Pages

Monday, March 6, 2017

Xuân lại về



Tôi về đến Louisville vào ban đêm 1-3-2017, con trai và con gái chúng tôi đón ở phi trường, con trai tôi chạy xe trên xa lộ, nên không thấy vài dấu hiệu xuân sắp về. Nhìn hai bên đường vẫn còn thấy cây trụi lá, trơ cành.

Hôm sau, con gái đưa mẹ đi nhà hàng ăn sinh nhật, tôi được ăn theo, khi xe rời khỏi nhà một đoạn đường, tôi nhác trông thấy bên đường một cây trổ đầy hoa trắng, tôi không kịp nhận ra là hoa chi, một lúc sau lại thấy lưa thưa vài cây hoa trắng, nhìn kỷ đó là cây hoa Đào trắng. Thường thì cây hoa trắng nầy thuộc loại hoa dại, nghĩa là không ai trồng, nó tự mọc.

Ở Mỹ, hoa Anh Đào được nói tới nhiều nhất là Lễ Hội Hoa Anh Đào hàng năm ở Washington DC, hoa nầy có gốc tích như sau: 

Hoa Anh Đào tại Washington DC bắt đầu từ năm 1909, do lòng yêu hoa của bà Helen Staft, phu nhân của tổng thống đương nhiệm William H Staft hồi bấy giờ.

Nhân trong một chuyến sang Nhật, bà được xem dân chúng Nhật đổ về Tokyo xem hoa Anh Đào một cách say mê. Bà nghĩ rằng lòng yêu hoa của người Nhật trong mùa hoa đào nở là nguồn hứng của những tao nhân ghi lại cái đẹp của đời sống đang trôi qua. Bà ngỏ ý muốn mua hoa về trồng.

Năm 1909, qua ngả ngoại giao, ông thị trưởng thành phố Tokyo gửi sang tặng chính phủ Hoa Kỳ hơn 2,000 cây giống, nhưng có sâu phải bỏ hết. Đến năm 1912 thị trưởng Tokyo là Yukio Ozaki trao tặng thành phố Washington DC 3,000 cây Anh Đào, sau khi ươm trồng cẩn thận thành công.

Món quà này nhằm bồi đấp tình thân hữu giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản và tiếp tục kết chặt mối dây liên kết giữa hai dân tộc. Một buổi lễ đơn giản diễn ra vào ngày 27 tháng 3, 1912, có sự hiện diện của Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ là bà Helen Herron Taft và bà Viscountess Chinda phu nhân của Ðại Sứ Nhật, hai người đã trồng hai cây Anh Đào đầu tiên tại bờ phía Bắc hồ Tidal Basin trong công viên West Potomac Park. Số hoa Anh Đào được trồng chủ yếu ở thủ đô Washington D.C, tập trung ở bờ tả ngạn sông Potomac, quanh hồ Tidal Basin, khu tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln và công viên bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. 


Năm 1915, Hoa Kỳ đáp lễ trao tặng nhân dân Nhật những cây hoa Dogwood.

Năm 1935, Lễ Hội Hoa Anh Ðào đầu tiên được tổ chức do sự tài trợ của những hội đoàn dân sự tại vùng thủ đô.


Vào năm 1965, Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ là Lady Bird Johnson tiếp nhận thêm 3,800 cây hoa anh đào nữa. Một chuyện khá lý thú là vào năm 1981 một nhóm nhà cây cảnh Nhật lại đến hồ Tidal Basin chiết nhánh những cây anh đào ở đây mang về Nhật để trồng lại thay thế cho những cây anh đào Yoshino bị lũ lụt tàn phá. "Bánh ít đi bánh quy lại," năm 1999 vườn hoa anh đào bên hồ Tidal Basin được trùng tu để thay thế những cây già cỗi bằng những cây mới được chiết từ rừng anh đào nổi tiếng hơn 1,500 năm tại tỉnh Gifu bên Nhật. Những sự kiện này một lần nữa cho thấy cây anh đào giữ vai trò sứ giả trong bang giao giữa hai nước Mỹ Nhật.


Trong khu vực Jefferson Mall, cách nhà tôi chừng 2 cây số, trồng nhiều cây Anh Đào trắng, hầu hết đều trổ hoa.


Cách nhà tôi chừng một blốc, một khu đất khoảng 5 mẫu cắm bảng bán đã lâu năm, nhưng chẳng có ai mua, cho nên bị bỏ hoang, nhiều cây đào trắng mọc hoang ở đây cũng đang trổ hoa.

Hôm nay có việc đi ra ngoài, khi trở về mới thấy cây Magnolia trước sân, hoa màu tím đang bắt đầu hé nở, báo hiệu mùa xuân đang từ từ về tới. 


Mặc dù mùa Xuân ở đây không có Tết rộn ràng như ở Việt Nam, nhưng nói đến hoa đào, làm cho nhiều người tưởng nhớ tới nếp xưa, thơ gợi cảm của thi sĩ Vũ Đình Liên:

Ông Đ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay"

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

 

1936
Đăng trên báo Tinh hoa
.
966406032017



No comments:

Post a Comment