Pages

Sunday, July 14, 2019

Văn chẳng ôn


Trong tháng 4 vừa qua, chúng tôi có một chuyến đi Huế, ngày sau cùng có đi tham quan cầu ngói Thanh Toàn, nơi đây tôi có mua một bình trà độc ẩm, mấy người cùng đi trong đoàn thấy đẹp muốn mua, chủ cửa hàng nhớ còn 1 bộ nữa, nhưng tìm mãi không ra, họ đành mua một bộ khác cũng độc ẩm, nhưng hình dạng không được đẹp bằng.

Bộ bình trà gồm có một bình, một cái bàn và 5 cái chén hạt mít, được sản xuất tại Hải Dương, tráng men màu xanh dương đậm, với những hình vẽ hoa lá cành và một bài thơ ngũ ngôn tứ cú.


Thoạt tiên tôi chỉ đọc được vài chữ trong bài thơ như chữ dạ, chữ bất, chữ tam tôi nghĩ đó là bài thơ cổ, để khi nào rảnh sẽ tìm xem bài thơ ấy tả cảnh, tả tình như thế nào. Tôi nghĩ mình thật tệ, không phải vì lên lão mà quên hết những chữ Nho đã học, tôi đã học chữ Hán với Trần Mộng Nam tại chùa Ấn Quang do nhà văn Hồ Hữu Tường tổ chức, trong lớp học nầy có cô con gái ông ta cũng học, rồi tôi học ở Đại học Vạn Hạnh từ năm 1964 với các giáo sư Phan Hồng Lạc, Huỳnh Minh Đức, Trần Trọng San, nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần Đức Rật, bà Khưu Thị Huệ nào là Cổ văn nào là Bạch Thoại, lại còn học cả chữ Nôm với giáo sư Bửu Cầm. Vậy mà bài thơ 20 chữ, tôi chỉ đọc được có vài ba chữ.


Nhớ năm ngoái đi tham quan Sapa, cậu tài xế tên Cường đưa chúng tôi tới đĩnh đèo Ô Quy Hồ, cậu ta đưa chúng tôi tới một cái quán quen, chị chủ quán người Kinh, có chồng người H’mông. Khi chúng tôi đến chỉ có chị chủ quán tiếp khách, còn anh chồng đi phụ với người khác để cất mấy cái quán lá gần đó. Cường giới thiệu cho chúng tôi ăn cơm Nam và mua 1 gói lá chè ngọt.

Khi về lại Khách sạn, Cường hướng dẫn tôi sang bên kia đường, giới thiệu cho tôi mua nụ hoa Tam Thất, trị tiểu đường, mát gan. Thấy Cường đã đưa tôi đi chơi ngoài chương trình Tour, nên tôi cũng mua 2 lạng cho Cường vui lòng.

Nhân có bình trà độc ẩm Hải Dương, lại có nụ Tam Thất tôi muốn pha uống thử, khi lấy bộ bình trà, tôi mới tò mò đọc chữ Hán trên cái bàn, câu chót tôi đọc được “Lương y bất đáo gia”. Từ đó tôi nhớ ra bài thơ nầy quen quen, hình như có đọc ở đâu đó, vài phút sau tôi mò mẫm đọc được cả bài thơ:

Bình minh sổ trản trà,
Bán dạ tam bôi tửu,
Mỗi nhật cứ như thử,
Lương y bất đáo gia.


Tôi lên mạng kiểm tra lại, để xem có chữ nào sai không và có ai diễn dịch bài thơ ấy ra sao, tôi tìm thấy có người dẫn bài thơ ấy từ truyện ngắn Chén Trà Trong Sương Sớm trong Vang Bóng Một Thời  của nhà văn Nguyễn Tuân.

“Sớm nào vậy, cụ cũng ngâm một vài bài thơ. Giọng thật ấm, thật trong. Cụ hay ngâm mấy câu này:
    
     Bán dạ tam bôi tửu.
     Bình minh sổ chản trà.
     Mỗi nhật cứ như thử.
     Lương y bất đảo gia.
 
Một buổi sớm, thấy rõ lòng thầy là vui vẻ, tôi đã mạn phép đọc để cụ Ðốc chữa cho bài diễn nôm:
    
     Mai sớm một tuần trà.
     Canh khuya dăm chén rượu.
     Mỗi ngày mỗi được thế,
     Thầy thuốc xa nhà ta.
                                 
Cụ Ðốc tạm cho là được.”

Bản diễn Nôm đó phù hợp với bài thơ trên bộ trà hơn, có thể đó mới là bài thơ chính thức, được lưu truyền, nhưng đã bị đão lộn câu 1 và 2. Nó không phải là cổ thi, chỉ là bài thơ dân gian vì không biết tác giả. Có người cho đó là thơ của giới Lương y, khuyên người ta sống có điều độ như sau:

Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà
Nhất nguyệt dâm nhất độ
Lương y bất đáo gia

Hoặc:

Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh nhất trản trà,
Thất nhật dâm nhất độ,
Lương y bất đáo gia.

Theo ông Đỗ Tất Lợi (1919-2008) cho biết trong Minh Tâm Bửu Giám của Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) in năm 1891 chỉ có 2 câu:

Lục nguyệt dâm nhất độ,
Lương y bất đáo gia.

Theo ông Đỗ Tiến Bảng ngụ tại 76 Quang Trung, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết do bài thơ được giới thiệu tác giả là Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác trong trang thơ giới thiệu những câu thơ hay đã được tuyển chọn trưng bày tại cuộc triễn lãm “Trà và Thi ca” Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam năm 2015. Ông Bảng đã tra nhiều sách của Hải Thượng Lãn Ông, đều không thấy có bài thơ trên. Cho nên chúng ta tạm kết luận đó là bài thơ cổ được lưu truyên và do đó nó có những dị bản.

Biết rằng bài viết của tôi chẳng hay, chẳng giá trị nhiều, nhưng tôi muốn viết để cho bộ óc làm việc thường xuyên, tránh bị bệnh lãng quên.
866414072019






No comments:

Post a Comment