Pages

Tuesday, August 20, 2024

Để tôi kể cho bạn nghe

Trước hết tôi kể về tôi. Tôi sanh ngày 13 tháng 5 năm 1941 tại làng Bình Thủy, tổng Định Thành, quận Châu thành, tỉnh  Long Xuyên. Cha là Huỳnh Văn Đoan, người làng Bình Thủy, mẹ là Đặng Thị Sảnh người làng Phú Hòa, tục danh Bờ Ao, quận Châu Thành tỉnh Long Xuyên nay là làng Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, gốc ông ngoại tôi ở Bù Húc, tỉnh Sa Đéc.

Do những năm loạn lạc thời Đệ nhị thế chiến 1939-1945, và hoàn cảnh gia đình, nên tôi bị thất học một thời gian, năm 1948 hay 1949 tôi mới được đi học lại tại trường làng, có thầy giáo mở lớp dạy tư.

Năm 1950, tôi xuống tỉnh Long Xuyen dự thi và đã đậu văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, có bằng nầy được vào học lớp Nhì, nay là lớp 4.

Văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học

Do gia đình không có đủ điều kiện đi xuống tỉnh học, nên tôi tiếp tục học thêm ở trường tiểu học trong làng vài năm rồi lại thất học tiếp.

Học lại ở trường làng sau khi đã có văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học

Làng tôi là Cù lao Năng Gù, nằm song song với QL91 xưa kia là đường LT10 (có nghĩ là đường Liên Tỉnh 10 – thời Pháp thuộc Nam Việt có 20 tỉnh: Gia Định số 1, Châu Đốc số 2, Hà Tiên số 3, …, Long Xuyên số 8, cộng lại thành 10) bao bọc chung quanh là Sông Hậu Giang và Xép Năng Gù, Xép có nghĩa là con sông nhỏ, nó là chi nhánh của sông Hậu, đầu cù lao nằm gần Vàm Nao, đuôi cù lao nằm chỗ Bến đò Rạch Gộc, nơi đây có phà chạy từ Bến đò Rạch Gộc sang Tham Buôn thuộc xã Mỹ Hội Đông.


Cù lao Năng Gù (xã Bình Thủy) bao bọc bởi Sông Hậu và Xép Năng Gù (chạy dọc theo QL91)

Nguồn gốc của tôi có vẻ mù mờ, năm tôi được 13 tuổi, tháng Giêng ông thân tôi mất, tháng 10 bà thân tôi mất, nên tôi chỉ biết thân tộc mồ mả ông bà qua sự chỉ dẫn của bác Hai và cô Bảy tôi, rồi sau nầy tôi tự tìm hiểu thêm.

Theo như tôi biết, quê ông cố tôi ở Đình Cũ làng Mỹ Hội Đông, ông cố tôi có 3 anh em trai, nghe nói gốc ông họ Tạ, ông là anh cả sang Cù Lao Năng Gù lập gia đình với bà cố tôi, là bà Phan Thị Thông và ông lấy họ Huỳnh tên họ đầy đủ là Huỳnh Quới, người em kế đi đến Rạch Giá lập nghiệp lấy họ Lê và người em Út vẫn ở tại Đình Cũ, sau con cháu đổi thành họ Nguyễn, nay ở tại Tham Buôn thuộc Mỹ Hội Đông. Năm 2013, tôi có cùng anh em tôi sang Tham Buôn tìm thăm bà con, chúng tôi có gặp Bảy Thành, là em thuộc gánh họ nhà chúng tôi ở Mỹ Hội Đông.

7 người phía tay trái là anh em, cháu gánh họ chúng tôi ở Tham Buôn Mỹ Hội Đông, An Giang

Còn gánh họ Nguyễn theo lời người em họ Bảy Thành ở Tham Buôn cho biết, người của gánh họ nầy từ Rạch Giá sau chuyển về thành phố Long Xuyên, ở gần khu nhà đèn, gần cầu Henry xưa, nay là cầu Hoàng Diệu  về sau nầy chuyển đi đâu không biết.

Ông cố tôi là ông Huỳnh Quới thành hôn với bà cố tôi là Phan Thị Thông, họ có 3 người con trai, ông nội tôi là Huỳnh Bá Thảo con đầu lòng, con trai thứ hai là Huỳnh Văn Nghì lập nghiệp ở làng Hòa Tú, tỉnh Sóc Trăng, lập gia đình tại đây có tham gia vào Ban Hội Tề làng và có 2 người con, con trai là Huỳnh Văn Hòa có gia nhập gánh hát bội và con gái là Huỳnh Thị Chánh. Con trai thứ ba của ông cố tôi là Huỳnh Văn Đắc theo người dì thứ 8 có gia đình ở Nhà Bàn, nên đến đó lập nghiệp, có gia đình sanh được 3 người con trai là Huỳnh Văn Thung, Huỳnh Văn Diện và Huỳnh Văn Thường.

Ông nội tôi lập gia đình với bà Nguyễn Thị Thoi, hai ông bà sanh được 8 người con, gồm có 4 nam và 4 nữ. Bác Hai tôi tên Huỳnh Bá Dinh, kế đó cha tôi là Huỳnh Văn Đoan, kế đó cô Tư tôi là Huỳnh Thị Thu, kế đó cô Năm tôi là Huỳnh Thị Thuộc, kế đó cô Sáu tôi là Huỳnh Thị Cầu, kế đó cô Bảy tôi là Huỳnh Thị Kiếm, kế đó chú Tám tôi là Huỳnh Bá Nhệ sau cùng chú Chín tôi là Huỳnh Văn Thích. Trong anh em của cha tôi có cô Tư lập gia đình ở làng Bình Thạnh Đông (Thị Đam), cô Sáu lập gia đình ở làng Cần Đăng (Hang Tra), còn chú Tám tôi trước dạy học ở làng Bình Mỹ, sau 1945 dạy học ở Trường Nữ tỉnh Châu Đốc, chú Chín tôi khi còn trẻ, trước 1945 làm biện làng (thư ký), sau nầy có làm Chủ tịch Hội Đồng Xã, thập niên 1970-1980 sống ở thị xả Long Xuyên, kỳ dư đều lập gia đình sinh sống trong làng, trừ cô thứ Bảy không lập gia đình, sinh sống với cha mẹ và anh em tôi cho đến khi mãn phần.

Chú 9, Chú 8, Dượng 6, Dượng 4, Bác 2, Bác 2 gái, Cô 5, Cô 6, Cô 7 và Thím 8

Bên ngoại tôi xưa kia sinh sống tại Bù Húc, nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp. Ông cố ngoại tôi là Đặng Văn Sĩ lập gia đình với bà cố ngoại tôi là Lê Thị Giàu. 


Ông Đặng Văn Sĩ – Bà Lê Thị Giàu

Ông bà cố ngoại tôi sinh được 5 người con: Thứ 2 là ông Đặng Huy Phương lập gia đình với bà Nguyễn Thị Dư sinh sống tại làng Phú Hòa (Bờ Ao) quận Châu thành, tỉnh Long Xuyên, có 5 người con gồm 1 trai và 4 gái. Thứ 3 là ông Đặng Văn … lập gia đình sinh sống tại Ô Môn, Cần Thơ, có 2 người con trai là Đặng Văn Cảnh và Đặng Văn Nhân. Thứ 4 là bà Đặng Thị Cúc lập gia đình với ông Trương Văn Xuyên ở Bù Húc, có 6 người con. Thứ 5 là bà Đặng Thị Cụt lập gia đình ở Thới Lai, Cần Thơ từ lâu không liên lạc nên không biết tin tức. Thứ 6 là ông Đặng Văn Mùi không lập gia đình, sinh sống tại Bù Húc.

Cũng nên nói thêm, tôi còn một ông cố nữa, đó là ông ngoại của cha tôi, ông ấy tên là Nguyễn Văn Suốt. Theo lời cô Bảy (Huỳnh Thị Kiếm) kể cho tôi nghe, ngày xưa ông bà Sơ tôi sống với nhau không khá giả chi, khi bà sơ có mang ông cố tôi, mùa màng làm xong, ông sơ tôi đi xuống miệt dưới ( Sa Đéc, Cần Thơ) làm thuê, làm mướn để kiếm thêm tiền, ở nhà bà sơ tôi sinh ra ông cố tôi, khi ông sơ tôi trở về nhà, hai ông bà thân sinh bà sơ tôi cho rằng ông sơ tôi không thương vợ con, không có trách nhiệm gia đình, nên không cho ông sơ tôi vào nhà, ông sơ tôi tủi thân ở bên hè nhà khóc suốt đêm, gần sang ông bỏ đi biệt tăm, mất tích từ đó. Về sau bà sơ tôi lập gia đình với ông họ Quách, rồi bà sơ tôi cho ông cố tôi làm con nuôi quan phủ hồi hưu Nguyễn Hà Thanh. Theo lời cô tôi kể không biết gốc tích ông Phủ Nguyễn Hà Thanh, nhưng ông họ Đoàn, tôi dò tìm trong sử ở Huế dưới triều Tự Đức có phản loạn vì việc xây lăng Tự Đức, những người làm phản dung chày quết vôi chống quân triều đình nên gọi là “giặc chày vôi”, người cầm đầu họ Đoàn, họ Đoàn bị khép tội, nhưng có 2 người trốn thoát biệt tâm mất tích. Khi về hưu ông Phủ định cư ở làng tôi không hề có bà con, họ hàng xa gần với ai hết.

Ông cố tôi Nguyễn Văn Suốt thành hôn với bà Dương Thị Út, theo gia phả họ Dương ở làng, bà Dương Thị Út là con ông Dương Văn Sanh, cháu nội ông Dương Văn Thành, cháu cố ông Dương Văn Hóa. Ông Dương Văn Hóa là người lập làng Bình Lâm nay là làng Bình Thủy nằm trên cù lao Năng Gù, thuộc Tổng Định Thành, quận Châu Thành tỉnh Long Xuyên, nay là làng Bình Thủy huyện Châu Phú tỉnh An Giang. Ông Dương Văn Hóa được dân làng tôn xưng là ông Tiền hiền có bài vị thờ trong Đình làng và dòng họ có lập phủ thờ gần đó. Xưa mộ ông Dương Văn Hóa nằm trong phần đất của bà Dương Thị Út vào thập niên 60 khi lập miếu thờ thì phần mộ được cải táng, di dời về phủ thờ.

Tôi muốn nói gia đình tôi thuộc họ Dương trong làng, ông Tiền Hiên xưa kia quy tụ người lại khai khẩn đất và lập nên làng Bình Lâm, là bên ngoại của Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ và khi tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ nhà ông bà để lại cho cha mẹ tôi nằm sát bên nền nhà ông Phủ xưa, do nhà cột gỗ mái ngói âm dương, lót gạch tàu, lâu ngày gỗ bị mối mọt, nên cháu nội ông Phủ xây dựng thu gọn lại.

866420082024






No comments:

Post a Comment