Pages

Saturday, February 29, 2020

Viếng Việt Nam Quốc Tự


Đã từ lâu tôi muốn viếng Việt Nam Quốc Tự mỗi khi đi ngang qua chùa nầy nằm trên đường 3 tháng 2, Quận 10, thành phố HCM.


Năm nay về Việt Nam, tôi có dự định đi thăm Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhưng chua thực hiện thì ngày đã viên tịch, tôi được anh em Huynh Trưởng báo tin vào khoảng 10 giờ sáng ngày 23-02-2020, nhưng lúc đó tôi đang ở Đức Hòa có chút việc, đến 6 giờ chiều mới rời khỏi Đức Hòa, khoảng 8 giờ tối, tôi đi viếng tang Hòa Thượng, vì anh em báo tin không chính xác là ngày 24 di quan làm lễ Trà Tỳ. Đi viếng tang Ngài, tôi mới biết là ngày 25-02-2020 mới di quan.

Hôm nay Thứ Bảy 29-02-2020, tôi quyết định đi viếng Việt Nam Quốc Tự. Được biết Việt Nam Quốc Tự xây dựng trên diện tích 7,200 thước vuông, chánh điện có 5 tầng, tôn tượng đức Bổn sư cao 7,5 thước nặng 35 tấn, góc bên phải của chùa có tháp 13 tầng, sau tháp có xây đài sen tôn tượng Quán Thế Âm lộ thiên.


Nhớ lại vào khoảng năm 1965, tôi đã từng đến đây tham gia những lần Phật Giáo đòi hỏi chánh quyền về Tự do tôn giáo, chấm dứt chiến tranh đem lại Hòa Bình cho Việt Nam, những lần đó đều có lựu đạn cay. Sau khi Phật Giáo chia thành 2 khối năm 1967, tôi chưa trở lại đây lần nào từ đó cho đến nay.

Tượng đài Quán Thế Âm

Tôi vào sân chùa chụp cảnh quan chùa, tháp 13 tầng, tượng đức Quán Thế Âm, cổng chùa, rồi đi lên Chánh điện ở tầng 3 lễ Phật, tôi định chụp vài tấm ảnh trong Chánh Điện, nhưng có cô Phật tử có nhiệm vụ tại đây, nhắc tôi không được chụp ảnh, lúc đó tôi mới nhìn thấy ở trước tượng Phật có một bàn dài tôn tượng 7 vị Phật, phía ngoài cùng có bảng ghi, tôi cố nhìn mới thấy hàng chữ vừa đọc vừa đoán Không được chụp hình, vì từ cửa vào đến các tượng Phật nầy cách xa khoảng trên 10 thước.


Tường 2 bên có tôn tượng, cũng vì cách xa chừng trên 10 thước, nên tôi đoán đó là tượng chư vị La Hán.

Tôi không dám tự hào, nhưng tôi cũng có phước duyên được viếng các chùa từ Bắc chí Nam như chùa Bái Đính ở Ninh Bình, chùa Vạn Linh ở Núi Cấm, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, Chùa Hộ Quốc Phú Quốc, Kim Sơn Bảo Thắng Tự trên đỉnh Fansipan, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi cho đến Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ, đều không có chùa nào cấm chụp hình. 


Đi chùa Việt Nam Quốc Tự vì có người nhắc tôi Không được chụp hình, tôi nhớ tới lần viếng Thế Miếu ở Thành Nội Huế cũng có cán bộ giữ khu du lịch nầy, nhắc nhở tôi Không được chụp hình, nên tôi không được vui.

Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi được mấy chị họ dẫn đi chùa ở nhà quê vào ban đêm để lạy Sám hối vào các đêm 30 hay 14. Thuở đó, tôi có biết Sám Hối là chi, chỉ cần sau khi lạy Phật, nghe kinh, rồi được ăn kiểm. Ăn kiểm thuở lên 5, lên 6 nay tôi đã 80, đi chùa hàng tuần từ năm 15, 16 tuổi đến giờ, chắc chỉ nhờ gieo duyên ăn kiểm. Sao Việt Nam Quốc Tự không để cho người ta chụp ảnh, Cũng là cách gieo duyên cho người ta mến chùa, tưởng nhớ Phật mà đi chùa. Nếu người ta vào chùa chụp ảnh ồn ào làm mất cảnh trang nghiêm thanh tịnh, thì lúc ấy nhắc người ta giữ cho được trang nghiêm chốn thiền môn.

Sáng Thứ Bảy, nhưng chùa vắng, trong Chánh điện chỉ có 3, 4 người lạy Phật. Một anh chàng đi với bạn vào chùa chụp ảnh tượng Phật cũng bị nhắc khéo: Không được chụp ảnh. Anh ta cùng người bạn cũng như tôi rời khỏi Chánh Điện.
 

Dù sao thì tôi cũng đã viếng chùa ngày hôm nay như đã ước nguyện, tiếc rằng viếng chùa mà tâm không được thanh tịnh, đáng tiếc đi chùa còn tệ hơn không.
866429022020









Thursday, February 20, 2020

Về Bến Tre

Để giải trí, nhà tôi thường xem các kênh Yoube nào là Thôn nữ Miền Tây, Hội Ngộ Miền Tây, Hotboy Trà Sữa…, vì ái mộ Hội Ngộ Miền Tây, nên nhà tôi nhờ Võ Thành Phúc sắp xếp một chuyến đi chơi thăm viếng họ.

Cuối cùng Phúc hẹn ngày Thứ Tư 19 tháng 2 năm 2020 sẽ đi xuống Bến Tre gặp nhóm Hội Ngộ Miền Tây, rồi đi thuyền ra sông chơi. Chiếc thuyền do Phúc giao duyên mua tặng cho nhóm nầy.

Khởi hành vào lúc 5 giờ 30, Phúc và con rể tôi mạnh ai nấy đi, hẹn gặp nhau ở chân cầu Rạch Miễu. Phúc đi lộ trình Cao tốc Tp. HCM – Trung Lương, con rể tôi đi đường quốc lộ để vào thành phố Long An ăn sáng, Trong khi ăn sáng, gọi điện thoại cho Phúc, Phúc báo cho biết là cao tốc bị chận không đi được, nên phải quay lại An Lạc và sẽ theo quốc lộ.

Con rể tôi đậu xe ở ngã tư gần sân banh xưa, rồi đi vào ngang hông chợ, hỏi thăm mấy chị bán hàng, họ chỉ tới một chỗ bán Hủ tíu, bún Huế, cơm Chay. Ăn tạm được chớ không ngon miệng bằng Hủ tíu chay Cây Bồ Đề trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại thành phố Mỹ Tho.

Khi chúng tôi ăn sáng xong, trở ra quốc lộ cũ chạy một đoạn thì gặp xe Phúc vượt qua, thế là 2 xe nối đuôi nhau chạy qua cầu Rạch Miễu, xuống cầu, qua khỏi trạm thu phí, đến vòng xoay, xe Phục quẹo tay phải, xe chúng tôi chạy theo, vì con rể tôi chưa biết nơi ở của nhóm Hội Ngộ Miền Tây. Tôi không rành địa phuơng nầy, nhưng từ vòng xoay, xe chạy chừng 10 phút thì đến nơi gửi xe, ngay sau đó có vài chiếc xe gắn máy của các anh, chị trong nhóm ra đón chúng tôi vào địa điểm sinh hoạt của họ. 

Đến đây chúng tôi mới biết, các anh chị trong nhóm có vợ chồng cô Thúy là con của anh Chín Thanh, anh Thanh năm nay 60 tuổi, thuở nhỏ anh sống với cha mẹ trên đường Nguyễn Minh Chiếu, gần Trương Tấn Bửu, gần ngã tư Phú Nhuận. Thân phụ chạy xe Lam đường Phú Nhuận, Sàigòn. Thân mẫu bán bắp nấu ở cửa Tây chợ Bến Thành, nhà anh có đến 9 anh em. Sau 1975, anh mới theo gia đình về quê  Bến Tre, rồi vợ chồng anh lập nghiệp buôn bán dừa từ thời ngăn sông cách chợ, khá lên anh mới mua đất cất nhà. Nay cho nhóm Hội ngộ Miền Tây cất 2 căn nhà nghỉ cột tre, mái lá. Một căn để ăn uống, căn kia nhỏ hơn để ngủ nghỉ.


Rể của anh Chín làm nghề giăng lưới với các bạn cùng nghề, giăng lưới cho các công trình xây dựng, họ đã cùng nhau lập nhớm Hội Ngộ Miền Tây, nhờ Minh và Phương hướng dẫn bước đầu. Nay họ đã được Youtube tặng cho Nút Bạc (Youtube Play Buttons), để thưởng cho những người sáng tạo youtube (Youtube Creactor). 


Youtube hiện nay có các nút thưởng sau đây:

Nút Bạc: Dành cho kênh Youtube nào có được 100 ngàn người theo dõi (Subscribe).

Nút vàng: Dành cho kênh Youtube có 1 triệu người theo dõi.

Nút kim cương: Dành cho kênh Youtube có 10 triệu người theo dõi.

Nút Play Ruby: Dành cho kênh Youtube có 50 triệu người theo dõi. Ngày 18 tháng 12 năm 2016, Youtuber PewDiePie là người đầu tiên đã nhận được phần thưởng nầy với hình dạng logos kênh PewDiepie.

Trong nhóm Hội Ngộ Miền Tây có cô Trần Thanh Thúy, con gái anh Chín Thanh, Hoài, rể của anh Chín, ngoài ra còn có Tiến, Lực, Út Quang.

Trước tiên chúng tôi được mời giải khát, món ruột của xứ Dừa, uống nước dừa ăn tầm ruột ngào đường, chuối phơi khô.

Từ trái: Anh Chín Thanh, Phúc và tôi ngồi giải khát trước căn nhà mát

Ngày hôm nay Hội ngộ Miền Tây mở hộp Nút Bạc do Youtube gửi tới. Phúc được mời dự mở hộp Nút Bạc nầy.

Họ chụp ảnh kỷ niệm gồm những người trong nhóm.

Từ trái: Hàng đứng có Tiến, Lực, Hoài. Hàng ngồi: Út Quang, Thúy

Và những thân hữu của nhóm.

Từ trái, hàng đứng sau: Tiến, Út Quang, Lực, Hoài, hang đứng trước: Thúy,Thảo, Phúc
Hàng ngồi, con của Phúc - Thảo: Phương, Phong

Còn có nhiều thân hữu hơn.


Sau đó họ mỗi người một tay nấu nướng bữa cơm trưa, có cá kho tộ, canh chua cá lóc, tép rang, bắp chuối. Phần cơm chay chúng tôi có canh chua đậu hủ nấu với, khóm, giá. Món kho thập cẩm có đậu hủ, tàu hủ ky, bắp non, khổ qua đèo và món bắp chuối, đây là món ăn lạ, lần đầu tiên tôi được dùng nó.


Dùng bữa xong, chúng tôi ngồi uống trà, uống nước đậu đen  hoặc nằm nghỉ. Trong khi đó, một số người chuẩn bị món ăn chiều. trong đó có gà Đông Tảo nấu Ra-gu. 

Từ trái: Phong, Phương, nhà tôi, Lực chẻ trái dừa nước

Sau khi chuẩn bị xong khoảng gần 3 giờ, chúng tôi xuống tàu chạy đi chơi trong vùng, trước tiên chạy trong rạch nhỏ hai bên rạch lá dừa nước che kín bầu trời, sau đó ra sông Ba Lai, nhìn hai bên không thấy nhà, có khúc sông có nhiều cây bần, trên bờ những đám cỏ xanh tươi. 


Tiếc rằng ghe không thể ra sông Tiền Giang gần cầu Rạch Miễu, vì có một cái cống tự động đóng mở, nó đã đóng để ngăn nước mặn tràn vào cánh đồng, nên ghe chỉ chạy trên sông Ba Lai mà thôi. 


Đến một khúc có bóng mát cây bần, ghe dừng lại bày biện một tiệc mừng Sinh nhật của Phong là con trai lớn của Phúc. Bánh sinh nhật của Phong khá to là một con heo bầu bỉnh, tượng trưng cho tuổi Hợi của Phong, đốt nến số 26 là tuổi của Phong, mọi người cùng hát bài Happy Birthday, Phong thổi nến, nhóm Hội ngộ Miền Tây chúc mừng sinh nhật của Phong, bé Trà Mi và Trà Sữa con của Hoài và Thúy cũng chúc mừng sinh nhật của chú Phong.

Bánh sinh nhật của Phong

Rồi mọi người dùng bữa tiệc, cũng có rượu nhấp môi. Chúng tôi dùng thức ăn như buổi trưa nhưng có thêm món chao rất đặc biệt, con rể tôi thích món chao nầy và nhờ họ mua cho vài hủ.

Nhơn dịp họp mặt nầy, chúng tôi có vài lời cám ơn Võ Thành Phúc đã tạo cơ hội và nhóm Hội Ngộ Miền Tây đã tiếp đãi chúng tôi rất chân tình, hẹn ngày tái ngộ.

Trên sông nước, cảnh mặt trời lặn rất đẹp, tôi chụp vài tấp ảnh cảnh trời chiều, ánh tà dương trên sông nước, ruộng đồng.


 Con rể tôi cũng chụp cho chúng tôi vài tấm ảnh, phải công nhận là đẹp.


Sau đó ghe lui, khi vào con rạch trời tối không thấy đường chạy, Tiến phải dùng đèn chiếu để quay video, rọi đường cho tài công Lực chạy. 


Về đến nhà của anh Chín Thanh đã 7 giờ, chúng tôi chia tay anh chị Chín và các thành viên nhóm Hội Ngộ Miền Tây. Về đến nhà đồng hồ chỉ 21 giờ 14 phút.

Xe chạy qua cầu Rạch Miễu

Tuy gặp nhau rất ít thời gian, nhưng tình cảm rất đậm đà, anh chị Chín Thanh cũng như nhóm Hội Ngộ Miền Tây đã chân tình đón tiếp chúng tôi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm thật đẹp. Tôi đã từng sống ở cầu Chệt Xậy vài tháng, đã đến thăm viếng vài nơi ở Bến Tre, nhưng đây là chuyến đi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều cảm tình nơi xứ dừa ở miền Nam.


Cám ơn anh chị Võ Thành Phúc và con rể chúng tôi Trương Duy Lam, nghệ nhân cây cảnh đã tạo cơ hội đưa chúng tôi đi đến Xứ Dừa giao lưu với nhóm Hội Ngộ Miền Tây và anh chị Chín Thanh.


Mời xem them hình ảnh tại:
866420022020








Monday, February 17, 2020

Lại một chuyến về quê


Hôm kia 15-02-2020, con gái thấy mẹ bị ở nhà tù túng vì Covid19, nên lấy xe cho chúng tôi về quê chơi cho khuây khỏa.

Sáng ngày 16 vào lúc 5 giờ 30, chúng tôi lên đường theo cao tốc Tp HCM- Trung Lương rồi đi qua Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang, sau khi qua Cầu Mỹ Thuận, chúng tôi đi hướng về thành phố Sa Đéc, nhưng ở đoạn giữa cầu và Bắc Mỹ Thuận cũ, chúng tôi dừng lại dùng điểm tâm tại một cái quán Hủ Tíu Chay ven đường, tuần trước chúng tôi ghé đây ăn, nhằm ngày Rằm, nên rất đông khách, năm ngoái chúng tôi cũng từng ăn tại đây 1 lần rồi.

Xưa kia, thời Pháp thuộc có tên là Quốc lộ 4, sau đổi thành đường Liên Tỉnh 8, nay là Quốc lộ 80, chạy từ chân cầu Mỹ Thuận phía Vĩnh Long đến địa phận Long Xuyên, Rạch Giá và Hà Tiên. Chúng tôi chạy theo con đường nầy qua các địa phận Sa Đéc, cầu Vàm Cống, thành phố Long Xuyên về đến chợ Bình Hòa.

Tại chợ Bình Hòa, chúng tôi ghé nhà đứa cháu trò chuyện, để nhà tôi và cháu dâu gặp nhau có chút tâm tình. Đắng lý chúng tôi ngủ qua đêm tại đây, hôm sau tôi sẽ nhờ người cháu khác đưa tôi đi đến Tham Buôn thuộc xã Mỹ Hội Đông, thăm người em họ đầu ông Sơ, để hỏi cho biết Đình Cũ là ở đâu trên đất Cù Lao Ông Chưởng đó? Sau đó đi đến chợ Xẽo Bún, nay là chợ Vàm Nao thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang.

Nhà lồng và Bến chợ Mỹ Hội Đông

Tôi muốn xem lại chợ xưa, để nhớ thời thơ ấu, tôi thường theo mẹ bơi xuồng chở lúa đi bán lúa cho các ghe chài đậu tại đây, rồi đi chợ mẹ mua sắm vài thứ cần dùng, cũng có khi ghé thăm người cháu họ của cha tôi. Sau đó tôi sẽ đến chỗ bến đò Bà Vệ thăm lại thầy giáo Chín, năm 1956 tôi và người em chú bác đến đây ngủ lại đêm một lần. Năm 1985, tôi trở lại thăm nhân chuyến đi công tác ở huyện Chợ Mới, thím giáo chỉ bàn thờ cho tôi biết: “Thầy đã mất vừa mới mãn tang”.

Nhưng vào giờ chót, tôi không thể ở lại qua đêm để thực hiện chuyến đi nầy, mong có dịp khác. Tại đây được cô cháu dâu đãi món bánh xèo nhân bông điên điển xào với chút giá cho có vị ngọt, và cuốn với rau sống trong đó có đọt cây bằng lăng, hương vị tuyệt vời.


 Thay vào đó, tôi đi vào Bờ Ao, quê của mẹ tôi, để thăm đứa cháu gọi tôi là chú ruột, đang có nhà trên phần đất của ông bà ngoại, thuộc của mẹ tôi để lại. Đất ấy xưa kia là mảnh đất cuối làng Phú Hòa, giáp với làng Vĩnh Chánh, cả 2 làng ngày nay thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang.

Tôi nhờ cháu Hoàng, cháu rể của tôi đưa đi thăm bà con ở Kênh Xã Đội. Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, không có kênh Xã Đội, đất của ông bà ngoại tôi một bên là Kênh Mặc Cần Dện Lớn, chạy xuyên cánh đồng qua bên kia là Rạch Bờ Ao, nay Kênh Xã Đội mới đào chia ra đất của Cậu Hai và mẹ tôi bên nầy, còn bên kia là của Dì Ba, Dì Năm và Dì Sáu.


Trên bản đồ, đất của bà ngoại tôi từ chỗ chữ Công Ty Cổ phần TBS An Giang chạy thẳng qua TT Phú Hòa.

Tôi đi thăm chị Nguyễn Thị Huề, con gái của Dì Ba tôi, năm nay đã 85 tuổi, gần đây chân phải của chị bị bại, nên không thể đi lại bình thường, tôi đi thăm chị để hỏi thăm tấm ảnh bà ngoại tôi chụp khi gần mất, bà ngồi trên ghế xưa có tay vịn, mặc áo dài, mang dép nhung đen, hai tay để trên tay ghế, xoè ra đủ 10 ngón, người xưa chụp ảnh như vậy, để chứng tỏ tay chân đầy đủ, ảnh rửa lớn lộng trong khung kính chừng 60 X 80 cm mỗi cạnh, ảnh rất đẹp không thua gì ảnh của bà nội tôi. 

Xưa ảnh treo trên vách nhà Dì Ba tôi, sau đó treo trên vách của bàn thờ, nhưng chị Huề cho biết, ảnh không còn từ lâu. Tiếc quá.

Chị Nguyễn Thị Huề và tôi

Sau đó đi thăm Nê con trai Dì Sáu của tôi, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Nê, năm nay đã 75 tuổi, già hết rồi. Sau khi Dì tôi mất sớm, thân sinh của Nê đi lấy vợ khác, 3 anh em của Nê, gồm có Đô, Năm và Nê sống với mấy Dì bên ngoại, có những lúc cô Năm và Nê khi đó chừng 10, 11 tuổi ở nhà chúng tôi vài tháng. Nê nhắc lại, sau khi mẹ tôi mất năm 1954, Năm và Nê có ở nhà chúng tôi một thời gian.

Trở lại nhà cháu Điểu, chụp tấm ảnh với vợ chồng cháu và con gái cháu, còn cháu ngoại mê chơi ở trong nhà. Tôi ra về lúc 3 giờ chiều.

Từ trái: Cháu Trần Huyền Trân, nha tôi, tôi, cháu Huỳnh Thị Việt Điểu, Trần Văn Hoàng

Tôi có tấm ảnh, đối với tôi khá quý vì sau đám cưới cháu Điểu, có chụp tấm ảnh kỷ niệm, có cô, dì, thím, chú và anh chị tôi, ngày nay nhiều người đã mãn phần.

Hàng ngồi từ trái: Thím họ, Thím 8, Cô 7, Cô 5, Dì 3, Dì 5, bà ngoại cháu Điểu.
Hằng đứng từ trái Chị 3 tôi, Út Dúng con gái Chú 9, Chú 9, anh 5, chị 5, em rể tôi …

Nghe nói có Quốc lộ N2, ít xe, không kẹt xe, nên chúng tôi quyết định đi đường N2 về Sàigòn. Từ Phú Hòa, chúng tôi đi ra thị xã Long Xuyên, theo quốc lộ 80 đi đến Cầu Vàm Cống, chạy thẳng đường cao tốc nầy qua Cầu Cao Lãnh, theo đường Quốc Lộ 30 chạy một đoạn đến Mỹ Thọ, quẹo trái tại ngã ba Ông Bầu để vào Mỹ Quý gặp Quốc Lộ N2, theo đây chạy tới Thị trấn Mỹ An.

Tôi nhớ khoảng năm 1985 hay 86 tôi và một người khách khác, có đứa cháu cùng đi, chúng tôi đón xe vào Mỹ An, lúc đó khoảng gần 5 giờ chiều, đón xe một lúc lâu, có chiếc xe lôi do Honda 67 kéo, anh tài xế biết chúng tôi đón xe, nên ngừng lại giải thích:

- Giờ nầy không còn xe đi vào Mỹ An, tôi có thể chở các anh đi khoảng nửa đường, vào đến Mỹ Quý các anh chịu khó đi bộ. Tiếc quá, hôm nay nhà có giỗ, nên tôi phải về nhà cúng kiếng, nếu không tôi đưa luôn các anh vào Mỹ An.

Biết anh ta nói thật, chúng tôi phải đi, từ Mỹ Quý vào Mỹ An hai bên đường không có nhà cửa, khoảng giữa đường chỉ có một cái quán đốt đèn dầu leo lét, chúng tôi phải vào đó uống giải khát mỗi người một ly chanh muối, đường không có đá.

Xuống xe tại chợ Mỹ Quý lúc 6 giờ, hơn 9 giờ 30 chúng tôi mới đặt chân lên chiếc cầu sắt Mỹ An, đêm tối hàng quán, đèn đuốc lờ mờ, thành phố nầy nằm trong giữa Đồng Tháp Mười, nhân dịp nầy tôi đã đi thăm vườn cò và đã tới Ngã sáu làm việc. Ngà Sáu là nơi 6 con kên đào tụ lại. Nay đã trên 30 năm rồi, phố thị Mỹ Quý, Mỹ An nhà cửa, phố xá thay đổi bộ mặt mới rất khang trang.

Trên N2 tôi thấy có lúc bảng chỉ đường chạy tới Thạnh Hóa, Đức Hòa … Có những cánh đồng bát ngát trồng lúa, có những khu trồng mít Thái, có những khu trồng tràm hay là rừng tràm nguyên sinh vần còn chưa khai thác ?

Cánh đồng lúa và trồng mít Thái

Bên đường có nhiều nhà cửa, hàng quán, không hề vắng vẻ, nhà cửa không chen chúc trừ những khu chợ nhỏ, những quán bên đường.

Sau đó chúng tôi rời N2 chạy trên đường khoảng 20 km có thu phí 25 ngàn đồng để nhập vào cao tốc Tp. HCM-Trung Lương tại điểm Cầu Bến Lức. Lên cao tốc chạy một quảng ngắn thì đến điểm cuối, rời nơi đây lúc 18 giờ 50, về tới nhà lúc 19 giờ 30. Kết thúc một chuyến đi trong ngày, đi về khoảng 400 km từ Sàigòn đến Long Xuyên.


Được thăm thân nhân, biết thêm con đường mới Quốc lộ N2, với đồng lúa, ruộng vườn và cuộc sống của người dân trong Đồng Tháp Mười ngày nay.

866417022020