Pages

Friday, April 9, 2021

Tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (1937-2020)

 

Nguyễn Đức Sơn là nhà thơ quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà,Thừa Thiên Huế, ông được giới văn nghệ yêu nước miền Nam trước năm 1975 gọi là một trong ba kỳ nhân của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện)

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận 

Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu công việc viết của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Tuổi còn trẻ nhưng thơ đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình.

Theo sự sắp xếp của làng văn miền Nam trước năm 1975, ngoài việc được gọi là một trong ba kỳ nhân của làng văn nghệ, ông còn được sắp xếp theo kiểu "thuần văn học hơn" là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.

Thi sĩ đã từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học.Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao-Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.

Năm 1967 Nguyễn Đức Sơn lấy bà Nguyễn Thị Phượng. Đám cưới ông bà được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có 9 người con. Người con thứ tư của ông là Nguyễn Đức Vân. Ông là người " nổi tiếng hơn cả", vì ông được cho là " người có gương mặt giống hệt... Tổng thống Mỹ Barack Obama[

Năm 1979, Ông cùng gia đình mình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để... sống một cuộc sống thanh tịnh[3].

Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng, Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi

Bên cạnh việc làm thơ, ông Nguyễn Đức Sơn cũng có nhiều truyện ngắn đăng trên các tạp chí Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi khoảng 1960, trên tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội và Thời Tập những năm 1969-1973.

Ông mất lúc 3h sáng ngày 11/6/2020., t ại B ảo L ộc Thọ 73 tuổi. Quàn tại nhà riêng (tổ 9, thôn 2, xã Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng). lễ nhập quan vào lúc 13h30 ngày 11-6; lễ di quan đi hỏa táng lúc 6h ngày 13-6-2020.

Các tác phẩm của ông ca ngợi tinh thần tự do, yêu đất nước. Một số tác phẩm tiêu biểu:Đã xuất bản 3 tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971) và tập Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang chưa in. Thơ: Bọt Nước (Mặt Đất 1966), Hoa Cô Độc (Mặt Đất 1965), Lời ru (Mặt Đất 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), hai tập sau là Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973). Và tập cuối cùng Chút Lời Mênh Mông (Thư Viện Huệ Quang 2020)

           Về Núi

Mai tôi về núi thật mà
Dẫu cho thực tế khác xa cái cùm
Bia ôm đã mọc tùm lum
Màn đêm thô tục bao trùm thanh niên
Thế nhưng giọng lưỡi thánh hiền
Dưới trên nhất trí đang ghiền phát huy
Tiền đồ quá mức báo nguy
Đau thay quần mục cài khuy cách nào
Em ơi! Nước mắt cấm trào
Ngủ xong nhớ ngáp ào ào giùm nghe

            Về đi thôi

Về đi thôi kiếm chỗ nằm
Mõ chuông đang nện trăng rằm ngất ngư
Thiền sư ăn thịt thiền sư
Niết bàn nhiều giống chân như nhiều nòi
Tâm teo tóp trí cọc còi
Ma đang thuyết pháp quỷ đòi giảng kinh
Kìa em tịnh thủy một bình
Cửa không ai viếng cửa mình tôi thăm

          Rụng Một Trái

Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Gò cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên.


          Nhìn con tập lật

Nắm tay lật úp đi con

Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

          Đốt cỏ ngoài rừng


Xem cha đốt cỏ ngoài rừng

Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con
Có vài chiếc lá còn non
Gió xua lửa khói nổ giòn trên không
Nắng tà trãi xuống mênh mông
Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

          Tôi Thấy Mây Rừng

một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi
thôi nhé ngàn năm em đi qua
ồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa

          Đêm Thu

Một đêm trăng mờ ảo

anh tìm về thăm em
phố buồn như hoang đảo
gió ngừng ru bên thềm
ánh đèn sao le lói
căn phòng sao đìu hiu
anh lặng người thầm hỏi
kiếp người sao tiêu điều
anh đi vòng sau nhà
một mình như bóng ma
giật mình anh nghe thấy
có tiếng gì bay xa
rồi đêm trăng mờ ảo
anh lại về thăm em
như lá vàng lảo đảo
anh lui về trong đêm

Và đây “Chút lời mênh mông” ông viết dịp sinh nhật tuổi 33 (1970), nửa thế kỷ sau đến với bạn đọc như lời di chúc của ông ở tuổi 83, giã từ một cuộc chơi trong cõi trời cõi người.

 “Một mai cha chết đừng chôn
Ngại chưa xuất kịp chút hồn thiết tha
Cái gì cha nói chưa ra
Biết đâu còn sót trong da máu này
Tuy nhiên đừng để lâu ngày
Đốt ngay lập tức là hay nhất đời
Con mang tro bụi xa vời
Gửi cho thiên địa chút lời mênh mông” (tr. 147)

Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông.

Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn thấy tập nào cũng tục tĩu. Nguyễn Đức Sơn đã manh nha về tục, về nhục dục từ những  tập thơ đầu tiên – Bọt nước (Mặt Đất – 1965):

              Cảm thương

“Ôi tấm thân và da thịt đàn bà
Tôi rất thèm và muốn biết qua”

Đến Đêm nguyệt động (An Tiêm – 1967) thì sự tục tĩu đã lan tràn, tuy có phần còn e ấp dưới lớp hình ảnh đẹp:

                      Nhất nguyên

“Năm mười bảy có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe ngoảy cuối vườn trăng”

                      Vũng nước thánh

“Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt”

Đến Tịnh khẩu (An Tiêm – 1973) thì tục tĩu không còn chút e ấp nữa, nó đã trở thành chủ đề thường trực của thơ ông:

“Củi
Để chẻ
Gái
Để xẻ”

     (Tục ngữ)

Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc!

Nguyễn Đức Sơn có những vần thơ rất hay và đẹp, thuộc vào hàng những bài thơ bất hủ đương thời:

         Mây trắng – Bọt nước

“Mẹ chết từ thu lá rụng vàng
Con về đất cũ vấn khăn tang
Mẹ ơi con điếng người bên mộ
Trằn trọc đêm dài con khóc than

Hai cõi bao giờ được gặp nhau
Tóc xanh dù trắng đến bạc đầu
Làm sao quên được sao quên được
Mẹ ở đâu rồi trên bể dâu”

                    Ngàn sau – Lời ru

“về đây với tiếng trăng ngàn
phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em
trăm năm bóng lửng qua thềm
nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”

          Băng tuyết – Đêm nguyệt động

 “đây lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất
đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm
giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất
rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm”

Trịnh Thuy Thủy có nhận xét về thơ của Nguyễn Đức Sơn:

Ngôn ngữ thân xác còn có khả năng gây sốc. Nó gây sốc vì nó bị cấm kỵ. Càng bị cấm kỵ càng gợi tính tò mò của người đọc. Khả năng gây sốc chính là đề tài những cuộc tranh luận về những từ ngữ được gọi là “tục tằn” được gã làm thơ ngông liên tiếp tuôn ra làm người đọc khó chịu. Ngôn ngữ ông dùng vừa tân, vừa cổ, vừa lãng mạn, vừa dung tục. Khi trắng, khi đen, phơi bày lồ lộ, lúc mờ, lúc nhạt, thơ thẩn, lượn lờ, kỳ ảo. Có thể nói, có hai cực trong con người ông, khi chánh, khi tà, khi thô ráp, lúc dịu dàng, âu yếm. Trong hình ảnh một con thú cần cù ẩn mình trong những đêm cát bụi, con thú đực nằm chơi bên bờ cỏ đêm để thấy hồn mình ướt và xôn xao như trăng, như gió.

Thích Không Hạnh nhận xét về thơ của Nguyễn Đức Sơn như sau:

Trên nền tảng của nghệ thuật tưởng chừng không giống ai nhưng lại rất phù hợp với quy luật tự nhiên ấy đã nảy nở những vần thơ vượt xa thời đại của ông và của thời đại chúng ta. Tôi cho rằng, cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền (và có thể một vài tác giả khác nữa mà tôi chưa tiếp cận được), thơ Nguyễn Đức Sơn đã nâng tầm thơ ca Việt Nam vào những năm trước 1975 và đã tiếp cận được những nguồn mạch của thơ ca thế giới về cả tư tưởng và nghệ thuật như Tagore, Walt Whiman, Nguyễn Du hay thơ Haiku… Đây là những nhà thơ, những dòng thơ đã khẽ chạm vào đạo, một thứ đạo vừa do ánh sáng trí huệ của đạo Phật soi đường vừa do ánh sáng trực cảm thiên bẩm của chính họ mang lại. Hai thứ ánh sáng ấy có khi đồng hiện rồi chạm vào nhau, có khi cùng soi cho nhau để sáng hơn. Tôi nghĩ rằng, các nhà thơ bây giờ vẫn chưa vượt qua được các nhà thơ trên về phương diện tư tưởng và nghệ thuật thi ca. Đất nước chúng ta không công nhận, không xiển dương dòng thơ của Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền… là đã làm cho thơ ca Việt Nam chậm lại hơn nửa thế kỷ, và có thể còn chậm hơn nữa nếu nhận thức không rõ và không chịu thay đổi nhận thức.

No comments:

Post a Comment