Pages

Wednesday, April 24, 2024

Chút chuyện đã qua

Sáng nay 24-4-2024 tôi có được Academia báo trong điện thư, Academia có email cho tôi, thường tôi không đọc vì nhiều lần có lời nhắn đóng tiền, nhưng không hiểu hôm nay tôi lại đọc, có lẽ vì chỉ có 3 điện thư, không như những ngày khác có mươi, mười lăm hai chục điện thư, trong đó có điện thư của Ngu Yên báo cho biết có Thư mục nên lấy xuống để dành, cuối cùng có trang với tựa Cọp Sách, tôi đọc bài nầy, trong ấy có nhắc đến ông chủ nhà sách Khai Trí và có nhắc tới một cô thu ngân ở nhà sách tỉnh lẻ nào đó nơi Ngu Yên sống thời tuổi học trò.

Nói tới ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, từng là học sinh Trung học Kỹ Thuật Cao Thắng làm cho người ta có thể liên tưởng tới Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Đề đốc Trần Văn Chơn, cựu Chủ Tịch Tôn Đức Thắng và cựu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đây, gần nửa thế kỷ về trước người ta có chút tin rằng Hồ Chí Minh khi còn mang tên Nguyễn Tất Thành từng học ở Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, vì những người học ở Cao Thắng thường là thủy thủ, từ đó đi sang Pháp dễ dàng. Theo tiểu sử Nguyễn Tất Thành từng là thủy thủ và đã đến Pháp sinh sống một thời gian hoạt động với Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh, nhưng sau 1975 người ta đến Trường nầy tra cứu hồ sơ cũ còn lưu trữ, không thấy có dấu vết chi, nên từ đó về sau người viết sử về Hồ Chí Minh không còn cho ông là cựu học sinh Trường Kỹ Thuật Cao Thắng nữa.

Về Nhà Sách Khai Trí, tôi có vài kỷ niệm. Thứ nhất là năm nào đó, anh tôi gửi về cho tôi bộ sách Technologie Industrial của Norbert trọn bộ có 2 tập, trước đó bộ có 3 tập, khi đi dạy về tôi ghé qua nhà sách Khai Trí, ôm luôn mấy cuốn sách vào khu sách kỹ thuật để xem giá sách ấy là bao nhiêu.

Khi tôi ra cửa bị một cậu thanh niên chận lại, yêu cầu tôi cho cậu ta kiểm tra. Tôi biết cậu ta nghi tôi ăn cắp sách, tôi yêu cầu mời người có trách nhiệm đến, tôi sẽ cho kiểm tra. Người phụ trách tổng quát nhà sách đến, tôi biết mặt anh ta, tôi nói với anh ta: “Tôi biết toàn bộ sách của nhà sách đều có đóng dấu, nếu sách trên tay tôi không có đóng dấu tức là không phải sách của nhà sách nầy”. Tôi để cho anh phụ trách và thanh niên ấy xem, đúng là sách tôi không có dấu vết chi. Việc chúng tôi làm, mặc dù ngay trước cửa nhà sách, nhưng hoàn toàn kín đáo, nên khách qua đường hoặc khách ra vào nhà sách đều không biết, làm vậy cốt tránh gây sự chú ý của mọi người, không gây sự quan tâm của khách hàng.


Thật ra thì trước đó, ông Khai Trí và tôi có biết nhau, tôi từng bán bản quyền vài quyền sách cho ông ta, đến ký bán và nhận tiền bản quyền, nơi ông ta làm việc tầng lầu trên nhà sách. Còn nữa cô thu ngân là cô Tâm, chúng tôi cũng có quen biết nhau vì cô Tâm có 2 người em là Nguyễn Hữu Lộc và Nguyền Thị Tuyết Mai đều là đoàn sinh của tôi, sinh hoạt trong GĐPT tại chùa Giác Minh thời đó.



Tôi không nhớ là năm nào, hình như do anh Tạ Quang Mùi, giáo sư dạy xưởng tại Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ gìới thiệu tôi gia nhập Hội Cựu sinh viên các trường Kỹ thuật Việt Nam, như vậy là sau khi tôi đã thuyên chuyển về trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ năm 1970. Tôi có đi họp hàng năm vài lần, vào dịp cuối năm tại Câu Lạc Bộ Hải Quân, trên chiếc xà lan của Hải Quân đậu nơi bến Bạch Đằng, trong khu vực trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Ba Son.

Mỗi lần họp mặt như vậy có nhiều giáo sư các nơi về dự, năm nào tôi cũng thấy có ông Khai Trí tham dự, mỗi lần như vậy ông đều có mang sách tới làm quà, hoặc tặng cho những vị khách hoặc làm phần thưởng lưu niệm.

Ngoài việc bầu cử Ban Chấp Hành của Hội, các hội viên còn mời TT Nguyễn Văn Thiệu làm Hội viên Danh dự, Đề Đốc Trần Văn Chơn làm Hội Trưởng Danh dự, tôi nhớ Hội trưởng năm sau cùng của Hội là Đại Tá Hải Quân Trần Văn Lịch, Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng (Ba Son), Phó Hội Trưởng là ông Lý Kim Chân Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học vụ, Tổng Thư Ký là ông Phan Văn Mão Thanh Tra nha Kỹ thuật Học Vụ.

Ngoài chuyện ký hợp đồng bán bản quyền sách hoặc nhận tiền bản quyền, tôi không có gặp ông Khai Trí lần nào khác, bà Khai Trí thì dễ gặp vì thỉnh thoảng bà ngồi ở bàn thu ngân. Những người con ông Khai Trí, tôi chỉ gặp và biết cô con gái đầu lòng của ông, có lần tôi gặp cô ấy tại Viện Đại học Vạn Hạnh, chắc là cô ta đến đó chơi với bạn chớ không phải là sinh viên trường nầy. Khi ông Khai Trí bị đánh tư sản phải ở tù, nhà văn Nhất Giang cho tôi biết ông Khai Trí trong tù bị bệnh ngoài da hay mắt, sẵn trong nhà có một týp thuốc ngoại, tôi gửi Nhất Giang khi đi thăm chuyển cho ông ta dùm tôi.

Tôi cũng không nhớ năm nào, sau 1975, tôi có tới thăm ông Khai Trí tại 2 căn nhà liền kề nhau trên đường Điện Biên Phủ gần Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng lần đó tôi không gặp cả ông lẫn bà.

Ông Khai Trí có chủ trương một tạp chí thiếu nhi, giao cho nhà văn Nhật Tiến điều hành, sau khi bị tù đày, qua Mỹ rồi trở về Việt Nam có sưu tập và xuất bản tập thơ tình Việt Nam và Thế giới, tôi có biết nhưng rất tiếc chưa có tập thơ nầy. Ông là người học kỹ thuật nhưng đi theo con đường văn hóa và phát triển văn học nước nhà.

Ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách:

     - Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc,
     - Quê em mến yêu,
     - Làm con nên nhớ,
     - Chánh tả cho người miền Nam,
     - Huế mến yêu,
     - Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam…

Chắc phải trích một bài viết của ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương cho đọc giả biết thêm về tâm tư của ông:

 Thân gởi các bạn trẻ

Tuyển tập THƠ TÌNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI là món quà dành riêng cho các bạn mà tôi rất yêu mến vì tuổi trẻ là tương lai của xứ sở. 

Người ta thường nói tuổi trẻ là tuổi của hy vọng và tuổi của yêu đương. Còn trẻ, các bạn hy vọng thực hiện những hoài bão mà các bạn đang ôm ấp trong lòng, các bạn hy vọng có được một đời sống tốt đẹp mà các bạn ước mơ. Còn trẻ, các bạn hy vọng tìm được người bạn đời lý tưởng, đem đến hạnh phúc cho các bạn, bạn yêu và được vêu lại. 

Thi sĩ Byron ví tình yêu của tuổi trẻ không khác nào một vườn hoa có nhiều bông hoa đang bừng nở trong mùa xuân. Ông Thomas Moore cho rằng chẳng có gì ngọt ngào bằng nửa sự ngọt ngào của giấc mộng tình yêu trong thời tuổi trẻ. 

Tuổi trẻ cũng là tuổi cửa sáng tạo, nhất là trong lãnh vực thi ca. Không ít nhà thơ đã nổi danh khi chưa đến hai mươi tuổi. NGUYỄN BÍNH làm thơ từ 13 tuổi, năm 1937 (18 tuổi) được giải thưởng về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với tập Tâm Hồn Tôi. TẾ HANH năm 18 tuổi (1939) cũng đã được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn cho tập thơ Nghẹn Ngào. HUY THÔNG năm 17 tuổi (1933) đã xuất bản tập thơ Yêu Đương, năm 19 tuổi ( 1935) cho ra đời tập thơ dài Tiếng Địch Sông Ô. HUY CẬN làm thơ đăng ở báo Ngày Nay từ năm 1938 lúc 19 tuổi, năm 21 tuổi đã xuất bản tập thơ Lửa Thiêng. HÀN MẶC TỨ làm thơ khi mới 16 tuổi. Tập thơ Gái Quê in năm 1936 lúc 24 tuổi. Tập thơ Điêu Tàn xuất bản năm 1937 khi CHẾ LAN VIÊN mới 17 tuổi. Đỗ HUY NHIỆM in Khúc Ly Tao năm 1931 khi mới 16 tuổi. 

Những điều kể trên chỉ nói lên tuổi trẻ là tuổi đầy sáng tạo, chớ "Tình yêu không có tuổi và thơ tình hay càng không tính tuổi được bao giờ” như lời nhận xét của nhà thơ Huy Cận. Ông N. Karamzine từng nói: “Tinh yêu không có tuổi tác, chừng nào trái tim còn đập người ta còn yêu”. Người ta còn yêu là còn có thơ hay. 

     Nhà thơ không có tuổi
     Tuổi nhà thơ trong thơ
     Đọc Kiều ai có hỏi
     Tuổi Nguyễn Du bao giờ.

               Hải Như

Tôi đã từng gặp các bạn trẻ, nhất là các bạn còn trong tuổi học trò, sao chép lại các bài thơ ưa thích tại các nhà sách hay thư viện. Tôi tuyển chọn THƠ TÌNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI là làm công việc sao chép giúp các bạn một số bài thơ mà các bạn ưa thích và giới thiệu với các bạn một số bài thơ tình hay khác mà các bạn chưa có dịp đọc. 

Nói đến hai câu thơ thích thú về tình yêu, trong văn chương Pháp, nhà thơ Lamartine có hai câu mà Nguyễn Tiến Lãng đã dịch: 

     Tình trường là cánh đồng hoa
     Đố ai qua đó không sa lệ sầu
     ...

Hạnh phúc tuyệt vời đối với người có tâm hồn cao đẹp, thật giản dị, chỉ có thế thôi. Hạnh phúc tuyệt vời cũng có thể đến với các bạn, khi các bạn đọc xong một bài thơ hay mà cảm thấy lòng mình rung động thích thú. 

Thân mến chào quí bạn.

NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG - Ông Khai Trí – (1926-2005)

Mặc dù đã xa Sàigòn khá lâu, nhưng tôi khó quên con đường Bonard nay là đại lộ Lê Lợi, gần góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là nhà sách Khai Trí, bên kia đường nào là rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi, nhà thương Sàigòn, bót Lê Văn Ken, dãi kios bán sách cũ bên vĩa hè, rất nhiều kỷ niệm thân thương một thời học sinh của tôi. Nhiều nữ sinh, mỹ nhân, mỹ nữ đã dạo phố trên đường nầy, nhưng riêng tôi khó quên hình ảnh một cô nữ sinh người Hoa, mặc đồng phục jupe trắng, mỗi buổi trưa đi ngang qua trường tôi, để ra chợ Bến Thành, thay phiên trông nom cửa hàng vải cho mẹ, trước cổng trường tôi, cả chục thanh niên đổ “xí ngầu lác”, ăn bánh kem, chỉ đứng nhìn người đẹp đi bên kia đường, lịch sự không thốt nên lời.

866424042024






No comments:

Post a Comment