Pages

Friday, April 16, 2021

Tô Thùy Yên

 

Đinh Thành Tiên (1938-2019)

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, Sài Gòn, sau về công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thuở nhỏ học trung học Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.

Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.

Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến.

Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích, nhưng ông còn có thời gian chung sống và có mấy con với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul, Minnesota rồi sau đó chuyển về sinh sống tại thành phố Houston, tiểu bang Texas cho tới khi ông qua đời.

Ông mất ngày 21 tháng 5 năm 2019 tại Texas. Thọ 81 tuổi.

Tác phẩm

- Thơ tuyển (xuất bản ở Đức năm 1994; Minnesota, Hoa Kỳ, 1995)
- Thắp Tạ (An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ, 2004).

Dịch

- Gã nhân tình, bút danh Đình Kinh Hiệt, NXB Trẻ, 1989

Trích thơ:

Cánh đồng con ngựa chuyến tầu

Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

4-1956

Qua sông

Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu, trời mốc, buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên

Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh...
Sông cái nước men bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài, đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình...

... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới, u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời


Nguồn: Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995

 

Đặng Tiến viết về Tô Thuỳ Yên như sau:

 

Tô Thùy Yên lại là người cầu toàn, trau chuốt câu thơ “Tôi giựt giành đổ máu với tôi/từng chữ một”, do đó câu thơ có lúc hồn nhiên, có lúc cầu kỳ. Thơ cần cảm hứng, nhưng Tô Thùy Yên khổ luyện thi hứng của mình, thành những bài thơ dài; (nhờ ngẫu hứng mà làm được vài ba câu thơ hay thì không khó, nhiều người làm được). Thơ, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, đòi hỏi những công trình dài hơi, khả năng lao động trí tuệ bền bỉ, rung cảm sâu lắng. Tô Thùy Yên muốn làm thi sĩ thực sự, chứ không chỉ là một tao nhân mặc khách, “ngứa cổ hát chơi”. Và cuối cùng, ông đã là một nhà thơ đích thực, ở tầm cỡ thế giới.

 

866416042021








Thanh Tâm Tuyền

 

Thanh Tâm Tuyền (1936-2006)

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm. sinh ngày 13 Tháng Ba, 1936, tại Vinh.

Năm 1952 (16 tuổi,) ông đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội.)

Năm 1954, ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội. Ông cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt.

Năm 1955, ông vào Sài Gòn, cùng các bạn làm tờ Dân Chủ. Năm 1956 (20 tuổi), Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay “Tôi Không Còn Cô Độc,” và năm sau “Bếp Lửa” (Văn 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diện mạo văn học miền Nam, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến.

Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, 1966 giải ngũ, 1969 tái ngũ, ở trong quân đội đến 1975; cấp bậc cuối cùng là Đại Úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau 1975, bị đi tù 7 năm, qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. Thanh Tâm Tuyền ra tù 1982. Sang định cư tại Hoa Kỳ từ Tháng Tư, 1990, theo diện HO, sống ở tiểu bang Minnesota. Ông giữ thái độ gần như ẩn dật.

Thanh Tâm Tuyền mất lúc 11 giờ 30 phút ngày 22 Tháng Ba, 2006, khi mới bước vào tuổi 70.

Các tác phẩm:

Tiểu thuyết:

- Bếp Lửa (NXB Nguyễn Đình Vượng, 1957) 
   - Cát Lầy (Giao Điểm, 1967) 
   - Mù Khơi (1970)
   - Tiếng Động (1970)
   - Một Chủ Nhật Khác (Văn, 1975) 
   - Ung Thư (đăng nhiêu kỳ trên báo Văn, chưa xuất bản)

Truyện Ngắn:

- Khuôn Mặt (Sáng Tạo, 1964) 
   - Dọc Đường (Tân Văn, 1966)

Thơ

- Tôi Không Còn Cô Độc (Người Việt, 1956)
   - Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (Sáng Tạo, 1964)
   - Thơ Ở Đâu Xa (Trầm Khắc Phục xuất bản, California, 1990)

Kịch:

Ba Chị Em (1967)

Phiếm Luận:

Tạp Ghi (1970).

Đặng Tiến viết về Thanh Tâm Tuyền 

Thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thuỳ Yên, chủ yếu ta thấy thảm kịch Việt Nam; thơ Lê Đạt chủ yếu phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ Sông Hồng; thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, chủ yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện: trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong «Guernica» của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso. Tôi nói thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.

866416042021







Bùi Giáng

Bùi Giáng (1926-1998)

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.

Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.

Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Tháng 3 năm 1945Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.

Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê.

Năm 1950, Bùi Giáng cưới vợ, vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp ở trường Viên Minh Hội An. Hai vợ chồng được cha mẹ cho mảnh đất ở Trung Phước, Bùi Giáng đã nuôi một bầy dê, ngày tháng rong chơi với đồng cỏ với đàn dê với người vợ trẻ đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là 1 trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.


Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.

Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh", trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc.

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, thọ 72 tuổi, sau một tai nạn té bị chấn thương sọ não, tại bệnh viện Chợ Rẫy phẩu thuật để cứu sống ông, nhưng không thể cứu ông, sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang", Tang lễ của Bùi Giáng được tổ chức tại chùa Vình Nghiêm và sau đó an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức.

Ông đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm thơ và dịch thuật giá trị. Sinh thời người ta cho ông là 1 trong 3 dị nhân Miền Nam: Phạm Công Thiện, Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn. Người ta cũng ca tụng Tứ Trụ Thi Ca miền Nam vào thập niên 1970 là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên và Nguyễn Đức Sơn.

Hư Vô Và Vĩnh Viễn

Cũng vô lý như lằn kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh

Buổi trưa đi vào lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành

Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó như tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình

Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn

Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
Để bây giờ em có biết nơi đâu

Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ phượng thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không

Chiều hôm phố thị

Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung

Những lời cũ kỹ
Một trời thu để nhớ nhung
Chuyện đời giản dị
Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay

Chuyện đời có thế
Nỗi đời em có nhớ không
Em về đây để
Hồng nhan em hẹn hái bông cho đời

Một lần em lại bên người
Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên giòng
Mở hai hàng cỏ long đong
Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi

Chiều hôm đếm lá cây rơi
Bên đèn phố thị thương đồi núi xa.

Trần Hoài Nam viết về Bùi Giáng

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước. Và theo Trần Hữu Cư cảm hứng “tư cố hương” là một niềm khắc khoải không nguôi trong thơ Bùi Giáng. Vì vậy “Tất cả những gì ông làm trong thơ, viết lách, dịch thuật…v…v… tất cả đều làm một cuộc lên đường tìm lại một “màu hoa trên ngàn”, một “tình yêu quê hương” cho thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống trong nỗi mất quê hương” 

866416042021








Phạm Công Thiện

 

Phạm Công Thiện (1941-2011)

Phạm Công Thiện là tên thật, bút danh ký Hoàng Thu Uyên.  Xuất thân trong một gia đình Công giáo, từ tuổi thiếu niên, Phạm Công Thiện đã nổi tiếng là thần đồng về ngôn ngữ. Năm 15 tuổi, Thiện đã đọc và viết thông thạo 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Hoa và Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết thêm tiếng La Tinh và tiếng Sanskrit và Pali (tiếng Phạn), một ngôn ngữ cổ Ấn Độ dùng trong kinh Vệ Đà của Phật giáo. Năm 16 tuổi (1957), Phạm Công Thiện đã xuất bản cuốn Anh ngữ tinh âm

Ông cũng có thơ xuất bản năm 16 tuổi: Con tàu say (Le Bateau ivre), vài năm sau, Phạm Công Thiện đã cộng tác với các tạp chí: Bông Lúa, Bách Khoa, Phổ Thông, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ và bắt đầu xuất bản tiểu luận Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học năm 1960 khi mới 19 tuổi. Trong thực tế, làm thơ hay viết văn xuôi thì ai cũng có thể làm nếu biết đọc, biết viết cộng với niềm đam mê và có năng khiếu, nhưng để viết một quyển tiểu luận có tính cách phê bình văn nghệ và triết học như quyển Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, không phải là một việc dễ dàng nếu không giỏi ngoại ngữ.

Thời gian này, không được nghe nói Phạm Công Thiện đã học ở trường nào. Như vậy, có lẽ Phạm Công Thiện đã nhờ thông minh, tự học rồi đăng ký xin thi tự do.

Năm 1963, bị một cuộc khủng hoảng tinh thầnPhạm Công Thiện ra Nha Trang để tịnh dưỡng và nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) đưa đi viếng chùa Hải Đức. Nơi đây, Phạm Công Thiện giác ngộ đạo Phật rồi tập thiền và quy y thọ giới Sa Di, Thượng tọa Thích Trí Thủ, một vị cao tăng Phật Giáo lúc bấy giờ. Ban cho pháp danh Nguyên Tánh.

Để có học bổng tại Viện Đại Học Yale, để đi du học  Hoa Kỳ khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện phải có bằng Tú Tài Toàn Phần hạng Ưu hay Bình.  Phạm Công Thiện  xong B.A (Cử nhân) tại Yale, và chuyển sang Columbia, nơi thầy Nhất Hạnh từng học, thì anh bỏ học ra đời, Phạm Công Thiện từng sang Israel, Đức rồi nghĩ: “Better a beggar in Paris than a millionaire in New York” (làm một người ăn mày ở Paris còn tốt hơn một triệu phú ở New York), sau đó, anh sang Pháp ghi danh học ở Rennes, Bretagne, ở với người anh đã sang Pháp trước đó. Nhưng rồi không thuận với anh, Phạm Công Thiện lên Paris, gặp thầy Nhất Hạnh và Võ Văn Ái đang làm Tổng thơ ký cho Hội Phật tử Việt Kiều Hải ngoại do thầy Nhất Hạnh sáng lập. Phạm Công Thiện thân thiết ở chung với Võ Văn Ái. Năm 1966, khi Hòa thượng Thích Minh Châu đến Paris tìm người trợ giúp Viện Đại học Vạn Hạnh thì gặp Phạm Công Thiện. Hòa thượng Thích Minh Châu thuyết phục anh về Việt Nam công tác giáo dục tại Viện Đại học Vạn Hạnh do hòa thượng làm viện trưởng. Về làm việc tại Sài Gòn, Phạm Công Thiện bắt đầu nắm phần soạn thảo chương trình giảng dạy cho tất cả các Phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh (1966-1968). Từ năm 1968-1970, Phạm Công Thiện đảm nhiệm chức vụ Khoa trưởng của Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Viện Đại học Vạn Hạnh. Nơi đây, ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Năm 1970, chị Lê Khắc Thanh  Hoài (sinh 1950 tại Huế), lên đường đi du học tại Bruxelles (thủ đô nước Bỉ). Chị Thanh Hoài là con gái yêu của BS. Lê Khắc Quyến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, một bác sĩ nổi tiếng lẫy lừng trong các phong trào Hòa bình (1954-1955), phong trào Phật Giáo (1963-1964)…

Cũng năm này, sau 4 năm làm công tác giáo dục ở Sài Gòn, nhân chuyến đi dự một hội nghị Phật giáo tại Paris cùng hòa thượng Thích Minh Châu, Phạm Công Thiện xin ở lại Pháp ghi tên làm luận án Tiến sĩ.

Tại kinh đô ánh sáng, gặp lại Phạm Công Thiện tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn, chị Thanh Hoài quyết định bỏ học tại Bruxelles ở lại Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện. Cặp đôi thầy-trò hội ngộ lại trong tình nghĩa vợ chồng tại kinh đô ánh sáng thật thơ mộng lý tưởng, hứa hẹn nhiều hạnh phúc dù hiện tại cuộc sống họ không tránh khỏi vất vả khó khăn nơi đất lạ quê người. Cuộc sống phiêu lưu vô cùng gian nan với học bổng của Thiện trong 4 năm không khác gì những năm đói khổ cùng cực của những du học sinh Nguyên và Thu trong tác phẩm Mây ngàn của nhà văn Vita. Sau đó, Phạm Công Thiện xin được một việc làm văn phòng tại Đại học Toulouse, Pháp. Nhân có một chân phụ giảng trống, anh làm đơn xin việc. Phạm Công Thiện được giáo sư hướng dẫn giới thiệu rất trang trọng: ‘Sinh viên Ưu tú Xuất sắc hạng Nhất, bốn năm Cao học đã hoàn tất’.

Phạm Công Thiện làm việc này với giao kèo gia hạn mỗi năm, chức vụ cuối cùng là Giảng sư (Maître de Conférence) tại Đại học Toulouse II… Sống với Phạm Công Thiện, Chị Thanh Hoài sinh được 5 con (4 trai, 1 gái -tất cả về sau đều thành đạt vẻ vang nơi hải ngoại). Chị Thanh Hoài làm thêm việc ráp linh kiện cho hãng máy bay Airbus để kiếm thêm chút phụ thu cho gia đình. Công việc tạm ổn, bỗng nhiên Phạm Công Thiện rơi vào cảnh nghiện rượu, sống với cuộc sống đầy bè bạn mà quên mất gia đình, cả lúc vợ con đau ốm huống chi là chuyện xã hội.

Thanh Hoài quyết định chia tay cùng anh, thu xếp mọi việc cùng 5 con ra đi. Phạm Công Thiện sau đó cũng mất việc ở Đại học vì khế ước không được gia hạn và ghế giảng sư cũng không còn. Năm 1983, Phạm Công Thiện được hòa thượng Mãn Giác mời sang dạy tại Viện Quốc Phật giáo (College of Buddhist Studies), tại Los Angeles. Phạm Công Thiện trở về cư ngụ tại chùa, tại nhà bạn bè.

Thanh Hoài vừa làm mẹ, vừa làm cha, khi dạy đàn dương cầm, khi làm quản gia và các công việc khác, nuôi năm con cho đến khi trưởng thành, thành người :  Cậu trai đầu , tốt nghiệp École Normal Supérieur rue d’Ulm, Tiến sĩ Vật lý , giảng dạy Vật Lý Viện Đại Học Paris  Orsay. Cậu thứ hai Tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại tại Bordeaux, Giám Đốc  Thương Mại, cậu thứ ba Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật tại San José Hoa Kỳ, Họa sĩ, cậu thứ tư  giống bố ở chỗ thích Triết Học  và cô gái út Bác sĩ Nhi Khoa. Thanh Hoài có đầy đàn cháu nội, cháu ngoại.

Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến lúc qua đời tại nhà riêng ngày 8 tháng 3 nằm 2011 (mồng 4 tháng 2 năm Tân Mão), Thọ 70 tuổi. Hỏa thiêu ngày 13-3-2011. Các con ông từ Pháp đều sang dự đám tang đủ mặt.

Qua bài Hiện tượng Phạm Công Thiện, tác giả Nguyễn Tấn Thành viết:

Trên cơ sở dư luận một thời đã từng coi Phạm Công Thiện như một thiên tài đa diện: nhà thơ, nhà văn, triết gia, cư sĩ Phật giáo, học giả, giáo sư đại học… ta thử khách quan tìm hiểu bình tĩnh nhìn lại chân dung đích thực của Phạm Công Thiện để có thể ngưỡng mộ, trân trọng đánh giá đúng mức ông là một thiên tài hay một huyền thoại văn chương trong không gian văn hóa nước nhà.

  03. 2019

THIÊN SƯƠNG

Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày

Tỉnh nhỏ quên rồi em ở đâu
Mây bỏ trời đi tìm sông sâu
Em về lồng lộng như sương trắng
Hồ chế trôi về Thương Hải Châu

Phạm Công Thiện

Tuổi dại

Lơ lửng bông mồng gà
Chiều ba mươi tết ta
Tôi ôm gà tre nhỏ
Chạy trốn tuổi thơ qua

Thời gian

Hôm qua vẫn trở lại
Dĩ vãng là hôm nay
Ngày mai là hiện tại
Hiện tại chết mỗi giây

Mỗi giây mất một đời
Cái gì vừa vụt tới
Liệng bay đi tức thời
Em đâu rồi em ơi

Những ngày tháng còn lại

I.
Một giờ rồi hai giờ
Một ngày trôi bâng quơ
Nhớ quên rồi quên nhớ
Quên với nhớ hững hờ

II.
Lẳng lặng đời trôi đi
Đìu hiu trăng dậy thì
Lang thang chiều phố thị
Nhớ gì quên biệt ly

866412042021








Saturday, April 10, 2021

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ


Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh ngày 15 tháng 2, 1943 tại tỉnh Pakse, nước Lào, nguyên quán Quảng Bình, Việt Nam.

Từ năm 6 tuổi Thầy đã thọ giới Sa Di ở Huế. Năm 12 tuổi Thầy về Sài Gòn, sau đó trở lại tu học tại chùa Từ Đàm ở Huế, Phật Học Viện ở Nha Trang, rồi về thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Gò Vấp. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965. Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo Sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị rất cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không. Thầy rất giỏi về chữ Hán và biết nhiều ngọai ngữ như Anh, Pháp, Đức, thông thạo tiếng Pali và tiếng Phạn.

Thầy Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa. Thầy làm nhiều thơ, chơi dương cầm, viết một số truyện ngắn đặc sắc. Thầy ở trong Ban Biên Tập của tạp chí Khởi Hành và là chủ bút tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Thầy say mê hai bộ kinh Pháp Hoa và Duy Ma Cật, chứa đầy những vị Bồ Tát xả thân vào đời để cứu nhân độ thế. Với những ảnh hưởng cao đẹp của các vị đó, Thầy Tuệ Sỹ đã xả thân cứu đời, tích cực tranh đấu ôn hòa cho quyền của con người và bảo vệ Phật Pháp sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam từ năm 1975. Và thầy đã trở thành một cái gai trước mắt nhà cầm quyền cộng sản.

Sau năm 1975, Thầy Tuệ Sỹ về Nha Trang làm rẫy. Đến năm 1977 Thầy vào Sài Gòn sống ở chùa Già Lam. Đầu năm 1978, Thầy bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam trong nhà tù cải tạo cho tới đầu năm 1981.

Ba năm sau Thầy lại bị bắt cùng với giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni, sĩ quan cũ của Quân Lực VNCH. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không có luật sư biện hộ, CSVN đã kết án tử hình hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội âm mưu võ trang lật đổ chính quyền qua việc lập ra tổ chức Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam. Chùa Già Lam bị công an vây bắt người, tịch thu tài sản.

Nhờ sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai. Tháng 10, 1994, cùng với 200 tù nhân, Thầy tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và đòi hỏi các quyền khác, nên bị Cộng Sản đầy ra Bắc. Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards ngày 3 tháng 8, 1998.

Năm 1998, Hà Nội phóng thích thầy cùng với một số người khác. Trước khi thả, nhà cầm quyền CS yêu cầu Thầy ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ Tịch Trần Đức Lương. Thầy trả lời, “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi.” Công an nói không viết đơn thì không thả, Thầy không viết và tuyệt thực. Cuối cùng Hà Nội đã phải phóng thích Thầy sau 10 ngày tuyệt thực.

01-09-1998: TT. Tuệ Sỹ ( từ tử hình được giảm án chung thân khổ sai) và một số vị khác được tạm tha, TT. Tuệ Sỹ bị chỉ định nơi cư trú là Quảng Hương Già lam Gia Ðịnh.

Tháng 4-1999: Viện Hóa Ðạo bổ sung thành phần, suy cử HT. Ðức Nhuận Cố Vấn Ban Chỉ Ðạo Viện Hóa Ðạo, TT. Tuệ Sỹ Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thư Ký.

Ngày 14-9-1999 Công An bắt Thầy lên trụ sở làm việc về “những hành động phạm pháp” phát hiện trong máy vi tính của Thầy bị tịch thu. Thầy Tuệ Sỹ phản đối những lời vu cáo của Công An trong khi bị thẩm vấn.

21-01-2002: HT. Ðức Nhuận Cố Vấn Viện Hóa Ðạo viên tịch.  Sau đó TT. Thích Tuệ Sỹ từ chức Phó Viện Trưởng và TTK Viện Hóa Ðạo, nhưng sau đó trở lại làm việc theo mệnh lệnh của Đức Tăng Thống.

24-10-2003: TT. Tuệ Sỹ Phó Viện Trưởng VHÐ gửi thỉnh nguyện thư cho HT. Thiện Hạnh Chánh Thư Ký VTT xin ngưng tuyệt thực.

Ngày 12-5-2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã ban hành Giáo chỉ số 19-VTT/TT/GC cung thỉnh Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đăng lâm pháp tịch vào hàng Trưởng lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương của Viện Tăng Thống.

Ngày 24-5-2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã ban hành Quyết định số 14-VTT/TT/QĐ thỉnh cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thay thế Đức Tăng Thống vì trọng bệnh để lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở vị trí Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống.

Ngày 7-4-2020, tức là ngày 15-3 năm Canh Tý, sau nhiều lần bái kiến và thảo luận với Đức Đệ Ngũ Tăng Thống do Đức Đệ Ngũ Tăng Thống triệu mời, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã cung kính phụng thừa sự ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống để Ngài an tâm tịnh dưỡng vì thân mang trọng bệnh bởi tuổi cao sức yếu.

Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viên Tăng Thống nhân vì nội tạng bất an nên tạm thời Ngài phải tịnh dưỡng tại Thị Ngạn Am; do vậy trong các buổi lễ về Tang sự cũng như Chung thất của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống thì Ngài đều không chủ trì được, và Ngài đã yêu cầu Hòa thượng Thích Nguyên Lý hiệp trợ trong việc bảo trì Tổ ấn (con dấu Viện Tăng Thống), và khâm tuân Giáo chỉ của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống về các Phật sự thường nhật.

Tuệ Sỹ  làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn đặc sắc, phần lớn đăng trên Tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975), có tên trong Bộ Biên Tập tạp chí này. Tuệ Sỹ là Phụ tá Chủ bút tạp Chí Vạn Hạnh của Hòa Thượng Đức Nhuận, cũng là Chủ bút Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh. 

Huỳnh Ái Tông, Vũ Thế Ngọc, Thích Tuệ Sỹ

 Trích thơ của Tuệ Sỹ

 Cúng Dường

 

Dâng nhúm cơm tù phạm
Cúng dường Đấng Tối Cao
Cõi Đời đằmmáu hận
Nâng chén nước mắt trào.

Bếp lửa giữa rừng khuya 

 

Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn nến tàn
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh

Rừng Vạn Giã 77

 
Hương ngày cũ 


Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ

Chiều trơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng đọa đầy đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
 

Ta biết 

Ta biết mi bọ rùa
Gặm nhắm tàn dây bí
Ta vì đời tranh đua
Khổ nhọc mòn tâm trí

Ta biết mi là dế
Cắn đứt chân cà non
Ta vì đời đổ lệ
Nên phong kín nỗi hờn

Ta biết mi là giun
Chui dưới tầng đất thẳm
Ta vì đời thiệt hơn
Đêm nằm mơ tóc trắng

Kết từ

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Ngục Tối 


Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế

Một kiếp người ray rứt bụi tro bay

Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa

Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây

Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ

Quì run run hôn mãi lóng xương gầy

Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã

Để hồn ta theo đốm lửa ma trơi. 

Năm Tàn 

Lận đận năm chầy nữa

Sinh nhai ngọn gió rừng

Hàng cà phơi nắng lụa

Ngần ngại tiếng tha phương


Phạm Công Thi
ện đã viết về Tuệ Sỹ:

Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí Huệ Bát Nhã cùng với lòng Đại Bi Thơ Mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của Ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng dẫn đường soi sáng Thế Mệnh của Sử tính quê hương.

8664100421







Friday, April 9, 2021

Tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (1937-2020)

 

Nguyễn Đức Sơn là nhà thơ quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà,Thừa Thiên Huế, ông được giới văn nghệ yêu nước miền Nam trước năm 1975 gọi là một trong ba kỳ nhân của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện)

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận 

Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu công việc viết của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Tuổi còn trẻ nhưng thơ đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình.

Theo sự sắp xếp của làng văn miền Nam trước năm 1975, ngoài việc được gọi là một trong ba kỳ nhân của làng văn nghệ, ông còn được sắp xếp theo kiểu "thuần văn học hơn" là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.

Thi sĩ đã từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học.Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao-Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.

Năm 1967 Nguyễn Đức Sơn lấy bà Nguyễn Thị Phượng. Đám cưới ông bà được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có 9 người con. Người con thứ tư của ông là Nguyễn Đức Vân. Ông là người " nổi tiếng hơn cả", vì ông được cho là " người có gương mặt giống hệt... Tổng thống Mỹ Barack Obama[

Năm 1979, Ông cùng gia đình mình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để... sống một cuộc sống thanh tịnh[3].

Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng, Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi

Bên cạnh việc làm thơ, ông Nguyễn Đức Sơn cũng có nhiều truyện ngắn đăng trên các tạp chí Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi khoảng 1960, trên tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội và Thời Tập những năm 1969-1973.

Ông mất lúc 3h sáng ngày 11/6/2020., t ại B ảo L ộc Thọ 73 tuổi. Quàn tại nhà riêng (tổ 9, thôn 2, xã Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng). lễ nhập quan vào lúc 13h30 ngày 11-6; lễ di quan đi hỏa táng lúc 6h ngày 13-6-2020.

Các tác phẩm của ông ca ngợi tinh thần tự do, yêu đất nước. Một số tác phẩm tiêu biểu:Đã xuất bản 3 tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971) và tập Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang chưa in. Thơ: Bọt Nước (Mặt Đất 1966), Hoa Cô Độc (Mặt Đất 1965), Lời ru (Mặt Đất 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), hai tập sau là Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973). Và tập cuối cùng Chút Lời Mênh Mông (Thư Viện Huệ Quang 2020)

           Về Núi

Mai tôi về núi thật mà
Dẫu cho thực tế khác xa cái cùm
Bia ôm đã mọc tùm lum
Màn đêm thô tục bao trùm thanh niên
Thế nhưng giọng lưỡi thánh hiền
Dưới trên nhất trí đang ghiền phát huy
Tiền đồ quá mức báo nguy
Đau thay quần mục cài khuy cách nào
Em ơi! Nước mắt cấm trào
Ngủ xong nhớ ngáp ào ào giùm nghe

            Về đi thôi

Về đi thôi kiếm chỗ nằm
Mõ chuông đang nện trăng rằm ngất ngư
Thiền sư ăn thịt thiền sư
Niết bàn nhiều giống chân như nhiều nòi
Tâm teo tóp trí cọc còi
Ma đang thuyết pháp quỷ đòi giảng kinh
Kìa em tịnh thủy một bình
Cửa không ai viếng cửa mình tôi thăm

          Rụng Một Trái

Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Gò cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên.


          Nhìn con tập lật

Nắm tay lật úp đi con

Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

          Đốt cỏ ngoài rừng


Xem cha đốt cỏ ngoài rừng

Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con
Có vài chiếc lá còn non
Gió xua lửa khói nổ giòn trên không
Nắng tà trãi xuống mênh mông
Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

          Tôi Thấy Mây Rừng

một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi
thôi nhé ngàn năm em đi qua
ồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa

          Đêm Thu

Một đêm trăng mờ ảo

anh tìm về thăm em
phố buồn như hoang đảo
gió ngừng ru bên thềm
ánh đèn sao le lói
căn phòng sao đìu hiu
anh lặng người thầm hỏi
kiếp người sao tiêu điều
anh đi vòng sau nhà
một mình như bóng ma
giật mình anh nghe thấy
có tiếng gì bay xa
rồi đêm trăng mờ ảo
anh lại về thăm em
như lá vàng lảo đảo
anh lui về trong đêm

Và đây “Chút lời mênh mông” ông viết dịp sinh nhật tuổi 33 (1970), nửa thế kỷ sau đến với bạn đọc như lời di chúc của ông ở tuổi 83, giã từ một cuộc chơi trong cõi trời cõi người.

 “Một mai cha chết đừng chôn
Ngại chưa xuất kịp chút hồn thiết tha
Cái gì cha nói chưa ra
Biết đâu còn sót trong da máu này
Tuy nhiên đừng để lâu ngày
Đốt ngay lập tức là hay nhất đời
Con mang tro bụi xa vời
Gửi cho thiên địa chút lời mênh mông” (tr. 147)

Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông.

Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn thấy tập nào cũng tục tĩu. Nguyễn Đức Sơn đã manh nha về tục, về nhục dục từ những  tập thơ đầu tiên – Bọt nước (Mặt Đất – 1965):

              Cảm thương

“Ôi tấm thân và da thịt đàn bà
Tôi rất thèm và muốn biết qua”

Đến Đêm nguyệt động (An Tiêm – 1967) thì sự tục tĩu đã lan tràn, tuy có phần còn e ấp dưới lớp hình ảnh đẹp:

                      Nhất nguyên

“Năm mười bảy có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe ngoảy cuối vườn trăng”

                      Vũng nước thánh

“Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt”

Đến Tịnh khẩu (An Tiêm – 1973) thì tục tĩu không còn chút e ấp nữa, nó đã trở thành chủ đề thường trực của thơ ông:

“Củi
Để chẻ
Gái
Để xẻ”

     (Tục ngữ)

Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc!

Nguyễn Đức Sơn có những vần thơ rất hay và đẹp, thuộc vào hàng những bài thơ bất hủ đương thời:

         Mây trắng – Bọt nước

“Mẹ chết từ thu lá rụng vàng
Con về đất cũ vấn khăn tang
Mẹ ơi con điếng người bên mộ
Trằn trọc đêm dài con khóc than

Hai cõi bao giờ được gặp nhau
Tóc xanh dù trắng đến bạc đầu
Làm sao quên được sao quên được
Mẹ ở đâu rồi trên bể dâu”

                    Ngàn sau – Lời ru

“về đây với tiếng trăng ngàn
phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em
trăm năm bóng lửng qua thềm
nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”

          Băng tuyết – Đêm nguyệt động

 “đây lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất
đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm
giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất
rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm”

Trịnh Thuy Thủy có nhận xét về thơ của Nguyễn Đức Sơn:

Ngôn ngữ thân xác còn có khả năng gây sốc. Nó gây sốc vì nó bị cấm kỵ. Càng bị cấm kỵ càng gợi tính tò mò của người đọc. Khả năng gây sốc chính là đề tài những cuộc tranh luận về những từ ngữ được gọi là “tục tằn” được gã làm thơ ngông liên tiếp tuôn ra làm người đọc khó chịu. Ngôn ngữ ông dùng vừa tân, vừa cổ, vừa lãng mạn, vừa dung tục. Khi trắng, khi đen, phơi bày lồ lộ, lúc mờ, lúc nhạt, thơ thẩn, lượn lờ, kỳ ảo. Có thể nói, có hai cực trong con người ông, khi chánh, khi tà, khi thô ráp, lúc dịu dàng, âu yếm. Trong hình ảnh một con thú cần cù ẩn mình trong những đêm cát bụi, con thú đực nằm chơi bên bờ cỏ đêm để thấy hồn mình ướt và xôn xao như trăng, như gió.

Thích Không Hạnh nhận xét về thơ của Nguyễn Đức Sơn như sau:

Trên nền tảng của nghệ thuật tưởng chừng không giống ai nhưng lại rất phù hợp với quy luật tự nhiên ấy đã nảy nở những vần thơ vượt xa thời đại của ông và của thời đại chúng ta. Tôi cho rằng, cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền (và có thể một vài tác giả khác nữa mà tôi chưa tiếp cận được), thơ Nguyễn Đức Sơn đã nâng tầm thơ ca Việt Nam vào những năm trước 1975 và đã tiếp cận được những nguồn mạch của thơ ca thế giới về cả tư tưởng và nghệ thuật như Tagore, Walt Whiman, Nguyễn Du hay thơ Haiku… Đây là những nhà thơ, những dòng thơ đã khẽ chạm vào đạo, một thứ đạo vừa do ánh sáng trí huệ của đạo Phật soi đường vừa do ánh sáng trực cảm thiên bẩm của chính họ mang lại. Hai thứ ánh sáng ấy có khi đồng hiện rồi chạm vào nhau, có khi cùng soi cho nhau để sáng hơn. Tôi nghĩ rằng, các nhà thơ bây giờ vẫn chưa vượt qua được các nhà thơ trên về phương diện tư tưởng và nghệ thuật thi ca. Đất nước chúng ta không công nhận, không xiển dương dòng thơ của Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền… là đã làm cho thơ ca Việt Nam chậm lại hơn nửa thế kỷ, và có thể còn chậm hơn nữa nếu nhận thức không rõ và không chịu thay đổi nhận thức.