Pages

Wednesday, February 5, 2020

Giáo sư Nguyễn Văn Hai và tôi



Nguyễn Văn Hai (1927-2020)

Năm 1991, tôi được sang Mỹ qua diện HO, trước tiên khoảng năm 1982, anh tôi bảo lãnh cho tôi đi Pháp, nhưng sau đó năm 1984, chị tôi đi Mỹ, anh tôi cho biết Pháp đã nghèo, tốt hơn chuyển cảnh đi Mỹ, mặc dù tôi bị đi tù cải tạo 2 năm, 2 tháng, 20 ngày nhưng tôi vẫn được hưởng diện HO vì tôi khiếu nại bị Quản chế khoảng 2 năm, tôi cộng hết vô là trên 4 năm. Tự phái đoàn ODP ở Bangkok cho tôi hưởng diện HO, diện nầy sang Mỹ tôi được hưởng chương trình GRAND, khi đi học, sẽ được tiền trả học phí và ít tiền sách vở, nên tôi đi học JCC (Jefferson College Community), Tại đây tôi đã ghi danh theo học một tín chỉ Programming do giáo sư Nguyễn Văn Hai phụ trách trong 2 mùa.

Vài năm sau, chúng tôi chủ trương làm báo Phật Học, báo biếu không khắp thế giới, lần đầu tiên giáo sư gửi bài đăng báo với bút hiệu Hồng Dương, tôi liền viết mấy dòng giới thiệu tác giả là giáo sư Nguyễn Văn Hai, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, thế là từ đó giáo sư mới viết mỗi tháng 1 bài Phật học trên nguyệt san Phật Học của chúng tôi.

Những bài viết của giáo sư về sau góp lại nguyệt san Phật Học xuất bản thành 3 quyển sách:

- Nhận thức và Không Tánh, xuất bản năm 2001
- Tánh Khởi và Duyên Khởi,
xuất bản năm 2003
- Nhân Quả Đồng Thời.
xuất bản năm 2007

Tất cả những sách nầy in ấn tại Mỹ, do độc giả của nguyệt san Phật Học đóng góp tịnh tài, sách biếu không cho tất cả độc giả nguyệt san Phật Học và những ai muốn đọc, gửi thư hay điện thư đến, nguyệt san Phật học sẽ gửi biếu khắp các nước, chỉ trừ Việt Nam, vì sẽ bị tịch thu.

Sau đó, quyển Nhận Thức và Không Tánh, giáo sư nhờ tôi mang một quyển về trao cho Thượng Tọa Thích Trung Hậu với 700 USD đủ để in ấn tại Việt Nam, tiền thu được do phát hành sách sẽ cúng trọn vào Viện Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán tại Huế.

Quyển Nhân Quả Đồng Thời, Thầy Tuệ Sỹ có xin in tại Việt Nam, giáo sư muốn bìa quyển sách nầy sẽ in giống như nhau, nên giáo sư yêu cầu Thầy Tuệ Sỹ gửi hình bìa sang Mỹ, chúng tôi đã in tại Mỹ bìa sách ấy với bìa sách ở Việt Nam giống y nhau. Tôi không biết hay không nhớ ai là người sang tác hình bìa nầy. Riêng trang 1 có hình Sen của họa sĩ Hoài Nhơn, đó là ái nữ của giáo sư.

Quyển Nhận Thức và Không Tánh do họa sĩ Bửu Chỉ vẽ, giáo sư cho biết họa sĩ là em của phu nhân giáo sư.

Quyển Tánh Khởi và Duyên Khởi nếu tôi nhớ không lầm hình bìa do chính giáo sư trình bày.

Sau đó khoảng cuối thập niên 2000, tôi in và làm cháy cái máy Ronéo thứ 3, loại chuyên nghiệp, nên tôi không còn in báo giấy nữa, nhưng nguyệt san Phật Học vẫn tiếp tục hình thức điện tử hàng tháng kể từ số 29 phát hành ngày 1-12-1996 cho đến ngày nay (nsphat-hoc.org), do đó sau nầy chúng tôi không còn in những sách của giáo sư như:

- Tư tưởng Phật giáo trong Triết học Gilles Deleuze (6-2015)
- Nguyên tắc Lý do đủ - Lý Duyên khởi (9-2017)
- Đạo Phật là Toán học (3-2018)
- Ngã - Pháp (4-2019)
                                                                                                                                                                                                       
Những quyển sách sau nầy giáo sư in xong ở Việt Nam đều có gửi cho tôi, trừ quyển Ngã – Pháp mới in sau nầy.

Vào tháng  4 năm 2019, khi đi Huế, ghé chùa Từ Đàm, tôi viếng thăm Hòa thượng Trí Quang, có viết bài Ngày Rời Cố  Đô  Huế  (https://huynhaitong.blogspot.com/2019/04/ngay-roi-co-o-hue.html), khi Hòa Thượng Thích Trí Quang viên tịch, tôi cũng có viết bài Tấm gương sáng của Hòa Thượng Thích Trí Quang để lại, bài nầy tôi cũng có gửi cho giáo sư đọc, không thấy giáo sư nói chi.

Sau đó, tôi gửi điện thư thăm sức khỏe giáo sư và phu nhân:

Tong Huynh Ai
Tue, Nov 19, 2019, 8:24 AM







to Hai
Kính Thầy,

Xin hỏi thăm Thầy Cô sức khỏe ra sao ? Anh Lưu Trọng Kháng, anh Bạch Xuân Quyền đều có hỏi thăm Thầy.

Em có gom vài tấm hình đám tang Thầy Trí Quang, mời Thầy xem tại:


Kính chúc Thầy Cô nhiều sức khỏe,

Em,

Huỳnh Ái Tông 

Tôi về Việt Nam lần nầy, vừa qua mấy ngày Tết, con rể tôi gửi cho hình Phân Ưu đăng trên báo Người Việt, phát hành tại Orange County, California, tôi mới biết giáo sư đã mãn phần. Tôi vội viết Phân Ưu đăng trên Nguyệt san Phật Học số 307, ra ngày 01-02-2020 và trên Trang nhà Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, tôi chuyển Phân Ưu đến cô Nguyễn Tuyết Lộc em gái của giáo sư, nhờ cô chuyển tới gia đình của giáo sư tại Mỹ.

Tại thành phố tôi sinh sống là Louisville, Kentucky, có nhiều học trò của giáo sư, nhưng có thể nói tôi được giáo sư ưu ái hơn hết, vì bất cứ ai đến nhà giáo sư đều phải gọi điện thoại tới trước, xin cái hẹn. Còn tôi thì được miễn, vì tôi phải đem báo biếu giáo sư, phải nhận bài giáo sư sửa bản in, có khi tôi đến nhà từ 8 giờ sáng, giáo sư giữ tôi lại, ông nói cho tôi nghe về cuộc đời của ông, từ lúc ông ở với ông nội đi học ở Huế, về Quảng Bình học, theo cách mạng làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, về Vinh rồi vào Sàigòn theo học Trường Công Chánh khóa 1, trốn ra Hà Nội học, tổ chức cho học sinh Quốc Học đón Thủ Tướng Diệm về Huế, đổi lại ông Diệm phải lập Viện Đại Học Huế, đi Pháp học tiến sĩ ở Sorbonne, đi Mỹ ngày 30-4-1975 …, khi đến khoảng 12 giờ trưa, ông kết luận:

- Thôi ông Tông về, lần sau tiếp.

Có khi phu nhân của ông dọn xôi đậu phộng, giáo sư và tôi cùng ăn, có khi ăn bánh, uống trà.

Năm 2004, tôi giới thiệu Realtor, giáo sư bán nhà chuyển đi tiểu bang khác. Ngày giáo sư rời khỏi Louisville, giáo sư tâm sự với tôi:

Ông Tông biết không, con trai tôi du học ở Mỹ trước năm 1975, sau ra làm việc cứ chống Mỹ, tôi khuyên không được, từ lâu hắn không về thăm chúng tôi. Nhưng từ khi hắn đọc sách tôi viết về Phật học, năm nay sinh nhật tôi, hắn nghỉ trọn tuần về đây ở với chúng tôi. Hắn nói với các em hắn, từ lâu hắn không hiểu, bây giờ mới hiểu tôi. Thật đáng mừng.

Trước khi chia tay, giáo sư bắt tay tôi và nói:

Tôi mua nhà đã hơn năm nay, tôi không muốn đi về ở gần con gái tôi là bác sĩ. Ở gần hắn để hắn chăm sóc sức khỏe, tức nhiên là tôi đã đầu hàng. Nay đành phải đi thôi.

Vài chi tiết giáo sư kể cho tôi nghe đôi lần, sau nầy tôi nghĩ lại: Có phải giáo sư muốn cho tôi biết để ghi lại cuộc đời giáo sư. Tôi đã viết thành Chuyện của một người, sau khi viết xong, tôi gửi bản thảo nhờ giáo sư đọc lại. Ông đã đọc và gửi lại tôi vài dòng nhắn nhủ: “Ông Tông ơi ! Thôi để cho tôi ra đi trong thanh thảng tốt hơn”.

Tưởng niệm giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, mặc dù tôi viết về giáo sư, nhưng tôi không tìm được tấm ảnh nào của giáo sư, vì ông không thích chụp ảnh, may nhờ Tuyết Lộc em của giáo sư, chỉ cho tôi ảnh của giáo sư trên Trang Mạng của cô.


Tôi cũng không biết giáo sư sinh năm nào, đọc Phân Ưu, tôi mới biết giáo sư sinh năm 1927, đọc ở đâu đó có thể tóm tắc lại, giáo sư sinh tại Quảng Bình, học ở Huế, Quảng Bình, Sàigòn, Hà Nội, Paris, lập gia đình với Cô Tôn Nữ Hà Lãnh, ông bà có những người con đều thành đạt: Minh Hà, Việt Sơn, Việt Châu, Minh Phương, Hoài Nhơn, Việt Anh, và Minh Huyền

Giáo sư đã từng đãm nhiệm các chức vụ Hiệu Trưởng Trường Quốc Học, Huế. Giám Đốc Nha Đại Diện Giáo Dục Trung & Cao Nguyên Trung Phần. Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế kiêm Khoa Trưởng Đại học Khoa học. Dân Biểu Quốc Hội Khóa 1 VNCH, Phó Giám Đốc Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán, Huế, Giáo sư Đại học Louisville, Kentucky. Hoa Kỳ, Cộng tác viên Nguyệt san Phật Học, Louisville, Kentucky. Hoa Kỳ

Giáo sư Hông Dương Nguyễn Văn Hai đã quá vãng ngày 25-1-2020 tại nhà riêng ở thành phố Yardley, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, thọ 93 tuổi. Nhất tâm nguyện cầu cho hương linh giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai sớm vãng sinh An Lạc Quốc.

Phúc Trung - Huỳnh Ái Tông
866405022020










No comments:

Post a Comment