Pages

Thursday, September 14, 2017

Thầy tôi



Tục ngữ chúng ta có câu:

Không Thầy đố mầy làm nên.

Lại có câu:

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.

Nay tôi đã sống quá “60 năm cuộc đời”, đến giữa cái tuổi “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”, tôi muốn ghi lại những vị Thầy của tôi.

Người Thầy đầu tiên tôi muốn nói đến, đó là Thầy dạy vở lòng cho tôi ở ngôi trường có tên là “Ecole de Bình Mỹ”, thuộc quận Châu Thành tỉnh Châu Đốc ngày xưa, tôi sinh ra ở làng Bình Thủy nằm trên cù lao Năng Gù, gần nhà có trường Bình Thủy, nhưng tôi lại theo người chú sang làng bên kia sông học, vì chú tôi làm Trưởng giáo ở đó. Tôi học Cours Élémentaire do Thầy Lê Văn Thọ dạy.

Thầy Lê Văn Thọ người Tân An, không biết thầy dạy ở trường đó lúc nào, nhưng năm tôi đi học, thì học chung với con trai đầu lòng của thầy là Lê Văn Khải, tôi không nhớ được năm đó là năm nào, nhưng tôi học được nửa chừng thì chú tôi, thầy tôi bỏ trường về dạy tại tỉnh lỵ Châu Đốc, tôi nhớ có lính Nhật Bổn đi tàu đến ngụ tại trường vài hôm. Như vậy, năm đó là năm 1945, tôi được đi học rất sớm.

Về sau, tôi lên Châu Đốc học thì thầy Lê Văn Thọ dạy tại đây, nhưng tôi không có học với Thầy, sau nầy tôi lên Sàigòn học, thầy đổi về Sàigòn làm ở Phòng Khảo thí của Nha Kỹ Thuật Học Vụ. Vì Thầy và chú tôi dạy chung trường trong nhiều năm, nên Thầy xem gia đình tôi như thân thuộc, do vậy thỉnh thoảng tôi vẫn tới nhà thăm thầy, có lần tôi đi thăm và chụp ảnh chung với Thầy và Khải ở nhà Thầy, tại chợ Tân Quy ở quận 7, Sàigòn. Thầy đã mất vài năm trước, thọ khoảng 90 tuổi.

Thầy Lê Văn Thọ, tôi, Lê Văn Khải

Sau Nhật đảo chánh Tây, ngày Nam Bộ kháng chiến, các trường ở nhà quê đóng cửa vì không có thầy dạy. Rồi vài năm sau, trường Bình Thủy gần nhà, anh tôi với người bạn mở lớp dạy tư vài tháng, sau đó cả hai bỏ đi lên Sàigòn lập nghiệp, một thời gian sau có chú Hai, lấy trường mở lớp dạy tư, tôi được gia đình cho đi học lại. Chú Hai có tên là Nguyễn Hoa Hẩu, là con của ông Nguyễn Bá Thế vốn là thầy giáo tỉnh Sa Đéc, rồi đổi về trường tỉnh Long Xuyên, nghỉ hưu trước 1945.

Tôi không gọi chú Hai là Thầy mà gọi chú vì cha tôi với chú Hai là cháu gọi ông Phủ Nguyễn Hà Thanh là ông cố, nhà chú và nhà tôi vài năm trước đó chỉ cách nhau một căn nhà khác. Tôi học với chú Hai lớp học tư, năm 1950 tôi đi xuống tỉnh dự thi và đỗ bằng Sơ Đẳng Tiểu Học. Thời gian đó tại tỉnh lỵ Long Xuyên có Trường Nam và Trường Nữ, Trung Học Thoại Ngọc Hầu đã có, nhưng chưa xây cất mặt tiền ở đường Gia Long, nơi đây còn các mương lục bình.


Niên học 1950-1951, chú Hai được nhập ngạch Giáo viên, Ty Tiểu Học Long Xuyên bổ thêm một Giáo viên nữa về dạy, tôi được đi học tiếp để chờ gia đình có điều kiện cho tôi xuống tỉnh học.

Cuối năm đó, chú Hai kêu thợ đến chụp tấm ảnh lưu niệm 2 lớp học, chú Hai mặc áo tay dài, thầy Chín mặc áo tay ngắn. Tôi ngồi gần chú Hai, sau lưng chú Hai và tôi là anh Quan, con trai thầy Chín, dưới tôi là cô So con gái út của thầy Chín.


Vì nhà nghèo lại thời buổi chiến tranh, nên năm 1954 tôi mới được lên Châu Đốc học tại Trường Nam tỉnh lỵ. Tôi học lớp Nhì H do thầy Lê Quang Điện dạy, trong lớp có Lê Quang Nảng là con của Thầy, thầy Điện đã huấn luyện cho tôi để cùng với trò Thu bắt nhịp hát bài quốc ca mỗi buổi chào cờ, khi lớp chúng tôi trực.

Năm sau lên lớp Nhất E, tôi học với thầy Châu Văn Tính, trong lớp có con của Thầy là Châu Minh Quyền, con của chú tôi là Huỳnh Bảo Toàn, con của thầy Thọ là Lê Văn Khá, em của Tỉnh Trưởng là Nguyễn Văn Quang cùng học chung lớp nầy. 


Thầy Châu Văn Tính có người con đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc, được lấy tên đặt cho trại lực lượng đặc biệt Châu Minh Kiến nằm trên đường Trần Quốc Toản, gần trường đua ngựa, Thầy dạy học sinh rất giỏi, năm đó tôi đứng hạng nhứt trong lớp, thi đỗ vào Trung học Thủ Khoa Nghĩa hạng 51, còn Nguyễn Văn Bé đứng hạng nhì thi đỗ thủ khoa, tôi được thưởng một chuyến trại hè toàn quốc 3 tuần ở Vũng Tàu. 

Trại Hè Vũng Tàu năm 1956

Thầy Châu Văn Tính về sau làm Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu học, rồi Thanh Tra hàng tỉnh ở Châu đốc. Sau khi nghỉ hưu, thầy cùng gia đình về sống trong cư xá Lữ Gia, Phú Thọ, Sàigòn.

Xem tiếp:

 http://huynhaitong.blogspot.com/2017/10/thay-toi-2.html

8664140917


No comments:

Post a Comment