(1926-2008)
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh tại làng Đông Thái, quận Gò Quao, tỉnh Rạch Giá, theo ông cho biết, đáng lý tên ông là Tài, nhưng chánh lục bộ của làng không rành chữ quốc ngữ nên ghi sai là Tày.
Lúc nhỏ, ông học tiểu học tại quê nhà, sau theo học Trung Học tại Cần Thơ.
Năm 1945, cuộc cách mạng mùa Thu, cũng như hầu hết những thanh niên thời bấy giờ, ông tham gia phong trào Thanh Niên Tiền Phong, rồi theo kháng chiến, hoạt động trong vùng Rạch Giá, Long Xuyên. Trong thời gian này ông bắt đầu sáng tác, đã đoạt giải thưởng Cửu Long với truyện Tây Đầu Đỏ ở trong vùng kháng chiến.
Từ năm 1954, ông lên Sàigòn sống bằng nghề viết văn. Năm 1955, ông viết những truyện ngắn đăng trong Nhân Loại Tạp San, về sau gom lại in chung trong Hương Rừng Cà Mau.
Năm 1960-1961, Sơn Nam bị bắt giam ở Phú Lợi, Thủ Dầu Một (Bình Dương) là một trại giam những người hoạt động cho Cộng sản Bắc Việt. Năm 1972, ông lại bị chánh quyền miền Nam bắt lần nữa vì có khuynh hướng thân Cộng.
Sau năm 1975, ông có bài viết đăng trên nhật báo Sàigòn Giải Phóng, là cơ quan ngôn luận chánh thức của đảng Cộng Sản Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, về sau, bài của ông đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí khác, tên tuổi của ông trên các bài viết được nhiều người ưa thích. Ông là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 2008, tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 82 tuổi.
Ông viết truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu đăng trên các tạp chí như Nhân Loại, Bách Khoa, Văn Hữu … các nhật báo Tiếng Chuông, Lẽ Sống… bối cảnh ông thường lấy ở vùng Rạch Giá, Long Xuyên; đề tài ông khi thác thuộc về dĩ vãng, đời sống, tạp quán của người miền Tây Nam Bộ như Hát bội, Hò đối đáp, câu sấu, bắt rắn …
Những địa danh như Óc eo, Tà Lơn khiến cho người đọc liên tưởng tới nền văn minh Óc eo thuộc nước Phù Nam nay ở vùng Ba Thê, hay Tà Lơn thuộc vùng Bảy Núi.
Những địa danh khác như Cà Bây Ngọp, Khoen Tà Lưng … làm cho người ta nghe lạ tai, thích thú vì đó là những địa danh của người Khmer còn sót lại ở Miền Tây rất nhiều như Chắc Cà Đao (Hòa Bình Thạnh), Mặc Cần Dưng (Bình Hòa), Năng Gù (Bình Thủy) ở Long Xuyên hoặc Xoài Cá Nả, Bãi Xào ở Sóc Trăng …
Mượn bối cảnh đồng quê, dùng địa danh của bình dân thường dùng, để gợi cho người đọc nhớ về dĩ vãng, đặt mình vào trong không khí nghe kể chuyện cổ tích, truyền kỳ, dễ xa rời thực tế dể bị lôi cuốn nhập vào truyện của ông.
Nhân vật của Sơn Nam đều ngoài ba mươi, tuổi vừa năng động, tâm hồn vừa trầm tĩnh lại, đã trải qua ít nhiều kinh nghiệm cuộc đời.
Ông cũng viết nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn minh miền Nam, về nhân vật về các di tích lịch sử, tác phẩm về loại này như: Tìm Hiểu Đất Hậu Giang (1960), Nói Về Miền Nam (1967), Người Việt Có Dân Tộc Tính Không ? (1969), Đồng Bằng Sông Cửu Long (1970), Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam (1973) … Mục đích của ông là muốn làm sống lại cuộc Nam tiến, khai quật quá khứ để tìm về cội nguồn của những người tiên phong đã sống và khai phá miền Nam, để thấy được công lao của tiền nhân, thấy được những yếu tố đã tạo thành cá tính người miền Nam: giản dị, nhân hậu và chân thực.
Văn Nghiệp của Sơn Nam gồm có:
- Chuyện Xưa Tích Cũ, 2 tập (1958)
- Nguyễn Trung Trực: Anh hùng dân chài (1959)
- Tìm hiểu đất Hậu giang (1960)
- Hương rừng Cà Mau (1962)
- Chim quyên xuống đất (1963)
- Hình bóng cũ (1963)
- Vọc nước giỡn trăng (1965)
- Hai cõi U Minh (1965)
- Nói về miền Nam (1967)
- Truyện ngắn của truyện ngắn (1967)
- Vạch một chân trời (1968)
- Xóm Bàu Láng (1969)
- Người Việt có dân tộc tính không ? (1969)
- Bà chúa Hòn (1970)
- Đồng bằng sông Cữu Long (1970)
- Trời nước bao la (1970)
- Thiên Địa Hội và cuộc minh tân (1971)
- Gốc cây - Cục đá và ngôi sao (1973)
- Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973)
- 26 truyện ngắn (1987)
- Tục lệ ăn trộm (1987)
- Người Sàigòn (1990)
- Gia Định xưa (1990)
- Bến Nghé xưa (1991)
- Theo chân người tình (1991)
- Một mảnh tình riêng (1992)
- Dạo chơi (1994)
- Hồi ký Sơn Nam (2005)
Sơn Nam chẳng những viết để sống, mà ông viết còn để tìm về cội nguồn, ông đã bỏ công đi đó, đì đây khắp đất nước ta, cuốc bộ quanh vùng Sàigòn, Chợ Lớn, Gia Định để ghi dấu người xưa, để rong chơi tuổi già. Văn nghiệp của Sơn Nam đã làm nổi bật đất nước vùng cực Nam, từ ngữ rặc giọng miền Nam, về hai điểm này, ông hơn hẳn các nhà văn lớp trước như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân.
Khởi thảo 1982
Bổ khuyết 2011
No comments:
Post a Comment