Pages

Thursday, February 27, 2025

Cháo Rùa

 


Con Rùa

Đêm hôm qua lên giường nằm còn nhớ chuyện xưa về Trường Bộ Binh Thủ Đức. Tôi đi khóa 27, mỗi khóa đều có những điểm đạc biệt, nhưng với tôi có những điểm đáng ghi nhớ. Trước tiên, tôi không nghĩ rằng mình sẽ nhập khóa theo học vì những lần trước sau khi trình diện ở Quang Trung, vào đó sáng sớm ăn bánh mì chả lụa, uống cà phê đen, có anh lấy nhiều để súc miệng, có anh để dành trưa uống, đặc biệt buổi trưa ra dường nhựa dưới tàng cây Bã Đậu nghe Trịnh Công Sơn ôm đàn hát nghêu ngao, thời gian đó, tôi có gặp lại anh kỷ sư công nghệ khóa 1, anh mang kiếng cận thị dày cộm và khóa nầy có 2 chị cùng học, một trong 2 chị ấy tôi còn nhớ tên là chị Hảo. Sở dĩ tôi biết họ là vì Trường Kỷ Sư Công Nghệ mới mở ra dưới thời ông Giám Đốc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ kỷ sư Trần Văn Bạch, nên ông lấy khuôn viên Nha làm Trường tạm có 1 lớp học, còn xưởng hay Kỹ nghệ họa về Cao Thắng học.

Ông Bạch từng làm Bộ Trưởng Bộ Công Chánh thời Bảo Đại, sau đó làm Giám Đốc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ, đồng thời là giáo sư Trường Cao Đẳng Điện hay Cao Đẳng Công Chánh ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.

Trở lại chuyện tôi bị động viên, tôi không nhớ ngày nào đó, có lẽ là ngày 10 hay 11 tháng Giêng năm 1968 tôi vào trình diện tại Trung Tâm Nhập Ngũ Quang Trung, gần ngã tư Trung Chánh Học Môn, tưởng rằng rồi cũng đi về như 2 lần trước, không ngờ gần chiều ngày 12-1-1968 được lệnh tập họp rồi được lệnh lên xe GMC, xe chạy thẳng từ đó lên Trường Bộ Binh Thủ Đức, nay tôi không còn nhớ đi đường nào nữa.

Đến Trường Bộ Binh nhảy xuống xe ở bãi cỏ dưới chân con đường nhựa, gặp ngay anh bạn Sĩ quan Thi Thái Thành, anh ta cười nói vi tôi:

- Nghe có tên ông sẽ được phân bổ vào đại đội nầy, tôi vội đến đón để đưa ông vào Trung đội đàng hoàng, nếu không gặp thằng Trung đội Trưởng cà chớn nó hành ông khổ thân.

 Tôi nhớ đó là Đại Đội 10 Tiểu Đoàn 3. Tiểu Đoàn nầy có các Đại Đội 9, 10, 11 và 12. Trước Tiểu Đoàn nầy là khu Dân Sinh, qua khỏi đó là Câu Lạc Bộ, Thi Thái Thành là Sĩ Quan trong coi Câu Lạc Bộ đó.

Còn Đại Đội tôi có Đại Đội Trưởng Đại Úy Nghiêm, Trung đội Trưởng Trung Đội 37: Trung Úy Quang, Trung Đội 38: Thiếu Úy Long, Trung Đội 39: Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu, Trung Đội 40: Chuẩn Úy Minh. Trung đội tôi hiện nay vẫn còn một người liên lạc thường xuyên, đó là Trần Văn Nhựt, hiện sinh sống tại West Virginia, sau cùng học khóa Quân Cụ, tôi học về Quân Xa & Vũ Khí, còn anh ta học về Đạn Dược. Trường Quân Cụ thời gian nầy do Đại Tá Trần Nguyên Quang làm Chỉ Huy Trưởng, tôi còn nhớ phu nhân của ông là bà Bác sĩ Mai. Về sau ông Quang thay thế Đại Tá Trần Văn Trọng làm Cục Trưởng Cục Quân Cụ. Đại Tá Trọng (1927-2008) là nhạc sĩ Anh Việt, tác giả các nhạc phẩm: Chiều trong rừng thẳm, Tự do, Bến Kiên Giang (1946) Bến cũ, Lỡ chuyến đò (1947) Một chuyến đi (1948) Hờn Vong quốc(1950) Thơ ngây(1951)...

Khóa 27 có vài điểm đăc biệt, đó là khóa cuối cùng mang tên số, khóa tiếp theo mang tên năm thí dụ khóa 1/68, 2/68 ….1/69 …. những khóa sau nầy, học 3 tháng cơ bản quân sự ở Quang Trung, sau khi mãn khóa được gắn alfa rồi mới vào Trương Bộ Binh Thủ Đức và khóa học chỉ kéo dài 8 tháng, trừ 3 tháng ở Quang Trung thì chỉ còn có 5 tháng học ở Quân Trường Thủ Đức mà thôi. Trước khóa 27, sau khi gắn alfa các khóa sinh được đi học Trường chuyên môn như Quân Cụ, Quân Nhu, Pháo Binh …. Nhưng từ khóa 27, sau khi ra trường mang cấp bậc sĩ quan Chuẩn Úy mới đi học ngành chuyên môn. Cho nên khi tôi tốt nghiệp ở Thủ Đức ngày 10-8-1968 mang lon Chuẩn Úy, có xe từ Trường Quân Cụ đến Trường Bộ Binh rước chúng tôi về Trường Quân Cụ ở Gò Vấp rồi cho chúng tôi đi phép, hết phép 10 ngày mới trở lại nhập học.

Tốt nghiệp 2 khóa huấn luyện Quân Cụ Cơ Bản và Sửa Chữa Quân Xa Vũ Khí, khi chọn đơn vị, tới phiên tôi có 1 đơn vị Quân Cụ gần Trường Quân Cụ là đơn vị tại ngã năm Chuồng Chó cũng nằm bênh cạnh Tổng Y Viện Cộng Hòa, lúc đó tôi không nhớ đơn vị nầy, nên chọn về vùng IV. Khi đang học ở Trường Quân Cụ, khóa nầy có nhiều giáo chức bị động viên, trong thời gian nầy có chánh sách cho nhà giáo được làm đơn xin biệt phái, nên tôi đã làm đơn xin biệt phái.

Đến vùng IV, tôi bốc thăm hay được chọn lâu ngày quá đã quên, được phân bổ về đơn vị 21 Quân cụ đóng tại Sóc Trăng, tại Đền 5 ông hay Chùa Năm Ông, gần Cầu Quay cũng gần rạp Chiếu bóng Hòa An, ngay sau đó đơn vị nầy được cải biến sáp nhập vào Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, đóng quân tại đơn vị huấn luyện Địa Phương Quân cách Đài Phát Thanh Ba Xuyên cũ chừng 500 thước trên đường đi Bãi Xào cũng có tên là Mỹ Xuyên, đơn vị đó ngày nay không còn di tích chi cả, năm 2024 tôi có đi tìm, ngày nay nó ở trên đường Lê Hồng Phong, ngay cổng chào đi vào địa phận Mỹ Xuyên, bên đường nó là nghĩa trang. Nơi đây tôi vẫn còn kỷ niệm, có quán thằng Cường, có cô em vợ tên Vân, cô ta chừng 17, 18 tuổi, tóc cắt ngắn, mặc áo bà ba trắng, chủ nhật đi nhà thờ mặc áo dài trắng, Thiếu tá Đơn chỉ huy phó đơn vị Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, cho cô ta quá giang xe đi nhà thờ ngoài chợ đọc kinh.

Có một hôm Chuẩn Úy Tuấn ở truyền Tin đơn vị rủ tôi đi thăm bạn gái anh ta là cô giáo Nông Lâm Súc, tới nơi tôi mới biết đó là cháu Nghĩa con chị Nhạn với anh Vỹ là chị của cô Dung (cùng cha khác mẹ), gặp nhau mới biết Nghĩa dạy ở Trường Nông Lâm Súc  Sóc Trăng, sau đổi về Long An, khoảng 28 tháng 4 năm 1975, Nghĩa có đến Trường Nguyễn Trường Tộ gặp tôi, cho tôi biết mẹ cháu mời tôi xuống nhà có chuyện muốn gặp tôi. Tôi đoán là chuyện đi nước ngoài, vì anh Vỹ chồng chị làm thủ kho 4 ở Quận 4, tôi hứa sẽ xuống gặp chị, nhưng do tôi đọc quyển Giờ thứ 25 của C. Virgil Georghiu do anh bạn Kỷ sư Nông Lâm Súc cho mượn đọc, đến nay tôi vẫn chưa trả lại cho anh ta, nên tôi đã quyết định không đi, vì trong quyển truyện nầy, những người ở các nước Liên Xô đã ra nước ngoài cuối cùng họ tìm cách trở về để chết trên quê hương của họ !! Nên tôi không xuống kho 4 ở Quận 4 để gặp chị Nhạn. Nghe nói hình như qua Mỹ anh Vỹ và chị Nhạn ly dị nhau, sau cùng chị Nhạn ở Virginia lái xe bị tai nạn xe hơi nên mất.

Rạp Hòa An có thằng Nô, chuyên viên máy chiếu phim, nhà anh ta ở Bãi Xào, thường hay đi nhậu với chúng tôi gồm có Chuẩu Úy Thu, Chuẩn Úy Vinh và Thiếu Úy Minh, Vinh và Minh là Sĩ Quan Tài Chánh của đon vị. Có một lần chúng tôi đi vào hồ nước ngọt bắt “bò lạc”, không thấy bò lạc lại bắt được con rùa bò ngang đường, đem về nhà Nô nấu cháu rùa, nhờ đó tôi mới biết dân gian thường nói “ăn cháu rùa” nghĩa là gì ? Nghĩa là cháo là cháo trắng mặc dù nấu chung với rùa.

Câu chuyện trên làm tôi luôn nhớ tới Rạp chiếu bóng Hòa An, anh chàng chuyên viên Nô, Cháo Rùa, Bãi Xào hay Mỹ Xuyên và cháu Nghĩa, cô giáo trường Nông Lâm Súc ở Sóc Trăng, sau đổi về Long An nay định cư ở San Diego.

866427022025







 

Tuesday, February 25, 2025

Hôm qua đi đám tang chiến hữu Đoàn Nhật Tăng

Được tin báo từ anh Lê Văn Hùng Chủ tịch hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị HO tại Tp. Louisville, Kentucky cho biết 1 giờ trưa Thứ Hai 24 tháng 2 năm 2025 sẽ đi đám tang chiến hữu Đoàn Nhật Tăng, con gái tôi là bạn học với con gái anh Tăng, nên hai cha con cùng đi đám tang, nhà tôi không được khỏe nên không thể đi.

Đám tang tổ chức tại nhà quàng có nghĩa trang Evergreen Funeral Home & Cementery nằm trên đường Preston Hwy, Tp. Louisville, Kentucky, nơi nghĩa trang nầy có được một mộ phần cũng phải trả khá tiền. Theo như chị Tăng cho biết đã mua mộ phần từ lâu gồm có hòm, việc tẩn liệm, nhà tang lễ, đào huyệt mộ, đưa đi chôn cất …

Khi cha con chúng tôi đến, thân nhân đông hơn khách viếng tang, có lẽ vì đó là giờ đi làm.

Anh Hùng và một số anh khác đến trước tôi, họ đã mang đến vòng hoa phúng viếng, khi chúng tôi đến tôi đã thấy có anh Lê Văn Hùng, anh Nguyễn Văn Hào, anh La Diệu Hưng, anh chị Lâm Thanh Xuân, rồi có anh chị Định cũng đến.

Sau khi chúng tôi thắp hương lễ Phật, nguyện cho anh Đoàn Nhật Tăng sớm tiêu diêu miền Cực Lạc, rồi tôi thắp nhang nơi bàn thờ của anh, nhưng tôi chỉ xá 2 xá mà không lạy vì anh và tôi cùng tuổi. Theo phong tục, người quá cố lớn tuổi hơn thì lạy 2 lạy, còn người bằng tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn thì chỉ thắp hương và xá mà thôi. Không biết anh La Diệu Hưng nghĩ thế nào mà nói tôi xá cũng là lạy rồi. Theo tôi không phải vậy, xá không phải là lạy.

Sau đó anh Lê Văn Hùng đọc Điếu văn, nhắc qua một chút tiểu sử, nhưng không biết anh Tăng đi Thủ Đức khóa nào, nhưng chắc chắn trước tôi 5, 7 khóa. Tôi được hoãn dịch vài lần cho tới khi bị tổng động viên vào khoá 27, nhập khóa ngày 12 tháng GIêng năm 1968 và mãn khóa ngày 10 tháng 8 năm 1968, ra trường tiếp tục học ngành Quân Cụ ra trường tháng 4 năm 1969, ra đơn vị 21 Quân Cụ sau biến cải gia nhập vào Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, đóng tại Sóc Trăng, có lúc tôi theo Tiểu Đội Sửa Chữa đóng tại Thị xã Cà Mau, đối diện với Ty Tiểu Học, gần Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 32 Bộ Binh.

Trước đó mỗi khóa Thủ Đức khoảng 10 tháng đến 1 năm, từ khóa 27 còn 8 tháng kế tiếp 1/68 học cơ bản quân sự ở Quang Trung 3 tháng, đưa sang Thủ Đức đã được gắn Alfa.

Anh Đoàn Nhật Tăng và tôi hơi giống nhau cùng sanh năm Tân Tỵ (1941) nhưng lại làm Thế Vì Khai Sanh năm 1943. Nên anh mất đã thọ 84 tuổi. Theo tôi trên giấy tờ thế nào đó là việc giấy tờ, còn mất rồi thì thân nhân nên ghi tuổi thật, để biết người chết đã thọ được bao nhiêu tuổi. Tuổi thọ quan trọng hơn tuổi giấy tờ. Giấy tờ làm giả được, nhưng tuổi thọ là tuổi thật không nên giả.

Anh Tăng hơn tôi ở chỗ chị Tăng là y tá, nên lương chị cao hơn anh Tăng. Còn nhà tôi là thư ký Sở Vệ Sinh thuộc Tòa Đô Chánh Sàigòn, rồi thư ký văn phòng Đô Trưởng Đỗ Kiến Nhiểu, do có chỗ quen biết ông Nhiểu là học trò của ông ngoại nhà tôi ở Long An.

Tôi không biết nhạc gia tôi nghĩ thế nào, có lúc bảo tôi tham gia vào Hội Tương Tế Long An, trong đó có Đại Tá Đỗ Kiến Nhiểu là Cố Vấn Hội.

Chuyện xưa đã nửa thế kỷ, nhiều người đã nằm yên trong lòng đất mẹ hoặc chốn tha hương, nhưng chắc ai cũng có tấm lòng yêu quê hương với gạo trắng nước trong, đôi khi còn được nghe tiếng hò, câu hát trên sông vào những đêm trăng thanh gió mát.

866425022025






 

 

Monday, February 17, 2025

Chuyện Định Cư Nước Ngoài Của Tôi

Từ lúc 9, 10 tuổi tôi muốn được đi nước ngoài như anh tôi đã đi Pháp từ năm 1953, khoảng 1946 hay 1947 nay tôi không còn nhớ rõ, anh tôi bỏ nhà lên Sàigòn lập nghiệp.

Nguyên do là chúng tôi có người chị ngoại hôn của cha tôi, chị ấy giống mẹ nên khá đẹp, khi ấy chị lập gia đình với một sĩ quan người Pháp, đóng quân ở Hà Nội, lúc về quê thăm gia đình, chị ấy dẫn anh tôi lên Sàigòn lập nghiệp, còn chị ấy trở ra Hà Nội.

Năm 1953, anh tôi làm thư ký cho đồn điền cao-su ở Mimot Kampuchea, bị gọi động viên cho chiến trận Điện Biên Phủ, nên anh tìm cách đi Pháp đẻ trốn lính, trước tiên anh ở Marseille làm thủy thủ đi tàu chạy đường Marseille-Algérie, năm 1954 anh lập gia đình với vợ là người Pháp ở Avignon, họ có với nhau đứa con gái là Véronique, hình như sinh năm 1956. Sau đó anh và vợ chia tay, anh lên Paris sinh sống vừa đi làm vừa đi học. Con gái anh sau lập gia đình, có đứa con trai, sau nầy nó sinh sống ở New-York, Mỹ. Con anh, cháu Veronique mất năm 1995, anh mất năm 2017 ở Paris. 

Mr. Huỳnh Ái Chủng                               Mrs Chung Huynh

Veronique Huynh (1954-1995)

Khoảng năm 1972 hay 1973, anh cho tôi bết tình hình Việt Nam không ổn, tôi nên tìm cách ra nước ngoài sinh sống, nên đi một thân một mình trước, sau khi có công ăn, việc làm ổn định sẽ lãnh gia đình sang nước ngoài sau.

Anh cho biết, nếu tôi đi sang được nước ngoài như Thái Lan chẳng hạng, vào hotel ở rồi đìện thoại hoặc thư cho anh biết, anh sẽ trả tiền hotel và mua vé máy bay cho tôi đi Pháp.

Thời gian trước 1975, các trường kỹ thuật Việt Nam được Mỹ viện trợ, có chương trình hàng năm cho Hiệu trưởng các trường kỹ thuật đi Thái Lan, Đài Loan tham quan, học hỏi sư tiến bộ các nước để về Việt Nam áp dụng. Do đó vào tháng 10 năm 1974, tôi bằng lòng nhận lời anh Phạm Văn Tài, đương kim Hiệu trưởng Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, thay anh làm Hiệu trưởng, còn anh đi làm Trưởng Phòng Học vụ tại Nha Học Chánh, thuộc Bộ Văn Hóa Giáo Dục Sàigòn.

Đó là tôi muốn nhân cơ hội có dịp đi tham quan nước ngoài, sẽ đi luôn sang Pháp, nhưng 30 tháng 4 năm 1975 Miền Nam Việt Nam đứt bóng, mưu của tôi không thành.


Vợ chồng Veronique và cháu Pouchon, trước nhà hát lớn tại Tp. HCM

Năm 1990, tôi có dịp hướng dẫn một phái đoàn Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm đi lên Đà Lạt, dự định họp một số đơn vị từ miền Nam, miền Trung để phục hoạt phong trào Gia Đình Phật Tử Việt Nam, việc đi Đà Lạt thì có, nhưng việc họp để phục hoạt GĐPT thì không được, vì nhà cầm quyền có lẽ đã biết hoặc họ phòng ngừa, nên không thể tổ chức họp được.

Nhân chuyến đi nầy, tôi có làm khách ngủ nhà ông Võ Văn Toàn nguyên Trưởng ty Nông nghiệp Lâm Đồng, trước đó là Trưởng ty Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên, ông có xem cho tôi một quẻ, cho rằng tôi không thể giữ chức vụ gì làm Trưởng, nếu có thì chỉ một thời gian ngắn mà thôi, nhưng tôi làm Phó cho ai thì được tin cẩn và hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông Toàn giúp ý kiến tôi nên làm đơn khiếu nại, xin đi Mỹ do chị tôi bảo lãnh từ năm 1984. Đơn do nhà tôi đứng tên, cái đơn khiếu nại nầy gửi cho phái đoàn ODP ở tại Bangkok Thái Lan, trong đơn cho họ biết tôi là cựu Sĩ Quan QLVNCH, bị đi Học Tập Cải tạo 2 năm 2 tháng 20 ngày và sau đó bị quản chế 1 năm 3 tháng 20 ngày, vị chi là 3 năm 6 tháng 10 ngày. Họ tự cứu xét và cho tôi đi Mỹ hưởng diện HO.

Tôi rời Việt Nam ngày 2-4-1991 tại phi trường Tân Sơn Nhất, đến Bangkok ở trong nhà tù của Bộ Nội Vụ Thái Lan (nơi tạm giam những người ngoại quốc) 1 tuần lễ. Tôi đặt chân đến Mỹ tại phi trường San Francisco vào ngày 9 tháng 4 năm 1991, có 1 đêm quá cảnh ở Minosota, về tới nơi tôi định cư hiện nay là Louisville, Kentucky ngày 10-4-1991.

Như ông Võ Văn Toàn cho biết, tôi không có số đi nước ngoài, tôi đi là đi ăn theo nhà tôi, ông Toàn chỉ vẽ làm đơn khiếu nại với phái đoàn ODP ở Bangkok Thái Lan do nhà tôi đứng tên. Còn chuyện tôi làm Hiệu Trưởng chỉ có chừng 6 tháng, từ đó về sau nầy không có giữ chức Trưởng cơ quan nào cả, Trưởng phòng thì có làm Trưởng Phòng Kinh Tế Kế Hoạch tại Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật thuộc Sở Công Nghiệp Tp. HCM chừng 10 năm từ năm 1981 cho đến 1991.

Sang Mỹ từ năm 1991 cho đến khi về hưu năm 2009, chỉ làm họa viên kỹ thuật sử dụng AutoCad để thiết kế công trình hỏa xa khắp nước Mỹ, hoặc làm công nhân ở xưởng của hãng Fabricated Metals tại Tp Louisville, Kentucky mà thôi.

Đó là những chi đời tôi nếu tin theo tướng số: Không làm trưởng được lâu dài, định cư nước ngoài là ăn theo người khác, chớ tự mình không thể có được.

866417022025







Saturday, February 15, 2025

Cuộc đời lên Voi xuống Chó của tôi

 


Tôi sinh ra năm 1941 và lớn lên tại làng Bình Thủy, tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên, năm 1950 học trường tư với chú giáo Nguyễn Hoa Hẩu, đi Long Xuyên thi đậu Văn Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, có bằng nầy lên học lớp Nhì.

Năm 1954, sau khi thất học vài năm, cha mất nên được mẹ gửi cho chú lên Châu Đốc học lớp Nhì, lớp Nhất tại Trường Nam Tiểu học tỉnh Châu Đốc, năm đó được miễn thi Tiểu học.

Năm 1956, thi đậu vào Trung học Thủ KHoa Nghĩa, Châu Đốc hạng 51/ 300 thí sinh trúng tuyển, nhưng không học tại đây, được chú cho lên Sàigòn theo học tại Trung học kỹ thuật Cao Thắng vì trúng tuyển vào lớp Đệ Thất hạng 132/250 học sinh trúng tuyển, tôi được học bổng và vì nhà nghèo nên hưởng học bổng toàn phần là 400 đồng/tháng từ năm Đệ Thất đến Đệ Nhị, sau khi thi rớt Tú Tài I, học lại học bổng chỉ còn bán phần.

Năm 1964, tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần Kỹ thuật, trúng tuyển vào Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật hạng Dự khuyết thứ 2 (chót), học tại đây có học bổng 1.000,00 đồng/tháng và tốt nghiệp Giáo sư Trung học Kỹ thuật Đệ nhứt cấp, chỉ số lương tập sự 380.

Năm 1966, Tốt nghiệp trường CĐSPKT được bổ làm Giáo sư THKTĐIC được phân bổ đi dạy tại Trung học Kỹ Thuật Y Út Banmêthuột.

Năm 1968 nhập ngũ đi khóa 27 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Tháng 8 năm 1968 mãn khóa ra trường lại được theo dự khóa Sĩ Quan Cơ Bản Quân Cụ, rồi Sĩ Quan Quân Xa và Vũ Khí

Tháng 4 năm 1969, ra Trường Quân Cụ, được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, cùng lúc đó được cải tổ và sáp nhập vào Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận đóng tại Sóc Trăng (nay chỗ đó là cổng chào đón vào Mỹ Xuyên cũng gọi là Bãi Xào, có nghĩa trang tại đó). Đến tháng 9 được biệt phái về đạy học lại.

Tháng 10 năm 1969, trở về dạy ở trường cũ Banmêthuột, được ông Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ cử làm Phụ tá Học vụ (chức vụ tương đương với Giám học kiêm Tổng Giám thị tại trường Trung học phổ thông).

Tháng 10 năm 1970, được thuyên chuyển về Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ tại Sàigòn, có trụ sở tạm tại số 2 Phạm Đăng Hưng nay là Mai Thị Lựu, Phường Đakao, Quận 1, Tp. HCM.

Tháng 10 năm 1974, được Bộ Giáo Dục cử làm Hiệu Trưởng trường THKT Nguyễn Trường Tộ.

30 tháng 4 năm 1975 miền Nam đứt bóng, ngày 26-5-1975 từ Trung học Tabert, 10 giờ đêm lên Molotova đi Trãng Lớn Tây Ninh, năm sau 1976 lên rừng Kà-tum cất láng trại ở đó Học tập Cải tạo.

Ngày 16 tháng 9 năm 1977 được tam tha “Hồi hương lập nghiệp” ở xã Phú Hòa, huyện Châu thành, tỉnh Long Xuyên, nhờ sự giúp đỡ của bạn tù Vũ Hữu Thuận (đã mất ở Texas) .

Tháng 10 năm 1977, được thâu nhận vào làm tại Phòng Thanh Tra, Sở Lao Động Tp. HCM.

Năm 1978, được chuyển về Phòng Thiết Kế sở Công nghiệp, Tp. HCM.

Năm 1982, được điều về trường làm Hiệu phó Chuyên môn.

Năm 1984, được chuyển về Công Ty Trang bị Kỹ Thuật, làm Trưởng phòng Kinh Tế Kế Hoạch .

Năm 1991, được đi Mỹ định cư tại Tp. Louisville, tiểu bang Kentucky, làm việc nhiều công ty, sau cùng làm Họa viên ở Phòng Thiết Kế, sau cùng xuống xưởng làm công nhân.

Năm 2009, về hưu khi đúng 66 tuổi (trên giấy tờ)

Từ khi về hưu, có thì giờ viết sách, mở Website, Blog, Vlog có thì giờ an hưởng tuổi già hàng năm thường về Việt Nam đi tour hoặc tự túc du lịch, đã tham quan Lào Cai, lên đỉnh Fansipan, Vịnh Hạ Long, tham quan Động Phong Nha, Kẻ Bàng.

Miền Trung từ trước tôi đã đến Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang.

Miền Nam thì không có tỉnh nào tôi không tới, Phú Quốc cũng có còn Côn Sơn thì không.

Trên thế giới thì tôi từng đi Pháp ở 1 tháng, Úc, Tân Tây Lan, riêng Ấn Độ có đi chiêm bái Phật tích trong 2 tuần. Còn Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn thì chưa đến tham quan, còn đặt chân đến thì đã có những lần chuyển cảnh, trong đó có 1 lần phi cơ dừng lại trong đêm ở phi trường Bắc Kinh để đổ xăng.

Đó là những cái mốc, lên voi, xuống chó, đi đó đi đây trong cuộc đời của tôi.

866415022025







Wednesday, February 12, 2025

Hôm nay ngày giỗ cha tôi

71 năm trước, hôm nay vào khoảng 5 giờ chiều, sau khi tôi đứng lại để chào hạ kỳ của đơn vị đào tạo sĩ quan của quân đội Lâm Thành Nguyên bên kia song thì em gái tôi hớt ha hớt hải đi đến gần nói:

- Anh về gấp để tìm Chín vì cha đang bị thổ huyết.

Nghe xong, tôi tức tốc vội đi nhanh về nhà, chưa kịp vào nhà thì bác Bảy bên cạnh nhà, nhấc chiếc xe đạp Saint Étienne của cha tôi, đưa cho tôi tại cầu thang trước hang ba nhà và nói:

- Chạy đi kiếm chú Chín, báo chú Ba bị thổ huyết, đến ngay chích thuốc cầm máu !

Tôi vội đỡ lấy chiếc xe, đặt xuống đất rồi phóng lên chạy ngay đến nhà chú tôi, gặp thím Chín, thím ấy cho biết chú tôi như hang ngày đã đi chích thuốc xóm trên chợ, thế là tôi quay xe chạy ngược về ngang nhà rồi chạy luôn phía trên chừng gần một cây số thì gặp chú tôi trên đường về, tôi ngay khi chú và tôi chạy đối mặt nhau:

- Chín về ngay. Cha tôi bị thổ huyết !

Nói xong tôi mới để ý cảm thấy xe mình nặng quá và nó không có được êm, nhìn kỷ mới thấy bánh xe trước đã xẹp lốp từ lúc nào, nhưng tôi cùng quay đầu xe và chạy theo chú tôi trở về.

Khi về vào đến nhà, thấy nhà có đông người, cha tôi được đặt nằm trên bộ ngựa gõ phía trên, chú tôi vừa chích xong mũi thuốc, chú ấy khóc và nói:

-         -  Ảnh đã chết rồi !

Lúc ấy trong nhà có má tôi, cô tôi, em gái và tôi là những người thân thiết của cha tôi đều òa lên khóc.

Cạnh nhà tôi phía trên có Bác Bảy, Bác Hai là 2 anh em ruột, bà con đầu ông cố với cha tôi, kế đó có nhà bà Sáu là em ruột của bà nội tôi, trong nhà ngoài bà còn có ông Sáu, con bà có chú Bảy và chú Chín, cạnh đó phía trên có con gái bà Sáu là cô Sáu và dượng Sáu.

Phía dưới nhà tôi là nhà anh xã Lý Quốc Chênh, anh đã bị Việt Minh xử tử vào năm 1947, ở Đốc Vàng Đồng Tháp Mười khi anh đến đó mua bò đem lên Sàigòn bán, kế đó nữa là nhà ông Năm Phận, ông Bảy Đời và bác Tám Toán rồi đến trường học 3 gian một chái.

Nói chung, xóm ấy là bà con họ hàng gần hoặc bên nội hoặc bên ngoại của cha tôi. Cho nên khi cha tôi bị thổ huyết thì hàng xóm đã nghe tin và tự lại hỏi thăm.

Tôi nhớ trước đó vào khoảng hơn 4 giờ chiều, cha tôi nằm trong nhà ông Bảy Tỵ chuyện trò với ông ấy, rồi bầy dê của tôi không hiểu sao từ ngoài đồng bị ai lùa ra đường, nên cha tôi lùa chúng về nhà, rồ bảo tôi cột lại, xong sai tôi đi xuống nhà ông Ba Nhơn xin vài cái bông về cúng.

Tôi nhớ sau Tết má và chị Tư với anh Năm tôi đi vào núi Sập khai khẩn đất hoang (vì chiến tranh chủ đất bỏ hoang) làm ruộng, không hiểu sao hôm ấy má tôi dường như có linh cảm nên bỏ ruộng cho anh, chị tôi trông nom để về nhà cúng Rằm tháng Giêng, nhưng ngày hôm đó chính cha tôi tự nấu mâm cơm chay cúng.

Cha tôi làm thợ bạc (thợ kim hoàng), tham gia ban Hội tề làng, làm họa sĩ vẽ tranh thờ cúng, làm thợ mã, làm búp sen đám cưới (Búp sen là cái chụp có hình búp sen, úp trên mầm trầu (mâm đựng cau, sau khi cưới 3 ngày, cô dâu chú rễ về nhà gái làm lễ tạ, mới dỡ cái búp sen ra, lấy trầu cau cúng ông bà, người ta kỵ không cho ai njhìn khi vợ chồng mới cưới dỡ mâm trầu, vì khi ấy vợ hay chồng nhường nhịn nhau, hoặc tranh nhau lấy cau trầu ra cúng, người ta tin sẽ là cái huông chồng ăn hiếp vợ hay ngược lại vợ ăn hiếp chồng, do ai là người lấy trước), làm tấm Triệu viết tên họ người chết, số chữ phải tính toán cho đúng phép, nó như là cái thẻ bài của người chết để đi về cõ âm, có họ tên nguyên quán, chức vụ ….Cha tôi còn để một di tích nay bị phai mờ, đó là chữ Minh Đức được khắc vào đá trên vồ Bồ Hông đỉnh núi cấm, Minh Đức là pháp danh của một nhà sư, ngày xưa đã tu hành tại đó, có thể cha tôi đã qui y với sư Minh Đức ấy, cha tôi thường đi chùa vào mồng Một Tết, có ăn chay trường một thời gian, sau đó bị bệnh lao nên bác sĩ ở bệnh viện Long Xuyên không cho ăn chay nữa.

Cha tôi sanh năm 1895 và mất năm 1954 vừa tròn một đời người 60 tuổi, tính theo ông bà ta thuở xưa.

Nhà do đất cha mẹ tôi mua, anh tôi xây cất lại sau nầy, em gái tôi ở, nay em gái tôi đã mất, bây giờ người em rể và con trai độc thân của em gái tôi ở .

Giỗ quảy là con gái đầu lòng của anh Năm tôi cúng, cháu và gia đình đang ở trong phần đất của mẹ tôi thuộc xã Phú Hòa, xưa thuộc quận Châu thành Long Xuyên, nay thuộc quận Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Đêm qua, khoảng  2 giờ tôi thức giấc, đêm nào cũng thế, đêm nào cũng thức vào giờ ấy chừng 15 hay 20 phút, tôi nhớ ngày mai đám giỗ và tôi nhớ đến hình ảnh người cha 60 tuổi, tự hỏi sao ngày ấy con người Việt Nam ta ốm o đến thế !!! 

Hình cha tôi dự đám cưới người con của người cùng trong Ban Hội Tề làng cũng là bà con họ Dương, đây là họ lớn vì đã lập làng Bình Lâm, tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Theo như lời người xưa truyền lại ông Dương Văn Hóa ở Cần Lố ( ? ), miệt dưới lên cù lao Năng Gù lập thôn Bình Lâm, sau Pháp đổi thành làng Bình Thủy. Trong Đình có thờ ông Dương Văn Hóa, nhưng con cháu của ông vào thập niên 1970 có lập Phủ thờ trong đất họ Dương ngay bên cạnh Đình làng.

Thuở nhỏ tôi gần như quen biết khắp cả làng do cha tôi sai tôi đi thăm người thân, đi việc nọ, việc kia. Thời trước có 2 người trong Ban Hội Tề làng là ông chín Dương Văn Cừ giữ chức Hương Trưởng và chú mười Dương Văn Kiếm giữ chức Hương Hào, cha tôi giữ chức Hương Sư, sau Hương chủ và trên hết là Hương Cả, đó là Ban Hội Tề cuối cùng của làng vì sau 1945 không còn Ban Hội Tề làng nữa.

Có một chuyện mà tôi không rõ, bây giờ muốn hỏi cũng không biết hỏi ai, đó là trong gia đình tôi người thứ hai, thứ ba gia đình ông chín Cừ phải gọi là anh, từ thứ tư trở đi phải gọi lại phía ông chin Cừ là cậu là dì. Cho nên ông chin Cừ gọi cha tôi là anh Ba, nên anh Hai tôi gọi ông chin Cừ là chú Chín, tôi gọi ông chin Cừ là ông Chín !! Tôi chỉ biết như vậy là có bà con từ 2 họ Dương và họ Huỳnh.

Có một chuyện tôi nhớ lại, năm tôi tròn 12 tuổi, một hôm vào buổi sáng chừng 10 giờ cha tôi kêu tôi lại gần chỗ cha tôi ngồi trên bộ ván ngựa giữa gần cái bàn trước bộ ván, người nói:

- Năm nay con đã tròn 12 tuổi, từ nhỏ cha mẹ sinh ra con, nuôi nấng bảo bọc con cho đến nay, người con bình thường, tay chân thân thể lành lặn, không hề có khuyết tật, kể từ nay con đã lớn khôn, con phải tự bảo vệ gìn giữ mình, nếu con để cho thân thể bị tai nạn, bị khuyết tật ấy là do con tự làm, tự bảo vệ không tốt, không thể trách cha mẹ nghe con. 

Tôi nghĩ có lẽ đó là lời dạy quan trọng quý báu nhất cho cuộc đời tôi, vì năm sau cha tôi đã qua đời, tôi nhờ phần lớn là chú tôi, sau đó anh tôi đã nuôi nấng dạy dỗ tôi nên người, làm nên sự nghiệp tuy không phải vẻ vang cho lắm nhưng cũng cũng có chút danh phận ở đời.

Khoảng hơn 10 giờ sáng, tôi đã dọn 5 mâm cơm canh để cúng giỗ cha tôi, gồm có 1 mâm trên bàn Phật, một mâm ở bàn ông Quan Công, một mâm Cửu Huyền, một mâm đất đai và một mâm trong nhà, nếu là ngày Rằm tháng Bảy tôi cúng thêm một mâm ở ngoài sân, đó là mâm cúng cô hồn các đảng dành cho những vong linh không có thân nhân cúng kiếng.

Việc cúng kiếng theo phong tục xưa, người xưa cúng thế nào, nay mình cúng thế ấy. Tin rằng có dương thì cũng có âm. Đó là luật âm dương trong vũ trụ, từ không ra có, rồi từ có lại về không. Tôi vẫn tin là như vậy.

Trong gia đình tôi, trừ Bác Hai còn lại ai thứ mấy chúng tôi chỉ gọi thứ chớ không gọi Cô hay Chú. Thí dụ Chú Tám thì gọi là Tám, cô Năm thì gọi là Năm. Sau nầy tôi mới nghĩ ra là anh Hai tôi được bà nội cưng chìu, theo bà nội tôi từ nhỏ, 4 tuổi mà đi chơi bà còn ẩm trên tay. 

Vì bà nội có cháu trễ, cha tôi nghe nói ngoài 30 tuổi mới cưới má tôi, cưới nhau xong 4 năm sau mới có con đầu lòng là anh Hai tôi. Bà nội gọi chú thứ 8 của tôi là Tám mà không gọi tên, vì chú sớm làm thầy giáo, chú thứ 9 là Chín, vì chú sớm làm Biện làng (thư ký) nên anh Hai tôi bắt chước gọi theo, rồi chúng tôi sau nầy cũng gọi như vậy, cô 5 thì gọi là Năm, cô 7 thì gọi là Bảy trong lòng rất thân thương như cha mẹ mình vậy.

866412022025






Monday, February 10, 2025

Dự Tết Cộng Đồng Việt Nam Tại Tp. Louisville, Kentucky

Hôm qua ngày 9 tháng 2 năm 2025 nhầm ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tôi được anh Lê Văn Hùng chủ tịch hội HO tại Tp Louisville, Kentucky mời đi dự lễ Tết Việt Nam, tổ chức tại nhà thờ giáo xứ Louisville



Tôi định lái xe đi dự, nhưng con gái tôi lại lấy xe đưa tôi đi, đến nơi khoảng gần 4 giờ chiều, tôi nghĩ như mọi lần, anh Hùng mời do Hội HO sẽ tổ chức tại Hội trường nhỏ, nằm cạnh Chánh tòa, nhưng đến nơi mới biết là được Cộng đồng Việt Nam tổ chức tại Hội trường lớn của nhà thờ.

Khi tôi vào ngồi thì đã thấy có nhiều người tham dự, từ những người già cho đến trẻ em, đều ăn mặc chỉnh tề làm cho tôi ngỡ ngàng, vì tưởng là HO tổ chức nhưng không ngờ đây là Cộng đồng Việt Nam tại Thành phố Louisville tổ chức. Trong số đó tôi gặp những người quen như anh Trần Ngọc Ẩn, Bạch Văn Quyền, về sau thấy có cả ông bà bác sĩ Cao Văn Luyện.

Ban Tổ chức có Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Cộng đồng, Phó ban Tổ chức là vợ chồng Trần Thiện Tùng – Văn.

Nguyễn Tiến Dũng đọc diễn văn Khai mạc

Phần nghi lễ cổ truyền do các anh Lê Trọng Dương, Lâm Thanh Xuân, Nguyễn Văn Hào mặc áo dài khăn đóng hành lễ.

Cha Chánh sứ  đang có vài lời với cộng đồng dự lễ

Múa Lân có đến 4 đầu lân, văn nghệ có những vũ điệu múa nón … tuy không phải vũ công chuyên nghiệp nhưng cũng Ok, tiếc rằng họ luyện tập chưa nhuần nhuyễn, chắc là không có nhiều thì giờ.


Lân chúc Tết

Có một màn hợp ca do giáo dân nhà thờ trình diễn, đương nhiên là họ có tập dượt đàng hoàng, nhiều người chắc là có chân trong ban thánh ca của nhà thờ.

Ban Văn nghệ của nhà thờ Saint John Vianney Catholic Church giúp vui

Do anh Hùng cũng là một người trong Ban Tổ Chức nên tôi phải chờ anh dọn dẹp sau khi tổ chức xong để trả lại Hội Trường cho nhà thờ, rồi sẽ đưa tôi về.

Phần trình diễn văn nghệ chấm dứt, trên sân kháu đã im, còn lại mọi người ăn uống trước khi buổi lễ chấm dứt.

Người dự đã ra về gần hết, còn lại một số ít người đang ăn uống trò chuyện do lâu ngày mới gặp lại, nhất là buỗi lễ tổ chức vào cuối tuần, họ có nhiều thời gian thư giản.

Tôi ngồi đó, có thì giờ quan sát kẻ đi ra, người đi vào, họ ăn uống, họ lấy thức ăn từ nhà bếp bỏ vào túi nylon, để mang về, vì khách tham dự ăn không hết, tiền thì Ban Tổ Chức đã trả hết rồi.

Nhìn những cô gái trẻ tha thước tà áo dài thản nhiên không cần phải rụt rè e lệ, ăn uống, gọi nhau nắm kéo chào mời. Có vài chàng trai nghênh ngang đi như chỗ không người.

Tôi không ngờ mình lại có dịp trải nghiệm lý thú như vậy, dẫu mất thi giờ nhưng nghĩ lại ít khi có được dịp như thế, không lãng phí chút nào.

866410022025





Friday, February 7, 2025

Nhớ về họa sĩ Loka

Hôm nay tự nhiên tôi nhớ đến họa sĩ Loka, anh tên thật là La Doãn Hân sinh tại Hội An năm 1925 và mất ngày 24-4-2013 tại Rosemead Califinia, thọ 88 tuổi.

Sở dĩ tôi biết anh Loka vì năm 1956, Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa có tổ chức Triển Lãm, người ta muốn chưng bày quyển Hiến Pháp đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa bằng quyển sách viết tay bìa da mạ chữ vàng, việc viết sách ấy giao cho nhà in Iform là nhà in danh tiếng thời bấy giờ, nó được giao in vé số Kiến Thiết Quốc Gia, nhà in giao trách nhiệm cho Hoạ sĩ Phạm Thăng viết, lúc đó tôi ở trọ nhà anh, nên anh đưa tôi đi theo thức đêm với anh để giúp anh vài việc lặt vặt, anh lại nhờ họa sĩ Loka cũng đến đó giúp anh vài việc, cho nên tôi quen biết với anh Loka, sau đó anh Loka giúp vẽ font cho đoàn Cải lương Thúy Nga, anh Loka đã cho vé tôi đi xem tuồng hát Khi hoa Anh Đào nở của đoàn nầy khai trương ở rạp Chiếu bóng Khải Hoàn do cô đào Bích Sơn và Thành Được thủ vai đào kép chánh diễn. Có lẽ đó là lần đầu tiên Thành Được lên sân khấu và thành công ngay từ bước đầu nầy.

Sau đó tôi không có liên lạc chi với anh Loka, nhưng có lần đi xem đoàn Thanh Minh Thanh Nga diễn ở rạp Nguyễn Văn Hảo thấy có cảnh Thanh Nga đứng trên thuyền, font sau là cảnh nước biển mênh mông có sóng vổ vào mạn thuyền, cảnh ấy do họa sĩ Loka dàn dựng, có phải là tuồng hát Thuyền ra cửa biển ?

Có người không biết cho họa sĩ Loka là anh của nghệ sĩ La Thoại Tân, sai lầm vì họa sĩ Loka tên thật là La Doãn Hân sinh năm 1925 tại Hội An còn La Thoại Tân là biệt danh của Phạm Văn Tần sinh năm 1937 tại Sàigòn.

Tôi đã cố tìm trên Mạng nhưng không có ảnh của anh Loka (mong được sự giúp đỡ của mọi người cho tôi tấm ảnh của anh Loka).

Sở dĩ tôi viết về Loka vì anh là một họa sĩ tài hoa, dàn dựng hậu trường sân khấu từ đoàn Thúy Nga của anh Hoàng cũng là chủ nhân hãng bông gòn Bạch Tuyết trên đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận Gia Định, cho đến đại ban Thanh Minh Thanh Nga vào thời hoàng kim của sân khấu Cải lương ở Thủ đô Sàigòn.

Soạn giả Nguyễn Phương viết nhiều về sân khấu cải lương, cũng có khi ông nhắc đến họa sĩ Loka.

Và một người khác viết về Loka:

Loka: Một họa sĩ bị lãng quên

Sắp tới tại Hà Nội sẽ tưng bừng mừng kỉ niệm 40 (năm) ngành sân khấu và có nhiều cuộc gặp gỡ, vui vẻ nhưng với ai kìa, với những nghệ sĩ, nghệ nhân còn đương chức, chứ còn “nghệ sĩ bị bỏ lại bên đời”… lại là nổi đau thầm lặng.

Có một lần tôi đọc 1 bài báo trên tờ TTCN (Tuổi Trẻ Chủ Nhật) của một tác giả viết về Hội An và đăng bức vẽ Hội An của họa sĩ LOKA. Tôi biết họa sĩ từ bức vẽ đó. Hôm khác tôi đến NVH Quận 5 xem triển lãm, tình cờ nghe họa sĩ Tốt mời một số hoạ sĩ khác đi thăm họa sĩ Loka nằm viện. Tôi vội vàng xin theo, mặc dù tôi chưa hề biết thân thế ông. Họa sĩ Loka vào nằm viện dưỡng lão với số tiền 60.000 đồng/ngày, quá đắt nhưng gia đình không thể bỏ rơi ông. Thấy vậy nhà thơ Kiên Giang lo làm thủ tục xin Hội Sân khấu cho ông được vào nằm viện miễn phí.

Họa sĩ Loka tên thật (là) La Doãn Hân, em trai của nhạc sĩ La Hối (tác giả nhạc phẩm Xuân và tuổi trẻ), anh nghệ sĩ La Thoại Tân. Ông sinh năm 1925 tại Hội An. Bước vào con đường hội hoạ bằng cách tự học, có 40 năm hoạt động trong ngành sân khấu - điện ảnh. Từ năm 1947 đến năm 1958 ông bắt đầu vẽ áp phích ciné cho các rạp hát: Ciné Nam Việt (Chợ Cũ), Văn Cầm (Nancy), Modern (Tân Định); Đại Nam, Thanh Bình... Từ năm 1959-1985 về vẽ cho sân khấu kịch - cải lương qua các đoàn Thúy Nga, Út Bạch Lan - Thành Được, Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Minh Vương, Trăng Mùa Thu, Sao Ngàn Phương, Văn Công TP, Kim Cương, Bông Hồng, Hoàng Thi Thơ, Túy Hoa... và nhiều đoàn tỉnh. Năm 1990 vì tuổi già sức yếu ông đã trở về nhà ngồi bên giá vẽ, vẽ lại những bức tranh về phố cổ Hội An, bỏ lại bên đời những năm tháng “lãng tử”.

Trên một tờ (số) báo Bút Thép năm 1964 có viết “La Doãn Hân là người đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc đưa hội họa vào sân khấu ca kịch, từ năm 1954”. Ông đã có dịp đi Nhật, Hồng Kông để nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc hình thức trên sân khấu. Năm 1952 với vai trò họa sĩ thiết kế sân khấu cho “Đoàn Văn nghệ Việt Nam” do Hoàng Thi Thơ và nhạc sĩ Lê Thương phụ trách sang Nhật trình diễn đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Năm 1964 ông làm giám đốc kiến trúc sân khấu cho đoàn “Tiếng hát dân tộc”. Tôi tìm đến nhà thăm ông sau khi (ông) ra viện, người ông yếu lắm, tai lãng và ông đã kể lại với tôi “thật tình mà nói, hồi còn cầm cọ vẽ cho các đoàn có lắm lúc tôi cũng muốn bỏ nghề vẽ phông màn cho cải lương nhưng lời ca tiếng nhạc từ những bài vọng cổ cứ ám ảnh, tôi không bỏ được nghề. Giờ già rồi, ngồi nhà tôi buồn lắm”.

Làm họa sĩ thiết kế thời ông cũng lắm nhiêu khê, hồi đó nghệ sĩ hát còn kéo “micro” dây nên cảnh không được cao quá sẽ đụng dây, di chuyển thì khuôn vẽ quá 1m cũng bị phàn nàn. Ông tâm sự “có một lần ông bầu bảo tôi vẽ cảnh trí cho vĩ đại, tôi đồng ý nghe theo. Đoàn diễn xong đêm cuối, đổi bến hát phải để lại một nửa cảnh ở phòng vẽ còn mấy ông dọn cảnh thì la làng “ông vẽ cho to, cho nhiều rồi đi mà mướn tàu chở”. 

Có một thời theo chân các đoàn hát dọc xuôi, xuôi dọc “lãng tử giang hồ”, thế mà giờ đây không một ai còn nhắc đến tên ông. Nhìn thấy nhiều nghệ sĩ “trẻ” được phong danh hiệu NSƯT mà chạnh lòng cho ông. Một thời say mê thiết kế, cách tân cho sân khấu nhưng lại bị đời lãng quên. 

Thanh Tú

866407022025

 

 

 

Thursday, February 6, 2025

Tuổi già

Khi về già, bạn bè ngày càng ít, năm ngoái về quê thăm nhà được tìn ba người cùng tuổi, có kẻ là láng giềng sát cạnh nhà, có kể bà con đầu ông cố, đầu ông sơ đã qua đời, người thì bệnh già, người thì tắm đêm bị đột quị, kẻ đêm ngủ yên sáng đã qua đời, đó là kể đến những người cùng tuổi có thân thiết xưa nay, chuyện nọ, chuyện kia ở lối xóm, trong làng nói với nhau họ còn biết, còn chia sẻ được những điều họ biết. 

Những người khác, em hay cháu cách mình một thế hệ, những suy nghĩ, những hiểu biết khác nhau về quan điểm về nhận thức cho nên khó hòa hợp từ đó dẫn đến sự cách biệt.

Tôi nhớ chuyện xảy ra cách nay chừng 6, 7 chục năm, một hôm từ Châu Đốc về quê vào buổi chiều, khi đi ngang qua nhà người bác họ, nhà cách con lộ chừng 10 thước, bác ấy đã già trên 60 đang nằm trên chiếc võng, nhìn ra đường thấy tôi bác gọi vào rồi bảo:

- Lâu lâu cháu mới về thăm nhà, gặp bác nên ghé thăm, để bác biết cháu vẫn khỏe mạnh.

Tôi mạnh miệng đáp lời :

- Dạ !

Nhưng sau đó, về thăm nhà đi ngang qua nhà bác, thấy bác nằm đưa võng, tôi làm như không thấy, quên đi những lời bác đã dạy, lẳng lặng đi luôn qua, chắc có khi bác cũng thấy, nhưng chẳng hề kêu gọi lại.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ, khi gặp bác mình sẽ nói chuyện chi, chuyện mình đi học với ông thầy, chơi với mấy thằng bạn hoặc chuyện sáng sáng ra chợ mua gói xôi, gói bắp hầm ăn lót dạ đi học ?

Bây giờ nghĩ lại mới biết sự suy nghĩ ấu trỉ của tuổi thơ. Bác ấy già cô đơn, cần có người hỏi thăm, nói chuyện nắng mưa, mùa màng, lối xóm. Còn mình dẫu không có chuyện chi, cũng có thể hỏi thăm sức khỏe của người già, hỏi thăm chuyện gia đình của họ, chuyện con cái của họ, chuyện cháu chắt họ về học hành, thi cử.

Tuổi trể ngây thơ là vậy.

Cho đến ngày nay, tôi vần nghĩ gia đình tôi có tiếng mà không có miếng. Ông cố tôi là con nuôi của quan Phủ hồi hưu Nguyễn Hà Thanh (1840-1916), ông Phủ nầy khi về hưu chọn mua một miếng đất cất nhà để ở, ông Phủ không hề có ai là họ hàng trong làng, mà cũng không có ai là họ hàng ở những làng, quận lân cận. Sau nầy tôi có chút manh mối rồi đặt ra giả thuyết để tìm tông tích của ông. Có lần cô tôi cho biết ông Phủ họ Đoàn.

Tôi tìm trong sử sách khi vua Tự Đức lên ngôi rồi, tìm nơi xây lăng mộ cho mình đã bắt dân chúng lấy đá, gạch xây lăng, lấy đá vôi dùng chày đập nát thành vôi làm vật liệu xây cất, ngày nọ tháng kia dân chúng quá khổ cực, nên làm loạn lấy chày vôi chống lại quân lính triều đình nên gọi là giặc “chày vôi”, người lãnh đạo là Đoàn Trưng, Đoàn Triệu, con cháu họ bị khép tội xử tử hoặc tù đày, nhưng có 2 người trốn thoát vào Nam làm việc cho Pháp, có lẽ là ông Phủ Nguyễn Hà Thanh đó, khi tôi còn nhỏ, trong khu mộ gia đình ông Nguyễn Hà Thanh có mộ ông bà cố của tôi nằm cạnh mộ nhạc gia và nhạc mẫu ông Nguyễn Hà Thanh. Nói như thế để tôi tin chắc giả thuyết của tôi có cơ sở, là ông Nghuyễn Hà Thanh không có gốc gác gì trong Nam cả.

Nhân đây tôi muốn kể một chuyện tán gia bại sản có liên quan đến ông Phủ Nguyễn Hà Thanh và gia đình ông Phạm Phú Quý, có lẽ người giàu nhất tỉnh Châu Đốc.

Xin nhắc lại, ông Nguyễn Hà Thanh khi hưu chọn làng tôi ở Cù lao Năng Gù huyện Châu Thành tỉnh Long Xuyên, mua một miếng đất dọc theo Xép Năng Gù (Xép là con sông nhỏ) phía kia là Rạch chanh (con rạch có nước phèn, the the, chua chua nên gọi là chanh) dài chừng 500 thước, trong phần đất nầy có hiến cho nhà nước cất một ngôi trường làng và ông Phủ có cất một ngôi miếu ngang chừng 6 thước, sâu chừng 5 thước, ngày nhỏ tôi sợ nên không rõ trong đó thờ cúng như thế nào, trước miếu cũng có xây bình phong, có trồng cây dương, phía bờ sông có cây sung.

Bên kia sông, đối diện nhà ông Phủ là nhà của ông Thầy Phó Phạm Phú Quý (Phó là chức Phó Cai Tổng. Ngày xua theo tổ chức hành chính đất thuộc địa của Pháp là thôn, làng, tổng, quận, tỉnh, xứ.

Dinh thự của Thầy Phó bên trong có nhà cửa không bằng dinh Độc Lập (dinh Thống Nhất) nhưng bên ngoài có hàng rào sắt còn hơn Phủ Toàn Quyền hay Dinh Thống Nhất ngày nay, vì dọc theo hàng rào sắt những cột trụ hay bệ bên dưới đều có cẩn gạch bông, loại bông có màu sắc và bông nổi, có 4 cổng ra vào, 2 cổng 2 bên có cửa sắt xe hơi con ra vào được, hai cổng ở giữa có lầu vọng nguyệt, mỗi cạnh chừng 4 thước, có thang đi lên lầu.

Trong khu nhà nầy, trước 1945 tôi có vào một lần, ngồi ở phòng khách có tràng kỷ chạm trổ. Có một từ đường phía sau 2 cổng chính, lui phía sau có 3 căn nhà, một căn nhà gỗ son màu xanh da trời, một căn nhà tường xây mái ngói khá rộng và phía trên cùng một căn nhà cũng tường xây mái ngói. Đó là 3 căn nhà của 3 người con trai ông Thầy Phó, gồm có nhà bác Ba, bác Tư Chuốc và bác Sáu Thơi.

Vì đất ông Thầy Phó cò bay thẳng cánh, từ con lộ xe chạy xưa có tên là LT 10 (LT: Liên Tỉnh: 2 là Châu Đốc, 8 là Long Xuyên, 8 + 2 = 10 Thời Pháp đã đặt:

Gia Châu Hà
Rạch Trà Sa
Bến Long Tân
Sóc Thủ Tây
Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò
Cần Bạc Cáp

Đó là theo thứ tự: 1 Gia Định, 2 Châu Đốc, 3 Hà Tiên, 4 Rạch Giá, 5 Trà Vinh 6 Sa Đéc 7 Bến Tre 8 Long Xuyên 9 Tân An 10 Sóc Trăng, 11 Thủ Dầu Một, 12 Tây Ninh, 13 Biên Hòa, 14 Mỹ Tho, 15 Bà Rịa, 16 Chợ Lớn, 17 Vĩnh Long, 18 Gò Công 19 Cần Thơ, 20 Bạc Liêu, 21 Cap Saint Jacque -Vũng Tàu) nay là QL91 vào bên trong đồng nội giáp với làng Cần Đăng … nên ông đào nhiều con kênh dân chúng đặt tên là kênh ngang, kênh ngang giữa, kênh ngang chót, ông lại cho đào một con kênh thông ra Xép Năng Gù, kênh nầy chỉa thẳng qua Trường học trong đất ông Phủ bên Cù lao Năng Gù. Ông Phủ có lẽ biết về Phong thủy, thấy Kênh ông Thầy Phó đâm ngay qua Trường học là đất nhà của ông, nên ông cho đào một cái mương nằm cạnh nhà ông Phủ từ Rạch Chanh đâm thẳng qua dinh thự ông thầy Phó. 

Do hai con kênh đó, gia đình ông Phủ lụn bại từ khi tôi còn nhỏ nên không rõ lắm, nghe nói nhà gỗ mà có lầu, còn dinh thự của Thầy Phó, sau 1945 bỏ nhà cửa chạy lấy người lên Châu Đốc định cư từ đó, sau Lâm Thành Nguyên lấy dinh thự đó làm Trung tâm huấn luyện sĩ quan, sau quân đội Quốc Gia chiếm đóng, sau năm 1972 Mỹ nới rộng đường LT 10 phải phá bỏ hàng rào sắt, sau nầy nghe nói hàng rào sắt đó bán lại cho bệnh viện ở Hòa Hảo. Còn đất đai bị truất hữu theo chính sách “Người Cày Có Ruộng” của Nguyễn Văn Thiệu.

Hình Kênh Thầy Phó đâm ra Trường Tiểu Học A Bình Thủy, chỗ mũi tên là mương ông Phủ đào đâm thẳng qua dinh thự Thầy Phó

Chuyện xửa chuyện xưa, nay nhớ đến đâu ghi đến đó, nó thuộc về loại chuyện Tạp Nham hay Tạp Ghi cũng thế thôi, ghi để nhớ, để cho người sau biết.

Thầy Phó đào kinh băng qua đường để cho nước phèn chảy tháo ra sông, nên Thầy phó phải làm cầu đúc Bê tông như cái cống hộp lớn. Cầu đó xưa dân địa phương gọi là Cầu Thầy Phó, gần đây Ty Cầu Đường không hiểu chuyện, đặt tên là Cầu Thầy Phó Ký. Đúng ra phải gọi là Cầu Thầy Phó Quý, cũng như cách đó chừng 2 km có cái cầu sắt xưa có tên là Cầu Kênh Ông Quít, nay lại đặt tên cầu kênh Quít. Nghe nói ngày xưa người đứng ra coi xây cầu là người Pháp, không rõ tên ông ta viết chữ Pháp như thế nào, nhưng người Việt mình gọi ông ta là ông Quít, chớ không phải là Quít hay Cam gì cả. Ở gần Long Xuyên có chỗ xưa có tên là Xép Bà Lý cũng như Xép Năng Gù, sau nầy người ta không biết ghi tên cái cầu là Xếp Bà Lý. Than ôi ! Sai một ly đi ngàn dậm !! 

Mấy anh Cầu Đường ơi ! Xin đừng ngồi ở văn phòng đặt tên bừa bãi, sau nầy con cháu chúng ta không biết đâu mà mò.  

866406022025