Pages

Tuesday, April 23, 2019

Ra Huế viếng thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh


Lúc đi viếng Phật tích ở Ấn Độ, các cháu rủ chúng tôi đi Huế thăm Thiền sư Nhất Hạnh, nhà tôi và tôi đồng ý đi cùng các cháu. Nhớ lại lúc ở Mỹ có thấy tin tức Sư cô Chân Không tiếp phái đoàn Nghị sĩ hay Dân Biểu Mỹ đến Huế thăm Thiền sư Nhất Hạnh, tôi ước chi lúc đó nếu đang ở Việt Nam, tôi sẽ bay ra Huế để thăm viếng Sư cô, vì trên 50 năm rồi chưa có dịp gặp lại. Năm 1965, Sư cô là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Viện Đại Học Vạn Hạnh khóa II, tôi là Phó Chủ tịch Ngoại vụ, chị Nhất Chi Mai là Thủ quỹ.

Ngày Thứ Bảy 20-4-2019, chúng tôi bay ra Huế với thành phần đi Ấn Độ hôm trước gồm có Bùi Văn Đà, Trần Cảnh Hải Đoan, Thanh, nhà tôi và tôi. Chúng tôi đi chuyến bay VietJet vaò lúc 6 giờ sáng, còn Hải Đoàn và Thanh đi chuyến bay Air VietNam vào lúc 6 giờ 15. Ra đến phi trường Phú Bài, chúng tôi đợi một chốc thì có Hải Đoan, Thanh, Nga, Laura và Tiên ra nhập thành một nhóm 8 người, chúng tôi về khách sạn Laurel tại số 7 Đội Cung, nằm cạnh khách sạn Mường Thanh, Huế.

Vì chưa tới giờ nhận phòng, nên chúng tôi gửi hành lý tại khách sạn rồi tranh thủ đi ăn sáng và lên chùa Từ Hiếu. Vì có người ăn chay và ăn mặn nên chúng tôi chia làm 2 xe, xe chúng tôi có Đà, Nga, nhà tôi và tôi đi từ thành phố qua khỏi Từ Hiếu rồi ghé quán Thiền Tâm ăn sáng. Ra Huế dĩ nhiên là chúng tôi dùng Bún bò Huế, bánh Nậm và Bánh Bột Lọc.


Trong quán nầy có 3 căn nhà, căn ngay cổng ra vào, có tầng lầu, căn kế có quầy tính tiền, căn tiếp theo có nhà bếp và vài cái tủ bán vật kỷ niệm như xâu chuổi, tràng hạt, tượng Phật, kế đó là nhà vệ sinh.


Trong mồi nhà ăn bày biện bàn ghế theo phong cách cổ xưa của người Huế.

Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi đến chùa Từ Hiếu cũng gặp nhóm những người kia đến, chúng tôi vào chùa đang trùng tu Chánh điện, nên vào phía sau để lễ Phật và chụp một tấm ảnh kỷ niệm bên cạnh gốc khế già trên trăm tuổi.


Chúng tôi rời Hậu liêu, sang Diệu Trạm Ni Viện bên cạnh chùa, hỏi thăm Sư cô Chân Không đã về Pháp, chúng tôi đành phải chờ người thầy thuốc đang trị bệnh cho Thiền sư từ Quãng Nam ra, ông ta hứa sẽ đưa cháu Nga là người có quen với ông ta vào gặp Thiền sư.

Chúng tôi chờ đợi ở sân ni viện, dưới tàng nhà mát nhỏ.


Rồi chúng tôi sang nhà Thiền trà, tôi phát hiện Thanh và Nga giống nhau như hai chị em, nhưng đây là lần đầu tiên hai người đi chung với nhau.


Do trời oi bức quá, tôi rời nhà Thiền trà vào trong nhà khách tìm chỗ ngồi uống nước, trong khi có nhiều Tăng, Ni và khách thập phương ngồi ăn tàu hũ. Có một ni cô đến chào và hỏi tôi có dùng được tàu hũ không ? Tôi cám ơn không dùng.

Tôi trở ra ngoài ngồi lại dưới mái nhà mát nhỏ, nhưng trời oi bức quá tôi lại vào trong nhà khách ngồi dưới cây quạt máy. Lúc nầy, chư Tăng, Ni và khách thập phương dùng cơm trưa xong, họ tản mát cả, có một ni cô đến chào tôi và hỏi:

- Thưa chú, chú có cần nghỉ trưa không ? 

Tôi đáp:

- Dạ thưa cô không cần.

Cô ấy lại ân cần nói tiếp:

- Thưa chú ! Chú cần nghỉ trưa mời chú lên lầu, trên đó có phòng lạnh.

Thấy cô ấy ân cần quá, tôi tôi đứng lên, cám ơn và đi ra phía trước, ngay lúc đó nhà tôi vẫy gọi tôi ra về khách sạn nghỉ trưa, chiều sẽ trở lại vì người thầy thuốc khoảng 3 giờ chiều mới ra tới.

Trên đường Lê Ngô Cát có một cái cổng đi vào chùa Từ Hiếu, xe chạy vào một khoảng, bên tay trái có cổng chùa Từ Hiếu.


Qua khỏi cổng là một cái hồ nước bán nguyệt xây tô, có nhiều cá bằng cườm tay, có cả rùa, qua khỏi hồ có con đường dẫn vào chùa, nếu rẽ trái sẽ dần đến ni viện Diệu Trạm, nếu bước lên những bậc cấp sẽ dẫn lên chùa, Chánh điện đang trùng tu, cho nên theo Đông lang sẽ dẫn đến Hậu tổ.

Kế bên Tây lang có 2 cái tháp, một cái của Tăng Cang Nhất Định, một cái của Hòa Thượng Tăng Cang khác.


Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên vào năm 1843. Ngài vừa tu hành vừa lo chăm sóc mẹ già. Cảm động về sự hiếu thảo, sau khi ngài viên tịch, Vua Tự Đức đặt cho chùa tên là “Từ Hiếu tự”. Hiểu theo nghĩa của Đạo Phật là đạo hiếu giữa bố mẹ và con cái.

Năm 1848, Hoà thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa quy mô hơn với kinh phí được vua Tự Đức cấp và từ các vị quan thái giám triều Nguyễn và các Phật tử cúng dường. Từ đó, chùa Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.

Bên tay trái cạnh tháp của 2 vị Tăng Cang là nhà trù hoặc tăng xá tôi không rõ, có hành lang là những bậc thang dẫn lên liêu của Trụ trì, qua khỏi liêu của Trụ trì là khu lăng mộ của các Thái giám triều Nguyễn là những vị góp phần tôn tạo chùa.

Hơn 3 giờ rưỡi, chúng tôi mới trở lại chùa Từ Hiếu, trước sân chùa cạnh tháp chuông còn một nhóm Phật tử nghe đâu ở Đồng Tháp ra để viếng thăm thiền sư. Nơi đây có 2 bàn và đôn bằng đá, chúng tôi ngồi chờ. Giữa chỗ chúng tôi ngồi và Tăng xá có một hàng rào sắt, trước hàng rào có mộ của 3 vị Thái giám, có tháp của 2 vị Hòa Thượng trụ trì chùa.


Nga cầm phong bì có tiền đưa cho tôi và nói: “Thưa chú, chú là người lớn tuổi. Vậy chú đại diện cho nhóm giữ phong bì nầy, khi gặp Sư ông, chú cúng duờng cho Sư ông.” Tôi không thể từ chối, cũng đóng góp thêm một số tiền, mặc dù biết nhà tôi đã đóng góp cúng dường rồi.

Hơn 4 giờ, ông thầy thuốc đến, ông ta tuổi ngoài 50, cho biết đã nhờ một vị Ni thu xếp cho chúng tôi vào thăm viếng thiền sư. Trong lúc chờ đợi, cô Lausa gặp một người bạn, cô nầy đi với người bạn khác. Thỉnh thoảng có người đi vào khu Tăng xá, có một ni cô mở cổng và đóng cổng, nơi đây có sân rộng có vài chú tiểu đá cầu hoặc tập thể dục.

Trong khi chờ đợi, tôi đi xem khu mộ của những vị Thái Giám, có cổng và tường rào, nhưng rêu phong khắp cả, bên trong có nhiều ngôi mộ cổ, bia thì được dựng mới. Phía trước và thế đất thấp hơn, có nhiều ngôi mộ Thái giám mới trùng tu, những ngôi mộ nầy liền với khu 2 tháp và 3 mộ Thái giám gần chỗ chúng tôi ngồi.


Bỗng nhiên bạn của Laura, từ giữa Tăng xávà liêu trụ trì hấp tấp vui vẻ đi ra cổng rào, tay vẫy chúng tôi như dấu hiệu kêu gọi đi vào, thế là chúng tôi đi vào trừ có Nga và Đà không đi, chừng như chưa được phép chính thức nên không vào.

Chúng tôi vào đứng ở vách Tăng xá, nhìn sang liêu phòng, thấy Thiền sư tươi tĩnh, nhìn sang chúng tôi. Mọi người lấy điện thoại thông minh ra, nhưng có ai đó khuyên không nên chụp ảnh. Tôi bước đến vị tăng đứng gần đó, cho biết nhóm Phật tử chúng tôi có số hiện kim cúng dường thiền sư, nhờ giúp dùm, vị tăng ấy nhận phong bì, bảo tôi đứng chờ, ngay lúc đó thị giả đã đẩy chiếc xe lăn, đưa thiền sư đi khuất khung cửa sổ, nghe nói đưa thiền sư đi thọ thực.


Thế là chúng tôi ra về, mọi người hoan hỷ được nhìn thấy thiền sư, trông rõ thần sắc của người an nhiên, ai cũng mừng cho người pháp thể an khang.

Chúng tôi chia làm 2 xe ra về, một nhóm đi ăn mặn, chúng tôi ăn chay nên đến quán chay Bồ Đề bên bờ sông Hương, gần cầu Tràng tiên. Gọi mấy món ăn, dở tệ là món mì xào dòn, hình như là bún Tàu, có vài cọng chưa chín nên vẫn còn nhỏ và cứng ngắt. Gỏi với bánh Bột lọc ăn được ngon miệng.


Sau khi dùng cơm xong Nga và Đà vào bệnh viện thăm thân mẫu của một Thầy thuộc làng Mai, nhà tôi và tôi đi xuống cầu đi bộ, cầu cất dọc theo sông Hương, ngang 4 thước, dài 450 thước, bằng danh mộc gỗ lim.


Mặc dù đứng trên cầu, nhưng thời tiết oi bức quá, nhà tôi thấy khó chịu trong người, nên chúng tôi gọi Taxi đi về khách sạn, mặc dù tôi biết từ đó về khách sạn chẳng bao xa. Tới khách sạn tôi trả tiền hơn một “cuốc”, bước lên, bước xuống.

Đà đi bệnh viện về, cho biết sẽ gọi tôi đi bộ ban đêm, nhưng tôi từ chối vì thời tiết oi bức quá, mọi phòng đều mở máy điều hòa, nên không mát là bao nhiêu.

Một ngày đến Huế, xem như chúng tôi đã toại nguyện vì đã được thăm viếng thiền sư Nhất Hạnh, mặc dù chỉ đứng xa khoảng chừng 7 hay 8 thước trở lại.

Xem thê hình ảnh tại:



8664230419






No comments:

Post a Comment