Saturday, December 31, 2022
Tuesday, December 20, 2022
Trở về Mỹ
Sáng sớm ngày Thứ Bảy 17-12-2022, chúng tôi bắt đầu rời nhà vào lúc 5 giờ 30 sáng. Đến phi trường vào lúc 6 giờ. Nhà tôi có hẹn với cháu Khiêm là người đẩy xe lăn, hôm trước đã đón chúng tôi, để cháu giúp đưa chúng tôi ra phi cơ trong chuyến về nầy.
Vài hôm trước
khi về, tôi đã gọi điện cho hãng máy bay Japan Airlines cũng như American
Airlines báo cho họ biết: chúng tôi cần xe đẩy cho nhà tôi và chúng tôi ăn chay.
Tại quầy soát vé của JAL cô nhân viên cho biết đã có xe đẩy (Whellchair) và thức
ăn chay, còn hãng American Airlines họ không liên lạc được để giúp chúng tôi, tôi
cho họ biết đã có yêu cầu rồi.
Tôi có 2 hộp hành
lý ký gửi, Khiêm cẩn thận nhìn xem ở trạm kiểm soát, thấy một hộp bị giữ lại, họ
cho biết trong đó có cục pin, không thể gửi trong kiện hàng ký gửi, vì nó có thể
bị nổ. Do đó, Khiêm giúp tôi lấy cục Pin dự phòng để nạp điện ra khỏi hộp hành
lý ký gửi, rồi dùng băng keo dán lại.
Khoảng 8 giờ sáng
phi cơ ra phi đạo rồi cất cánh, đến phi trường Narita Tokyo khoảng 15 giờ (giờ địa
phương). Hành khách chuyển phi cơ ngồi chờ ở Cổng 72 đến 18 giờ hơn, phi cơ mới
bắt đầu lăn bánh ra phi đạo, khoảng cách nầy rất xa. Trời đã tối vì mùa Đông nên
chỉ thấy đèn ở phi trường mà thôi.
Phi cơ bay xuyên
đêm từ Narita, lên gần Vancover (Canada) rồi vòng xuống để vào đất Mỹ ở khoảng
Bắc California, rồi bay xuống Colorado trước khi vào Texas. Phi cơ đáp xuống
Dallas Forth Worth khoảng 14 giờ.
Đặc biệt trong
lần nầy hành khách không phải kê khai mang tiền vào Mỹ cũng như thức ăn, hạt giống,
cây trồng … Khi nhập vào Mỹ, chỉ đưa Thẻ Thông Hành (Passport) cho Cảnh sát phi
trường làm thủ tục Nhập khẩu, có chụp ảnh từng người, chỉ có vậy mà thôi rồi đi
đến chỗ nhận hành lý ký gửi, sau đó mang tới chỗ băng chuyền để họ chuyển hành
lý cho chuyến bay tiếp theo, không hề bị xét hỏi chi cả.
Tôi tự nghĩ đây
là thủ tục mới của Mỹ phải không ? Hay chỉ là tạm thời vì lý do chi đó.
Chúng tôi đến
Cổng B35 chờ chuyến bay về nhà cất cánh lúc 18 giờ 25 (giờ địa phương), phi cơ
chúng tôi về đến Louisville, Kentucky gần 22 giờ đêm. Thời tiết mùa Đông năm
nay rất lạnh, nhiệt độ ngoài trời 290 F, tương đương với -20C,
các con chúng tôi đi rước phải mang theo áo ấm, mũ đội chống lạnh cho chúng tôi.
Về đến nhà 23
giờ đêm. Chấm dứt chuyến về Việt Nam năm nay, có mấy việc tôi không làm được là
đi tham quan ở Hà Giang, đảo Nam Du ở Kiên Giang, do nhà tôi phải đi làm 2 hàm răng
và tôi bị Covid, nên hụt chuyến đi Đà Lạt, ngược lại chúng tôi có chuyến đi Bảo
Lộc, chuyến đi tham quan lăng Mạc Cửu và mộ Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên.
Được dự đám giỗ
thân mẫu ở Phú Hòa huyện Thoại Sơn, đi thăm các em, cháu ở Năng Gù, Bình Hòa, Bình
Thạnh Đông, Châu Đốc. Thăm cô em (bên ngoại) ở Bù Húc huyện Tân Bình tỉnh Vĩnh
Long.
Không gặp được
đông đủ các đồng nghiệp, đồng môn ở quán Boléro Coffee 29 Thái Thuận Phường An
Phú, Quận 2, Tp HCM. Hôm đó chỉ có anh Nguyễn Văn Dưỡng, Thái Thí và một anh
CHS trường Đà Nẵng, nay là Giám Đốc Cty sản xuất tôn. Có duyên gặp lại Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn
Trung Dân, Nguyễn Trung Hiếu, Trần Trọng Thức (phu quân của nghệ sĩ Kim Cương,
chúng tôi đã ngồi cùng chuyến xe đưa tù Cải tạo từ Trường Tabert đến Trãng Lớn ở
Tây Ninh năm 1975), Phan Chánh Dưỡng và Đông Duy. Có hôm hội ngộ cùng anh Thái
và họa sĩ Ngô Thanh Tùng cũng tại Mellower Coffee.
Được gặp lại các
đồng nghiệp và CHS Trường NTT và PĐP cũng như các đồng nghiệp Cty Trang Bị Kỹ Thuật thuộc Sở Công Nghiệp Tp
HCM thật là ấm lòng, vì tràn đầy tình cảm sau nhiều năm mới gặp lại, nhất là
sau dịch bệnh Covid-19 nầy.
Được dự Ngày Nhà Giáo kỷ niệm 40 năm NNG tại Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, gợi lại nhiều kỷ niệm mới đó mà đã trên 40 năm lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/1982 tại trường nầy.
Và dự Ngày
Họp Mặt Tri Ân Thầy Cô của Cựu Học Sinh NTT - PĐP vào ngày 27-11-2022 tại
nhà hàng Đông Hồ đường Cao Thắng nối dài, Q.10, Tp HCM. Truyền thống
tốt đẹp của Trường mà các anh chị em CHS đã tham dự rất đông đủ,
nói lên tinh thần "Tôn Sư, Trọng Đạo" của học sinh Việt Nam ta.
Tiếc rằng đã
có hẹn với Thiện Linh Đặng Văn Nữu để đi thăm GĐPT Vĩnh Nghiêm cũng như Phúc Ân Nguyễn Huy Nghiễm và Roãn Thái Quyết, nhưng Nữu không thực hiện được.
Cũng như không gặp được Hồ Văn Hiền để đi ra Long Thành viếng
thăm HT Minh Tâm và Kiến Tánh, rất lấy làm tiếc. Cũng có dự định đến
tòa soạn báo Giác Ngộ tìm số báo cũ năm 1978 hay 1979 để chụp lại tấm ảnh
HT Thích Minh Châu thỉnh chuông cho Chủ tịch HCM dâng hương nơi
nào đó ở Ấn Độ, nhưng cũng không thực hiện được.
866420122022
Saturday, December 10, 2022
Về 5 Ông Thẻ hay Ngũ Long trấn phục
Theo giảng Nhà láng của
đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và lời truyền lại, vào khoảng năm 1851,
vâng lệnh thầy là Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên), Quản cơ Trần Văn
Thành cùng một số người lên núi tìm gỗ "lào táo" rồi đẽo gọt
thành hình búp sen và khắc bốn chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương", rồi
đem cắm 5 cây thẻ ở 4 phương và 1 cây thẻ ở trung tâm. Gọi là Ngũ Long Trấn Phục.
Có truyền thuyết cho rằng về sau Núi Cấm sè nổ
ra, bày tỏ bên trong có cung điện nguy nga bằng vàng, bạc, châu báu. Khi núi nổ,
đá sẽ văng ra tứ tung, do đó cấm thẻ để cho người dân, tín đồ lánh ra khỏi vùng
có cấm thẻ, để tránh bị tai nạn đá văng gây thương tích, tử vong. Chớ không có
mục đích trấn ếm hay phân chia ranh giới.
Sau đó vì tín ngưỡng, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã
xem các cây thẻ là những "vật thiêng", đã lập miếu thờ và gọi tôn là
"Ông Thẻ" hay "Quan Thẻ".
Dưới đây là vị trí 5 cây thẻ:
- Cây thẻ số 1 có tên là Đông phương Thanh
Đế được cắm ở làng Cần Đăng; nay thuộc huyện Châu Thành,
tỉnh An Giang. Thẻ được cắm ở vị trí trước bàn thông thiên (phía sau cột
cờ), tuy nhiên do thời gian, thẻ đã bị đất bồi lấp nên không còn nhìn thấy
được.
- Cây thẻ thứ 2 có tên là Bắc phương Hắc Đế được cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung; nay thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đây là cây thẻ lộ thiên được quấn lớp vải đỏ thờ rất nghiêm trang trong một đền thờ giữa 2 hàng gươm giáo.
- Cây thẻ số 3 có tên là Tây phương Bạch Đế được cắm ở chùa Bồng Lai (Bồng Lai Cổ Tự), cũng được gọi là Chùa Bà Bài, nằm bên kênh Vĩnh Tế ở Châu Đốc.
- Cây thẻ số 4 có tên là Nam phương Xích Đế được cho là cắm ở làng Vĩnh Điều; nay thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.Vì người ta không biết đích xác là ở đâu, nhưng nơi đây có gò đất cao, có vài dấu hiệu kỳ lạ nên người ta tin tưởng ở đó là nơi đã cắm thể. Một là trâu bò không dám đến đó ăn cỏ, hai là có người chủ máy cày, máy cày cứ chạy vào vùng nầy thì tắt máy, Do hiện tượng lạ đó, người ta tin nơi đây đã có cắm thẻ của Đức Phật Thầy, nên nhà cầm quyền địa phương cho phép dựng nên Đền Thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành, để thờ cây thẻ số 4, chớ thật ra không có cây thẻ nào ở đó.
Vào 19 tháng 12 Tân Sửu, cô tư An Giang và anh Tám Nguyện có làm lễ Khánh Thành
Đền Thơ Ông Thẻ Nam Phương tại ấp Cà Na, xã Lương An Trà thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh
An Giang. Vì Dinh Thẻ số 4 đã có ở xã Vình Điều, huyện Giang Thành tỉnh Kiên
Giang, nên người ta cho là Dinh Thẻ ở Lương An Trà là giả. Cây thẻ cũng có nhưng
cho là không phải gỗ Lào Táo. Chuyện thật hư sẽ được chứng tỏ sau nầy.
- Cây thẻ số 5 có tên
là Trung ương Huỳnh Đế được truyền thuyết cho rằng đây là cây
thẻ "trung tâm", đước cắm trong hang ở ấp Vồ Đầu trên núi Cấm, bên
cạnh hang ông Bác Vật Lang, nay thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Nhưng không ai biết rõ là cây thẻ nầy, có người cho nó là cây thẻ lào táo, có
người cho nó là phiến đá. Nói chung cây thẻ Trung Ương Huỳnh Đế cho đến nay vẫn
còn là vật thiêng bí mật.
Vùng Thất sơn được mệnh danh là
Thất sơn huyền bí, cho đến nay mặc dù có nhiều phố xá, nhà lầu, cáp treo. Nhưng
nó vẫn còn là Thất sơn huyền bí, vì có nhiều điều người ta vẫn chưa lý giải được
cho rõ ràng với thời đại hiện nay.
Wednesday, December 7, 2022
Tôi bị Covid-19
Ngày Thứ Bảy 3 tháng 12 năm nay 2022, chúng tôi được Ni trưởng Kim Sơn ở Quan Âm Tu Viện thành phố Biên Hòa, đưa chúng tôi đi Bảo Lộc để tham quan Chùa Tịnh Vân, nơi đây là một mảnh vườn trồng cây cà-phê, trà, macca, bơ, xoài riêng mỗi thứ một ít, chủ yếu là trồng thông.
Nơi đây có
chùa, xây cất và tôn tượng trang nghiêm, thanh tịnh, có am của cố Ni trưởng Huệ
Giác và vài am, cốc khác. Khí hậu mát mẻ, phong cảnh im lìm chỉ có tiếng thông
reo thỉnh thoảng điểm vài tiếng chim hót.
Trước đây,
khi Ni trưởng còn sinh tiền, Ni trưởng bảo tôi :
“Nếu chú Tông
ừ một tiếng, Già sẽ cất cho chú Tông một cái Cốc để tịnh tu”. Lúc đó có bác sĩ
Nguyễn Minh Chiếu, ông ta nói ngay: “Ai con không đồng ý, chớ ông Tông thì con
đồng ý xin Già cất bên cạnh cốc con.”. Đó là nơi núi Dinh chớ không phải trên đất
Bảo Lộc nầy. Nơi đây Ni trưởng tạo dựng có đến 5 mẫu cây ăn trái và cây rừng.
Theo lời Ni
trưởng Kim Sơn cho biết. Trước khi viên tịch Ni trưởng Huệ Giác có dặn Ni trưởng
Kim Sơn là phải đưa tôi đi viếng mảnh đất nầy. Đây là công trinh sau cùng của
Ni trưởng Huệ Giác đã gầy dựng nên. Cho nên tôi phải “y giáo phụng hành”.
Trong chuyến
đi nầy, Ni trưởng Kim Sơn điều hành, tháp tùng theo có Sư cô Liễu Anh, nhà tôi
và tôi. Tài xế là anh Điền, anh có cho biết từ nội tổ rồi đến song thân của anh
đều đi Quan Âm tu viện từ thời Hòa Thượng Thích Thiện Phước, chúng đệ tử thường
tôn xưng là Mẫu Trầu, đến Ni trưởng Huệ Giác chúng đệ tử thường tôn xưng là
“Ông Già” hoặc “Ông Lục”, nay anh Điền tiếp tục đi Quan Âm tu viện theo truyền
thống gia đình.
Ở Sàigòn con
rể chúng tôi đưa đi, khởi hành từ 3 giờ sáng, đến Quan Âm tu viện chưa đến 4 giờ.
Sau khi chất hành lý lên xe, xe do anh Điền lái bắt đầu lăn bánh lúc 4 giờ 15, xe
chạy theo quốc lộ 1A rồi Quốc Lộ 20. Đến Định Quán trời đã sáng rõ, xe dừng lại
ở chợ để quí cô mua thêm hoa quả, lại mua thêm khoảng hơn 30 ổ bánh mì. Hoa quả
để cúng Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ, còn bánh mì nghe cô Liễu Anh nói để cho mấy
con chó cưng ăn.
Mặc dù ở chùa
có chuẩn bị thức ăn sáng, nhưng do nhà tôi cần đi giải, nên xe ngừng lại ở quán
Hủ tiếu ven đường, 3 người dùng hủ tiếu, 2 người dùng bánh ướt.
Chúng tôi đến
thị trấn Bảo Lộc hơn 9 giờ sáng, xe chạy theo con đường có tráng nhựa, có đỗ đá,
nhưng bị xe ben chỡ cát làm thành nhiều ổ gà, ổ voi không được sửa chữa, nên đường
chỉ dài khoảng 2 km mà xe bò chậm rãi vậy mà vẫn bị dằn, bị xóc, may mà tài xế Điền
biết lái để bảo dưỡng xe, nhờ vậy mà người ngồi trên xe bớt bị dằn vật nhiều.
Lên đến nơi, cô Liễu Anh đưa chúng tôi đi lễ Phật ở chùa Tịnh Vân, Cốc Ông Già và tham quan vài cốc khác rải rác gần đó. Đứng trên đây nhìn xuống thị trấn Blao không xa, thấy rõ phố xá, xe cộ di chuyển, phong cảnh thật là đẹp, khí hậu mát mẻ, tuyệt vời. Ngay su khi Ông Sáu tịch, cô Liễu Anh buồn quá đã ra đây tĩnh tu trong 6 tháng, sau đó cô phải trở về Quan Âm tu viện vì cô có bệnh tim, ở Blao thuốc men không đủ, bất tiện cho người có bệnh như cô.
Chúng tôi nhân
tiện hái một ít lá trà xanh để nấu uống. Tôi nhớ mấy năm trước cũng ở thị trấn
Blao nầy, chúng tôi ghé quán hủ tiếu chay, ăn xong họ mang ra một bình trà
xanh, tôi không ngờ được uống một bình trà xanh, hương vị đậm đà thật tuyệt vời
cho đến nay chúng tôi chưa bao giờ được uống. Phải chăng họ có bí quyết pha trà
xanh.
Rồi bữa cơm
trưa được dọn ra, có anh chua, có rau muống xào, có món kho chay, tuy đơn giản
nhưng rất ngon miệng.
Ăn xong, chưa
đến 12 giờ trưa, chúng tôi trò chuyện nhắc đến những người tu Bát Quan Trai tại
Quan Âm tu viện, từ khởi đầu năm 1986 do Ni trưởng Huệ Giác khởi xướng tổ chức
sau khi Mẫu Trầu viên tịch, từ đó cho đến nay còn lại rất ít người. Ông Năm Bưu
Điện vị cư sĩ đầu đàn, chúng tôi gọi là ông thượng thủ, ông Tự ở Phú Thọ Hòa, anh Hai bán sách, nay họ đã
về đất Phật, huynh Đại Nhẫn Nhục, huynh Bảnh đã xuất gia nay đã là Thượng Tọa,
huynh Trừ, bác sĩ Chiếu, huynh Nhân, và Hòa vẫn còn tu học, nhưng nhiều người đã
không còn hoặc già yếu không thể đi xa tham dự các khóa tu.
Gần 1 giờ
chiều chúng tôi lên xe ra về, dọc đường có lúc lấp phất mưa rơi. Về đến Quan Âm
tu viện hơn 5 giờ 30, Ni trưởng Kim Sơn và Sư cô Liễu Anh đưa chúng tôi vào xem
phòng trưng bày Xá Lợi. Có rất nhiều loại xá lợi khác nhau, do Phật tử cúng dường.
Theo Ni trưởng Kim Sơn cho biết ở một ngôi chùa nào đó trong địa phận Đồng Nai,
khi Phật tử đi viếng chùa, nếu có duyên sẽ được chư thiên cho xá lợi, có viên bằng
hột gà màu trắng, có những viên đủ màu sắc nhỏ bằng ngón tay út, lại có những
viên xá lợi nhỏ hơn. Chúng tôi được Ni
trưởng Kim Sơn cho mỗi người 1 viên, để thờ cúng trong gia đình, cô Liễu Anh cho cái hủ nhỏ bằng thủy tinh
để đựng, cái hủ nầy do Thái Lan chế tạo nó như là kính hiển vi, nhìn viên xá lợi
to hơn thật.
Chúng tôi về
đến nhà ở Sàigòn khoảng 8 giờ đêm. Ăn cơm xong tôi cảm thấy trong người hình như
bị cảm, có ho khan, nên uống 2 viên Tylenol rồi đi ngủ.
Đến sáng ngày
Chủ Nhật 4-12-2022, tôi ngủ dậy thấy sức khỏe yếu, ho, cổ họng đau. Tôi nghĩ rằng
mình đã bị Covid-19 rồi vì những triệu chứng rõ ràng: Ho, sốt 38 độ, đau cổ họng,
uống cà-phê không cảm thấy ngon.
Tôi tự kiểm điểm
lại những ngày qua mình đã giao tiếp với ai và như vậy bị lây lan lúc nào ?
Ngày Thứ Năm
1-12-2022, tôi không có đi ra khỏi nhà.
Ngày Thứ Sáu 2-12-2022, buổi sáng khoảng 8 giờ 30, tôi
có ra cà-phê Mellower ở trước nhà thờ Đức Bà Sàigòn, trò chuyện với anh Nguyễn Quốc
Thái và anh họa sĩ Ngô Thanh Tùng bạn của Thái, đến khoảng 10 giờ chúng tôi
chia tay nhau. Tôi dùng xe bus 01 Bến Thành-Chợ Lớn rồi đi tiếp xe 16 Bến xe Chợ
Lớn-Bến xe Tân Phú để về nhà khoảng 12 giờ trưa.
Như vậy tôi đoán
mình chỉ bị lây nhiễm khi đi xe bus, mặc dù trên xe bus mọi người đều phải mang
Khẩu trang.
Ngày Chủ nhật
4-12-2022, tôi bắt đầu bị Covid-19 hành, nhưng đó chỉ là ngày đầu, ho, cảm thấy
sốt, mệt mỏi, nhưng tôi vẫn đi lại và ăn cháu trắng, ngủ nhiều. Tôi dùng thuốc uống hoặc ngậm như: Ampicilin 500mg, Tylenol 500mg, Neo-cordion, Theraflu, Chlorpheniramine 4mg,
Dorithricin, Cepacol, Efferagan, UPSA-C. Test Covid thấy rõ kết quả có 2 vạch.
Ngày Thứ Hai
5-12-2022, tôi bị hành nhiều, ho cổ họng đau rát, nóng, nuốt nước bọt hay uống
nước thật là cực hình, khi hai hàm cử động, đau ở quai hàm cổ họng không thể tưởng.
Ngày hôm nay phải nói là đau cực hình. Ngày hôm nay con rể tôi hỏi bác sĩ Minh
- Trước kia chúng tôi đi bác sĩ Phạm Khắc Hiệu ở đường Lê Hồng Phong, Quận 5,
nhưng nay bác sĩ Hiệu tuổi cao nên đã nghỉ hưu – Bác sĩ Minh ở Bệnh viện Chợ Rẫy khuyên nên mua thuốc
sau đây:
1. Dirithicin 1 vĩ/10 viên. Ngậm họng, lần 01 viên, ngày 03-04 lần
2. UPSA C, pha nước uống, ngày 1 viên
3. Neo-cordeon 10 viên. Lần uống 01 viên, ngày 3 lần
Ngày Thứ Ba
6-12-2022, tôi vẫn đi đứng bình thường, ăn cháo mỗi bữa 1 chén cháu trắng, gần
như tôi không còn nóng, cổ họng đã bớt đau, ho cũng bớt nhiều. Tôi vẫn tiếp tục
uống 3 liều thuốc một ngày như sau:
1. Ampicilin 500mg 1 viên
2. Tylenol 500mg 2 viên
3. Neo-cordeon 1 viên
4. Chlorpheniramine 4mg 1 viên
Ngậm
Dorithicin và Cepacol, uống UPSA-C
Ngày Thứ Tư
7-12-2022, tôi ăn cơm được, uống nước thoải mái không còn đau cổ họng. Có thể bệnh
đã lui dần gần bình phục trở lại.
Hôm nay vì
Covid tôi mất một dịp gặp các đồng nghiệp vào sáng Thứ Tư hàng tuần tại Boléro
Coffee 29 Thái Thuận Phường An Phú Quận 2, theo Lê Đình Cần cho biết hôm nay sẽ
có mặt đông đủ mọi người, có thể có cả Nguyễn Đức Lộc, đồng môn CĐSPKT chúng tôi.
Tiếc quá nhưng biết làm sao !
Có điều đáng
nói mặc dù tôi chích đủ 4 liều Vaccine, gồm 2 liều chính và 2 liều phụ tăng cường,
đều là thuốc của Pfizer, nhưng Covid vẫn bị vướng! Tổng Thống Trump, Biden cũng
bị Covid-19 huống chi tôi ?
Oái oăm thay,
khi SARS-CoV-2 phát triển vào cuối năm 2019, tôi đã lên phi cơ trốn chạy về Mỹ
rời Việt Nam ngày 7-3-2020, bao năm tháng sống yên lành, tưởng rằng đã hết dịch
bệnh, nên trở về mới dính chấu lần nầy.
Cũng chỉ còn
có 10 ngày nữa thôi, tôi sẽ lên phi cơ về Mỹ, tưởng sẽ không có gì xảy ra. Ai
ngờ đúng là “Chạy trời không khỏi nắng!”.
866407122022
Saturday, November 19, 2022
Về quê ngoại dự đám giỗ mẹ
Hôm qua 18-11-2022, chúng tôi đã về quê ngoại của tôi để dự đám giỗ Mẹ do các cháu con ông anh kế tôi cúng lễ. Chúng tôi gồm có nhà tôi, con gái đầu và tôi, sang sớm vào lúc 5 giờ đã khỏi hành từ Sàigòn đi Long Xuyên.
Vì trên Xa lộ
Tp HCM-Trung Lương có tai nạn giao thông tại nút giao Long An, nên xe chúng tôi
phải xuống Xa lộ, vào Long An để dùng Quốc Lộ 1A đi, nên cũng không sử dụng Xa
lộ Trung Lương - Mỹ Thuận, chúng tôi đi quá TT Cai Lậy dừng xe bên đường để ăn
sáng tại một quán Chay bên đường, vì tài xế thấy quán ăn sạch sẻ. Chúng tôi vào
quán dùng Hủ Tiếu chay và cà-phê sữa. Quán chẳng những sạch sẻ, nấu ăn ngon mà
cà-phê cũng khá ngon, cả hai tôi dùng đều vừa ý, tiếc rằng tôi quên ghi nhớ tên
quán nầy.
Đến Phú Hòa
từ phía bên nây Chợ, sang phía bên kia Đình là một con kênh, thời tôi còn nhỏ,
qua lại bằng chiếc cầu sắt, sau nầy xây xi măng rồi người ta xây thêm một chiếc
cầu khác, lần nầy về, chiếc cầu xây thêm đó đã bị đập phá vì cầu xây không cao,
nên ghe, xuồng chở lúa không thể di chuyể xuyên qua, rất bất tiện cho người nông
dân. Họ đang chuẩn bị xây cầu mới và chúng tôi phải dung cầu cũ bắt ngang song
từ chợ Phú Hòa cũ sang Đình.
Đến nhà các
cháu đã cúng, nhưng vẫn giữ nguyên chờ tôi về, tôi thấy các cháu con ông anh tôi
có mặt gần đủ, trừ đdứa con út đang sinh sống ở Úc, hai cháu rể có mặt, còn cháu
rể thứ tư đã mất từ mấy năm trước, còn có đứa cháu trai con của em gái út của tôi.
Không thấy mấy đứa em, con Dì Sáu chúng tôi, hỏi cháu Việt Điểu chủ nhà, cháu
cho biết năm nay cháu không có mời.
Tôi, nhà tôi,
con gái tôi thắp nhang lạy bàn thờ, tưởng nhớ đến Mẹ tôi, một bà mẹ rất an phận
thủ thường, Mẹ tôi mất trong ngôi chùa sát cạnh phần đất của bà ngoại tôi, sau
nầy chia cho Dì Ba tôi, tôi được biết ngày xưa mẹ tôi đã quy y nơi chùa nầy và
hình như ngôi chùa có sự liên hệ nhiều đến gia đình bên ngoại tôi, nên khi mẹ tôi
bệnh nặng, từ núi Sập chỡ về Phú Hòa không để tịnh dưỡng hay điều trị tại nhà bà
chị hoặc em ruột mà lại đưa vào chùa nằm và đã trút hơi thở cuối cùng tại đó.
Sau khi 2 đứa
con trai chị Ba tôi cùng vợ đến dự, sau khi nhang trên bàn thờ đã tàn, chúng tôi
vào bàn ăn. Một bàn toàn phái Nam và bàn khia toàn phái Nữ.
Vưa dùng bữa
vừa trò chuyện, chúng tôi đã hỏi thăm những người quen ở Năng Gù, cháu Trường cũng
biết khá nhiều về những người tôi đã quen biết trước đây.
Cơm nước
xong, chúng tôi ngồi trò chuyện một lúc rồi chúng tôi ra về trở lại Sàigòn. Lần
nầy chúng tôi đi từ Phú Hòa ra Thành phố Long Xuyên, đi qua cầu Vàm Cống rồi cầu
Cao Lãnh, theo QL 30 đi về Mỹ Thuận. Đến đây chúng tôi dung Xa lộ Mỹ Thuận –
Trung Lương, xa lộ nầy thu phí rất đắc, xe chúng tôi thuộc loại 5 chỗ ngồi, phí
103 ngàn đồng, xa lộ nầy thu phí đắc, không có làn đường cho xe khi có sự cố, có
vài chỗ nhỏ hẹp để xe dừng lại tạm thời. Đất 2 bên của Xa lộ còn rộng, nhưng người
ta không làm đường dừng khẩn cấp.
Xe đang chạy
trên xa lộ Mỹ Thuận – Trung Lương thì trời
đổ cơn mưa tầm tả, thiếu điều không thấy đường lái xe, khi nhập làn Tp HCM –
Trung Lương trời mới bớt mưa. Hiện nay Xa lộ Tp HCM – Trung Lương không thu phí.
Chúng tôi về đến nhà đồng hồ chỉ 5 giờ chiều.
Một chuyến đi
với nhiều kỷ niệm, nhất là lần đầu tiên đi Xa lộ suốt từ Mỹ Thuận qua Trung Lương
về đến Sàigòn.
8664191122
Thursday, November 3, 2022
Chuyện buồn mới đến
Năm nay về Việt Nam có 2 chuyện buồn bất ngờ cho tôi, nó đã xảy ra trong những ngày gần đây, vô tình tôi mới biết, vì khi mới về có nhiều việc, nên không lưu vào Iphone hay máy tính, nay tìm lại hơi khó nhưng cũng tìm ra.
Chuyện buồn
thứ nhất là anh Nguyễn Hoàng Phụng, pháp danh Đức Quảng sinh năm 1958 tại Sàigòn,
mất ngày 19-10-2022. Là Huynh Trưởng Trong Ban Hướng Dẫn GĐPT Việt Nam được
truy phong Cấp Dũng GĐPTVN.
Năm 2014 GĐPT
Vĩnh Nghiêm tổ chức “10 năm tưởng niệm Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu” Đức Quảng và
tôi ngồi cạnh nhau, từ đó tôi biết anh rồi có liên lạc với nhau qua Điện thư.
Anh có sưu tầm
và gửi cho tôi ảnh của Huynh Trưởng Văn Tâm Sỹ, thời gian năm 1960 từng là Liên
Đoàn Trưởng GĐPT Giác Dũng sinh hoạt tại chùa Phổ Quang trong Bắc Việt Nghĩa
Trang. Đây là một đơn vị mạnh nhứt thời bấy giờ tại Sàigòn, có đến 400 đoàn
sinh, mỗi tuần sinh hoạt đều có vài xe GMC của quân đội đưa đón Đoàn Sinh từ Chợ
Lớn, Gia Định về Tân Sơn Nhất sinh hoạt. Lúc đó anh Văn Tâm Sỹ làm Tổng Thư Ký,
tôi là Phó Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc
Việt Tại Miền Nam, có văn phòng tại Chùa Giác Minh, sinh hoạt thường xuyên tại
Trung Học Tư Thục Vạn Hạnh ngay góc đường Hai Bà Trưng – Yên Đỗ, khoảng năm
1962 hay 63 anh Sỹ xuất gia, về sau là Hòa Thượng tại một ngôi chùa ở Đà Nẵng,
trên đường đi Phật sự về, ngài bị tai nạn giao thông đã tử vong.
Anh cũng có
gửi cho tôi ảnh của Hòa Thượng Kiến Tánh trụ trì Chùa Bửu Lâm Long Thành tục gọi
là chùa Bà Đầm. Tôi biết HT Kiến Tánh khi tôi làm Liên Đoàn Trưởng, anh là
Huynh Trưởng GĐPT Minh Tâm sinh hoạt tại Chùa Phước Hòa, trụ sở Hội Việt Nam Phật
Giáo, một trong 6 tập đoàn Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam từ 1951 đến 1963, sau đó
giải thể để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964. Sau đó
Huynh Trưởng Kiến Tánh xuất gia, tham gia vào Tuyên Úy Phật Giáo, có lúc là Tuyên
Úy Phật Giáo thuộc Sư Đòan 23 Bộ Binh, đóng ở Banmêthuộc, rồi ngài rời khỏi Tuyên
Úy Phật Giáo về tu tại Chùa Bà Đầm ở Long Thành, Đồng Nai trước năm 1975.
Lần nầy về
Việt Nam, tôi có ý định sẽ đi thăm anh Đức Quảng tìm hiểu thêm về một số Huynh
Trưởng cùng thời với tôi sinh hoạt trong Đoàn Huynh Trưởng A Dục ở vùng Thủ Đô
Sàigòn. Hôm nào đó vô tình lên Mạng thấy có Cáo Phó tôi mới biết anh đã mất vào
ngày 19-10-2022.
Cũng vô tình
anh chị Cựu Học Sinh Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ hoặc Trung Tâm Chuyên
Nghiệp Phan Đình Phùng gửi ra tấm ảnh chụp đi dự tang lễ anh Phạm Hữu Tâm cựu Học
sinh Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ.
Nhờ đó tôi mới
biết Tâm đã qua đời ngày 11-7-2022 tại Bệnh viện Thống Nhất.
Tôi phải đọc
kỷ Cáo Phó mới tin rằng Tâm đã qua đời, vì vài năm trước Huỳnh Văn Sen, Phạm Hữu
Tâm và Dũng gặp nhau ở Cali có gọi điện thoại thăm tôi, Tâm có gửi hình cho tôi
xem cậu ta đang tập lái xe hơi. Do đó tôi tin Tâm, Dũng và Sen đã định cư tại
California. Nay không ngờ cậu ta mất tại quê nhà.
Hồi trước năm
nào đó, tôi có đến nhà Tâm kèm cậu ta về Kỹ Nghệ Họa, thân phụ của Tâm là anh
Duyên, chơi thân với anh Tùng thân phụ của em Tài nay định cư ở Canada và anh 9
Điện, họ là những người bạn làm ở Quan Thuế, tôi quen với họ qua anh Tổng Giám
Thị Trần Văn Sáng. Tết năm 1975, tôi có tổ chức một bữa tiệc tại nhà, anh Duyên
và nhạc phụ tôi gặp nhau, tôi mới biết thân phụ của Tâm và nhạc phụ của tôi có
quen biết nhau từ trước vì cùng quê ở Tầm Vu, Tân An.
Đó là những
tin đáng buồn mà tôi nhận được khi về tới Sàigòn trong năm nay. Nguyện cầu cho
kẻ về đất Chúa, người về đất Phật luôn được an nhiên.
866403112022
Wednesday, November 2, 2022
Đi bộ thể dục tại Công Viên Phú Lâm
Thông thường, sáng sớm sau khi mặt trời mọc, tôi đi bộ tập thể dục, những ngày gần đây ở Sàigòn, tôi không thể đi bộ tập thể dục vì trên vỉa hè, người ta để xe máy, để bàn ghế bày hàng bán choáng chỗ trên vỉa hè, muốn đi có nhiều lúc phải bước xuống lòng đường, rất nguy hiểm cho người đi bộ.
Cho nên sáng nay chúng tôi theo đường An Dương Vương quận Bình Tân đi đếng
Công viên Phú Lâm ở Quận 6, để chúng tôi vừa đi bộ, vừa xem người ta tập thể dục
dưỡng sinh ở tại đây:
Chúng tôi vào cổng thuộc khu vui chơi của Thiếu nhi, nên có những dụng cụ
cho các em vui chơi như xích đu, cưỡi ngựa ….
Chúng tôi thấy người lớn đi bộ cá nhân từng người, có khi có đôi bạn cùng đi
vừa đi vừa trò chuyện.
Cũng có những người vào đây tập dưỡng sinh tập thể.
Chúng tôi chưa đi hết công viên, nên không thể biết những người khác vào đây
tập thể dục như thế nào ? Vì chúng tôi vào đây nghỉ chân sau khi đi từ ngã tư Tân
Hòa Đông- Phan Anh – An Dương Vương. Cho nên chưa thấy hết, biết hết về những
hoạt động rèn luyện thể xác con người, cho được có sức khỏe.
866402112022
Hôm qua đi ăn cưới ở Sàigòn
Lần nầy về Việt Nam, tôi được người bạn mời dự tiệc Tân hôn cậu con trai út, tại nhà hàng Adora Dynasty số 1A đường Tôn Thất Tùng Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Sàigòn.
Thiệp mời dự
tiệc có ghi rõ, tiếp khách từ 17 giờ 30, nhập tiệc 19 giờ, nên lúc 17 giờ 40 chúng
tôi bắt đầu rời khỏi nhà, con rể tôi lái xe đưa đi, giờ đó là giờ cao điểm nên
cũng bị kẹt xe chừng non 10 phút, khi chúng tôi đến nơi khoảng 18 giờ 20, xe dừng
lại tôi đã gặp anh Trần Ngọc Lâm, em rể của Nguyễn Văn Hướng đang đứng chờ Hướng
gửi xe, nên chúng tôi vào trước, ký tên vào sổ lưu niệm, bỏ phong bì mừng cho cập
Tân hôn.
Hướng và Lâm
vào, nên chúng tôi đứng chụp ảnh chung với cô dâu, chú rể. Sau đó Phát rồi Tư
Trung cuối cùng Minh đến, chúng tôi ngồi một bàn trong đó có một cập vợ chồng lạ
ngồi từ trước, anh ta uống nước ngọt, nhưng thấy chúng tôi uống bia, anh ta lại
uống bia.
Trên sân khấu
có màn hình, trình bày những hình ảnh cặp đôi tân lang và tân giai nhân chụp ảnh
vài nơi, tay trong tay hạnh phúc.
Trước khi bắt
đầu buổi lễ một màn trình diễn vũ điệu, có một cập vũ công nam nữ, trình diễn một
vũ điệu, tiếp theo có them mấy vũ công nữ cùng trình diễn, rồi tất cả cùng xuống
sân khấu ra cửa đưa cặp tân lang và tân giai nhân vào sân khấu kế đó thân phụ và
thân mẫu chú rể vào, tiếp theo là thân phụ và thân mẫu cô dâu. Thân phụ chú rể
chủ hôn nhà trai có vài lời cám ơn khách, chúc sức khỏe và mời mọi người nâng ly rượu mừng lên để nhập tiệc.
Do ăn chúng
tôi an chay nên được một dĩa mì xào với nấm Đông cô và nấm King. Do con rể tôi
có hẹn, nên 20 giờ 30, chúng tôi rời bàn tiệc, khi mọi người bắt đầu dùng đến món
lẫu.
Rất tiếc là
chúng tôi phải ra về sớm, khi tiệc cưới vẫn còn đang vui mừng. Đây là lần thứ
ba tôi về Việt Nam đi ăn đám cưới. Lần trước cách nay khá lâu, có trên 10 năm,
chúng tôi dự đám cưới con của Nguyễn Quốc Thống tại Đệ nhất khách sạn.
Sau đó năm 2014, đi ăn đám cưới con của một
đồng môn tại nhà hàng Cung Hỷ, số 233 đường Nguyễn Văn Luông, Quận 6 Sàigòn. Có
nhiều đồng môn và 2 em cựu học sinh Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Cao Bắc
Tiến và Nguyễn Tấn Hưng tham dự.
Hình ảnh còn đó nhưng nhiều bạn đã ra đi như Nguyễn Văn Nhiều, Trương Quang Lộc, Cao Thọ An, Đỗ Ngọc Tĩnh, Đoàn Tấn Tường, Lê Thanh Ánh, Hồ Ngọc Điển ….
866401112022