Hôm qua 20
tháng 11 ngày nhà giáo Việt Nam, tôi đã dự lễ tại Trường Cao Đẳng Nghề Nguyễn
Trường Tộ.
Nhớ lại năm
1970, tôi từ Banmêthuột đổi về Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ tọa lạc tại
số 55C Tự Đức, nay là đường Nguyễn Văn Thủ Phường Đa Kao, quận 1, Tp. HCM. Năm
1974, tôi được Bộ Quốc Gia Giáo Dục đề cử làm Hiệu Trưởng trường nầy. Năm 1975,
miền Nam đứt bóng, tôi là Sĩ quan cấp Trung Úy nên bị đi Học Tập Cải Tạo ở Trảng
lớn, rồi Kà-tum, năm 1977, tôi được tạm tha, được về làm Phòng Thanh Tra Sở Lao
Động, đến năm 1978 chuyển sang Phòng Thiết kế Sở Công Nghiệp Tp. HCM, sau chuyển
thành Công Ty Trang bị kỹ thuật.
Năm 1982,
tôi được Sở Công Nghiệp đề cử và được Ban Tổ chức chánh quyền Tp. HCM chấp thuận
cho làm Hiệu phó Chuyên môn, cử anh Trần Minh Chánh Bí thư Chi bộ Trường làm
Quyền Hiệu Trưởng. Năm 1984, tôi được cử làm Trưởng Phòng Kinh Tế Kế Hoạch của
Công Ty Trang Bị Kỹ thuật thuộc Sở Công nghiệp Tp. HCM. đến năm 1991, tôi nghỉ rồi đi Mỹ theo diện
HO.
Do đó ngày
nay trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ mời tôi dự lễ Ngày Nhà Giáo Việt Nam
20 tháng 11 năm 2024 tại cơ sở Trường số 2 Mai Thị Lựu, nên sáng sớm con gái
tôi chỡ tôi đến dự.
Năm nay nhà
trường tổ chức trong phòng, có lẽ là phòng họp của Trường nằm ở dãi nhà sát đường
Mai Thị Lựu và cách cổng vào chừng 4 phòng khác. Khi tôi đến nơi đã có nhiều
người đến rồi, sau khi được gắn hoa hồng, tôi được anh Hiệu Trưởng Nguyễn Lê Đình Hải tiếp đón và đưa vào phòng họp, anh cũng đưa anh Giám Đốc Sở Công
Thương đến chào hỏi tôi. Anh Hải còn trẻ mà Giám Đốc Sở Công Thương còn trẻ
hơn.
Trong dịp nầy tôi gặp lại anh Nguyễn Hữu Thế từ Bến Tre lên dự lễ, anh cho biết phải dậy sớm vào lúc 3 giờ khuya, rồi anh Lý Thanh Giảng, anh Khải dạy nguội, anh Giảng Huệ Thắng dạy Máy Dụng cụ, anh Phạm Văn Hoè TTCN Phan Đình Phùng, năm nay có cả anh Nguyễn Văn Lý nhân viên Phòng Tổ Chức tham dự, lâu lắm rồi tôi mới gặp lại anh, trông anh vẫn trẻ như ngày nào, hỏi chuyện vợ con, anh cho biết chưa lập gia đình, hỏi thăm cô Thu anh cho biết cô Thu thư ký phòng Giáo vụ có con gái, lập gia đình con gái cô ta đã đi Mỹ định cư. Nghe nói cô Nga thư ký nhà Trường, có về Việt Nam chơi khoảng 6 tháng, nay đã về lại Mỹ.
Rồi buổi tiệc tàn, tôi ra sân đứng trước phòng mình ngày xưa chụp một
tấm ảnh kỷ niệm 50 năm đã trôi qua.
Buổi tối được các em mời tham dự Lễ Tri Ân Thầy Cô, tôi cũng tham dự
lễ nầy tổ chức tại nhà hang Đông Hồ số 195 Cao Thắng nối dài, nằm trong hồ Kỳ
Hòa ngày xưa, nơi đây hàng năm các em tổ chức, còn trước kia tổ chức tại nhà
hàng Đoàn Viên nằm trong vườn Tao Đàn kế bên Dinh Độc Lập.
Năm nay nghe Ban Tổ Chức nói, không bắt buộc ghi danh đóng lệ phí
mà tự do ai muốn đóng góp thì đóng góp tùy tâm, vẫn trong hội trường cũ, bàn ghế
sắp xếp như những năm trước, tuy rằng Ban Tổ Chức chủ trương làm đơn giản hơn mọi
năm.
Về phía các em thì vẫn đông, nhưng về phía giáo sư, cựu viên chức
cũ tôi chỉ thấy có anh Nguyễn Đắc Thế, Trần Văn Rốt, Phạm Văn Hòe, Hoàng Vượng,
Nguyễn Văn Năng, Lý Thanh Giản đặc biệt có cô Phi Phùng dạy Việt Văn ở TTCN Phan
Đình Phùng, nhà cô ở tận Thủ Đức vẫn chịu khó tham dự hàng năm và còn hẹn với
tôi sang năm sẽ tham dự.
Khoảng hơn 8 giờ tối, cô Phi Phùng ra về có người đón, tôi ngồi
thêm một chốc đến gần 9 giờ mới ra về. Thật là một ngày hạnh phúc, vì nó mang lại những kỷ niệm đẹp
ngày xưa, riêng tôi nhớ mình đã tổ chức Ngày Nhà Giáo vIệt Nam đầu tiên năm
1982, tại trường Kỹ Thuập Nghiệp Vụ Thành Phố HCM, chính là ngôi Trường nầy,
ngôi trường thân yêu mà tôi đã nhiều lần gắn bó với nó. Trước tiên năm 1956 tôi
vào học lớp Đệ Thất Trung Học Cao Thắng tại nơi đây, lúc đó cơ sở nầy còn có
Trường Quốc Gia Kỷ Sư Công Nghệ Khóa 1, Trường Quốc Gia Âm Nhạc, sau nầy nó là
Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ dời tạm về đây từ trụ sở cũ 25 bis Hồng Thập
Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai. Năm 1970, 1974, 1982 là những dấu ấn tôi đã kể
trên.
Làm nghề giáo với bảng đen phấn trắng, tôi đã trải qua việc dạy học
các thời VNCH, VNDCCH, Mỹ quốc nay cuối đời nhìn lại sống bằng đồng lương hưu với
tay nghề Kỹ Nghệ Họa (Vẽ kỹ thuật) của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment