Pages

Saturday, November 24, 2018

Tham quan vườn Bonsai Bình Dương


Trong thời gian về Việt Nam năm nay, có Dĩ, Phượng và anh thứ 3 của Phượng từ San Jose về có việc riêng. Nhân tiện, con rể tôi đưa chi chơi ở Bình Dương, nên tôi mời họ cùng đi.


Truớc tiên vào trong khuôn viên khách sạn Pavillon uống cà-phê, đây vốn là Bộ Tổng Tham Mưu của QLVN Cộng Hòa, sau nầy Quân Khu 7 quản lý, chia cắt ra để làm kinh tế cho quân đội và cá nhân cát cứ.

Trong nầy có không gian rộng rải, có nơi ăn uống và cà-phê. Ở đâu tôi cũng chỉ uống cà-phê đen, nhưng ly cà-phê ở đây, tôi chỉ hớp có mỗi 1 hớp mà thôi, nó đắng kỳ lạ, mặc dù tôi đã dùng tới 2 gói đường.


Trên đường đi, xe chạy ngang qua Trường Cao Đẳng Điện Lực, xưa vốn là Trường Kỹ Thuật Gia Định. Năm 1973, ông Nguyễn Minh Hoàng Phó Giám Đốc Nha Kỹ Thuật, gọi tôi đến gặp ông, tại phòng của ông kề bên Phòng ông Giám Đốc Lý Kim Chân, lúc còn tại dãi 6 lớp học sát đường Phạm Đăng Hưng Đa Kao, nay là Mai Thị Lựu, trong khi ông Trần Lưu Cung vẫn còn ngồi ở văn phòng tại 48 Phan Đình Phùng với chức danh Thứ Trưởng Giáo Dục. 

Ông Hoàng bảo tôi: “Anh đi lên trường Gia Định làm Hiệu Trưởng, thế kỷ sư Thịnh nghe.” Tôi vội trả lời ngay: “Thầy ơi! Từ đây lên đó tuy gần, nhưng 4 giờ chiều đã có người không dám đi, em là Sĩ quan biệt phái, em sợ VC. Xin Thầy cho em hai chữ bình an”. Thầy Hoàng không hài lòng nói với tôi: “Khi tôi ở Đại học Y Dược, bảo anh về đó, anh không đi, gần đây bảo anh về MSD ở Thủ Đức anh cũng không đi. Không nhờ anh được việc chi cả”. Tôi ca bài ca con cá với Thầy Hoàng: “Thầy thông cảm dùm em, em ở Banmêthuột xin về đây là để đi học. Nếu muốn làm Hiệu Trưởng, năm 1970, em đã nhận lời khi gặp ông Giám Đốc, để thay anh Nguyễn Văn Hoa đi tu nghiệp ở Mỹ.”


Tôi nhớ tới anh Trịnh Như Tích được giữ chức Xử lý Hiệu Trưởng Trường nầy từ đó cho đến ngày 30-4-1975, nay anh định cư ở San Jose.

Chúng tôi ghé nhà thân chủ của con rể tôi là cập vợ chồng Chung – Thanh, mọi người được tự nhiên đi thăm vườn cảnh, ngồi nhà mát ăn trái cây và giải khát.


Sau đó hai vợ chồng chủ nhà mời vào nhà, uống trà ở phòng khách, xem những bình Đinh Lăng, Sâm Đại Hàn ngâm rượu, bình nào cũng to lớn, có thể gọi là “bự tổ chảng”.


Anh Chung pha trà Tàu mời chúng tôi dùng, bộ ấm trà của anh, cách anh pha trà sành điệu, đúng là một “trà nô”.


Khi ra về, tôi được biếu một bình Sâm Đại Hàn ngâm rượu, 2 chai chuối hột ngâm rượu và 2 chai Mật Nhân ngâm rượu cho nhà tôi uống trị đau lưng.


Sau đó, chúng tôi đi lên Bình Dương, quá khỏi thành phố chừng 20 km, vào nhà anh Hiền, xung quanh nhà anh là những cây Bonsai, cạnh nhà có ngôi nhà mát, có Divan và bộ ván ngựa với một ít tượng gỗ chạm trổ đẹp.

Sau đó chủ nhà mời vào trong nhà, cho xem những bộ sưu tập như La Hán, đầu bò, gạt nai, tranh cẩn sơn mài, kiếm.


Đó đây tượng gỗ Bồ Đề Đạt Ma, Quan Vân Trường… 

Chủ nhà anh Hiền là người hiếu khách, con rể tôi làm sân vườn cho anh ta nên quen biết thân nhau, chúng tôi được mời uống trà cổ lủ.

Sau khi rời nhà anh Hiền, chúng tôi về thị xã Bình Dương dùng cơm tại quán cơm chay.


Rồi chúng tôi đến nhà khách hàng khác của con rể tôi, thăm họ cũng để tham quan vườn cảnh nhà mới xây dựng.


Sau đó, chúng tôi tới nhà anh Phúc cũng là thân chủ của con rể tôi, Phúc vì bận tiếp đãi khách ở xa về, nên không có mặt tại khu nhà nghỉ dưỡng. đang xây dựng giữa cánh đồng rau muống xanh tươi.


Mặc dù chủ đất đã cất ngôi nhà mát nằm trên một cái hồ nước khá rộng, nhà khá cao, lợp lá dừa nước, khung nhà với những vì kèo, đòn tay bằng thép ống, do thả những bức rèm tre,  và những cây dừa, cây cao, bụi chuối mới trồng, giữa chốn đồng mông hiu quạnh, không có cây cao bóng mát, nên nóng bức vẫn nóng bức, mặc dù đã cho vài cây quạt bàn chạy. Mọi người nằm trên võng thư giản, nhưng khó chịu vì nóng bức, nên không thể đi vào giấc ngủ trưa yên vắng ở vùng quê.

Trở về thành phố vào buổi chiều, xe cộ ồn ào, rối mắt, chẳng bù với buổi trưa ở An Phú Đông, đồng ruộng mênh mông, ruộng xanh tươi tốt, không có tiếng động, hoàn toàn yên tĩnh. Thật đáng hưởng thú thanh nhàn.

866424112018



 

Thursday, November 22, 2018

Đi đến nơi hẹn


Hôm nay tôi có 2 cái hẹn. Hôm qua, lúc ở nhà anh Chung thì Nhãn gọi tới muốn gặp tôi, nhưng tôi đang bận đi chơi ở Lái Thiêu, Bình Dương suốt ngày nên hẹn sẽ gặp Nhãn ngày mai, tại địa chỉ Nhãn cho tôi trên đường Nguyễn Huệ. Nhãn với tôi bà con đầu ông Sơ, nay Nhãn muốn gặp tôi để cập nhật bản Gia phả.

Buổi tối anh Nguyễn Văn Quyền, đồng môn Kỹ Nghệ Họa Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật gọi tới, hỏi tôi về những bài tập Kỹ Nghệ Họa, tôi cho anh biết những sách Việt, tôi đã mang theo sang Mỹ, còn sách Dessin Industriel của Norbert tôi đã cho hết người khác, chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau ngày mai ở quán Coffee 88, trên đường Nguyễn Quý Cảnh, An Phú, Quận 2. Gần Cầu Trắng ở Xa lộ Sàigòn-Biên Hòa, để nói chuyện nhiều hơn.

Sáng sớm tôi từ khu Cây Da Sà, Bà Hom lấy xe Grab đến Coffee 88. Đến nơi tôi đã thấy có Nguyễn Đức Lộc và Nguyễn Văn Dưỡng ngồi sẵn rồi. Sau đó có Thái Thí, sau Thái Thí có anh Nguyền Xuân Thới rồi anh Mẫn tới. Cũng như lần vừa rồi, anh Thới tới mang theo 1 nãi chuối Xiêm, cũng gọi là chuối Sứ và một gói khoai lang đỏ.

Nhớ lại năm 1970, tôi từ Ban Mê Thuột thuyên chuyển về Nguyễn Trường Tộ, một thời gian sau thì anh Mẫn từ Nguyễn Trường Tộ chuyển về Long Xuyên, từ đó đến nay mới gặp lại, anh nhận biết tôi, còn tôi hoàn toàn không nhận ra anh.

Sau cùng anh Phạm Văn Thạch đưa Lê Đình Cần và Nguyễn Hùng đến. Hình như có sự nhầm lẫn nào đó, anh Hùng cho rằng tôi có bài viết về Trường Nguyễn Trường Tộ đăng trong tập Kỹ Yếu Trung Học Kỹ Thuật Vĩnh Long và có chi tiết sai lầm.

Hùng, Thái Thí, Tông, Lộc, Dưỡng, Thới, Thạch, Cần (Mẫn đi ra ngoài)

Tôi không có dạy ở Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, cũng không có chi dính dáng đến trường nầy. Có thể anh Hùng đọc được bài tôi đăng trong kỷ yếu của Hội Ái Hữu các Trường Kỹ Thuật Việt Nam tại Úc in năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Có thể đọc trang 57 ở Link dưới đây:

Theo anh Hùng, ông Lê Đình Viện có làm Hiệu Trưởng trường Nguyễn Trường Tộ và có học vấn cao nên hiểu biết hơn. Tôi cho anh Hùng biết, tôi viết có số liệu dựa theo tài liệu của ông Phan Kim Báu, ông có làm Hiệu Trưởng sau ông Viện, nhưng ông Báu học trường nầy, ra trường làm giáo sư dạy trường nầy, rồi lên làm Hiệu Trưởng, cho nên tài liệu của ông Phan Kim Báu đáng tin cậy hơn ông Viện học ở Trường dạy nghề Hải Phòng thời Pháp.

Nguyễn Văn Quyền là người tới sau cùng hôm nay, anh cho biết muốn đến sớm nhưng buổi sáng rất bận, nên đến trễ.

Quyền ngồi chẳng mấy chốc thì anh Thới ra về, đến anh Thạch chở Cần và Hùng cũng ra về, tôi có hẹn với Nhãn em họ, nên phải ra về, chỉ còn lại có Lộc, Dưỡng, Quyền và Mẫn.

Ra tới nhà của Nhãn ở Nguyễn Huệ, Nhãn đưa tôi đi uống nước ở The Coffee Bean gần đó, cốt ý là để có nơi ngồi trò chuyện với nhau.


Tôi dùng Ipad của Nhãn để mở gia phả chi họ Huỳnh của tôi, trong đó có nguồn gốc từ họ Phan ở Cù lao Năng Gù thuộc tỉnh Long Xuyên nay là An Giang. Bà cố của tôi thứ 6, còn bà cố của Nhãn thứ 8. Chúng tôi trò chuyện, thăm hỏi gia đình của nhau. Nhãn hiện nay ở Belgique cùng với các anh chị em, nhà ở Nguyễn Huệ là nhà của vợ Nhãn. Trước 1975, gia đình Nhãn ở đường Huỳnh Mẫn Đạt, gần nhà thương Chợ Quán, trước đó Nhãn có 2 người anh du học ở Pháp và Đức, còn Nhãn du học ở Bỉ từ năm 1973, sau nầy lãnh cha mẹ và các em sang.

Trước kia thỉnh thoảng tôi vẫn đến nhà thăm song thân của Nhãn, lúc đó Nhãn còn nhỏ nên không phải trang lứa với tôi, Nhãn có người anh là Nhã, năm 1956 cùng tôi đi thi vào trường Cao Thắng, không lâu sau đó thì bệnh rồi mất.

Sau đó Nhãn mời tôi đi ăn cơm Chay ở bên kia đường, cách nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ vài căn phố, hình như nó nằm trong chung cư 42 Nguyễn Huệ, ở trên lầu 2. Chúng tôi chỉ dùng bữa với hoa Thiên lý xào tỏi và tàu hủ xào xả ớt. Không cao lương mỹ vị, nhưng ăn rất hạp khẩu vị. Chúng tôi vừa dùng bữa vừa thăm hỏi nhau về đời sống … cho đến hơn 13 giờ mới rời khỏi cửa hàng ăn và chia tay.


 Tôi thả bộ tới Trường cũ của mình, xin gác cổng vào chụp ảnh lưu niệm, nơi sân cờ còn nhiều tràng hoa mừng Ngày Nhà Giáo, tôi nhờ một em sinh viên chụp cho tôi vài tấm ảnh có hình cái đồng hồ, nay nó là Nhà lưu niệm của Trường, tôi không kiểm tra lại, về nhà mới biết, cậu sinh viên nầy không biếp chụp ảnh, vì trong máy của tôi không có tấm ảnh nào được cậu ta chụp !!! Vài hôm nữa tôi sẽ trở lại chụp để lưu kỷ niệm về sau.


Tôi dùng xe bus để đi về nhà, muốn khám phá và trải nghiệm sử dụng xe bus, đi từ Bến Thành đến Bến Xe Chợ Lớn, trên xe chỉ có tài xế vừa lái xe vừa thu tiền như xe bus ở Mỹ hay Pháp, trước khi đến bến đỗ, có loa phóng thanh báo cho biết.

Rồi tôi đi tiếp xe bus số 16 về nhà. Xe bus 16 đi từ Bến xe Chợ Lớn tới Bình Trị Đông, có 1 người bán vé, thu tiền.


Hình như có xe có máy lạnh, đa số không có máy lạnh. Cái nóng của Sàigòn khô rất khó chịu, phải nói là rất nóng nực, nóng chảy mồ hôi, mặc dù xe vắng khách vào buổi trưa khoảng 14 giờ. Sàigòn lúc nào cũng đông đúc xe cộ, nhiều người không tôn trọng luật lệ giao thông, vượt đèn đỏ, chạy luồn lách trong làn xe bốn bánh, chạy không nhường cho xe cứu thương. Đó là chuyện hàng ngày, chuyện rất bình thường. Đó mới chính là thành phố Hồ Chí Minh. Nếu không phải vậy, nó là Sàigòn xưa rồi.

8664221118





Friday, November 16, 2018

Họp mặt những bạn đồng môn


Tuần trước, anh Nguyễn Văn Quyền có báo cho tôi biết, anh em hàng tuần có buổi họp mặt tại quán cà-phê ở đường số 7 và Nguyễn Quý Cảnh, thuộc Quận 2, Tp HCM, nhưng ngày Thứ Năm rồi, tôi không thể tới dự, vì đã nhận lời tới thăm Phượng - Dĩ ở San Jose về Sàigòn, mời chúng tôi đi ăn nhà hàng chay mới mở ở đầu đường Hồ Xuân Hương, đối diện với Apartment 2K là nơi Phượng - Dĩ trú ngụ.


Quán ăn có phong cách lịch sự, giá hơi đắt, nhưng món ăn không có chi đặc sắc.

Vì vậy ngày Thứ Năm 15-11-2018, tôi dùng xe Grab để đến chỗ họp mặt. Do Quyền nhắn tin cho tôi nhưng không cho địa chỉ cụ thể, chỉ nói qua cầu Xa lộ, tới Cầu Trắng quẹo vào đó, quán ở ngã tư đường số 7 và Nguyễn Quý Cảnh. Muốn có địa chỉ chắc chắn, tôi phải tìm ở Google, thấy có quán cà-phê 88. Tôi gọi Grab đến đó.

Theo chiều kim đồng hồ: Vinh, Thạch, Thới, X, Thái Thí, Dưỡng, Lộc, Triêm, Sĩ, Cần, Điển, Lợi

Khi đến nơi, tôi đã thấy mấy người bạn đã ngồi trong đó có Nguyễn Đức Lộc, Thái Thí, Nguyễn Văn Sĩ, Lê Đức Triêm, Lê Đình Cần, anh Dưỡng. Như vậy những người bạn nầy là những đồng môn THKT Cao Thắng và Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Phú Thọ.

   Theo chiều kim đồng hồ: Điển, Lợi, Vinh, Thới, X, Thí, Dưỡng, Lộc, Triêm, Sĩ, Cần

Rồi lần lượt có thêm các anh Đặng Ngọc Lợi, Nguyễn Xuân Thới, Hồ Ngọc Điển, Nguyễn Xuân Vinh, Phạm Văn Thạch. 

  Theo chiều kim đồng hồ: Thạch, Cần, Điển, Thới, X, Thái Thí

Tôi thật sự không ngờ gặp Lê Đình Cần tại đây, vì tôi nghĩ anh đang ở Hawaii, nên hôm trước tôi không biết, để báo cho anh tham dự Hiệp kỵ GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm.

Theo chiều kim đồng hồ: Triêm, Sĩ, Cần, Điển, Lợi

Trong những năm học ở Cao Thắng, tôi chưa hề học chung với Lê Đức Triêm lớp nào, nhưng biết anh và nhớ cả họ tên của anh. Riêng Nguyễn Văn Sĩ, chúng tôi có học chung năm Đệ thất 1956-1957, tôi có đến nhà anh ở xóm Cù lao Phú Nhuận. 

Chúng tôi có chụp tấm ảnh chung ở Sở thú trong năm học đầu tiên đó.

Hàng đứng từ trái: Hòa, Hơn, Viễn, Liêm, Đắc, Dông, Sĩ, Mẫn, Tông
Người khom lưng không nhớ rõ, hình như tên Lương
Hàng ngồi: Phước, Long Giang, Tùng, Ngô, Trường, Tòng

Tôi tự chụp chụp tấm ảnh để kỷ niệm có mình tham dự.

  Tông, Vinh (chỉ thấy lưng), Dưỡng, Lộc, Triêm, Sĩ, Cần, Điển, Lợi

Trên 50 năm mới gặp lại anh Triêm và Sĩ, anh Triêm tôi nhớ cả họ tên còn anh Sĩ tôi quên mất họ phải hỏi lại anh.

  Theo chiều kim đồng hồ: Lộc, Vinh, Thới, Điển, Thái Thí, Dưỡng

Điển báo tin là anh Nguyễn Văn Nhân đã nhập Bệnh Viện Đại học Y Dược, nằm ở lầu 13 Phòng 207. Nghe nói anh Nhân định đi Úc hay Mỹ chữa trị, anh Thới còn cho biết, anh Nhân thừa khả năng đó.

Theo chiều kim đồng hồ: Vinh, THạch, Thới, X, Thái Thí, Dưỡng

Khoảng 10 giờ, anh em lần lượt chia tay. Anh Sĩ chở Triêm về Phú Nhuận, anh Thạch chở Cần về Hóc Môn. Tôi hỏi Lộc việc thanh toán, anh cho biết luân phiên, hôm nay do Vinh đài thọ.

Có anh nói có Lương Văn Nhơn về, anh em có mời tới họp mặt, nhưng ngày hôm nay, lúc 9 giờ sáng Nhơn đã lên máy bay về Mỹ, tiếc quá Nhơn về 1 tuần mà tôi không gặp.

Xem đồng hồ đã hơn 10:30, tôi chia tay còn lại chỉ có Lộc, Dưỡng, Điển và Thới. Tôi gọi Grab và đặt xe về Biển Đông 5, nhưng khi xe chạy tới Đền Đức Thánh Trần tôi mới nhớ Trần Xuân Minh hẹn tôi lúc 11 giờ, tại 203 đường Đào Duy Từ, tôi phải yêu cầu tài xế đưa tôi đến địa điểm đó.

Trong khi trò chuyện với anh tài xế, tôi biết anh là đồng hương An Giang, anh ta ở Hiệp Xương, Phú Tân, lên Bình Dương làm công nhân, thất nghiệp nên ra chạy xe Grab, vợ đang thất nghiệp.

Đến nơi, anh em đã cầm đủa từ lâu, lần nầy gặp lại anh Lâm, lát sau mới có Đinh Bá Phát tới.

Từ trái qua phải: Tông, Tính, Vinh, Minh, Lâm, Chiếu, cô Tám

Hôm qua, tôi gọi điện thoại nhầm đến anh Đinh Bá Phát, anh dặn tôi: “Nhớ mai đi họp mặt với anh em nghe !”. Tôi đã thắc mắc vì không thấy anh trong quán cà-phê 88. Bây giờ thấy anh ở đây, nhớ ra chắc anh nhắc tôi nhớ gặp nhau nơi nầy, chớ không phải nơi kia.

Từ trái: Phát, Tông, Chiếu, Minh, Lâm, Hướng, cô Tám

Buổi họp mặt với anh em lại được Minh thông báo: “ Anh Tĩnh không ăn được, mất 10 kg, nay chỉ uống sữa Ensure mà thôi.” Anh em ai cũng tuổi cao, như anh Thới, Triêm, Sĩ sinh năm 1939. Nhưng trông anh nào cũng còn khỏe mạnh, còn dự họp mặt hôm nay là đáng mừng rồi.

Hôm nay một buổi họp mặt tại quán Cà-phê 88 và quán không tên 203 Đào Duy Từ, đều là những buổi họp mặt đáng quý, đáng ghi kỷ niệm trọn một ngày vui.

866415112018