôi không thể vào nhà vì chị ấy đi lo việc tang lễ của anh tôi, chị ấy bảo chịu khó chờ. Tôi đành đến một Trung tâm thương mại, tìm quán coffee ngồi chờ, khoảng 4 giờ chiều chị ấy gọi điện nói với tôi:

“- Xin lỗi chú, anh mất bất ngờ quá, hôm nay đi tìm xem họ đã chở anh chú tới đâu. Giờ đã biết rõ chỗ rồi. Tôi nghĩ tôi là nữ, chú là nam anh chú mất rồi, chú về ở trong nhà không tiện. Vậy chú tìm nơi nào ở đỡ đi.”

Tôi chỉ biết “Dạ !”.

Rồi nhớ xem có ai quen, để có thể ở tạm vài hôm, nhớ có một anh đồng nghiệp năm 2012 tôi sang Paris anh chở tôi đi ăn trưa, đi chơi ở Monmartre, xem các họa sĩ sáng tác tranh.

Các họa sĩ vẽ tranh ở Monmartre

Chiêm ngưỡng nhà thờ Sacre Coeur, dạo phố có quán Moulin Rouge gần đó, lần nầy gọi điện thoại 2 lần không thấy anh bắt máy, tôi nghĩ chắc anh chị đi nghĩ Hè.

Thánh đường Sacre Coeur

Tôi rời khỏi quán coffee định đi tìm Khách sạn quanh khu đó hoặc trở lại khu gần Tòa hành chánh quận Gentilly, nơi đây tôi ở 1 tháng năm 2012, nơi đó có khách sạn, gần đường xe bus và xe điện ngầm cũng gần khu chợ người Việt ở Quận 13.

Trên đường đi tôi nhìn thấy có tấm biển ghi L’Auberge, tôi nhớ khoảng năm 1955, kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, sau khi gác thi về chú và Thầy tôi có bàn về chữ l’auberge, có nghĩa là nhà trọ ở thôn quê, tôi thấy trong căn nhà đó có người ngồi bên cái bàn, có điện thoại nên tôi vào hỏi có phòng không để tôi thuê, nhưng người đó cho biết nơi đây đã đóng cửa rồi. Thế là tôi đi đến trạm xe bus 25 để đi về Gentilly, trong khi đó nhà tôi gọi tới cho tôi số điện thoại của người chú vợ, bảo tôi gọi liên lạc với chú để về nhà chú ở. Tôi liên lạc được với chú ấy, chú hướng dẫn tôi lấy vé tàu điện đi về nhà chú ở ngoại ô, Bures sur Yvette phải lấy xe điện ngầm đi Massy-Palaiseur, đến đây lấy xe Bus số 2 đi tiếp.

Tôi ở đây được 2 ngày, chị dâu tôi lại gọi bảo về khách sạn ở khu chợ Việt Nam nơi quận 13 ở cho tiện việc đưa đi thăm anh tôi ở Viện Pháp Y, tôi lấy khách sạn Le Baron 76 Avenue de Choisy 75013 Paris, buổi tối tôi thả bộ đi chơi ở Quảng trường Place d’ Italie thi được điện thoại chị ấy gọi bảo trở về trả khách sạn, về nhà chị ấy nghỉ, để ngày mai tiện việc đưa tôi đi.

Ngày hôm sau đến Viện Pháp Y Institut Médico Légal tại số 2 Voie Mazas, 75012 Paris, vì ở Pháp, người chết tại nhà, bị tai nạn đều phải đưa đến đây để xét nghiệm. Họ cho thân nhân vào xem nhưng không được sờ mó người chết, không được chụp ảnh.

Đến một nơi xa lạ, không tính toán trước, bị từ chối chỗ ở làm cho tôi hết sức ngỡ ngàng. Đến khách sạn ở thì dễ dàng, chỉ có điều bất ngờ, không có tính toán trước. Sau nầy suy nghĩ lại, chắc lúc anh tôi vừa nằm xuống, chị dâu tôi chưa kịp cất giữ những món tiền, những vật đáng giá như những đồng tiền vàng anh tôi sưu tập, những cái đồng hồ Patex Philippe, chắc chị ngại tôi vào nhà sẽ lấy những thứ ấy, vì trước đó anh tôi nhờ tôi lục tìm chúng khi anh nằm ở bệnh viện.

Đó là những chuyến đi trong đời, tôi thật khó quên.

Mời xem vài Video Clip tại Về Miền Tây

8664081221






Wednesday, October 27, 2021

Bạn tôi (3)

Ai cũng có bạn, có những người bạn thân dĩ nhiên là cũng có những người bạn không thân cho lắm, có những người bạn ở gần nhưng cũng có những người bạn ở xa, có những người bạn học thời mới cặp sách vở tới trường, có những người bạn thời vào Đại học, có những bạn thời quân ngũ, thời tù tội của chế độ cộng sản, bạn đồng nghiệp khi đi dạy học, khi làm công ty. Sáng nay có người gửi vào Facebook của tôi “Loc Nguyen Hi Anh Tông, Khỏe không Anh ? Em là Lộc làm ở phòng hành chính với anh Hồng/Công ty trang bị kỹ thuật, em đang sống ở San Francisco, California.”

Tôi đã rời xa Việt Nam ít ra là 30 năm, anh Hồng ở Công ty thì tôi nhớ vì anh là Trưởng phòng Hành chánh của Công Ty, phòng anh Hồng có cô Yến, cô Hoa tôi vẫn còn nhớ, nhưng Lộc thì tôi quên. Nhìn hình trên Facebook càng không nhớ thêm ra tí nào ! Có thể nay tôi đã hơn 80 và đã xa Công ty nhiều năm rồi nên bộ nhớ đã phai mờ.

Có những anh học chung với tôi từ năm 1956, nay gặp lại nhớ được, có anh bạn học gặp thì biết là có học chung lớp, nhưng không nhớ là lớp nào ? Vào năm nào ?

Tôi có tấm ảnh chụp chung khi học Đệ Thất năm 1956, lúc đó vào cửa Sở Thú Sàigòn không tốn tiền, nên có hôm giáo sư nghỉ, chúng tôi kéo nhau vào đó rồi chụp ảnh, cng nhờ đó tôi nhớ được những người bạn xưa, thỉnh thoảng gặp lại vẫn nhớ được anh Châu Viễn ở Santa Ana, anh Lương Văn Sĩ ở Sàigòn.

Hàng đứng Tông mặc quần áo trắng tay phải, kế đó Lương Minh Mẫn, kế đó Lương Văn Sĩ

Nhiều người bạn nói theo thói thường là đã viễn du tiên cảnh, cũng có bạn chưa từng gặp lại, bạn bè cũ không rõ tin tức anh ta.

Có anh bạn trong quân ngũ, nhập học chung khóa 27 SQTB Thủ Đức ngày 12-1-1968 rồi tiếp theo học ở Trường Quân Cụ cho đến tháng 4 năm 1969 mới ra Trường, mỗi người một đơn vị khác nhau, nhưng mấy năm gần đây gặp lại ở Sàigòn, họp mặt cùng bạn bè CHS Cao Thắng, anh ta định cư ở Vest Virginia, nằm sát Kentucky của tôi, hai chúng tôi cách nhau chắc chừng 4 hay 5 giờ lái xe, cứ một hay 2 tuần gọi điện thoại thăm nhau, còn gặp nhau thì hẹn ở Sàigòn.

Trần Minh Nhựt mặc áo caro

Về Sàigòn, tôi có 2 chỗ hẹn, một chỗ ở đường Đào Duy Từ, nơi sân banh Thống Nhất, hàng tháng một số bạn CHS Cao Thắng đến đó giao lưu, có anh từ Cần Thơ hay Bến Tranh ở Mỹ Tho lên, hay ở Thủ Đức xuống, gặp nhau để ăn, uống bia hay nước ngọt có anh chỉ uống nước suối mà thôi, nhưng vẫn ghiền cái không khí họp mặt.

Một chỗ hẹn khác cứ vào sáng Thứ Năm hàng tuần tại Cầu Trắng, nằm góc đường số 7 và Nguyễn Quý Cảnh, anh em đến đó gặp nhau uống cà-phê hay nước sinh tố, không nhất định có mặt từ 8 giờ cho đến gần 12 giờ trưa tan hàng, có anh từ Thủ Đức xuống, có anh từ Phú Lâm ra, có anh từ Hóc Môn xuống, gặp nhau chỉ để thăm hỏi, trò chuyện nội dung gợi nhớ những kỷ niệm xưa, chúng tôi đều có tuổi trên dưới 80, ai cũng còn minh mẫn, ai cũng ghiền cái không khí bạn bè, thỉnh thoảng lại có người bỏ cuộc vui, bỏ anh em tiếc nhớ tình nghĩa bạn bè, tuổi già mới thấy bạn càng ngày càng thưa vắng, dù gì cũng cố gắng có mặt, sợ mình bỏ lỡ dịp may gặp bạn bè lần chót.

Chẳng hạng như anh Hồ Ngọc Điển, mới gặp nhau đó, vài hôm sau đi đám tang anh, rồi đưa anh lần chót đến Nhà Vĩnh Biệt Bình Hưng Hòa.

Hồ Ngọc Điển góc tay trái, ảnh chụp tại Quán Sinh tố 88 Cầu Trắng (Điển mất 11-12-2018)

Một anh bạn ở Sàigòn, trong mùa dịch bệnh nầy, không thể họp mặt với bạn bè ở        Đào Duy Từ, nên 1 hay 2 tuần anh lại gọi sang hỏi thăm tôi và muốn biết tin tức những anh em khác ở Mỹ, lại một nổi lo ngại về dịch bệnh Covid-19 nầy, mong cho nó qua mau, đọc tin thấy đã có thuốc uống qua 2 đợt thử kiệm kết quả trên 90%, cuối năm sẽ có kết quả chung cuộc, hy vọng đó là thuốc trị đúng bệnh, vì thuốc chỉ cần uống trong 5 ngày là khỏi bệnh, khỏi phải đi bệnh viện. Chắc chắn mọi người sẽ hồ hỡi đón nhận nó như thần dược, sẽ đẩy lùi dịch bệnh quái ác nầy.

Chúng ta biết Đệ nhất Thế Chiến tư 28-7-1914 đến 11-11-1918 tại Châu Âu có 17,591,000 người chết. Đệ Nhị Thế Chiến tại Châu Âu, Châu Á và Mỹ Quốc có 73,000,000 người chết, trong khi đó dịch bệnh từ cuối năm 2019 bắt đầu từ Vũ Hán lan tràn sang các Châu cho đến ngày 26-10-2021, trên toàn Thế giới có 4,960,000 người chết, số tử vong cao nhất là Mỹ với 740,000 người. Số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới là 245,000,000 người. Cho nên dập được cơn dịch nầy là điều đáng mừng cho mọi người khắp thế giới.

866427102021







Thursday, October 7, 2021

Ý tưởng kỳ lạ.

Hôm nay có người gửi email đến cho tôi để tham gia vào Nhóm Huỳnh Ái Tông. Thật ra tôi không có Nhóm nầy mà chỉ có Nhóm Trung Học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ để các em học sinh cũ của tôi có nơi liên lạc với nhau, chia sẻ những kỷ niệm vui buồn.

Người nầy ghi là ở Saigon, Wadi Fira, Chad. Tôi đã sống ở Sàigòn từ những năm 1956 cho đến 1991, trải qua những ngày niên thiếu ở đó, đã rong chơi, cắm trại nhiều nơi nào là Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Thuận … nhưng chưa hề nghe biết vùng nào là Wadi Fira, Chad hoặc giả đây là chung cư, cao ốc mới xây có tên nầy. Vì không biết, buộc lòng tôi phải lên mạng nhờ Google tìm, cuối cùng tôi được biết đây là 1 trong 23 vùng lãnh thổ của Cộng Hòa Tchad ở Phi Châu.

Tôi có nhận định rằng những người trẻ luôn có những ý nghĩ mới lạ. Tôi đã vào Facebook của Saigon, Wadi Fira Chad thấy có rất nhiều người ghi là sống và làm việc tại Saigon, Wadi Fire, Chad hoặc vừa mới chuyển tới …

Người Việt ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung là Miền Tây, chân lấm tay bùn quanh năm với đồng ruộng, muốn đi đến Sàigòn trải nghiệm một lần cho biết vì nó đã từng được mang tên Hòn Ngọc Viễn Đông.

Người ở Sàigòn, muốn được đi Huế, đi Hà Nội một lần cho biết vì Huế có cung điện lăng tẩm vua chúa ngày xưa, có chùa chiền cỗ kính như Thiên Mụ, Diệu Đế, còn Hà Nội có Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn. Đó là những nơi danh tiếng đẹp đẻ, thiêng liêng gắn liền với lịch sử nước nhà.

Ở nước ngoài người ta muốn du lịch tới tháp Eiffel của xứ Pháp, tới Nữu Uớc, tới Hollywood của Mỹ vì những nơi nầy danh tiếng toàn cầu.

Còn Chad hay Cộng hòa Tchad là một xứ Phi Châu, nói chung là Châu Phi nghèo khó, chỉ có Dubai hiện nay là giàu có xây những toà nhà hiện đại, có tòa nhà cao chọc trời Burj Khalifa có đến 211 tầng, cao đến 828 thước. có khách sạn người ta dùng 16 tấn vàng để trang trí và tại đây có món ăn uống có vàng ăn uống được.

Toà nhà Burj Khalifa ở Dubai

Đó là những nơi đáng đến, đáng sống để trải nghiệm, còn Chad có chi mà đua nhau giới thiệu đã chuyển đến Wadi Fira, sinh và lớn lên tại Wadi Fira hay làm việc tại Wadi Fira !!!

Tôi nghĩ nhiều người trẻ có đầu óc khó hiểu, ít có người nào muốn hay có ước vọng trở thành Steve Jobs người đồng hành với Steve Wozniak đã sáng tạo ra sản phẩm Apple mà ngày nay hàng triệu triệu người sử dụng.

Nhờ Jobs mà ngày nay, người ta cách xa vạn dậm vẫn có thể thấy nhau, nói chuyện với nhau, chỉ có chưa được bắt tay nhau mà thôi.

Tôi có một anh học sinh cũ, sau nầy anh ấy theo học và tốt nghiệp ngành Vật Lý tại đại học danh tiếng Stanford ở California, anh ấy đã đưa tôi đi tham quan nơi đây 1 ngày, nhờ đó tôi biết được phần nào về Stanford University. Những người trẻ Việt Nam ta nên mong ước mình được theo học tại Stanford ở San Jose hay Harvard ở Massachusetts được mở mang kiến thức, giúp ích cho đời, cho đất nước mình giàu mạnh, tự do, hạnh phúc.

Đại học Stanford ở San Jose, California

866407102021









Saturday, September 18, 2021

Lại mất thêm những người bạn

Khi Đại Học Vạn Hạnh vừa được thành lập gồm có 2 Phân khoa, Phân Khoa Văn học và Khoa Học Nhân Văn mượn Chùa Xá Lợi của Hội Phật Học Nam Việt làm Văn phòng và các lớp học.


Chùa Xá Lợi

Phân Khoa Phật Học được nâng cấp từ trường Cao Đẳng Phật Học, nên sử dụng cơ sở có trước đặt tại Chùa Pháp Hội.


Tôi đã ghi danh theo học tại Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân Văn do Thượng Tọa Thích Thiên Ân làm Khoa Trưởng, văn phòng có ông Tần làm Trưởng Phòng và cô Dung làm Thư ký, phòng học là Giảng Đường của Chùa, lớp học mở từ 6 giờ đến 10 giờ đêm. Tôi đang học tại Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, nên đã ghi danh học tại Phân Khoa VH và KHNV. Trong 2 năm tôi đã lấy được một số Tín Chỉ, đã tham gia thành lập Tổng Hội Vạn Hạnh khóa đầu tiên năm học 1964-1965 do Luật sư Trần Tiến Tự làm Chủ tịch.

Sau 2 năm học ở Ban CĐSPKT ra trường, tôi đi dạy học ở Banmêthuộc, rồi bị động viên đi học khóa 27 SQTBTĐ, ra Trường được phân bổ đi vùng IV phục vụ ở Đại Đội Bảo Toàn Tiểu Đoàn Tiếp Vận, thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh, đồn trú tại Sóc Trăng, có lúc tôi theo đơn vị là Trung Đội Sửa Chữa, đồn trú ngay trong Thị xã Cà Mau, cho đến tháng 9 năm 1969, tôi được biệt phái về Trường cũ, năm 1970 tôi được thuyên chuyển về Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Sàigòn. Tôi phải dạy 20 giờ mỗi tuần, nên ghi danh đi học lại, được xếp vào năm thứ 2 của Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, niên khóa 1970-1971. Nơi đây, tôi đã học chung với các anh Thiếu Tá Vũ Văn Trung, Bùi Văn Sớm, Lý Trương Quang, Vũ Thế Ngọc, Mai Vi Phúc, Trần Hổ Từ, các chị Trương Thị Bích Vân, Chu Thị Xuân Mai, Nguyễn Ngọc Mai, Trần Thị Bích Bướm.

Từ trái: Hh Ái Tông, Lý Trương Quang, Bùi V. Sớm, Vũ V. Trung, Chu T. Xuân Mai, Trần T. Bích Vân

Sau 1975, chị Bích Bướm có quán cà-phê mở tại nhà, gần chợ Vườn Chuối, Lý Trương Quang có lúc dạy giờ tại Trường tôi đang dạy, Trần Hổ Từ ngay sau khi tốt nghiệp Cử Nhân năm 1973, anh đã đi du học ở Đài Loan, anh Sớm có nhà mặt tiền đường Trần Quốc Toản nay là đường 3 tháng 2, thỉnh thoảng tôi ghé thăm anh hoặc anh chị về thăm nhạc mẫu trong khu Cư Xá Đô Thành nơi tôi ở, nên vẫn thường gặp anh.

Lý Trương Quang ở Cư Xá Bưu Điện trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần ngã tư Nguyễn Bĩnh khiêm, cách nay mấy năm tôi có đến thăm anh, nhưng người ở chung cư cho biết em của anh đã bán nhà dọn đi nơi khác, nên tôi không thể tìm được bạn, phu quân của chi Nguyễn Ngọc Mai là sĩ quan Hải Quân, nên chi đã di tản từ trước ngày 30-4-1975, chị Bích Bướm sau nầy cũng đã cùng gia đình đi định cư ở Mỹ, Mai Vi Phúc hình như định cư ở Đức, còn Vũ Thế Ngọc tôi có gặp anh 2 lần, lần đầu khi chúng tôi cùng đi thăm TT. Thích Tuệ Sỹ tại Già Lam Quảng Hương, lần sau ở quán cà-phê trên đường Nguyễn Du trước Vương Cung Thánh Đường.

Từ trái: Huỳnh Ái Tông, Vũ Thế Ngọc, TT. Thích Tuệ Sỹ

Khi qua Mỹ, năm nào đó sang Cali, tôi có điện thoại cho anh Vũ Văn Trung, anh chở tôi tới nhà anh ở chung cư, gần Tượng đài Việt Mỹ tại Santa Ana, rồi sau đó được tin anh đã mất vì tuổi già, anh sinh 30-8-1926 ở Nam Định. Năm 2015, sang Cali tôi có đi thăm anh Bùi Văn Sớm, rồi đi ăn cùng với anh, vừa mới đây được người quen báo cho biết anh Sớm đã mất vì bệnh người già, thọ 92 tuổi. 


Từ trái: Chị Sớm, anh Bùi Văn Sớm, Bùi Kim Chi, Huỳnh Ái Tông, anh Tuệ Linh

Tôi cũng được tin phu nhân của anh Trần Phác Lạc giáo sư Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng đã mãn phần vì Covid-19. Chị tên là Triệu Thị Chơi tác giả một số sách dạy nấu ăn vì chị tốt nghiệp Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, chị đạt danh hiệu Nhà giáu Ưu tú vào năm 2000, gần đây có lần tôi tới thăm anh Trần Phác Lạc, có gặp chị đi làm về, chị chào tôi như người khách lạ, chắc chắn là chị đã quên tôi, nhưng tôi vẫn còn nhớ năm 1965, sinh viên Ban CĐSPKT truất phế anh Nguyễn Minh Sử, có tổ chức bầu lại Ban Đại Diện CĐSPKT, chị và tôi đứng chung Liên danh, nhưng Liên danh chúng tôi thất cử. Liên danh của anh Phạm Văn Tài đắc cử. Chị Triệu Thị Chơi đã mất tại Bệnh viện 115 vì Covid-19 ngày 25-8-2021, chị thọ 76 tuổi.

Nhà giáo Ưu tú Triệu Thị Chơi (1946-2021)

Tôi đã thuộc vào hàng 80, nên bạn càng ngày càng thưa thớt đi, những người khác không cùng thế hệ khó giao tiếp, như vậy mới hiểu vì sao Từ Thức về trần tìm về cố hương, không còn ai quen biết nên bỏ đi biệt tâm mất tích.

Nguyện cho anh Phổ Giác Bùi Văn Sớm và chị Triệu Thị Chơi sớm vãng sinh về cõi an lạc.

866418092021








Tuesday, September 14, 2021

Tôi học làm Vlog

Vào khoảng năm 2011, một hôm viết bài trên Blog, tôi nghĩ sao không đưa những hình ảnh hoặc đoạn phim lên Blog cho bạn bè, học sinh cũ của tôi xem. Thế là từ đó, kèm theo những bài viết tôi có đưa    lên những đoạn phim, hoặc là những hình ảnh thành phim đưa lên từ 30 tháng 9 năm 2011. https://www.youtube.com/watch?v=JWbafXsqIcY&t=71s  Như vậy cho đến khi tôi bắt đầu làm Vlog vào ngày 5 tháng 10 năm 2020, thì cũng được đã được 210 video Clip được 71.756 lượt người xem và có 167 người đăng ký.

Do xem Video Clip từ những chuyện lùm xùm ở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ với các kênh của anh Dương Trung Hiếu, của Luật sư Trần Quốc Vũ, của Trang Vina, của Mới và Lạ, của Hoàng Lâm,… , tôi mới bắt đầu làm Vlog với máy ảnh Canon Power Shot ELPH 190 IS và cái Video Clip đầu tiên tôi đưa lên Youtube vào ngày 5 tháng 10 năm 2020. Đó là Video Clip có tựa là Sự Lôi Cuốn Vào Những Vấn Đề Xã Hội (https://www.youtube.com/watch?v=SDBRMv_nnW0&t=57s)

Có những người dạy làm Vlog từ bước sơ cơ như Dương Trung Hiếu, Thế Tâm, Sỹ Tâm, Becky Nguyễn, ... nhưng như đã nói tôi làm Video Clip đưa lên Youtube từ lâu, nhưng không phải là Vlog cho nên tôi muốn tự khám phá Vlog, chớ không phải theo sự hướng dẫn của họ.

Đối tượng xem Vlog đủ các thành phần trong xã hội, miễn là có cái điện thoại di động là có thể xem Vlog của người khác và nếu có thú đam mê, có thể trở thành Youtuber dễ dàng, chỉ cần cái điện thoại di động và có ai đó chỉ cách mở Kênh rồi đưa Video Clip lên Youtube là trở thành Youtuber.

Có nhiều người xem Youtube, đôi khi để lại lời bình phẩm thiếu suy nghĩ, kém lễ độ chứng tỏ thiếu giáo dục, phẩm hạnh đạo đức kém, cũng nên tha thứ cho họ và mong họ học hỏi thêm để có nhân cách ở đời đối với bạn bè, gia đình và xã hội.

Ngày xưa giải trí cần có 2, 3 người để chơi đánh đủa, cúc bắt, chơi nhà chòi, cờ gánh, nhảy cò cò, đá banh.... Ngày nay chỉ cần có cái điện thoại di động là tha hồ giải trí, học hỏi. Chúng ta thấy người ta dùng điện thoại để giải trí ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi. Đây là thời @, 4.00

Tôi đang tự học hỏi để tìm hiểu về Vlog. Người ta ai cũng cần tiền, nhưng tôi làm Vlog không phải vì tiền mà vì tánh tôi xưa nay vẫn vậy, thấy người ta làm được, mình cũng có thể làm được. Thuở nhỏ thấy người ta đánh cờ tướng, tôi cũng học đánh cờ tướng, thấy người ta chời bài Tứ Sắc tôi cũng học chơi bài Tứ Sắc, biết Hoằng, Khạp, Đôi, Liền, biết Tới Quan. Tôi có thể chơi Tứ Sắc, Xì dách, Bài Cào, Đánh phé nhưng không ghiền Cờ bạc. Tôi cũng có hút sách, vào những năm 1950, mấy anh lính Hòa Hảo đóng đồn bót ở Đình làng, nhờ tôi mua thuốc Capstan để pha vào Cần sa hút ống, mấy anh ấy tập cho tôi hút cũng ghiền một thời gian.

Cũng vì những thói quen đó, tôi mới học làm Vlog bởi vì khoảng năm 1997, 1998 tôi đã mở Website, thời đó điện tử mới phát triển làm Website phải biết viết ký hiệu, gọi là ký lệnh để cho chữ xuống dòng, chữ nghiêng, chữ tô màu …. Không như ngày nay viết xong bỏ lên Blog hay Web là xong. Ngày nay tôi có 2 website và mấy cái Blog nên có thêm Vlog là chuyện tôi phải học hỏi để làm, nhất là phải làm việc bằng trí óc cho bộ não hoạt động, tránh bệnh lú lẫn của người già.

Tuy nhiên vẫn mong có nhiều người xem, đăng ký kênh để thấy rằng mình cần làm tốt hơn, hữu ích hơn cho người xem.

866414092021








Sunday, July 11, 2021

Những người Mỹ bạn tôi

Gia đình tôi đi định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1991. Tôi đi Học tập cải tạo chỉ có 2 năm, 2 tháng, 20 ngày, nhưng tôi được đi diện HO nhiều người không tin như vậy, ngay cả những anh đi HO ở cùng thành phố với tôi.

Có rất nhiều yếu tố để tôi được đi HO, tôi xin nói ngay một là năm 1984 chị tôi cùng gia đình đi Mỹ, trước đó tôi xin đi Pháp do anh tôi bảo lãnh, nhưng về sau anh cho biết là Pháp đã nghèo, đi sang Mỹ tốt hơn và anh ấy nhờ chị tôi bảo lãnh cho tôi đi Mỹ.

Năm 1988, cơ quan ODP của Mỹ gửi thư cho chị tôi báo rằng sẽ phỏng vấn tôi một ngày gần đây, nhưng tôi chờ cho đến năm 1990, có người bảo tôi chờ lâu quá làm đơn khiếu nại gửi sang Bangkok, yêu cầu họ cứu xét, nên tôi làm theo gợi ý nầy và tôi cũng biết đi học tập cải tạo chưa đủ 3 năm sẽ không được đi HO, nên trước đó tôi không hề làm đơn xin đi diện HO, nhưng khi yêu cầu họ cứu xét cho tôi đi theo diện Đoàn tụ (ODP), tôi có nêu lý do là tôi có đi học tập cải tạo 2 năm 2 tháng 20 ngày, sau đó tôi bị quản chế trên 2 năm mới được trả quyền công dân. Tổng cộng như là tôi bị 4 năm. Theo như người bình thường chỉ bị quản chế 6 tháng là được trả quyền công dân. Còn tôi thật ra được về sớm là nhờ một bạn tù giúp tôi, vì bố anh ta nguyên là Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn đang trông coi chúng tôi.

Rồi khi tôi được tạm tha về ngày 16-9-1977, đến ngày 14-10-1977 chưa được 1 tháng, chưa có Hợp Đồng trong tay, tôi được gọi đi làm ở Phòng Thanh Tra Sở Lao Động, do ông Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Thiện, người chủ trì kiến trúc Thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long Sàigòn, Phó Giám Đốc Sở Xây Dựng Tp. HCM, giới thiệu cho tôi đi làm.

Vì tôi đi làm 1 tuần rồi mà chưa có Hợp Đồng trong tay để xin nhập Hộ Khẩu, xin mua gạo theo tiêu chuẩn, nên tôi tìm gặp ông Lâm Tấn Lộc Chánh văn phòng Sở Lao Động, hỏi ông ta về hợp đồng, ông ta vui cười bảo tôi:

- Cháu đã đi làm ở Sở Lao Động là nơi phụ trách về chánh sách, các Sở khác còn phải đem hợp ồng đdến đây duyệt mà ! Đừng lo ! Nhưng để tôi bảo anh Thành Phó Văn Phòng làm Hợp Đồng cho cháu.

Do ông Lộc cho biết như thế, nên sau khi về đủ 6 tháng, đủ tiêu chuẩn xin phục hồi Quyền Công Dân, tôi chẳng thèm gửi đơn xin, vì vậy gần 2 năm sau anh Công an khu vực mang Quyết định phục hồi Quyền Công dân đến nhà giao cho tôi.

Sang đến phi trường Bangkok, làm hồ sơ ký giấy nợ tiền vé máy bay, tôi cũng không quan tâm lắm chỉ biết rằng mình đi máy bay mà không mua vé thì có nợ, nay ký giấy nợ để trả sau. Vậy là tốt rồi. Sang tới Mỹ về chỗ định cư, chị tôi thuê sẵn chung cư cho gia đình tôi ở. Vài ngày sau có một anh người Việt làm cho Hội USCC đến chung cư làm hồ sơ cho gia đình tôi. Anh ta báo cho biết tôi được hưởng quy chế của diện HO, được lãnh tiền Welfare … Lúc đó tôi mới biết mình đi theo diện HO, nhưng trên danh sách chuyến bay, gia đình tôi thuộc danh sách B… đi chung với những người HO6, trong đó chỉ có duy nhất một gia đình thuộc danh sách HO7, do một người phụ nữ đứng tên.

Năm 1994, gia đình tôi đi mua nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng tắm, có đủ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp và tầng hầm (basement), có thêm phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình và một quầy rượu, phía sau nhà có cái Deck. Thời giá lúc đó là 64 ngàn.

Cạnh nhà tôi là cập vợ chồng ông Jack Shanoff và bà vợ Diana, bà Diana người gốc ở Pensylvania. Ông Jack có đời vợ trước, có người con trai đã có gia đình và sinh sống ở New Mexico, tôi chưa từng thấy con trai ông Jack đến thăm ông, nhưng người anh của ông là William Schanoff thỉnh thoảng tới thăm, đôi khi Bill cũng qua nhà thăm tôi, tôi cũng có đến nhà thăm Bill đôi lần, ông đã hưu và sống độc thân.

Jack và Diana luôn luôn giúp đỡ chúng tôi, thấy tôi không biết điều chi anh ta hoặc vợ luôn chỉ dẫn cho tôi. Chẳng hạn như có một lần mưa đá, Jack bảo tôi gọi bảo hiễm báo cho họ đến xem sự hư hỏng mái nhà, sau đó bảo hiểm cho biết bị hư hỏng mấy chỗ, họ sẽ đền tiền để sửa mấy chỗ đó. Jack bảo tôi:

- Anh để tôi giải quyết cho! Không thể sửa chữa mấy chỗ như vậy được !

Rồi Jack gọi điện thoại cho hãng bảo hiểm. Cuối cùng họ bằng lòng trả tiền lợp lại cả 2 mái. Jack lại gọi cho người lợp nhà đến lợp lại nhà cho tôi.

Có khi xe Jack hư vào lúc tuyết đổ nhiều, tôi đưa Jack đi chợ mua thức ăn.

Vài năm sau, Jack bán nhà đi ở chung cư, ở được vài năm vợ chồng Jack di chuyển về New Mexico để ở gần con trai, từ đó Jack và tôi không còn liên lạc nữa.

Trước khi bán nhà, Jack kêu tôi bán rẻ chiếc xe của Jack, tôi bảo tôi không có nhu cầu, hôm sau Jack bảo là cho tôi chiếc xe đó, tôi trả lời cám ơn và lập lại mình không có nhu cầu, hơn nữa tôi không thích xe của Jack cồng kềnh, vài hôm sau Jack bán xe cho người lạ.

Lúc làm ở Công ty, khi thì ở Xưởng, lúc ở văn phòng, nhất là khi làm ở Xưởng, tôi không có bạn Mỹ, chỉ có bạn Việt Nam, Thái hoặc Lào hay Campuchea. Nhưng từ khi về hưu, mỗi ngày đi vào trong Mall để đi bộ thể dục, chúng tôi quen với nhiều người bạn Mỹ, vì họ cũng đi bộ thể dục, gặp nhau, đi song hành, hàn huyên nên trở thành bạn.


Trong số bạn đó có Tom với Bill là đôi bạn thường đi chung với nhau, Tom thì mập còn Bill thì ốm và già hơn Tom. Có hôm Tom nói với tôi:

- Tông ! Bill là nhà sản xuất rượu Bourbon. Hôm nào Bill sẽ cho anh uống vài ly Bourbon.

Rượu Bourbon là loại rượu mạnh làm từ bắp. Đất ở vùng Kentucky tôi thường thấy trồng bắp và đậu nành, họ trồng như thế nầy, năm nay trồng bắp sang năm trồng đậu rồi sang năm tới trồng bắp cứ thay phiên trồng như thế.

Tôi chưa được uống rượu của Bill thì một hôm Tom cho tôi biết Bill đã qua đời rồi!

Năm 2012, tôi đi về Việt Nam trong thời gian bầu cử ở Mỹ, Tom hỏi tôi có muốn đi bầu cử sớm không, tôi cho biết muốn. Thế là sau khi đi bộ thể dục xong, hắn đưa nhà tôi và tôi đến một nơi gần Dowtown của thành phố Louisville, để chúng tôi bầu cử sớm. Tôi nhớ lần đó nhà tôi và tôi mỗi người đều phải điền tờ giấy, trong đó có ghi lý do vì sao đi bầu cử sớm.

Lúc bầu cử xong, trên đường về, Tom ghé ngang một nghĩa địa gần đó, đưa tôi đến một ngôi mộ, hắn cho tôi biết đó là mộ của vợ hắn và bên cạnh đó có một sinh phần với tấm mộ bia tên của Tom, hắn cho tôi biết rồi hắn sẽ được chôn cất tại đây. Sau khi đi Việt Nam về, tôi vẫn đi bộ tập thể dục nhưng không gặp lại Tom, cho đến một hôm tôi đến Kroger mua thức ăn, gặp lại Tom, chúng tôi chào hỏi nhau. Tôi có hỏi nhà Tom ở đâu, hắn cho biết ở gần đó. Rồi từ đó tới nay tôi chưa gặp lại Tom.

Trong số những người bạn Mỹ quen biết khi đi bộ thể dục có John, hắn không đi bộ thể dục, nhưng hàng tuần hắn vào trong Jefferson Mall đó để lau chùi mấy cái máy bán thức ăn, nước uống rồi hắn ngồi ở bàn ăn trò chuyện với những người Mỹ khác. John gặp tôi luôn bắt tay, chào hỏi thân thiện, có hôm nhà tôi không cùng đi với tôi, hắn hỏi thăm tôi: “Vợ anh đâu rồi ? Chị có khỏe không ?”

Thấy hắn đi xe có gắn bản Chiến Binh Việt Nam, tôi hỏi:

- John ! Khi tham chiến Việt Nam. Anh đóng quân ở đâu ?

- Tôi đồn trú ở phía Bắc Sàigòn !

Tôi đoán không phải là Tân Sơn Nhất. Có lẽ ở Long Bình.

Có cặp vợ chồng người Mỹ kia, bà vợ tên là Barbara. Lúc trò chuyện với nhà tôi, bà ta cho biết thích ăn món chả giò, hình như người Mỹ nào ăn được thức ăn Tàu hay Việt Nam đều thích ăn chả giò. Một hôm nhà tôi hẹn trước rồi chiên khoảng 15 cái chả giò đem cho bà ta.

Mấy hôm sau gặp lại khi đi bộ thể dục bà Barbara dúi vào tay nhà tôi cái Thẻ coffee Starbucks, từ chối cách mấy cũng không được, bà ta cho địa chỉ mời tới nhà chơi. Sau đó, chúng tôi tới nhà bà Barbara vài lần. Hai vợ chồng tiếp đón chúng tôi ân cần. Dần dần hai vợ chồng không còn đi bộ thể dục nữa, chúng tôi cũng không tiện đi ngang ghé thăm.

Việt Nam ta có câu “Xa mặt cách lòng”, lâu ngày không gặp, dần dần quên đi, từ hơn năm nay dịch bệnh, tôi cũng không có đi bộ thể dục ở Jefferson Mall, nên không biết John và những người bạn khác như thế nào ? Vì còn những người bạn khác người Đại Hàn, người Ấn độ gặp nhau chỉ Hello ! Hay vẫy tay chào. Hy vọng họ vẫn an lành để sau mùa dịch còn gặp lại tay bắt, mặt mừng, héllo và vẫy tay chào nhau như ngày nào chưa có dịch Coronavirus Vũ Hán vậy.

866411072021

Monday, July 5, 2021

Nhàn Cư

Trong những ngày gần đây, có thì giờ, tôi đọc lại vài tác phẩm của mình, vài bài viết đã lâu ngày thấy có vài điều thích thú và cũng gợi nhớ chuyện xa xưa.

Tôi nhớ năm nào đó ngồi uống cà phê sáng ở khu Chuồng Bò, gần nhà thờ Ba Chuông, nhà văn Dương Nghiễm Mậu có cho biết nhà văn Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Văn chương Miền Nam. Thời đó là thời gian khoảng đầu thập niên 1960, gần như chưa có người nghiên cứu, khám phá về Văn Học Miền Nam thời trước, người đương thời đang ca tụng về Tự Lực Văn Đoàn, về các nhà văn đương thời như Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam … Còn các nhà văn như Bà Tùng Long, Dương Hà, Lê Xuyên là những nhà văn Feuilleton thứ yếu.

Chính nhờ sự nhận xét của Dương Nghiễm Mậu đã giúp tôi tìm hiểu về những nhà văn miền Nam, tôi bắt đầu tìm hiểu và có cảm hứng để viết quyển Văn Học Miền Nam, khảo cứu về các nhà văn miền Nam thời tiền phong.

Những quyển sách về Văn học miền Nam tôi đã viết:

- Văn Học Miền Nam (1 quyển)
- Văn Học Miền Nam 1954-1975 (7 quyển)
- Văn học Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi (1 quyển)

Tất cả nhừng sách tôi viết đều có đưa lên Mạng cho mọi người đọc, ai muốn có thể in ra do Lulu.com ấn hành.

Thỉnh thoảng có thì giờ, tôi đọc lại những sách, những bài viết của mình, bài nầy bỗng dưng làm tôi tưởng nhớ đến nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu với những ly cà phê đen ở khu Chuồng Bò cũng có là Lò Heo tại xóm đó.

Mời quý bạn đọc Chương Kết của quyển Báo Chí Nhà Văn Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi:

Trước 1975, phải công nhận văn học miền Nam bị coi thường, bởi vì so với lịch sử dân tộc thì lịch sử miền Nam chỉ mới vài trăm năm, trong khi lịch sử Việt Nam có đến hàng ngàn năm, trong đó mảng văn học Việt Nam có đến cả ngàn năm, nào những Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền Kỳ Mạn Lục, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc…., trong khi miền Nam chỉ có Lục Vân Tiên.

Văn chương là gì ? Hiểu theo ngữ nguyên Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương có nghĩa là vẻ đẹp đẽ sáng sủa của một sáng tác, nhưng những nhà văn sơ khởi ở miền Nam, họ không chủ trương sáng tác những bản văn với lời lẽ bóng bẩy, giọng văn êm dịu. Họ cho biết nghĩ ra làm sao, nói như thế nào thì viết như thế ấy.

Trong nhựt trình Nam kỳ số 1, ngày 11-10-1897, trong bài Lời cùng các người coi nhựt trình ta viết như sau:

V việc chữ nghĩa thì dùng những tiếng tầm thường, không dùng những tiếng cao kỳ, dân sự ít hiểu. Chúng ta có ý nói v đu này, là vì nhựt trình Nam Kỳ thì là để mà rao báo những chuyện có ích cho mọi người đu hiểu, không phải là chuyện cao xa đễ cho một ít người thông minh hiểu biết mà thôi. Những người Annam hay chữ nghĩa đã thông hiểu ý tứ chúng ta, thì biết việc rõ ràng, chẳng câu chấp sự chúng ta dùng những tiếng tầm thường, vì các người ấy đã biết là việc làm ích chung cho mỗi một người ...

Cho nên những nhà văn miền Nam khởi từ Nguyễn Trọng Quản cho đến Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh … văn của họ không đẽo gọt, không quá mượt mà.

Trong hồi ký của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết về bà Bút Trà, ông thực lòng khen ngợi khi bà lập tờ báo, chỉ nhằm mục đích chưởi lại những tờ báo đã chưởi bà cho vay nặng lãi, nhưng khi bà ra được tờ Sàigòn Họa Báo, sau đổi tên là Sàigòn Mới , bà không hề chưởi lại họ một chữ nào. Ông đề nghị sẽ cộng tác viết tiểu thuyết cho tờ Sàigòn Mới nhưng bà Bút Trà thẳng thừng từ chối đề nghị của nhà văn Bình Nguyên Lộc với lý do: Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu.  Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu.”.

Có một nhà văn cho biết vào năm 1954, ông ta di cư vào Nam, thấy một người phu xích lô, buổi trưa ghế xe nơi vệ đường có bóng mát, ngồi vào xe, lật tờ báo ra đọc, ông ta hết sức lấy làm lạ, nhưng chắc ông ta còn quên kể thêm, chị bán xôi ở góc ngã tư đường, khi vắng khách kéo tờ báo ở dưới gánh xôi ra đọc.

Đó chỉ là khía cạnh của văn hóa miền Nam, nhờ đó tiểu thuyết feuilleton phát triễn mạnh vào những năm 1930-1970, nhưng chính vì tiểu thuyết feuilleton đã làm cho các nhà phê bình văn học trước kia không để ý đến, có thể họ đã đánh giá chúng không phải là tác phẩm văn chương, mà văn chương vị nghệ thuật hay vị nhân sinh ?

Cho đến nghìn sau dù cho người ta quên hết tất cả những tờ báo ở miền Nam, ở Việt Nam, nhưng không thể nào quên được Gia Định Báo, người ta có thể quên hết các nhà văn Việt Nam nhưng không thể nào quên được Trương Vĩnh Ký nhà văn Miền Nam, nhà văn quốc ngữ tiền phong, và con rể ông cũng là học trò của ông, nhà văn Nguyễn Trọng Quản người viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.

Mặc dù nhóm Trí Đức Học Xá của Đông Hồ có luyện văn, tuần báo Sống của họ như một thử nghiệm, gặp lúc kinh tế khó khăn hay không được nhiều người ủng hộ, nên chưa đầy năm thì Sống đã chết.

Cho đến nay, văn học miền Nam vẫn còn là mảnh đất trù phú cho những nhà nghiên cứu, những người viết luận án tốt nghiệp sau Đại học, nó cần được khai phá nhiều hơn, để người ta thấy được cái tinh hoa của văn học miền Nam, từ xây dựng nền văn học mới, cho tới kiên cường đấu tranh chống thực dân, hầu mang lại độc lập cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho mọi người.


Dương Nghiễm Mậu (1936-1916)


866405072021

Saturday, May 29, 2021

Con Coronavirus đáng ghét.

 Năm ngoái tôi về Việt Nam ăn Tết, bị con Coronavirus nên chảng có đi chơi ở đâu xa, con virus nầy phát xuất từ Vũ Hán, lúc đó tôi lên mạng thấy có những người chết ở bệnh viện, đang đứng ngoài đường chờ xe bus tự dung ngã xuống đường chết. Bác sĩ Vũ Văn Lượng thong báo cho bạn bè của ông, bị nhà cầm quyền cảnh cáo, rồi bác sĩ Lượng bị nhiễm phải nhập viện cuối cùng tử vong.

Hình Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wei Liang)

Dịch bệnh nầy lan truyền qua Nam Hàn, Nhật Bản…Giám Đốc cơ quan WHO không chịu tuyên bố tình trạng nguy hiểm khẩn cấp. Tổng Thống Trump đặt cho nó cái tên là Covid Vũ Hán, còn các nhà khoa học đặt cho nó tên là Covid-19, vì nó phát sinh từ cuối năm 2019.

Trong thời gian sau Tết, tôi vẫn đến nơi đã hẹn để họp mặt với các bạn đồng môn. Tôi thật sự không nhớ lần đầu tôi đến đây khi nào nhưng biết đó là đểm hẹn mỗi sáng Thứ Năm cứ đến quán Sinh tố 88 là gặp các bạn đồng môn Kỹ Thuật Cao Thắng có, Sư Phạm Kỹ Thuật có, Bách Khoa Trung Cấp có, Điện Lực có Xi Măng Hà Tiên có.

Năm 2018, anh Nguyễn Hữn Nhân trước rồi Hồ Ngọc Điển tiếp theo đã rời bỏ cuộc chơi với bạn bè. May mắn là đám tang của 2 anh bạn nầy tôi đều có mặt ở Sàigòn để viếng tang. Tôi không đưa tang anh Nhân vì hôm đó tôi phải về quê, còn Hồ Ngọc Điển tôi đã đưa tận lò thiêu Bình Hưng Hòa. Tôi có cảm xúc ghi lại bài thơ sau đây:

Tưởng nhớ đồng môn

Hồ Ngọc Điển (1942-2018)

 Mất ngày 11-12-2018

Bạn với ta mấy năm cùng lớp
Nơi học đường Cao Thắng thân thương
Rồi cùng vào một mái trường
Cao Đẳng Sư Phạm chuyên môn trau dồi.

 

Mới gặp đó, gần nơi Cầu Trắng
Vui cùng nhau gặp lại bạn chung
Nào là Dưỡng, Lộc, Lợi, Thí, Vinh, Hùng
Thới, Cần, Sĩ, Thạch, Triêm đều đồng môn.

 

Nay bạn bỏ cuộc chơi chưa trọn
Theo bạn Nhân vừa mới ra đi
Rồi đây họp mặt định kỳ
Vắng thêm đôi bạn còn gì cuộc vui.

 

Chúng ta đã già thêm mỗi tuổi
Bạn bè thân lần lượt ra đi
Cuộc đời như giấc chiêm bao
Có ai tránh được, tránh nào được đâu !

 

Thôi thì Tiên cảnh viễn du
Đến từ cát bụi, trở về hư không.

 

Vài hôm nay, tôi xem thấy trên Tin Nhắn  Facebook anh Lương Văn Sĩ gửi ra một đoạn phim một lần họp mặt tại quán Sinh Tố 88.

 

Từ trái sang phải: AA. Đặng Ngọc Lợi, Huỳnh Ái Tông, Vinh, Thạch, Lê Đình Cần, Hồ Ngọc Điển, Nguyễn Xuân Thới, Nguyễn Hùng, Thái Thí, Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Đức Lộc, Lê Đức Triêm còn người quay phim Lương Văn Sĩ

Từ nhiều tháng qua có thể là đã 1 năm trôi qua, việc đi lại giữa Mỹ và các nước Á Châu do dịch bệnh không được thông thường, Việt Nam chỉ dành cho những người Việt Nam hồi hương chớ không thể đi du lịch, về Việt Nam bị cách ly có lúc thì 14 ngày, có lúc thì 7 ngày, có lúc 21 ngày có người ở khách sạn, có người ở cơ sở quân đội. Hình như toàn là tin đồn mà sự thật thì ít có nên khó kiểm chứng cũng như vé máy bay một chiều nào là giá vé 3 ngàn, 5 ngàn, 10 ngàn…

Bạn bè, thân nhân đều trông mong cho dịch bệnh qua mau, giao thông bình thường để đi lại thăm viếng nhau, du lịch. Do không được đi lại làm cho người ta bị tù túng, sinh ra nhiều thứ tệ hại, mà tệ hại nhất là sức khỏe của những người cao niên sẽ giảm sút nhanh chóng.

Covid-19 trên Thế giới

Tính đến 10h16, 29/5/2021 (Tổng cộng có 170.249.228 ca nhiễm)

Nhiễm170.249.228

+125.372

Tử vong3.540.255

+3.086

Khỏi152.287.792

+184.303

https://www.youtube.com/watch?v=tAkdbdrXTgc&t=10s


8664290521