Pages

Thursday, March 28, 2019

Ngày rời khỏi đất Ấn


Tối 26-3-2019, chúng tôi rời khách sạn BinPin International ra phi trường Lucknow để về Bangkok, trước khi rời khách sạn, anh tài xế người Ấn theo đạo Hindu Deepack làm thủ tục chia tay với chúng tôi, choàng vào cổ mỗi người một vòng hoa hồng, hắn định chấm vết đỏ trên trán, nhưng Đề không thích nên thôi.


Đến phi trường khoảng 22 giờ, vì là ban đêm nên tôi không thể quan sát toàn cảnh phi trường, khi xe chúng tôi dừng lại trước nhà ga thấy đèn điện sáng choang, khang trang hiện đại, nhưng người gác ở cửa ra vào chỉ cho chúng tôi biết phải đi qua hết hai cổng ra vào kế đó, lại đi thêm chừng 100 m nữa thì tới cổng chúng tôi vào, để đáp phi cơ đi Bangkok.

Đi qua khỏi 2 cổng ra vào đó, chúng tôi đi đường với ánh sáng lờ mờ không nhìn được rõ, đi chừng 100 m, thấy có người ra vào, chúng tôi vào đó, đúng là cổng của hãng máy bay Thai Smile.


Vào trong, trước khi đến quầy vé, hành lý phải qua máy dò, sau đó vào trong quầy lấy vé, ký gửi hành lý, rồi ngồi chờ lên phi cơ, trước khi lên phi cơ mọi người phải qua thủ tục xuất khỏi Ấn Độ, cùng không có chi rườm rà, chỉ đưa Sổ Thông Hành cho họ xem và đóng dấu.

Trong phi trường Lucknow, Ấn Độ

Đợi một lúc, trước khi lên phi cơ lại đi qua nhân viên an ninh, thấy có người bị xét hành lý xách tay, có cái nồi, vật dụng linh tinh và một gói ny long hình như bên trong có bột trắng không rõ là chi. 

Vào phi cơ ngồi xong một lúc thì thấy có một anh chàng mặc đồng phục xanh, tay áo có 2 vạch, đi cùng với 2, 3 người khác tiến về phía sau, khoảng 15 phút sau có 4 người rời khỏi phi cơ với túi xách tay.

Kế tiếp, tiếp viên bắt đầu mở các hộc để Hành lý, họ kéo ra từng cái và hỏi của ai, có hành khách nhận, họ để lại chỗ cũ. Tôi nghĩ tiếp viên kiểm tra xem những người rời khỏi máy bay có ai để lại vật chi không , Việc nầy họ làm mất chừng 30 phút, tuy có mất thì giờ, nhưng không ai phàn nàn vì nó có liên quan đến an ninh cho mọi hành khách.

Trên phi cơ chúng tôi được dọn ăn bữa tối, phần ăn có cơm với curry và món xào, nhưng thú thật tôi chỉ ăn vài thìa cơm trắng rồi ăn tráng miệng, sau đó tôi ngủ cho đến 5 giờ sáng thức dậy, phi cơ chuẩn bị đáp xuống phi trường Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok Thái Lan.

Tới đây làm thủ tục nhập vào Thái Lan, lãnh hành lý tồi ngồi chờ cho tới hơn 8 gìờ mới đi lấy vé lên phi cơ Vietnam Airlines, gửi hành lý, lại đi qua cửa an ninh khám xét hành lý xách tay, vào bên trong khi chờ đợi lên phi cơ, chúng tôi đi ăn sáng, tôi chỉ ăn được món xôi xoài, xôi có chan nước cốt dừa, còn xoài chín họ cắt thành 2 mảnh của 2 bên hông sau khi đã gọt bỏ vỏ.

Trong phi trường Suvarnabhumi, Bangkok, Thái Lan

Nhà tôi bị cảm từ 2 hôm trước, hôm qua tôi đã bị lây, nên nóng lạnh và ho, tôi uống Taylenol và Neocordion, nhưng chưa thấy bớt, hình như có triệu chứng cảm nặng hơn.

Trước 9 giờ lên phi cơ, phi cơ bay một chút được dọn ăn sáng, tôi chỉ ăn bánh mì trét beurre và ăn tráng miệng với khóm và đu đủ, có miếng dưa hấu nhưng tôi không dám ăn.

Đến 10:10 phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, lại trình an ninh nhập vào Việt Nam. Sau khi lấy hành lý ra ngoài lấy Taxi về nhà, hình như Sàigòn nóng bức hơn Ấn độ hay tại vì tôi bị cảm nặng hơn.

Như vậy là chúng tôi kết thúc một chuyến tham quan Ấn Độ, chiêm bái Phật tích, người ta thường nói Tứ Động Tâm là nơi Phật Đản Sinh ở Lâm Tỳ Ni, Phật đắc đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Phật Thuyết pháp ở Vườn Nai và Phật Nhập Niết Bàn, nhưng với sách vở của người Ấn, có 8 thánh tích ở các nơi như Lumbini (Phật Đản Sinh), Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng: Phật thành đạo), Sarnath (Vườn Lộc Uyển: Phật chuyển Pháp luân), Kusinara (Phật nhập Niết Bàn), Rajagira (Núi Linh Thứu), Vesali (Nơi Đức Phật an trú 3 mùa mưa), Savatthi (Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên), Sankisa (Nơi Đức Phật trở về từ Cung Trời Đao Lợi). Trong chuyến Chiêm bái nầy, nơi đây chúng tôi không có đến. Nơi đây vua A Dục có đặt tượng đá con voi, ghi lại sự tích nầy.    


Mấy lần được mời đi chiêm bái Phật tích, nhưng lần nầy mới đi được, có nhân và đủ duyên thì thành. Thật là thiện duyên lân nầy chúng tôi đi với 3 cháu trẻ, trong đó có 2 là bạn với con gái chúng tôi, lại được Lama Konchok Lhundup hướng dẫn tham quan các nơi, Lama luôn luôn chăm sóc mọi người chúng tôi thật là thiện duyên trong chuyến đi nầy, nhà tôi tuy sức khỏe yếu kém, nhưng cũng tham quan được nhiều nơi, chiêm bái được nhiều Phật tích tại Ấn Độ và Nepal.
8664280319





Tuesday, March 26, 2019

Tham quan Bara Imambara tại Lucknow


Hôm nay, có người muốn đi mua sắm, có người muốn đi tham quan Sở thú, có người muốn đến quảng trường chụp ảnh. Cuối cùng đoàn chúng tôi đi tham quan đền Bara Imambara tại thành phố Lucknow.

 Bên trong cổng nhìn ra ngoài đường

Đến cổng mua vé vào cửa, vào trong mua vé có hướng dẫn, đưa đi tham quan, hướng dẫn giải thích vài điều, đôi khi anh ta đạo diễn để chụp ảnh đẹp.


Hội trường trung tâm của nó được cho là phòng kho tiền lớn nhất thế giới. Ngoại trừ các phòng trưng bày trong nội thất, không có đồ gỗ trong toàn bộ cấu trúc. Nó hiện được người Hồi giáo Shia sử dụng cho mục đích của Azadari.

Người ta tin rằng việc xây dựng tòa nhà lớn này đã được bắt đầu vào năm 1785 khi một nạn đói tàn khốc đã tấn công Awadh và mục tiêu của là cung cấp việc làm cho người dân trong khu vực trong gần một thập kỷ trong khi nạn đói kéo dài.

Nó có những lối đi ngầm lớn đã bị chặn lại. Một cầu thang từ bên ngoài dẫn đến một loạt mê cung được gọi là Bhool-Bhulaiyan, đó là một vướng mắc phức tạp của các đoạn đường ngoằn ngoèo. Du khách đến tham quan nên đi với hướng dẫn được chỉ định. Trong khuôn viên của Imambara là Nhà thờ Hồi giáo Asafi lớn.


Chúng tôi đi vào bên trong phải mua vé vào cửa, giá vé cho người Ấn là 25 Rupees, người nước ngoài là 500 Rupees, có hướng dẫn viên, phải trả khoảng 200 Rupees.

Sau khi thăm viếng và chụp nhiều ảnh chúng tôi đi tìm một Center có Food Court với thức ăn của người Ấn, Hoa, Mỹ. Lama và tài xế dùng thức ăn Ấn, Hải Đoan và Thanh dung thức Ăn Mỹ, chúng tôi dùng thức ăn của người Hoa là cơm chiên và mì xào, dặn họ không để mùi curry.

Nhân đó, chúng tôi gọi thêm món Momo chiên thay vì hấp và khoai tây chiên, để ăn buổi chiều khỏi phải đi ra ngoài.

Tài xế Deepack, Lama, Đề, Thanh, nhà tôi ngồi quay lưng lại che khuất Hải Đoan

Đi Ấn Độ, nếu ai không quen với mùi Curry thì rất khó ăn, vì họ luôn luôn thêm gia vị mùi không quen với chúng ta. Cũng không có nước tương cho chúng ta dùng. Hôm qua trong Center Sahara Gan, chúng tôi ăn món mì xào khá ngon.


Hôm nay, Center nầy món mì xào và cơm rang tạm được. Chiều nay chúng tôi không đi ra ngoài, khoảng 9 giờ sẽ lên xe ra phi trường. 1 giờ đêm lên phi cơ, bay về Bangkok với Thai Airway. Tại đây sẽ chờ khoảng 4 tiếng, sau đó đáp phi cơ Vienam Airlines về Tân Sơn Nhất, đến lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Tư 27-3-2019, kết thúc một chuyến đi chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ rất hữu ích, nhờ nhiều thiện duyên.

8664260319 





Chiêm bái Phật tích ở Tỳ Xa Ly (Shravasti)


Sáng hôm nay Thứ Hai 25-3-2019, chúng tôi đi chiêm bái Phật tích ở Tỳ Xá Ly, trước tiên đi chiêm bái nơi đức Phật ngồi thiền, lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Hoàng Hậu Ma Gia, nơi nầy hôm qua Đà và tôi đã đến Chiêm bái. 


Sau đó chúng tôi đi đến viếng nơi trú ngụ của tên cướp khét tiếng thời đức Phật, đó là Angulimala, cũng gọi là Vô Não. Sự tích như sau:


Tại xứ Kiều Tát La (Kosala), có một tướng cướp vô cùng hung bạo, tên là Vòng tay đeo (Angulimala, Ươm quật đa la), còn gọi là kẻ vô tội (Ahimsaa) hay thường gọi là kẻ Vô Não.

Thân phụ là một quan đại thần triều vua xứ Kiều Tát La. Vô Não theo học tại Taxila, một trung tâm nổi tiếng của xứ Kiều Tát La, bắc Ấn Ðộ. Là một học sinh giỏi, Vô Não được các thầy giáo thương mến. Vì thế Vô Não bị các bạn đồng học ganh tỵ, tìm cách ám hại. Cả tin lời nịnh bợ của học sinh, nhất là lời đâm thọc nói xấu Vô Não, thầy giáo trở mặt thù ghét Vô Não. Một hôm, để thỏa mãn sự hiềm khích, thầy giáo bắt Vô Não chuộc tội bằng cả ngàn ngón tay phải của con người. Ðể có thể trở lại con đường học vấn, Vô Não đành theo lời thầy, vào rừng Jalini rèn dao và đi giết người.

Lúc đầu, mỗi khi chặt được một ngón tay của người nào, Vô Não đem treo ở cành cây. Nhưng quạ diều ăn đã hết các ngón tay của Vô Não chặt được. Ðể khỏi bị mất mát, Vô Não lấy dây xâu các ngón tay, kết thành vòng, đeo vào cổ. Tiếng hung dữ của Vô Não được lan truyền, mọi người đều khiếp sợ. Khi Vô Não đến đâu, mọi người đều tìm phương chạy trốn. Do đó, khi đã chặt được 999 ngón tay, Vô Não chạy khắp nơi mà vẫn không thể giết thêm được một người nào để có đủ số ngón tay phải nộp theo lời thầy phán.

Ðể đem lại an lạc cho dân chúng, đồng thời để giúp Vô Não trở lại con đường lương thiện. Ðức Phật vận sức thần thông đến trước mặt Vô Não. Khi thấy Phật đi đằng trước. Vô Não rất mừng, vì sẽ không còn thiếu một ngón tay sau cùng, Vô Não vác dao hăm hở đuổi theo Phật. Dù Phật đi rất khoan thai, nhưng Vô Não không thể nào đuổi kịp. Khi đã mệt lã, Vô Não dừng lại và gọi lớn:"Này Ðạo Sĩ! Hãy dừng chân" Phật từ tốn trả lời:"Dù đang đi, ta đã dừng chân. Còn nhà người đã dừng chân hay chưa?" Không hiểu được ý Phật, Vô Não thấy Phật đang đi mà lại nói đã dừng chân. Còn mình đã dừng chân, Phật lại hỏi đã dừng chân hay chưa? Vô Não yêu cầu Phật giải thích, Phật nói:

"Này Vô Não! Ta mãi mãi dừng chân. Ðối với chúng sinh ta không dùng bạo lực. Ðể trở lại con người lương thiện, ngươi hãy dừng tay chớ giết đồng loại. Bởi thế, ta nói: Ta đã dừng chân và yêu cầu ngươi cũng hãy dừng tay".


Dù ác động đến đâu, lòng vẫn còn chút thiện hạnh, Vô Não cảm nhận được từ tâm của Phật, muốn đưa mình ra khỏi con đường độc ác. Liền khi đó, Vô Não buông dao và xin Phật được xuất gia. Dù đã là Tỳ kheo, lòng vẫn chưa hoàn toàn yên ổn, Vô Não luôn luôn nghe văng vẳng bên tai tiếng than khóc của người do mình giết hại. Một hôm, trên đường đi khất thực, Vô Não bị nhiều người ném đá, đánh đuổi, lỗ đầu. Trở về hỏi Phật lý do, Phật cho biết, đó là hậu quả do ác nghiệp của Vô Não đã gây ra từ trước. Một hôm khác, cũng trên đường đi khất thực, Vô Não gặp một phụ nữ than khóc vì sinh con không được, yêu cầu Vô Não giúp đỡ. Không thể giúp được, Vô Não liền trở về hỏi Phật phương thức. Phật bảo Vô Não hãy đến trước người phụ nữ đau đẻ và nói lời này:

"Này bà chị! Từ khi tôi sinh trở lại trong hàng Thánh chúng, tôi không còn giết hại bất cứ một loài nào. Cầu mong lời nói này giúp bà chị hết đau đớn và sinh nở được mẹ tròn con vuông".

Học thuộc lời Ðức Phật, Vô Não liền trở lại nơi phụ nữ đau đẻ và đọc lớn lời Ðức Phật. Bỗng chốc, người phụ nữ hết đau và sinh con an toàn. Từ đó, ngày nay các nước Phật giáo Nam truyền, người ta thường đọc lời của Vô Não để làm dịu cơn đau đẻ cho người phụ nữ.

Về sau, tinh tấn tu tập, Vô Não chứng A La Hán.


Nơi đây có một kiến trúc, bên trong có hang, được cho là hang động của tên cướp Vô Não, kiến trúc nầy vuông vức, xung quanh có rào sắt không cho khách tham quan vào, bên ngoài có nơi xây một cột gạch hình trụ cao chừng 2,5 m, đường kính độ 1,5 m, cột trụ nằy được nhiều khách thập phương dát vàng, nhiều đoàn tham quan tới đây đọc kinh, nhiều khách thập phương chạm tay vào rồi đưa lên đầu mình hoặc để trán chạm vào cột tháp chú nguyện.


Chúng tôi đi nhiễu một vòng rồi đi sang dinh thự của ông Cấp Cô Độc cách đó chừng 50 m. Đây là kiến trúc dinh thự khá rộng lớn và phần còn lại chắc có trùng tu khá cao.


Tôi tự nghĩ, tên cướp sống rất gần với ông Cấp Cô Độc, đây là tên cuớp khá tàn ác, còn ông Cấp Cô Độc giàu có, sao tên cướp đã giết hại 999 người, còn một người nữa là đủ ngàn người, sẽ đem nộp theo lời dạy của sư phụ hắn.  Sao hắn không đụng chạm gì đến ông Cấp Cô Độc.


Rời khỏi đây, chúng tôi đến chiêm bái Phật tích Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên, cách đó chừng 1 km, vào cổng phải mua vé.

Bảng sơ đồ ghi những di tích như sau:


Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên, tức là vườn của ông Cấp Cô Độc cây của Thái tử Kỳ Đà, nguyên gốc như sau, ông Cấp Cô Độc muốn tìm nơi dâng cúng đức Phật làm nơi thuyết pháp, người thấy vườn của Thái tử Kỳ Đà ưng ý bèn hỏi mua.

Thái tử không muốn bán, nên nói thách, trải vàng đến đâu thì bán đến đó, ông Cấp Cô Độc bèn về nhà đem vàng đến trải đất. Thái tử Kỳ Đà bèn phải bán đất ấy cho ông Cấp Cô Độc, nhưng trên đất còn những cây xanh, cây ấy thuộc Thái Tử, Thái Tử cũng dâng cúng cho Phật, nên người sau gọi là Kỳ thọ Cấp Cô Độc Viên.


Nơi đây đức Phật đã an cư qua 25 mùa mưa, nơi đức Phật thuyết pháp có xây một cái tháp nhỏ, nơi đây người ta thếp vàng, nhiều chư Tăng, đoàn khách tham quan tới đây tụng kinh. Khu nầy có tu viện, có chùa, nay chỉ còn nền gạch như các Phật tích khác.


Đi qua khỏi đây chừng 100 m, có một gốc Bồ Đề, có rào chung quanh, cây Bồ đề nầy già cỗi, người ta phải dùng những thanh sắt nâng đỡ những cành thấp. Chung quanh tường rào, người ta giăng cờ.


Cây nầy lá rụng hết, đang nhú lá non, có vài trái bằng ngón tay út rụng trên nền, Đà nhặt một trái hỏi tôi: “Trái nhỏ như thế nầy sao lại có hạt to vậy bác ?”. Tôi giải thích cho Đà hiểu:

Trước kia tôi vẫn hiểu lầm chuỗi Bồ Đề là lấy từ hạt cây Bồ Đề, nhưng không phải vậy. Trái Bồ Đề như trái sung, bên trong không có hạt. Ở Châu Đốc có Bồ Đề đạo tràng, vài chục năm trước, tôi đã nhặt trái bẻ ra mới khám phá điều nầy. Gọi hạt Bồ Đề cũng như gọi tên Bồ Đề Tâm, tượng trưng cho sự cao quý nơi đức Phật thành đạo. Hạt ấy ở vùng gần An Nhơn Gò Vấp cũng có cây có hạt nầy, nơi đây gọi là hạt kim cang.”


Có một chỗ, có nền của 3 kiến trúc, bảo vệ cho biết một nền là nơi ở của La Hầu La, nền kia là của người đánh xe cho Đức Phật. Tôi hỏi có phải Xa Nặc không ? Hắn gật đầu. Chúng tôi đi giáp vòng tất cả các Tu viện và chùa trong khu nầy, nói chung là rất rộng lớn, rộng lớn hơn tất cả các nơi khác.


 Sau khi rời nơi nầy, chúng tôi đi viếng chùa Tây Tạng đang xây dựng gần xong, khá đồ sộ. 


Có tầng hầm bên dưới, tầng trên là chánh điện đặt tượng Phật tĩnh tọa ở gian giữa, tầng trên nữa vì bao quanh bằng ny long không rõ là tượng chi, nhưng cũng khá lớn, tầng trên cùng treo quả chuông 500 kg, theo như Hải Đoan cho biết, chuông nầy do Phật tử Việt Nam cúng, nhưng quanh chuông chỉ có chú đúc nổi không có chữ Việt Nam nào.


Chúng tôi được người phụ trách đãi bánh ngọt, cà phê. Trước khi rời đây, nhóm chúng tôi có cúng dường chùa, người phụ trách không nhận, đưa chúng tôi đến chánh điện tạm ở dãi Tây lang, chúng tôi lễ được Phật tại đây, tượng Phật hay Bồ tát Quán Thế Âm ? Vì tượng đứng nhưng ở vị thế nghiêng người.


Sau đó chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi rồi dùng cơm trưa. Dùng cơm xong trả phòng nhóm chúng tôi đi về Lucknow. Từ khách sạn chúng tôi ở đi Lucknow 177 km.

Khởi hành lúc 1 giờ, cho đến hơn 5 giờ, chúng tôi mới đến thành phố Lucknow, con đường nầy có thu phí 2 đoạn nên đường khá tốt, hai bên đường vẫn thấy những khu chợ quê, người dân nghèo khó dung phương tiện xe Tuktuk, xe gắn máy, xe đạp, xe lôi, xe máy cày kéo rờ-mót chở mía đường.

Cánh đồng chỉ trồng lúa mì và mía đường, đất rộng nhưng chia thành những đám ruộng nhỏ, nhiều nơi người nhà nông vẫn cuốc đất, gặt, đập lúa và cấy lúa, nói chung là dùng nhiều sức người.


Những ngày qua chúng tôi ở thành phố nhỏ, nhà quê. Nay tới đây mới thấy nhiều phụ nữ chạy xe gắn máy, lái xe hơi. Xe cộ đông đúc như Sàigòn, đường sá không được sạch, nhiều con bò đi rong ngoài phố, chúng sống cạnh những bô rác để ăn rác.



Ngoài đường vẫn thấy cảnh đàn ông “tè” bên đường, không nhiều lắm, cùng không phải là hiếm.

Buổi tối chúng tôi đi đến một Center để ăn tối vì Lama muốn ăn ở Mc Donal, thành phố về đêm, xe chạy bóp còi inh ỏi. Về lại khách sạn chúng tôi muốn thưởng thúc bia Ấn Độ, nhờ nhân viên khách sạn mua, đợi gần 1 giờ mới có beer. Hình như ở Ấn Độ ít có chỗ bán beer, quán nhậu. Quán bán trà hay cà-phê bên đường thì nhiều.


Lần đầu tiên đi Ấn Độ, khám phá được nhiều điều lạ, xe chạy bên tay trái, nhưng chuyện chạy ngược chiều là bình thường, các khách sạn đều có ổ cắm điện chuôi tròn hay chuôi dẹp.

Nghe nói chánh phủ Nhật có đến Ấn Độ, đề nghị giúp cho Ấn Độ cải thiện đời sống, chánh phủ Ấn Độ cám ơn, cho biết người dân họ tuy nghèo khó, nhưng họ sống rất hạnh phúc, không cần nâng cao đời sống văn minh hơn, ngược lại chánh phủ Ấn Độ hỏi có muốn cải thiện cho đời sống người Nhật được hạnh phúc như người Ấn không ? Chánh phủ Nhật cám ơn lại Ấn Độ. Hiểu đây là chuyện đùa cũng được mà là chuyện để suy gẫm cũng nên.

866425032019