Tôi nhớ hồi đó khi còn nhỏ, tôi sinh sống ở nhà quê cho đến năm 13 tuổi tôi mới rời quê lên tỉnh vào học lớp Nhì ở tại Trường Nam Tiểu học tỉnh Châu Đốc.
Khi ở nhà quê,
mỗi khi có đám cưới, đám giỗ hoặc đám tang, tôi cũng theo mấy chú, mấy anh lớn đến
nhà đám giúp người nhà dựng rạp, để che mưa nắng, mượn bàn ghế cho khách đến dự
ngồi ăn uống, giúp người nhà nấu nước sôi, pha trà, làm gà, vịt, còn làm heo, bò thì phải có những người
chuyên môn, bò thì dùng búa đập đầu, còn heo thì thọc huyết.
Đối với heo,
khi thọc huyết tức là lấy dao đâm vào cổ con heo, rồi lấy dĩa hay thau hoặc ngày
xưa không có thau, người ta lấy cái chậu để đựng huyết, nếu cúng Đình hay Miếu,
người ta lấy dĩa hứng huyết lại lấy thêm một nhúm lông để trên miệng dĩa huyết ấy được gọi tên là huyết mao để hiến tế thánh, thần.
Tôi muốn nói
khi còn nhỏ đôi khi tôi cũng giúp nhà đám làm gà vịt, mấy người lớn dạy tôi:
"- Khi nào mầy
làm gà vịt, phải dùng chân để giữ chặt chân và cánh của nó, nếu không, khi cắt
cổ đau quá nó vùng chạy mất, sau khi nhổ lông dưới cần cổ nó để cắt cổ, mầy phải
nguyện như vầy : “Nam mô A Di Đà Phật ! Hôm nay con hóa kiếp cho con gà nầy (hoặc
là con vịt), con xin nguyện cho nó kiếp sau được sinh làm người, không làm loài
vật bị người ta giết chết, để ăn thịt. Nam Mô A Di Đà Phật !”
Tôi nhớ lần đầu
tiên tôi làm gà, đó là con gà giò, sau khi cắt cổ nó, vì tôi giữ không chặt,
nên nó vùng vẩy đập cánh rồi chạy mất, sau đó trong nhà người lớn thấy tôi không nên thân,
nên khi làm gà vịt, má hay chị tôi tự làm.
Phụ giúp đám
cưới, hỏi, tôi để cho người lớn cắt cổ gà vịt, tôi xin phần nhổ lông mà thôi. Nhưng tôi
muốn nói tới nét đẹp của người miền quê, họ ít nghĩ đến sát sinh, tội phước, nhưng
lại nghĩ rằng mình ra tay hóa kiếp, hóa độ cho con gà, con vịt, còn rũ lòng thương cầu
nguyện cho nó kiếp sau được làm người, tránh đầu thai thành loài vật sẽ bị người
ta giết chết để ăn thịt.
Tôi thấy đó
cũng là tính nhân văn của người miền quê. Không hiểu ngày nay có bao nhiêu người
biết việc nầy hoặc còn dùng đến nó ?
866406012024
No comments:
Post a Comment