Pages

Sunday, January 20, 2019

Vài suy nghĩ tản mạn


Nhiều năm uống Trà, gần đây tôi có suy nghĩ vài điều: Mặc dù cùng một thứ trà nhưng dùng loại bình nầy pha trà, uống có khác hơn loại bình kia, cho nên người xưa người ta có kinh nghiệm, nên đã đúc kết trong hai câu:

Thứ nhất Thế Đức gan gà,
Thứ hai Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần.

Ngày nay ba loại bình trên khó kiếm, người ta thường cho rằng thưởng thức trà nên dùng ấm đất Nghi Hưng ở Tô Châu và chén sứ Cảnh Đức ở Giang Tây.

Tôi nghĩ rằng, do kinh nghiệm người xưa thường đặt ra những lễ nghi, cung cách không phải là không có lý, đơn giản trong bữa cơm hằng ngày cũng những thức ăn đó, nếu người ta bày ra những chén bát sành ăn sẽ kém ngon hơn là nếu người ta bày ra với những tô chén dĩa sứ.

Những ngày tôi ở Sàigòn trong năm 2018, có người cho tôi một bộ ấm trà Bát Tràng, người bạn khác cho tôi một gói trà Tân Cương, tôi đã pha trà nầy trong bình Bát Tràng để thưởng thức vào buổi sáng, hôm sau cũng trà đó tôi pha trong ấm tử sa Nghi Hưng, thưởng thức chén trà nầy, cảm thấy hương vị thơm ngon hơn.

Tôi nhớ trong thời gian nầy, tôi có xem video Clip ghi lại hình ảnh 2 cô gái Nhật đi học cách pha trà trong nghệ thuật Trà Đạo của Nhật, một người phụ nữ lớn tuổi dạy cho 2 cô gái trẻ từ cách xếp khăn, cách múc nước để nấu và cách pha trà. Tiếc rằng tôi tìm lại Youtube đó nhưng chưa thấy. Có xem được như thế ta mới hiểu rằng thưởng thức Trà đạo là cả một nghệ thuật.

Mời xem một nghi thức Trà Đạo sau đây:

https://www.youtube.com/watch?v=fmukjUoevf4

Có một bài tưởng cũng nên nêu ra để đọc, tiếc rằng không tìm ra tác giả:

Thói quen uống trà của người Trung Quốc

    Người Trung Quốc uống trà đã có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trong sinh họat hằng ngày ngày của người TQ không thể thiếu một loại nước giải khát đó là trà, tục ngữ có câu: “củi đóm, gạo dầu, muối, tương, dấm và trà” Trà được liệt vào một trong 7 thứ quan trọng trong cuộc sống, có thể thấy được uống trà là điều rất quan trọng. Dùng trà để tiếp khách là thói quen của người TQ. Khi có khách đến nhà, chủ nhà liền bưng một chén trà thơm ngào ngạt cho khách, vừa uống vừa chuyện trò, bầu không khí rất thoải mái.

     TQ thính hành uống trà đã có lịch sử lâu đời. Được biết, trước năm 280, ở miền Nam TQ có một nước nhỏ gọi là nước Ngô, mỗi khi nhà vua thết tiệc các đại thần, thường ép các đại thần uống rượu cho say mềm. Trong số các đại thần có một đại thần tên là Vĩ Siêu không uống được nhiều rượu, nhà vua cho phép ông ta uống trà thay rượu. Từ đó về sau, các quan văn bắt đầudùng trà để tiếp khách. Đến đời nhà Đường, uống trà đã trở thành thói quen của mọi người. Nghe nói, thói quen này còn có liên quan đến Phật giáo. Vào khoảng năm 713 đến năm 741, lúc đó các sư sãi và các tín đồ trong nhà chùa do ngồi tụng kinh trong thời gian dài, thường hay ngủ ngật và ăn vặt, nhà sư liền nghĩ ra cách cho họ uống trà cho tỉnh táo, từ đó, biện pháp này được lưu truyền đi khắp nơi. Trong khi đó, những gia đình giàu có của nhà Đường, còn mở phòng chuyên pha trà, thưởng thức trà và đọc sách, gọi là phòng trà. Năm 780, ông Lục Vũ chuyên gia về trà của nhà Đường đã tổng kết kinh nghiệp trồng trà, làm trà và uống trà, viết cuốn sách về trà đầu tiên của TQ với tựa đề: “Kinh nghiệm về trà”. Trong đời nhà Tống, nhà vua Tống Huy Tôn dùng tiệc trà để thết các đại thần, tự tay pha trà; Trong Hoàng cung đời nhà Thanh, không những uống trà, mà còn dùng trà tiếp khách nước ngoài. Ngày nay, hàng năm vào những ngày tết quan trọng như : tết dương lịch hoặc tết xuân v,v,có một số cơ quan, đoàn thể thường tổ chức liên hoan tiệc trà.

     Ở TQ, trà đã hình thành một nền văn hóa độc đáo. Mọi người coi việc pha trà, thưởng thức trà là một nghệ thuật. Từ xưa đến nay, ở các nơi TQ đều có mở quán trà, hiệu trà v,v với những hình thức khác nhau, trên phố Tiền Môn tấp nập ở Bắc Kinh cũng có quán trà. Mọi người ở đây uống trà, ăn điểm tâm, thưởng thức những tiết mục văn nghệ, vừa được nghỉ ngơi lại vừa giải trí, đúng là một công đôi việc. Ở miền Nam TQ, không những có lầu trà, quán trà, mà còn có một loại lều trà, thường là ở những nơi phong cảnh tươi đẹp, du khách vừa uống trà, vừa ngắm cảnh.

     Uống trà cũng có những thói quen, chẳng hạn như trà, mỗi nơi lại có thói quen riêng, thích uống những loại trà cũng không giống nhau. Người Bắc Kinh thích uống trà hoa nhài, người Thượng Hải lại thích uống trà xanh. Người Phúc Kiến ở miền Đông Nam TQ lại thích uống trà đen v,v. Có một số địa phương, khi uống trà lại thích bỏ thêm gia giảm, chẳng hạn như một số địa phương ở tỉnh Hồ Nam ở miền Nam thường lấy trà gừng muối để tiếp khách, không những có trà, mà còn cho gừng, muối, bột đỗ tương và vừng, khi uống vừa quấy vừa uống, cuối cùng đổ bột đỗ tương, gừng, vừng và trà vào mồn ăn, nhấm nháp hương vị thơm ngon, vì vậy có nhiều địa phương còn gọi “uống trà” là “ăn trà”.

     Cách pha trà mỗi điạ phương lại có thói quen khác nhau, vùng miền Đông TQ, thích dùng tích pha trà, khách đến nhà, liền bỏ trà vào tích, đổ nước sôi, đội cho ngấm rồi rót ra chén, mời khách uống. Có nơi, như trà công phu ở Trương Châu tỉnh Phúc Kiến ở miền Đông, không những tách, chén rất khác biết, mà cách pha trà cũng rất đặc biệt, hình thành nghệ thuật pha trà rất độc đáo.

     Ở các nơi TQ nghi lễ uống trà cũng không giống nhau, ở Bắc Kinh, khi chủ nhà bưng trà mời khách, người khách phải lập tức đứng dậy, hai tay đỡ lấy chén trà, rồi cảm ơn. Ở Quảng, Đông, Quảng Tây miền Nam TQ, sau khi chủ nhà bưng tra lên, phải khum bàn tay phải lại gõ nhẹ lên lên bàn 3 lần, tỏ ý cảm ơn, ở một số khu vực khác, nếu như khách muốn uống thêm, thì trong chén để lại ít nước trà, chù nhà thấy vậy sẽ rót thêm, nếu như uống cạn, chủ nhà sẽ cho rằng bạn không muốn uống nữa, thì sẽ không rót thêm nữa.

Một bài khác tưởng cũng nên đọc:

Cách pha trà ngon để thưởng thức

Tìm hiểu và học cách pha trà ngon sẽ là công cụ giúp bạn tạo được không khí ấm cúng bên gia đình

Mỗi khi gia đình sum họp, mọi người thường cùng nhau thưởng trà và giao lưu chia sẻ các câu chuyện hay các kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống thường nhật. Đó cũng là lý do khiến cho ấm trà trở nên thân quen và mang đậm nét văn hóa trong mỗi gia đình người Việt. Không chỉ là “miếng trầu làm đầu câu chuyện”, chén trà còn mang lại cảm giác thư giãn, sảng khoái cho người thưởng thức sau mỗi ngày lao động mệt mỏi. Để có được một ấm trà ngon, vừa lòng những người thưởng thức và khiến cuộc trò chuyện trở nên thân mật gần gũi hơn, khi pha trà cần chú ý theo các bước sau: 

Chọn nước pha trà

Theo kinh nghiệm thưởng trà của các bậc cao niên, để có được một ấm trà ngon thì phải đảm các yếu tố theo tuần tự: Nhất Thủy – Nhì Trà – Tam Pha – Tứ Bình – Ngũ Quần anh. Do đó nước pha được coi là quan trọng nhất góp phần quyết định phẩm chất của chén trà.

Nói về phẩm chất nước để pha trà ngon, giới sành trà thường truyền tụng nhau câu: “Sơn Thủy thượng, Tĩnh Thủy hạ, Giang Thủy trung” có nghĩa là nếu lấy nước suối thì lấy nước đầu nguồn, lấy nước giếng thì lấy dưới đáy, lấy nước sông thì lấy nước giữa dòng. Đặc biệt, giới thưởng trà rất yêu thích dùng nước mưa được hứng từ cây cau để lâu ngày hay nước sương đọng trên lá Sen để pha những ấm trà cực phẩm. Tuy nhiên, tại những thành phố lớn việc tìm được những nguồn nước như trên là vô cùng khó khăn. Do đó, bạn có thể dùng nước lọc tinh khiết để pha trà cũng có thể đảm bảo được phẩm chất cho ấm trà ngon.

Chọn các loại trà ngon để thưởng thức

Tùy vào sở thíchvà cảm nhận của mỗi người mà hình thành lên các gu thưởng trà khác nhau. Tuy nhiên, loại trà được coi là ngon khi chén trà mang lại cho người thưởng thức những cảm nhận sâu sắc về hương, sắc, vị. Riêng với tôi, trà được coi là ngon khi đó là sản phẩm trà sạch, thuần mộc, được thu hái sao chế theo phương thức thủ công và nguyên liệu phải được lựa chọn từ những vùng trà đặc sản như vùng trà Tân Cương Thái Nguyên hay vùng trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng… 

Những sản phẩm trà thủ công, thuần mộc nổi tiếng thơm ngon như trà Móc Câu, trà Nõn Tôm và đặc biệt là trà Đinh Ngọc của vùng trà Tân Cương Thái Nguyên luôn hấp dẫn và làm người thưởng trà say mê bởi: sắc nước trong, xanh, óng vàng; Hương thơm tựa cốm non lan tỏa, nồng nàn vô cùng quyến rũ; Vị chát thanh tao và sau đó là vị ngọt bùi sâu lắng đến say đắm lòng người.

Khác với đặc sản trà Tân Cương Thái Nguyên, trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng lại mang đến cho người thưởng trà những cảm nhận sâu sắc về hương vị núi rừng vô cùng đậm đà và sâu lắng.

Chọn ấm pha trà

Với những người thưởng trà lâu năm và có điều kiện kinh tế họ thường lựa chọn ấm gốm Tử Sa của Trung Quốc để pha trà vì đây là loại ấm vừa giúp nâng phẩm chất của trà lại vừa có giá trị nghệ thuật, giá trị trưng bày. Với những người thưởng trà thuần túy thì không nhất thiết phải dùng ấm Tử Sa mà chỉ cần chọn ấm gốm Bát Tràng là có thể đảm bảo để pha những ấm trà ngon. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên dùng ấm sắt để pha trà. Đối với các sản phẩm trà ngon, đặc biệt là trà búp non của vùng trà Thái Nguyên, bạn cũng nên hạn chế dùng ấm xứ để pha trà vì loại ấm này giữ nhiệt không đủ tốt nên làm giảm đi phẩm chất của trà.

Cách pha trà Thái Nguyên ngon

Mỗi người có một phong cách hay sở thích thưởng trà khác nhau nên cũng có rất nhiều cách pha trà khác nhau. Tuy nhiên, với người dân Việt Nam thì ấm trà Thái Nguyên từ lâu đã phổ biến trong đa số các gia đình. Để giúp quý bạn có thêm sự tham khảo, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm pha trà Thái Nguyên mà theo tôi đây là cách pha trà ngon, dễ thực hiện, đảm bảo được phẩm chất của trà và mang đậm nét Văn Hóa truyền thống Việt Nam nhất. 

Tráng ấm chén: Rót đầy ấm nước sôi, sau đó chia lại nước ra đều các chén. Đảm bảo đầy tràn các chén là tốt nhất. Công đoạn này giúp khử trùng ấm chén đồng thời làm nóng ấm chén để đảm bảo pha trà và thưởng thức trà được ngon.

Tráng trà: Cho một lượng khoảng 12g trà Thái Nguyên (cho 4 người thưởng thức) vào ấm. Sau đó rót nước sôi (lưu ý với trà Thái Nguyên búp non chỉ nên dùng nước sôi ở 85 – 90 độ C) xối trà trong ấm thật nhanh (dâng cao phích rồi sối nước xuống ấm đảm bảo sấp sấp trà là được) rồi chắt bỏ ngay. Công đoạn này giúp loại bỏ phấn trà và các tạp chất trong khi sao trà đồng thời làm cho cánh trà trong ấm nở đều và đảm bảo nhiệt độ của ấm trà.

Pha trà: Sau khi tráng trà, bạn nhanh chóng rót một lượng nước sôi vừa đủ để đảm bao sau khi chia cho 4 chén trà (pha cho 4 người) mà vẫn còn 1 lượng nước cốt sấp sấp trà là được. Sau đó đậy nắp ấm rồi tiếp tục xối nước sôi lên nắp ấm để cho ấm giữ được nhiệt ổn định cho nước trong ấm.

Rót trà: Sau khi pha, bạn đợi khoảng 2 – 3 phút để trà đủ chín rồi rót trà ra chén. Trước khi rót, bạn sắp xếp các chén sát vào nhau thành một vòng khép kìn. Khi rót, lượt đầu bạn chia mỗi chén 1 nửa sau đó vòng lại 2 – 3 vòng cho đến khi các chén trà đều nhau. Lưu ý chỉ rót đến ¾ chén chứ không nên rót đầy quá.

Dâng trà: Sau khi chia đều các chén, bạn dâng trà mời bề trên hoặc bằng hữu theo thứ tự gia thất (đối với gia đình) hoặc thứ tự tuôit tác (đối với người ngoài dòng họ) theo nguyên tắc từ bề trên xuống hoặc từ người cao tuổi nhất xuống. Dâng trà phải đảm bảo lễ nghi dâng bằng  hai tay và nâng chén theo cung cách tam long giá ngọc (dùng 3 ngón tay nâng chén trà). Sau khi dâng trà bạn lưu ý bổ xung nước sôi vào ấm để tiếp tục rót trà những lần tiếp theo.

Thưởng trà cùng “Quần anh”

Hãy cùng các trà hữu nâng chén, ngắm sắc nước, thưởng hương trà và từ từ nhấp từng ngụm để nếm trải vị chát của cái nắng, vị đắng của sự lao động vất vả và cuối cùng toàn tâm cảm nhận vị ngọt bùi sâu lắng đã chắt chiu từ chất đất, khí trời và bàn tay lao động của bà con vùng trà. Vừa thưởng thức, vừa cảm nhận vừa dành tặng nhau những lời tri ân. Đó chắc chắn là những khoảnh khắc sảng khoái, ấm cúng và ngọt ngào nhất mà mỗi con người chúng ta đều mong có được.

Trên đây là những chia sẻ của cá nhân tôi về cách pha trà mà cụ thể là cách pha trà Thái Nguyên theo quan điểm đơn giản nhất, truyền thống nhất mà không làm mất đi hương vị của trà, nét đẹp trong Văn Hóa thưởng trà của người Việt bao đời nay.

Kính chúc quý bạn trà thưởng thức trà thật sảng khoái, thật thanh tao và có những khoảnh khắc đắm chìm trong những chén trà đặc biệt thơm ngon!

 Tác Giả: Đàm Quang

8664200118




 

No comments:

Post a Comment