Pages

Tuesday, December 31, 2024

Tổng kết cuối năm 2024

 Sau 1 năm viết bài đăng trên Blog, hôm nay ngày cuối năm, tôi muốn tổng kết lại năm nay.

Trước tiên về việc viết bài, trong năm tôi viết 50 bài đăng trên Blog, tháng viết nhiều nhất là tháng 11 thời gian ở Việt Nam tôi viết 11 bài, tháng 7 viết ít nhất là 1 bài, còn tháng 3, 6, 8, 10 mồi tháng viết 4 bài.

Trong năm nay, tôi có về Việt Nam tính cả ngày đi lẫn về là 2 tháng 20 ngày, kể từ ngày 2 tháng 10 đến hết ngày 20 tháng 12, tôi có về An Giang 2 lần, lần đầu tôi về ngụ tại nhà đứa cháu con chị Ba tôi ở tại chợ Bình Hòa trong 3 ngày, thăm mồ mả ông bà, cha mẹ và thăm viếng thân nhân cũng như bạn bè, được biết Quốc người hàng xóm bên cạnh nhà đã mất, có lẽ bị đột quỵ vì đi tắm buổi tối, người kế là thằng Cuộc, hắn người sinh ở làng Hòa Hảo nhưng ông ngoại hắn ở cách nhà tôi một căn nhà khác, khi hắn còn nhỏ, sống ở nhà ông ngoại, nên chơi thân với Quốc và tôi, sau nầy hắn sống ở Kinh Đình trong làng tôi, nghe nói hắn ngủ rồi mất luôn chắc cũng bị đột quỵ, một người nữa là Lê Văn Khuyến, hắn với tôi bà con đầu ông Cố, bà nội tôi thứ Hai còn bà nội hắn thứ Sáu, nhà hắn ở cách nghĩa trang già đình tôi chưa đầy 100 thước, hắn mất vì bệnh già, thuở nhỏ hắn với tôi chơi rất thân, cùng nhau đi bắt chim, bắt sáo, đi hái trái dại trong vườn hoang, không hiểu vì sao chừng 3, 4 mươi năm sau nầy có về quê đi thăm mồ mả ông bà, tôi cũng không ghé nhà thăm hắn, gặp em hắn thằng Chửng thì tôi vẫn chào nó.

Tôi có lên thành phố Châu Đốc thăm 3 người con của chú Tám tôi. Chú là người nuôi tôi từ năm 13 tuổi, sau khi cha mẹ tôi mãn phần cùng một năm 1954, rồi cho tôi lên Sàigòn học ở Trung học kỹ thuật Cao Thắng, khi tôi vào Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật do anh tôi ở Pháp phụ cấp cho tôi 1 phần, phần còn lại là học bổng của chánh quyền VNCH. Đó là thăm cô Huỳnh Thị Nga, nguyên là giáo viên, Huỳnh Thị Diễm nguyên là giáo sư trung học và Huỳnh Thanh Tùng bị liệt bán thân từ nhỏ. Do Tùng bị bại liệt chú tôi nghĩ rằng vì không biết về Đông y nên mới xãy ra cớ sự, sau đó chú tôi tự học chữ Hán, tự học bắt mạch, bốc thuốc, sau chú tôi trở thành Đông y sĩ, thời Ngô Đình Diệm, tất cả Đông Y sĩ phải có bằng cấp hành nghề, chú tôi đăng ký dự thi có bằng cấp Đông Y Sĩ, có để mà bốc thuốc, chữa bệnh cho người thân, chớ không có hành nghề để kiếm sống vì chú tôi vốn là giáo viên dạy ở Trường Nữ Tiểu Học Châu Đốc vào thập niên 1940, 1950, 1960, khi đó ông Phạm Ngọc Đa làm Hiệu Trưởng trường nầy. Mới đây được tin cô Huỳnh Thị Diễm bị té ở cầu thang trong nhà, đưa đi bệnh viện rồi mất trong tháng 12-2024.

Một lần nữa, tôi về quê dự đám giỗ má tôi, do đứa con gái đầu lòng của anh Năm tôi cúng ở Phú Hòa huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang. Lần nầy tôi có bảo thằng cháu rể của tôi qua bên Bờ Ao (bên kia cánh đồng) mời em Nê là em bạn Dì của tôi, còn có cháu ba Dừa là cháu Nội của Dì Ba tôi và 3 con trai của chị Ba tôi cùng dự.


Tông, Nê, Quận, Triển, Mĩn, Ba Dừa

Do nhà tôi mến mộ Thầy Bảo Lâm là một nhà sư tu ở một ngôi chùa thuộc tỉnh Bình Dương, thầy nhận làm Trụ trì một ngôi chùa trên núi ở Hải Phòng. Trong tháng 11 thầy có bay vào Sàigòn, mua sắm vài Phật cụ để tu bổ chùa sau trận bảo Yagi vào tháng 9 năm 2024. Nhân dịp nầy mẹ và chị Thầy Bảo Lâm từ Sóc Trăng có lên Sàigòn đón Thầy và nhân đó có ghé nhà con rể tôi dùng bữa cơm trưa, nên trong chuyến về Việt Nam nầy, chúng tôi có đi Sóc Trăng 2 lần.

Lần đầu đi một ngày 1 đêm có chúng tôi, nữ nghĩa tử Huỳnh Thị Ánh và con gái đầu lòng của tôi, chúng tôi ngủ tại nhà Lý Quốc Phát là thân phụ của Thầy Bảo Lâm, có ăn bánh xèo tại nhà Tuấn Trinh là chị Hai của Thầy Bảo Lâm, nhà Tư Tèo Vlog vợ là Nguyệt chị Ba Thầy Bảo Lâm ăn cơm tối, có đến nhà của Nguyễn Miền Tây.

Lần khác sáng đi chiều về, vì tôi muốn trở lại thị xã Sóc Trăng, tìm thăm những người cùng đơn vị cũ với tôi ở Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, nhờ anh Phát chỉ dẫn tôi tìm được nơi đó là đường Lê Hồng Phong, tại cổng chào vào địa phận Mỹ Xuyên, có cái nghĩa địa, đó chính là nơi đơn vị cũ tôi đóng quân. Tôi tìm ra nơi nầy, nhưng người tôi tìm là Cường nay đã bán nhà đi nơi khác, không rõ ở đâu. Tìm được cũng như không!!! Cường có cô em vợ là Vân rất xinh, cứ sáng Chủ nhật là mặc áo dài trắng quá giang xe jeep của Thiếu Tá Đơn Chỉ huy phó đơn vị Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận đi lễ nhà thờ. Nhắc tới Vân làm cho tôi nhớ tới Hồ Ngọc Thu vừa là đồng ngũ, vừa là đồng nghiệp, cả hai chúng tôi thuở ấy chỉ có uống bia chớ không thích gái, uống bia với thằng Nô chuyên viên máy chiếu phim ở Rạp Chiếu bóng Hòa An, Chuẩn úy Vinh, Thiếu úy Minh ban Tài chánh của Tiểu đoàn. Đon vị đó còn có một người tôi khó quên, đó là Đại Úy Châu, Đại Đội Trưởng Đại Đội Công vụ của Tiểu Đoàn, do trước đó chúng tôi cùng học chung khóa huấn luyện tại Trường Quân Cụ Gò Vấp năm 1968, mãn khóa vào tháng 4 năm 1969.

Ngày Thứ Bảy 21-12-2024, từ Việt Nam tôi về đến nhà, kết thúc gần 3 tháng ở Việt Nam, đáng lý ra lần nầy chúng tôi đi tham quan Hà Giang có cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng, dòng sông Nho Quế, huyện Mèo Vạc … nhưng do bão Yogi nên đã không đi. Thật ra có thể lên Mạng xem những Clip về Hà Giang cũng có thể thấy cảnh quan rất hấp dẫn mà đi chưa chắc tham quan được như con đường lên trời bên kia sông Nho Quế do Nguyễn Quốc Thắng và Mí Hải thực hiện.

Trong khu vực nhà con rể tôi ở đường Tân Hòa Đông, đường Bà Hom người ta lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, nên tôi không thể đi bộ thể dục, ngày nọ ngày kia ở trong nhà tù túng, sức khỏe cũng không tốt.

Về tới nhà ở Mỹ vào mùa Đông, bên ngoài trời lạnh, ngày nọ ngày kia trời vần vũ u ám hoặc mưa nên không thể ra ngoài đi bộ.

Hôm qua ngày 30-12-2024, nhiệt độ 50o, tôi đã ra ngoài đi bộ chừng 1 km, cảm thấy thoải mái vô cùng.

Còn nữa, mặc dù tôi về nhà đã hơn 1 tuần, nhưng chưa thay đổi được giờ giấc. Theo người có kinh nghiệm truyền lại đi tới đâu người ta ngủ mình ngủ, người ta thức mình thức sẽ mau chóng thay đổi giờ giấc phù hợp với giờ gấc sinh học của bản thân, nhưng riêng tôi tới nay chưa thay đổi được !! Ban đêm đi ngủ lúc 9 giờ đến 2 giờ thức giấc rồi thức luôn tới sáng, Ban ngày cố gắng thức, để ban đêm ngủ. Nhưng thực sự chưa quen, chưa thay đổi được như ý muốn.

866431122024






Monday, December 30, 2024

Những khó khăn tôi gặp phải hiện nay

 Sau gần 3 tháng đi Việt Nam về, tôi gặp phải vài sự khó khăn không thể ngờ. Trước tiên là cái Phần Mềm WS_FTP tôi dùng để chuyển các Tài liệu (File) lên Mạng của tôi không được, nói giản dị là nó không kết nối vào Mạng của tôi, nên tôi không thể chuyển tài liệu lên Mạng của mình.

Tôi đã dùng Phần Mềm quét Vi-rút, nhưng cũng không làm sao kết nối vào Mạng của mình, khi kết nối được, đưa tài liệu lên Mạng thì phần chữ nó đưa lên, phần hình nó cũng đưa lên, nhưng trên màn hình chỉ có chữ có khung hình mà không có hình hiện ra !!!

Rồi cuối cùng cho đến hôm qua, hình mới hiện lên trong màn hình, nói chung là 6 ngày sau thì Phần mềm WS_FTP mới hoàn tất được chức năng của nó. Tôi thật không hiểu vì sao ?!!

Còn chưa đầy 1 tuần lễ nữa thì tôi được 84 tuổi, cho nên chuyện quên trước, quên sau phải có với tôi cũng như một số người khác.

Tôi nhớ đến người thầy của tôi, nhà văn, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ, sinh ngày 17-2-1923 tại Hà Đông. Giáo sư đã dạy tôi tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện Đại học Vạn Hạnh, trong nhừng năm tôi theo học Ban Cử nhân và Cao học từ năm 1970 đến 1974.


Mừng Thượng Thọ Bách Tuế (100 tuổi) của Gs Doãn Quốc Sỹ ngày 10-12-2022 tại California

Sau nầy khi qua Mỹ vào thập niên 1990, tôi có gặp lại giáo sư trong một kỳ trại của Thanh Niên Việt Nam được tổ chức tại thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky.

Một người nữa là đàn anh của tôi anh Tâm Bửu Tống Hồ Cầm  sinh ngày 23/2/1918 tại làng Hương Cần, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 25-2-2018 tổ chức GĐPT đã tổ chức Mừng Đại thọ 100 tuổi của Huynh Trưởng Tống Hồ Cầm tại tư gia nơi đường Lê Văn Sỹ.


Mừng thọ Bách Tuế (100 tuổi) cư sĩ Tâm Bửu Tống Hồ Cầm

Trong tổ chức Gia Đình Phật Tử tuy tôi nhỏ tuổi nhưng lại giữ trọng trách, nên tiếp xúc với các bậc đàn anh như Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Cao Chánh Hựu, Lê Cao Phan, Văn Đình Hy, chị Hoàng Thị Kim Cúc, anh Phan Cảnh Tuân, anh Nguyễn Hữu Huỳnh, anh Nguyễn Châu. Trong số những Huynh Trưởng nầy, có lẽ anh Nguyễn Hữu Huỳnh và tôi là gắn bó với nhau nhiều, nhất là thời gian Phật giáo tranh đấu năm 1963 ở chùa Xá Lợi.


                     
Tông -Tống Hồ Cầm      

                     
Tông - Lê Cao Phan  

                     
Tông - Võ Đình Cường

Hiện nay, tôi gặp phải chuyện đâu đâu. Chẳng hạn như từ trước đến nay muốn đưa bài vở lên Mạng, tôi dùng phần mềm WS_FTP, nay không dùng phần mềm nầy được, sau 4, 5 ngày dùng được thì nó chỉ đưa chữ lên mạng còn hình thì không ! Cho đến hôm nay thì bình thường.

Dĩ nhiên là tôi có Chương mục ở Ngân hàng. Vì trước kia tôi làm cho công ty Fabricated Metals làm những chi tiết cho ngành đường sắt, nên công ty tôi đi làm đó với Ngân hàng L&N Federal Credit Union tôi mở Chương mục nằm trong một hệ thống đường sắt của Mỹ, nên khi mở chương mục, tôi chỉ cần có 5 US$ mà thôi. Sau 3 tháng ở Việt Nam về, tôi mở Chương mục của tôi qua Online, tự nhiên nó bị khóa lại, tôi phải đến Ngân hàng yêu cầu họ mở lại cho tôi sử dụng, mở được rồi tôi sử dụng sao đó, để bảo vệ Chương mục của tôi, nó lại bị khóa, lần nầy tôi không ra ngân hang mà bảo con gái tôi gọi tới ngân hàng, yêu cầu họ mở khóa và tôi phải đặt mật khẩu mới.

Thật ra tôi không hiểu sao tôi gặp phải vài khó khăn làm cho tôi thấy khó chịu hoặc bị mất thì giờ, hoặc không biết phải làm sao để giải quyết cho mọi việc được êm xuôi, được bình thường như trước đây. Tôi mong được vậy! Mọi việc được bình thường.

866429122024






Sunday, December 22, 2024

Tôi đã về đến Mỹ

 Hôm qua 21-12-2024, tôi đã về tới nhà sau một chuyến đi đường có nhiều thú vị.

Trước tiên là lần đầu tiên, đi về Mỹ vào chuyến bay đêm, thứ đến trạm trung chuyển là phi trường Tokyo Haneda Airport.

Tôi không nhớ là tôi đã có đến phi trường Haneda lần nào không ? Hình như là có 1 lần, lần ấy từ Tân Sơn Nhất bay qua Haneda rồi từ Haneda đi xe trung chuyển tới phi trường Narita mất 1 giờ đông hồ, có thể đã xảy ra vì khi xưa tôi đi hãng máy bay United Airlines, cũng có khi trung chuyển ở Đài Bắc, có khi ở Hồng Kông.

Tôi không hiểu tại sao Cô Giang, đại lý vé ở Cali, đã chọn cho tôi chuyến đi nầy của hãng Japan Airlines. Thật ra thì từ lâu tôi đã chọn hãng máy bay American Airlines để đi về Việt Nam, hãng nầy liên kết với Japan Airlines để đưa hành khách từ Narita ở Tokyo về Tân Sơn Nhất nhưng đây là lần đầu tiên vé tôi mua của hãng American Airlines, nhưng đi máy bay của hãng Japan Airlines từ Tân Sơn Nhất trung chuyển tại Tokyo ở Haneda, rồi Dallas Fort Worth, rồi trạm cuối cùng ở Louisville Kentucky mới chuyển sang Ameriacan Airlines.

Tôi thích đi máy bay của hãng Japan Airlines, vì các tiếp viên hãng nầy tiếp khách theo phong cách người Á Châu ta.

Trong chuyến đi, từ Dallas Fort Worth (DFW) đến Narita, tôi không có phần ăn chay, do cô Giang đại lý hang máy bay làm sai sót, tiếp viên có cho tôi biết khi về Sàigòn, nên đến văn phòng American Airlines yêu cầu họ điều chỉnh cho tôi được ăn chay.

Về Sàigòn, trước khi đi tôi đã đến phòng bán vé của American Airlines tại số 194 đường Nguyền Thị Minh Khai (Trước cổng Vườn Tao Đàn), yêu cầu họ điều chỉnh, tôi đã đưa tờ Initarery (Hành trình) cho họ xem, cô phụ trách nơi đó gõ máy rồi tự nói : “Sao không thấy”. cô ta gõ máy một lát rồi cho tôi biết là xong rồi.

Hôm sau, từ hãng Ameriacan Airlines gửi điện thư báo cho tôi biết đã điều chỉnh xong, nhà tôi và tôi có xe đẩy từ Sàigòn về tới Louisville ở tram đầu, các trạm trung chuyển và trạm cuối, nhưng cái đó tôi đã thấy trong Itinerary có rồi, còn cái tôi cần là tôi ăn chay thì không thấy. Tôi bèn dùng Vi tính vào Trang nhà của American Airlines, thấy nhiều mục có nhưng phần thức ăn, không thấy đâu cả ! Tôi mới nhớ ra cô phụ trách American Airlines ở vườn Tao Đàn Sàigon đã buộc miệng thốt ra “Sao không thấy”. Không làm sao được, tôi bèn gửi email cho Cô Giang đại lý vé máy bay ở San Jose, yêu cầu cô điều chỉnh dùm, nếu không tôi nhịn đói. Lần nầy Cô Giang ghi rõ tên tôi yêu cầu có xe đẩy, yêu cầu có phần ăn chay. Tôi cẩn thận in ra 2 bản.

Khi lên máy bay của hãng Japan Airlines từ Tân Sơn Nhất cô tiếp viên đến chỗ tôi hỏi có phải tôi ăn chay không, rồi họ dán lên ghế tôi ngồi. cũng như trên ngăn kéo để thức ăn của tôi: Tên tôi và thức ăn chay. Nhờ vậy chuyến về nầy, tôi có thức ăn chay và hãng Japan Airlines cung cấp phần thức ăn chay có khẩu vị khá ngon.

Phần ăn Chay trên Japan Airlines Ngày 20 và 21-12-2024

Tôi đã về đến nhà lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Bảy 21-12-2024. Mặc dù tôi về Việt Nam 2 tháng 20 ngày, tôi có đi xa vài nơi như Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc nhưng tôi không được đi xa như tôi muốn, là đi tham quan Hà Giang tỉnh cực Bắc Việt Nam, giáp với Trung Quốc có đèo Mã-Pí-Lèng một trong Tứ Đĩnh Đèo Việt Nam: Đèo Khâu Phạ (Yên Bái), Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai – Lai Châu), Đèo Pha Đin (Sơn La – Điện Biên), Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Một lần tôi đã đến đèo Ô Quy Hồ khi tham quan Sa-Pa năm 2018.

866422-12-2024






Thursday, December 19, 2024

Tôi sẽ về Mỹ ngày mai

 Như vậy là chỉ còn hai hôm nữa tôi sẽ về Mỹ, nhưng Đặng Tiến Hưng mời tôi đến tư gia của em dự buổi tiệc chia tay, nên tôi không thể từ chối, theo dự tính tiệc nầy gồm có Trần Xuân Minh, Đặng Ngọc Bửu, Nguyễn Văn Hướng và tôi.

Đi tìm nhà vườn của Hưng cũng khá khó khăn, vì đường xá mỗi ngày mỗi thay đổi, nhất là vùng ngoại ô, nhà vườn của Hưng nằm trên đường từ Chợ Lớn đi Gò Công, chỗ vào nhà Hưng có tấm biển Đường Bà Cả, nhưng đường đang mở rộng nên thay đổi nhiều, Hướng chỡ tôi, nhưng Hướng không nhớ rõ, chạy một đoạn, nhìn không ra mới hỏi người bên đường, họ chỉ chạy lùi lại một đoạn chừng 2 cây số ngàn, rồi người ta chỉ một con đường, chạy vào đó mới thấy có cái bảng Đường Bà Cả, nhưng đã bị co rúm lại, nên không nhìn thấy, chắc do xe hàng lớn cọ quẹt rồi, chạy vào một đoạn thấy Hưng đang đứng bên lề đường, có con đường nhỏ dẫn vào phía trong, rồi chúng tôi chạy xe vào trong theo sự chỉ dần của Hưng.

Hôm Thứ 2 ngày 16-12-2024 đã vào đây nhậu một chầu, lúc đi cùng xe với Hưng, khi về, đi một xe về, nhưng Hưng đã gửi tiền cho Bình trả tiền xe, nên đưa tôi về nhà trước, còn Bình, Hướng, Chiếu xuống xe sau. Lại hẹn nhau ngày thứ Tư 18-12-2024 sẽ họp mặt tại nhà vườn Hưng để làm tiệc tiễn chân tôi, sẽ do Tiến rước tôi sang vườn nhà Hưng.

Ngày Thứ Tư 18-12-2024, do Tiến bận nên Hướng đưa đón tôi đến nhà Hưng, sau đó Tiến mới đến, Hữu có một người bạn đưa đến, rồi Bình cùng đến, sau có Bửu đến, về phía Hưng hôm nay có người mua bán đất đai ghé qua hoặc do Hưng hẹn đến, còn Minh không có mặt, có thể vì Minh yếu hoặc không có ai đưa đi.

Trước tiên, uống rượu chát của Úc do Hữu mang đến, uống chưa hết chai rượu chát thì Hưng mang 1 chai rượu đế Gò Đen ngâm chi đó có màu vàng. Tưởng cùng nên nói thêm, gọi là rượu đế, vì thời Pháp thuộc cấm nấu rượu, cho nên người ta lén nấu rượu ở vùng xa vắng bóng người, nơi đó là đám sậy, đám đế, nên được gọi là rượu đế, tức là rượu trắng. Vùng Gò Đen thuộc huyện Bến Lức tỉnh Long An. Cũng là cái duyên lại được gặp Đặng NgọcHữu trong tiệc chia tay nầy.

Ngoài việc uống rượu chát, rượu thuốc Gò Đen còn uống thêm bia lon, rồi Hữu và bạn có việc nên về trước, Tiệc tàn, Hướng đưa tôi về, tôi có hỏi cầu may: “Hướng có biết quán cây tre mà Lê Thanh Ánh, Hồ Ngọc Điển thường hay uống không ? Hướng trả lời rằng có biết rồi Hướng đưa tôi đến đó, mới là buổi chiều, chưa đến tối nhưng quán đóng cửa, chúng tôi đứng trước cửa quán nhìn vào thì bà chủ quán từ đâu bước tới chào chúng tôi, bà ta không biết Hướng, nhưng vẫn nhớ tôi, bà ta bảo: “Mai trở lại đi, tôi sẽ báo cho bà Ánh đến chơi”.

Chúng tôi chào bà chủ quán, hẹn ngày mai 10 giờ sẽ trở lại. Hướng chở tôi về, hẹn hôm sau đón tôi lúc 9 giờ.

Sáng ngày Thứ Năm 19-12-2024, từ 9 giờ như đã hẹn, tôi đã chuẩn bị sẵn và chờ Hướng đến rước đi như lời Hướng hứa, nhưng mãi đến hơn 9:30 tôi mới thấy Hướng đến trước cổng nhà con rể tôi. Thế là tôi và Hướng đến Quán Cây Tre số 108/8 đường Lạc Long Quân Phường 10 Quận 11 Tp. HCM,

Chúng tôi dừng xe, đứng trước của Quán, chị chủ quán ân cần ra chào chúng tôi và chỉ bàn chị Lê Thanh Ánh đang ngồi cùng một thanh niên, sau khi chúng tôi vào ngồi một bàn khác, chị Ánh đã ngồi  sang đó chào đón chúng tôi, rồi chúng tôi chào hỏi nhau, chị Ánh giới thiệu đó là con trai của chị, cháu có 2 con đang đi học, mỗi ngày cậu con trai phải đưa đón, nên không có đi làm. Chị Ánh cho biết anh Ánh mất, nhưng chị vẫn sống bình thường nhờ có chút vốn anh Ánh để lại.

Chị Anh cũng đã cao tuổi, gần 80 nhưng trông chị vẫn còn khỏe, nói năng bình thường, ăn uống cũng bình thường, chỉ có giấc ngủ khuya chừng 1 hoặc 2 giờ thức giấc là thức luôn.

Sau khi chúng tôi trò chuyện một hồi lâu, tôi xin phép ra về, chị chủ quán biếu cho tôi 1 gói cà-phê, chúng tôi được biết chị ấy có đất trồng cà phê Robusta, và quán của chị bán cà-phê nhà trồng.

Buổi chiều con rể tôi đóng thùng tất cả hành lý sẽ mang về Mỹ, mỗi thùng tối đa 23 kg, mỗi người được 1 thùng free, còn mỗi thùng khác dư sẽ phải trả US$100.00, được điện thoại của Ngọc Thanh báo tin Ngọc Thanh và Thiện Đạt sẽ thăm chúng tôi tối nay. Nhớ mấy năm trước Thiện Đạt đưa chúng tôi đi thăm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, sau đó Thiền Am bị tai tiếng và cả ông Lê Tùng Vân đều bị kết án tù. Sở dĩ trước kia tôi thăm Lê Tùng Vân là do tôi có biết ông thân của Lê Tùng Vân là nhà thơ Thần Liên Lê Văn Tất, vì Lê Văn Tất là Hội viên Hội Thông Thiên Học Việt Nam và chú tôi, thầy giáo Huỳnh Bá Nhệ là Chi Trưởng chi bộ Thông Thiên Học An Giang (Châu Đốc), từ năm 1956, tôi ở nhà chú tôi đi học Tiểu Học ở Trường Nam Tiểu Học Châu Đốc, nên tôi có biết ông Lê Văn Tất từ đó.

Nhà thơ Thần Liên Lê Văn Tất (1917-1964). Năm 2022, vụ án Tịnh Thất Bnồg Lai tức Thiềm Am Bên Bờ Vũ Trụ ra tòa ở Long An, Lê Tùng Vân khai 92 tuổi là sinh năm 1930. Chúng ta làm bài toán sẽ thấy Lê Tùng Vân sinh năm 1930, còn Lê Văn Tất sinh năm 1917. Như vậy ông Lê Văn Tất mới có 13 tuổi đã sinh con ? Có man khai không ? Có làm giấy tờ giả không ?

Từ chuyện Thiện Đạt và Ngọc Thanh sẽ đến thăm tôi dẫn tôi trở lại vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

Mai tôi về Mỹ rồi, mong mọi chuyện tôi sẽ bỏ lại sau lưng, về Mỹ hưởng an nhàn trong những ngày hưu trí đi đó đi đây, Paris, Sydney, Wellington, Bangkok, Varanasi, Toronto ….

Trong Tòa nhà Quốc Hội Úc

Còn vài nơi tôi chưa đặt chân tới như Tokyo, Bắc Kinh …. Mong có ngày đến đó tham quan Vạn Lý Trường Thành, ngắm Phú Sĩ sơn. Nhưng đã 83 tuổi rồi còn sức, còn tiền hưu dành dụm đi không ? Với tôi mọi chuyện đều do nhân duyên mà có.

866419122024







Tuesday, December 17, 2024

Đưa các cháu đi tham quan Sàigòn

 Hôm qua 15-12-2024, gia đình Nguyễn Miền Tây Vlog và cháu Nguyệt chủ kên Tư Tèo Vlog và 2 con gái từ Sóc Trăng lên thăm chúng tôi để từ giả trước khi chúng tôi rời Việt Nam về Mỹ.

Tôi biết Nguyệt là chị của Nguyễn, con gái của Lý quốc Phát ở Sóc Trăng, tôi có đến nhà anh Phát trong lần về Việt Nam nầy, do nhà tôi xem Video của Thầy Bảo Lâm trụ trì một ngôi chù ở Miền núi Hải Phòng, thầy thường chế biến nấu nhũng món ăn chay dân giả, nên từ đó nhà tôi quen biết Thầy.

Do tháng trước Nguyệt và bà mẹ lên Sàigòn đón Thầy Bảo Lâm về nhà, nên có ghé nhà con rể tôi dùng bữa cơm trưa, nên sau đó nhà tôi có đi đến gia đình thầy Bảo Lâm ở Sóc Trăng thăm vìéng và ở chơi một ngày một đêm, nên biết ngoài cháu Nguyệt và Thầy Bảo Lâm ra còn có Tú Trinh Vlog, Nguyễn Miền Tây Vlog, một cậu con trai tên Thịnh làm MC và một cô gái út đã lập gia đình ở Đồng Nai.

Trước đây tôi biết Nguyệt khôn lanh, đã lập gia đình vói Tư Tèo Vlog ở cùng xóm thuộc xã Song Phụng huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng, nay Nguyệt kể mới biết xưa kia Nguyệt từng đi lao động ở Malysia, bị bóc lột, trải qua gian khổ nhiều, quen biết với Tư Tèo, nên sau nầy cả hai thành hôn.

Các cháu từ Sóc Trăng đi chuyến xe sớm của hãng xe Phương Trang có giường nằm, lên đến thành phố đi xe Grab đến nhà chúng tôi, khoảng gần 4 giờ sáng nghe tiếng chó trong sân sủa, tôi vạch màn nhìn qua bên kia đường thấy lố nhố trẻ con, hành lý, tôi biết các cháu đã lên đến như Nguyệt đã gọi điện báo trước là sẽ bắt xe đến nhà tôi. Vì trước đó, tôi có điện cho Huệ, lo sợ các cháu không biết đường đi nước bước ở thành phố lớn nầy, nên tôi dặn: “Con lên tới thành phố, vào ngồi ở phòng chờ, trong khu vực Bến xe Miền Tây, ba Hai sẽ ra đón các con về nhà”.

Nay qua điện thoại nghe Nguyệt nói sẽ đi xe vào nhà tôi, tôi yên dạ có Nguyệt thì không phải lo. Sau khi mở cửa đón các cháu vào nhà, con nhỏ của Nguyễn 4 tuổi, tên Mỹ Linh, đi đêm bị cảm lạnh, nhức đầu, nên con gái tôi phải cho uống thuốc giải cảm.

Còn mấy cháu kia cũng mệt, nên vào nằm trên sofa ngủ, rồi Nguyệt ôm còn nằm võng ngủ, Nguyễn cùng nằm võng khác ngủ.

Cho đến sáng khoảng hơn 7 giờ, con gái tôi nhờ người làm vườn đi mua mấy ổ bánh mì, nhà tôi chiên hột gà cho tất cả ăn sáng, mọi ngày trước cửa ngang nhà con rể tôi có xe bán cơm tấm, hôm nay là Chủ Nhật, mọi người không đi làm, nên ngủ dậy trễ, biết thế xe Cơm tấm cũng không dọn hàng bán sớm, hơn 10 giờ họ sẽ lục tục dọn hàng bán.

Chờ cho các cháu ăn sáng xong, tắm rửa thay quần áo, hơn 9 giờ tôi gọi một chiếc xe VinaSun 7 chỗ, chở hết các cháu đi cho biết vài nơi, trước tiên đi ra chợ Sàigòn.

Trên đường đi đến chợ Sàigòn, tôi yêu cầu tài xế chạy theo tôi hướng dẫn, mục đích là để chỉ các cháu biết vài nơi. Trước tiên xe chạy ra vòng xoay Phú Lâm, tôi chỉ cho các cháu biết trường Trung Học Mạc Đỉnh Chi, rồi cầu vượt cây Gõ, chạy qua Việt Nam Quốc Tự, theo đường Cao Thắng chạy ngang bệnh viện Từ Dũ, Nguyệt cho biết vừa đưa Tú Trinh đi khám bện vào mấy hôm trước, rồi đến đường Nguyễn Trải , xe chạy bên hông nhà thờ huyện Sĩ, tôi giới thiệu nhà thờ của đất Sàigòn xưa có tứ đại phú hộ khi Pháp mới đô hộ miền Nam Việt nam đó là:

“Nhất Sỹ” tức Huyện Sỹ, tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), còn có tên gọi là Sỹ, được Pháp phong Huyện hàm, nên còn được gọi là Huyện Sỹ. Ông dẫn đầu về độ giàu có ở Việt Nam thời kỳ này, ông là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu.

“Nhì Phương” là Đỗ Hữu Phương (1844-1914), do được Pháp phong Tổng đốc hàm nên còn gọi là Tổng đốc Phương. Ông là một trong những người đề xướng và đã bỏ tiền ra xây Trường Collège de Jeunes filles Indigènes vào năm 1915, tức Trường Nữ Trung học Sài Gòn, mà người dân thường gọi là Trường Áo Tím, vợ ông được chôn cất ở gần Ngã Bảy Sàigòn, nơi đó có tên là vườn Bà Lớn, nay nằm trên đường Điện Biên Phủ, Quận 3 Tp. HCM.

“Tam Xường” là Lý Tường Quan, còn có tên gọi là Xường, do tài sản cự phú nên dân gian còn gọi là Bá hộ Xường, hay Hộ Xường. Ông trở nên giàu có nhờ kinh doanh lương thực dịch vụ, thầu cung cấp vật dụng thức ăn, độc quyền cung cấp thịt cá cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

“Tứ Định” là Trần Hữu Định, làm giàu bằng nghề mở tiệm cầm đồ, kinh doanh đất đai, xuất nhập vải sợi. Khi ông chết, con cháu không biết giữ của đã tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này.

Sau đó cho xe chạy đến dinh Thống Nhất, tôi giới thiệu đây là nơi Tổng Thống VNCH ở và làm việc trước năm 1975, sau đó xe chạy ra chợ Bến Thành cho các chụp ảnh kỷ niệm, trời đổ cơn mưa nên chúng tôi vào chợ trú mưa, cũng là dịp cho các cháu, biết bên trong chợ, có cháu chọn mua vài món để kỷ niệm chuyến tham quan.



Nguyễn, con trai lớn của Nguyễn, hai con gái của Nguyệt, Huệ ẩm Mỹ Linh và tôi

Rời chợ Bến Thành, tôi đưa các cháu đến nhà thờ Đức Bà cho các cháu chụp ảnh kỷ niệm.

Tông, hai con gái của Nguyệt, con trai của Nguyễn, Huệ, Nguyễn ẩm Mỹ Linh (ảnh của Nguyệt)

Sau cùng tôi đưa các cháu vào Thảo Cầm Viên cho biết những loại thú như Cọp, Voi … mà các cháu chưa từng thấy.

Khoảng hơn 12 giờ chúng tôi rời Thảo Cầm Viên, về nhà dùng cơm, nghỉ trưa cho đến hơn 3 giờ chiều, các cháu ra Bến Xe Miền Tây để đáp chuyến xe chót chạy thẳng về Đại Ngãi, Sóc Trăng.

Đến hơn 7 giờ tối, cháu Huệ gọi cho nhà tôi báo cho biết tất cả đã về đến nhà. Như thế các cháu được một chuyến đi Tp. HCM biết được vài nơi đáng biết cũng là chuyến đi thăm chúng tôi để từ giả trước ngày chúng tôi trở về Mỹ.

Về đến nhà, Nguyễn, thân mẫu Nguyền, Nguyệt, Huệ, Đại Hùng (con của Nguyễn)

 https://www.youtube.com/watch?v=9SgHH2L50wM

866418122024






 

Sunday, December 8, 2024

Hẹn nhau ngày Chủ nhật 8-12-2024

Như đã hẹn, anh em đã đến nhà con rể tôi ở đường Tân Hòa Đông, Phường Bình Trị Đông, huyện Bình Tân vào trưa Chủ nhật 8 tháng 12 năm 2024. Trước tiên có Lâm Văn Tấn, rồi Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Minh Chiếu, Trần Xuân Minh. Đợi một lúc khá lâu hơn 15 phút, tôi mời anh em vào bàn ăn. Chúng tôi bắt đầu ăn súp chay và uống bia Heniken của Pháp.

Do ý kiến của Minh, tôi tìm mua Heineken chai , nhiều tiệp tạp hóa không có bán, con gái tôi phải đưa tôi ra đường Lý Thường Kiệt, gần Trường Đa Ngựa mới có đại lý bán bia, nhưng không có bia Việt, chúng tôi phải mua bia chai Heineken do Pháp sản xuất.

Đặc biệt hôm nay có anh Nguyễn Xuân Thới, có lẽ anh là một người nhiều tuổi hơn chúng tôi khi thi nhập học Trung học kỹ thuật Cao Thắng năm 1956, trung bình vào tuổi 1941, nhỏ là 1943, còn anh Thới sanh năm 1937, Phạm Công Mạnh cũng lớn tuổi nhưng sinh vào năm 1939. Nói chung thời đó có 2 giáo sư dạy chúng tôi còn trẻ tuổi là Cù An Hưng và Vũ Mộng Hà cùng sinh năm 1940, họ nhỏ tuổi hơn học sinh.


Từ trái sang phải: Bửu, Tấn, Minh, Tông, Chiếu, Thới, Hướng

Nhà tôi đãi vài món chay có súp, gỏi ngó sen, quay chay bánh hỏi. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện, nhắc lại kỷ niệm xưa, nhắc lại bạn bè với nhiều kỷ niệm xưa, thời còn đi học, thời ở quân trường, quân ngũ.

Trần Xuân Minh và Nguyễn Minh Chiếu khoảng gần 2 giờ 30 thì ra về, cùng đi taxi còn lại bốn chúng tôi anh Thới, anh Hướng, anh Bửu ra về khi đồng hồ chỉ 3 giờ chiều.

Trần Xuân Minh - Huỳnh Ái Tông

Minh và Bửu có mời tôi tiệc chia tay vào lúc 11 giờ ngày Thứ Hai 16 tháng 12 năm 2024 tại nhà hàng 241 số 45 đường Phạm Viết Chánh, Phường Nguyền Cư Trinh, Quận 1, Tp. HCM.

866408122024






Saturday, December 7, 2024

Gặp mặt tại nhà hàng 241

 Hôm qua Thứ Sáu 6 tháng 12 năm 2024, tôi được bạn mời họp mặt tại nhà hàng 241 trên đường Phạm Viết Chánh, tôi không rõ địa chỉ, nhưng nhà hàng nằm ngay ngoài đường nên ai cũng có thể thấy dễ dàng.

Hẹn 11 giờ, con gái tôi muốn đưa tôi đi, nên tôi ra đi lúc 10 giờ, tôi muốn đi sớm một chút để đến nhà sách Minh Khai, cuối đường Nguyễn Thị Minh Khai, có thì giờ vào nhà sách, xem qua một ít sách.

Mấy năm về trước nhà sách nầy tầng trệt bày bán tiểu thuyết, sách lịch sử, tham khảo… Lần nầy tôi vào, tầng trệt bày bán những lịch, quà tặng dịp Giáng Sinh, năm mới, cũng có bán thứ tôi thích đó là những cây bút Parker, nhưng là bút Parker Trung quốc mà tôi có nhiều loại ở nhà, cũng như tôi dắt trên túi cây Parker nguyên tử kiểu 75. tầng hai bán sách giáo khoa, dụng cụ học sinh, tầng ba mới bán sách tham khảo, tiểu thuyết.

Xem lướt qua một lượt không có chi đáng mua, tôi rời nhà sách, đi sang nhà hàng 241.

Tôi vào nhà hàng thì gặp ngay các bạn ngồi cái bàn gần cửa ra vào ở tầng trệt, còn anh em Cao Thắng họp mặt do Đỗ Thọ Bình tổ chức vào dịp đầu năm thì thường ở trên lầu.

Tôi thấy có Trần Xuân Minh, Trần Văn Tấn, Nguyễn Minh Chiếu, Nguyễn Văn Hướng và Đặng Ngọc Hữu. Trên bàn mới dọn một món xào, hình như là đậu bắp xào thịt, một vài lon bia đã rót vào ly, vài anh uống nước suối, trên bàn có 2 chai rượu chát, một chai của nhà hàng và một chai của ai đó mang đến, một lát sau mới có Đặng Vĩnh Bửu đến, chúng tôi chụp tấm ảnh kỷ niệm.

Bửu, Hữu, Hướng, Chiếu, Tấn, Minh, Tông

Chúng tôi lần lượt uống bia và khui chai rượu chát của nhà hàng uống trước, sau đó mới tới chai rượu chát kia.

Ăn uống một lúc, hình như Tấn móc ví lấy 200 ngàn đưa cho Bửu, Bửu hỏi tiền chi ?

Hình như Tấn trả lời:

- Tiền đóng góp hội.

Rồi lần lượt Chiếu, Hữu, Hướng đóng góp vào, Bửu để tiền lên bàn, khi người bồi bàn đem hóa đơn ra, tôi gom lại tất cả tiền đóng góp, rồi mở ví lấy tiền góp thêm, trả cho bữa ăn khoảng trên 1 triệu 300 ngàn. Tôi cũng đưa cho Bửu một số tiền khác, gọi là đóng góp cho bữa tiệc cuối năm của anh em. Như thông lệ hàng năm do Minh và Bửu tổ chức, chừng 10 năm về trước, tổ chức ở nhà hàng trên đường Lê Hồng Phong và An Dương Vương Quận 5, có chừng 8 bàn, mỗi năm đều có mời Thầy, Cô có cả nguyên Hiệu Trưởng Lê Đình Vìện, thầy Thể Dục Thể Thao Phạm Văn Sửu, Thầy dạy Vật Lý Đinh Văn Khai …

Trước khi chia tay, như lời nhà tôi, tôi thông báo:

- Nhà tôi mời tất cả anh em, vào lúc 11 giờ ngày Chủ nhật, đến nhà con rể tôi dùng một bữa cơm trưa.

Rồi chúng tôi chia tay khi tiệc đã tàn. Chờ gặp lại trưa Chủ nhật.

866408122024





 

Tuesday, December 3, 2024

Mỗi ngày một chuyện

Nếu mỗi ngày phải kể một chuyện mà tôi cứ phải ở trong nhà không ra đường thì có chuyện chi lạ để kể ra đây ? Cho nên tôi xin kể về một chuyện.

Tối hôm qua như mọi hôm, tôi không làm chi nên có thì giờ nhìn ra ngoài, đứng trên tần một của nhà con rể tôi, ngoài đường buổi chiều khoảng 5 giờ đã chạng vạng tối, nên đèn đường và đền nhà đã bật sáng vì trời vẫn còn u ám sau cơn mưa nhẹ hạt.

Tôi nhìn sang bên kia đường, căn phố 220 đang để cửa, trước căn phố trên vĩa hè có dựng 2 chiếc xe máy, trong nhà thỉnh thoáng có bóng phụ nữ mặc áo màu cam, quần đen đi lại trong nhà, căn bên tay phải số 218 là một cửa hàng xén, thỉnh thoảng có khách dừng xe lại để mua vài vật phảm, xong họ vội chạy xe đi ngay.

Một chốc có người đàn ông chạy xe máy, chỡ một cháu gái chừng mười tuổi, mặc áo trắng ngắn tay, váy đầm xanh, đó là y phục của học sinh trường tiểu học nào đó. Người đàn ông chạy xe lên vĩa hè, để cháu gái xuống xe, ôm theo cái cập đựng sách vở học trò, cháu đẩy cửa lùa đi vào nhà, rồi đóng kéo cửa lại. Người đàn ông chừng như thấy con mình đã vào nhà xong mới quay xe ra đường xuôi dòng chạy thẳng, cháu bé vào nhà bỏ dép ra rồi đi vào trong, thấy cô mặc áo màu cam, cháu gái cúi đầu chào, rồi tìm một cái ghế có lưng dựa ngồi vào, có thể có một tấm bảng treo trên vách tường nhà nên tôi không thấy, rồi lần lượt có nhừng cháu nam hoặc nữ do cha hay mẹ đưa đến, có chừng hai cháu trở lại, tôi đoán đây là một lớp học do cô giáo áo màu cam dạy thêm ngoài giờ.

Tôi nhìn thấy chỉ có ghế mà không có bàn, nên không hiểu các cháu ghi chép như thế nào ? Thấy các cháu vần có đi lại trong lớp, nhưng không có nghịch ngợm chơi đùa với nhau, vì khoảng cách xa, tôi không nghe thấy các cháu học về môn chi ? Toán hay Việt ngữ.

Có lúc tôi thấy lớp học diền ra bình thường, còn quán hàng xén vẫn thỉnh thoảng có một hoặc hai người khách qua đường ngừng xe lại mua hàng, nên tôi đi nằm nghỉ hoặc đến bàn viết mở máy vi tính xem điện thư, hoặc nằm nghỉ thư giản.

Lớp học cho đến 7 giờ thì có phụ huynh đến đón con, trước tiên khoảng 7 giờ kém 5 có một phu huynh đến đón con, có cháu từ trong lớp kéo cửa ra rồi lên xe cho phụ huynh chỡ về nhà, rồi lần lượt có những phụ huynh khác, cho đến 7 giờ thì lớp học không còn cháu nào. Lúc đó lại có một người thanh niên mặc nguyên bộ quần áo đen đi xe máy đến, rồi một cô gái mặc áo thun màu vàng cũng đi xe máy đến, họ dựng xe trước căn nhà trên vĩa hè, vào trong cùng quét dọn làm vệ sinh căn nhà, gần 8 giờ họ làm xong, rồi họ ngồi mỗi người một cái ghế trò chuyện với nhau.

Đến gần 10 giờ thì quán hàng xén dọn hàng vào trong, đóng cửa lại. căn phố 220 bắt đầu dọn ở vĩa hè một lư hương 2 cái dĩa cắm 2 ngọn đèn cầy, rồi anh thanh niên đốt một nắm hương, anh đứng tề chỉnh mặt hướng về lư hương, hai tay cầm lấy bó hương đưa lên ngang trán, chắc là để nguyện hương một lúc chừng 2 phút rồi anh ta cúi xuống cắm hương vào lư hương, xong anh ta xá mấy xá, tiếp theo chị phụ nữ là cô giáo, chắc là vợ anh ta cùng đứng nghiêm chỉnh ngay trước căn phố, chấp hai tay ngng ngực, chắc là khấn nguyện một lúc rồi xá ba xá.

Xong xuôi anh thanh niên cũng như chị vợ lui vào trong nhà, nhưng anh thanh niên đứng ở bậc thềm trước nhà, luôn hướng về phía nhan đèn, chắc anh ta để trông chừng. Cũng mất khoảng gần nừa giờ, nhang mới tàn, anh thanh niên vào nhà xách ra một thùng nước xối vào cái lư hương, tuy nhang đã tàn, nhưng lư hương còn nóng nên bốc khói lên, anh thanh niên chờ cho hết khói, mới bưng lư hương vào trong sân nhà, sau đó anh vào nhà rồi tắt đèn trong nhà, khi cả 3 ra khỏi nhà anh thanh niên lần lượt đóng cửa lùa, đóng cửa sắt màu vàng khoá lại, xong anh nhảy lên kéo chiếc cửa cuốn màu xanh lá cây ở ngoài cùng, rồi khóa lại ở dưới thềm.

Cuối cùng cả 3 mồi người một chiếc xe máy rời khỏi đó, khúc đường trở nên vắng vẻ xe qua lại thưa thớt. Thời gian lúc đó khoảng 11 giờ đêm.

866403122024







Sunday, December 1, 2024

Đi viếng mộ thân nhân.

Hôm qua 1 tháng 12 năm 2024, chúng tôi đi thăm mộ của nhạc mẫu của chúng tôi ở Tầm Vu, Long An. Ngày xưa mộ phần chôn trong đất nhà, sau khi thời cuộc thay đổi 1945, rồi người cày có ruộng, rồi Miền Nam giải phóng 1975, mộ của ông bà, thân nhân nhà tôi không còn thuộc đất nhà, mà đất ấy trở thành đất người khác, nên mộ của nhạc mẫu tôi trở thành mộ nằm trong đất của người khác, sau nầy nằm trong phần đất của người chủ cửa hàng Ngọc Vạn 280 Đỗ Tường Phong TT Tầm Vu tỉnh Long An.

  

Mỗi năm chúng tôi về thăm mộ, chủ nhà luôn tiếp đón chúng tôi niềm nở. Năm nay chúng tôi đến chủ nhà niềm nở hơn, nhưng cho biết vì làm ăn thua lỗ do mua đất trồng Thanh Long, Thành Long không được giá buộc họ phải bán nhà, bán đất 20 tỷ để trả nợ, sẽ lui về ở Mỹ Tho cùng sẽ buôn bán nhỏ sinh sống qua ngày.

Nhìn cảnh nhà họ tiêu điều, lòng chúng tôi rất buồn, trước kia trong nhà có kẻ ăn người ở, chén đĩa ngăn nắp, sạch sẻ, nay trong nhà chỉ có hai vợ chồng, không có người thu dọn, chén bát để lâu ngày bụi bậm, chứng tỏ tình trạng sa sút của họ, mặc dù chị chủ luôn vui cười tiếp chúng tôi, nhưng tôi thấy trong lòng mình không được vui, bao nhiêu năm quen biết nhau, một ngày gần đây chị ấy sẽ về quê, rồi sẽ ra sao ? Lần tới tức là năm sau chúng tôi đến đây sẽ như thế nào ?

Khi đi, con gái tôi mua bông hoa trái cây để cúng và một ít quà biếu chủ nhà, khi chúng tôi ra về, họ cũng biếu lại một ít quà. Thấy chị chủ nhà vui vẻ, nhưng trong lòng chúng tôi không cảm thấy vui chút nào. Bao nhiêu năm quen biết nhau, nay sẽ là lần sau cùng gặp nhau hay còn duyên để sẽ còn gặp nhau ở chỗ khác. Hy vọng là được như vậy.

Sau khi rời Tầm Vu, chúng tôi đi thẳng lên Nghĩa Trang Vĩnh Nghiêm tại địa chỉ: 71Nguyễn Thị ĐặngPhường Hiệp ThànhQuận 12 Tp. HCM.

Nơi đây chúng tôi viếng mộ thân nhân, ngoài ra tôi cùng viếng mộ bác Nguyễn Đức Lợi, nguyên là gia trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Minh, cũng là Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm, Đại Diện Ban Đại Diện GĐPT Vĩnh Nghiêm, tôi đã cộng tác với Bác trong nhiềi năm từ 1960 cho đến 1975 và sau đó từ 1973 cho đến khi Bác mất năm 1977.

Một ngày đi viếng mồ mả ông bà, thân nhân đem lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm, gợi nhớ một thời xa xưa.


Nguyễn Thị Ngọc Bích, ái nữ Bác Nguyễn Đức Lợi, thân mẫu Nguyễn Hoài

866402122024







Friday, November 29, 2024

Bản nhạc Cô Láng Giềng

Hồi đó khoảng năm 1957, văn sĩ Nhất Giang có tên thật là Nguyễn Tiến Minh cùng tôi và một số người khác được ông Giám Đốc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ kỷ sư Trần Văn Bạch cho phép chúng tôi ở trong khuôn viên của Nha nầy, vì trong khuôn viên Nha có nhiều cơ sở bỏ tróng không sử dụng, chúng tôi là những học sinh của Trường Quốc Gia Âm Nhạc, Trường Sư Phạm Kỹ Thuật cấp tốc (1 năm), trường Trung học Kỹ Thuật Cao Thắng, là những sinh viên, học sinh nghèo ở xa đến Thủ đô Sàigòn học, gia cảnh khó khăn, nên được ông Giám Đốc đầy lòng nhân ái cho tạm trú, còn ăn uống, chúng tôi ăn cơm tháng bên ngoài hoặc tự nấu ăn với cái bếp dầu và chén dĩa, đôi đủa, nồi niêu. Ngủ thì dung cái ghế bố xếp hoặc nằm tạm trên những cái thùng gỗ rỗng.

Tôi nhớ những người tạm trú đó có anh Nguyễn Quang Vui, Trần Đình Đức, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Trung Trực, Trần Tiến Tự, Nguyễn Văn Giao tự Giáp, Bùi Văn Chín, Bùi Văn Mười, Huỳnh Đình Huê, Trần Xuân Vĩnh Quế, Nguyễn Tiến Minh. Riêng 3 chúng tôi là Quế, Huê và tôi lấy mấy miếng tôn cũ dừng lại trong căn nhà kho tróng trơn, một khoảnh ở giữa nhà kho chừng 4mX5m, nơi đây chúng tôi nấu ăn chung, ai đi học về sớm thì cuốc bộ ra chợ Đa Kao mua thức ăn tươi như cá, thịt với rau về kho hặc nấu canh, gạo thì cũng mua ngoài chợ nầy, ngủ thì mỗi người một cái ghế bố, tối mở ra sáng xếp lại.

Nhất Giang học trên tôi 1 lớp, cũng không ăn chung mâm, ngủ chung chỗ, nhưng tôi không nhớ do đâu thời gian đó anh tặng cho tôi bản nhạc Cô Láng Giềng, tác giả là nhạc sĩ Hoàng Quý in Roneo trên tờ giấy tím,  chỉ có lời không có nốt nhạc, loại nầy thuở đó có bán trên vĩa hè đường Lê Lợi khoảng nhà hàng Kim Sơn đến nhà sách Khai Trí thời bấy giờ.


Hoàng Quý (1920-1946)

Nhà hàng Kim Sơn góc đường Lê Lợi-Nguyễn Trung Trực Sàigòn

Nhất Giang không phải là người hay hát mà tôi cũng vậy, không hiểu vì sao anh lại tặng tôi bản nhạc nầy. Tiếc rằng đã lâu, tôi không còn giữ được nó, để làm kỷ niệm thuở thiếu thời, ngày nay đã hơn 60 năm trôi qua, không chắc nhà văn Nhất Giang còn nhớ.

Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhớ, hơn nữa trong những tập nhạc người ta in lại, họ cũng in trong ấy bản Cô Láng Giềng, không phải là người rành nhạc, cũng không phải là người yêu thích nhạc, cho nên tôi không hiểu nó có giá trị như thế nào về lời ca về nhạc lý, nhưng chắc phải là bản nhạc có giá trị, nên được người ta nhắc nhớ luôn.


Mời thưởng thức bản Cô Láng Giềng của Hoàng Quý với giọng nam ca sĩ Sĩ Phú:

866430112024