Hôm nay bỗng
dưng tôi nhớ đến anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường (1918-2008), ai cũng cho rằng
anh là một trong những người đã thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ năm 1947,
nhưng theo anh Lê Lừng có lẽ những ngày đầu của Gia Đình Phật Tử chúng ta phải
xem xét lại, khách quan mà nói nó phát xuất từ gia đình Bác sĩ Lê Đình Thám,
trong đó có con của Bác Sĩ như chị Lê Thị Ngọc Anh (Mẫn Em), Lê Thị Thể Dư, Lê
Ðình Luân, Lê Ðình Liêm, Lê Ðình Lực, đều là con bác sĩ Tâm Minh; Lê Ðình Kiền,
Lê Ðình Cũng (cháu gọi bác sĩ là bác); Hồ Ðắc Lệ, Hồ Ðắc Bích (em bà bác sĩ) và
Lê Lừng. Tham gia có 4 anh chị ở trước mặt nhà Bác sĩ là anh Tạo, chị Thúy ...
các em ở trên xóm Từ Ðàm, như Nguyễn Tấn Phước, Nguyễn Ngọc Loan v.v...
Trước đây ở
Việt Nam, có lần tôi gặp anh Lê Đình Duyên trong một buổi lễ ở chùa Già Lam,
Gia Định, khi tôi mới đi học tập cải tạo về, trong đó có cả anh Võ Đình Cường,
Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, anh Duyên là con trai lớn của Bác sĩ Lê Đình Thám,
anh Duyên là thân phụ của Lê Đình Du, Du là phu quân của Lê Dương Mỹ.
Nhớ tới anh
Cường cũng làm cho tôi nhớ tới chị Cường, có lần Ban Hướng Dẫn Trung Ương họp
Tam Cá Nguyệt ở Đà Lạt thuộc Miền Khuông Việt, lần đó có chị Cường, chị Lữ Hồ cùng
đi. Có lẽ vì vậy mà chị Cường biết tôi, nên sau nầy anh Cường mất rồi, tôi đi
thăm chị Cường, chị đã tiếp tôi, chị em trò chuyện thân mật.
Còn anh Nguyễn
Hữu Huỳnh có cậu con trai là Nguyễn Hữu Hồng Đức, năm 1960 đoàn Huynh Trưởng A Dục
đi tham quan Đà Lạt anh Huỳnh cho Hồng Đức đi theo, vì anh Huỳnh bận điều khiển
Đoàn nên Hồng Đức theo tôi, rồi từ đó sau khi về Sàigòn, Hồng Đức cứ muốn tôi đến
nhà chơi với em, nên gia đình anh Huỳnh và tôi thân thiết nhau hơn. Anh Huỳnh có
người em thứ 3 sinh sống trên đường Võ Văn Tần gần rạp Nam Quang, người em thứ 4
sinh sống ở Banmêthuột, có cửa hàng Trúc Lâm nằm trên đường gần chợ và ngó xéo
qua rạp chiếu bóng Lodo.
Từ khi tôi rời
thành phố Banmêthuột năm 1970, đổi về dạy học ở Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường
Tộ Sàigòn, năm 1972, tôi có trở lại đó 1 lần làm Thư ký Hội Đồng thi Tuyển sinh
lớp Đệ Thất (lớp 6) Trung Học Kỹ thuật Banmêthuột, lần đó tôi muốn uống rượu Cần
cho biết, nên đã đi thăm ông Y Braham, nguyên là Hiệu Trưởng của Trường, cũng
nguyên là Phát ngân viên, tôi tỏ ý muốn uống rượu Cần cho biết. Ở nhà không có,
ông phải cho người nhà đi mượn của người khác cho tôi uống.
Ông ta giải
thích rằng rượu Cần làm bằng cơm nguội, uống với cái cần bằng ống tre, ống trúc.
Có 2 cách uống, uống rượu lễ là người ta rót nước vào bằng cái chén hay cái tô,
người ta rót hết bao nhiêu mình uống hết bấy nhiêu, còn uống thường là mình uống
tới đâu thì ra hiệu cho người rót biết để ngưng.
Nghe nói có
em Cựu học sinh THKT Banmêthuột là Y Tlung Arul, có học Trường Bách Khoa Trung Cấp Sàigòn, sau về Trường làm Giáo
viên, sau đó em đã mất. Còn có một em người Chăm ở Ninh Thuận, nghe đâu sau nầy
em chuyên buôn bán đất đai, nhà cửa trở nên đại gia là Não Ngọc Anh.
Trường Banmêthuột
nay tôi còn nhớ có anh Y Niêng được tuyển vào làm nhân viên tạp vụ và anh Y Huân
Nié làm Giám thị và có một anh là Quản Đốc Ký Túc Xá (lâu ngày tôi quên tên – vì
Ký túc xá sau thuộc Bộ Sắc Tộc quản trị), nhà bếp có ông Nghi và ông Hóa.
Nơi trường nầy, nay tôi còn nhớ ông bà Hiệu Trưởng Đống Văn Quang, chị Quang là giáo viên Tiểu học, chị bị bệnh chi đó nên đi lại rất chậm, sau anh chị đổi về Sàigòn rồi li dị nhau, anh di tản sang Úc đã lập gia đình khác, anh Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Huệ, phụ tá Hiệu Trưởng Kỷ sư Nguyễn Văn Quán, ông bà Giám thị kiêm Thủ Kho Nguyễn Văn Anh, Phụ Tá kỹ thuật Nguyễn Hữu Phòng, Trưởng Phòng Hành Chánh ông Đoàn Ái Hảo, Thư ký: chị Tuyết, cô Dung, cô Lan, anh Tuấn và bà Y tá tôi đã quên tên.
Có 2 giáo sư
người Chăm dạy tại trường là anh Quảng Đại Khẩn, sau 1968 anh Khẩn bỏ dạy vào
khu theo phong trào Fulro và anh Quảng Đại Hội, sau 1975 anh Hội về Sàigòn buôn
bán chợ Trời.
Có ông Mỹ cố
vấn là Greeneway và cô Mỹ làm việc thiện nguyện là cô Diana chừng 20 tuổi, đẹp, rất dễ mến, sau cô thành
hôn với anh Quang là giáo sư dạy Anh văn Trung học Tổng Hợp Banmêthuột, hình như
sau 1975 cập vợ chồng Việt-Mỹ nầy, định cư ở Virginia.
Ở Banmêthuột tôi vẫn còn nhớ chùa Khải Đoan (ghép tên vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng hậu. Chùa được xây dựng bằng gỗ quý mái ngói.
Có con đường mòn đi bên hông trường, men theo đó xuống suối Đốc học rồi lên tới chợ. Chợ Banmêthuột thuở đó, trong chợ có những sạp bán rau, thịt cá chen lẫn với nữ trang vàng, bạc. Người Thượng từ trong buôn làng ra chợ chỉ mặc khố, để ngực trần rất tự nhiên và họ thích mang nhiều nữ trang trên người.
Tôi đã ở Banmêthuột từ năm 1966 đến
1970, thời đó không an ninh, phía Đông chỉ đi đến phi trường Phụng Dực,
Xung quanh Banmêthuột thời đó chỉ có rừng và đồn điền cao-su, có đường đi
xuống Khánh Dương về Nha Trang, có đường đi Kontum, đường về Nam là Quốc Lộ 13 chỉ đi tới cầu
14, đường phía Tây hình như đi về ngã 3 biên giới, nhưng không an ninh.
866421042025
No comments:
Post a Comment