Pages

Sunday, June 30, 2024

Tháng ngày hạnh phúc

Chừng 3, 4 tháng gần đây, thỉnh thoảng máy vi tính của tôi bị trục trặc, tôi thường dùng Phần mềm để diệt vi khuẩn, có khi tôi dung chức năng Phục hồi (Recover), để xóa bỏ những thứ không cần thiết, vì tôi nghĩ chúng làm cản trở sự sử dụng trên máy của tôi.

Lần mới đây, tôi muốn dùng Phần mềm WS-FTP để đưa bài viết lên Trang nhà, nhưng Phần mềm nầy không hoạt động, tôi nghĩ nó bị vi khuẩn, tôi dùng Phần mềm diệt vi khuẩn, nhưng nó vẫn không hoạt động, cuối cùng tôi dùng tới Phục hồi.

Có lẽ vì như vậy mà nhiều địa chỉ email trong máy tôi bị xóa đi, tôi muốn liên lạc cũng không có địa chỉ email những người mà mình muốn liên lạc. Hơn nữa có những người có liên lạc với tôi qua email, nhưng họ bị Tin tặc xâm nhập và chiếm đoạt email của họ, nên họ đã bỏ địa chỉ email cũ, thay thế địa chỉ email mới, tôi không biết nên không liên lạc được.

Trước đây, các cựu học sinh THKT Nguyễn Trường Tộ, chơi thân, kết bạn với nhau thành nhóm, rồi họ mở rộng vòng tay kết bạn với nữ sinh Trưng Vương,kết bạn rộng thêm trong tình huynh đệ.

Khoảng 10 năm về trước, cô gái Huỳnh Phương Linh, nhà ở trên đường Mai Thị Lựu gần Trường Nguyễn Trường Tộ, được các em NTT giới thiệu nên gửi email cho tôi thăm hỏi, sau đó Linh giới thiệu và nhờ cô Hạ đi thăm tôi lúc tôi về Sàigòn, sau đó vợ chồng cô Hạ và anh Kinh rước tôi lên nhà anh chị ở Hồ Dầu Tiếng, tham quan và trải nghiệm ở nhà anh chị một ngày đêm cho biết Hồ Dầu Tiếng.

Anh Kinh, Hùng, Tông, anh Ba

Rồi qua email, tôi biết con gái của Linh lập gia đình, vợ chồng Linh có một cửa hàng ăn vừa mới sang nhượng cho người khác rồi vợ chồng Linh lục đục vì chuyện gia đình. Bỗng dưng, tôi không nhận được email của Linh, tôi gửi email không thấy trả lời trả vốn chi cả.

Tôi gửi email cho anh Kinh hỏi thăm Linh cũng không thấy trả lời chi hết. Do vậy tôi đâm ra suy nghĩ có phải mình làm điều chi không phải nên cả Linh và Hạ đều tẩy chay tôi.

Cách đây chừng 1 tháng, tôi nhận được email của anh Kinh, nhưng do con gái anh là Nhân Ái gửi cho tôi biết, anh Kinh bảo cháu gửi cho tôi, báo rằng gia đình cháu vẫn ổn, sẽ tìm địa chỉ email của cô Linh gửi cho tôi, chừng 10 ngày sau cháu Nhân Ái gửi cho tôi email cho biết ba mẹ cô có nhà ở Nơ Trang Long, Tp Hồ Chí Minh cho tôi địa chỉ nhà, số phone của anh Kinh, cô Hạ và địa chi email của cô Linh.

Có địa chỉ Điện thư của Linh, tôi gửi email hỏi thăm, Linh được email của tôi, nhưng lúc ấy được tin thân sinh chồng cô ta bị ung thư ở giai đoạn cuối, nên cả nhà cuốn cuồn, lo báo tin thân nhân. Vài hôm sau Linh mới có thì giờ viết trả lời những điều tôi hỏi thăm. Nhất là những em Học sinh Nguyễn Trường Tộ, trong đó có em Luận ở Canada đã mất cách nay vài năm.

Còn Lư Cẩm Hán tôi nhớ năm đó 1974, Những trường trung học học ở Sàigòn có giải bóng đá, tôi đã chỉ đạo cho anh Giáo sư phụ trách Hiệu Đoàn Phùng Văn On, tìm cầu thủ giỏi, muốn học kỹ thuật, đắc cách cho họ nhập học. Lư Cẩm Hán là Thủ môn giỏi nên được chọn cho nhập học. Tôi cũng nhớ năm đó có giải Thiếu Niên Á Châu, em Cao Công Bình là học sinh Nguyễn TRường Tộ, lại được chọn trong đội tuyển của trường nào đó, Trọng tài quốc tế Đỗ Văn Dzu đã dàn xếp cho Bình được mang danh hiệu là học sinh Trung Học Nguyễn Trường Tộ tham dự giải Thiếu Niên Á Châu tổ chức tại Thủ đô Manila của Philippines, hình như Việt Nam năm đó đoạt giải nhì hay ba. Còn Trọng Tài Dzu năm đó là Cố Vấn Ban Chấp hành Hội Phụ huynh và Giáo sư Trung Học Nguyễn Trường Tộ.

Tôi nhớ những anh em kết nghĩa với Linh ở Nguyễn Trường Tộ có Lưu Minh Hoàng, Lư Cẩm Hán, Luận, Kỳ, Trần Bảo Hưng, và Hạ.

Năm 2011 vợ chồng Kinh-Hạ có rước tôi lên nhà của họ ở Hồ Dầu Tiếng, ngủ qua đêm, chuyến đi đó tôi có rủ thêm Trần Đình Hùng cùng đi, Hùng đã bị đột quị cách nay vài năm. Nay anh Kinh và Hạ có ý sẽ rước tôi trở lại nhà họ ở hồ Dầu Tiếng khi nào tôi về Việt Nam.

Từ 2 đến 18 tháng 6 vừa qua, con gái và cháu ngoại tôi từ Việt Nam sang thăm, con tôi đã ở Mỹ mấy năm về Việt Nam lấy chồng, sinh con. Đã mất thẻ xanh, tưởng khó đi Mỹ, nhưng xin đi thăm gia đình, họ cho đi dễ dàng, cũng là một thời gian hạnh phúc cho gia đình chúng tôi xum họp, nhất là ngày Father’s Day năm nay gia đình tôi có mặt gần đầy đủ, chỉ thiếu con rể lớn và thằng cháu ngoại lớn.

Father’s Day 2024

Trước đó tôi đi sang San Jose dự Họp mặt các CHS Kỹ Thuật Cao Thắng được gặp lại những đồng môn, đồng nghiệp, những cựu học sinh. Đến Santa Ana được thăm cậu em họ bị bệnh Alzheimer, được uống cà-phê hàn huyên với Thầy cũ, được trò chuyện với đồng nghiệp, bạn bè cũng như vài em Cựu học sinh.

Nguyễn Lâm, Nguyễn Điệp, Giáo sư Vũ Mộng Hà, Huỳnh Ái Tông

Tất cả những điều đó đã mang lại cho tôi những điều hạnh phúc lúc tuổi già vẫn còn đi lại, có dịp thăm viếng thầy cũ, bạn bè và những học sinh dành cho mình nhiều ưu ái, cũng như giải tỏa được nổi ưu tư mình đã có lỗi lầm gì mà người khác không liên lạc, thăm hỏi,. Nay biết rõ chẳng qua họ bị hack, nên đã thay đổi địa chỉ Điện thư, do đó mình gửi Điện thư địa chỉ cũ đã bị hack, nên họ không nhận được

866430062024







 

 

Tuesday, June 25, 2024

Tôi dự lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH

Ngày Thứ Sáu 21 tháng 6 năm 2024, tôi nhận được Thư Mời qua Điện thư (email), dự lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH của Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chánh Trị & Hậu Duệ tại Thành phố Louisville. Đến ngày Thứ Hai 24-6-2024 thư gửi qua đường Bưu Điện mới được phát tới nhà.



Theo như Thư mời, chiều Chủ Nhật vào lúc 2 giờ 15, tôi chuẩn bị đi dự lễ theo thư mời, nhà tôi thấy thế bảo con gái tôi lái xe đưa đi.

Khi tôi đến địa điẻm hành lễ trong phòng họp của Nhà thờ, vào khoảng gần 3 giờ, muốn vào phòng họp phải vào nhà bếp, rồi từ đó mới vào phòng họp. Nhưng ở nhà thờ ấy chắc từ chánh tòa có cửa chánh thức vào phòng họp, chúng tôi đi của sau chắc là vì Hội mượn địa điểm của Nhà thờ nên phải đi như thế.

Chắc khoảng 3 giờ 15 hoặc 20, các Hội viên và thân hữu mới đến nhiều, có nhiều người tôi quen biết từ lâu, nhưng cũng có vài người mới gặp lần đầu, nhất là giới trẻ, sau tôi mới biết đó là Hậu Duệ của HO.


Anh Lê Văn Hùng, Cựu Sĩ Quan Không Quân đương kim là Hội Trưởng, người năng nổ nhất hiện nay, hôm nay anh là người điều khiển chương trình, trước tiên là mọi người đứng lên nghiêm chỉnh chào đón toán Hầu Cờ rước Quốc Quân Kỳ đến vị trí hành lễ trước bàn thờ Tổ Quốc, cũng là trước mặt mọi người hiện diện.

Toán hầu cờ đang chuẩn bị hành lễ

Buổi lễ tiến hành chào cờ, phút mặc niệm rồi giới thiệu thành phần tham dự, kế tiếp là Nghi thức dâng hương do anh La Diệu Hưng đãm nhiệm.



Tiếp theo là giới thiệu Nhân sự mới của Ban Chấp Hành, tức là các Hậu Duệ tham gia vào Ban Chấp Hành, sẽ là những người thế hệ thứ hai sẽ tiếp nối truyền thống của những bậc cha, chú đã dấn thân vì tổ quốc, bảo vệ núi sông, màu cờ sắc áo nhất là chính nghĩa của dân tộc.

Mục tiếp theo là anh Hội Trưởng báo cáo hoạt động của Hội trong năm vừa qua, tiếp theo là mục Đóng góp ý kiến. Có vài Hội viên đã có ý kiến đóng góp để cho mọi hoạt động của Hội tốt hơn.

Kế đến là Tiết mục văn nghệ và ăn uống, mọi người vui vẻ hàn huyên, tâm sự, lâu ngày gặp lại nên anh chị em thăm hỏi nhau về gia đình, về sức khỏe nhất là những Hội viên cao niên như anh Trần Ngọc Ẩn năm nay đã 92 tuổi vẫn đến tham dự.

Lâm Thanh Xuân, Trần Ngọc Ẩn, Huỳnh Ái Tông

Trước khi chia tay, anh chị em đã cùng nhau góp mặt chụp một tấm ảnh kỷ niệm ngày họp mặt nhân ngày Kỷ niệm 59 năm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngày đó năm 1965, chánh phủ dân sự do Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát thỏa hiệp bàn giao quyền lãnh đạo quốc dân cho Quân Đội Vìệt Nam Cộng Hòa.


Ngày 19-6-1965 tại Sàigòn, có buổi lễ ra mắt của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch và Ủy Ban Hành Pháp Trung Uơng do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch.

Sau đó Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tổ chức bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống để đất nước có Tự Do và Dân Chủ như một số nước ở Đông Nam Á, trong Thế giới Tự Do, cho đến ngày Mỹ bỏ rơi Việt Nam theo chủ trương, kế sách của tên Kissenger từ năm 1973, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản Bắc Việt phản bội Hiệp Định Paris 1973 và cho quân chiếm đoạt toàn miền Nam.


Bà Khúc Minh Thơ trong đêm Văn nghệ của HO

Do sự vận động của bà Khúc Minh Thơ với Quốc Hội Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ, nên các tù nhân chánh trị là các cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bị đi Học Tập Cải Tạo từ 3 năm trở lên được đi Mỹ định cư theo  chương trình  (Humanitarian Operation), gọi tắt là HO, có tên chính thức là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo). bắt đầu từ năm 1990 chấm dứt năm 1994.

866425062024





Friday, June 21, 2024

Con gái và cháu ngoại từ Việt Nam sang thăm gia đình

Ngày 2 tháng 6 năm nay 2024, con gái và cháu ngoại lần đầu tiên sang thăm chúng tôi, Vì cháu ngoại đang đi học tại Chi nhánh Đại học Fulbrdge tại Việt Nam nên không có thì giờ ở chơi lâu và cũng không có thì giờ đi thăm viếng vài nơi như Washington DC hay California.


Dĩ nhiên là Diệp đi cùng với con gái, nhưng cháu vì không được khỏe và mãi lo nói chuyện với con gái của Quốc, nên trong hình không có cháu.



Khanh - Lam Hồng

Có đi qua nhà Phượng ở đó mấy ngày để đi shopping, chủ yếu là mua sắm quần áo, mỹ phẩm, thuốc men và đi nhà hàng ăn uống.

Cùng cha mẹ, các em và con cháu đi ăn ở nhà hàng Kpot của Đại Hàn tại thành phố Lexington.

Huỳnh Ái Quốc, Huỳnh Ái Ngọc Diệp, Huỳnh Ái Tông


May, Khanh, Jackson, Nhân, Lam Hồng

Chụp ảnh kỷ niệm tại nhà Huân-Phượng.

 

Trở về lại Louisville, đi ăn với cha mẹ và Quốc tại nhà hàng trên đường Bardtown tại Louisville.


Quốc, Tông, Chi, Diệp

Nhân ngày Father’s Day, các con tôi tổ chức ăn uống tại nhà Quốc, kỷ niệm một ngày thật hạnh phúc cho tôi, năm nay các con, cháu họp mặt gần đầy đủ. 


Ngày 18-6-2024, cả gia đình đưa Diệp và Lam Hồng ra phi trường Louisville để trở về Việt Nam, kết thúc một chuyến đi thăm cha mẹ các em và các cháu một cách tốt đẹp. Vì quá ít thì giờ nên không thể đi thăm viếng danh lam, thắng cảnh, thành phố nước Mỹ.

 


Quốc, Phượng, Diệp, Tông, Kim Chi, Lam Hồng, Kim Ngọc

866421062024






Saturday, June 8, 2024

Tôi đến California năm 2024

Được thư mời từ các anh chị cựu học sinh Trung học Kỹ thuật Cao Thắng Sàigòn, định cư tại San Jose, California mời tham dự hội ngộ năm 2024.

Tôi thi đậu vào học Trung học Kỹ thuật Cao Thắng niên khóa 1956-1957, tôi nhớ khi thi năm đó Hội đồng thi đặt tại Lycée Gia Long tức nữ Trung học Gia Long, nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai. Có khoảng 3 ngàn thí sinh dự thi, tôi đậu hạng 132/250 thí sinh trúng tuyển.

Nhưng khi nhập học lại học tại Trường Trung học kỹ thuật Phan Đình Phùng có địa chỉ số 2 đường Phạm Đăng Hưng, Quận Nhứt, Sàigòn. Nay là đường Mai Thị Lựu Phường Da Kao, Quận 1, Tp. HCM.

Năm đó tại địa điểm trường nầy, trường Quốc Gia Âm Nhạc được khai giảng khóa đầu tiên, học sinh kỹ thuật chúng tôi học từ sáng đến 6 giờ chiều, rồi sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc học tiếp theo. Sở dĩ như vậy là vì Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật học vụ có trụ sở số 48 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu, do ông Trần Văn Bạch làm Giám Đốc, ông Bạch tốt nghiệp kỷ sư cầu cống ở Pháp về, trước đó ông từng làm Bộ trưởng, có thể từ thời Bảo Đại.

Ông Trần Văn Bạch đã tách bộ môn Âm nhạc từ Trường Mỹ Thuật Gia Định để thành lập Trường Quốc Gia Âm Nhạc và khuôn viên Nha nầy rất rộng nó vốn là cơ sở văn phòng công ty Établissements Brossard et Mopin (công ty xây dựng những công trình lớn thời Pháp thuộc). Ông Nguyễn Phụng có tên Pháp là Nguyễn Phụng Michel, thuộc gia đình khá giả ở Bến Tre, du học và tốt nghiệp ở Pháp về ngành âm nhạc, nên được chọn làm Giám Đốc trưòng nầy từ năm 1956 cho đến năm 1973.

Sau đó trường Quốc Gia Âm Nhạc đã được chuyển về Phòng Hòa Nhạc từ thời Pháp thuộc nằm trong khuôn viên Tao Đàn địa chỉ số 112 đường Nguyễn Du, Quận Nhất, Sàigòn, được xây cất thêm và khánh thành vào năm 1960, Trường chính thức có tên là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ.

Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sàigòn

Cũng trong năm nầy, Trường Kỷ sư Công Nghệ được khai giảng khóa đầu tiên, cũng được chọn nơi nầy lấy một lớp học để giảng dạy, còn học xưởng phải xuống Trường Cao Thắng, kỹ nghệ họa cũng như chúng tôi phải học tại Trường Cao Thắng.

Trong khóa 1 nầy có chừng 30 sinh viên theo học, trong đó có 2 nữ sinh viên, ngày đó tôi có biết họ tên của 2 chị, nay chỉ còn nhớ tên của một chị là chị Hảo mà thôi.Vào khoảng năm 1958 trường Kỷ Sư Công Nghệ mới được xây cất tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.

Năm 1967, tôi bị gọi nhập ngũ, vào Trung Tâm tuyển Mộ và Nhập Ngũ ở Hóc Môn, tôi có gặp lại 2 anh Kỹ sư Công nghệ khóa 1 cũng bị gọi nhập ngũ như tôi, trong 2 anh đó, có 1 anh mang kính cận dầy nhất và cũng trong 2 anh nầy có anh từng được tu nghiệp ở Mỹ.

Lần nầy tôi sang San Jose, ở nhà của Dĩ Phượng, Dĩ là học sinh lớp Thương Mại của Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, còn Phượng là học sinh của Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng. Cả 2 trường trước 1975 đều có văn phòng,lớp học và xưởng nằm chung trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ, có lẽ họ đã quen biết nhau từ dó và thành hôn sau nầy, mấy năm trước sang San Jose, chúng tôi ở nhà Dĩ Phượng, trước ở đường Messina, nay con trai Dĩ Phượng có công ty riêng, làm ăn phát đạt nên mua nhà trên lưng chừng đồi, nhà có 4 phòng ngủ, trước nhà nhìn xuống khung cảnh thành phố San Jose, nhưng từ đó chạy xe xuống Century Mall mất khoảng 20 phút.

Trong những ngày chúng tôi ở đây, Dĩ mỗi buổi sáng phải đưa nhà tôi đi châm cứu tại phòng châm cứu Linh Các Trần Nguyễn Lac, có địa chỉ 4155 Moorpark Ave. Ste 19, San Jose, CA 95117. Phone (408) 234-5642. Thầy châm cứu nầy vốn là con trai của cựu Đại Tá Trần Văn Trọng nguyên Cục trưởng Cục Quân Cụ là nhạc sĩ  Anh Việt, người nối tiếp là cựu Đại Tá Từ Nguyên Quang trước năm 1975. Do Phượng giới thiệu nên nhà tôi đã đi châm cứu với thầy nầy từ những lần trước và Phượng gọi tôi là Thầy, tôi cũng giới thiệu tôi là sĩ quan Quân Cụ khi thân phụ của ông ta là Cục Trưởng Quân Cụ, cho nên ông ta tiếp xúc, đối đãi với chúng tôi có phần ưu ái.

Ngày Chủ nhật 19-5-2024 chúng tôi có đến Thiên Long Sơn, nơi ông Ngô Tuấn Kiệt có thờ phượng chư Phật, chư thiên, tổ Bồ Đề Đạt Ma và những vị anh hùng dân tộc như Hưng Đạo Vương, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trung Trực …


Lạc Long Quân – Âu Cơ và 100 con

Hôm đó không có Ngô Tuấn Kiệt, chỉ có chừng 20 nam, nữ Phật tử tụng kinh tại cái nền vuông vức chừng 100 thước vuông.

Trước mặt họ là tựợng của chư Phật, chư vị Bồ Tát.

Tam thế Phật và chư Bồ Tát

Trong khi những người kia tụng kinh, tôi theo những bậc thang đi lên điện thờ Ngọc Hoàng và Địa Mẫu mà Ngô Tuấn Kiệt thường gọi là cha trời mẹ đất, nơi đây cửa đang khép lại, tôi nhìn qua cửa lưới thấy có 1 cập nam, nữ đang ngồi thiền, tôi cẩn thận kéo cửa lưới sang bên rồi vào bên trong lễ Ngọc hoàng và Địa mẫu.

Điện thờ Ngọc Hoàng - Địa Mẫu (Cha Trời - Mẹ Đất)

Vì nhà tôi không được khỏe, nhất là 2 chân yếu, nên không thể lên Điện thờ nầy, chỉ đi chung quanh ở chỗ tượng Phật, chư Bồ Tát và các anh hùng dân tộc, cũng như phóng mắt nhìn xuống thành phố.

Dĩ và Phượng có liên lạc với Đông, Gọi Đông đến chơi rồi cùng đi ăn tại quán chay Hoa Đăng, gồm có Dĩ, Phượng, Đông, Thịnh và Quyên.

Từ trái: Dĩ, Phương, Chi, Tông, Thịnh, Quyên, Đông

Chúng tôi cũng được anh chị Trịnh Như Tích mời một bữa cơm trưa, chị Tích đã ăn chay trường, nên chị nấu cho chúng tôi ăn rất ngon miệng, nhưng trên hết là tình đồng môn giữa anh Tích và chúng tôi, tuy chúng tôi chỉ có 2 năm học chung tại Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, anh từng dạy ở Đà Nẵng, Nha Trang rồi được Nha Kỹ Thuật Học Vụ bổ nhiệm anh giữ chức Quyền Hiệu Trưởng Trường Trung Học Kỹ Thuật Gia Định năm 1973 thay thế cho Kỷ sư Thịnh, anh đã đảm nhiệm chức vụ nầy cho đến khi miền Nam bị mất.

Tưởng cũng cần nhắc lại, chúng tôi vào học Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật có 7 anh, học chừng 1 tháng anh Nguyễn Mạnh Hoạt được học bổng sang Pháp du học, anh tốt nghiệp Kỷ sư ở Nante làm việc ở đó, về hưu rồi định cư tại Nante, một tỉnh ở miền Nam nước Pháp.

Còn lại 6 người, khi tốt nghiệp chỉ có 4 ra trường, còn 2 anh được giữ lại học tiếp 4 năm. Đến nay đã có 2 anh mãn phần là Nguyễn Văn Bài, nguyên Giám Học Trường Trung học Kỹ thuật An Giang và anh Nguyễn Hữu Đước, nguyên là Hiệu Trưởng trường Trung học Kỹ Thuật Tây Ninh. Bốn người còn lại là anh Nguyễn Đức Lộc giáo sư Trung học Kỹ thuật Việt Đức, nay ở Thủ Đức, anh Lương Văn Nhơn nguyên Hiệu trưởng Trung học Kỹ Thuật Kiến Hòa, nay định cư tại Houston, Texas, anh Trịnh Như Tích nay định cư tại San Jose, tiểu bang California và tôi tại Louisville, tiểu bang Kentucky.

Nhờ anh Tích nhớ mấy năm trước có đưa tôi đi thăm anh Lê Hữu Chính nguyên là cựu học sinh Cao Thắng, nguyên là Phó Phòng Kinh Tế Kế Hoạch của Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật thuộc Sở Công nghiệp Tp. HCM, lần nầy tôi sang San Jose muốn thăm anh Chính tôi lại không có số phone của anh, tôi lại quên mất địa chỉ email của vợ anh, nhưng nhờ anh Tích nhớ nhà anh Chính ở gần một ngôi nhà thờ, anh đưa chúng tôi đến đó rồi vận dụng trí nhớ để tìm nhà anh Chính, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được, anh Chính vẫn đi lại được sau khi bị tai biến lâu rồi, nay chị Chính lại bị phẩu thuật ở chân, nên chị ở trên lầu nói chuyện với chúng tôi. Tôi có chụp chung với anh Chính 1 tấm ảnh.

Huỳnh Ái Tông – Lê Hữu Chính

Nguyễn Vũ Hữu Cương cùng vợ là Bùi Thị Phương Yên cùng con trai đến thăm tôi rồi chỡ nhà tôi và tôi đi ăn tại quán chay, nơi đây có thêm anh Nguyễn Quang Vui, nhà hàng trang hoàng rất sang trọng, nhưng diện tích có hơi chật, không được thoáng.

Nguyễn Vũ Hữu Cương và tôi biết nhau khi Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm tổ chức 10 năm tưởng nhớ Trưởng Ngô Mạnh Thu tại Chùa Vĩnh Nghiêm, rồi sau đó Cương chuyển cho tôi Tập ảnh lưu niệm 20 năm GĐPT Vĩnh Nghiêm và gần đây nhất Trưởng Cương đã cho tôi Hosting do Cương mua suốt đời (lifetime). Do vậy Trang nhà Ái Hữu Vĩnh Nghiêm có phần Cương đã đóng góp tài chánh vào đó.

Phương Yên, con trai, nvhCương, Kimchi, Tông, Nguyễn Quang Vui

Chiều ngày Thứ Sáu 24 tháng 5, tôi nhờ Dĩ đưa tôi đến nhà Kimberly Hương là nơi tổ chức Tiền Hội Ngộ từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm.

Ngô Đình Duy, Hh Ái Tông (Tiền Hội Ngộ tại tư gia Khôi - Hương)

Nơi đây tôi gặp lại nhiều anh chị đã góp mặt trong những lần hội ngộ trước, trước tiên anh nào đó đưa cho tôi một ly rượu chat đỏ, chưa kịp uống hết, anh giáo sư Phan Thanh Nhuận lại đưa cho tôi 1 chai bia, rồi sau đó những người quen biết trước, tôi hân hạnh gặp lại như các anh Thêm, Hùng, Dân, Hòa, Quang, Minh … các chị như Kimberly Hương, Hoài Hương, Hồ Đắc Ái Liên … Thật là vui khi còn gặp lại nhau sau mùa dịch Covid-19, nhưng cũng hơi buồn khi nghe tin anh Bùi Đường đã bị tai biến, tôi có người bạn đã qua đời là Bùi Thế San, anh San và Đường có họ hàng rất gần, vai vế anh em hoặc chú cháu, đây chính là điều mà Bùi Đường có lần đã cho tôi biết ở kỳ Hội ngộ Nam Cali.

Ngoài Phan Thanh Nhuận, còn có giáo sư Nguyễn Đức Thiêm từ Nam Cali chạy xe lên dự, cũng có giáo sư Lý Văn Châu dự, anh đã thiết kế khăn quàng và hộp đựng, làm quà tặng cho mỗi giáo sư tham dự. Anh Châu và tôi đã có lần tham dự Tri Ân Thầy Cô Cao Thắng, do các anh Đỗ Thọ Bình, Đức và một anh nữa lâu ngày tôi đã quên tên, tổ chức hàng năm vào đầu năm âm lịch, tại Nhà hàng 241 đường Phạm Viết Chánh, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp. HCM.

Gặp lại anh Nguyễn Đức Thiêm lần nầy, anh cho biết khi anh từ Banmêthuột chuyển về Sàigòn rồi tôi mới lên Banmêthuột, tôi đã đính chánh khi tôi lên Banmêthuột năm 1966 anh Thiêm và anh Lưu vẫn còn dạy tại đó rồi năm sau anh chuyển về Sàigòn, năm 1968 tôi bị động viên khóa 27 Thủ Đức, lúc tôi được biệt phái trở lại Banmêthuột lần 2, anh Thiêm cũng như anh Lưu đã chuyển về Sàigòn, hè năm 1970, có 13 anh giáo sư được chuyển đi về Sàigòn, Nha Trang, Rạch Giá trong đó có tôi.

Sau khi ăn uống kiểu buffet, đến mục ca nhạc, khiêu vũ đã hơn 9 giờ, tôi gọi điện thoại nhờ Dĩ đón tôi về.

Ngày hôm sau, Dĩ Phượng bận dọn nhà cho người chi, nên tôi nhờ Thịnh đưa chúng tôi ra Century Mall tôi mua một bình trà đất nung Nghi Hưng, rồi đến điểm hẹn với anh Vui và anh Thống tại quán Cà-phê Starbucks, đến nơi có anh Liêm và 3 người bạn của các anh ấy, cũng có Cương tại đây. Còn nhà tôi và Quyên đi chợ mua thức ăn.

Anh X, Vui, Cương, Tông, Thống, chị Chi, anh Liêm, anh Y

Sau đó, Thịnh quay lại đón tôi khi đã trưa, rồi cùng nhau đến nhà hàng Dynasty ăn Điểm sấm. Lâu lắm rồi khi Thịnh có thời làm chủ một cửa hàng bán bàn ghế tủ giường, Thịnh đưa chúng tôi đến đây ăn với Thọ, Đông … Thịnh cho tiền Týp chắc xộp nên người tiếp đãi đem ra biếu 1 đĩa bánh tráng miệng rất ngon và khi chúng tôi ra về, anh điều hành bồi bàn đưa chúng tôi đến tận cầu thang, chào rất cung kính.

Đây là nơi ăn điểm sấm tức thức ăn mặn, nhưng Quyên nói tiếng Hoa với họ, họ cho biết cũng có nấu chay và có những món ăn chay. Chúng tôi đã gọi món Phở áp chảo, mì xào dòn, tàu hủ lăn bột chiên, nấm bào ngư lăn bột chiên và vài món khác đã làm sẵn do xe nhà hàng đẩy tới bàn mời khách.

Các món ăn đều rất ngon miệng.

Thịnh, Quyên, Kimchi, Tông

Buổi chiều nhà tôi và tôi nhờ Dĩ Phượng đưa đến nhà hàng Asiana Restaurant, 775 E. Capitol Ave. Milpitas – CA 95035.


Huỳnh Ái Tông & Bùi Kim Chi

Tôi thấy thư mời 6 giờ đến 11 giờ, tưởng rằng sẽ quá 6 giờ người tham dự mới đến, không ngờ tôi đến lúc 6 giờ hơn thì buổi Hội ngộ đã bắt đầu, đến trước cửa nhà hàng thấy vắng hoe, bước vào thấy mọi người đã an vị, Trưởng ban tổ chức đã đọc diễn văn khai mạc.

Ban Tổ Chức Hội Ngộ THKT Cao Thắng năm 2024 tại California

Hôm nay tôi thấy ngoài anh chị Nguyễn Đức Thiêm, anh chị Phan Thanh Nhuận, còn có anh chị Phạm Chí từ Floriada đến, anh Vũ Hữu Nhật sinh sống tại San Jose, chị Lê Văn Mạnh, chị Hải là dâu của giáo sư Nguyễn Đức Hậu.

Ngoài bàn tròn của chúng tôi, anh chị em tham dự đa số là Cựu Học Sinh Cao Thắng ở Nam, Bắc California, được nhà hàng xếp thành 3 dãi bàn dài. Trong Hội ngộ nầy cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ chỉ có Ngô Đình Học và một em cựu học sinh Banmêthuột mà thôi. 

Đêm Hội Ngộ 25-5-2024 tại Asiana Restaurant, Milpitas

Quí Thầy Cô và một số anh chị em THKT Cao Thắng

Tôi được biết nhà hàng nầy chỉ nhận tối đa có 120 người mà thôi. Hình như số ghi danh cao hơn, nhưng Ban Tổ Chức đành từ chối những người ghi danh trễ.

Trong số những người tham dự, lần nầy có kỷ sư Nguyễn Giụ Hùng, anh và tôi cùng vào học Cao Thắng lớp Đệ Thất niên khóa 1956-1957 tại Trường Trung học Kỹ Thuật Phan Đình Phùng, từ lâu tôi sang San Jose chưa có lần nào gặp anh Hùng, mặc dù có những lần chúng tôi họp mặt có thầy Phan Hữu Tạt, thầy Lê Nguyễn Bá Tước. Các cựu học sinh đồng môn như Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Thanh Tòng, Trần Thái Thông, Nguyễn Kim Biên, Nguyễn Công Mạnh …, có thể nói rất lâu ngày chúng tôi mới lại gặp nhau.

Anh chị Nguyễn Giụ Hùng và tôi

Ngày hôm sau Chủ nhật có Hậu Hội ngộ, đi tham quan thắng cảnh, nên tôi không có tham dự.

Trưa hôm nay chúng tôi gồm có Thịnh, Quyên, Dĩ, Phương nhà tôi và tôi ăn trưa tại nhà hàng Green Lotus. Vì tôi ăn chay, nên mọi người phải ăn chay theo.

Thịnh đi làm những ngày trong tuần Thứ Hai đến Thứ Sáu từ 2 giờ chiều cho đến 10 giờ đêm. Thứ Bảy, Chủ nhật nghỉ, còn Đông đi làm từ Thứ Năm đến Chủ Nhật, Thảo đi làm, nên lúc chúng tôi đi ăn thì Thảo đang làm, nên không có lần nào Thảo tham dự được.

Sáng Thứ Hai ngày 27-5-2024, Dĩ và Phượng đưa chúng tôi ra phi trường San Jose SJC phi cơ cất cánh lúc 10 giờ, đến phi trường John Wayne SNA ở Santa Ana lúc 11:10, tôi gọi điện thoại, được Phạm Minh Tâm đưa về nhà Huỳnh Hữu Ý ở Anaheim, chúng tôi phải thăm Ý vì Ý bị Alzheimer mấy năm nay, từng lái xe lạc từ Anaheim tới LongBeach, về Việt Nam bị lạc ở phi trường chuyển cảnh.

Lúc gặp nhau ở Hội ngộ, tôi nói với anh Phan Thanh Nhuận sẽ đi uống cà phê với thầy Vũ Mộng Hà, anh Nhuận cho biết Thầy Hà chỉ đi uống cà-phê ngày Chủ nhật, nhưng trước ngày Chủ nhật tôi đã về lại nhà, nên khi đến Santa Ana tôi sẽ mời thầy Hà đi uống Cà-phê, nên khi về đến Santa Ana tôi đã mời thầy Hà sáng hôm sau đi uống cà-phê, thầy nhận lời.

Tôi gọi anh Nhuận để xác nhận Thầy Hà đã nhận lời, nhưng anh Nhuận vừa mới từ San Jose về tới, nên còn nhiều việc phải làm. Tôi gọi cho Nguyễn Đình Lâm, anh trả lời đang ở Texas, anh bảo tôi cứ gọi thầy Hà đến rước đi uống cà-phê, nhưng tôi nghĩ lại “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tôi không dám gọi thầy rước tôi, nên tôi xin lỗi thầy Hà không thể đi uống cà phê như đã hẹn.

Đến chiều tự nhiên em Nguyễn Lâm gọi tôi cho biết em sẽ mời thầy Vũ Mộng Hà và tôi đi uống cà-phê ngày mai, tôi báo cho Lâm biết, tôi đã xin lỗi thầy Hà không thể đi uống cà-phê với thầy vì không ai đưa tôi đi. Lâm hứa sẽ mời thầy Hà và đón tôi đi uống cà-phê vào sáng mai.

Sáng hôm sau ngày Thứ Ba 28-5-2024, lúc 9 giờ Lâm đến đón tôi và đưa đến quán ăn điểm tâm, uống cà-phê. Lúc chúng tôi đến thầy Hà và anh Điện, anh của Lâm đã ngồi trong quán rồi. Tôi vào Thầy Hà chỉ chỗ cho tôi ngồi cạnh thầy, sát bên tường của quán.

Nguyễn Lâm, anh Nguyễn Điện, thầy Vũ Mộng Hà, Hh Ái Tông

Thầy Hà cho tôi biết trên giáy tờ Thầy Hà và tôi bằng tuổi nhau tức sanh năm 1941, nhưng tuổi thật của thầy sinh năm 1940. Lần trước tôi có hỏi thầy về giai thoại, thầy bị ông gác cổng nhận thầy là học sinh không mang phù hiệu nên không cho vào trường, thầy cho biết ông gác cổng với thầy cùng quê ở Bắc, nên biết nhau, làm gì có chuyện đó.

Đây là lần đầu tiên tôi biết anh Điện, anh cho biết anh học Sư Phạm Kỹ Thuật, khi ra trường được phân bổ về Trường Mạc Đỉnh Chi ở Phú Lâm.

Thầy Hà và chúng tôi chuyện trò chừng 1 tiếng đồng hồ thì thầy có việc nên đi trước, rất tiếc tôi đã quên hỏi thăm cô sức khỏe ra sao, lâu rồi không gặp cô trừ đôi lần thầy và cô tham dự Hội ngộ Kỹ Thuật Cao Thắng ở San Jose cũng như ở Santa Ana, cũng quên hỏi thầy còn làm hay đã về hưu, trước đây thầy vẫn đi làm Social Woker.

Thầy Hà đi rồi, anh Điện, Lâm và tôi vẫn còn trò chuyện, tôi nhớ hôm nay Lâm nghỉ để đi bác sĩ, nhà tôi có thể có người đến rước đi thăm bà con, nên đến 2 giờ chúng tôi ra về, ra đến trước cửa nhà hàng anh Điện chụp tấm ảnh, kỷ niệm 3 anh em chúng tôi.

Hôm sau anh Tuệ Linh đến thăm, đưa chúng tôi đi tìm chùa Hương Nghiêm Tự, vì nơi đó nhà tôi có gửi ảnh nhạc gia tôi thờ cúng tại chùa, anh Tuệ Linh cũng quên địa chỉ, mặc dù khi cúng Bách nhật có anh Tuệ Linh, Vũ Trọng Khải Bùi Thọ Thi, Phạm Minh Tâm … tham dự, có một chị theo Thiên Chúa Giáo nghe tôi hỏi thăm, chị nhiệt tình đưa đi tìm, nhưng không đúng, sau có người dùng Cellphone chỉ đường cho anh Tuệ Linh chạy mới tìm được chùa. Chùa đóng cửa bấm chuông không ai mở cổng, đành phải đi về.


Đến Thiền Viện Sùng Nghiêm bấm chuông cũng không ai mở cổng, một là vào buổi trưa quí Sư Cô nghỉ trưa, hai là quí Sư Cô đi vắng, chúng tôi đành phải ra về.

Hh Ái Tông, Tr
ưởng Tuệ Linh

Anh Tuệ Linh cũng nhiệt tâm đưa chúng tôi ghé nhà Trưởng Ngô Mạnh Thu thắp một nén hương tưởng nhớ Trưởng. Nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh của bà cụ anh Thu, tôi nhớ tới cụ, ngày nào ngủ đêm với anh Thu tại nhà cụ, vào năm nào đó ngày mồng 5 tháng năm cụ bảo sáng sớm đừng xúc miệng, chỉ rửa mặt rồi tới nhà cụ ăn cơm rượu làm bằng nếp lứt. Lại một lần nữa nhớ đời, khi tôi đi nhận nhiệm sở ở Banmêthuột cụ đãi tôi một bữa ăn với món “thịt đông”. Còn một kỷ niệm nữa, anh Thu mua 3 cái vé cho cụ, Quy và tôi đi xem đoàn Cải Lương Thanh Minh Thanh Nga diễn tuồng Áo cưới trước cổng chùa, đó là lần đầu tiên Bảo Quốc lên sân khấu, quên trước quên sau, Thanh Nga phải nhắc tuồng cho cậu em Bảo Quốc.


Hh Ái Tông, anh Tuệ Linh, chị Xuân Mai

Tôi có liên lạc được với Vũ Ngọc Anh Thọ, Thọ có cho tôi số phone của bs Hòa, tôi có gọi cho bác sĩ Hòa nói chuyện, bs Hòa mong lần sau tôi đến, liên lạc với Thọ để Thọ sắp xếp cho anh em đến nhà bs Hòa gặp nhau. Cũng nên nói bs Hòa ở Việt Nam học cùng lớp với Thọ tại THKT Nguyễn Trường Tộ, qua Mỹ bs Hòa theo học tại Đại học Memphis, tiểu bang Kentucky và tốt nghiệp bác sĩ tại đây rồi về Cali làm việc. Tôi nhớ cũng có một người nữa đã học tại Memphis hoặc là Thọ hoặc là Huỳnh Thẩm Mỹ, do lâu ngày tôi đã quên, nhưng biết chắc Thọ có bằng Master, nay Thọ cho tôi biết đã về hưu.

Thọ cũng cho tôi số điện thoại của KTS Lê Văn Giệp, năm 1974 có lẽ nhờ ông thân anh Giệp làm việc ở Nha Kỹ thuật Học vụ, nên anh Giệp được bổ về trường Nguyễn Trường Tộ, lúc đó tôi làm Hiệu Trưởng, tôi đã ký giấy cho anh Giệp là giáo sư của trường, nhưng được hành nghề Kiến Trúc Sư.

Anh Giệp cho biết thân sinh của anh đã 95 tuổi, đang ở Bệnh viện hay nhà dưỡng lão nên anh Giệp đang chăm sóc ông ấy, anh Giệp cho biết em gái của anh cũng là KTS, tôi nhắc anh Giệp là chính tôi đã hướng dẫn cô ta vẽ kỹ thuật để thi vào Trường Đại Học Kiến Trúc và cô ta đã đậu. Khi anh Giệp nói chuyện với tôi có lẽ anh không nhớ nên anh nói rằng anh dạy ở trường Cao Thắng. Anh cũng cho biết những Chùa ở Nam Cali đều do một tay anh thiết kế. Vì anh Giệp bận, nên chúng tôi thăm hỏi nhau như thế mà thôi.

Tưởng cũng nên nói thêm, năm nào đó tôi đi thăm bà Chi là y tá của Trường, định cư tại Longbeach, thân sinh KTS Giệp đã mang tôi ra để hù dọa bà Chi, giúp cho một em học sinh đi khám sức khỏe khi nhập học, chuyện nầy tôi hoàn toàn không biết, cho đến lúc gặp lại bà Chi thuật chuyện, tôi giải thích bà ta mới biết chuyện chẳng dính dáng chi đến tôi cả.

Sáng sớm ngày 30-5-2024, tôi thuê xe đưa ra phi trường lúc 5 giờ 15, đến nơi gửi hành lý, lên phi cơ lúc 6 giờ 25, chuyển cảnh tại phi trường Denver. Về đến Louisville lúc 6 giờ 30. Chấm dứt một chuyến đi California có nhiều kỷ niệm đẹp đáng nhớ.

Cám ơn nhiều người đã đón tiếp tôi, hạnh phúc được gặp lại anh chị em THKT Cao Thắng, thân nhân và bạn bè nhất là gia đình Dĩ - Phượng, Thịnh - Quyên.

Louisville 866408062024