Pages

Monday, February 17, 2020

Lại một chuyến về quê


Hôm kia 15-02-2020, con gái thấy mẹ bị ở nhà tù túng vì Covid19, nên lấy xe cho chúng tôi về quê chơi cho khuây khỏa.

Sáng ngày 16 vào lúc 5 giờ 30, chúng tôi lên đường theo cao tốc Tp HCM- Trung Lương rồi đi qua Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang, sau khi qua Cầu Mỹ Thuận, chúng tôi đi hướng về thành phố Sa Đéc, nhưng ở đoạn giữa cầu và Bắc Mỹ Thuận cũ, chúng tôi dừng lại dùng điểm tâm tại một cái quán Hủ Tíu Chay ven đường, tuần trước chúng tôi ghé đây ăn, nhằm ngày Rằm, nên rất đông khách, năm ngoái chúng tôi cũng từng ăn tại đây 1 lần rồi.

Xưa kia, thời Pháp thuộc có tên là Quốc lộ 4, sau đổi thành đường Liên Tỉnh 8, nay là Quốc lộ 80, chạy từ chân cầu Mỹ Thuận phía Vĩnh Long đến địa phận Long Xuyên, Rạch Giá và Hà Tiên. Chúng tôi chạy theo con đường nầy qua các địa phận Sa Đéc, cầu Vàm Cống, thành phố Long Xuyên về đến chợ Bình Hòa.

Tại chợ Bình Hòa, chúng tôi ghé nhà đứa cháu trò chuyện, để nhà tôi và cháu dâu gặp nhau có chút tâm tình. Đắng lý chúng tôi ngủ qua đêm tại đây, hôm sau tôi sẽ nhờ người cháu khác đưa tôi đi đến Tham Buôn thuộc xã Mỹ Hội Đông, thăm người em họ đầu ông Sơ, để hỏi cho biết Đình Cũ là ở đâu trên đất Cù Lao Ông Chưởng đó? Sau đó đi đến chợ Xẽo Bún, nay là chợ Vàm Nao thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang.

Nhà lồng và Bến chợ Mỹ Hội Đông

Tôi muốn xem lại chợ xưa, để nhớ thời thơ ấu, tôi thường theo mẹ bơi xuồng chở lúa đi bán lúa cho các ghe chài đậu tại đây, rồi đi chợ mẹ mua sắm vài thứ cần dùng, cũng có khi ghé thăm người cháu họ của cha tôi. Sau đó tôi sẽ đến chỗ bến đò Bà Vệ thăm lại thầy giáo Chín, năm 1956 tôi và người em chú bác đến đây ngủ lại đêm một lần. Năm 1985, tôi trở lại thăm nhân chuyến đi công tác ở huyện Chợ Mới, thím giáo chỉ bàn thờ cho tôi biết: “Thầy đã mất vừa mới mãn tang”.

Nhưng vào giờ chót, tôi không thể ở lại qua đêm để thực hiện chuyến đi nầy, mong có dịp khác. Tại đây được cô cháu dâu đãi món bánh xèo nhân bông điên điển xào với chút giá cho có vị ngọt, và cuốn với rau sống trong đó có đọt cây bằng lăng, hương vị tuyệt vời.


 Thay vào đó, tôi đi vào Bờ Ao, quê của mẹ tôi, để thăm đứa cháu gọi tôi là chú ruột, đang có nhà trên phần đất của ông bà ngoại, thuộc của mẹ tôi để lại. Đất ấy xưa kia là mảnh đất cuối làng Phú Hòa, giáp với làng Vĩnh Chánh, cả 2 làng ngày nay thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang.

Tôi nhờ cháu Hoàng, cháu rể của tôi đưa đi thăm bà con ở Kênh Xã Đội. Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, không có kênh Xã Đội, đất của ông bà ngoại tôi một bên là Kênh Mặc Cần Dện Lớn, chạy xuyên cánh đồng qua bên kia là Rạch Bờ Ao, nay Kênh Xã Đội mới đào chia ra đất của Cậu Hai và mẹ tôi bên nầy, còn bên kia là của Dì Ba, Dì Năm và Dì Sáu.


Trên bản đồ, đất của bà ngoại tôi từ chỗ chữ Công Ty Cổ phần TBS An Giang chạy thẳng qua TT Phú Hòa.

Tôi đi thăm chị Nguyễn Thị Huề, con gái của Dì Ba tôi, năm nay đã 85 tuổi, gần đây chân phải của chị bị bại, nên không thể đi lại bình thường, tôi đi thăm chị để hỏi thăm tấm ảnh bà ngoại tôi chụp khi gần mất, bà ngồi trên ghế xưa có tay vịn, mặc áo dài, mang dép nhung đen, hai tay để trên tay ghế, xoè ra đủ 10 ngón, người xưa chụp ảnh như vậy, để chứng tỏ tay chân đầy đủ, ảnh rửa lớn lộng trong khung kính chừng 60 X 80 cm mỗi cạnh, ảnh rất đẹp không thua gì ảnh của bà nội tôi. 

Xưa ảnh treo trên vách nhà Dì Ba tôi, sau đó treo trên vách của bàn thờ, nhưng chị Huề cho biết, ảnh không còn từ lâu. Tiếc quá.

Chị Nguyễn Thị Huề và tôi

Sau đó đi thăm Nê con trai Dì Sáu của tôi, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Nê, năm nay đã 75 tuổi, già hết rồi. Sau khi Dì tôi mất sớm, thân sinh của Nê đi lấy vợ khác, 3 anh em của Nê, gồm có Đô, Năm và Nê sống với mấy Dì bên ngoại, có những lúc cô Năm và Nê khi đó chừng 10, 11 tuổi ở nhà chúng tôi vài tháng. Nê nhắc lại, sau khi mẹ tôi mất năm 1954, Năm và Nê có ở nhà chúng tôi một thời gian.

Trở lại nhà cháu Điểu, chụp tấm ảnh với vợ chồng cháu và con gái cháu, còn cháu ngoại mê chơi ở trong nhà. Tôi ra về lúc 3 giờ chiều.

Từ trái: Cháu Trần Huyền Trân, nha tôi, tôi, cháu Huỳnh Thị Việt Điểu, Trần Văn Hoàng

Tôi có tấm ảnh, đối với tôi khá quý vì sau đám cưới cháu Điểu, có chụp tấm ảnh kỷ niệm, có cô, dì, thím, chú và anh chị tôi, ngày nay nhiều người đã mãn phần.

Hàng ngồi từ trái: Thím họ, Thím 8, Cô 7, Cô 5, Dì 3, Dì 5, bà ngoại cháu Điểu.
Hằng đứng từ trái Chị 3 tôi, Út Dúng con gái Chú 9, Chú 9, anh 5, chị 5, em rể tôi …

Nghe nói có Quốc lộ N2, ít xe, không kẹt xe, nên chúng tôi quyết định đi đường N2 về Sàigòn. Từ Phú Hòa, chúng tôi đi ra thị xã Long Xuyên, theo quốc lộ 80 đi đến Cầu Vàm Cống, chạy thẳng đường cao tốc nầy qua Cầu Cao Lãnh, theo đường Quốc Lộ 30 chạy một đoạn đến Mỹ Thọ, quẹo trái tại ngã ba Ông Bầu để vào Mỹ Quý gặp Quốc Lộ N2, theo đây chạy tới Thị trấn Mỹ An.

Tôi nhớ khoảng năm 1985 hay 86 tôi và một người khách khác, có đứa cháu cùng đi, chúng tôi đón xe vào Mỹ An, lúc đó khoảng gần 5 giờ chiều, đón xe một lúc lâu, có chiếc xe lôi do Honda 67 kéo, anh tài xế biết chúng tôi đón xe, nên ngừng lại giải thích:

- Giờ nầy không còn xe đi vào Mỹ An, tôi có thể chở các anh đi khoảng nửa đường, vào đến Mỹ Quý các anh chịu khó đi bộ. Tiếc quá, hôm nay nhà có giỗ, nên tôi phải về nhà cúng kiếng, nếu không tôi đưa luôn các anh vào Mỹ An.

Biết anh ta nói thật, chúng tôi phải đi, từ Mỹ Quý vào Mỹ An hai bên đường không có nhà cửa, khoảng giữa đường chỉ có một cái quán đốt đèn dầu leo lét, chúng tôi phải vào đó uống giải khát mỗi người một ly chanh muối, đường không có đá.

Xuống xe tại chợ Mỹ Quý lúc 6 giờ, hơn 9 giờ 30 chúng tôi mới đặt chân lên chiếc cầu sắt Mỹ An, đêm tối hàng quán, đèn đuốc lờ mờ, thành phố nầy nằm trong giữa Đồng Tháp Mười, nhân dịp nầy tôi đã đi thăm vườn cò và đã tới Ngã sáu làm việc. Ngà Sáu là nơi 6 con kên đào tụ lại. Nay đã trên 30 năm rồi, phố thị Mỹ Quý, Mỹ An nhà cửa, phố xá thay đổi bộ mặt mới rất khang trang.

Trên N2 tôi thấy có lúc bảng chỉ đường chạy tới Thạnh Hóa, Đức Hòa … Có những cánh đồng bát ngát trồng lúa, có những khu trồng mít Thái, có những khu trồng tràm hay là rừng tràm nguyên sinh vần còn chưa khai thác ?

Cánh đồng lúa và trồng mít Thái

Bên đường có nhiều nhà cửa, hàng quán, không hề vắng vẻ, nhà cửa không chen chúc trừ những khu chợ nhỏ, những quán bên đường.

Sau đó chúng tôi rời N2 chạy trên đường khoảng 20 km có thu phí 25 ngàn đồng để nhập vào cao tốc Tp. HCM-Trung Lương tại điểm Cầu Bến Lức. Lên cao tốc chạy một quảng ngắn thì đến điểm cuối, rời nơi đây lúc 18 giờ 50, về tới nhà lúc 19 giờ 30. Kết thúc một chuyến đi trong ngày, đi về khoảng 400 km từ Sàigòn đến Long Xuyên.


Được thăm thân nhân, biết thêm con đường mới Quốc lộ N2, với đồng lúa, ruộng vườn và cuộc sống của người dân trong Đồng Tháp Mười ngày nay.

866417022020 







No comments:

Post a Comment