Tôi nhớ lâu lắm rồi, trước 1970 nhưng sau 1963, trên tờ báo Đuốc Nhà Nam có bài viết của một ký giả được đi tham quan ở Mỹ về, viết một bài ký sau chuyến đi, hình như tác giả là Sơn Điền Nuyễn Viết Khánh thì phải. cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ được hai bài học;
Một của nước Mỹ, về vấn đề giữ vệ sinh công cộng, tác giả ghi lại trong chuyến đi đường dài, khi ngồi trên xe lột cam ăn, vỏ cam bỏ vào trong cái túi, chờ xe chạy đến một chỗ ngừng nghỉ cách xa hàng mấy chục cây số, xe ngừng lại người ta mới đem cái túi rác liệng vào thùng rác. Như vậy, người ta giữ vệ sinh chung, không vất, ném, xả rác bừa bãi.
Thật ra, nhân vô thập toàn, người Mỹ vẫn ném rác xuống đường, vĩa hè. Thỉnh thoảng có những chỗ có bảng cấm xả rác, xả rác sẽ bị phạt 200 dollars, bảng cấm thì cấm, nhưng người ta xả rác thì cứ xả mặc dù số này rất hiếm, nhưng vẫn có.
Do vậy, trên những xa lộ người ta vẫn thấy có những toán người đi luợm rác, họ mang theo những cái bao nylon to, có thể chứa đến 30 – 40 gallons, những người đó lượm tất cả mọi thứ rác như ly nhựa, giấy, bao nylon, lon nhôm … thường họ đeo găng để lượm rác bằng tay, khi nào đầy bao họ cứ bỏ bên vệ đường, sau đó sẽ có xe truck chạy theo nhặt các bao ấy. Còn ơ trong thành phố, trước nhà ai, nhà ấy tự lượm bỏ vào thùng rác của mình.
Chúng ta thấy ở vĩa hè, ở những bãi đất trống đều trồng cỏ xanh um, có bất cứ một thứ giấy vụn, rác ruởi nào trên đám cỏ xanh, người ta đều thấy rõ nó là rác. Có những người sáng hay chiều họ dắt chó đi dạo, có người đi bộ tập dưỡng sinh ở vĩa hè, họ cầm theo cái bao nylon nhỏ, trên đường đi hể gặp rác là họ lượm, dĩ nhiên là rác không có nhiều, nhờ tinh thần tự nguyện tự giác ấy, cũng góp phần làm sạch thêm cho khu dân cư.
Trên tất cả xa lộ của Mỹ, cứ khoảng 60 miles chánh phủ cất một nhà vệ sinh công cộng, rất khang trang và sạch sẻ, trong nhà vệ sinh có để một quyển sổ, để cho khách ghé qua có thể ghi lời khen hay chê, sạch hay không để những người có trách nhiệm biết. Cạnh đó có thể có nhà khác có máy bán thức ăn, nước uống, ở trong nhà này cũng như bên ngoài có những chỗ để người ta ngồi nghỉ và ăn uống.
Còn ở trong thành phố, muốn đi vệ sinh có thể vào các cửa hàng bách hóa, các cửa hàng tổng hợp, các cửa hàng ăn nhanh như Mc Donal …
Bài học thứ hai mà tôi muốn nhắc tới bài viết của ký giả kia về cung cách phục vụ khách, khi ký giả ấy rời nước Mỹ, trong túi ông ta còn vài trăm dollars, là số tiền mà ông ta được cơ quan Mỹ đài thọ cho chuyến đi, gồm tiền vé máy bay, tiền ăn, tiền bỏ túi để xài vặt, mua quà. Ông ta định để dành dollars mang về Việt Nam.
Khi về tới Nhật, trong khi chờ chuyển máy bay, có thì giờ ông ta đi vào phố, đến xem một cửa hàng bán máy ảnh, mục đích là để xem cho biết, người bán thấy khách thì vồn vã mời, ông ta hỏi giá một chiếc máy ảnh, người bán hỏi ông ta có phiếu giảm giá không, nếu có cửa hàng bớt tới 30%, ông ta không có, người bán chở ông ta trở lại phi trường để lấy phiếu. Có phiếu giảm giá rồi, ông ta mua cái chi cũng được bớt 30%, thành thử ông ta mua nhiều thứ, cuối cùng chỉ còn vài dollars khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ông ta kết luận, cách móc hết túi tiền khách du lịch của người Nhật thật là tuyệt vời.
Ở Mỹ, khi chúng ta dẫn trẻ con vào cửa hàng, chúng lấy cái nọ, dời chỗ cái kia, người bán nhìn thấy chỉ cười, không hề rầy la dọa nạt - họ không được phép làm như vậy - những món hàng người mua không đồng ý, có quyền đem trả lại, vào dịp lễ người ta mua nhiều, trả nhiều, nhất là dịp lễ Giáng sinh, người ta mua quà cho nhau, ngày hôm sau người ta đứng xếp hàng trả lại, như lúc ở Việt Nam thời bao cấp đứng xếp hàng mua vé xe đò.
Thật ra ở Mỹ những người bán hàng đều không phải là chủ, họ chỉ là nhân viên, được huấn luyện phải làm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, cho nên cung cách người bán hàng khác với nhũng ngưòi chủ bán hàng ở Việt Nam, phải thì bán không phải thì xua đuổi, chửi mắng người khách!! Ở Mỹ khách vào mua, khi đi ra người bán: “Cám ơn”, khách không mua đi ra, người bán cũng một dạ: “Cám ơn”.
Trở lại chuyện giáo dục ở Mỹ, tôi muốn nói tới sự giáo dục học sinh ở nhà trường, đối vói người Mỹ, họ để cho trẻ con phát triển tự nhiên, cha mẹ khuyến khích sự phát triển ấy, chớ không bắt ép, gò bó trẻ con.
Lúc trẻ còn nhỏ phải cho bú mớm, nhưng khi chúng biết ăn cha mẹ để thức ăn cho chúng tự bốc, tự dùng muỗng múc thức ăn, dĩ nhiên trước còn đổ tháo nhưng sau dần dần ăn uống sạch sẽ. Trẻ con tha hồ sử dụng tay trái hay tay mặt tùy khuynh hướng phát triển của chúng, thời tôi còn nhỏ, người ta khuyến khích, bắt buộc sử dụng tay mặt, vì cho rằng nhiều dụng cụ chỉ chế tạo cho người sử dụng tay mặt mà thôi, sau đó có những dụng cụ chế tạo cho người sử dụng tay trái, ngày nay hình như mọi thứ đều có thể dùng cả tay mặt lẫn tay trái.
Vào trường học, đến bửa ăn trưa, học sinh tự lấy dĩa chọn thức ăn, khi ăn xong phải tự bưng thức ăn của mình bỏ vào thùng rác. Trong phòng ăn, người ta để những thùng đựng rác khác khau, cái đựng thức ăn thùa kể cả khăn giấy, dĩa giấy, muỗng, nĩa nhựa, cái đựng lon nhôm, cái đựng chai nhựa, cái đựng các bao thức ăn bằng giấy tráng nhôm. Có thứ là rác bỏ đi, nhưng có thứ dùng để tái chế.
Không phải Mỹ thiếu nguyên liệu mà phải tái chế giấy, nhựa, nhôm nhưng chính yếu là để giải quyết việc khác, chẳng hạn như nhựa lâu lắm mới mục rã tiêu hủy, tái chế để nó không chiêm chỗ, nhôm tái chế để tránh độc hại khi nhôm bị oxýt hóa, rò rỉ vào nguồn nước.
Mỗi đứa trẻ ở Mỹ đều được giáo dục có tánh tự lập, tự do, nhờ vậy mà trong thời đại vi tính người ta mới nghe đến các danh nhân như Bill Gates, Steve Jobes không phải chỉ giàu có mà là những nhà sáng kiến vĩ đại của thế kỷ, cả hai đều không học hết đại học, thậm chí Steve Jobs mới vào College có một học kỳ đã bỏ học vì đam mê ngành vi tính.
Bill Gates thì từ bỏ Microsoft năm 2008 để chuyên tâm làm từ thiện, còn Steve Jobs bỏ cuộc năm 2011 vì căn bệnh hiểm nghèo, nghe tin Steve Jobs mất Bill Gates đã phát biểu:
“Người đồng sáng lập lên tập đoàn Steve Jobs có ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ người trên toàn thế giới”.
“Tôi và Steve gặp nhau lần đầu tiên cách đây 30 năm, kể từ đó cho đến nay, tôi và ông ấy là đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh cũng như bạn bè của nhau. Thời gian làm bạn cũng hơn nửa đời người…”
“Thế giới thật hiếm thấy có những người có ảnh hưởng lớn như Steve Jobs, nhiều thế hệ đã gắn liền với tên tuổi và sản phẩm của ông”
Nhờ quan niệm giáo dục tự do, khai phóng, nên Mỹ có những người xuất chúng, cống hiến cho nước Mỹ và toàn thể thế giới những tiến bộ trong các lãnh vực giáo dục, khoa học, kỷ thuật, giải trí …
18-10-2011
No comments:
Post a Comment