Hồi đó khoảng
năm 1957, văn sĩ Nhất Giang có tên thật là Nguyễn Tiến Minh cùng tôi và một số
người khác được ông Giám Đốc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ kỷ sư Trần Văn Bạch
cho phép chúng tôi ở trong khuôn viên của Nha nầy, vì trong khuôn viên Nha có
nhiều cơ sở bỏ tróng không sử dụng, chúng tôi là những học sinh của Trường Quốc
Gia Âm Nhạc, Trường Sư Phạm Kỹ Thuật cấp tốc (1 năm), trường Trung học Kỹ Thuật
Cao Thắng, là những sinh viên, học sinh nghèo ở xa đến Thủ đô Sàigòn học, gia cảnh
khó khăn, nên được ông Giám Đốc đầy lòng nhân ái cho tạm trú, còn ăn uống, chúng
tôi ăn cơm tháng bên ngoài hoặc tự nấu ăn với cái bếp dầu và chén dĩa, đôi đủa,
nồi niêu. Ngủ thì dung cái ghế bố xếp hoặc nằm tạm trên những cái thùng gỗ rỗng.
Tôi nhớ những
người tạm trú đó có anh Nguyễn Quang Vui, Trần Đình Đức, Nguyễn Văn Long, Nguyễn
Trung Trực, Trần Tiến Tự, Nguyễn Văn Giao tự Giáp, Bùi Văn Chín, Bùi Văn Mười,
Huỳnh Đình Huê, Trần Xuân Vĩnh Quế, Nguyễn Tiến Minh. Riêng 3 chúng tôi là Quế, Huê và tôi lấy mấy
miếng tôn cũ dừng lại trong căn nhà kho tróng trơn, một khoảnh ở giữa nhà kho
chừng 4mX5m, nơi đây chúng tôi nấu ăn chung, ai đi học về sớm thì cuốc bộ ra chợ
Đa Kao mua thức ăn tươi như cá, thịt với rau về kho hặc nấu canh, gạo thì cũng
mua ngoài chợ nầy, ngủ thì mỗi người một cái ghế bố, tối mở ra sáng xếp lại.
Nhất Giang học
trên tôi 1 lớp, cũng không ăn chung mâm, ngủ chung chỗ, nhưng tôi không nhớ do đâu
thời gian đó anh tặng cho tôi bản nhạc Cô Láng Giềng, tác giả là nhạc sĩ Hoàng
Quý in Roneo trên tờ giấy tím, chỉ có lời
không có nốt nhạc, loại nầy thuở đó có bán trên vĩa hè đường Lê Lợi khoảng nhà hàng
Kim Sơn đến nhà sách Khai Trí thời bấy giờ.
Nhất Giang
không phải là người hay hát mà tôi cũng vậy, không hiểu vì sao anh lại tặng tôi
bản nhạc nầy. Tiếc rằng đã lâu, tôi không còn giữ được nó, để làm kỷ niệm thuở
thiếu thời, ngày nay đã hơn 60 năm trôi qua, không chắc nhà văn Nhất Giang còn
nhớ.
Tuy nhiên thỉnh
thoảng tôi vẫn còn nhớ, hơn nữa trong những tập nhạc người ta in lại, họ cũng
in trong ấy bản Cô Láng Giềng, không phải là người rành nhạc, cũng không phải là
người yêu thích nhạc, cho nên tôi không hiểu nó có giá trị như thế nào về lời
ca về nhạc lý, nhưng chắc phải là bản nhạc có giá trị, nên được người ta nhắc
nhớ luôn.
No comments:
Post a Comment