Pages

Thursday, September 22, 2016

Quốc Toản



(Tiếp theo Song Ngọc

(1943-20  )

Nhạc sĩ Quốc Toản tên thật là Vũ Quốc Toản sinh tại Nam Định, năm 1943.Thuở nhỏ đi lễ nhà thờ thấy cây đàn Harmonium giống như cây Piano, người chơi đàn dùng tay chạy nốt phím và chân phải đạp bàn hơi để thổi hơi vào các ống mà tạo ra âm thanh. Những lúc vắng vẻ, cậu bé lẻn vào nhà thờ mò mẫm cây đàn này để tìm hiểu. Trong nhà có các anh chơi đàn và Quốc Toản học đánh đàn măng đô lin và thổi kèn Harmonica.
Năm 1954, Quốc Toản theo gia đình di cư vào Miền Nam, mấy năm sau Quốc Toản được một vị linh mục người Ý dạy nhạc lý và học thêm nhiều nhạc cụ khác như vĩ cầm, piano. Ông thực tập qua những buổi thánh lễ để hiểu thêm những điều đã học .

Năm 1965 trường Quân Nhạc ở Thủ Đức của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có cuộc thi tuyển, chọn những người có năng khiếu âm nhạc để đào tạo thành các nhạc trưởng cho dàn nhạc quân đội. Thời đó mỗi binh chủng, mỗi quân trường, mỗi sư đoàn đều có dàn nhạc. Quốc Toản thi đỗ và khi vào lính thì được chuyển về trường quân nhạc để học.

Giám đốc trường quân nhạc là  Đại tá Trần Văn Tín, có một số thầy giỏi như Nguyễn Phụng là Giám đốc trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn,  nhạc sĩ Vũ Thành, nhạc sĩ Vũ Văn Tuynh, nhạc sĩ Phạm Nghệ…

Học nhạc từ năm 1965 đến 1968, sau khi tốt nghiệp, Quốc Toản được cử đi tu nghiệp tại Mỹ, theo học trường âm nhạc của Hải quân Hoa Kỳ - Naval School of Music - tại tiểu bang Virginia trong một năm.

Năm 1970, Quốc Toản về nước dạy âm nhạc tại trường quân nhạc. Năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Nhạc trưởng ban nhạc Sư đoàn 2 ở Chu Lai Quảng Ngãi, rồi cuối năm 1974 chuyển về dàn nhạc của Sư đoàn 1 ở Huế.

Cuối tháng 3 năm 1975 Huế thất thủ, người lính Quốc Toản bị bắt làm tù binh và bị nhốt ở trại Ái Tử tỉnh Quảng Trị trong 3 năm.

Ra tù Cộng Sản năm 1978, Quốc Toản chơi trống cho một ban nhạc đoàn Hương Miền Nam ở Sài Gòn. Ông nhớ lại quãng thời gian đó tiền thù lao một đêm chỉ mua được một tô phở; cho nên đành nghỉ và tìm kế sinh nhai khác.

Năm 1986, Quốc Toản cùng gia đình được người thân bảo lãnh sang Hoa Kỳ, định cư tại Quận Cam, California.

Ông thường trực chơi đàn keyboard cho Phở Ngon- một quán ăn lớn trên đường Bolsa góc đường Ward những năm 1988, 1989… Sau đó chơi mỗi đêm trong ban nhạc ở một hộp đêm do người Việt Nam làm chủ ở Long Beach và cho các buổi sinh hoạt của cộng đồng ở Quận Cam.

Ban ngày, Quốc Toản làm hòa âm cho các ca sĩ, nhạc sĩ sáng tác độc lập để họ thu băng, kế tiếp ông mở phòng thu âm cho riêng mình từ năm 1992 cho đến nay.

Cũng thuận lợi cho ông, vì kỹ thuật thu âm hiện đại sử dụng bằng máy vi tính và Quốc Toản có căn bản về máy móc và hòa âm, cho nên công việc phòng thu ông rất thông thạo.

Ca sĩ mà ông thu băng đầu tiên là Hoàng Oanh, rồi Mai Ngọc Khánh, Việt Dzũng… Sau này,  Quốc Toản thu băng nhiều băng nhạc của Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, của Phong Trào Hưng Ca.

Quốc Toản có phổ nhạc các bài thơ đấu tranh của một số thi sĩ và được nhiều ca sĩ như Thế Sơn, Việt Dzũng, Lê Huy Phong, Diễm Liên…phổ biến thành các bài hát đấu tranh trên Youtube. Ông có một trang Web lấy tên là www.quoctoan.com.

Trong bài: Nhạc sĩ Quốc Toản - từ trường Quân nhạc Thủ Đức đến phòng thu âm Quận Cam, Nhạc sĩ Trần Chí Phúc viết:

Tánh tình hiền hòa, khiêm tốn, nhưng nhạc sĩ Quốc Toản là một chứng nhân của một dòng ca nhạc Sài Gòn Miền Nam từ thuở sinh viên trường Quân Nhạc Thủ Đức cuối thập niên 1960 cho đến phòng thu âm ở Quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Ca khúc:

- Chúng ta phải là một (thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)
- Dân phải bi
ết thức tỉnh đi (thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)
- Hoa hồng và khẩu súng (thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)
- Lững Thững đến lững thững đi (thơ Huệ Tâm)
- Nhân quyền Việt Nam tôi đâu (thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)

- Tang ca Mẹ Việt Nam (thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)
- Trái tim quy hàng (thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)

Tài liệu tham khảo:

- Trần Chí Phúc. Nhạc sĩ Quốc Toản - từ trường Quân nhạc Thủ Đức đến phòng thu âm Quận Cam. Web: sbtn.tv

Ca khúc Lững Thững đến lững thững đi do Thanh Ngà và Quảng Đức Thiện song ca.

https://www.youtube.com/watch?v=zy7p_hlNVVU&feature=youtu.be






No comments:

Post a Comment