Vài chục năm trước, giao thông cách trở, chủ yếu là đường sông, nào tàu, nào ghe nào xuồng là những phương tiện thông dụng đi trên những con sông lớn, sông bé, kinh rạch chằng chịt ở miền Tây.
Ban đêm ống khói những chiếc tàu kéo ghe, phun ra những đốm tro một màu đỏ lún phún, lại thêm hai hàng đèn màu xanh, đỏ, vàng mắc theo dây giăng từ ống khói đến trước mũi và sau lái tàu, trông đẹp mắt cho lũ trẻ con, ban ngày thấy rõ tàu kéo theo vài chục chiếc ghe thương hồ, chúng cập đôi, cập ba lúc thẳng tấp lúc ngoằn ngoèo tùy theo khúc sông, trông như con rắn khổng lồ đang lội trên mặt nước.
Do giao thông cách trở, đời sống ở quê ít đổi thay, người ta sống bình dị ngày hai bửa cơm rau, gạo cá.
Nhà ở có thể cất với cột tre, cột tràm, đòn tay, đòn dông, rui mè, chỉ với vài cây tre, lợp mái dừng vách với lá dừa nước từ miệt dưới vùng nước lơ lớ mặn, thích ứng với loại cây này.
Gạo ăn, chỉ cần có đôi bò hoặc mua, hoặc nuôi rẽ của người khác, chỉ vài năm là có đủ đôi, canh tác chừng một chục chục công đất thì đủ ăn, đủ mặc, có đất thì làm đất nhà, không thì thuê đất làm tá điền của người khác.
Thậm chí có người không có đất làm, cũng không làm tá điền cho ai, chờ khoảng tháng mười, tháng mười một bơi xuồng vào Đồng Tháp Mười thu hoạch “lúa ma”, đi chừng hai chuyến, đủ ăn cả năm.
Cá, mắm thì không lo, ở đâu có nước là có cá, trên đồng có những thứ cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt, lương … dưới sông có cá linh, cá cơm, cá he, cá lăng, cá trèn, cá chốt, cá chạch … người ta giăng câu, giăng lưới, vãi chài, làm bò, chất chà, đặt lờ, đặt lọp, đặt trúm, xây đăng, kéo vó, làm đìa, tùy mùa, tùy phương tiện bắt cá ăn hàng ngày, có dư đem bán, hoặc gặp lúc được con nước cá nhiều người ta làm mắm, làm khô.
Người chịu khó chân lấm, tay bùn đừng va vào tứ đổ tường thì sẽ dư ăn dư để.
Đời sống dân quê là thế, giải trí thì có hát bội hay cải lương. Hát bội vào những dịp lễ cúng đình, còn cải lương năm khi, mười họa mới có. Thỉnh thoảng những người biết đàn, ca họ tổ chức đàn ca tài tử tại bộ ván gõ trong nhà hoặc trải chiếc đệm ngoài sân với bình trà và dĩa bánh kẹo.
Chủ yếu là đàn kìm, phụ thêm đàn cò, chỗ nào có người chuyên môn mới có thêm đàn tranh, ít người sử dụng đàn độc huyền, nghe đâu họ kiêng cử. Họ ca vọng cổ và những bài bản vắn như Lưu Thủy, Văn Thiên Tường, Khổng Minh Tọa Lầu …
Đó là những cuộc giải trí có tổ chức, ngoài ra còn những cuộc giải trí do ngẫu hứng dựng nên, như khi người ta đi cấy, năm bảy người có khi nhiều hơn, họ hò đối đáp với nhau từ đám cấy này với đám cấy khác gần bên.
Hoặc ban đêm, trăng thanh, gió mát, chèo ghe bơi xuồng trên sông, người ta cũng hay hò cho đỡ buồn ngủ, đỡ cảm thấy vắng lặng, đôi khi có ghe thuyền khác đáp lại, thành ra một cuộc hò đối đáp. Chẳng hạn như có chàng trai đêm thanh vắng hò trên sông:
Hò ơ … Gió đưa con buồn ngủ lên bờ,
Mùng ai có rộng hò ơ … xin cho ngủ nhờ một đêm.
Tiếng một cô gái trên sông đáp lại:
Hò ơ … Một đêm khó lắm ai ơi!
Xuồng kia có chỗ hò ơ … ngủ thời cho quen.
Những người thuộc vọng cổ, đêm thanh, gió mát người ta cũng hay cất cao bài ca vọng cổ, chẳng hạn như bài “Tôn Tẫn giả điên”:
Úy trời đất ôi! Nỗi đoạn trường…, cũng vì tôi đây quá tin thằng Bàn Quyên là bạn thiết cho nên ngày hôm nay thân của tôi phải ra nông nỗi …
Nhưng hát hò hay ca vọng cổ … đều có bài bản, có thứ giải trí không bài bản, nó thường diễn ra hàng ngày như một nếp sống của dân quê.
Ở đó chỉ năm ba người, cứ chiều chiều họ tụ họp lại, nói chuyện trên trời, dưới đất, tam hoàng, ngũ đế, đông tây, kim cổ, chuyện mùa màng, gã cưới …nhờ vậy người ta hiểu được tin tức từ xóm giềng tới làng nọ làng kia, người ta cũng hiểu được chuyện xưa tích cũ, phong tục, tạp quán.
Nơi đó chỉ là cái băng gỗ đơn sơ, người ta chôn hai đầu hai cột gỗ, trên đó lót tấm ván dầy chừng 3 phân, ngang chừng 3 tấc, dài chừng 2 thước, đóng vài cây đinh cho vững chắc, lối xóm cứ chiều chiều tụ tập ra đó trò chuyện, lâu ngày thành một nếp sống cũng có thể gọi là nét văn hóa thôn quê, gọi là Miệt Vườn nó khu biệt vùng Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, gọi là Miền Tây, nó chỉ cho Cần Thơ, Rạch Giá Long Xuyên, Châu Đốc.
Cái băng đó thường người ta đặt bên lề đường, trước cửa nhà hay phía mé sông, ẩn mình dưới tàng cây để che nắng trưa hay chiều, cứ cách xa xa có một cái băng như vậy, người đi đường xa có thể dừng chân ngồi nghỉ, hút điếu thuốc, ăn miếng trầu, trẻ con có thể quây quần chơi đùa buổi sáng hay trưa, khi không có người lớn.
Lại còn một nét văn hóa khác nữa cũng nên nói tới, đó là những cái lu nước ở dọc đường. Nhiều nhà, người ta để một cái lu nước ở chỗ lối vào nhà, ngay chỗ cổng hay ở hàng rào trước nhà, lu nước này không to lớn sức chứa chừng 50 lít nước, có nấp đậy bằng những tấn ván đóng khít vào nhau, để che cho khỏi bụi, lá rơi vào, trên nắp đậy hay trên một cái cây bên cạnh, người ta để một cái gáo dừa có cán tre hay gỗ, người trong nhà cũng như hàng xóm hoặc người đi đường, cứ tự nhiên dùng nước đó để uống khi khát, không phải khách sáo xin phép, cũng không cần cám ơn gia chủ, vì người ta đặt lu nước đó nhằm mục đích cho mọi người dùng, nhất là những khách qua đường, người ta không hẹn, không tổ chức nhưng xa xa chừng 4, 5 trăm thước có một cái khạp nước bên đường như thế.
Hai nét văn hóa một để giải trí, thông tin học hỏi là nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người, cũng là nơi để người ta dừng chân nghỉ ngơi. Còn một để người ta giải khát, tuy nó không phải là việc làm từ thiện, nhưng ngẫm ra nó cũng là do lòng nhân từ, thương người khi đói ăn, khát uống mà ra. Nhớ lại 60 năm trước, tôi từng đi bộ từ chợ Long Xuyên vào Phú Hòa, đâu phải chỉ một lần mà mỗi năm vài lần, vì xe hay đò đều không có, nhớ tới những lu nước hay cái băng bên đường, ngày đó thật là hữu ích vô cùng.
Ngày nay, văn minh tiến bộ, xe chở khách chạy suốt ngày, hàng quán khắp nơi, đẩy lùi nét văn hóa xưa vào dĩ vãng, nét văn hóa ấy đã tạo cho người ta nếp sống hợp quần và đầy lòng nhân ái.
Ngày 12-01-2012
No comments:
Post a Comment