Khi còn ở
nước ngoài, tôi đã biết tin hai hàng cây dầu lâu năm chạy dọc theo đại lộ Lê Lợi
từ trước Nhà hát Tây, hay Hạ Nghị Viện đã bị đốn bỏ, cũng như hồ nước và những
cây liễu ở giao lộ Lê Lợi-Nguyễn Huệ
cũng bị phá bỏ, để xây dựng nhà ga cho xe điện ngầm chạy từ trung tâm Sàigòn đến
khu giải trí Suối Tiên, gần Biên Hòa.
Thương
xá Tax cũng bị phá bỏ để xây dựng mới,
cho nên đường Lê Lợi bị rào cản từ đường Pasteur, đường Nguyễn Huệ bị rào lại
suốt từ UBNDTP (Toà Đô Chánh cũ) cho đến tận đường Bạch Đằng nay là đường Tôn Đức
Thắng, để cải tạo làm đường đi bộ vào ban đêm, công trình này sẽ hoàn thành vào
tháng 3 năm 2015.
Do đó, trên đường Nguyễn Huệ không thể chạy xe hơi, xe gắn máy,
xe đạp hay nguời đi bộ có thể dùng vĩa hè để lưu thông khi cần thiết.
Để chống
ngập ở thành phố, trên đường Tháp Mười chạy ngang chợ Bình Tây, đường Kinh Dương
Vương (Hùng Vương cũ) chạy từ vòng xoay Phú Lâm đến mũi tàu Phú Lâm đường đấp
cao lên từ nửa thước đến 1 thước, như thế đường sẽ không bị ngập nước, làm như
vậy nhà hai bên đường sẽ bị ngập nước. Trên những con đường này, muốn tránh ngập
nhà hai bên đường phải nâng nền lên cho bằng hay cao hơn mặt đường, như thế nhà
sẽ không ngập, đường rồi sẽ bị ngập. Đó là cái vòng lẫn quẫn chống ngập ở Sàigòn
vì nhà cửa ngày nay xây dựng nhiều, những ao hồ đã bị san lấp, không còn chỗ chứa
nước khi gặp cơn mưa lớn, để rồi từ từ nước theo các kênh, rạch tự nhiên chảy
ra sông.
Sàigòn vốn
có nạn kẹt xe, từ Phú Lâm ra Sàigòn hoặc dùng cầu Phú Lâm, hoặc dùng cầu Hậu
Giang, nay cầu Phú Lâm đã đóng để xây dựng lại, nó là hai chiếc cầu, mỗi cầu có
2 làn xe chạy, đáng lẽ đóng 1 cầu để xe chạy 1 cầu, nay đóng cả 2 cầu, xe dồn vào
cầu Hậu Giang, làm cho ngã tư Hậu Giang và Minh Phụng thường kẹt xe, nhất là nạn
kẹt xe vào giờ cao điểm.
Dân số Sàigòn
vào đầu thế kỷ 20 có khoảng 120 ngàn người. Năm 1975, có 3.498.120 người, năm
2012, dân số đạt 7.750.900 người, trong đó có 6.433.200 người ở thành phố, số còn
lại ở nông thôn. Đến tháng 9 năm 2011, toàn thành phố có 480.473 xe hơi,
4.883.753 xe gắn máy. Như thế tính bổ đồng cứ 15 người có 10 người dùng xe gắn
máy làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Số còn ại đi xe hơi hay xe bus. Xe bus
rẽ tiền, nhưng ít có người đi.
Đời sống ở
Sàigòn thấy nhộn nhịp, chen chúc, nhưng thật ra, mặt khác những quán cà phê vẫn
có nhiều người nhàn nhã nhấm nháp từng ngụm cà phê, nhìn khách bộ hành qua lại.
Nam thanh
nữ tú vẫn có những chỗ hẹn hò ở bờ sông, ở quanh nhà hát thành phố.
Để giao dịch,
giao lưu, thư giản sau giờ làm việc, người Sàigòn thường gặp nhau ở những quán nhậu. Theo báo chí, mỗi
năm người Việt tiêu thụ 3 tỉ lít bia, bình quân mỗi ngưòi tiêu thụ 30 lít bia năm,
đứng hàng thứ nhất ở Asean, hàng thứ ba ở Châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Những hình
ảnh Sàigòn xưa, chỉ còn trong kỷ niệm. Do đó có ai hoài niệm về Sàigòn, khó có
thể tìm thấy những hình ảnh xưa, nếu có chỉ còn lại ngôi chợ Bến Thành, thời
gian còn động lại ở những mái che, những phù điêu tượng trưng cho chợ cá, chợ
trái cây và ngọn tháp đồng hồ bốn mặt.
Sàigòn mỗi
thời mỗi khác, chỉ thích hợp cho mỗi độ tuổi nào khi hoài niệm về Sàigòn xưa.
Trong tôi, luôn hoài niệm về một Sàigòn của 5, 60 năm trước mọi người nhàn nhã
hơn nay, nó đã bị đẩy lùi vào dĩ vảng.
Sàigòn,
10-11-2014
No comments:
Post a Comment