Pages

Wednesday, June 21, 2023

Những tình khúc êm đềm

 Thư Tình Mực Tím

So là tên cô gái út của thầy giáo Chính, thầy vừa mới được tỉnh thâu dụng để bổ về trường. Làng tôi cũng như một số làng khác có trường học, trường gồm một dãi ba lớp học, và một căn nhỏ dành cho Trưởng giáo ở. Hầu hết các trường đều được xây gạch, tô tường, quét vôi màu vàng và lợp mái bằng ngói móc đỏ.

Mỗi lớp có một dãi bàn dài ngồi được từ sáu đến tám học trò. Bàn đóng bằng gỗ dầu hay gỗ sao dầy, trên mặt bàn có một tấm ván phẳng chạy dài suốt mặt bàn, bề ngang chừng sáu phân, trên đó người móc những lõm tròn, sâu vài ly để cho học trò để bình mực và những lõm hình chữ nhật hai đầu hình bán nguyệt ngang chừng bốn phân, dài gần hai tấc, cho học trò để bút chì, bút mực, phần còn lại của mặt bàn là tấm ván dài suốt, bề ngang chừng ba tấc, hơi nghiêng về phía học trò, dưới mặt bàn cũng là tấm ván, phía trước là tấm ván cao chừng một tấc, hai đầu cuối cùng là hai tấm ván, có  sáu chân, tất cả tạo thành cái bàn có ngăn cho học trò để sách vở, lại có tấm ván dài khác cũng dầy chừng hai phân có sáu chân, cao chừng nửa thước để làm cái băng ngồi, bàn và băng ngồi được đóng ghép chung lại nhờ ba thanh ngang và hai thanh dọc nằm trên nền gạch, tạo thành cái bàn học rất nặng, học trò không thể đùa nghịch vô tình làm cho nó hư hỏng.  

Từ năm 1945, trường làng tôi đã bị bỏ hoang, Trưởng giáo gia nhập Thanh Niên Tiền Phong, còn hai thầy giáo khác nghe nói cùng bỏ trường về quê của họ.

Nhà tôi gần trường, ông thân tôi là hương chức làng, vì thời cuộc năm đó, tất cả hương chức đều đứng chung đơn từ chức, nhưng các thầy giáo trước khi đi, họ đem chìa khóa lớp học giao cho ông thân tôi giữ. Có vài lần, ông thân tôi đưa người quen đi thăm lớp học, tôi được đi theo nên thấy trên tường có những bức tranh nào là cảnh bến tàu Sàigòn, cảnh một buổi chợ ở vùng quê, cảnh tiễn đưa ở sân ga xe lửa …, trong tủ có vài món thủ công của học trò như cái cộ, cái trục, cái cày… có thứ làm bằng tre, có thứ bằng gỗ.

Có lúc anh tôi cùng người bạn lấy trường mở lớp dạy tư, dạy được vài tháng anh tôi bỏ trường, bỏ nhà lên Sàigòn lập thân, còn bạn của anh tôi cũng lên Sàigòn lập thân một thời gian rồi trở về quê, sắm ghe máy theo kinh rạch miền Tây, hành nghề “bán thuốc sơn đông mãi võ”.

Theo đó, một người bà con lối xóm lấy trường, mở lớp dạy tư, học trò theo học cũng bộn. Vì thầy giáo dạy tư ấy thứ Hai, dạy cho những con, em trong xóm nên học trò gọi thầy là anh Hai, là chú Hai, là bác Hai trừ vài ba đứa ở xứ khác theo cha mẹ tản cư đến, nên gọi đúng là Thầy. Tôi gọi là chú Hai.

Năm đó, chú Hai tổ chức đưa một số học sinh xuống tỉnh đi thi, chú mướn một chiếc ghe, thuê một người chèo ghe ấy, chú đưa một số học sinh đi thi, tôi có người quen, nên đi xe đò xuống tỉnh, ở nhà người quen đi thi. Sau kỳ thi đó, chú xin được Ty tiểu học tỉnh, làm Thầy giáo lãnh lương nhà nước, được bổ dụng dạy tại trường làng cùng lúc với Thầy giáo Chính, do đó trường có hai thầy cùng dạy ở bước đầu.

Thầy giáo Chính, nghe nói quê ở Chợ Mới, Thầy đến nhận việc đem theo cả gia đình với chiếc ghe nhỏ có mui mái vòm, lợp lá. Gia đình Thầy có hai con trai và ba con gái, những con Thầy là anh Quân, anh Quan, chị Liệt, chị Tuyết đều lớn tuổi, không còn đi học nữa. anh Quân với anh Quan hằng ngày mỗi người ôm một chồng chiếu sáng đi bán, đến chiều tối mới về. Chị Liệt, chị Tuyết ở nhà giúp thím giáo đi chợ, nấu ăn. Chỉ có cô con gái út tên So chừng mười một, mười hai tuổi nên còn đi học. Hai anh con trai vóc dáng bình thường, chỉ có mấy cô con gái nước da trắng, gương mặt đẹp, nhưng cô con gái út thì đẹp hơn hết, nước da đà trắng hơn hai chị, miệng nhỏ, môi lại đỏ như son, mũi thon nhỏ, đô mắt tròn và đen. Họ ăn uống trên ghe, đậu ở bến sông của chú Hai, là bạn đồng nghiệp, là người quen duy nhất của Thầy Chính, mỗi bữa họ ăn uống trên ghe, tối một số ngủ ở ghe, một số tá túc nơi nhà chú Hai.

Lúc tôi còn nhỏ nhà tôi và nhà chú Hai cách nhau chỉ một căn nhà khác, mấy căn nhà là bà con, họ hàng nên không có hàng rào, đi qua đi lại thông thương, khi tôi lên năm tuổi cha tôi mới dọn về nhà mới, cách trường vài chục thước, cách nhà cũ để lại cho chú tôi ở chừng ba trăm thước, nên tôi vẫn thường về nhà cũ, chơi với mấy thằng con chú tôi và con của chú Hai, nhờ đó tôi được biết gia đình Thầy giáo Chính.

Chú Hai làm Trưởng giáo, dạy lớp trên, có hai trình độ khác nhau, tôi chưa có bằng Sơ học học với chú, có bằng Sơ học rồi cũng ngồi lại lớp học với chú, trong lớp cả con trai với con gái học chung, cô So học lớp nầy.

Thầy giáo Chính dạy lớp vở lòng, lớp học của Thầy đông học trò, tiếng ê a, tiếng thầy gõ roi lên bảng vang dậy cả ngày, tôi không học với Thầy ngày nào, nên không rõ tánh tình của Thầy ra sao, nhưng theo phán đoán Thầy giáo Chính trầm tĩnh hơn chú Hai.

Tôi nhớ, có lần thằng Bê là dân tản cư, có ghe gia đình hắn đậu ở bến sông trường bên kia sông, nhưng trường đó không có thầy dạy, nên hắn ngày ngày phải qua học với chú Hai. Vì nhà nghèo, hắn đi học mang theo thùng kẹo kéo, ra chơi hắn ra sân bán cho học trò để kiếm tiền cho gia đình, hắn kém thông minh, ban đêm tôi thường nghe hắn học bài từ bên kia sông dội đến nhà tôi bên nầy sông, cách nhau không dưới năm mươi thước, vậy mà sáng ra chú Hai gọi hắn trả bài, hắn không thuộc, có lần chú giận quá vớ ngay cái dùi trống trên bàn thầy giáo, đánh vào lưng hắn mấy cái như chú thường đánh cái trống của trường đặt bên cạnh bàn của chú.

Một lần khác chú giận thằng Đơn vì tội không thuộc cửu chương, chú đánh bằng cây thước kẻ hàng gỗ mun có cẩn thau ở bốn góc, thằng Đơn bị tét gò má. Giờ ra chơi, hắn nhờ tôi về nhà lấy cho hắn chút muối bọt, đắp vào chỗ bị thương cho tan máu bầm. Thầy giáo xưa trên bực cha mẹ, vì xã hội tôn trọng đạo thánh hiền đã dạy: “Quân Sư Phụ”.

Chú Hai là Trưởng giáo, có nhà cửa nên nhường căn phòng Trưởng giáo ở trường cho gia đình thầy giáo Chính ở, lúc nầy tôi đã thôi học, hằng ngày không còn gặp cô So ở trong lớp nữa, tuy là cùng xóm, đi qua đi lại còn gặp nhau, nhưng không có chuyện trò như lúc còn cùng lớp, cùng trường.

Tôi cũng không có chơi thân với các anh, các chị của So nên tôi không thể đến trường để gặp So trò chuyện, có những lúc tôi chợt nhớ khuôn mặt đẹp của So, giọng nói nhỏ nhẹ ngọt ngào, tôi nghĩ như trong tiểu thuyết đã đọc được, để biết rằng tôi đã yêu So.

Tuổi trẻ luôn có những vụn dại, vì thầm yêu, trộm nhớ cho nên tôi muốn cho So biết rằng tôi yêu nàng, nhưng không có dịp để nói, mà chắc như có dịp cùng không dám nói, nên tôi đã viết thư bày tỏ tấm lòng của tôi với So, rồi tôi nhờ chú út Thửng là người thường lui tới trường, có khi giúp công việc nặng nhọc mà anh Quân hay anh Quan thường không có ở nhà. Tôi tin chú sẽ không đọc thư, tôi gọi bằng chú vì là bà con, nhưng chú chỉ lớn hơn tôi một tuổi, không được thông minh, vì thời cuộc nên bị thất học, chú chỉ biết đọc được mặt chữ thôi, tôi cẩn thận dặn dò chú:

- Thư tôi gửi cho cô So, đưa tận tay cô So, đừng cho ai thấy nghe.

Chú lấy thư bỏ vào túi áo, cười đáp gọn:

- Ừ ! Đừng lo tao đâu có ngu mậy !

Mặc dù vậy, tôi tin chú nhưng rất hồi hộp, nghĩ chẳng may bị chị cô ta bắt gặp, hoặc cô ta không yêu tôi, rồi đem lá thư đầy lời yêu thương ấy cho người khác đọc, họ sẽ bêu xấu tôi thì sao ?!!

Ngày hôm sau chú Thửng đến nhà, gặp tôi chú cười trên nét mặt bảo:

- Ăn xoài chín cây không ? Đi theo tao !

Tôi biết nhà chú có mấy cây xoài, đang mùa xoài, nhưng xoài chín cây chỉ là cái cớ, để kéo tôi ra khỏi nhà. Theo chú ra tới cổng, chú móc túi đưa cho tôi lá thư, nói nhỏ vừa đủ nghe:

- Nó đưa cho mầy lá thư đây !

Tôi hỏi thêm:

- Có dặn gì nữa không chú út ?

- Không chỉ có vậy. Thôi tao dìa nghe.

Chú út Thửng về rồi, tôi đi vào nhà lòng hồi hộp từng giây phút, lo nghĩ mình có được cô nàng yêu thương không đây ?

Nhà trước không có ai, cha tôi đi khỏi, còn mẹ tôi với hai chị đang lo cơm nước bữa trưa trong bếp, tôi lấy quyển thơ Lục Vân Tiên mở ra bỏ thư của nàng vào rồi leo lên võng nằm đọc thư của nàng viết mực tím trên tờ giấy học trò.

Anh Thanh,

Từ lâu em nghĩ rằng anh chỉ để ý tới em cũng như mấy cô gái khác trong lớp, trong trường nhưng bây giờ em mới được biết anh yêu em. Em mừng vô cùng, anh Thanh biết không ? Vì em cũng yêu anh.

Trong nhà, trừ ba má em với anh Quân và anh Quan, còn chị Liệt và chị Tuyết thỉnh thoảng lại nói về gia đình anh cho nên em cũng nghĩ đến anh, vài hôm mà em không trông thấy anh đi qua nhà em cũng nhớ hình bóng anh, em nghĩ đó là chúng ta đã có thần giao cách cảm, nên thương nghĩ đến nhau.

Kể từ hôm nay, anh biết rằng em cũng yêu anh, nhưng anh yêu em thì để trong lòng, đừng nói với ai nghe anh, bạn của em hay của anh mà biết chúng sẽ cười mình đó nghe anh.

Em không có thì giờ, thư nầy viết vài dòng đáp lại thư anh, xin anh hiểu cho lòng em luôn luôn yêu anh, nghĩ đến anh.

Người yêu của anh.

S.

Đọc xong thư của So, lòng tôi mừng vô cùng, bởi vì tôi được biết cô nàng cũng yêu tôi, tình yêu của tôi được đáp trả. Tôi đem lá thư của nàng giấu kín để không cho ai tìm thấy.

Vài tháng sau, So đi học trường huyện, nàng và tôi không thường xuyên gặp nhau từ đó. Tôi nghĩ rằng So đẹp, lại đi học chỗ xa lạ sẽ có nhiều chàng thanh niên khác đeo đuổi. Người ta nói “xa mặt cách long”, một ngày nào đó tôi sẽ mất So. Nghĩ như thế lòng buồn vô hạn.

Rồi vài tháng sau, thân phụ tôi qua đời, tôi được gửi theo người chú ở tỉnh đi học lại, vài năm sau tôi rời tỉnh lên Sàigòn vào trường lớn, mặc dù Sàigòn đô hội nhưng hình ảnh So không phai nhạt trong lòng, tôi vẫy yêu So mỗi khi nhớ tới nàng. Còn thân phụ nàng, xin được đổi về dạy ở trường học gần nhà, nơi bến đò Bà Vệ, thuộc quận Chợ Mới. Do đó, gia đình nàng dời hết về quê.

Năm đó, năm đầu tiên học ở Sàigòn, nghỉ Tết tôi về quê, rủ người bạn đạp xe đi thăm thầy giáo Chính, thật ra đối với tôi là đi thăm để gặp lại So. Mặc dù cả hai đều không biết đường đi mà cũng không biết rõ địa chỉ vậy mà cũng đi. Từ chợ Xã Búng đi qua Thuận Giang, vòng xuống chùa Tây An, qua đò rồi đi qua Chợ Thủ, hỏi thăm người ta, không ai biết Thầy giáo Chính cả. Đi từ đứng bóng cho tới xế chiều, không tìm ra manh mối, thế là chúng tôi quay trở về. Lúc từ bến đò Bà Vệ đạp xe một đổi, thời may gặp anh Quan đi với mấy người bạn. Gặp nhau mừng không thể tưởng, anh Quan chỉ cho chúng tôi nhà anh ngay bến đò Bà Vệ phía bên kia, thế là chúng tôi trở lại gặp gia đình Thầy giáo Chính. Thầy giữ chúng tôi ngủ lại nhà Thầy, hôm sau ăn sáng rồi Thầy mới cho chúng tôi về. Gặp lại So thì có gặp, nhưng tôi không có cơ hội nói chuyện với nàng, trông So lại đẹp hơn xưa, là một nữ sinh thùy mị, dễ cảm mến hơn những ngày còn trẻ. Lần gặp nhau đó cũng làm cho tôi khuây khỏa nổi nhớ trong lòng, cho dù So có còn yêu tôi nữa hay không.

Bẵng đi một thời gian, tôi được tin So theo học Cao Đẳng Sư Phạm ở tỉnh, rồi cũng xin trở về quê dạy học. Sau đó, lập gia đình với một đồng nghiệp.

Ba mươi năm sau, biết bao vật đổi sao dời, lần đầu tiên tôi có công tác đi ngang qua nhà Thầy giáo Chính, nghĩ tới người xưa, tôi ghé lại thăm.

Gặp thím giáo, thím chỉ lên bàn thờ cho biết Thầy mất vừa mới mãn tang. Tôi xin phép thắp cho Thầy một nén nhang tưởng đến người xưa là bạn cố tri của thân phụ tôi.

Trong lúc thím giáo và tôi còn trò chuyện thì cô giáo So đến thăm mẹ, có hai con trai cùng đi theo, nhìn ba mẹ con, tôi đoán biết chắc là ở gần đó chớ chẳng xa. So cũng như tôi chỉ nhìn nhau mà không nói chi, trong lòng tôi một tình yêu xa xưa ùa về, tôi vẫn rung động như ngày xưa.

Phải chăng có mẹ và con ở đó, nên So bỏ đi ra ngoài. Thím giáo và tôi còn tiếp tục thăm hỏi nhau vài câu rồi tôi xin phép cáo từ.

Từ nhà thím giáo, tôi phải đi con đường nhỏ để ra lộ lớn, tôi thấy So đứng tựa cửa sau nhà người khác, để ý nhìn kỷ thấy nàng mặc quần hàng đen, áo bà ba màu vàng sậm, tóc cắt ngắn chỉ uốn dợn, nét mặt vẫn đẹp không cần trang điểm, phảng phất chút buồn, mặc dù đó là thời buổi khó khăn, củi quế gạo châu, vải khúc thời bao cấp, nhưng cũng chứng tỏ gia đình nàng sống được ấm no, chắc là hạnh phúc. Tôi đi ngang qua, chúng tôi không ai chào ai, không ai nói lời nào. Đó là lần cuối cùng tôi gặp nàng, cách nay cũng đã tròn ba mươi năm rồi.

Cách nay năm năm, chị tôi qua điện thoại, bỗng dưng cho tôi biết So đã mất rồi. Tình yêu của tôi và So chỉ có chúng tôi biết. Sao chị tôi vô tình cho tôi một cái tin không vui. Bới đóng tro tàn ấy làm cho tôi vô vàng nhớ tới So, tôi tự trách mình sao lần gặp cuối cùng ba mươi năm trước, không hỏi han, không nói với So tiếng nào ? Bây giờ muốn nói “Anh vẫn còn yêu em” không thể nói với nàng. So đã khép đôi mắt nhìn đời, vĩnh viễn nằm yên dưới lòng đất lạnh. Chắc gì mối tình xưa, mối tình đầu được khép kín ? Ít ra nó vẫn còn sống động ở trong tôi, nhất là mỗi lần nhớ tới So, nhớ tới những dòng mực tím tình đầu viết trên trang giấy học trò ngày xưa.


9-III-2015

Dưới tàng cây trng cá

 

Hắn quay xe lại chạy đuổi theo, vì thấy cô nàng ngồi phía sau xe của một thanh niên khác đang chạy ngược chiều, cô nàng mặc bộ áo dài trắng, nhìn thấy hắn với ánh mắt lộ vẻ mừng rỡ ngạc nhiên và mời gọi. 

Cho nên hắn mới chạy theo, qua khỏi hai ngã tư, khi hắn đuổi theo kịp chàng trai đã thả cô nàng xuống tự lúc nào, hắn không thấy bóng dáng anh ta, chỉ thấy cô nàng đứng đợi hắn bên vệ đường. 

Hắn hỏi trỏng, giọng thân mật: 

- Em đi chơi về hả ? 

Cô nàng không trả lời. Hỏi lại: 

- Anh có rảnh không ? Mình đi chơi chút đi! 

- Vậy thì mời em lên xe. Em muốn đi đâu ? 

- Đâu cũng được, chừng 15 phút thôi, vì em phải về nhà. 

- Vậy chúng ta lên phi trường nghe ? 

- Tùy anh! 

Chờ cho cô nàng lên ngồi xong, hắn cho xe chạy trở lại hướng về phi trường, chưa đầy 5 phút đã tới công viên nhỏ vắng vẻ trước phi trường. Hắn dựng chiếc xe, cạnh một chiếc băng đá dưới tàng cây trứng cá. 

Khi cả hai ngồi xuống, hắn mở lời: 

- Sao lâu quá, không thấy em ở căn nhà cũ. 

- Em không còn ở với chị, em về đây ở nhà ông bác đi học cho tiện. 

- Em tên chi ? Anh chưa được biết. 

- Dạ em tên Trúc, còn anh ? 

- Anh tên Thanh 

- Em không tin, đó là tên anh. 

- Tại sao Trúc không tin anh ? 

- Vì có người nói cho em biết anh tên khác, không phải tên Thanh. 

Thanh đứng lên, móc ví từ túi sau, lấy Thẻ sinh viên đưa cho Trúc, rồi ngồi xuống. Trúc nhìn vào tấm thẻ rồi mỉm cười nói: 

- Bây giờ em tin anh nói thật. 

Thanh hỏi Trúc trong khi nhận lại cái thẻ: 

- Lần sau anh muốn gặp Trúc, tìm em ở đâu ? 

- Nơi em đứng lúc nảy, đi thêm vài bước có con hẻm, nhà bác em trong đó, nhưng không tiện, để ngày nghỉ, em sẽ đến thăm anh. Giờ anh làm ơn đưa em về! Về trễ bác em mắng cho. 

Thanh đưa tay, nắm lấy bàn tay trái của Trúc, kéo Trúc lại gần, Trúc ngã người vào Thanh, Thanh nhìn xuống gương mặt tròn, đôi mắt đen to vừa kịp khép lại, đôi môi đỏ tựa son, thanh cuối xuống tay trái nâng đầu, tay mặt choàng qua thân Trúc, đặt lên môi nàng, cả hai trao nhau một chiếc hôn nồng thắm. 

Buổi chiều vạt nắng nghiêng dọi qua tàng cây trứng cá, ánh sáng êm dịu. Không một chiếc phi cơ lên xuống, không người đưa đón. Phi trường im vắng. 

*** 

Một hôm đang chạy xe xuống phố, hai chiều xe tấp nập. Thanh nghe tiếng ai gọi bên kia dòng xe ngược chiều. Chàng dừng xe nhìn thấy Trúc cũng vừa quay xe lại, cập xe sát Thanh, nàng nói nhanh: 

- Em không còn ở với bác em nữa, em dọn về quê rồi. Em xuống đây với nhỏ bạn, nó bỏ em về trước, em không có tiền trong người, định về chị xin, may quá gặp anh dọc đường, có tiền cho em vay đủ tiền xe đi về, hôm nào em xuống trả lại. Hoặc có dịp đi qua, ghé thăm em ở cạnh Trường Mầm Non Họa Mi, hỏi xe ôm ai cũng biết. 

Thanh móc ví lấy ra tờ bạc chẵn đưa cho Trúc. Nàng cầm lấy, chỉ nói cám ơn rồi rồ ga cho xe vọt thẳng. 

Tháng sau, Thanh có việc đi đến quê Trúc, đến nhà trọ gặp một thanh niên tuổi đôi mươi, Thanh hỏi chàng thanh niên, mới biết Trúc không còn ở trọ nữa. Thanh hỏi địa chỉ mới, chàng thanh niên chần chừ một chút như để tìm cách nhớ địa chỉ, hay để chọn lựa cách hướng dẫn cho Thanh dễ tìm, cuối cùng chàng thanh niên bước ra khỏi nhà, chỉ cho Thanh biết: 

- Anh theo con đường này đi tới cây đèn xanh đèn đỏ, quẹo tay trái rồi hỏi thăm người ta Lò heo, tới đó anh hỏi nhà họa sĩ Đức, cô Trúc đang ở đó. 

Thanh cám ơn người thanh niên rồi đi theo cách anh ta chỉ dẫn, trong khi đi tìm Thanh tự hỏi tại sao Trúc không ở nhà trọ nữa, tại sao lại ở nhà họa sĩ Đức? Cuối cùng Thanh bước vào nhà họa sĩ Đức, đó là căn nhà một gian, lợp tôn không có gác, hơi thiếu ánh sáng, mặc dù cửa cái và cửa sổ mở. 

Mới bước vào, Thanh nhìn không rõ vì căn phòng hơi lờ mờ, có kê một bộ ván gõ chiếm gần hết căn phòng trước, ngăn phía sau là tấm vách ván có chừa lối ra vào, có màn che màu xanh nhạt, nên không thấy bên trong, bên trên bộ ván có treo chiếc võng, có người đàn ông nằm trên chiếc võng đong đưa, quay mặt ra cửa. Thanh lên tiếng: 

- Xin cho hỏi có phải nhà họa sĩ Đức không ? 

Tiếng người đàn ông trên võng, gọi to, giọng rổn rảng: 

- Ba à ! Có ai tìm thằng Đức nè con. 

Có tiếng “Dạ” từ bên trong vọng ra, rồi một bàn tay vén màn Trúc hiện ra ở đó, với một bộ quần áo ngủ màu hường, như hai người xa lạ, nhưng hỏi nhanh như để xác định cho đúng: 

- Ông tìm anh Đức có việc chi không ? 

Thanh bị bất ngờ, nhưng phản ứng nhanh chóng đóng cho xuôi màn kịch, trước mắt người đàn ông nằm trên võng: 

 - Dạ thưa cô không có việc chi. Nhân tiện từ thành phố lên đây, ghé thăm anh Đức thôi. 

Thanh bị đuổi ngay: 

- Vậy thì ông về đi, anh Đức không có nhà ! 

- Chào ông ! Chào cô! 

Thanh rời khỏi căn nhà của họa sĩ Đức, lòng vướng bận cập mắt tròn đen xoáy sâu vào lòng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra với đôi mắt đó. 

*** 

Một hôm theo dự lớp cuối giờ ở giảng đường ra, nghe tiếng gọi của Ngữ ở quán cà phê vỉa hè gần trường, sau khi Thanh gọi cà phê xong, Ngữ kể cho Thanh nghe về Trúc, Ngữ thích Hà Linh Trúc từ lâu, vì nhà Ngữ và Trúc đối diện nhau, nhưng Trúc lại yêu Thanh, nàng làm những bài thơ nói về mối tình thầm lặng nầy, có những buổi sáng nàng dõi mắt trông theo khi Thanh đi ngang qua, hoặc những buổi tối khi Thanh đi chơi về. 

Lần Trúc hạnh phúc nhất, đó là nụ hôn đầu tiên ở trong công viên vào buổi chiều tại phi trường. Sau đó, Trúc về quê đi làm, ở trọ chung với những người bạn, Trúc bị những người bạn này dụ dỗ bắt cóc nhốt một nơi, chúng biết họa sĩ Đức đem lòng yêu Trúc nên nhắn tin cho Đức, muốn cứu Trúc, chúng buộc Đức phải lấy Trúc làm vợ. 

Họa sĩ Đức biết Trúc bị bọn giang hồ cưỡng hiếp, đang nguy hiểm tánh mạng với bọn chúng, vì yêu Trúc nên Đức bằng lòng điều kiện chúng đặt ra. Nhờ đó, Trúc được giải thoát. Cho nên khi Trúc gặp Thanh, liền đuổi thẳng Thanh về để tránh chạm mặt với Đức. 

Thanh nâng ly cà phê lên uống, nghe thấy nó đắng một cách kỳ lạ, nhìn kỷ vào ly cà phê hình ảnh của Trúc nằm trong vòng tay Thanh ngày nào dưới tàng cây trứng cá lung linh hiện ra đôi môi đỏ mọng. 

22-62014

 

 

A Dậu


Nhà tôi cách ngôi trường làng có bốn căn nhà khác, đó là những căn nhà của bác tám Toán, ông bảy Đời, ông năm Phận, anh xã Chênh, những căn nhà kia đều là cột tre, vách lá. Riêng có nhà anh xã Lý Quốc Chênh là cột gỗ thao lao, vách đóng bổ kho, mái lợp ngói móc. Nhà của cha tôi tuy cột gỗ, nhưng vách lá mái lá, vì ở vùng nước nổi nên mấy căn nhà trên là nhà sàn, trừ nhà ông bảy Đời nền đất như nhiều căn nhà khác.

Khi đi học vở lòng, tôi theo chú qua bên kia sông học trường làng khác, do chú tôi làng trưởng giáo, rồi chiến tranh xảy ra chú tôi bỏ trường về tỉnh, trường gần nhà các thầy giáo theo Thanh Niên Tiền Phong bỏ trường, bỏ lớp cho nên tôi bị thất học vài năm.

Sau đó, một người cháu gọi ông Phủ là ông cố, vốn là con của một thầy giáo dạy ở trường tỉnh, lấy ngôi trường làng mở lớp dạy tư, tôi theo học lớp học nầy, nhưng thầy giáo ấy tôi chỉ gọi là Chú Hai, chớ không bao giờ gọi là thầy, vì chú ấy với cha tôi đều là cháu cố của ông Phủ, lại nữa trước kia khi tôi lên ba, lên bốn nhà chú cách nhà tôi chỉ có một căn nhà khác.

Đến giờ ra chơi của học trò vào buổi sáng hay buổi chiều, chú Hai thường hay đến nhà tôi uống nước trà, bàn chuyện thời sự với cha tôi. Vài năm sau, tôi với vài học trò của chú, cùng đi thi tại trường tỉnh, năm đó tôi đậu bằng Sơ đẳng Tiểu học.

Rồi chú ấy xin được làm thầy giáo, ở tỉnh lại phân bổ thêm một người thầy giáo nữa, thế là trường làng tôi có hai thầy dạy học trò, thay vì tôi được xuống tỉnh học, nhưng vì nhà không đủ sức nuôi, nên cha mẹ tôi cho tôi tới trường đi học một buổi sáng, buổi chiều ở nhà phụ giúp việc nhà, chờ thuận tiện cho tôi xuống tỉnh học tiếp.

Trường có thêm thầy giáo, hơn nữa học trò đi học khỏi phải đóng tiền, nên nhiều phụ huynh cho con em tới trường, cô tôi có đứa cháu ngoại cũng được mẹ cháu cho tới trường, nó rủ thêm một đứa bạn cùng xóm đi học, bạn của nó là con của chú chệt ở sát cạnh nhà cô tôi, chú ấy ai cũng gọi là chú chệt Soạn, còn tôi gọi là chú Tư vì là hàng xóm của cô tôi.

Chú Tư và thím tư, người không quen biết mới nhìn biết ngay là khách trú, chú cũng như thím, không rõ từ đâu tới, mua đất đai và cất nhà bên cạnh nhà cô tôi, nói tiếng Việt rành nhưng giọng còn lơ lớ, chú thím có 2 cô con gái, cô gái lớn chắc hơn tôi bốn năm tuổi, tên là A Muối, tôi gọi là chị Muối, cô gái kế nhỏ hơn tôi một vài tuổi, tên là A Dậu, chắc cả hai sinh ra tại Việt Nam, nên nói tiếng Việt chẳng khác chi người Việt.

Cháu tôi ở nhà bà ngoại là cô tôi, nhà cô ấy và chú thím Tư ở đầu cù lao, gần ngôi chợ làng, từ đó cách trường học chừng bốn cây số ngàn.

Trường học thầy giáo dạy ngày hai buổi, nhiều học trò nhà ở xa trường, đi học phải mang theo thức ăn, buổi trưa ăn cơm tại trường, còn cháu tôi và A Dậu đến nhà tôi ăn trưa, có khi leo lên võng đưa kẻo kịt rồi ngủ trưa một giấc, cho đến khi nghe tiếng trống trường báo hiệu giờ học buổi chiều, hai cô bé mới thức dậy vội vàng rửa mặt, ôm vở tới trường.

Vào những dịp Tết hay có giỗ quảy ở nhà cô tôi, tôi thường đến dự, khi chị Muối được gia đình gả đi lấy chồng, A Dậu không còn đi học nữa, nên sang nhà cô tôi phụ giúp nấu nướng hay dọn mâm cỗ, tôi vẫn được gặp A Dậu trông cô xinh đẹp và thùy mị, e lệ mỗi khi chạm mặt tôi.

Một lần vào dịp Tết, tôi đi chúc Tết cô tôi, A Dậu cũng sang phụ dọn ăn, nhân khi không có ai, A Dậu đang cầm mỗi tay một dĩa thức ăn, mang đến cho tôi để tôi mang ra dọn ở bàn, khi A Dậu đến gần tôi liền vịn hai vai A Dậu và đặt lên gò má ửng hồng của nàng một cái hôn, A Dậu phản ứng nhẹ nhàng:

- Đừng anh!

Rồi tôi đi học và xa gia đình. Mấy năm sau, nghe nói A Dậu đã lập gia đình, nhiều năm sau nữa chú thím Tư Soạn mất, đất nhà của chú bán cho người khác, từ đó tôi không nghe ai nói về chị Muối và A Dậu. Rồi cô tôi cũng mất, mỗi khi về quê tôi không có nhiều thì giờ để đi thăm con cháu của cô tôi, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ tới A Dậu, hình ảnh cô xẩm nhỏ duyên dáng ở trong lòng tôi.

Gần đây, trong một dịp về quê, tôi phải đi phà qua sông để thăm gia đình người em cô cậu, lúc mới bước xuống phà tôi thấy một người đàn bà trộng tuổi, nhìn tôi không e ngại, khi tôi đứng yên chỗ, phà từ từ rời bến, người đàn bà ấy bước đến bên tôi hỏi:

- Xin lỗi! Anh có phải là anh của chị Út Lan không ?

Tôi ngạc nhiên, không trả lời ngay, nhìn người đàn bà để moi trong trí xem có gặp bà ta lần nào chưa ? Bà ta tuy có tuổi, nhưng dáng người thon gọn, mặc một bộ bà ba vải đắt tiền màu nhã, tóc cắt ngắn chấm vai, uốn dợn cho tôi đoán ngay bà ta người đứng đắn, gia đình khá giả ở thôn quê, là ai ? Tôi đành chịu, nhưng đoán biết vai vế nhỏ hơn, nên tôi đáp lời:

- Dạ phải! Tôi là anh của Út Lan. Nhưng xin lỗi cô là ai ? Biết tôi mà tôi chưa nhận ra được cô !

Cô ta không mừng khi biết rõ tôi, lại có cử chỉ và giọng nói hờn trách:

- Phải rồi ! Anh không nhớ em cũng phải !

- Xin lỗi ! Cho tôi hỏi lại lần nữa, cô là ai ?

Cô ta ngập ngừng đáp:

- Em … là .. A Dậu đây !

Tôi không còn bình tỉnh, đưa cả hai tay nắm vai cô ta, nói to:

- A Dậu!

Tiếng gọi của tôi làm cho vài người đứng gần, ngạc nhiên nhìn về phía chúng tôi, tôi lấy lại bình tỉnh, bỏ tay khỏi hai vai A Dậu nói:

- Không ngờ hôm nay lại được gặp cô !

- Em cũng vậy !

- Giờ cô đi đâu ?

- Em mới được tin, thằng con út của em nằm ở bệnh viện dưới tỉnh, nên em liền phải đi xuống đó thăm nó.

- Tôi đi với cô nghe ?

- Chi vậy anh ?

- Lâu ngày mới gặp, để có thì giờ nói chuyện nhiều hơn.

- Hồi đó em chờ đợi anh, từ khi em có gia đình em vẫn thầm mong có ngày gặp lại, nhưng nhà em đã bán, cô anh bà Tám đã mất, từ đó em nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại, không ngờ hôm nay em còn được gặp anh.

A Dậu nói đến đó, phà cập bến, mọi người rộn rịp lên bờ. Tôi đi theo A Dậu, chưa kịp nói thêm điều chi, cô đã lên tới đường rồi bước lên chiếc xe đò. Khi tôi lên bờ, xe từ từ lăn bánh, tôi kịp nhìn thấy A Dậu đã ngồi trong xe, nhìn lại vẫy tay chào.

Tôi đứng bên vệ đường ở bến phà nhìn theo xe, một câu hỏi tự dưng nổi lên xâm chiếm tâm hồn tôi: Sao dung ruổi gặp lại A Dậu làm chi, khuấy động mặt hồ sau mấy mươi năm yên tĩnh ?!   

10-II-2015

 

 

Cành Hng Valentine

 

Vào một ngày, tôi bất chợt nhận được từ một người bạn gửi qua điện thư cho tôi một đóa hoa hồng, tôi gửi lại lời cám ơn như những ngày Tết hay Giáng sinh, nhận được những cánh thiệp, những lời chúc mừng.

 

Hai tuần lễ sau, tôi lại nhận được điện thư của ấy gửi lời trách phiền, tôi đã vô tình hay cố ý không quan tâm tới những đóa hoa hồng kia, bấy giờ tôi mới chợt hiểu ra, đó là những đóa hoa hồng bày tỏ tình cảm trong dịp lễ Valentine, còn được gọi là “lễ tình yêu”.


Người gửi cho tôi những đóa hoa hồng kia là một người đàn bà, cũng như tôi tuổi đã ngoài năm mươi, đối với tôi đó là một phụ nữ, tôi đã có dịp quen từ gần ba mươi năm trước.


Năm đó, tôi ở Sàigòn thi rớt Tú Tài 1, còn nàng ở Huế vừa thi đậu bằng nầy, một người bạn quen với cả hai đã giới thiệu chúng tôi quen nhau. Hai năm sau, tôi vào Đại học, vào dịp Hè, có dịp ra thăm Huế với bạn của tôi, nàng vẫn đang học Đại học, bạn tôi và nàng đưa tôi đi viếng chùa Linh Mụ, đi thăm họ hàng của nàng ở Kim Long và vài nơi ở đất thần kinh, non nước, cung điện hữu tình, ba chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết.


Năm sau, tôi có dịp trở ra Huế, nàng đã đi làm cho một phái bộ Mỹ ở Huế, rồi nàng có dịp vào Sàigòn công tác, nhân ngày nghỉ tôi đưa nàng đi xem ciné ở rạp Văn Hoa Tân Định, một là rạp vừa mới tân trang lại, hai là đang chiếu phim “Giả từ vũ khí”, phim tình cảm của nhà văn Ernst Hemingway, nội dung về chuyện tình trong thế chiến thứ nhất giữa Federic Henry, một người Mỹ tình nguyện lái xe cứu thương cho quân đội Ý và cô y tá Catherine Barkley.


Henry gặp Catherine Barkley và mối tình của họ chớm nở. Trong thời gian phục vụ trên mặt trận Italia, Henry bị thương vào đầu gối do đạn pháo nên anh được chuyển tới một bệnh viện ở Milano. Sự phát triển mối tình của Henry và Catherine khi họ sống bên nhau tại Milano trong mùa Hè. Henry ngày càng yêu Catherine, rồi đến khi anh lành vết thương, Catherine đã có thai 3 tháng. Henry trở về đơn vị của mình, nhưng chẳng bao lâu sau thì quân Đức phá vỡ mặt trận Ý khiến quân Ý tháo chạy hỗn loạn. Sau khi bị tụt lại đằng sau, Henry cố bắt kịp đơn vị, nhưng anh lại bị hiến binh Ý bắt giữ và mang đi xử tử, vì bị buộc tội "phản bội". May mắn là Henry trốn thoát được bằng cách nhảy xuống sông. Catherine và Henry đoàn tụ và bỏ trốn đến Thụy Sỹ bằng cách chèo thuyền qua biên giới. Cuối cùng Henry và Catherine sống cuộc đời bình lặng tại vùng núi, cho tới khi Catherine sinh con. Sau một cơn sanh nở dài và khó nhọc, con trai của họ chết trong bụng mẹ, còn Catherine thì bị băng huyết mà chết, bỏ lại Henry một mình ngậm ngùi quay về nhà trọ trong cơn mưa tầm tã.


Ngày đó, từ ngoài sáng bước vào rạp tối, tôi phải nắm tay nàng, bước từng bước lên thang lầu và chọn chỗ đưa nàng vào. Màn ảnh bắt đầu chiếu phim. Đó là một phim tình cảm rất hay nhưng ngồi gần bên người đẹp, hạnh phúc ấy xâm chiếm tôi, còn đâu để thưởng thức phong cảnh và những tình tiết gây nhiều cảm xúc. Cho đến nay tôi chỉ còn nhớ mang máng cảnh Henry và Catherine bơi xuồng vượt thoát.


Năm nào đó, vào sinh nhật của tôi, từ Huế nàng gửi vào cho tôi một quyển tiểu thuyết Hai mươi bốn giờ trong đời một người đàn bà của Stefan Zweig do Tràng Thiên dịch, một chuyện tình cảm thật lãng mạn.


Thuở đó ít nhất tôi đã có lần đề nghị với Hương Lan cùng nhau tìm hiểu để đi đến hôn nhân, nhưng chắc nàng đang với tay cao hơn, nàng tảng lờ đề nghị của tôi, rồi vài năm sau, tôi được tin nàng lên xe hoa với một nhà giáo tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Qui Nhơn. Đám cưới của họ tổ chức tại Huế, tôi gửi điện tín chúc mừng.


Sau năm 1975, tôi được biết Hương Lan là một nhân viên cơ quan của Mỹ, cho nên cả gia đình nàng được di tản sang Mỹ, trong những ngày miền Nam bị bức tử.


Cho đến 1990, tôi mới được đi Mỹ theo diện HO, sau đó lại anh bạn của tôi cho nàng địa chỉ điện thư của tôi, từ đó chúng tôi thường xuyên liên lạc, thăm hỏi nhau qua điện thư và mùa Valentine năm 2000, Hương Lan đã gửi cho tôi một đóa hoa hồng, tôi không dám nghĩ đó là tình nàng đã gửi cho tôi, bởi vì chúng tôi đều luống tuổi, mỗi người sống có gia đình riêng của mình.


Suy nghĩ như thế, nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó, có những góc khuất lấp, khi có ngọn lửa tình yêu nó cũng bùng lên, khó kềm hảm được, do đó Hương Lan và tôi đã nối lại mối tình xưa. Trong một lần trao đổi, tôi đã hỏi Hương Lan vì sao ngày xưa, nàng đã không nhận đề nghị của tôi, để xây dựng một tình yêu từ đó. Nàng trả lời trong điện thư:


… Có chớ, em có gửi cho anh một lá thư, nhưng không hiểu sao thư chẳng hồi âm, em đợi, em chờ, có hôm đi trên cầu Tràng Tiền, nhìn xuống dòng sông thấy nước chảy qua cầu, em tự hỏi có phải những tình cảm của chúng ta như dòng nước kia, trôi xuôi ra biển, nhìn lên trời thấy những đám mây trắng trôi về Nam, ước chi em là đám mây trôi nổi về Nam để được gặp anh, nói với anh vài lời là em cũng muốn thế … nhưng em trông đợi vẫn chỉ là trông đợi.


Chắc anh nhớ mấy câu thơ cuối trong bài Ngập Ngừng của thi sĩ Hồ Dzếnh

…………………..
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...


Đó cũng là cái duyên của chúng ta, thế thôi…


Em,


Hương Lan của anh


Điện thư đôi ba ngày chúng tôi gửi cho nhau, lời càng ngày càng ngọt ngào, êm đẹp, tình càng ngày càng nồng thắm hơn.


Năm sau, tôi được mời tham dự một cuộc họp tại thành phố nàng ở, tôi gửi điện thư báo, ngày giờ và chuyến bay tôi sẽ đến, nàng đề nghị sẽ lái xe đón tôi ở phi trường, mặc dù giờ tôi đến nơi là chuyến bay chót trong ngày nên gần nửa đêm, sẽ đưa tôi về nhà nàng nghỉ qua đêm, rồi hôm sau đến nơi dự họp, nàng cho biết đã bao nhiêu năm rồi chưa gặp mặt, dịp nầy gặp nhau tay bắt mặt mừng cho thỏa tấm lòng nàng mong đợi.


Còn hai ngày nửa lên đường, tôi đã dệt mộng khi gặp nhau sẽ ôm nàng trong vòng tay và khẻ nói bên tai nàng “Anh rất yêu em”.


Nhưng chẳng may, tai họa giáng xuống chúng tôi, nhà tôi đã đọc được tất cả những điện thư chúng gửi cho nhau. Tôi tưởng rằng mình đã xóa hết, nhưng không ngờ nó vẫn còn lưu giữ, chắc thằng con tôi đã tìm thấy và âm thầm in ra rồi trao cho mẹ nó, nhà tôi chỉ nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết:


- Em sẽ không đi với anh, nếu anh muốn thì cứ đi để gặp Hương Lan. Ngày trước, nếu cô ta yêu anh, cô ta đã không đi lấy chồng. Ngày nay, nếu cô ta thật tình yêu anh, cô ta bỏ chồng đi, em sẵn sàng nhường anh cho cô ấy.


Giữa con tim và lý trí, gia đình và cá nhân tôi phải chọn lựa một con đường, không thể khác hơn, tôi gửi cho nàng một điện thư:


Hương Lan thân yêu,


Nhà anh đã đọc được Email, đã biết mọi chuyện. Xin lỗi cho anh gửi tới em lời Sayonara


Từ nay, Thanh không còn là của em nữa, xin hãy quên hết và tha thứ cho anh mọi lỗi lầm đã gây ra.


Anh.


Ngay đó, tôi liền nhận được điện thư hồi âm:


Sao anh nói là anh đã xóa hết email rồi. Cớ sự thế nầy, lỗi của anh hay của em? Nhưng chắc từ nay chúng xa xa nhau vĩnh viễn.


Em không dám trách phiền, hờn giận anh, chỉ xin hiểu cho nổi đau của một người khi mất tình yêu.


Em của anh mãi mãi.


Hương Lan


Ngay sau đó, tôi khóa bỏ email của aol, đến nay đã trên mười năm trôi qua, mỗi lần Valentine đến, gợi tôi nhớ đến người xưa, không rõ rồi nàng đã ra sao.

14-II-2015

 

 

 

Thương hoài ngàn năm


*

 

Phương nhờ tôi làm phù rể cho đám cưới của hắn, tôi nhận lời ngay, một là để giúp bạn hai là có dịp ngắm nhìn hay làm quen với vài người đẹp.

Ở nhà quê, thông thường người ta chọn một phù rể là một người còn trẻ đã có vợ con, đi đứng chỉnh tề, nói năng lễ phép, làm đúng thủ tục. Lần đầu tiên, tôi bị một anh bạn bắt tôi phải làm phù rể cho anh cưới vợ ở vùng Bà Điểm, tôi từ chối nhưng anh bảo:

Cậu cứ làm, có anh bên cạnh, anh sẽ nhắc tuồng cho cậu, miễn là cậu phải bình tĩnh trước các ông bà già khăn đen áo dài, chỉnh chệ ngồi ở bàn giữa, hoặc các cô gái quê của “mười tám thôn vườn trầu”.

Tôi đành phải nghe theo lời anh bạn, quả nhiên tôi làm tròn vai trò phù rể của đám cưới đó, sau nầy có vài người bạn khác nhờ, tôi có kinh nghiệm và tự tin, không cần đến người nhắc tuồng, tôi ứng xử tùy theo tình huống, rồi mọi việc cũng suông sẻ. Ngày xưa, trong đám tiệc người ta hay bắt lỗi bắt phải, để tỏ ra họ nhà trai hay nhà gái có người tinh thông chữ nghĩa, am hiểu phép tắc của đạo thánh hiền hoặc giữ tròn nề nếp gia phong.

Về hai cô phù dâu, thường người ta chọn hai phù dâu có nhan sắc kém hơn cô dâu, nhờ vậy cô dâu sẽ nổi bật vẻ đẹp. Trường hợp đám cưới bạn tôi cũng không có ngoại lệ, một cô phù dâu nước da trắng, tóc dài mặt xương, sắc đẹp chỉ trung bình, một cô phù dâu nước da bánh mật, tóc cắt vừa chấm vai, miệng nhỏ, mũi cao, trông dáng điệu có vẻ thùy mị hơn cô kia.

Tiệc tan, khách mời đã ra về hết, chú rể nhờ tôi phụ giúp mang quà cáp về nhà, cô phù dâu nước da bánh mật cũng được nhờ phụ giúp, nhờ đó tôi được biết cô ta tên là Thu Cúc.

Khi mọi việc xong xuôi hết ở nhà hàng, cô dâu và chú rể lại nhờ tôi:

- Cám ơn Thanh đã giúp cả ngày nay, bây giờ còn chuyện nhờ sau cùng, bạn làm ơn lấy Taxi đưa Thu Cúc về nhà ở ngã tư Bình Thạnh dùm, vì bây giờ đã khuya, khu đó lại vắng vẻ nữa, làm ơn thì làm ơn cho trót nghe.

Thế là tôi lấy Taxi và đưa Thu Cúc về nhà ở gần cầu Băng Ky, đúng như bạn tôi nói, đó là khu ít người qua lại ban đêm. Đến nhà, Thu Cúc bảo xe dừng, tôi dặn tài xế chờ tôi quay về, rồi tôi đưa Thu Cúc đến cửa nhà nàng. Người nhà mở cửa, đó là một phụ nữ lớn hơn Thu Cúc vài tuổi, tôi đoán có lẽ là chị của cô ta, để cho phải phép, người phụ nữ mời tôi vào nhà, nhưng tôi lấy lý do xe Taxi đang chờ đợi, nên xin phép cáo từ. Trên đường về, hình ảnh Thu Cúc vẫn còn vương vấn trong tôi.

Sau đó, vợ chồng Phương mời cả phù dâu và phù rể đi ăn sáng ở nhà hàng Thanh Thế, nói là để cám ơn chúng tôi, nhưng cũng là để nới rộng giao hảo và thắt chặt tình bạn bè. Dịp nầy, tôi được biết vợ của bạn tôi và Thu Cúc là bạn học cùng lớp, ở một ngôi trường danh tiếng tại thủ đô.

Rồi tôi đến nhà thăm Thu Cúc, sau vài lần quen biết, nàng nhờ tôi giúp giải những bài toán khó, do đó tôi dành mỗi tuần vài đêm đến nhà nàng kèm thêm môn toán. Gần nhau lâu ngày, tình yêu đã nảy nở tự nhiên. Một hôm vào ngày nghỉ, nhân tiện có dịp đi ngang qua nhà, tôi ghé lại thăm Thu Cúc, nhưng nàng không có ở nhà, người cô nàng cho biết, nàng theo bạn học trong lớp đi sinh hoạt đến chiều tối mới về. Thời gian đó, tôi nghe phong phanh có phong trào “CTY” phát sinh trong trường nàng. CTY có nghĩa là Cho Tình Yêu, là phong trào để ủy lạo chiến sĩ đang chiến đấu ngày đêm gian khổ ở chiến trường.

Từ đó, tôi lấy lý do bận học thi ra trường, nên xa lánh Thu Cúc từ từ. Năm sau, tôi ra trường lên dạy ở Cao nguyên, rồi lập gia đình với cựu nữ sinh cùng trường với Thu Cúc.

Đám cưới của tôi, tôi không mời cũng không báo tin, nhưng trong tiệc cưới bỗng nhiên Thu Cúc hiện ra với bộ quần áo toàn trắng, riêng trên chiếc áo dài thêu điểm rơi rớt vài cái hoa cúc vàng, tiến đến bên chúng tôi đang đứng chào đón khách mời, sau cái gật đầu chào, nàng bình tĩnh nói:

- Tối hôm qua, em tưởng anh có về nhà trọ cũ, nên mang quà đến tặng, không gặp anh, em đã gửi quà lại đó, anh chịu khó trở lại nhà cũ nhận quà của em.

- Cám ơn Cúc. Mời Cúc vào trong có vợ chồng Phương và Hồng đã đến dự.

- Cám ơn anh chị! Em phải về ! Như anh biết ở chỗ em vắng vẻ, lại không có ai đưa đi, nên em xin phép về trước. Chúc anh chị hạnh phúc.

- Dù sao thì Cúc cũng đã đến rồi! Xin vui lòng dự tiệc chung vui với chúng tôi.

- Xin lỗi anh. Dự tiệc mà nửa chừng về không phải phép với khách tại bàn. Cho nên xin phép anh chị.

Nói xong Thu Cúc quay lui, tôi phải đưa nàng đến cửa thang máy và nói:

- Xin lỗi Cúc.

Nàng đáp lại, giọng xúc động:

- Không dám!... Chào anh.

Hôm sau, tôi trở lại nhà trọ cũ, nhận được gói quà gọn nhẹ, tôi mang về nhà cùng vợ tôi mở ra, trong đó có một đĩa nhạc Thương hoài ngàn năm với giọng hát của Ca sĩ Phương Dung và một tập Album bìa đỏ, lật ra ngay tờ đầu với hai hàng chữ của Thu Cúc viết rất bay bướm:

Thương hoài ngàn năm.
Em… tin rằng đó là tình của anh với chị.

Nhà tôi xem xong im lặng, tôi chỉ nghe đĩa hát ấy có một lần, sau nầy không biết nó ở đâu, mặc dù tôi rất muốn giữ nó làm kỷ niệm, còn quyển Album tôi dán ảnh tiệc cưới, nên nó vẫn còn.

Năm sau, từ Cao nguyên về, phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, lúc ra đi ngang qua phòng chờ đợi, trông thấy Cúc ngồi đó, chào nhau xong tôi hỏi:

- Cúc đợi máy bay đi đâu ?

- Dạ ! Em xin được chân dạy học trên Phước Long, nên hôm nay đi lên đó !

Từ đó, tôi không gặp lại Thu Cúc nữa. Cuối năm 1974, nghe tin Phước Long mất, rồi biến cố 30 tháng 4 năm 1975, kẻ ở lại người ra đi, kẻ vượt biên người vượt biển, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, thỉnh thoảng mang quyển Album tiệc cưới ra xem, những hình ảnh người thân, bạn bè làm cho tôi chạnh nhớ tới Thu Cúc, với dòng chữ đầy ấp tâm tình “Thương hoài ngàn năm”.

19-III-2015

No comments:

Post a Comment