Pages

Tuesday, April 16, 2019

Về thăm nhà năm 2019


Năm nay sau khi đi chiêm bái Phật tích ở Ấn Độ về, tôi dành ít thời gian về quê viếng thăm mồ mả ông bà và thăm lại những nơi một thời xưa kia tôi đã trải qua những chuổi ngày thơ ấu.

Vào dịp Tết vưà qua, gia đình đã làm cỏ vén khéo những ngôi mộ trong khuôn viên nghĩa trang gia tộc, trong đó có tháp để tro cốt ông bà cố, mộ ông bà nội, mộ bác tôi, cha mẹ, hai chú tôi, mộ con gái, dâu của bác tôi, mộ của 2 anh và em gái tôi, tính ra chưa đến 30 ngôi mộ xây cất đơn sơ, bình dị và hài hòa.


Khi tôi còn nhỏ, chăn bầy dê khoảng chục con trong cánh đồng nầy, khu nghĩa trang nầy chỉ có mộ ông bà nội của tôi, mộ của thím tôi mà gia đình tôi thường gọi là cô Ba, cho đến sau nầy chôn cất cha tôi vào đầu năm 1954, đến hè năm đó tôi rời xa quê lên Châu Đốc học lại.


Từ đó tôi cũng rời xa nghĩa trang gia đình, xa thằng Khuyến, hắn là bạn lật đất cày bắt dế, leo cây bắt ổ chim. Tôi cũng rời xa cái xóm “trong giồng”, gồm có từ từ khu vườn cây dầu liền với nghĩa trang gia đình tôi, kế đó là nhà chú Năm, ba thằng Khuyến, chú Năm với cha tôi là anh em bạn dì, đất nhà của chú và đất nghĩa trang gia đình của tôi vốn là đất của ông Tiền Hiền, người lập làng Bình Lâm xưa, nay là làng Bình Thủy, nằm trên cù lao Năng Gù, thuộc huyện Châu Phú tỉnh An Giang, tiếp theo đó là nhà Bác Năm Liếng, có 3 con trai, tôi gọi là anh Mun, anh O, anh Ro, kế tiếp nữa là nhà anh Ba Xạ, kế đó là nhà anh Bảy “Thầy Chùa Lửa”, hai anh nầy là con của bác Ba Đại, kế tiếp là nhà bác Tư Bổn, bác có mấy anh con trai, tôi chỉ nhớ có anh Chín Ái, anh Mười Chiêu, anh Mười La, kế đó nữa là nhà bác Ba Thế, con Bác tôi chỉ còn nhớ có anh Ba Còn, kế đó là cái am của cô Út Đựng, em gái bác Ba, cô Út tu vài năm rồi bệnh nên nhờ ông Sáu Ong, người quê Cái Thia, tỉnh Mỹ Tho, đi ghe thương hồ bị ong đánh rớt xuống sông, ghe bị tàu kéo đi mất, ông tá túc nhà bác Ba, không rõ ông ta tên chi, nhưng bị ong đánh 6 vít, nên được người ta đặt biệt danh là "Sáu Ong", cô Út nhờ chú Sáu Ong ở giữ cái am đó, trong nhiều năm và có lẽ cho đến cuối đời ông ấy. Đất của những người tôi vừa kể, vốn là đất của ông Tiền Hiền Dương Văn Hóa, bà cố tôi là Dương Thị Út gọi ông Tiền Hiền là ông Cố.

Sau khi thắp hương, viếng từng mồ mả, tôi nhờ thằng cháu gọi bằng Cậu đưa đi thăm xóm giồng, ngày xưa đều là nhà lợp lá, vách lá, ngày nay nhà lợp mái ngói, fibro hay tôn vách ván hay xây tô tường, tôi không còn nhận ra nhà nào với nhà nào, cháu tôi chỉ nhà “Thầy chùa lửa”, tôi biết đó là biệt danh của anh Bảy con bác Ba Đại, có nhà cháu chỉ cho biết đó là nhà ông Ba, tôi biết đó là Bác Ba Thế, ngoài ra những nhà khác, tôi biết là bà con, vai vế anh, chị hay cháu họ của tôi, thỉnh thoảng có những ngôi nhà bên vệ đường, có vài người nhìn tôi, dưới mắt họ tôi chỉ là người xa lạ.

Rồi chúng tôi đi xa hơn vài trăm thước, nơi đó xưa kia chỉ là cánh đồng tróng, nay có một ni cô được chủ đất hiến tặng, cô dựng nên một ngôi chùa khang trang, đương nhiên trong đó được thờ tự gia đình của thí chủ Lâm Thị Chuông, thân phụ của chị là Hương Sư Lâm Văn Nguyện, tôi gọi ông là Bác Ba, nhà ông cách nhà tôi 4, 5 căn nhà khác, cháu ruột cũng là con nuôi bác Ba là anh Xã Trưởng Lý Quốc Chênh, sát vách nhà tôi. 


Bác Ba “không biết chữ nhứt một”, là người giàu nhứt làng vào cuối thời Pháp thuộc, còn anh xã Chênh tuổi chưa đến 30 đã cất nhà ngói, vách bổ kho. Năm 1946 hay 1947 anh đi buôn, mua bò ở vùng Đốc Vàng, tỉnh Đồng Tháp bị Việt Minh bắt, xét thấy anh là cựu viên chức làng, khép tội anh làm tay sai cho Pháp, là Việt gian nên đã thủ tiêu anh ta.

Nhà của Hương Sư Lâm Văn Nguyện

Trên đường trở về nhà, cháu tôi giới thiệu nhà ông Năm Vương, tôi vào thăm nhưng chú đi vắng không có ở nhà. Tôi muốn thăm chú vì lâu lắm chừng 50 năm chưa từng gặp lại chú. Nhưng chú đã để lại trong tôi kỷ niệp khó quên. Đó là năm tôi lên 11 hay 12 tuổi, một hôm vào buổi trưa, chúng tôi ra cánh đồng ở sau vườn nhà, chỗ bãi đất tróng bằng phẳng do trước đó là “cà lang lúa”, là nơi người ta chất lúa sau khi gặt rồi cho bò đi vòng vòng đạp lên đó cho hột lúa rời ra khỏi bông lúa, để còn lại thân cây lúa khô gọi là rơm. Thường người ta dọn chỗ cà lang đất bằng phẳng, chú Vương khoảng bằng tuổi tôi, em là chú Công. Chú Vương chấp tôi và chú Công để vật lộn, tôi làm “anh hùng rơm” nhào vô trước, chú Vương ôm tôi quăng ra, tôi chỏi tay khi bị té, nên trặc tay. Buổi chiều hôm đó, tôi bị cánh tay phải sưng và sốt, nên cha tôi phải dùng thuốc bó lại, sau khi Bác Bảy bên cạnh nhà bắt tôi nằm xuống, một chân Bác đè vào nách tôi hai tay Bác nắm cánh tay tôi Bác kéo mạnh nghe tiếng “cụp”. Bó thuốc 2 hay 3 tuần sau mới mở ra, tôi không thể co cánh tay lại, phải tập co tay từ từ, chừng tháng sau mới co tay chạm vào vai được.


Tôi nhớ năm tôi tròn 12 tuổi, chắc là sau vụ trặc tay. Một hôm vào buổi sáng cha mẹ tôi ngồi tại bộ ngựa gõ giữa nhà, cạnh bàn nước, cha tôi gọi đứng trước mặt để cha tôi dạy chuyện. Cha tôi nói: “Hôm nay con đã tròn 12 tuổi, từ sanh con ra cho đến hôm nay, cha mẹ trông nom con, con không hề bị tật nguyền, thân thể con nguyên vẹn. Kể từ hôm nay con đã khôn lớn, cha mẹ không thể trông nom con được nữa, con phải tự bảo vệ, giữ gìn thân thể con, nếu chẳng may con để bị tật nguyền không thể trách phiền cha mẹ. Nhớ kỷ điều cha mẹ dạy con hôm nay nghe.”


Chú Năm Vương là con ông Chín Thiệt, bà Cố của chú Năm Vương là bà Sơ của tôi, thuở nhỏ tôi biết chú Vương với tôi có bà con, nhưng tôi không rõ bà con ra sao. Mấy năm gần đây, ngoài bảy mươi rồi, tôi mới biết mồ mả bà Cố chú Năm Vương chính là bà Sơ của tôi.Ông Chín Thiệt không biết chữ, nhưng ông đặt tên các cô chú con của ông đều là tên đẹp:  cô Tưởng, chú Vũ, chú Vương, chú Công, cô Phụng. Có thể đọc thành: Tưởng Vũ Vương Công Phụng.

Cách nay vài năm, tôi đưa anh em chú bác đi sang Tham Buôn làng Mỹ Hội Đông, quận Cao Lãnh tỉnh An Giang, tìm thăm người bà con đầu ông Sơ bên Nội của tôi. Đầu năm nay, tôi đi Bù Húc nay thuộc xã Phong Hòa huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp, tìm thăm bà con bên Ngoại cùng đầu ông Cố.

Giềng mối thân tộc, họ hàng, làng xóm là một mối liên hệ gắn bó, dẫu đi xa góc biển, chân trời cũng khó quên. Nó gắn bó từ huyết thống, họ hàng và những kỷ niệm một thời thơ ấu.

866414042019











No comments:

Post a Comment