Pages

Friday, September 23, 2011

Kịch

Khi Từ Thức Về Trần

Màn Một

Cảnh: Một trại học tập cải tạo giữa rừng.

Trong một căn lán trại dùng làm nhà ăn, lán cột gỗ tròn, mái lợp tranh, chung quanh dựng sậy cao chừng 1 thước làm vách, bốn mặt đều chừa ngõ ra vào. Bên trong hai hàng bàn chia làm 4 ô, mỗi ô 6 bàn làm bằng gỗ mặt bàn dùng sậy ghép lại, hai bên mỗi bên bàn có băng ngồi cũng bằng gỗ ghép 3 thanh lại làm mặt băng.

Vào lúc 20 giờ, đêm 30 Tết, trời – đầy sao, trong nhà ăn vài ba bàn có một số người ngồi uống nước trà, ăn bánh ngọt, trên bàn bày bánh ngọt, kẹo, lon guigoz đựng nước trà ở giữa để một ngọn đèn dầu.

Ngồi chung quanh một bàn :

Ông Quỳnh, 55 tuổi, người mập, trắng, mặc quần áo lính.
Ông Thanh, 47 tuổi, người cao ráo, mặc quần jean nâu, áo sơ mi ngắn tay cũ.
Anh Dũng, 37 tuổi, người cao ráo, mặc bà ba đen.
Ông Quỳnh và Dũng ngồi một băng, Thanh ngồi đối diện với Dũng

Dũng : - Lại một cái Tết nữa, Tết thứ 12 của chúng ta rồi đấy nhé bác Quỳnh.

Ô. Quỳnh : - Ờ ! Thì cứ vui vẻ lên nào, đón giáo thừa chúng ta cũng có bánh, kẹo, trà ở nhà thì chỉ hơn ta có bánh chưng, bánh tét, dưa hấu.

Dũng : - Còn nữa chớ Bác, pháo nè.

Ô. Quỳnh : - Cái món pháo thì hồi chiều Khối ta cũng đã đốt một phong, ngày mai đốt một phong nữa thì cũng đì đùng đấy thôi.

Dũng : - Ối ! có thấm gì một hai phong lẻ tẻ ấy Bác, Bác biết không? Mỗi đêm giao thừa khoảng mười một giờ người ta bắt đầu đốt pháo, Ông Bố cháu chờ đến kém 5 hay kém 10 đến 12 giờ mớt bắt đầu đốt nhang, cúng lạy đón giao thừa rồi đốt một phong pháo, đinh tai nhức óc, ngộp thở vì mùi thuốc pháo, rồi gia đình cháu đi chùa Giác Minh sau đó đến Xá Lợi, nhất là ở Xá Lợi, người ta đốt nhang cắm đỏ cả mọi nơi, khói toả cay sè, chảy cả nước mắt nước mũi.

Ô. Quỳnh : - Anh làm như anh đang đi chùa không bằng! Mà ai kể cho anh vậy?

Dũng : - Em của cháu, nó kể hôm thăm nuôi mới rồi, nó ước gì cháu được về trước tết để được đón giao thừa năm nay cũng như vậy đó Bác!.

Thanh (vẫn ngồi im lìm, lưng tựa vào cột, tay phải để lên thanh gỗ rào của vách).

Dũng : - Anh Thanh, kể chuyện gì đi chớ, ngồi mơ mộng quá vậy?

Thanh : - Tôi đang nghĩ chuyện Từ Thức ngày nay

Dũng : - Ðâu anh kể ra nghe thử coi

(Thêm Thập đi từ cửa hông nhà ăn vào và đang tiến về bàn của ba người, vóc người mập mạp, 48 tuổi, tóc hoa râm, mặc quần áo lính, tay xách túi nylon, tay cầm quyển sách.

Thập : - Xin lỗi Bác Quỳnh, xin lỗi hai anh nhé, tôi đến chậm (Thập đã đến bàn, ngồi bên cạnh Thanh đối diện với ông Quỳnh, tay trái Thập đưa lên đang xách một túi nylon) vì mấy cái món này, mứt dừa, mứt gừng và đậu phọng da cá.

Ô. Quỳnh : - Ở đâu anh đào ra những thứ nầy vậy, để tôi châm thêm nước sôi và bỏ thêm tràû cho nó đậm một chút (ông Quỳnh lấy lon guigoz đứng dậy đi ra).

Thập : - Tôi qua chỗ thằng Tiếp thợ rèn, hồi chiều hắn nhắn tôi qua để gửi cho chúng ta đấy Bác Quỳnh ạ!.

Ô. Quỳnh : (đã đi khuất vào trong, tiếng còn vọng lại) – Tốt quá! Món quà đón năm mới đấy các anh a!

Thập : (Ðặt quyển sách lên bàn) – Ðây là quyển Kiều, tôi mang đến các anh biết để làm chi không?

Dũng : - Ðể ngâm Kiều hả anh Thập ?

Thanh : (lấy quyển sách đưa lại đèn, hơi cúi đầu xuống đọc vì bìa sách bao giấy mờ) – Kim Túy Tình Từ . Ồ! Ở đâu anh mượn được quyền sách quí quá vậy!

Thập : - Ừ! Thì cũng anh chàng Tiếp.

Thanh : (Ngước nhìn Thập) – Bói Kiều đi!

Thập : - Ðúng đấy! Ðúng đấy!

Ô. Quỳnh : (Tiến về phía bàn) – Gì mà hăng thế anh Thập?

Thập : - Anh Thanh đề nghị bói Kiều Bác ơi!

Ô. Quỳnh : (Ðến bên bàn, để lon guigoz lên bàn, và để thêm một cái chén với một cái dĩa, Thập trút mứt và đậu phọng vào dĩa, ông Quỳnh rót nước vào chén rồi đặt trước mặt Thập) – Nếu có sách thì ta bói cho vui, bói ra ma, quét nhà ra rác mà lị!

Thanh : (Ðể quyển sách xuống) – Anh Thập vừa mượn được quyển Kiều nè Bác.

Dũng : - Thế thìø Bác Quỳnh dạy Khấn đi Bác.

Ô. Quỳnh : - Mời các anh tự nhiên dùng mứt, uống trà đi!

Thanh và Thập : - Xin mời Bác.

Ô. Quỳnh : (Ăn một miếng mứt, uống một ngụm trà) – Tôi nhớ các cụ ngày xưa khấn đại khái như thế nầy : hôm nay, ngày, tháng, năm. Con tên là . . . tuổi ... Cúi xin cụ Nguyễn Du hiệu Tiên Ðiền, Nàng Kiều cùng Ðạm Tiên với vãi Giác Duyên xin cảm ứng cho con một quẻ về ... con xin lấy trang ở tay trả hay phải, ở bốn câu đầu, cuối hay thứ mấy, khấn xong lật sách ra mà đọc quẻ.

Dũng : (Với tay lấy quyển sách) – Cháu xin bói trước. Quyển sách Dũng để giữa hai tay chắp lại, đưa lên trán, khấn lầm thầm. Mọi người ưu tư. Rồi Dũng để sách xuống bàn hai tay vừa mở sách ra, nhìn vào trang sách).

Thanh : - Dũng đọc bốn câu mà Dũng xin cho nghe, để Bác Quỳnh giải thử coi.

Dũng:

- Bóng tà như dục cơn buồn
Khách đà lên ngựa ngựa ngươi còn ghé theo
Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Thập : - Nghĩa là sao Bác Quỳnh ?

Dũng : ( mĩm cười ).

Ô. Quỳnh : (vừa cười vừa nói) – Ðúng quá phải không anh Dũng?

Dũng : - Ðúng thế nào Bác?

Ô. Quỳnh : - Lại còn thế nào nữa ! (nhìn Thanh và Thập) anh Thanh và anh Thập biết không? Anh Dũng nằm cạnh bên Hải, Hải có người chị làm cô giáo, chị của Hải lên thăm nuôi Hải thường cũng có gặp Dũng, cho nên một thứ tình cảm lơ tơ mơ như :

Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Thanh : - Tình quá mà cũng thơ mộng quá Bác Quỳnh nhỉ?

Ô. Quỳnh : - Chớ sao!

Dũng : - Ðến anh Thanh đi, anh cần phải bói mới được.

Thanh : (lẳng lặng với tay lấy quyển sách, làm y như Dũng đã làm, khi để sách xuống Thanh đọc):

- Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau hoa thấy, kiếp này hẳn thôi
Âm dương đôi ngã chắc rồi,
Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên!

Thập : - Sao đây Bác?

Ô. Quỳnh : (trầm ngâm) – Ðây là đoạn Kim Trọng sắp gặp Thúy Kiều, nghĩa là anh chị Thanh sắp sửa gặp nhau, cũng như nàng Kiều, xin lỗi chỗ tôi muốn nói là chị Thanh đã chịu bao gian truân.

Dũng : - Hy vọng như vậy, còn gặp nhau hơn là có nhiều người khi về nhà vợ con vượt biên làm mồi cho cá hết cả. Còn anh Thập, cũng xin một quẻ chớù?

Thập : - Mục đích của tớ hôm nay là vậy đó cậu. (Thập với tay lấy quyển sách cũng làm y như Dũng và Thanh đã làm rồi giờ ra đọc):

- Rõ ràng của dẫn tay trao,
Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công
Công tư hai lẽû đều xong,
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.

Thanh : - Xin lỗi Bác Quỳnh theo tôi hiểu bốn cầu nầy như sau, anh Thập sẽ về nhưng có tốn kém tiền bạc vì phải nhờ một tay nào đó chạy chọt xin cho.

Ô. Quỳnh : - Tôi cũng nghĩ vậy!

Thập : - Số một! Về là tốt rồi, bây giờ tới lượt Bác Quỳnh.

Ô. Quỳnh : - Ðược rồi, để hôm khác đi. Từ nãy giờ ba anh đều có quẻ tốt cả nhé, vì bất quá tam cho nên tôi không muốn rước cái không vui cho mình. Này ăn bánh kẹo, uống trà cho vui lên để chào đón năm mới với nhiều may mắn của các anh đấy nhé.

Dũng : - Chúng tôi vui thì Bác cũng vui phải không Bác?

Ô. Quỳnh : - Ðúng thế!

(mọi người vui vẻ, ăn bánh kẹo, uống trà, hút thuốc).

Dũng : - À! Hồi nãy anh Thanh nghĩ về chuyện Từ Thức, anh Thanh nói cho nghe với.

Thanh : - Bác Quỳnh làm ơn kể chuyện Từ Thức cho anh em nghe, xong tôi kể chuyện Từ Thức ngày nay cho các anh nghe.

Ô. Quỳnh : - Hồi thời nhà Trần khoảng năm 1400 ở Huyện Tiên Du Thanh Hóá có một vị quan huyện Từ Thức với tính thích ngâm vịnh, với bầu rượu túi thơ, cạnh đó có ngôi chùa danh tiếng, khi cây mẫu đơn trổ hoa thì dập dìu xe ngựa, nam thanh nữ tú đến viếng cảnh xem hoa, lần ấy có một nàng con gái tuổi độ 16 nhan sắc lộng lẫy do vịn cành, hoa bị gãy nên người trong chùa giữ lại bắt đền, cốt để làm cho những kẻ khác sợ mà không dám phá hoại cảnh vật, nàng bị giữ đến gần tối mà không ai đến lãnh về, động lòng Từ Thức bèn cởi áo gấm đưa vào tăng phòng xin chuộc nàng.

Vì tánh thích ngâm vịnh, du ngoạn thưởng cảnh nên bỏ bê việc công, quan trên có ý không vừa lòng, Từ Thức bèn treo ấn từ quan giao du sơn thủy. Một hôm ra cửa Trần Phù thấy ngoài xa có mây ùn lại thành hoa sen đẹp mắt, chàng vội chèo thuyền ra xem thì thấy một hòn núi cao vươn lên từ biển, chàng bèn buộc thuyền, tìm một cái hang chui vào, dần dần chàng lên đến ngọn núi thì thấy bầu trời quang đãng, xung quanh đài ngang lầu dọc, cỏ hoa đua sắc. Chàng nghĩ chắc đã lạc lối vào cảnh tiên.

Bỗng có hai thiếu nữ thi lễ chào chàng và mời vào dinh trước mặt để ra mắt phu nhân. Khi chàng ra mắt phu nhân là một bà tiên áo trắng. Bà bảo chàng ngồi rồi gọi Giáng Hương ra chào chàng. Giáng Hương ra chào chàng mới nhận là người con gái làm gãy cành mẫu đơn độ nào.

Phu nhân cho Từ Thức biết là chàng với Giáng Hương có duyên, nên ngay đêm ấy cho làm lễ cuới, có nhiều tiên đến dự.

Chàng ở cảnh tiên với Giáng Hương được một năm dần dần lòng nhớ đến cố hương nên xin về thăm nhà, phu nhân chấp thuận cấp cho chàng một cỗ xe, Giáng Hương trao cho chàng một phong thư dặn khi về đến nhà lúc nào nhớ nàng hãy mở ra đọc.

Khi chàng về đến chỗ cũ, thành quách nhà cửa, con người đều thay đổi, chỉ còn nhận ra được sông núi mà thôi chàng đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả, họ nói rằng họ có nghe nói ông ấy là ông tổ 3 đời của họ đã đi vân du mất tích trên 60 năm nay rồi.

Từ Thức bấy giờ mới nhận ra, không còn ai quen biết mình, mọi sự thay đổi, chàng hối hận đã rời cảnh tiên, nhớ đến xe, xe đã hoá ra chim bay mất, nhớ đến Giáng Hương chàng bóc phong thư ra xem, Giáng Hương đã biết trước nên viết "Duyên nợ đã hết, không còn tìm gặp được nữa".

Rồi Từ Thức đi vào núi Hoàng Sơn, từ đó không ai còn biết ông nữa.

Chuyện Tự Thức như vậy đó!

Dũng : - Chuyện Từ Thức đời nay thì ra sao anh Thanh?

Thanh : - Từ Thức lên tiên một năm, lúc chàng về đến thế thì đã hơn 60 năm rồi, 60 năm ấy ở trần gian vật đổi sao dời. Còn chúng ta có khác gì Từ Thức, chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình ra đi chỉ có mười ngày vậy mà khi mười ngày sau chúng ta về ...

Thập : - Khi chúng ta về đỡi vẫn vui vẻ chớ sao, vắng chúng ta đời vẫn thế, thêm chúng ta đời có thay đổi gì nào?

Thanh : - Có đấy chớ anh Thập, có người về đến nhà, nhà hoang cảnh vắng, có người về đến nhà cha mẹ chẳng còn, có người về đến nhà vợ đã ôm cầm sang thuyền khác.

Thập : - À mấy chuyện đó thì đã có rồi. Bây giờ anh nghĩ xem có chuyện nào đáng vui hay buồn hơn không?

Thanh : - Có chớ! Này nhé! Một chàng kia như anh chẳng hạn, nhưng mà người thì gầy, tóc đã bạc, răng đã rụng, da đã chùn ăn mặc rách rưới, tay cầm một cái gậây, vai vác một bao đồ tế nhuyễn, đứng trước một căn phố đang gọi ở cửa nhà mình, một em bé gái chừng 6, 7 tuổi chạy ra mở cửa nhìn anh với nét mặt ngơ ngác, rồi gọi to vọng vào bên trong :

- Mẹ ơi! Mẹ! Có một ông lão ăn xin, mẹ ra mà cho tiền để ông lão đi mẹ ơi!

Thập : - Anh hư cấu chuyện gì vậy?

Thanh : - Chuyện như tôi đã nói, một anh chàng nghĩ mình đi học tập có mười ngày, nhưng khi về gặp cháu nội hay cháu ngoại của mình như vậy đó!

Thập : - Tôi không nghĩ như anh vậy.

Thanh : - Còn Bác Quỳnh nghĩ sao?

Ô. Quỳnh : - Ðến nước này tôi nghĩ rằng mẹ cháu bé, ngót 30 tuổi ở trong nhà đi ra, khi nhìn rõ ông lão liền chạy đến ôm chầm ông ta, rơi lệ sung sướng mà thốt lên: - Ba! Ba! Ba mới về! ...

Màn hạ

MÀN HAI

Khoảng 10 giờ sáng trong phòng khách một căn nhà bày một bộ salon, phía sau salon là tủ Buffet, sau đó là cửa buồng ngủ có treo màn, trên bàn salon có đặt một bình hoa.

Các nhân vật : Bà Hương khoảng 50 tuổi

Thanh

Lan, cô gái 23 tuổi thùy mị

Lan đang ngồi salon, day mặt ra ngoài, tay cầm tập vở đang chăm chú học bài.

Bà Hương đi trước có Thanh đi sau, Thanh ăn mặc như màn một.

Bà Hương : - Cháu Lan! Có người tìm cháu

Lan: - Chào cô! Chào ông ạ! (Lan bỏ tập vở xuống bàn, đứng lên) Xin mời ông ngồi, mời cô ngồi. Cháu xin phép một chút (Lan bước vào trong)

Bà Hương : - Mời ông ngồi.

Thanh : - Xin phép, mời bà

Cả hai ngồi vào ghế, ông Thanh ngồi nhìn vào, bà Hương ngồi đối diện, Lan bước ra để hai tách nước trà xuống bàn.

Lan : - Xin mời Ông, mời Cô dùng nước (Lan ngồi xuống)

Thanh : - Cám ơn

Bà Hương : - Cháu để tự nhiên, này cháu Lan! Cô xin giới thiệu ông khách đây là người đi tìm gia đình cháu, mà khu phố mình chả ai biết cả, may mà gặp được cô, tuy sau giải phóng cô mới về ở khu phố đo,ù nhưng có biết mẹ cháu qua vài lần đi họp tổ, nhớ vậy nên cô đưa ông ta tới đây.

Lan : - Dạ mẹ cháu tên Hạnh, mẹ cháu đi bán ngoài chợ, thưa Ông! Ông quen sao với mẹ cháu ạ?

Thanh : (chậm rãi nói) – Xin lỗi! Tôi chưa giới thiệu để cháu biết. Tôi tên là Sơn, người ở Năng Gù, Long Xuyên, con của ông giáo Tỉnh bạn học với Trường, chú út của cháu.

Lan : - A! Ông là bạn của chú cháu, vậy chắc ông biết ba cháu?

Thanh : - Có nhưng chú không thân lắm

Bà Hương : - Thế là có quen biết bà con, thôi để cô về lo cơm nước nghe cháu Lan. Hôm nào nói mẹ qua cô chơi nhé! (đứng lên) Xin phép ông, tôi về trước (bà Hương ra, Lan đưa ra tới cửa mới trở vào ngồi lại chỗ cũ).

Lan : - Thưa chú có việc chi mà tìm đến gặp mẹ cháu?

Thanh : - Sau giải phóng, tôi lên lập nghiệp ở trên Bảo Lộc, chẳng mấy khi về Long Xuyên, nhơn dịp lần nầy về thành phố, ghé thăm gia đình cháu và muốn liên lạc thăm chú Trường của cháu, gia đình cháu dọn đi từ lúc nào mà cả khu phố ai chẳng biết, may gặp bà Hương.

Lan : - Thưa chú, chú Trường của cháu, sau giải phóng chú ấy đi nước ngoài, chú không gửi thư về nên cháu cũng không biết địa chỉ và tin tức chú ấy ra sao nữa.

Thanh : - Còn về ba cháu?

Lan : (Cúi nhìn xuống, ngập ngừng đáp) – Mẹ cháu nói ba cháu đi học tập ngoài Bắc rồi mất tích.

Thanh : - Rồi sao gia đình cháu về đây?

Lan : - Hồi ấy cháu còn nhỏ, mẹ cháu kể rằng ba má cháu tự lập thân, lương đủ sống, nên khi ba cháu đi học tập mẹ cháu ở nhà buôn bán sinh nhai, mẹ cháu bán tư trang làm vốn sinh sống qua ngày, sau đó mẹ cháu nghe nói ai có chồng học tập cải tạo, tình nguyện đi kinh tế mới chồng sẽ được về sớm, nên mẹ cháu bán hết đồ đạc dẫn cháu ra đi để cho ba cháu về sớm.

Thanh : - Lúc ấy mẹ cháu có được thư từ gì của ba cháu không?

Lan : - Cháu không nhớ, hình như sau khi mẹ cháu đi rồi, không còn tin tức gì của ba cháu nữa.

Thanh : - Rồi sao nữa cháu ?

Lan : - Rồi mẹ cháu sống trên ấy một thời gian, nhưng mẹ cháu đâu có quen làm rẫy, làm ruộng, do làm việc vất vả ăn uống thiếu thốn nên mẹ cháu bệnh, lây lất suốt cả năm, rồi mẹ cháu phải về thành phố để trị bệnh, để tìm ba cháu. Trong thời buổi khó khăn đó, mẹ cháu gặp ông An giúp đỡ, rồi mẹ cháu đã tái giá với ông An.

Thanh : - Cháu học hành tới đâu? Ông An làm gì?

Lan : - Năm nay cháu vừa tốt nghiệp Dược, còn ông An dượng cháu làm Phó giám đốc Công ty Cầu đường.

Thanh : - Dượng cháu làm lớn vậy sao mẹ cháu còn phải đi bán?

Lan : - Vì mẹ cháu muốn có công việc làm, nên có một cái sạp bán vải ở ngoài chợ Tân Ðịnh.

Thanh : - À ra thế! Mà cháu ra trường rồi có chỗ làm hay chưa?

Lan : - Dạ cháu đang chờ ở trên phân công, nhưng cháu chờ mấy tháng rồi vẫn chưa thấy gì!

Thanh : - Thế mẹ cháu hay Dượng cháu không quen ai sao?

Lan : - Dạ có, Dượng cháu đang lo cho cháu.

Thanh : (thở dài) – Này cháu! Chú đến đây, thực ra trước kia chú có giữ của chú Trường một số tiền, bây giờ chú muốn tìm chú Trường để giao lại, chú không gặp chú Trường, vậy chú giao cho cháu cũng như chú đã trả cho chú Trường vậy.

Lan : - Nhưng mà cháu không có tin tức gì về chú Trường, làm sao cháu giao lại cho chú ấy?

Thanh : - Không hẳn vậy, cũng như nhờ chú Trường, chú làm ăn có lãi nên chia cho chú Trường một phần, cho nên chú đưa tận tay cho chú Trường hay đưa cho cháu cũng như nhau, mà cháu giữ cho chú Trường hay cháu xài thì cũng thế thôi.

Lan : - Nhưng mà ...

Thanh : - Không có nhưng nhị gì cả cháu à ! Nếu cháu coi là tiền của chú Trường thì cháu giữ cho chú ấy, mà nếu cháu thấy cần phải dùng đến tiền để làm việc gì có ích, thì đồng tiền có sẵn không bao giờ thừa đâu cháu. Bây giờ chú không sẵn có tiền, chú phải về trên ấy lấy tiền, ba hôm nữa nếu chú không đến được, cháu đến địa chỉ này hỏi anh Dương, anh ấy sẽ đưa tiền cho cháu, cho chú mượn cây viết và tờ giấy chú ghi địa chỉ cho cháu khỏi quên. (Lan lấy quyển vở và với tay kéo học tủ Buffet ra lấy cây viết đưa cho Thanh, Thanh xé tờ giấy trong quyển vở rồi đặt lên bàn ghi, xong đưa cho Lan).

Ðây, cháu giữ tờ giấy nầy, ba hôm nữa chú sẽ ghé, nếu chú không đến được thì khoảng 18 đến 19 giờ cháu đến địa chỉ nầy gặp anh Dương nhận tiền.

Lan : - Cháu có cầm theo giấy tờ gì không?

Thanh : - Khỏi cháu ạ, thôi chú về, cháu nhớ đấy nhé!

(Thanh đứng lên ra về, Lan đưa ra cửa, còn lại một mình, Lan suy nghĩ)

Lan : (tự nói một mình) - Phải vậy không ?

Màn Hạ

MÀN BA

Khoảng 18g30, cũng trong căn phòng khách như trước trên bàn đặt một bình hoa khác.

Ông An : Khoảng 50 tuổi, mặc quần áo ngủ đang đọc báo.

Bà Hạnh : Vợ ông An 45 tuổi, mặc áo bà ba, quần đen, từ trong bước ra, ngồi đối diện với ông An.

Bà Hạnh : - Anh à, việc con Lan anh lo cho nó tới đâu rồi?

Ông An : - Tôi đã nhờ anh Cang giúp cho con về Bệnh viện Bình Dân, nhưng anh Cang bảo để hỏi xem có nhu cầu không.

Bà Hạnh : - Anh ráng lo cho con, bạn nó đã được phân công đi làm cả, cả khoá chỉ có mỗi mình nó.

Ông An : - Tôi đang lo cho con, nhưng nó là con gái đi làm nhanh đi làm chậm cũng đi làm, việc quan trọng hơn là lo cho tương lai của nó, sẵn nó không có ở nhà, tôi muốn bàn thêm với mẹ nó về việc hôn nhân của con.

Bà Hạnh : - Ðời bây giờ chớ nào phải như xưa để chúng nó tìm hiểu nhau, ưng đâu mình gả đó.

(Ông An để tờ báo xuống bàn)

Ông An : - Nói như mẹ nó sao được, mình phải dạy bảo nó chớ, người ta không thể yêu nhau hai quả tim vàng trong mái nhà tranh đâu.

Bà Hạnh : - Theo anh thì phải làm sao?

Ông An : - Còn làm sao nữa? Thằng Liên nó làm Trưởng phòng, ông Phan ba nó là Phó Chủ tịch Ủy Ban vợ ông Phan là Trưởng Phòng tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu bệnh trẻ em, nếu nó ưng thằng Liên thì sớm muộn gì nó cũng đi làm chỗ tốt.

Bà Hạnh : - Mà sớm muộn gì ông Phan cũng lo cho anh chỗ tốt hơn.

Ông An : - Ðiều ấy tôi không chối, thời buổi nào cũng thế cả. Nhứt thân nhì thế mà bà.

Bà Hạnh : - Như vậy anh gả con, anh chỉ nhắm cái lợi cho con và anh mà không nghĩ gì về hạnh phúc của con à?

Ông An : - Bà muốn nói tôi nhắm cái lợi về cho tôi cũng được, nhưng mà bà đừng quên rằng chúng ta phải nhìn thấy sự bảo đảm cho hạnh phúc của con hôm nay và về lâu về dài. Bà hiểu rằng đồng tiền làm cho người ta chết trong ô nhục, sống trong đau khổ, thì chính đồng tiền cũng làm cho người ta vinh quang và hạnh phúc.

Bà Hạnh : - Có phải như vậy không? Anh nên nhớ rằng dù tiền giấy cho đến đồng tiền vàng cũng đều có 2 mặt : một mặt phải và một mặt trái của nó.

Ông An : - Ðúng, bà nói hết sức đúng! Ðồng tiền nào cũng có hai mặt và khi có tiền trong tay, trong túi ai cũng xài mặt phải cả, mà khi người ta không có tiền thì nó cũng không có mặt nào cả.

Bà Hạnh : - Anh lý luận nhiều quá.

Ông An : - Không! Tôi nói để nghe mà chơi vậy thôi chớ mục tiêu của tôi là muốn bà gả con cho thằng Liên, bà đừng quên thằng ấy cũng là kỹ sư kinh tế.

Bà Hạnh : - Anh à, anh còn quên người ta hay nói kỹ sư đào mỏ, anh biết nhìn lên thì người ta cũng phải nhìn lên nữa chớ!

Ông An : - Thôi thì cái đó tùy bà, con của bà, bà trọn quyền quyết định.

Bà Hạnh : - Anh đừng nói thế, có bao giờ con hay em có ý nghĩ ấy đâu.

Ông An : - À mà con đi đâu rồi đến giờ chưa thấy về ăn cơm.

Bà Hạnh : - Em nào có biết, khi nảy anh nói nó xin phép đi đâu? Chừng nào về?

Ông An : - Tôi về tới là nó chuẩn bị đi, nó có xin phép mà tôi không để ý, nó đi xe đạp chắc là đi xa chớ không phải đến bạn ở gần. Tôi đã đói bà coi dọn cơm ăn, chớ biết giờ nào con về mà chờ.

Bà Hạnh : - Vậy để em dọn cho anh ăn (Bà Hạnh đứng dậy đi vào trong, ông An lấy tờ báo lên đọc tiếp, bà Hạnh vừa đi ra, tay cầm tờ giấy vừa đọc thầm).

Bà Hạnh : - Anh ơi! Chuyện gì đây!

Ông An : - Chuyện gì?

Bà Hạnh : - Nghe em đọc đây nè “từ 18 giờ đến 19 giờ ngày thứ sáu 14/5/1990 gặp Dương tại 101/62/8 Hai Bà Trưng, Quận 1" Vậy là con Lan đến đây gặp Dương mà Dương là ai? Chuyện gì vậy?

Ông An : - Con Lan không nói với bà à?

Bà Hạnh : - Nào em có biết gì. À! cách đây mấy hôm nó có nói, có ông Sơn bạn của chú Trường của nó đến tìm thăm nó. Mà em có biết ông Sơn nào đâu?

Ông An : - Bà đưa giấy cho tôi coi.

(Ông An bỏ tờ báo xuống, đưa tay lấy tờ giấy do bà Hạnh đưa, ông chăm chú nhìn tờ giấy)

Ông An : - Chuyện gì vậy kìa?

(Ông An đưa tay nhìn đồng hồ rồi nói)

Bây giờ là 7 giờ kém 15, nghĩa là con đã đến đó rồi, lành hay dữ chuyện gì cũng đã xảy ra.

Bà Hạnh : - Lành hay dữ anh? Vái trời cho con đừng gặp chuyện gì nguy hiểm.

Ông An : - Theo tôi cũng không lành mà cũng không dữ.

Bà Hạnh : - Anh nói gì kỳ lạ vậy? Vậy nghĩa là gì?

Ông An : - Bình tĩnh tôi cắt nghĩa cho mà nghe, chuyện lành cho nên con Lan nó không cho bà hay, nhưng mà nó phòng hờ chuyện dư,õ nên nó bỏ địa chỉ điểm hẹn lại đặng có gì chúng ta tìm nó.

Bà Hạnh : - Theo anh thì sao?

Ông An : - Theo tôi thì tôi chở bà đến đó, tôi đứng ngoài đường, bà vào trong tìm con, bà cầm địa chỉ đây, tôi thay quần áo ta đi ngay.

Màn hạ

MÀN BỐN

Khoảng 19 giờ, trong phòng khách của một căn nhà nhỏ, một bộ salon mây, chính giữa có một cái bàn nhỏ, sát tường có tủ Buffet.

Giữa cái bàn nhỏ và chiếc ghế dài, Lan mặc quần đen, áo bà ba trắng đứng ôm người đàn ông khóc, người đàn ông mặc áo sơ mi sọc bỏ ngoài, quần tây đen đang ôm Lan, quay lưng ra phía cửa, bà Hạnh mặc quần đen, áo bà ba màu cam nhạt nhanh chân chạy vào.

Bà Hạnh : (vừa la to vừa cố đẩy hai người ra) – Ồ! Ông này làm sao thế! Buông con tôi ra! Lan có sao không con?

Lan : (vẫn ôm người đàn ông, không mở mắt ra nhìn bà Hạnh) : - Mẹ!

Bà Hạnh : (Hai tay vẫn xô hai người ra) – Sao ông không chịu buông con tôi ra? (người đàn ông dìu Lan ngồi xuống ghế, bà Hạnh nhìn kỹ người đàn ông, bà té ngồi xuống ghế cạnh Lan).

Bà Hạnh : (Nói giọng nghẹn ngào) – Anh Thanh!

(Thanh quay nhìn bà Hạnh, nét mặt xúc cảm rồi ngồi xuống ghế khác)

Thanh : (nói chậm rãi) – Tôi vẫn mong rằng có một ngày nào đó chúng ta gặp lại nhau, nhưng không phải cảnh nầy.

Bà Hạnh : - Em hiểu, mà chính em cũng không muốn, xin anh hãy hiểu cho em.

Thanh : - Tôi hiểu và vì vậy mà từ nãy giờ tôi không hề phiền trách em điều gì với con. Trái lại tôi cảm ơn em đã hết lòng nuôi dạy con nên người.

Bà Hạnh : - Anh về đây từ lúc nào? Và hôm nay anh gặp con để làm chi, tại sao anh không đến nhà em?

Thanh : - Tôi đã giải thích cho con hiểu rồi, bây giờ tôi cũng tóm tắt lại, sau khi được về cây đây bốn hôm, tôi đã tìm ra địa chỉ của em, người ta đưa tôi tới, em không có nhà, con không nhìn ra tôi. Tôi hẹn con đến đây vì tôi nghĩ rằng tôi còn chút tiền bạc cho con, mà tôi không muốn trở lại nhà của em.

Bà Hạnh : - Tại sao vậy?

Thanh : - Tôi muốn rằng em đừng biết gì về tôi, có lẽ dễ cho em vì nó khỏi xáo trộn gia đình em, tôi muốn cho con một số tiền rồi tôi sẽ đi xa, nhưng mà tình phụ tử nó làm cho tôi yếu hèn, bây giờ tôi hơi hối hận.

Lan : - Ba! Bộ ba không thương con hay sao ba?

Thanh : (cố nén xúc động) – Thương con luôn luôn chớ con. Khi nào mà con có con, con sẽ biết ba thương con như thể nào?

Bà Hạnh : - Xin lỗi, anh nói rằng anh đi học tập mới về, sao anh lại có tiền bạc cho con?

Thanh : - Tiền ấy tôi có trước ngày 30 tháng tư.

Bà Hạnh : - Rồi anh giấu mẹ con em, không cho em biết?

Thanh : - Ðúng vậy.

Bà Hạnh : - Anh gửi cho ai? Hay là anh cất ở đâu?

Thanh : - Tôi chôn nó trong nhà chúng ta với hai mươi lượng vàng.

Bà Hạnh : -Vậy mà em nghĩ rằng chúng ta không có tiền. Em và con sống chật vật, nghèo túng, khó khăn trong khi có một khối tiền ở dưới chân mình. Trớ trêu quá! Tiền ở đó vậy mà nó xô đẩy mẹ con em đến nỗi nầy.

Thanh : - Em cứ phiền trách tôi đi! Chửi mắng tôi đi! Nhưng mà ...

Bà Hạnh : - Không! Em không phiền trách anh đâu! Từ lâu rồi, em đã nghĩ cho số phận của em. Con người ta có số, phải tin rằng có số mạng, cái áo anh mặc, cái quần anh mặc, đôi dép anh đi cũng còn có cái số kia mà! Người ta không tiền, người ta ngậm đắng nuốt cay, vì thiếu nó hạnh phúc gia đình không có, mà như chúng ta, em sống trên đồng tiền mà em không hay biết, không dùng được để giữ hạnh phúc gia đình cho anh đến ngày hôm nay. Xin anh hiểu cho em, lỗi hoàn toàn không phải tại em.

Thanh : - Tôi hiểu vậy, lỗi không do nơi em. Cứ trách mắng tôi đi! Nhưng thật ra tiền ấy không phải của tôi.

Bà Hạnh : - Của anh hay không phải của anh, bây giờ nào có quan hệ gì cho em.

Thanh : - Có chớ!

Bà Hạnh : - Tôi nghĩ là không.

Thanh : - Nhưng tôi phải giải thích vì tiền ấy không phải của tôi. Nó là của Trường, chú gửi tôi giữ hộ cho chú, vì vậy mà tôi không cho em biết, tôi chôn nó ở trong phòng tắm. Hôm qua tôi đến gặp người chủ nhà, để xin phép họ cho tôi lấy số vàng ấy.

Bà Hạnh : - Rồi anh có lấy được không?

Thanh : - Có (vừa nói Thanh vừa với tay xuống bàn lấy một gói giấy cầm để lên mặt bàn). Nó đây! Tôi lấy đủ cả, tôi muốn biếu chủ nhà một số tiền nhưng họ không nhận.

Bà Hạnh : - Sao anh không giữ cho chú Trường, như bao nhiêu năm nay anh đã chôn cất nó?

Thanh : - Tôi nghĩ con Lan cần hơn, tôi muốn cho con để bù vào nỗi bất hạnh mà bao nhiêu năm qua con đã chịu. Còn chú Trường, tôi chưa được tin tức chú, nếu chú còn sống ở nước ngoài, chắc chú không còn nghĩ gì về số vàng này chú đã gửi nơi tôi.

(Ông An bước vào)

Ông An : - Xin lỗi, tôi chờ đợi bà và con lâu quá tôi không hiểu có chuyện gì không nên tôi vào, may quá không có chuyện gì phải không bà?

(Ông An chờ đợi nghe câu trả lời, mọi người yên lặng một lúc)

Bà Hạnh : - Có chuyện mà lớn nữa anh à!

Ông An : - Chuyện gì vậy?

Thanh : - Xin để cho tôi nói .

Bà Hạnh : - Tôi phải nói thì đúng hơn. Anh An! Xin giới thiệu anh Thanh, ba con Lan và đây là anh An.

(Ông An bợ ngợ rồi bước đến bên Thanh đưa tay ra, Thanh đứng lên hai người bắt tay).

Ông An : - Chào anh!

Thanh : - Hân hạnh được biết anh. Xin có lời cảm ơn anh đã nuôi dưỡng con Lan, anh đã coi nó như con anh.

Ông An : - Không dám! Xin lỗi, tôi không được biết trước nên đã vào. Để tôi về trước, bà và con ở lại về sau nghe! (Quay sang Thanh) Xin lỗi! Chào anh.

(Nói xong, ông An bước ra khỏi nhà)

Bà Hạnh: - Bây giờ anh định sao?

Thanh: - Ngày mai tôi sẽ về Long Xuyên, tạm trú ở đó, rồi xin đi nước ngoài.

Lan: (Đứng lên, bước tới ghế ông Thanh, quì bên cạnh) – Ba không thương con hay sao Ba?

Thanh: - Ba đã nói rồi, Ba rất thương con! Ba chỉ có mỗi một mình con, không thương con thì thương ai ?

Lan: - Sao Ba lại định bỏ con mà đi xa ?

Thanh: - Nhưng ở lại đây, Ba không thể sống vì từ nhỏ đến lớn Ba không biết làm ruộng. Kiếm một việc làm ở xí nghiệp, ở công ty như Ba, người đi cải tạo về họ không thu dụng, còn nữa muốn xin việc làm phải có tạm trú, muốn tạm trú phải có công ăn việc làm, đó là cái vòng lẫn quẫn đẫy người ta ra khỏi các đô thị, để đi hồi hương lập nghiệp hay đi vùng kinh tế mới. Con hiểu cho Ba.

Bà Hạnh: - Thời nào cũng vậy! Mà thời này thì trên hết là nhứt thân nhì thế! Vậy anh có người thân nào, có thế lực không?

(Hai công an mặc đồng phục vàng và ông An nhanh chân bước vào phòng khách)

Công An A: - Mọi người ngồi yên tại chỗ!

Bà Hạnh: - Chuyện gì thế!

Ông An: - Còn chuyện gì nữa! (Chỉ vào Thanh) Tên này tổ chức vượt biên!

Bà Hạnh: - Làm gì có chuyện đó!

Công an A: (Nhìn Thanh nói) – Anh này đứng lên, đưa hai tay ra sau!

Thanh: (Đứng lên, đưa hai tay ra sau) – Tôi có làm gì đâu!

Công an A: (Móc còng dắt bên hông ra, còng hai tay Thanh) – Tang vật trên bàn. Theo tôi về trụ sở rồi sẽ biết rõ hơn. (Ra lệnh) Đồng chí Kim tịch thu tang vật!

Công an B: - Tuân lệnh! (Đảo mắt khắp phòng một lượt, rồi lấy mũ xuống, hốt những gói vào bỏ vào mũ, cầm mũ lên)

Công an A: (Nắm tay kéo Thanh ra cửa) – Đi!

(Bà Hạnh và Lan đứng lên, ông An đứng tránh lối đi cho Công An A và Thanh đi)

Lan: (khóc sụt sùi) - Ba! Con hại Ba rồi!

Thanh: (Quay đầu lại) – Không phải tại con đâu!

(Công an A kéo Thanh đi, ông An và công an B cùng đi theo)

Bà Hạnh: (Bước tới ôm con) - Tại mẹ! Cũng tại mẹ hết!

MÀN HẠ

Viết xong ngày 20/9/1990
Sửa chữa 23/9/2011

No comments:

Post a Comment