Pages

Saturday, February 29, 2020

Viếng Việt Nam Quốc Tự


Đã từ lâu tôi muốn viếng Việt Nam Quốc Tự mỗi khi đi ngang qua chùa nầy nằm trên đường 3 tháng 2, Quận 10, thành phố HCM.


Năm nay về Việt Nam, tôi có dự định đi thăm Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhưng chua thực hiện thì ngày đã viên tịch, tôi được anh em Huynh Trưởng báo tin vào khoảng 10 giờ sáng ngày 23-02-2020, nhưng lúc đó tôi đang ở Đức Hòa có chút việc, đến 6 giờ chiều mới rời khỏi Đức Hòa, khoảng 8 giờ tối, tôi đi viếng tang Hòa Thượng, vì anh em báo tin không chính xác là ngày 24 di quan làm lễ Trà Tỳ. Đi viếng tang Ngài, tôi mới biết là ngày 25-02-2020 mới di quan.

Hôm nay Thứ Bảy 29-02-2020, tôi quyết định đi viếng Việt Nam Quốc Tự. Được biết Việt Nam Quốc Tự xây dựng trên diện tích 7,200 thước vuông, chánh điện có 5 tầng, tôn tượng đức Bổn sư cao 7,5 thước nặng 35 tấn, góc bên phải của chùa có tháp 13 tầng, sau tháp có xây đài sen tôn tượng Quán Thế Âm lộ thiên.


Nhớ lại vào khoảng năm 1965, tôi đã từng đến đây tham gia những lần Phật Giáo đòi hỏi chánh quyền về Tự do tôn giáo, chấm dứt chiến tranh đem lại Hòa Bình cho Việt Nam, những lần đó đều có lựu đạn cay. Sau khi Phật Giáo chia thành 2 khối năm 1967, tôi chưa trở lại đây lần nào từ đó cho đến nay.

Tượng đài Quán Thế Âm

Tôi vào sân chùa chụp cảnh quan chùa, tháp 13 tầng, tượng đức Quán Thế Âm, cổng chùa, rồi đi lên Chánh điện ở tầng 3 lễ Phật, tôi định chụp vài tấm ảnh trong Chánh Điện, nhưng có cô Phật tử có nhiệm vụ tại đây, nhắc tôi không được chụp ảnh, lúc đó tôi mới nhìn thấy ở trước tượng Phật có một bàn dài tôn tượng 7 vị Phật, phía ngoài cùng có bảng ghi, tôi cố nhìn mới thấy hàng chữ vừa đọc vừa đoán Không được chụp hình, vì từ cửa vào đến các tượng Phật nầy cách xa khoảng trên 10 thước.


Tường 2 bên có tôn tượng, cũng vì cách xa chừng trên 10 thước, nên tôi đoán đó là tượng chư vị La Hán.

Tôi không dám tự hào, nhưng tôi cũng có phước duyên được viếng các chùa từ Bắc chí Nam như chùa Bái Đính ở Ninh Bình, chùa Vạn Linh ở Núi Cấm, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, Chùa Hộ Quốc Phú Quốc, Kim Sơn Bảo Thắng Tự trên đỉnh Fansipan, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi cho đến Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ, đều không có chùa nào cấm chụp hình. 


Đi chùa Việt Nam Quốc Tự vì có người nhắc tôi Không được chụp hình, tôi nhớ tới lần viếng Thế Miếu ở Thành Nội Huế cũng có cán bộ giữ khu du lịch nầy, nhắc nhở tôi Không được chụp hình, nên tôi không được vui.

Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi được mấy chị họ dẫn đi chùa ở nhà quê vào ban đêm để lạy Sám hối vào các đêm 30 hay 14. Thuở đó, tôi có biết Sám Hối là chi, chỉ cần sau khi lạy Phật, nghe kinh, rồi được ăn kiểm. Ăn kiểm thuở lên 5, lên 6 nay tôi đã 80, đi chùa hàng tuần từ năm 15, 16 tuổi đến giờ, chắc chỉ nhờ gieo duyên ăn kiểm. Sao Việt Nam Quốc Tự không để cho người ta chụp ảnh, Cũng là cách gieo duyên cho người ta mến chùa, tưởng nhớ Phật mà đi chùa. Nếu người ta vào chùa chụp ảnh ồn ào làm mất cảnh trang nghiêm thanh tịnh, thì lúc ấy nhắc người ta giữ cho được trang nghiêm chốn thiền môn.

Sáng Thứ Bảy, nhưng chùa vắng, trong Chánh điện chỉ có 3, 4 người lạy Phật. Một anh chàng đi với bạn vào chùa chụp ảnh tượng Phật cũng bị nhắc khéo: Không được chụp ảnh. Anh ta cùng người bạn cũng như tôi rời khỏi Chánh Điện.
 

Dù sao thì tôi cũng đã viếng chùa ngày hôm nay như đã ước nguyện, tiếc rằng viếng chùa mà tâm không được thanh tịnh, đáng tiếc đi chùa còn tệ hơn không.
866429022020









No comments:

Post a Comment