Pages

Tuesday, July 1, 2025

Xuân Hạ Thu Đông

Chúng ta ai cũng biết rằng một năm có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, đó là sự tuần hoàn của vũ trụ. Mùa Xuân khí hậu mát mẻ làm cho cây cỏ sinh sôi nảy nở, mùa Hạ tiết trời oi bức sang mùa Thu se lạnh, cây lá đổi màu vàng úa, đến mùa Đông thời tiết lạnh lẻo, nhiều cây lá rụng trơ cành cho đến mùa Xuân trở lại, cây cối xanh tươi, đơm bông, kết trái.

Đó là sự tuần hoàn của vũ trụ đối với quả địa cầu của chúng ta, nhưng nó cũng có ít nhiều thay đổi thời tiết đối với nhng nơi như Bắc Cực, Nam cực và đường Xích đạo.

Còn con người chúng ta có Sinh, lão, bệnh, tử nhưng chúng ta còn phải chịu cái Nghiệp quả của mình. Có người sinh ra khỏe mạnh, có người bệnh tật bẩm sinh, không ai tránh khỏi quy luật chung của tạo hóa, cho nên không ai giống ai.

Nghiệp thì có Cộng nghiệp và Biệt nghiệp. Cộng nghiệp là nghiệp chung, ví dụ chúng ta là người Việt Nam đó là Cộng nghiệp người Việt Nam, nhưng có người đẹp, người xấu, người giàu sang, người cùng khổ đó là nghiệp riêng của mỗi người nên gọi là Biệt nghiệp.

Theo luật của tạo hóa, từ khai thiên lập địa có bốn chất là nước, gió, lửa và không khị Bốn chất ấy hòa hợp tạo ra đất, đá, cỏ cây rồi dần dần cầm thú, biến hóa hàng triệu năm mới có con người. Con người có trí tuệ hơn cầm thú để chúng ta có nhận thức mình là chúa tể của vạn vật, mình phải luôn học hỏi tiến hóa hơn để đến ngày kia mình tiến hóa hòa nhập vào đại khối của vũ trụ, việc nầy không thể một sớm, một chiều mà phải nhiều kiếp tu luyện để tiến hóa thành thần, thánh, tiên, Phật mới có thể hòa nhập vào đại khối của vũ trụ.

Nhận thức được thế mỗi người chúng ta cần phải tu tập, hàng ngày tinh tấn mới mong được trở về đại khối của vũ trụ.

Chúng ta phải hiểu rằng nguyên thủy mỗi cá nhân chúng ta cùng ở trong đại khối vũ trụ nhưng do bị trọng trượt nên bị tách ra khỏi khối ấy thành cá thể, do đó mỗi cá thể chúng ta phải tu tập tinh tấn để cho cá thể được tinh anh, hầu trở về với đại khối.

Đời thường hay nói: “Đường đi không khó mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Cho nên chúng ta cần vượt núi, qua sông đó, thành quả sẽ đến cho những ai chịu khó vượt núi, qua sông.

866401072025

 

 

 

 

Tuesday, June 24, 2025

Trở về Mỹ

 Tôi dự định sẽ đi Việt Nam 3 tháng, ngày đi là 28-5-2025 và ngày về là 29 tháng 8 năm 2025, nhưng được tin con gái bị bệnh, ở nhà một mình không ai chăm sóc thuốc men, ăn uống nên chúng tôi vội vàng mua vé máy bay về Mỹ.

Con gái tôi ở Việt Nam dùng Iphone lên Mạng mua vé lúc đó vào khoảng 20 giờ, có vé nhưng mà chỗ ngồi khó chọn lựa, cho nên chỗ ngồi từ Tân Sơn Nhất đến Narita, Nhựt chúng tôi ngồi bên nhau số ghế 12B, 12C, nhưng qua tới Nhật tôi ngồi ghế 32E, nhà tôi ngồi ghế 52F, từ Houston về Louisville, tôi ngồi một nơi nhà tôi ngồi 1 nơi, cô tiếp viên để ý thấy, nên cô ta tự động đổi cho hành khách khác để chúng tôi ngồi bên nhau.

Khi về Việt Nam dự đám cưới của cháu tôi, nên các con tôi và gia đình của chúng về đông đủ nhân dịp nghỉ Hè. Dự đám cưới xong, gia đình con trai, con gái tôi đã về Mỹ để đi làm, chỉ có chúng tôi ở lại để sẽ đi du lịch hoặc đi tour, nay nghe tin con bị bệnh, ở nhà một thân một mình không ai chăm sóc, còn phải đi làm nên chúng tôi nhận thấy cần phải về ngay. Mua vé tối thì sáng đã ra phi trường đi chuyến bay 7 giờ sáng, rời Việt Nam bay sang Nhật.

23 giờ 15 ngày 23-6-2025, chúng tôi về đến nhà, con gái chúng tôi dù bệnh cũng phải đi làm. Theo như lời cô Thanh Mai, cô cũng bị bệnh ho ra máu là vì bị vỡ mạch máu nên ho ra máu chớ không phải từ phổi.

Đã một ngày về tới nhà nhưng tuổi già sức yếu nên tôi chưa cảm thấy trở lại sức vẫn còn cảm thất mệt mỏi, sáng ăn chừng vài muổng cơm hay buổi chiều ăn một vài đũa mì mà thôi.

Tối hôm qua về đến nhà, tôi uống 2 viên thuốc xổ BEAULUCK, sáng nay lúc 10 giờ đi chợ Sam’s Club, tôi đã được xổ trong ấy.

Hosting của AHVNHN và nsPhat-hoc do Nguyễn Vũ Hữu Cương mua mấy năm trước, anh ấy cho tôi sử dụng từ đó. Tên Miền của nsphat-học truớc kia là nsphathoc.org vì nó bị mất nên tôi phải thay đổi thành nsphat-hoc.org nay Cương cũng đã lấy lại được tên gốc của nó nsphathoc.org, chắc là tôi sẽ dùng lại tên gốc nầy.

Thời đại @ hay 4.0 tiến rất nhanh, nên những người tuổi cao như tôi chạy theo nó mau thấm mệt. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng rằng mình có sức theo đuổi sự tiến bộ ấy, nếu không bị lùi lại nhanh chóng.

Mong rằng có sức khỏe và trí tuệ minh mẫn để theo chúng như từ trước tới nay vậy.

866424062025






Thursday, June 5, 2025

Sàigòn trong tôi

Tôi về đến Sàigòn vào đêm 29-5-2025, dạo nầy thời tiết nóng quá, hôm qua 5-6-2025, Đỗ Thọ Bình đến gặp tôi để lấy hộp Compass, Bình nhờ tôi mua dùm, đây là hộp Compass Mỹ sản xuất, ngày xưa tôi vào học ở Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật có cơ sở tạm tại Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ, chúng tôi thường học với những bộ Compass nầy, khi tôi lên dạy tại Trung học kỹ thuật Y-Út Banmêthuột, trường do Mỹ Viện trợ cho đồng bào sắc tộc, nên họ cũng đã nhập một số hộp compass nầy, tôi không hiểu vì sao mà hầu hết đều bị rỉ sét.

Tôi vì bệnh nghề nghiệp nên đã mua 1 hộp compass KERN xài, compass Kern bằng inox nên không bị rỉ sét, tuy hộp compass có kích thước không lớn nhưng có đủ 3 compas nhỏ, tire ligne, cây nối nên có thể vẽ vòng tròn to nhỏ tuỳ thích. Ngày nay tôi vẫn còn giữ hộp compass nầy, nhưng đã lâu không dung vì đã sử dụng autocad.

Theo lời Đỗ Thọ Bình thì anh sưu tầm nhiều thứ, mỗi năm anh tổ chức họp mặt cựu học sinh Trung học kỹ thuật Cao Thắng, anh trưng bày mô hình trường xưa, nào là lầu đồng hồ như các Trường Gia Long, Petrus Kỵ, Trường Bác Ái …

Bình đưa tôi đi uống coffee, chúng tôi đến quán Cây Tre gần khu Đầm Sen, nhưng quán đóng cửa 1 ngày, nên tìm quán coffee khác trên đường Nguyễn Văn Luông, làm cho tôi nhớ đến những năm 1970 hay 1980 có khi hàng tuần tôi phải đến một hiệu tiện góc đường Nguyễn Văn Luông và Hậu Giang để thúc hối họ tiện cho những chiếc cối xay lúa công xuất nhỏ. Đó là hiệu tiệm không tên, nhưng anh chủ hiệu thứ 5 mắt anh bị lé, nên thân chủ đặt là tiệm tiện Năm Lé, nay chỗ đó đã bán cho chủ khác, họ xây cất khang trang 3, 4 tầng để ở hay khách sạn, Bình chạy ngang qua, tôi không kịp để ý.

Vào một quán coffee, tôi không nhớ tên, đông khách nên chúng tôi phải lên lâu, trên lầu cũng đông khách, có một thanh niên dẫn theo em hay cháu 3, 4 đứa con trai tuổi teen, chúng đùa nghịch, chạy giỡn la lối om xòm như ở chỗ không người, cậu thanh niên không hề khuyên nhủ, giữ im lặng cho khách khác, người ta ít học, nếu không muốn nói là kém giáo dục, không biết tôn trọng người khác, không biết giữ lịch sự, không biết dạy con cái thì lớn lên chúng sẽ theo đã đó mà dạy trẻ con thành ra vô giáo dục.

Đỗ Thọ Bình còn hẹn tôi một ngày khác do tôi định để anh em Cao Thắng gặp mặt cho vui. Tôi còn phải họp mặt với anh em Cao Thắng khác mà nhà tôi nhắc nhỡ phải mời anh em đi ăn một bữa. Thường thì bữa ăn đó có anh Trần Xuân Minh, Nguyễn Mnh Chiếu, Đặng Vĩnh Bửu, Lâm Văn Tấn, Đặng Ngọc Hữu (ở chợ Thủ Đức), Đinh Bá Phát ở quán ăn 241, số 45 đường Phạm Viết Chánh, Phường Phú Thuận , Quận 1, Tp. HCM.

Vài năm sau nầy tôi không chạy xe máy, nên nhiều quảng đường tôi quên, thấy hơi lạ, nhưng thực ra chúng không thay đổi gì.

Sàigòn tôi đã sinh sống từ những năm 1956 cho đến 1991 mới rời xa đi sang Mỹ sinh sống, thời trước tôi từng ở trước chợ Hòa Hưng, khu Cống Bà Xếp, rồi khu gần Đài Phát Thanh Sàigòn, chính xác hơn là tại địa chỉ số 2 Phạm Đăng Hưng, nay là Mai Thị Lựu, rồi ở 44 Ngô Tùng Châu, gần ngã Sáu Sàigòn, sau dời đến Ngô Tùng Châu Gia Định, rồi 84 Cư Xá Đô Thành trước khi sang Mỹ.

Tôi từng học những năm Trung học tại Trung Học Kỹ thuật Cao Thắng, nên đã dạo nát đường Lê Lợi, Tự Do, khu vực Chợ Bến Thành, xem chiếu bóng ở những rạp Hồng Bàng (trên đường Pasteur, bên cạnh trường tôi học), Lê Lợi, Vĩnh Lợi, Eden, Majestic, Casino Sàigòn, Rex, nay rạp chiếu bóng không còn, vì được thay bởi TV, nằm nhà xem phim, nên các rạp chiếu bóng phải dẹp tiệm.

Ngày nay về Sàigòn, đi đường do người khác chở xe máy, nên có những nơi đã bị quên, mặc dù chúng vẫn không thay đổi bao nhiêu, nhưng tuổi già trí nhớ kém chắc là lẽ thường vậy.

866406062025






Sunday, May 25, 2025

MÙA ĐÔNG MONG CHỜ

 MÙA ĐÔNG MONG CHỜ

Nhìn bao lá úa rớt bên song
Mà thấy nao nao cả tấc lòng              
Ngày đến nguồn vui sao vắng mất
Đêm về tâm sự lại không cùng  
Có còn ghi nhớ dòng lưu niệm
Chưa hết u hoài chuỗi đợi trông
Người đã ra đi trong luyến tiếc
Một mùa Đông rét ...mãi  chờ mong !

Trịnh Cơ

Họa vận

Thiếu phụ mong chồng đi tù cải tạo.

Trăng tàn sương lạnh thấm bên song .
Thiếu phụ chờ chồng nảo cả lòng
Cải tạo chàng đi xa vạn dặm
Đoàn viên nàng đợi mãi không cùng
Heo may gió lộng càng tê tái
Cánh nhạn mây ngàn vẫn ngóng trông
Đất nước hoà bình sao cách biệt
Anh ơi có biết em chờ mong .

Hà Văn Tài .

Sunday, May 18, 2025

Nhớ về chị Thu Nhi (1)

Thời tôi còn đi học khoảng 60 năm về trước, tôi đã biết chị Thu Nhi là một nhà thơ, có thơ đăng trên Phổ Thông nguyệt san của nhà văn Nguyễn Vỹ, đầu năm 1964, sau cuộc tranh đấu Phật Giáo năm 1963 thành công, Gia đình Phật Tử Huế có mời Gia Đình Phật Tử Thủ Đô ra tham quan cố đô Huế, dự một cuộc họp của các Huynh Trưởng Trung Phần tổ chức tại chùa Từ Đàm. Đáng lẽ ra anh Nguyễn Hữu Huỳnh đi, nhưng anh bận việc nhà, hơn nữa gia đình anh ở gần chùa Từ Đàm nên anh không đi, đã đề cử Bác Đỗ Văn  Giu là Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Nam Việt làm Trưởng Đoàn, tôi Phó Trưởng Đoàn kiêm Huynh Trưởng Trực, hướng dần một phái đoàn gồm 23 Huynh Trưởng ra Huế theo lời mời kể trên.

Chuyến đi đó, do anh Nguyễn Hữu Huỳnh liên hệ xin một chuyến bay quân sự DC3, chuyến bay nầy do phi công Mỹ lái, chúng tôi được phi công dễ dãi cho phép ra phòng lái của phi công để nhìn cảnh vật phía trước trời mây bao la hoặc phía dưới là rừng núi hay biển xanh mênh mông.

Trên phi cơ Bác Giu và tôi đang thảo bức điện tín để gửi về Sàigòn

Chuyến trở về, chị Thu Nhi xin quá giang theo phi cơ vào Sàigòn. Do đó chúng tôi quen biết nhau. Năm 1964, Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc Gia Đình Phật Tử tổ chức tại Trung học Gia Long Sàigòn, chị Thu Nhi và chúng tôi có chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm.

Hàng đứng từ trái sang phải Lê Xuân Thiệu, Huỳnh Ái Tông, Đoàn Khị Kim Cúc, chị Thu Nhi, chị Nguyễn Thị Ngân ngồi thứ 2 tù phải sang trái và các em Thiếu nữ GĐPT Giác Minh, Giác Hoa ...

Sau nầy ra ngoại quốc, tôi có gặp chị Thu Nhi tại một hiệu bán hoa tươi của chị, rồi sau đó chị xuất gia là Ni cô Huệ Tâm và trở về Phan Thiết tịnh tu.

Mấy hôm trước từ Huynh trưởng Quảng Pháp Trần Minh Triết cho biết tin từ chị Dung Kiều, ni sư Huệ Tâm bệnh từ lâu nay rất yếu. Sau cùng được tin từ chị Hồng Loan cho biết Ni Sư  Huệ Tâm đã xã bỏ báo thân, an nhiên về cõi tịnh ngày 16 tháng 5 năm 2025 tại quê nhà.

Xin hãy nguyện cầu cho Giác Linh Ni sư Huệ Tâm an nhiên nơi cõi Tịnh.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

(1) Bài nầy đúng ra đăng vào Trang nhà AHVN nhưng do không upload được, nên tôi đăng vào đây.







Wednesday, May 14, 2025

Nhớ người

Hôm nay tôi có thì giờ ngồi trước máy vi tính tìm hình ảnh những người quen biết xưa, người đầu tiên là anh Lê Đình Cần bạn cùng lớp Đệ ngũ D niên học 1958-1959 tại Trung học Kỹ thuật Cao Thắng 65 Đỗ Hữu Vị (nay là Huỳnh Thúc Kháng) Sàigòn, 

Lê Đình Cần - Huỳnh Ái Tông

Anh Hồ Ngọc Thu, thứ nam của thầy Hồ Văn Vầy giáo sư Trung học kỹ thuật Cao Thắng, Thu và tôi cùng học chung lớp Đệ Ngũ D Trung Học K Thuật Cao Thắng, cùng lớp với Cần. Ra đơn vị tôi gặp Thu ở Đại Đội 21 Quân Cụ sau cải biến thành Đại Đội Bảo Toàn Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, đóng quân tại Sóc Trăng. Thu kèm cập tôi uống bia từ đó. Sau Thu và tôi cùng là giáo sư Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn.

Hồ Ngọc Thu - Huỳnh Ái Tông

Anh Bửu Cầu, bạn đồng ngũ với tôi ở Trung đội 39, Đại Đội 10, Tiểu Đoàn Đoàn 3 khóa 27 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cũng là đồng ngũ với Trần Văn Nhựt.


Bửu Cầu - Huỳnh Ái Tông tại chùa Linh Phong Đà Lạt

Trần Văn Nhựt cũng là đồng ngũ ở Trường Bộ Binh, Trường Quân Cụ, ngày nay Nhựt định cư ở West Virginia, sát với tiểu bang của tôi, nhưng nếu lái xe chắc cũng phải 2 hay 3 giờ đồng hồ mới tới, Nhựt và tôi chỉ gặp nhau khi về Việt Nam, còn ở Mỹ chỉ gọi điện thoại thăm hỏi nhau.

Tông - Nhựt tại Sàigòn

Anh bạn cùng đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử với tôi từ những năm 1958, đó là anh Nguyễn Huy Nghiễn, anh cũng là Hướng Đạo sinh, sinh hoạt trong Tráng Đoàn của Huynh Trưởng Trần Trung Du.

                  
Thiện Chí Trần Trung Du         Phúc Ân Nguyễn Huy Nghiễn - Phúc Trung Huỳnh Ái Tông

Huỳnh Hữu Ủy và tôi quen nhau ở trong tù cải tạo Kà-Tum, chúng tôi thường uống trà với bác Phạm Ngọc Quỳnh, tôi là B Trưởng của B11, C 3, D 2 tại Kà-Tum vào những năm 1976 -1977, trước đó tôi ở tại Trãng Lớn, Tây Ninh. Bác Quỳnh là thủ kho của Khối, cũng như Huỳnh Hữu Ủy ra trại vào khoảng tháng 10 năm 1977 (vì trại giải thể, do Kampuchea đánh sang biên giới năm 1977)

Huỳnh Ái Tông  và Huỳnh Hữu Ủy

Vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1976 tôi bị đưa từ Trại Cải Tạo Trãng Lớn lên rừng Kà-Tum ở Tây Ninh để học tập cải tạo, đến đó tự đi rừng đốn cây, tre, nứa, cắt tranh xây dựng lán trại để ở, cho đến 19-6-1977, tôi mới được tam tha về theo diện “hồi hương lập nghiệp” nhờ có sự giúp đỡ của anh Vũ Hữu Thuận là trại viên thuộc B 39 của tôi. 

Trước đó anh Thuận ở Tiểu Đoàn 5, Tiểu Đoàn nầy bị giải thể nên anh được đưa về nhập vào Trung đội tôi, khi ấy anh bị bệnh, hàng ngày tôi phải thăm bệnh tình của anh để báo cáo quân số ai bệnh, ai khỏe để phân công đi lao động. Sau khi anh khỏe mạnh lại, anh cho tôi biết anh muốn giúp tôi về sớm, bằng cách báo cho người nhà xin cho tôi hồi hương lập nghiệp hoặc cả gia đình xin đi vùng kinh tế mới, tôi có một trong 2 giấy ấy, thân nhân của anh sẽ giúp tôi về sớm.

Gia đình tôi đã xin giấy cho tôi hồi hương lập nghiệp ở xã Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh Long Xuyên nên tôi được về sớm vào dịp 2 tháng 9 năm 1977, nhưng mãi cho tới 16-9-1977, tôi mới nhận được giấy và tiền đi đường từ Trảng Lớn về tới nhà ở Sàigòn.

Khi tôi về tới nhà, anh Thuận đã được về trước tôi và anh đã vượt biên sang Houston, sinh sống một thời gian rồi anh đã mãn phần từ lâu.

Một người bạn khác là Huỳnh Hữu Lộc, năm 1962 tôi thi rớt Tú Tài 1, bị ở lại lớp nên học chung với Huỳnh Hữu Lộc, thân nhau từ đó, sau 1975 Lộc vượt biên bị bắt ở Bến Tre, rồi ông Võ Văn Kiệt lãnh về Sàigòn, sau Lộc trở thành đại gia, nổi tiếng về xây dựng với cọc nhồi, Lộc bệnh ung thư, đi Singapour chữa khỏe lại và đã mất từ lâu.

Từ trái qua phải: Nguyễn Tấn Á, Huỳnh Hữu Lộc, Tông, Minh, Bửu, Chiếu.

Trần Xuân Minh với tôi không hề có học chung lớp, về sau nầy là bạn học chung trường nên thân nhau, Đặng Vĩnh Bửu có ông ngoại là thầy dạy ở Cao Thắng, nên quen biết rồi chơi thân với chúng tôi, Nguyễn Minh Chiếu học cùng với Lộc, sau chúng tôi 1 năm, nay thì đều là bạn cùng trường.

Nguyễn Tấn Á với tôi cùng thi đậu vào Trung học kỹ thuật Cao Thắng năm 1956 nhưng không có học chung năm nào, có biết nhau nhưng không chơi thân với nhau. Á có người em là Nguyễn Tấn Việt, kỷ sư anh ta đi săn bị lạc đạn mà mất ở Đa Nhim, biết đâu bị thủ tiêu không ? Á trước theo VC có vào bưng, sau đó anh ta bỏ hàng ngũ CS trở về với Quốc Gia. Trong một tiệc nhậu, Á nhái theo anh hồi chánh có tên tuổi thuở đó, tuyên bố từ bỏ CS trở về hàng ngũ QG.

Còn có Nguyễn Văn Hướng, học sau chúng tôi 1 năm, sau khi ra trường anh làm cho hãng CARIC, hãng nầy nằm bên kia sông Sàigòn, gần bến phà Thủ Thiêm. Hướng chơi rất thân với chúng tôi.

Tông, Hướng, Bửu, Minh, Chiếu ăn tại nhà hàng góc đường An Dương Vương-Lê Hồng Phong

Một người nữa tôi muốn nói tới là Vũ Thế Ngọc, tôi học năm thứ 4 ở Đại Học Vạn Hạnh thì có Vũ Thế Ngọc (Ngọc nhỏ hơn tôi 8 tuổi) và Mai Vi Phúc năm đó ở lại lớp, nên chúng tôi quen biết nhau từ đó, thỉnh thoảng tôi còn gặp Vũ Thế Ngọc lúc đi thăm Hòa Thượng Tuệ Sỹ, lúc uống cà-phê vĩa hè ở góc đường Đồng Khởi và Nguyễn Du với vài văn nghệ sĩ khác có khi có Nguyễn Quốc Thái.

Huỳnh Ái Tông, Vũ Thế Ngọc, HT. Tuệ Sỹ

Một người nữa là Nguyễn Quốc Thái, rất tiếc tôi không nhớ rõ tôi quen biết anh từ khi nào và ở đâu ? Hình như là ở quán cà-phê 27 đường Nguyễn Thị Diệu gần chợ Đũi, quận Ba, Tp. HCM. Hình như do tôi đi uống cà-phê với Từ Hoài Tấn, hôm ấy gặp Nguyễn Quốc Thái, Nguỵ Ngữ, Nguyễn Thanh Vân và quen biết nhau từ đó. Từ Hoài Tấn khi còn nhỏ ở nhà người Dì đi học, tôi có dạy kèm cho Tấn về Toán đố.

Từ Hoài Tấn, Huỳnh Ái Tông, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Quốc Thái và nhà văn Ngụy Ngữ

Lâu lâu điểm lại, để nhớ tới những người bạn hoặc có quen biết nhau, đều là duyên mà có.

866414052025






Nhớ lại chuyện xưa

Sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Phú Thọ Sàigòn, tôi đi dạy học trước tiên là dạy ở trường Trung học kỹ thuật Y-Út ở Banmêthuột là một trong những trường kỹ thuật do Viện trợ Mỹ cung cấp cho dân tộc thiểu số, nên trường có nội trú, học sinh người Chăm ở Phan Rang lên học, còn học sinh người Thượng gốc Rhadé hay Bana ... ở Banmêthuột, Kontum, Pleiku, các em đi học được ăn ở miễn phí, có học bổng hàng tháng và có quần áo hàng năm, có tiền xe đi lại vào dịp lễ nghỉ hoặc bãi trường.

Khi thi vào trường CĐSPKT năm 1964, tôi được đậu vớt với thứ hạng 12, trong đó 10 người là chính thức và 2 là dự khuyết, nhưng khi nhập học, kể cả tôi là có 7 người về sau anh Nguyễn Mạnh Hoạt có học bổng du học ở Pháp, nên chỉ còn lại có 6 người học mà thôi. Đó là các anh Nguyễn Văn Bài, Nguyễn Văn Đước, Nguyễn Đức Lộc, Lương Văn Nhơn, Trịnh Như Tích và tôi.

Khi ra trường năm đó chỉ có 4 nhu cầu, nên chúng tôi được phân bổ: anh Nguyễn Văn Bài về trường kỹ thuật An Giang, anh Lương Văn Nhơn về trường kỹ thuật Vĩnh Long, tôi về trường kỹ thuật Banmêthuột, anh Trịnh Như Tích đi xa hơn ra trường kỹ thuật Đà Nẵng, còn lại anh Nguyễn Văn Đước và Nguyễn Đức Lộc tiếp tục học thêm 2 năm để ra giáo sư Đệ Nhị Cấp. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Đước được phân bổ về Trường Kỹ thuật Bà Rịa rồi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Tây Ninh, sau đó anh đã mất. Còn anh Nguyễn Đức Lộc về Trường kỹ Thuật Việt Đức, nay anh sinh sống tại chợ Thủ Đức.

Năm 1968, tôi bị động viên đi khóa 27 Thủ Đức, đó là khóa sau cùng mang số thứ tự, sau đó là khóa 1/68, 2/68… học cơ bản quân sự 3 tháng ở Quang Trung, mang alfa rồi mới vào quân trường Thủ Đức, vì thời đó chiến tranh lan rộng, cần đào tạo sĩ quan cấp bách, trước đó đào tạo sĩ quan trên 10 tháng, từ sau khóa 27 chỉ còn có 8 tháng mà thôi.

Ra trường tôi được tiếp tục học khóa đào tạo sĩ quan cơ bản Quân Cụ, rồi khóa sĩ quan Quân Xa. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan Quân xa vào tháng 4 năm 1969, tôi được phân bổ về vùng IV chiến thuật, tại đây tôi được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, đóng tại Sóc Trăng, về đến đơn vị cũng là lúc cải tổ thành Đại Đội Bảo Toàn của Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Tướng Vĩnh Nghi chỉ huy, có căn cứ tại một Trung Tâm huấn luyện Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, nằm trên đường đi Bãi Xào, còn cách Đài Phát Thanh Ba Xuyên chừng 500 thước, qua cánh ruộng nhỏ, bên kia là chùa Dơi.

Nhưng tại Đại Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, tôi được phân bổ làm Trung Đội Trưởng Sửa Chữa, đóng quân nằm cạnh Trung Đoàn 32 của Đại Tá Chung Văn Bông tại thị xã Cà Mau (đóng quân tại sân Quần vợt, trước Ty Tiểu Học, cách chợ Cà Mau chừng 100 thước, cách Ty Cảnh Sát cũng khoảng đó).

Vài tháng sau, tôi được đổi về Hậu cứ làm Trung đội Trưởng Hậu cứ rồi được biệt phái về lại Trung học Kỹ Thuật Y Út Banmêthuột. Rồi cứ đủ ngày tháng được công nhận là Thiếu Úy, sau Thiếu Úy 2 năm là được công nhận là Trung Úy nhưng sau đó muốn lên Đại Úy phải có thâm niên tại ngũ trong quân đội. Theo tổ chức quân đội ngày xưa, tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, lên cấp bậc cuối cùng là Đại Tá mà thôi, vì nó thuộc TRỪ BỊ, không phải hiện dịch như Trường Sĩ Quan Đà Lạt, là trường chánh quy.

Hồi xưa tôi có vài tấm ảnh mặc quân phục, nay tôi chỉ có tấm ảnh bán thân mang quân hàm chuẩn úy và tấm ảnh mặc quân phục khi đi phép về Sàigòn trong lúc đang học ở quân trường, tại đường Phùng Khắc Khoan quận Nhất khi đi phép, chờ xe chở về trường trong khi còn thụ huấn ở quân trường Thủ Đức. 

 
 

Về Trường kỹ thuật Y Út Banmêthuột, tôi có tấm ảnh chụp chung với anh Đống Văn Quan Hiệu Trưởng và ông Nguyễn Văn Anh Tổng Giám Thị.

Huỳnh Ái Tông - Đống Văn Quang - Nguyễn Văn Anh

Về trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, tôi còn tấm ảnh chụp khi bàn giao chức vụ giữa anh Phạm Văn Tài và tôi có sự chủ tọa của ông Trần Ngọc Thái, Giám Đốc Nha Học Chánh Sàigòn.

Sau đó là hình ảnh chụp kỷ niệm sau tiệc Tống Cựu Nghênh Tân ở Xa lộ gần cầu Phan Thanh Giản, có sự tham dự của ông Hội Trưởng Hội Phụ huynh và Giáo sư Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.

Tấm ảnh chụp chung với giáo sư và nhân viên sau khi trường được tiếp thu tháng 5 năm 1975.

Một thời đã qua hay là một thời đáng nhớ, nay tuổi già sức yếu, chạnh nhớ đến ngày xưa một thời khi còn trẻ, tất cả đều để lại Việt Nam vào ngày 2-4-1991 khi từ giả người thân và bạn bè tại phi trường Tân Sơn Nhất, đáp chuyến bay Air Việt Nam bay sang Bangkok, vào tạm trú tại nhà tù của Bộ Nội Vụ Thái Lan, dùng để giam giữ những người ngoại quốc, hưởng chế độ tù: ăn cơm trắng với hột gà kèm theo chút muối bọt và tô canh lỏng bỏng vài cọng rau xanh.

Phi Trường Tân Sơn Nhất ngày 2 tháng 4 năm 1991
Từ trái qua phải: Em gái tôi, cháu tôi, Tâm đen, Tông, Mai, Thu, Hải, Tuệ Linh, Bác Tự, Lê Bá Thanh, 

866414052025






 

Monday, May 12, 2025

Nhớ chuyện xưa

Nói là xưa nhưng thật ra chuyện xảy ra chừng gần 30 năm trước. Hồi đó tôi nghĩ mình làm chi đó không vừa lòng những người chung quanh, nên họ viết thư gửi cho báo Chánh Đạo ở California tuyên bố khai trừ tôi ra khỏi Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, hội đó có tôi góp phần xây dựng nên, khi nhiều anh em từ Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư dưới dạng cựu tù nhân chánh trị, gọi là HO, nhiều người đi diện nầy nếu có thân nhân đỡ đầu thì người đó được định cư gần người đỡ đầu, nếu không có thân nhân thì USCC (United States Catholic Charity) đỡ đầu.

Tôi được ngưòi chị ruột đi diện con lai, nên chi ấy đỡ đầu cho tôi vì thế tôi được định cư nơi chị cư ngụ là thành phố Louisville, Kentucky, còn những người khác đa số đến định cư nơi đây đều không có thân nhân, nên USCC đỡ đầu, vì thế anh em thường gọi đùa với nhau là đi diện mồ côi.

Khi anh em sang đông, chừng 30, 40 chục người nên rủ nhau lập Hội, có chị kia làm về Địa ốc (Realtor), chồng là cựu quân nhân phi công, đã có sang Mỹ du học để làm phi công. Đến tháng 4 năm 1975, anh ta lái chiếc DC3 sang Bangkok giao trả lại cho Mỹ, Mỹ chở anh ta sang California, thời đó nhân có tàu Việt Nam Thường Tín vượt biên sang Mỹ, Mỹ dùng tàu ấy cho những người Việt muốn trở về Việt Nam thì lên tàu ấy về, khi về tới Việt Nam, nhà cầm quyền không cho tàu cập bến Sàigòn hay Vũng Tàu mà chỉ cho cập bến Nha Trang, lên bờ tại Nha Trang mọi người bị đi học tập cải tạo một thời gian. Anh phi công sau khi học tập cải tạo xong, trở về nhà đưa vợ con vượt biên sang Mỹ, chị vợ sang Mỹ làm ngành giáo dục và làm Realtor, còn anh chồng làm cho hội USCC.

Lúc tôi mới sang Mỹ, vì biết tôi ở Việt Nam là giáo chức nên tôi được đi làm trong ngành giáo dục, chức danh như là phụ giáo (Biluangal Associate). Trong lớp có cô giáo hay thầy giáo dạy, nhưng khi học sinh thắc mắc mà không thể nói tiếng Anh, tôi thông dịch – nên nói thêm ở Mỹ lớp học của học sinh Việt Nam nhập cư lúc đó xếp theo tuổi, ví dụ 6 tuổi phải học lớp 1, 7 tuổi lớp 2 ……, 11 tuổi phải ngồi lớp 6 …., nhưng trẻ em Việt Nam đi diện con lai, vượt biên … nên có những em thất học, nhưng đến Mỹ tuổi vị thành niên phải đi học, nếu không đi học không được trợ cấp hàng tháng. Do đó có em ngồi lớp 6 mà không biết One, Two, Three … gì cả, nên những trợ giáo chúng tôi phải giúp các em, dịch tiếng Việt ra Anh Văn, dịch tiếng Anh ra tiếng Việt.

Tôi sang Mỹ năm 1991, không thuộc danh sách HO, nhưng tôi đến Mỹ rồi được hưởng diện HO, vì tôi bị đi học tập cải tạo 2 năm 2 tháng 20 ngày và bị quản chế 1 năm 20 ngày, nên được hưởng diện HO, tôi và vài anh em đứng ra hô hào anh em khác gia nhập để thành lập hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị gọi tắt là Hội HO, một anh Đại Úy cựu Quận Trưởng Quận Ba Thê (Núi Sập), tỉnh Long Xuyên được bầu làm Chủ tịch, tôi Tổng Thư Ký. Năm 1995, tôi về Việt Nam thăm gia đình, một số anh em cho rằng tôi theo CS nên viết báo gửi cho tờ Chánh Đạo phát hành ở California, tôi không muốn có sự chia rẻ với nhau nên viết đơn từ chức, sau đó anh em khai trừ tôi ra khỏi Hội HO. Đó cũng là thói quen của một số người thấy ai hơn mình thì ghét, phải tìm cách hạ bệ họ, nếu có chức vụ, hoặc “nói xấu người hơn mình cho bỏ ghét”.

Nhân hôm nay ngày Rằm tháng Tư, ngày Trăng tròn, đức Phật Đản sinh, chúng tôi đến chùa lễ Phật, thấy có hình những người quen mà không có tôi, con tôi hỏi: “Sao không thấy có cha ?” Vì thời gian đó tôi bị “khai trừ” ra khỏi hội HO.

Tôi nhớ cũng lâu lắm rồi, sau vụ tôi bị khai trừ khỏi hội HO, có 2 vợ chồng anh kia tới thăm tôi, đem theo một chậu phong lan, anh ta nói: “Thôi mọi chuyện cũ bỏ qua, chúng ta vẫn là bạn tốt với nhau”, và từ đó trở đi anh ta đối với tôi rất vui vẻ mỗi khi gặp nhau ở ngoài phố hay khi đi chùa. Muốn biết chuyện nầy có thể đọc bài "Chuyện của một Thiền sư" (https://ahvinhnghiem.org/Chuyencuathiensu.html) do tôi viết cũng đã lâu.

Chuyện xảy ra đã lâu, ngày nay chắc ít người nhớ. Tại thành phố Louisville, có 3 ngôi chùa là chùa Từ Ân do Thượng Tọa Viên Lý trụ trì, chùa Vạn Phật Đảnh do Thượng Tọa Hằng Đạt trụ trì, chùa Phước Hậu do Thượng Tọa Thanh Quang trụ trì, mỗi chùa tôi đều có đi, hầu hết các chùa đó tôi đều có đóng góp khi mới khởi đầu, về sau vì sự việc tôi bị khai trừ, nên thỉnh thoảng tôi mới đi chùa vào những dịp Tết hoặc ngày lễ Phật.

Gia đình tôi có thể nói là thâm tín đạo Phật, mẹ tôi quy y ở ngôi chùa làng, hình như ngôi chùa đó cất trong phần đất của ông bà ngoại tôi, ngày mẹ tôi bệnh nặng, được đưa vào chùa tịnh dưỡng rồi mất trong chùa ấy. Còn cha tôi, chắc có quy y với ngài Huệ Minh, một tu sĩ xưa tu tại vồ Bồ Hông là vồ cao nhất Núi Cấm của dãi Thất Sơn, nơi đó cha tôi có khắc chữ Huệ Minh và một bài thơ vào Vô nầy, nay chữ Huệ Minh còn lờ mờ, bài thơ không còn thấy được vì “nước chảy, đá mòn”. Nơi đây người sau có lập bàn thờ, còn trên đỉnh vồ có tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Chú tôi ăn chay từ năm 18 và mất năm 72 tuổi, là hội viên Thông Thiên Học từ năm 1927 và mất năm 1980, từng là Hội trưởng Tỉnh Hội Phật học Châu Đốc, tôi nối gót chú, sau khi chú tôi mất tôi gia nhập hội Thông Thiên Học Pháp (vì Việt Nam dẹp Hội TTH) và sau chuyển chuyển qua TTH Mỹ tại Illinois Hoa Kỳ, gia đình ăn chay từ sau khi chú tôi mất.

Việc đi chùa tôi đi từ nhỏ, lúc ở nhà quê, cứ vào đêm 14 trời có trăng theo mấy bà chị đi xa chừng hơn 1 cây số, đi chùa tụng kinh, lạy Phật để được ăn kiểm, ăn chè, lớn lên đi Gia Đình Phật Tử, tới chùa sinh hoạt, tụng kinh hàng tuần vào ngày chủ nhật ở chùa Kim Cương, đường Trương Tấn Bửu Quận 3 Sàigòn, rồi chùa Giác Minh nay ở Quận 10 Tp HCM. hiện nay tụng kinh hàng ngày vào buổi công phu chiều.

Theo nhà Phật, mọi sự việc đều có nhân duyên và do nghiệp lực mà có. Tin hay không là do nhận thức của mỗi người.

866412052025






Monday, April 28, 2025

Chuyện Thú Vị

Tôi có học chung với Giáo sư Trịnh Như Tích 2 năm 1964-1966  tại Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Phú Thọ Sàigòn. Được biết anh có học thêm ở Luật khoa, lấy bằng Cử nhân Luật rồi tiếp theo Cao học Luật, nhưng không ngờ sau nầy anh thích trồng cây cảnh trong sân vườn nhà, thỉnh thoảng chụp ảnh cảnh vườn hoa đua sắc khoe màu, hơn thế nữa anh lại viết những dòng giới thiệu như:

CÕI THẦN TIÊN

Buổi sáng ngồi nhâm nhi ly cà phê đậm trong sân vườn những con chim sơn ca bay từ trên núi  xuống đậu trên cây Mapple hót líu lo thật hay cùng với các loài chim quí khác. Phảng phất hương thơm của hoa hồng,hoa đỗ quyên  theo gió thật êm dịu.Nơi đây cũng là cõi thần tiên rồi.

Buổi chiều những loài chim quí bay về tổ để lại nơi đây tĩnh mịch im ắng, vì trên núi  có:


Cửa động đầu non đường lối cũ

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng trôi.


Tản Đà

 Thân mến

GS Trinh Nhu Tich

Anh chị Trịnh Như Tích hiện nay sống tại thành phố San Jose. Những lần tôi sang thăm bạn bè tại đây, có thì giờ anh đưa rước chúng tôi đi uống coffee, hoặc mời về nhà dùng bữa cơm chay do chị nấu nướng, tình nghĩa thêm đậm đà. 

Lớp chúng tôi có 6 người: anh Nguyễn Văn Bài từng giữ chức Giám học Trường Kỹ Thuật Long Xuyên, sau đổi về Nha Kỹ Thuật Sàigòn, sau dạy ở Trung học kỹ thuật Cao Thắng rồi anh đã mãn phần từ lâu, kế đó anh Nguyễn Văn Đước, giáo sư dạy ở Nha Trang, Bà Rịa rồi làm Hiệu Trưởng Trung học Kỹ thuật Tây Ninh, anh cũng đã mất từ lâu, kế đó anh Lương Văn Nhơn ra trường được phân bổ dạy tại Trường Kỹ thuật Vnh Long, sau đó làm Hiệu trưởng Trung học Kỹ thuật Kiến Hòa (Bến Tre), nay định cư ở Houston, Texas, Một người nữa là anh Nguyễn Đức Lộc dạy ở Trung học Kỹ thuật Việt Đức sau nầy là Trường Đại học Kỹ Thuật Thủ Đức, nay anh sống ở thành phố Thủ Đức, tôi ra trường dạy ở Trung học kỹ thuật Banmêthuột, năm 1968 bị động viên đi khóa 27, mãn khóa học tiếp ở Trường Quân Cụ, mãn khóa được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, đơn vị đóng tại Sóc Trăng, tôi được phân bổ làm Trung Đội Trưởng sửa chữa, đóng tại thị xã Cà Mau, sau biên chế thành Tiểu Đoàn 21Tiếp Vận đồn trú tại Sóc Trăng, rồi tháng 9 năm 1968 tôi được biệt phái về dạy học lại. 

Có lần tôi đến nhà anh Tích, anh đàn Dương cầm cho tôi nghe 1 bản nhạc, lâu ngày tôi quên là bản chi. Nói về âm nhạc khi tôi học ở Trường Kỹ Thuật Cao thắng, năm đầu tiên học tại chi nhánh của Trường là Trung học Kỹ thuật Phan Đình Phùng, tọa lạc tại số 2 Phạm Đăng Hưng Đakao, nằm trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ số 48 Phan Đình Phùng, xế cửa Đài Phát Thanh Sàigòn.

Nơi đây lúc đó có Trường Quốc Gia Âm Nhạc (học buổi chiều từ 5 ghiờ trở đi), Trường Kỷ sư Công Nghệ khóa đầu tiên, có 2 chị sinh viên theo học, nay tôi chỉ còn nhớ có 1 chị tên Hảo. Sau nơi nầy còn có Trường Thương Mại, Trường Nữ Công Gia Chánh, Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng. Nay chỉ còn có 1 trường duy nhất: Trường Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ.

Thỉnh thoảng anh Trịnh Như Tích báo cho anh em biết vườn cảnh của nhà anh lúc hòn non bộ, lúc một chậu hoa mới đơm bông, anh gửi tới các bạn đồng nghiệp cũng như cựu học sinh các trường Kỹ thuật Đà Nẵng, Gia Định.

Cũng cám ơn anh luôn nhớ tới bạn bè, đồng nghiệp và các cựu học sinh của mình. Mong anh có nhiều sức khỏe, trường thọ để chăm sóc khu vườn nhỏ của mình, thỉnh thoảng cho anh em thưởng thức hoa tươi, cảnh đẹp.

866428042025







Monday, April 21, 2025

Bỗng Dưng

Hôm nay bỗng dưng tôi nhớ đến anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường (1918-2008), ai cũng cho rằng anh là một trong những người đã thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ năm 1947, nhưng theo anh Lê Lừng có lẽ những ngày đầu của Gia Đình Phật Tử chúng ta phải xem xét lại, khách quan mà nói nó phát xuất từ gia đình Bác sĩ Lê Đình Thám, trong đó có con của Bác Sĩ như chị Lê Thị Ngọc Anh (Mẫn Em), Lê Thị Thể Dư, Lê Ðình Luân, Lê Ðình Liêm, Lê Ðình Lực, đều là con bác sĩ Tâm Minh; Lê Ðình Kiền, Lê Ðình Cũng (cháu gọi bác sĩ là bác); Hồ Ðắc Lệ, Hồ Ðắc Bích (em bà bác sĩ) và Lê Lừng. Tham gia có 4 anh chị ở trước mặt nhà Bác sĩ là anh Tạo, chị Thúy ... các em ở trên xóm Từ Ðàm, như Nguyễn Tấn Phước, Nguyễn Ngọc Loan v.v...


Nguyên Hùng Võ Đình Cường (1918-2008)

Trước đây ở Việt Nam, có lần tôi gặp anh Lê Đình Duyên trong một buổi lễ ở chùa Già Lam, Gia Định, khi tôi mới đi học tập cải tạo về, trong đó có cả anh Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, anh Duyên là con trai lớn của Bác sĩ Lê Đình Thám, anh Duyên là thân phụ của Lê Đình Du, Du là phu quân của Lê Dương Mỹ.

Nhớ tới anh Cường cũng làm cho tôi nhớ tới chị Cường, có lần Ban Hướng Dẫn Trung Ương họp Tam Cá Nguyệt ở Đà Lạt thuộc Miền Khuông Việt, lần đó có chị Cường, chị Lữ Hồ cùng đi. Có lẽ vì vậy mà chị Cường biết tôi, nên sau nầy anh Cường mất rồi, tôi đi thăm chị Cường, chị đã tiếp tôi, chị em trò chuyện thân mật.

Chị Võ Đình Cường và tôi

Còn anh Nguyễn Hữu Huỳnh có cậu con trai là Nguyễn Hữu Hồng Đức, năm 1960 đoàn Huynh Trưởng A Dục đi tham quan Đà Lạt anh Huỳnh cho Hồng Đức đi theo, vì anh Huỳnh bận điều khiển Đoàn nên Hồng Đức theo tôi, rồi từ đó sau khi về Sàigòn, Hồng Đức cứ muốn tôi đến nhà chơi với em, nên gia đình anh Huỳnh và tôi thân thiết nhau hơn. Anh Huỳnh có người em thứ 3 sinh sống trên đường Võ Văn Tần gần rạp Nam Quang, người em thứ 4 sinh sống ở Banmêthuột, có cửa hàng Trúc Lâm nằm trên đường gần chợ và ngó xéo qua rạp chiếu bóng Lodo.


Rạp chiếu bóng LODO Thị xã Banmêthuột

Từ khi tôi rời thành phố Banmêthuột năm 1970, đổi về dạy học ở Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn, năm 1972, tôi có trở lại đó 1 lần làm Thư ký Hội Đồng thi Tuyển sinh lớp Đệ Thất (lớp 6) Trung Học Kỹ thuật Banmêthuột, lần đó tôi muốn uống rượu Cần cho biết, nên đã đi thăm ông Y Braham, nguyên là Hiệu Trưởng của Trường, cũng nguyên là Phát ngân viên, tôi tỏ ý muốn uống rượu Cần cho biết. Ở nhà không có, ông phải cho người nhà đi mượn của người khác cho tôi uống.


Uống rượu Cần

Ông ta giải thích rằng rượu Cần làm bằng cơm nguội, uống với cái cần bằng ống tre, ống trúc. Có 2 cách uống, uống rượu lễ là người ta rót nước vào bằng cái chén hay cái tô, người ta rót hết bao nhiêu mình uống hết bấy nhiêu, còn uống thường là mình uống tới đâu thì ra hiệu cho người rót biết để ngưng.

Nghe nói có em Cựu học sinh THKT Banmêthuột là Y Tlung Arul, có học Trường Bách Khoa Trung Cấp Sàigòn, sau về Trường làm Giáo viên, sau đó em đã mất. Còn có một em người Chăm ở Ninh Thuận, nghe đâu sau nầy em chuyên buôn bán đất đai, nhà cửa trở nên đại gia là Não Ngọc Anh.

Trường Banmêthuột nay tôi còn nhớ có anh Y Niêng được tuyển vào làm nhân viên tạp vụ và anh Y Huân Nié làm Giám thị và có một anh là Quản Đốc Ký Túc Xá (lâu ngày tôi quên tên – vì Ký túc xá sau thuộc Bộ Sắc Tộc quản trị), nhà bếp có ông Nghi và ông Hóa.

Nơi trường nầy, nay tôi còn nhớ ông bà Hiệu Trưởng Đống Văn Quang, chị Quang là giáo viên Tiểu học, chị bị bệnh chi đó nên đi lại rất chậm, sau anh chị đổi về Sàigòn rồi li dị nhau, anh di tản sang Úc đã lập gia đình khác, anh Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ, phụ tá Hiệu Trưởng Kỷ sư Nguyễn Văn Quán, ông bà Giám thị kiêm Thủ Kho Nguyễn Văn Anh, Phụ Tá kỹ thuật Nguyễn Hữu Phòng, Trưởng Phòng Hành Chánh ông Đoàn Ái Hảo, Thư ký: chị Tuyết, cô Dung, cô Lan, anh Tuấn và bà Y tá tôi đã quên tên.

Có 2 giáo sư người Chăm dạy tại trường là anh Quảng Đại Khẩn, sau 1968 anh Khẩn bỏ dạy vào khu theo phong trào Fulro và anh Quảng Đại Hội, sau 1975 anh Hội về Sàigòn buôn bán chợ Trời.

Có ông Mỹ cố vấn là Greeneway và cô Mỹ làm việc thiện nguyện là cô Diana chừng 20 tuổi, đẹp, rất dễ mến, sau cô thành hôn với anh Quang là giáo sư dạy Anh văn Trung học Tổng Hợp Banmêthuột, hình như sau 1975 cập vợ chồng Việt-Mỹ nầy, định cư ở Virginia.

Ở Banmêthuột tôi vẫn còn nhớ chùa Khải Đoan (ghép tên vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng hậu. Chùa được xây dựng bằng gỗ quý mái ngói. 


Chùa Sắc tứ Khải Đoan

Có con đường mòn đi bên hông trường, men theo đó xuống suối Đốc học rồi lên tới chợ. Chợ Banmêthuột thuở đó, trong chợ có những sạp bán rau, thịt cá chen lẫn với nữ trang vàng, bạc. Người Thượng từ trong buôn làng ra chợ chỉ mặc khố, để ngực trần rất tự nhiên và họ thích mang nhiều nữ trang trên người.    

 
      Vợ chồng người Thượng (Radhé)                                Cô gái Thượng                    

Tôi đã  ở Banmêthuột từ năm 1966 đến 1970, thời đó không an ninh, phía Đông chỉ đi đến phi trường Phụng Dực,


phía tây chỉ đi đến chùa Sắc tứ Khải Đoan, phía Nam chưa đi đến cầu 14, còn phía Bắc chưa đi khỏi thành phố.

Xung quanh Banmêthuột thời đó chỉ có rừng và đồn điền cao-su, có đường đi xuống Khánh Dương về Nha Trang, có đường đi Kontum, đường về Nam là Quốc Lộ 13 chỉ đi tới cầu 14, đường phía Tây hình như đi về ngã 3 biên giới, nhưng không an ninh.


Cầu tại cây số 14 đường về Sàigòn QL 13 nên có tên gọi là Cầu 14

Ngày nay Banmêthuột trong tôi còn nhớ ít nhiều, chỉ có hình ảnh chị Phượng và em gái cô Phi, hai chị em có sạp bán báo tại nhà ở gần cuối chợ cũng gần Ty Cảnh Sát. Mỗi buổi chiều chúng tôi ăn cơm xong, thả bộ ra đó mua báo từ Saigòn gửi ra theo đường hàng không Air Việt Nam bán cho độc giả. Anh Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ được cãm tình cô Phượng, nhưng sau nầy anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Lộc, xuất thân là giáo sư Nữ công, tốt nghiệp từ Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, trường còn có nữ giáo sư Nguyễn Thị Lài, cô Lài lên đó dạy mang theo 2 con một trai một gái còn 4, 5 tuổi chồng cô Lài là giáo sư Tín dạy ở Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, hình như 2 người đã li dị nhau trước khi cô Lài được phân bổ về trường nầy và cô cũng chỉ dạy có 1 năm rồi thuyên chuyển về Trường Kỹ Thuật Gia Định.

Trường cùng có cô Ngọc dạy  giờ môn Anh Văn, sau cô di chuyển về Sàigòn, có dạy giờ ở Trường Kỹ Thuật Gia Định. Cũng có anh Thời dạy giờ môn Toán, hình như cùng quê Long An với anh Huệ.

Từ ngã sáu, nơi đây có nhà thờ chánh tòa của thành phố, cạnh đó có sân bay trực thăng, có đường đi Nha Trang, đường đi về Nam, đường đi tới chợ ...


Nhà thờ Chánh Tòa hay Nhà Thờ Ngã Sáu

Ngày nay mọi thứ đều mờ nhạt trong tôi, chỉ có lục tìm hình ảnh trên Mạng mà thôi.

866421042025