Pages

Sunday, May 25, 2025

MÙA ĐÔNG MONG CHỜ

 MÙA ĐÔNG MONG CHỜ

Nhìn bao lá úa rớt bên song
Mà thấy nao nao cả tấc lòng              
Ngày đến nguồn vui sao vắng mất
Đêm về tâm sự lại không cùng  
Có còn ghi nhớ dòng lưu niệm
Chưa hết u hoài chuỗi đợi trông
Người đã ra đi trong luyến tiếc
Một mùa Đông rét ...mãi  chờ mong !

Trịnh Cơ

Họa vận

Thiếu phụ mong chồng đi tù cải tạo.

Trăng tàn sương lạnh thấm bên song .
Thiếu phụ chờ chồng nảo cả lòng
Cải tạo chàng đi xa vạn dặm
Đoàn viên nàng đợi mãi không cùng
Heo may gió lộng càng tê tái
Cánh nhạn mây ngàn vẫn ngóng trông
Đất nước hoà bình sao cách biệt
Anh ơi có biết em chờ mong .

Hà Văn Tài .

Sunday, May 18, 2025

Nhớ về chị Thu Nhi (1)

Thời tôi còn đi học khoảng 60 năm về trước, tôi đã biết chị Thu Nhi là một nhà thơ, có thơ đăng trên Phổ Thông nguyệt san của nhà văn Nguyễn Vỹ, đầu năm 1964, sau cuộc tranh đấu Phật Giáo năm 1963 thành công, Gia đình Phật Tử Huế có mời Gia Đình Phật Tử Thủ Đô ra tham quan cố đô Huế, dự một cuộc họp của các Huynh Trưởng Trung Phần tổ chức tại chùa Từ Đàm. Đáng lẽ ra anh Nguyễn Hữu Huỳnh đi, nhưng anh bận việc nhà, hơn nữa gia đình anh ở gần chùa Từ Đàm nên anh không đi, đã đề cử Bác Đỗ Văn  Giu là Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Nam Việt làm Trưởng Đoàn, tôi Phó Trưởng Đoàn kiêm Huynh Trưởng Trực, hướng dần một phái đoàn gồm 23 Huynh Trưởng ra Huế theo lời mời kể trên.

Chuyến đi đó, do anh Nguyễn Hữu Huỳnh liên hệ xin một chuyến bay quân sự DC3, chuyến bay nầy do phi công Mỹ lái, chúng tôi được phi công dễ dãi cho phép ra phòng lái của phi công để nhìn cảnh vật phía trước trời mây bao la hoặc phía dưới là rừng núi hay biển xanh mênh mông.

Trên phi cơ Bác Giu và tôi đang thảo bức điện tín để gửi về Sàigòn

Chuyến trở về, chị Thu Nhi xin quá giang theo phi cơ vào Sàigòn. Do đó chúng tôi quen biết nhau. Năm 1964, Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc Gia Đình Phật Tử tổ chức tại Trung học Gia Long Sàigòn, chị Thu Nhi và chúng tôi có chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm.

Hàng đứng từ trái sang phải Lê Xuân Thiệu, Huỳnh Ái Tông, Đoàn Khị Kim Cúc, chị Thu Nhi, chị Nguyễn Thị Ngân ngồi thứ 2 tù phải sang trái và các em Thiếu nữ GĐPT Giác Minh, Giác Hoa ...

Sau nầy ra ngoại quốc, tôi có gặp chị Thu Nhi tại một hiệu bán hoa tươi của chị, rồi sau đó chị xuất gia là Ni cô Huệ Tâm và trở về Phan Thiết tịnh tu.

Mấy hôm trước từ Huynh trưởng Quảng Pháp Trần Minh Triết cho biết tin từ chị Dung Kiều, ni sư Huệ Tâm bệnh từ lâu nay rất yếu. Sau cùng được tin từ chị Hồng Loan cho biết Ni Sư  Huệ Tâm đã xã bỏ báo thân, an nhiên về cõi tịnh ngày 16 tháng 5 năm 2025 tại quê nhà.

Xin hãy nguyện cầu cho Giác Linh Ni sư Huệ Tâm an nhiên nơi cõi Tịnh.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

(1) Bài nầy đúng ra đăng vào Trang nhà AHVN nhưng do không upload được, nên tôi đăng vào đây.







Wednesday, May 14, 2025

Nhớ người

Hôm nay tôi có thì giờ ngồi trước máy vi tính tìm hình ảnh những người quen biết xưa, người đầu tiên là anh Lê Đình Cần bạn cùng lớp Đệ ngũ D niên học 1958-1959 tại Trung học Kỹ thuật Cao Thắng 65 Đỗ Hữu Vị (nay là Huỳnh Thúc Kháng) Sàigòn, 

Lê Đình Cần - Huỳnh Ái Tông

Anh Hồ Ngọc Thu, thứ nam của thầy Hồ Văn Vầy giáo sư Trung học kỹ thuật Cao Thắng, Thu và tôi cùng học chung lớp Đệ Ngũ D Trung Học K Thuật Cao Thắng, cùng lớp với Cần. Ra đơn vị tôi gặp Thu ở Đại Đội 21 Quân Cụ sau cải biến thành Đại Đội Bảo Toàn Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, đóng quân tại Sóc Trăng. Thu kèm cập tôi uống bia từ đó. Sau Thu và tôi cùng là giáo sư Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn.

Hồ Ngọc Thu - Huỳnh Ái Tông

Anh Bửu Cầu, bạn đồng ngũ với tôi ở Trung đội 39, Đại Đội 10, Tiểu Đoàn Đoàn 3 khóa 27 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cũng là đồng ngũ với Trần Văn Nhựt.


Bửu Cầu - Huỳnh Ái Tông tại chùa Linh Phong Đà Lạt

Trần Văn Nhựt cũng là đồng ngũ ở Trường Bộ Binh, Trường Quân Cụ, ngày nay Nhựt định cư ở West Virginia, sát với tiểu bang của tôi, nhưng nếu lái xe chắc cũng phải 2 hay 3 giờ đồng hồ mới tới, Nhựt và tôi chỉ gặp nhau khi về Việt Nam, còn ở Mỹ chỉ gọi điện thoại thăm hỏi nhau.

Tông - Nhựt tại Sàigòn

Anh bạn cùng đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử với tôi từ những năm 1958, đó là anh Nguyễn Huy Nghiễn, anh cũng là Hướng Đạo sinh, sinh hoạt trong Tráng Đoàn của Huynh Trưởng Trần Trung Du.

                  
Thiện Chí Trần Trung Du         Phúc Ân Nguyễn Huy Nghiễn - Phúc Trung Huỳnh Ái Tông

Huỳnh Hữu Ủy và tôi quen nhau ở trong tù cải tạo Kà-Tum, chúng tôi thường uống trà với bác Phạm Ngọc Quỳnh, tôi là B Trưởng của B11, C 3, D 2 tại Kà-Tum vào những năm 1976 -1977, trước đó tôi ở tại Trãng Lớn, Tây Ninh. Bác Quỳnh là thủ kho của Khối, cũng như Huỳnh Hữu Ủy ra trại vào khoảng tháng 10 năm 1977 (vì trại giải thể, do Kampuchea đánh sang biên giới năm 1977)

Huỳnh Ái Tông  và Huỳnh Hữu Ủy

Vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1976 tôi bị đưa từ Trại Cải Tạo Trãng Lớn lên rừng Kà-Tum ở Tây Ninh để học tập cải tạo, đến đó tự đi rừng đốn cây, tre, nứa, cắt tranh xây dựng lán trại để ở, cho đến 19-6-1977, tôi mới được tam tha về theo diện “hồi hương lập nghiệp” nhờ có sự giúp đỡ của anh Vũ Hữu Thuận là trại viên thuộc B 39 của tôi. 

Trước đó anh Thuận ở Tiểu Đoàn 5, Tiểu Đoàn nầy bị giải thể nên anh được đưa về nhập vào Trung đội tôi, khi ấy anh bị bệnh, hàng ngày tôi phải thăm bệnh tình của anh để báo cáo quân số ai bệnh, ai khỏe để phân công đi lao động. Sau khi anh khỏe mạnh lại, anh cho tôi biết anh muốn giúp tôi về sớm, bằng cách báo cho người nhà xin cho tôi hồi hương lập nghiệp hoặc cả gia đình xin đi vùng kinh tế mới, tôi có một trong 2 giấy ấy, thân nhân của anh sẽ giúp tôi về sớm.

Gia đình tôi đã xin giấy cho tôi hồi hương lập nghiệp ở xã Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh Long Xuyên nên tôi được về sớm vào dịp 2 tháng 9 năm 1977, nhưng mãi cho tới 16-9-1977, tôi mới nhận được giấy và tiền đi đường từ Trảng Lớn về tới nhà ở Sàigòn.

Khi tôi về tới nhà, anh Thuận đã được về trước tôi và anh đã vượt biên sang Houston, sinh sống một thời gian rồi anh đã mãn phần từ lâu.

Một người bạn khác là Huỳnh Hữu Lộc, năm 1962 tôi thi rớt Tú Tài 1, bị ở lại lớp nên học chung với Huỳnh Hữu Lộc, thân nhau từ đó, sau 1975 Lộc vượt biên bị bắt ở Bến Tre, rồi ông Võ Văn Kiệt lãnh về Sàigòn, sau Lộc trở thành đại gia, nổi tiếng về xây dựng với cọc nhồi, Lộc bệnh ung thư, đi Singapour chữa khỏe lại và đã mất từ lâu.

Từ trái qua phải: Nguyễn Tấn Á, Huỳnh Hữu Lộc, Tông, Minh, Bửu, Chiếu.

Trần Xuân Minh với tôi không hề có học chung lớp, về sau nầy là bạn học chung trường nên thân nhau, Đặng Vĩnh Bửu có ông ngoại là thầy dạy ở Cao Thắng, nên quen biết rồi chơi thân với chúng tôi, Nguyễn Minh Chiếu học cùng với Lộc, sau chúng tôi 1 năm, nay thì đều là bạn cùng trường.

Nguyễn Tấn Á với tôi cùng thi đậu vào Trung học kỹ thuật Cao Thắng năm 1956 nhưng không có học chung năm nào, có biết nhau nhưng không chơi thân với nhau. Á có người em là Nguyễn Tấn Việt, kỷ sư anh ta đi săn bị lạc đạn mà mất ở Đa Nhim, biết đâu bị thủ tiêu không ? Á trước theo VC có vào bưng, sau đó anh ta bỏ hàng ngũ CS trở về với Quốc Gia. Trong một tiệc nhậu, Á nhái theo anh hồi chánh có tên tuổi thuở đó, tuyên bố từ bỏ CS trở về hàng ngũ QG.

Còn có Nguyễn Văn Hướng, học sau chúng tôi 1 năm, sau khi ra trường anh làm cho hãng CARIC, hãng nầy nằm bên kia sông Sàigòn, gần bến phà Thủ Thiêm. Hướng chơi rất thân với chúng tôi.

Tông, Hướng, Bửu, Minh, Chiếu ăn tại nhà hàng góc đường An Dương Vương-Lê Hồng Phong

Một người nữa tôi muốn nói tới là Vũ Thế Ngọc, tôi học năm thứ 4 ở Đại Học Vạn Hạnh thì có Vũ Thế Ngọc (Ngọc nhỏ hơn tôi 8 tuổi) và Mai Vi Phúc năm đó ở lại lớp, nên chúng tôi quen biết nhau từ đó, thỉnh thoảng tôi còn gặp Vũ Thế Ngọc lúc đi thăm Hòa Thượng Tuệ Sỹ, lúc uống cà-phê vĩa hè ở góc đường Đồng Khởi và Nguyễn Du với vài văn nghệ sĩ khác có khi có Nguyễn Quốc Thái.

Huỳnh Ái Tông, Vũ Thế Ngọc, HT. Tuệ Sỹ

Một người nữa là Nguyễn Quốc Thái, rất tiếc tôi không nhớ rõ tôi quen biết anh từ khi nào và ở đâu ? Hình như là ở quán cà-phê 27 đường Nguyễn Thị Diệu gần chợ Đũi, quận Ba, Tp. HCM. Hình như do tôi đi uống cà-phê với Từ Hoài Tấn, hôm ấy gặp Nguyễn Quốc Thái, Nguỵ Ngữ, Nguyễn Thanh Vân và quen biết nhau từ đó. Từ Hoài Tấn khi còn nhỏ ở nhà người Dì đi học, tôi có dạy kèm cho Tấn về Toán đố.

Từ Hoài Tấn, Huỳnh Ái Tông, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Quốc Thái và nhà văn Ngụy Ngữ

Lâu lâu điểm lại, để nhớ tới những người bạn hoặc có quen biết nhau, đều là duyên mà có.

866414052025






Nhớ lại chuyện xưa

Sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Phú Thọ Sàigòn, tôi đi dạy học trước tiên là dạy ở trường Trung học kỹ thuật Y-Út ở Banmêthuột là một trong những trường kỹ thuật do Viện trợ Mỹ cung cấp cho dân tộc thiểu số, nên trường có nội trú, học sinh người Chăm ở Phan Rang lên học, còn học sinh người Thượng gốc Rhadé hay Bana ... ở Banmêthuột, Kontum, Pleiku, các em đi học được ăn ở miễn phí, có học bổng hàng tháng và có quần áo hàng năm, có tiền xe đi lại vào dịp lễ nghỉ hoặc bãi trường.

Khi thi vào trường CĐSPKT năm 1964, tôi được đậu vớt với thứ hạng 12, trong đó 10 người là chính thức và 2 là dự khuyết, nhưng khi nhập học, kể cả tôi là có 7 người về sau anh Nguyễn Mạnh Hoạt có học bổng du học ở Pháp, nên chỉ còn lại có 6 người học mà thôi. Đó là các anh Nguyễn Văn Bài, Nguyễn Văn Đước, Nguyễn Đức Lộc, Lương Văn Nhơn, Trịnh Như Tích và tôi.

Khi ra trường năm đó chỉ có 4 nhu cầu, nên chúng tôi được phân bổ: anh Nguyễn Văn Bài về trường kỹ thuật An Giang, anh Lương Văn Nhơn về trường kỹ thuật Vĩnh Long, tôi về trường kỹ thuật Banmêthuột, anh Trịnh Như Tích đi xa hơn ra trường kỹ thuật Đà Nẵng, còn lại anh Nguyễn Văn Đước và Nguyễn Đức Lộc tiếp tục học thêm 2 năm để ra giáo sư Đệ Nhị Cấp. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Đước được phân bổ về Trường Kỹ thuật Bà Rịa rồi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Tây Ninh, sau đó anh đã mất. Còn anh Nguyễn Đức Lộc về Trường kỹ Thuật Việt Đức, nay anh sinh sống tại chợ Thủ Đức.

Năm 1968, tôi bị động viên đi khóa 27 Thủ Đức, đó là khóa sau cùng mang số thứ tự, sau đó là khóa 1/68, 2/68… học cơ bản quân sự 3 tháng ở Quang Trung, mang alfa rồi mới vào quân trường Thủ Đức, vì thời đó chiến tranh lan rộng, cần đào tạo sĩ quan cấp bách, trước đó đào tạo sĩ quan trên 10 tháng, từ sau khóa 27 chỉ còn có 8 tháng mà thôi.

Ra trường tôi được tiếp tục học khóa đào tạo sĩ quan cơ bản Quân Cụ, rồi khóa sĩ quan Quân Xa. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan Quân xa vào tháng 4 năm 1969, tôi được phân bổ về vùng IV chiến thuật, tại đây tôi được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, đóng tại Sóc Trăng, về đến đơn vị cũng là lúc cải tổ thành Đại Đội Bảo Toàn của Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Tướng Vĩnh Nghi chỉ huy, có căn cứ tại một Trung Tâm huấn luyện Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, nằm trên đường đi Bãi Xào, còn cách Đài Phát Thanh Ba Xuyên chừng 500 thước, qua cánh ruộng nhỏ, bên kia là chùa Dơi.

Nhưng tại Đại Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, tôi được phân bổ làm Trung Đội Trưởng Sửa Chữa, đóng quân nằm cạnh Trung Đoàn 32 của Đại Tá Chung Văn Bông tại thị xã Cà Mau (đóng quân tại sân Quần vợt, trước Ty Tiểu Học, cách chợ Cà Mau chừng 100 thước, cách Ty Cảnh Sát cũng khoảng đó).

Vài tháng sau, tôi được đổi về Hậu cứ làm Trung đội Trưởng Hậu cứ rồi được biệt phái về lại Trung học Kỹ Thuật Y Út Banmêthuột. Rồi cứ đủ ngày tháng được công nhận là Thiếu Úy, sau Thiếu Úy 2 năm là được công nhận là Trung Úy nhưng sau đó muốn lên Đại Úy phải có thâm niên tại ngũ trong quân đội. Theo tổ chức quân đội ngày xưa, tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, lên cấp bậc cuối cùng là Đại Tá mà thôi, vì nó thuộc TRỪ BỊ, không phải hiện dịch như Trường Sĩ Quan Đà Lạt, là trường chánh quy.

Hồi xưa tôi có vài tấm ảnh mặc quân phục, nay tôi chỉ có tấm ảnh bán thân mang quân hàm chuẩn úy và tấm ảnh mặc quân phục khi đi phép về Sàigòn trong lúc đang học ở quân trường, tại đường Phùng Khắc Khoan quận Nhất khi đi phép, chờ xe chở về trường trong khi còn thụ huấn ở quân trường Thủ Đức. 

 
 

Về Trường kỹ thuật Y Út Banmêthuột, tôi có tấm ảnh chụp chung với anh Đống Văn Quan Hiệu Trưởng và ông Nguyễn Văn Anh Tổng Giám Thị.

Huỳnh Ái Tông - Đống Văn Quang - Nguyễn Văn Anh

Về trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, tôi còn tấm ảnh chụp khi bàn giao chức vụ giữa anh Phạm Văn Tài và tôi có sự chủ tọa của ông Trần Ngọc Thái, Giám Đốc Nha Học Chánh Sàigòn.

Sau đó là hình ảnh chụp kỷ niệm sau tiệc Tống Cựu Nghênh Tân ở Xa lộ gần cầu Phan Thanh Giản, có sự tham dự của ông Hội Trưởng Hội Phụ huynh và Giáo sư Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.

Tấm ảnh chụp chung với giáo sư và nhân viên sau khi trường được tiếp thu tháng 5 năm 1975.

Một thời đã qua hay là một thời đáng nhớ, nay tuổi già sức yếu, chạnh nhớ đến ngày xưa một thời khi còn trẻ, tất cả đều để lại Việt Nam vào ngày 2-4-1991 khi từ giả người thân và bạn bè tại phi trường Tân Sơn Nhất, đáp chuyến bay Air Việt Nam bay sang Bangkok, vào tạm trú tại nhà tù của Bộ Nội Vụ Thái Lan, dùng để giam giữ những người ngoại quốc, hưởng chế độ tù: ăn cơm trắng với hột gà kèm theo chút muối bọt và tô canh lỏng bỏng vài cọng rau xanh.

Phi Trường Tân Sơn Nhất ngày 2 tháng 4 năm 1991
Từ trái qua phải: Em gái tôi, cháu tôi, Tâm đen, Tông, Mai, Thu, Hải, Tuệ Linh, Bác Tự, Lê Bá Thanh, 

866414052025






 

Monday, May 12, 2025

Nhớ chuyện xưa

Nói là xưa nhưng thật ra chuyện xảy ra chừng gần 30 năm trước. Hồi đó tôi nghĩ mình làm chi đó không vừa lòng những người chung quanh, nên họ viết thư gửi cho báo Chánh Đạo ở California tuyên bố khai trừ tôi ra khỏi Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, hội đó có tôi góp phần xây dựng nên, khi nhiều anh em từ Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư dưới dạng cựu tù nhân chánh trị, gọi là HO, nhiều người đi diện nầy nếu có thân nhân đỡ đầu thì người đó được định cư gần người đỡ đầu, nếu không có thân nhân thì USCC (United States Catholic Charity) đỡ đầu.

Tôi được ngưòi chị ruột đi diện con lai, nên chi ấy đỡ đầu cho tôi vì thế tôi được định cư nơi chị cư ngụ là thành phố Louisville, Kentucky, còn những người khác đa số đến định cư nơi đây đều không có thân nhân, nên USCC đỡ đầu, vì thế anh em thường gọi đùa với nhau là đi diện mồ côi.

Khi anh em sang đông, chừng 30, 40 chục người nên rủ nhau lập Hội, có chị kia làm về Địa ốc (Realtor), chồng là cựu quân nhân phi công, đã có sang Mỹ du học để làm phi công. Đến tháng 4 năm 1975, anh ta lái chiếc DC3 sang Bangkok giao trả lại cho Mỹ, Mỹ chở anh ta sang California, thời đó nhân có tàu Việt Nam Thường Tín vượt biên sang Mỹ, Mỹ dùng tàu ấy cho những người Việt muốn trở về Việt Nam thì lên tàu ấy về, khi về tới Việt Nam, nhà cầm quyền không cho tàu cập bến Sàigòn hay Vũng Tàu mà chỉ cho cập bến Nha Trang, lên bờ tại Nha Trang mọi người bị đi học tập cải tạo một thời gian. Anh phi công sau khi học tập cải tạo xong, trở về nhà đưa vợ con vượt biên sang Mỹ, chị vợ sang Mỹ làm ngành giáo dục và làm Realtor, còn anh chồng làm cho hội USCC.

Lúc tôi mới sang Mỹ, vì biết tôi ở Việt Nam là giáo chức nên tôi được đi làm trong ngành giáo dục, chức danh như là phụ giáo (Biluangal Associate). Trong lớp có cô giáo hay thầy giáo dạy, nhưng khi học sinh thắc mắc mà không thể nói tiếng Anh, tôi thông dịch – nên nói thêm ở Mỹ lớp học của học sinh Việt Nam nhập cư lúc đó xếp theo tuổi, ví dụ 6 tuổi phải học lớp 1, 7 tuổi lớp 2 ……, 11 tuổi phải ngồi lớp 6 …., nhưng trẻ em Việt Nam đi diện con lai, vượt biên … nên có những em thất học, nhưng đến Mỹ tuổi vị thành niên phải đi học, nếu không đi học không được trợ cấp hàng tháng. Do đó có em ngồi lớp 6 mà không biết One, Two, Three … gì cả, nên những trợ giáo chúng tôi phải giúp các em, dịch tiếng Việt ra Anh Văn, dịch tiếng Anh ra tiếng Việt.

Tôi sang Mỹ năm 1991, không thuộc danh sách HO, nhưng tôi đến Mỹ rồi được hưởng diện HO, vì tôi bị đi học tập cải tạo 2 năm 2 tháng 20 ngày và bị quản chế 1 năm 20 ngày, nên được hưởng diện HO, tôi và vài anh em đứng ra hô hào anh em khác gia nhập để thành lập hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị gọi tắt là Hội HO, một anh Đại Úy cựu Quận Trưởng Quận Ba Thê (Núi Sập), tỉnh Long Xuyên được bầu làm Chủ tịch, tôi Tổng Thư Ký. Năm 1995, tôi về Việt Nam thăm gia đình, một số anh em cho rằng tôi theo CS nên viết báo gửi cho tờ Chánh Đạo phát hành ở California, tôi không muốn có sự chia rẻ với nhau nên viết đơn từ chức, sau đó anh em khai trừ tôi ra khỏi Hội HO. Đó cũng là thói quen của một số người thấy ai hơn mình thì ghét, phải tìm cách hạ bệ họ, nếu có chức vụ, hoặc “nói xấu người hơn mình cho bỏ ghét”.

Nhân hôm nay ngày Rằm tháng Tư, ngày Trăng tròn, đức Phật Đản sinh, chúng tôi đến chùa lễ Phật, thấy có hình những người quen mà không có tôi, con tôi hỏi: “Sao không thấy có cha ?” Vì thời gian đó tôi bị “khai trừ” ra khỏi hội HO.

Tôi nhớ cũng lâu lắm rồi, sau vụ tôi bị khai trừ khỏi hội HO, có 2 vợ chồng anh kia tới thăm tôi, đem theo một chậu phong lan, anh ta nói: “Thôi mọi chuyện cũ bỏ qua, chúng ta vẫn là bạn tốt với nhau”, và từ đó trở đi anh ta đối với tôi rất vui vẻ mỗi khi gặp nhau ở ngoài phố hay khi đi chùa. Muốn biết chuyện nầy có thể đọc bài "Chuyện của một Thiền sư" (https://ahvinhnghiem.org/Chuyencuathiensu.html) do tôi viết cũng đã lâu.

Chuyện xảy ra đã lâu, ngày nay chắc ít người nhớ. Tại thành phố Louisville, có 3 ngôi chùa là chùa Từ Ân do Thượng Tọa Viên Lý trụ trì, chùa Vạn Phật Đảnh do Thượng Tọa Hằng Đạt trụ trì, chùa Phước Hậu do Thượng Tọa Thanh Quang trụ trì, mỗi chùa tôi đều có đi, hầu hết các chùa đó tôi đều có đóng góp khi mới khởi đầu, về sau vì sự việc tôi bị khai trừ, nên thỉnh thoảng tôi mới đi chùa vào những dịp Tết hoặc ngày lễ Phật.

Gia đình tôi có thể nói là thâm tín đạo Phật, mẹ tôi quy y ở ngôi chùa làng, hình như ngôi chùa đó cất trong phần đất của ông bà ngoại tôi, ngày mẹ tôi bệnh nặng, được đưa vào chùa tịnh dưỡng rồi mất trong chùa ấy. Còn cha tôi, chắc có quy y với ngài Huệ Minh, một tu sĩ xưa tu tại vồ Bồ Hông là vồ cao nhất Núi Cấm của dãi Thất Sơn, nơi đó cha tôi có khắc chữ Huệ Minh và một bài thơ vào Vô nầy, nay chữ Huệ Minh còn lờ mờ, bài thơ không còn thấy được vì “nước chảy, đá mòn”. Nơi đây người sau có lập bàn thờ, còn trên đỉnh vồ có tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Chú tôi ăn chay từ năm 18 và mất năm 72 tuổi, là hội viên Thông Thiên Học từ năm 1927 và mất năm 1980, từng là Hội trưởng Tỉnh Hội Phật học Châu Đốc, tôi nối gót chú, sau khi chú tôi mất tôi gia nhập hội Thông Thiên Học Pháp (vì Việt Nam dẹp Hội TTH) và sau chuyển chuyển qua TTH Mỹ tại Illinois Hoa Kỳ, gia đình ăn chay từ sau khi chú tôi mất.

Việc đi chùa tôi đi từ nhỏ, lúc ở nhà quê, cứ vào đêm 14 trời có trăng theo mấy bà chị đi xa chừng hơn 1 cây số, đi chùa tụng kinh, lạy Phật để được ăn kiểm, ăn chè, lớn lên đi Gia Đình Phật Tử, tới chùa sinh hoạt, tụng kinh hàng tuần vào ngày chủ nhật ở chùa Kim Cương, đường Trương Tấn Bửu Quận 3 Sàigòn, rồi chùa Giác Minh nay ở Quận 10 Tp HCM. hiện nay tụng kinh hàng ngày vào buổi công phu chiều.

Theo nhà Phật, mọi sự việc đều có nhân duyên và do nghiệp lực mà có. Tin hay không là do nhận thức của mỗi người.

866412052025