Pages

Saturday, February 14, 2015

Cành Hồng Valentine



Vào một ngày, tôi bất chợt nhận được từ một người bạn gửi qua điện thư cho tôi một đóa hoa hồng, tôi gửi lại lời cám ơn như những ngày Tết hay Giáng sinh, nhận được những cánh thiệp, những lời chúc mừng.


Hai tuần lễ sau, tôi lại nhận được điện thư của ấy gửi lời trách phiền, tôi đã vô tình hay cố ý không quan tâm tới những đóa hoa hồng kia, bấy giờ tôi mới chợt hiểu ra, đó là những đóa hoa hồng bày tỏ tình cảm trong dịp lễ Valentine, còn được gọi là “lễ tình yêu”.

Người gửi cho tôi những đóa hoa hồng kia là một người đàn bà, cũng như tôi tuổi đã ngoài năm mươi, đối với tôi đó là một phụ nữ, tôi đã có dịp quen từ gần ba mươi năm trước.

Năm đó, tôi ở Sàigòn thi rớt Tú Tài 1, còn nàng ở Huế vừa thi đậu bằng nầy, một người bạn quen với cả hai đã giới thiệu chúng tôi quen nhau. Hai năm sau, tôi vào Đại học, vào dịp Hè, có dịp ra thăm Huế với bạn của tôi, nàng vẫn đang học Đại học, bạn tôi và nàng đưa tôi đi viếng chùa Linh Mụ, đi thăm họ hàng của nàng ở Kim Long và vài nơi ở đất thần kinh, non nước, cung điện hữu tình, ba chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết.

Năm sau, tôi có dịp trở ra Huế, nàng đã đi làm cho một phái bộ Mỹ ở Huế, rồi nàng có dịp vào Sàigòn công tác, nhân ngày nghỉ tôi đưa nàng đi xem ciné ở rạp Văn Hoa Tân Định, một là rạp vừa mới tân trang lại, hai là đang chiếu phim “Giả từ vũ khí”, phim tình cảm của nhà văn Ernst Hemingway, nội dung về chuyện tình trong thế chiến thứ nhất giữa Federic Henry, một người Mỹ tình nguyện lái xe cứu thương cho quân đội Ý và cô y tá Catherine Barkley.

Henry gặp Catherine Barkley và mối tình của họ chớm nở. Trong thời gian phục vụ trên mặt trận Italia, Henry bị thương vào đầu gối do đạn pháo nên anh được chuyển tới một bệnh viện ở Milano. Sự phát triển mối tình của Henry và Catherine khi họ sống bên nhau tại Milano trong mùa Hè. Henry ngày càng yêu Catherine, rồi đến khi anh lành vết thương, Catherine đã có thai 3 tháng. Henry trở về đơn vị của mình, nhưng chẳng bao lâu sau thì quân Đức phá vỡ mặt trận Ý khiến quân Ý tháo chạy hỗn loạn. Sau khi bị tụt lại đằng sau, Henry cố bắt kịp đơn vị, nhưng anh lại bị hiến binh Ý bắt giữ và mang đi xử tử, vì bị buộc tội "phản bội". May mắn là Henry trốn thoát được bằng cách nhảy xuống sông. Catherine và Henry đoàn tụ và bỏ trốn đến Thụy Sỹ bằng cách chèo thuyền qua biên giới. Cuối cùng Henry và Catherine sống cuộc đời bình lặng tại vùng núi, cho tới khi Catherine sinh con. Sau một cơn sanh nở dài và khó nhọc, con trai của họ chết trong bụng mẹ, còn Catherine thì bị băng huyết mà chết, bỏ lại Henry một mình ngậm ngùi quay về nhà trọ trong cơn mưa tầm tã.

Ngày đó, từ ngoài sáng bước vào rạp tối, tôi phải nắm tay nàng, bước từng bước lên thang lầu và chọn chỗ đưa nàng vào. Màn ảnh bắt đầu chiếu phim. Đó là một phim tình cảm rất hay nhưng ngồi gần bên người đẹp, hạnh phúc ấy xâm chiếm tôi, còn đâu để thưởng thức phong cảnh và những tình tiết gây nhiều cảm xúc. Cho đến nay tôi chỉ còn nhớ mang máng cảnh Henry và Catherine bơi xuồng vượt thoát.

Năm nào đó, vào sinh nhật của tôi, từ Huế nàng gửi vào cho tôi một quyển tiểu thuyết Hai mươi bốn giờ trong đời một người đàn bà của Stefan Zweig do Tràng Thiên dịch, một chuyện tình cảm thật lãng mạn.

Thuở đó ít nhất tôi đã có lần đề nghị với Hương Lan cùng nhau tìm hiểu để đi đến hôn nhân, nhưng chắc nàng đang với tay cao hơn, nàng tảng lờ đề nghị của tôi, rồi vài năm sau, tôi được tin nàng lên xe hoa với một nhà giáo tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Qui Nhơn. Đám cưới của họ tổ chức tại Huế, tôi gửi điện tín chúc mừng.

Sau năm 1975, tôi được biết Hương Lan là một nhân viên cơ quan của Mỹ, cho nên cả gia đình nàng được di tản sang Mỹ, trong những ngày miền Nam bị bức tử.

Cho đến 1990, tôi mới được đi Mỹ theo diện HO, sau đó lại anh bạn của tôi cho nàng địa chỉ điện thư của tôi, từ đó chúng tôi thường xuyên liên lạc, thăm hỏi nhau qua điện thư và mùa Valentine năm 2000, Hương Lan đã gửi cho tôi một đóa hoa hồng, tôi không dám nghĩ đó là tình nàng đã gửi cho tôi, bởi vì chúng tôi đều luống tuổi, mỗi người sống có gia đình riêng của mình.

Suy nghĩ như thế, nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó, có những góc khuất lấp, khi có ngọn lửa tình yêu nó cũng bùng lên, khó kềm hảm được, do đó Hương Lan và tôi đã nối lại mối tình xưa. Trong một lần trao đổi, tôi đã hỏi Hương Lan vì sao ngày xưa, nàng đã không nhận đề nghị của tôi, để xây dựng một tình yêu từ đó. Nàng trả lời trong điện thư:

… Có chớ, em có gửi cho anh một lá thư, nhưng không hiểu sao thư chẳng hồi âm, em đợi, em chờ, có hôm đi trên cầu Tràng Tiền, nhìn xuống dòng sông thấy nước chảy qua cầu, em tự hỏi có phải những tình cảm của chúng ta như dòng nước kia, trôi xuôi ra biển, nhìn lên trời thấy những đám mây trắng trôi về Nam, ước chi em là đám mây trôi nổi về Nam để được gặp anh, nói với anh vài lời là em cũng muốn thế … nhưng em trông đợi vẫn chỉ là trông đợi.

Chắc anh nhớ mấy câu thơ cuối trong bài Ngập Ngừng của thi sĩ Hồ Dzếnh
…………………..
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Đó cũng là cái duyên của chúng ta, thế thôi…

Em,

Hương Lan của anh

Điện thư đôi ba ngày chúng tôi gửi cho nhau, lời càng ngày càng ngọt ngào, êm đẹp, tình càng ngày càng nồng thắm hơn.

Năm sau, tôi được mời tham dự một cuộc họp tại thành phố nàng ở, tôi gửi điện thư báo, ngày giờ và chuyến bay tôi sẽ đến, nàng đề nghị sẽ lái xe đón tôi ở phi trường, mặc dù giờ tôi đến nơi là chuyến bay chót trong ngày nên gần nửa đêm, sẽ đưa tôi về nhà nàng nghỉ qua đêm, rồi hôm sau đến nơi dự họp, nàng cho biết đã bao nhiêu năm rồi chưa gặp mặt, dịp nầy gặp nhau tay bắt mặt mừng cho thỏa tấm lòng nàng mong đợi.

Còn hai ngày nửa lên đường, tôi đã dệt mộng khi gặp nhau sẽ ôm nàng trong vòng tay và khẻ nói bên tai nàng “Anh rất yêu em”.

Nhưng chẳng may, tai họa giáng xuống chúng tôi, nhà tôi đã đọc được tất cả những điện thư chúng gửi cho nhau. Tôi tưởng rằng mình đã xóa hết, nhưng không ngờ nó vẫn còn lưu giữ, chắc thằng con tôi đã tìm thấy và âm thầm in ra rồi trao cho mẹ nó, nhà tôi chỉ nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết:

- Em sẽ không đi với anh, nếu anh muốn thì cứ đi để gặp Hương Lan. Ngày trước, nếu cô ta yêu anh, cô ta đã không đi lấy chồng. Ngày nay, nếu cô ta thật tình yêu anh, cô ta bỏ chồng đi, em sẵn sàng nhường anh cho cô ấy.

Giữa con tim và lý trí, gia đình và cá nhân tôi phải chọn lựa một con đường, không thể khác hơn, tôi gửi cho nàng một điện thư:

Hương Lan thân yêu,

Nhà anh đã đọc được Email, đã biết mọi chuyện. Xin lỗi cho anh gửi tới em lời Sayonara

Từ nay, Thanh không còn là của em nữa, xin hãy quên hết và tha thứ cho anh mọi lỗi lầm đã gây ra.

Anh.

Ngay đó, tôi liền nhận được điện thư hồi âm:

Sao anh nói là anh đã xóa hết email rồi. Cớ sự thế nầy, lỗi của anh hay của em? Nhưng chắc từ nay chúng xa xa nhau vĩnh viễn.

Em không dám trách phiền, hờn giận anh, chỉ xin hiểu cho nổi đau của một người khi mất tình yêu.

Em của anh mãi mãi.

Hương Lan

Ngay sau đó, tôi khóa bỏ email của aol, đến nay đã trên mười năm trôi qua, mỗi lần Valentine đến, gợi tôi nhớ đến người xưa, không rõ rồi nàng đã ra sao.
14-II-2015

No comments:

Post a Comment