Tôi nhớ những
ngày đầu tôi đi học như thế nào, nhưng không thể nhớ năm đó tôi mấy tuổi hoặc
đó là vào năm nào ? Nhưng tôi nhớ rõ, tôi theo chú tôi sang bên kia sông đi học,
trên xuồng do chú tôi bơi còn có anh kế tôi và con gái của chú bằng tuổi tôi cùng
sang sông đến trường.
Trường nằm sát
lộ đá tráng nhựa cho xe chạy đường Long Xuyên – Châu đốc, trước sân trường là cái
cổng bằng gạch xây tô, có bảng hiệu ghi École De Bình Mỹ, qua khỏi cổng là cái
sân rộng, sâu chừng 20 thước, dài chừng 30 thước. Phía tay phải có trồng một cây
điệp tây, mùa Hè trỗ bông đỏ rực. Phía tay trái là cái khung cây treo cái xích đu
và một sợi dây luộc to, để cho học sinh xích đu hoặc leo dây trong giờ chơi hoặc
trong khi chờ đợi trước khi vào lớp.
Như những
trường khác ở trong Nam, trường tôi có 3 lớp học và một căn phòng chừng bằng phân
nữa lớp để cho Trưởng giáo ở trông nom nhà trường. Trường tôi chỉ có 2 thầy giáo,
chú tôi là Trưởng giáo và Thầy tôi người ở Long An đến đây dạy học.
Một lớp học
bên cùng phía tay trái được phòng sinh hoạt cho gia đình Thầy tôi. Gia đình Thây
tôi lúc ấy gồm có Thầy tôi, Thím giáo (vợ của Thầy) và 2 con trai là Khải và Khá.
Ngoài giờ học Thầy tôi kéo kẹo cho Thím bán tại trường, để kiếm thêm thu nhập.
Hai phòng học
còn lại chia thành 3 lớp: Thầy tôi tên là Lê Văn Thọ dạy Cours Enfantin (lớp Đồng
Ấu), chú tôi tên Huỳnh Bá Nhệ dạy Cours Élémentaire (Lớp Sơ Đẳng), anh tôi và
con gái chú tôi tên Nga đều học lớp của chú tôi, nhưng tôi không rõ họ học Cours
nào.
Lớp chú tôi
dạy có nhiều thiếu nữ học, trong đó có chị Phấn nhà chị phía dưới trường chừng
6, 7 chục thước, ngang sông nhà tôi - Chị Phấn con nuôi bác Hai Nam, chị có nước
da trắng, gương mặt rất đẹp, ngoài ra còn có cô Phe khoảng tuổi Nga với tôi và
còn có một số chị, em khác nửa ngày nay tôi không còn nhớ được.
Lớp của tôi
hầu hết là nam sinh, lớp học chỉ có 1 cửa ra vào, có mấy cái cửa sổ bàn thầy giáo
kê gần tường, hai bên bàn thầy là 2 tấm bản đen, có 2 dãi bàn học, mỗi bàn ngồi
bốn học sinh, tôi nhớ là tôi ngồi bàn trên cùng phía tay trái của thầy giáo.
Bàn tôi ngồi
có trò Độ, nhà cạnh phía dưới trường, trò Khải con trai trưởng của Thầy Thọ, trò
Trai nhà ở cạnh phía trên trường và tôi ngồi ngoài cuối bàn. Những bàn sau là
những anh lớn hơn chúng tôi về tuổi cũng như thể xác.
Ngày xưa khi
tôi đi học, lúc mới đầu học về chữ cái như a, b, c, d, e, …, kế đó học vần xuôi
có thể là an, em, it .., rồi vần ngược có thể là sàn, nước, quan …. Khi tôi tôi
học vần ngược, tức chưa đầy một năm học thì chú tôi cũng như Thầy tôi không dạy
nữa, bỏ trường về tỉnh dạy. Còn trường gần nhà tôi, các thầy cùng bỏ dạy, trường
đóng cửa, ông Trưởng giáo đem chìa khóa trường đến nhà giao cho cha tôi, vì cha
tôi lúc đó trong Ban Hội Tề, giữ chức Hương Sư. Các thầy theo Thanh Niên Tiền
Phong, mang huy hiệu cờ đỏ ngôi sao vàng trên ngực áo, khi họ đi dự hát hội
trong lễ Kỳ Yên ở Đình làng.
Vì Thầy nghỉ
dạy, trường đóng cửa, nên tôi bị thất học từ đó. Tôi không lý giải được do năm
1945, tôi mới có 4 tuổi sao lại bị thất học ? Đến năm 1950, tôi đi học tư tại
trường làng gần nhà, tôi đi dự thi tại Trường Nam Tiểu học Long Xuyên, lần thi đó
tôi đã đậu, được cấp Văn Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, đáng lẽ năm đó được đến tỉnh để
vào học lớp Nhì, nhưng không được vì gia đình không có tiền, do phải nuôi anh kế
tôi đang học ở Long Xuyên, tôi lại bị thất học thêm lần nữa.
Khi học tại
trường làng Bình Mỹ, có vài kỷ niệm đáng nhớ đầu đời khi đi học. Do tôi và Khải
hẹn nhau trước, nên khi Thầy kêu Trò Trai đứng lên đọc chữ trên bảng, chúng tôi
mỗi người nắm một bên quần đùi đen, lưng luồn dây thung của trò Trai, nên Trai
đứng lên cái quần bị giữ lại, nên Trai sợ bị ở truồng nên liền ngồi xuống. Thầy
Thọ thấy sao Trai đứng lên không chịu đứng yên lại ngồi xuống, tức nhiên dám cãi
lời Thầy, sẵn tay cầm thước bảng, Thầy đánh Trai mấy cái thước bảng, rồi thầy kêu
trò khác đọc. Còn Trai chịu đau, im lặng không nói gì.
Lần khác Thầy
gọi Trai đọc bảng, đáng lẽ Trai phải đứng lên tại chỗ rồn đọc, nhưng lần nầy
Trai lại ngồi im, Thầy tức giận đứng lên, định đi lấy cây thước bảng đánh trò
Trai, nhưng có vài anh ở phía sau, dơ tay đứng lên nói:
- Thưa Thầy, xin Thầy đừng đánh trò Trai,
nó không dám đứng lên, vì khi nó đứng lên như lần trước bị trò Khải và trò Tông
nắm cái quần, hắn sợ bị ở truồng nên ngồi xuống cho nên bị Thầy đánh lần đó.
Nghe xong, Thầy hiểu chuyện, nét mặt Thầy giận lên, nói to:
- Khải, Tông lên đây !
Khải và tôi sợ quýnh lên, đứng lên bước vội lên chỗ Thầy đứng gần tấm bảng đen,
Thầy bảo:
- Hai đứa dơ tay phải ra.
Thầy Thọ đánh con Thầy là trò Khải trước rồi đánh tôi sau, mỗi đứa bị 3 khẻ thước
bảng, vừa khẻ tay, Thầy vừa nói:
- Nhớ không được nghịch như vậy nữa nghe không ?
Khẻ tay xong Thầy bảo:
Về chỗ !
Hai đứa chúng tôi, mỗi đứa một ngã, riu ríu đi về chỗ mình, tôi nhìn thấy có mấy
anh ngồi ở dưới mĩm cười hài lòng.
Có một anh ở Bình Thạnh Đông (Thị Đam), cũng
đến làng tôi ở nhờ nhà người bà con đi học, tôi tự hỏi sao anh ta không học trường
BÌnh Thủy, cũng gần nhà anh ta ở nhờ mà lại sang sông đi học với tôi. Tôi nhớ
khi Thầy gọi anh ta đánh vần để đọc chữ trên bảng đen: T ô i, nhưng anh ta cứ đánh
vần T, ô, tô, i, tui.
Anh ấy đánh vần xong, thầy bảo sai, đánh vần lại, nhưng anh ấy vẫn cứ T, Ô, Tô,
I, Tui. Cuối cùng Thầy nói:
- Thôi ! Tao cũng chịu thua mầy ! Ngồi xuống đi.
Rồi Thầy kêu trò khác tiếp tục học đánh vần.
Tôi nhớ có một hôm lúc giờ ra chơi, học
trò hầu hết ra sân chơi, con gái tụ năm tụ ba đánh đủa, hoặc chơi cò cò. Đám
con trai chơi xích đu hoặc kéo co, cũng có nhiều trò không chơi chi đứng nhìn
người khác chơi, tôi đang tìm bạn chơi thì thấy chú tôi đứng ở hành lang lớp học,
dơ tay ngoắc tôi, tôi liền đi về phía chú, khi tôi đên gần, chú móc bóp lấy ra,
đưa cho tôi tờ giấy bạc màu vàng, đó là tờ tiền 1 hào, chú bảo:
- Chú cho đi mua kẹo ăn đi !
Tôi nói:
- Cám ơn chú!
Rồi lấy tiền từ tay chú, đi đến chỗ Thím giáo mua kẹo kéo ăn.
Có lẽ chú tôi vừa mới lãnh lương nên cho tiền tôi ăn kẹo, tôi nhớ hình như đó cũng
là lần duy nhất chú cho tôi tiền khi tôi còn nhỏ, đi học trường của chú làm Trưởng
giáo. Được biết thời đó lương của chú là 28 đồng/ tháng. Có lần sau nầy về một
chuyện khác, chính chú cho tôi biết, lương của chú thời gian đó là như vậy.
Còn một chuyện nữa cũng liên quan đến thời
cuộc thời bấy giờ tôi còn nhớ.
Hôm đó không hiểu vì sao Thầy không dạy học,
có ba, bốn đứa rủ tôi đi tới nhà thầy Phó kiếm pháo chà đập cho nó nổ chơi, vì
nghe nói trong nhà có nhiều pháo chà. Tôi nhớ hình như có 3 người cùng đi,
trong đó có thằng Uẩn, mẹ nó là cháu họ của mẹ tôi, ông ngoại nó với mẹ tôi là
anh em cô cậu, ngày xưa mẹ tôi gả mẹ nó lấy chồng là anh ba Cao, nên nó kêu tôi
bằng cậu, dù nó lớn tuổi hơn tôi, người nữa là thằng Chiêu, nó cùng lớn tuổi hơn
tôi, ở cùng xóm lại là bà con họ hàng, nên nó gọi tôi bằng chú.
Nghe nói ở trong khu nhà Thầy Phó, họ đi hết rồi không còn ai ở trong đó, nhưng
đi với hai thằng lớn tuổi hơn, tôi cũng vững bụng không còn lo sợ. Cũng nên nói
thêm thầy Phó có dinh cơ lớn, dinh cơ của ông bên kia sông. Trước năm 1945, đối
diện với nhà tôi bên nầy sông, cũng là đối diện với nhà ông Phủ hồi hưu Nguyễn Hà
Thanh. Dinh cơ ông thầy Phó cất sát bên đường lộ đá LT 10 nay là QL91, qua khỏi
đường là con sông có tên là Xép Năng Gù, phía trước dinh cơ là hàng rào sắt, phần
sát đất xây gạch, cẩn gạch bông tráng men nổi, mua từ bên Pháp, chạy dọc theo hàng
rào, cứ cách xa chừng 3 thước có một trụ gạch, giữa những trụ gạch nầy là hàng
rào sắt, trên các trụ gạch nầy cũng cẩn gạch bông nổi, khoảng cách chừng 20 thước
có cổng cho xe hơi du lịch có thể ra vào, mỗi cổng có 2 cánh cửa gỗ dầy, phần
dưới là tấm gỗ, phần trên là song sắt để có thể nhìn xuyên qua đó, riêng 2 cái
cổng giữa lại xây lầu, do có cầu thang lên xuống, nên xe du lịch không thể ra vào
2 cổng giữa nầy. Nói chung là bức tường phía trước có 4 cái cổng, 2 cái giữa giống
nhau, 2 cái bìa ngoài giống nhau, cuối tường mỗi đầu cũng xây tường chạy dài vào
trong chừng 50 thưóc nhưng không có cẩn gạch hoa nổi. Có thể nói tường rào của
thầy phó Quý 10 thì tường rào Dinh Độc Lập chỉ bằng 3 mà thôi.
Khi 3 chúng tôi đến, liền vào Phủ thờ là
một ngôi nhà 3 gian bề thế, cửa hông bên phía tay phải có ai đã phá bỏ 1 miếng
ván ở khung dưới, chúng tôi khom người chui vào, bên trong tuy có hơi tối vì không
có đèn, nhưng cũng thấy rõ gần như mọi vật còn nguyên, trước bàn thờ là một cập
ngà voi, trên bàn thờ là bộ lư đồng to chạm trổ tinh vi có hình nổi rồng phượng,
mấy bình cấm hoa to bằng sứ, không có hoa trong bình, chúng tôi thấy có chiếc
xe đạp trẻ con sơn màu hường, những bức màn, trướng còn mới nguyên.
Chúng tôi lo lục tìm pháo chà, khi có rồi,
chúng tôi chui ra rồi theo cầu thang đi lên lầu ở cổng tay phải. Trên lầu trống
trơn, không có bàn ghế chi hết, tôi để miếng pháo chà lên thành cửa sổ rồi dùng
cây thước vuông của học trò bằng cây thông cạnh chừng 1 phân vuông, dài chừng 3
tấc, tay phải nắm cây thước dọng xuống miếng pháo, pháo nổ cái “bốp”, nhìn lại
cây thước của tôi đã bị tét làm đôi. Thấy thế thằng Uẩn và thằng Chiêu không đập
pháo chà nữa và chúng tôi cùng nhau trở về trường.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, cô tôi có dẫn tôi sang nhà Thầy Phó 1 lần, khi đó ông bà ấy
đã mất rồi, trong khu nhà Thầy Phó khi ấy có 4 ngôi nhà: Phủ thờ, ở gần ngoài
đường, nằm khoảng giữa hai cổng có lầu, một căn nhà của bác Hội Đồng Thu, lợp
ngói móc, vách ván và cửa đều sơn màu xanh lá cây, hai căn nhà kia một căn ở giữa
và một căn phía trên đều lợp ngói, tường xây tô, nền lát gạch.
Vào nhà tôi không nhớ của ai, ngồi ở ghế trường kỷ gỗ chạm trổ màu đỏ, có thể là
nhà Bác Sáu Thơi, Bác từng du học ở Pháp, sau về nước làm Xã trưởng trong làng.
Có thể nói do thời cuộc lúc đó, các bác Ba Nghệ, Bác Tư Chuốc và Bác Sáu Thơi
“chạy bỏ của giữ lấy người” mà thôi. Ông thân của các bác là Phạm Phú Quý xưa từng
làm Phó Cai Tổng, tổng An Lương, huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc nên được gọi là
Thầy Phó.
Khoảng thập niên 1950, bộ đội Hòa Hảo của
Tướng Lâm Thành Nguyên lấy nơi đây làm Trung tâm huấn luyện sĩ quan Hòa Hảo,
sau năm 1955 quân đội Hòa Hảo không còn, có lúc nơi đây có Trung đoàn bộ binh
VNCH đóng, sau đó Trung đoàn nầy dời đi. Năm 1972, người Mỹ mở rộng đường Long
Xuyên – Châu Đốc, tường rào nầy bị phá bỏ để làm đường, sau đó khung sắt hàng rào
được bệnh viện Phú Tân mua lại, còn Phủ thờ và những căn nhà bên trong không ai
ở, dần dần hoang phế, ngày nay không còn dấu tích gì.
Rồi các thầy giáo có lòng yêu nước, đi
theo tiếng gọi của con tim theo Thanh Niên Tìền phong chống Pháp, giành độc lập.
Chú tôi Thầy tôi cũng bỏ trường về tỉnh Châu Đốc dạy học. Tôi bị thất học lần đầu
từ đó.
Sau một vài năm, có một chú bà con là con
thầy giáo Nguyễn Bá Thế, xuất thân từ trường Sư Phạm Sàigòn (Ecole Normal), từng
dạy trường tỉnh Sa Đéc và Long Xuyên, lấy trường làng, gần nhà tôi dạy tư, cha
mẹ tôi cho tôi đi học. Đến năm 1950, tôi xuống Long Xuyên thi tại Trường Nam Tiểu
học và kết quả đạt được Văn Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học.
Văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học
Đáng lẽ sau đó tôi được xuống Long Xuyên
vào học lớp Nhì, nhưng do anh tôi đang học ở Long Xuyên, gia đình không đủ sức
cho tôi đi học, nên tôi lại bị ở nhà chăn dê, tôi bị thất học lần thứ hai.
Đến năm 1954, đầu năm ông
thân tôi mất. Anh tôi ở Pháp viết thư về cho chú tôi, nhờ chú tôi giúp cho tôi đi
học lại. Đầu niên khóa 1954-1955, tôi được lên Châu Đốc ở nhà chú tôi, đi học lại
lớp Nhì H, trường Nam Tiểu Học Châu Đốc. Học với Thầy Lê Quang Điện.
Năm sau lên lớp Nhất, học lớp Nhứt E với thầy Châu Văn Tính, sau thầy làm Hiệu
Trưởng trường nầy rồi làm Thanh Tra Tiểu Học trước khi về hưu. Về hưu, Thầy dọn
về Cư xá Lữ Gia Sàigòn sống hưởng tuổi già, tôi có đến đây thăm Thầy một lần.
Vì thất học lên thất học xuống, tôi không
còn tuổi để thi vào lớp Đệ Thất trường Trung Hoc Thủ Khoa Nghĩa, nên bác Hai và
chú Chín tôi làm cho tôi Giấy Thế Vì Khai Sanh, phải ra tòa Hòa Giải ở Long Xuyên,
khai tôi sinh ngày 15 tháng 5 năm 1943 tại làng Mỹ Hòa Hưng, huyện Châu thành,
tỉnh Long Xuyên. Nay Mỹ Hòa Hưng thuộc thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang, đó là
quê hương của cựu Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Từ Lớp Nhì tôi đã học giỏi, vì đã lớn tuổi,
lên lớp Nhất, tôi thường đứng vị thứ nhất nhì lớp. Năm lớp Nhất tôi được miễn
thi để nhận cấp bằng Tiểu học, năm đó thi vào Trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc,
tôi làm sai hết 2 bài toán vậy mà tôi đậu thứ 51/300 học sinh được trúng tuyển.
Vì là học sinh gỉỏi, tôi được nhà trường thưởng cho đi trại Hè dành cho học
sinh tại Vũng Tàu trong 3 tuần lễ, chúng tôi ra đó được ở 2 dãi nhà có lầu do
Pháp để lại, sau nầy 2 dãi nhà ấy thuộc Công Đoàn quản lý, không còn thuộc bộ
Giáo Dục, trước kia mỗi học sinh đi học phải đóng 10 đồng để gây quỹ mua nhà
cho Trại Hè Toàn Quốc.
Học sinh Châu Đốc dự Trại
Hè Học Sinh Vũng Tàu năm 1956, do Thầy Trần Văn Ngà hướng dẫn
Năm đó, chú tôi cũng cho tôi đi thi vào
Trung học Kỹ Thuật Cao Thắng, chú khuyến khích tôi : “Nhất nghệ tinh, nhất thân
vinh” . Tôi đi lên Sàigòn dự thi với 3.000 thí sinh tại Trường Nữ Gia Long Sàigòn,
tôi làm trúng 1 bài toán, nhưng được trúng tuyển hạng 132/250 thí sinh trúng
tuyển, nên tôi được học bổng toàn phần từ đó cho đến khi ra trường, học bổng toàn
phần 400 đồng/tháng, bán phần 200 đồng/tháng.
Mặc dù tôi thi đậu 2 trường, nhưng chú tôi
cho tôi lên Sàigòn theo học tại Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, số 65 Đỗ Hữu Vị
Quận Nhất, nay đổi lại là đường Huỳnh Thúc Kháng. Từ trường đi bộ ra chợ Bến Thành
chỉ mất chừng 5, 7 phút.
Nhưng khi nhập học, chúng tôi học tại chi
nhánh của trường là Trung học Kỹ Thuật Phan Đình Phùng, số 2 đường Phạm Đăng Hưng,
nơi đó từng là lớp học của Trường Kỷ sư Công Nghệ Khóa 1, Trường Quốc Gia Âm Nhạc,
Trường Nữ Công Gia Chánh, Trường Thương Mại, Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ,
Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng, Nay là Trường Cao Đẳng Nguyễn Trường Tộ.
Nơi đây gần Đài Phát Thanh Sàigòn, không xa Sở Thú, nên những khi không có giờ
học, chúng tôi thường đi vào Sở Thú ngắm mấy con thú, thời đó vào ra Sở Thú không
mất tiền và hình như ban đêm cũng vào được. Sau đó chừng 1 năm vào Sở Thú phải
mua vé vào cửa và không được vào ban đêm.
Học sinh lớp
Đệ Thất E nìen học 1956-1957, đi chơi trong Sở Thú Sàigòn
Hàng đứng từ trái: Hòa, Hơn, Châu Viễn, Liêm , Đắc, Đông ?, Sĩ, Mẫn, Tông
Đứng khom lưng: Lương
Hàng ngồi từ trái: Phước, lý Lạc Long Giang, Tùng, Châu, ? , Tòng.
Năm đó học lớp tại Trường Phan Đình Phùng, nhưng học xưởng và Kỹ
Nghệ Họa phải học tại trường Cao Thắng.
Lúc mới lên Sàigòn học, tôi ăn ở tại nhà anh Trung sĩ Nguyễn Vạn An, là trại
gia binh nhỏ,, ở khu vực ngã Sáu Sàigòn, sau nầy ở đó là Trường Trung học Chu Văn
An, ở đó được chừng 2 tháng, anh An chuyển đi Biên Hòa, tôi phải chuyển chỗ ở với
nhà một anh người Châu Đốc, có nhà tại con hẽm xéo cửa Rạp chiếu bóng Việt
Long, nằm trên đường Cao Thắng, lúc đó chưa có đường Trần Quý Cáp khúc từ Rạp
Nam Quang tới rạp Việt Long, tôi ở chừng 1, 2 tháng thì chuyển về ở nhà anh họa
sĩ Phạm Thăng, trong con hẽm 400 Lê Văn Duyệt, trước chợ Hòa Hưng.
Do hoàn cảnh gia đình nghèo, nên tôi xin và được ông Giám Đốc Nha Kỹ Thuật và Mỳ
Thuật Học Vụ, Kỷ sư Trần Văn Bạch cho tôi cũng như một số học sinh khác được tá
túc trong khu vực của Nha, vốn là công ty cưa xẻ gỗ của người Pháp để lại, chúng
tôi phải tự ăn uống và ngủ nghỉ trong những nhà kho bỏ trống, đặt dưới sự kiểm
soát của anh gát-dan Gusaland, người Chà lai, mẹ Việt Nam.
Khi tôi vào ở đây có anh Tự, anh Hà, anh Sĩ, anh Long, anh Trực là những người ở
Cao Lãnh theo học Cao Thắng, có Bùi Văn Chín, Bùi Văn Mười, Huỳnh Đình Huê người
Trà Vinh, anh Đức dân miền Tây, tôi quên anh người ở đâu, Nguyễn Tiến Minh
trong thời gian ở đây đã trở thành nhà văn Nhất Giang, Nguyễn Văn Giáp người Bắc
di cư năm 1954, Nguyễn Quang Vui người Huế, theo học Trường Quốc Gia Âm Nhạc,
Trần Xuân Vĩnh Quế, mồ côi người Sàigòn, sau nầy đã hy sinh trong trận Mậu Thân.
Anh Huỳnh Phương người miền Trung theo học Sư Phạm Kỹ thuật khóa cấp tốc 1 năm.
Năm 1959, ông Trần Văn Bạch không còn làm
Giám Đốc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ, kỷ sư Nguyễn Được và Trần Lưu Cung ở
Pháp về được chánh phủ bổ nhiệm Giám Đốc và Phó Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ. Ông
Được không cho phép chúng tôi trú ngụ trong khuôn viên Nha nữa, mọi người được
1 tháng để tìm chỗ ở. Riêng tôi lại trở về nhà anh chị Phạm Thăng tại địa chi
400/40 Lê Van Duyệt, Quận 3 Sàigòn, nơi đây tôi đã ở từ đó cho đến khi ra trường
đi dạy học ở Banmêthuột. Anh chị xem tôi như người thân, như em trong gia đình.
Đến niên học 1957-1958, lên Đệ Lục chi nhánh
Trường Phan Đình Phùng dẹp bỏ, từ đó học sinh Cao Thắng chỉ học tại trường Cao
Thắng mà thôi. Nơi đó là Trường Quốc Gia Âm Nhạc, Trường Nữ Công Gia Chánh, Trường
Thương Mại.
Niên học 1959-1960, năm nầy tôi học lớp Đệ
Tứ A, thời đó ông Cao Thanh Đảnh Kỷ sư ENSM (Ecole nationale supérieure de
Mécanique) làm Hiệu Trưởng thay ông Phạm Xuân Độ, ông Đảnh chủ trương phân loại
học sinh giỏi, trung bình, yếu kém sắp đặt theo thứ tự lớp A, B, C, D, E. Tôi
được xếp vào Đệ Tứ A và cuối niên học đã thi đậu bằng Trung Học Kỹ Thuật Đệ Nhất
Cấp.
Năm 1961 do cuộc đảo chánh của Nguyễn Chánh
Thi, trong lớp tôi anh em chịu ảnh hưởng, nên đảo chánh Trưởng lớp, rồi cử tôi
làm Trưởng lớp Đệ Tam A, niên học 1961-1962 lên Đệ Nhị A tôi vẫn được bầu làm
Trưởng lớp. Trưởng lớp có bổn phận ôm sổ đầu bài, sổ điểm danh ghi ai vắng mặt
trong giờ học và lấy phấn cho giáo sư viết bảng.
Giáo sư Lê
Tài Quấc về sau làm Thượng Nghị Sĩ đứng giữa lớp Đệ Nhị A do tôi làm Trưởng lớp,
trong lớp nầy có Lương Văn Nhơn làm HT trường Kiến Hòa, Lý Thất làm HT. trường
Long Xuyên, Lê Kim Nghĩa làm HT trường Chợ Mới và tôi làm HT. trường Nguyễn Trường
Tộ Sàigòn.
Lớp nầy hầu hết đều đậu Tú Tài I và năm
sau đậu Tú Tài II. Rất tiếc có Trần Bình Đức vừa đậu Tú Tài II chưa kịp nghe kết
quả, anh đã bị chết do sưng màn óc vì anh học nhiều quá, nào là vừa học Đệ Nhất
Cao Thắng lại học lớp Dự Bị ở Khoa Học Đại Học Đường Sàigòn. Anh trối lại với các em của anh: "Đừng học nhiều như anh."
Số còn lại của lớp nầy đa số đều lên Đại
học, hoặc trường Kỷ sư công nghệ, hoặc Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, có 2 anh đi
khóa 20 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, đó là Trần Thanh Quang và Huỳnh Văn Dân.
Riêng tôi năm học nầy, tôi thi rớt 4 lần thi Tú Tài I; 2 lần thi phổ thông và 2
lần thi kỹ thuật.
Rớt Tú Tài I, tôi phải học lại. Do thi rớt
tôi buồn, nên về quê không làm đơn xin học lại, năm đo chương trình học thay đổi,
thay vì học 2 sinh ngữ, nay chỉ học 1 sinh ngữ. Thấy đến ngày hết hạn nộp đơn
xin học lại, thầy Giám Thị Phạm Văn Luật tự làm đơn xin cho tôi học lại, do Thầy
thấy trong học bạ Anh văn tôi khá hơn Pháp Văn, nên Thầy chọn cho tôi học Anh Văn,
Từ Đệ Thất lên cho tới Đệ Nhị có 5 lớp, tôi được học lại lớp Đệ Nhị 5 học sinh
ngữ Anh Văn. Năm sau lên Đệ nhất chỉ còn
lại có 3 lớp: Đệ Nhất 1 và Đệ nhất 2 học Pháp Văn, chúng tôi Đệ nhất 3 học Anh
Văn có 39 học sinh mà thôi.
Tôi nhớ những anh em ở lại học chung lớp Đệ
nhi 5 và Đệ Nhứt 3 với tôi có Huỳnh Ngọc Điệp, Ngô Phước Tường, Vũ Duy Khiết, Hồ
Ngọc Điển nhưng nay đã lâu tôi không còn nhớ được nữa. Trưởng lớp là Phan Thành
Tưa, lớp nầy tôi mới học chung với Huỳnh Hữu Lộc, Nguyễn Văn Chúc, Hoàng Thanh,
Nguyễn Văn Nghĩa …
Sau khi đậu Tú Tài Kỹ Thuật toàn phần năm
1964, tôi thi vào trường Kỷ sư Công nghệ, ngày đi thi Kỹ Nghệ Họa tôi bị chiếc
Vélo Solex của mình gây trở ngại, máy không nổ, đem cho thợ sửa không được, tôi
bỏ thi. Sau đó thi vào Sư Phạm Kỹ thuật, tuyển 10 Sinh viên, tôi đậu dự thính
thứ 2. Ngày khai giảng, kể cả tôi chỉ có 7 người theo học, trong đó có anh Nguyễn
Mạnh Hoạt, học chừng 2 tuần anh Hoạt cũng bỏ học, do anh được học bổng, nên
sang Pháp theo học và đã tốt nghiệp ở trường Ecole nationale supérieure de
Mécanique, tại Nante miền Nam nước Pháp, tôi và anh vẫn liên lạc với nhau.
Năm 2012 tôi sang Paris, anh Hoạt có mời
tôi đến Nantes chơi với anh, nhưng do xứ lạ, tôi ngại nên không đi, chỉ đi theo
người bà con đến Colmars cách Ý vào khoảng 30
km, ở đó 1 tuần lễ, có tham quan thành phố Nice, ra bờ biển, nhưng không có tắm
biển.
Bờ biển
Nice năm 2012
Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được thành lập
từ năm 1962, không có cơ sở riêng, nên đặt chung cơ sở của Trường Bách Khoa
Trung Cấp, trong Khuôn viên Bách Khoa Phú Thọ, do ông Trần Lưu Cung Phó Giám Đốc
Nha Kỳ Thuật, kiêm Hiệu Trưởng Trường Bách Khoa Trung Cấp, kiêm Giám Đốc Trường
Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật.
Do học Cao Đẳng Sư Phạm mỗi tuần học chừng
30 giờ, Viện Đại Học Vạn Hạnh lại vừa mới mở, Có Phân Khoa Văn Học và Khoa Học
Nhân Văn đặt tạm tại Chùa Xá Lợi, học phí cũng không cao, giờ giấc thuận tiện từ
6 giờ chiều đến 10 giờ đêm, tôi lại thích văn chương từ nhỏ, nên rủ thêm vài bạn
cùng ghi danh học, lúc đó học theo Tín chỉ, một năm chia làm 2 mùa: Khóa Mùa Xuân
và Mùa Thu. Tôi học được 2 năm, có được 3 hay 4 Tín Chỉ rồi năm 1966 tôi tốt
nghiệp Giáo Su Trung Học Kỹ Thuật Đệ Nhứt Cấp, được bổ nhiệm đến trường Trung Học
Kỹ Thuật Y-Út Banmêthuột, nên tôi nghỉ học thêm để lên Cao nguyên dạy học tại
trường dành riêng cho dân tộc thiểu số.
Tôi đi dạy ở Trung học Kỹ Thuật Y Út Banmêthuột
từ đầu niên học 1966-1967 đến đầu tháng Giêng năm 1968 tôi được gọi nhập ngũ,
được đưa đi học Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức khóa 27, nhập học ngày 12 tháng Giêng và
tốt nghiệp ngày 10-8 năm 1968 được gắn cấp bậc Chuẩn Úy, rồi có xe của đơn vị
rước về nhập học tại Trường Quân Cụ ở Gò Vấp, học liền 2 khóa Khóa Sĩ Quan Quân
Cụ Cơ Bản, có Ám số chuyên nghiệp 552 và tiếp theo Khóa Sĩ Quan Sữa Chữa Vũ Khí
và Quân Xa, có Ám số Chuyên nghiệp 572. Tháng 4 năm 1969, mãm khóa, được phân bổ
về Vùng 4, rồi được phân bổ tiếp về Đại Đội 21 Quân Cụ, ngay lúc đó được cải tổ,
sáp nhập vào Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, thuộc Quân Đoàn 4. Đon vị đóng tại Thị xã Sóc
Trăng, tôi được phân bổ về Tiểu đội Sửa Chữa, yểm trợ cho Trung Đoàn 32 thuộc Sư
Doàn 21, đóng tại Thị xã Cà Mau. Tôi ở Cà Mau được chừng hơn tháng thì lại bị điều
động về Đại Đội Bảo Toàn, giữ chức Trung Đội Trưởng Trung Đội Hậu Cứ có nhiệm vụ
sửa chữa xe và vũ khí. Cho đến ngày 15-9-1969, lên Air Việt Nam ở Sóc Trăng bay
về Sàigòn, nghì phép 10 ngày, rồi trở về Banmêthuột dạy lại.
Trường Trung Học Kỹ Thuật Y Út Banmêthuột năm 1966
Trường đã thay đổi Hiệu Trưởng từ Đống
Văn Quan sang Nguyễn Văn Quán nay là ông Nguyễn Văn Huệ, ông Huệ cử tôi làm Phụ
tá Học Vụ (Chức vụ tương đương Giám Học kiêm Tổng Giám Thị) và cử tôi làm Phát
Ngân Viên.
Đầu năm học 1970-1971, tôi được đổi về
Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, Sàigòn, tôi ghi danh đi học lại tại Phân Khoa Văn Học và
Khoa Học Nhân Văn do Thượng Tọa Thích Quảng Độ làm Khoa Trưởng, tôi được xếp
theo học năm thứ 2.
Viện Đại học Vạn Hạnh 222 Trương Minh Giảng Quận 3 Sàigòn. Gồm các
Phân Khoa: Phật Học, VH và KHNV, Khoa Xã hội học, Giáo dục, Trung tâm Ngôn Ngữ
Tôi còn nhớ những sinh viên cùng học với
tôi đã tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương có: Vũ Văn Trung (Chỉ huy Trưởng Liên Đoàn
Khóa sinh Trường Quân Cụ), Bùi Văn Sớm (nhân viên Nha Khảo Thí, Bộ Giáo Dục Sàigòn),
Lý Trương Quang (giáo sư Trung học), Trần Hổ Từ (sau khi tốt nghiệp du học Đài
Loan), Chu Thị Xuân Mai, Trương Thị Bích
Vân (giáo sư Trung học Xuân Thu Sàigòn), Nguyễn Ngọc Mai, Trần Thị Bích Bướm, Vũ
Thế Ngọc (tác giả Trà Kinh) và Mai Vi
Phúc.
Lễ Phát văn bằng cử nhân kỳ 3 năm 1973 được tổ chức vào buổi sáng ngoài sân trường, đa số sinh viên tốt nghiệp đều có mặt, để nhận lãnh văn bằng, được mặc áo và đội mũ.
Từ phải: Anh X, Nguyễn Thị Huỳnh
Mai (Báo Chí) Lý Trương Quang (Van Học Việt Nam), Bùi Văn Sớm (VHVN), Huỳnh Ái
Tông (VHVN), các Cử Nhân (Văn Chương Anh Mỹ) Tôi đã ghi danh theo học Cao Học Văn Học
Việt Nam, đã lấy Chứng Chỉ Cao Học 1, sau đó biến cố 1975. Viện Đại Học Vạn Hạnh
bị đóng cửa, tôi không thể học tiếp.
866424082024