Hồ Văn Hảo cũng là tên thật: sinh ngày 14 tháng 2 năm 1917
tại làng Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc nay là
tỉnh Đồng Tháp. Ông bắt đầu làm thơ từ 13 tuổi và chính thức góp mặt trên thi
đàn năm 1933, trong khi còn ở ghế nhà trường Trung học Mỹ Tho, nhờ sự khuyến
khích và chỉ dẫn của Giáo sư Việt Văn Trần Văn Hương, ông đã sáng tác văn chương.
Hồ Văn Hảo hưởng ứng bài Tình già của Phan
Khôi bằng một loạt bài thơ mới, hoàn toàn mới về nội dung lẫn
hình thức, đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1933.
Hai bài thơ đầu của Hồ Văn Hảo, Tự tình với trăng và Con
nhà thất nghiệp, được nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh) đem
trình bày và phân tích trong một buổi diển thuyết sôi nổi tại nhà Hội Khuyến
học Nam Kỳ.
Năm 1934, ông đỗ bằng Thành Chung, đồng thời chiếm giải
nhất cuộc thi thơ bằng Pháp văn do Nha Học Chánh Nam Kỳ tổ chức. Năm 1935, cộng
tác với Cao Văn Chánh tục bản tờ Phụ Nữ Tân Văn, nhưng ít lâu sau
báo bị đóng cửa, chấm dứt ở số 273, 21.4.1935, vì những bài đã kích và châm biến
Phạm Quỳnh, lúc bấy giờ là Thượng thư ở triều đình Huế. Năm 1936, đỗ Thủ khoa
Kế toán Phòng Thương Mại Sài Gòn, giúp việc tại Đông Dương Ngân Hàng từ đó đến
năm 1945.
Năm 1945, ông tham gia kháng chiến và bị Pháp bắt giam ngày
23-9-1945. Năm 1948, lại bị sở Mật thám quản thúc tại Cam Bốt.
Năm 1950, xuất bản tập Thơ Ý. Từ đó về sau
sống với nghề kế toán.
Năm 1968, Hồ Văn Hảo sống ẩn dật ở đồng quê, vùng Chợ Lách tỉnh
Vĩnh Long.
Sau đó, ông làm Phó giám đốc công ty Xi Măng Hà Tiên. Sau
tiếp thu, ông làm Tổng giám đốc hãng dệt Vinatexco ở Biên Hòa nay là tỉnh Đồng
Nai. Thời gian nầy, nhà ông ở gần rạp hát Kinh Đô, đường Hai Bà
Trưng, Tân Định, Sài Gòn. Sau dời về Quận Bình Thạnh, đường Hoàng Hoa Thám, Sài
Gòn.
Trong lúc đang ở Sài Gòn, ông về quê Chợ Lách mua đất rộng
làm vườn và có thuê người ở chăm sóc, ông lên xuống giữa Sài Gòn và Chợ Lách.
Thời gian này là lúc cuộc sống của ông khá sung túc, đi lại có xe với tài
xế.
Sau đó ông
về hưu, rồi sống luôn nơi Chợ Lách, có thời gian rất khó khăn về vật
chất và bệnh qua đời tại đây ngày 22 tháng 12, năm 1985, tại Ấp Đại An, xã Đại
Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, thọ.68 tuổi.
Ngoài làm thơ, viết
phê bình, Hồ Văn Hảo còn biết đàn, thổi sáo.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thiện (1920-2003), quê Mỹ Tho. Nhà thơ
Hồ Văn Hảo có bảy anh chị em và sáu người con (Hồ Hải Tâm, Hồ Hải Thanh, Hồ
Liên Hương, Hồ Thanh Sơn, Hồ Hải Lượng, Hồ Hải Minh). Cháu nội Hồ Văn Hảo là Hồ
Hải Trí hiện sống ở Chợ Lách, Bến Tre cũng biết làm thơ như ông.
(Tạp chí Xưa và Nay số
486, tháng 8-2017)
Trích thơ:
Bị đày
Trời đã
bắt xuống trần làm thi sĩ,
Lại đầy tôi vào khoảng đất khô khan,
Thu không về, mà xuân cũng dở dang,
Đông kém rét; chỉ thấy toàn Mưa, Nắng
Nắng rất thấp nên hồn tôi trũi nặng
Mưa dầm dề, ngày đỗi thê lương.
Người lạ chi khi thấy kẻ bên đường
Đi thơ thẩn lượm từng cảm hứng?
Ấy là lúc ánh dương vừa chín ửng,
Một buổi mai, bừng dậy tiếng chim ca;
Gió ngọt ngào phơn phớt rợn làn da;
Tôi ngây ngất nhìn trời qua kẽ lá.
Nghĩ tội nghiệp cho linh hồn xa lạ
Buồn ly hương, cố níu phút giây vàng!
Ca hát mau, kẻo giờ thắm tiêu tan.
Chiều sẽ đến, âm u và chán nản.
Và đêm nữa, sao lạnh lùng vô hạn.
Chẳng làm say mạnh mẽ giác quan ta?
Nằm trong người, ta lặng giữa canh gà
Lời huyền bí của lòng ta thỏ thẻ.
Sao ít thế, và sao hờ hững thế?
Tim nồng nàn đem gởi chốn thờ ơ!
Kể làm chi người đẹp nói trong thơ;
Nàng cũng vậy, vô tình và phản trác,
Người trong mộng tạo ra vài khoảng khắc
Để mà nguôi quạnh quẽ của thời xuân.
Đau đớn thây cho kẻ lạc vườn trần,
Nhìn ngơ ngác, than ôi! đời tẻ lạnh.
Chim còn nhỏ, ai nỡ vanh cánh,
Khiến ngăn đôi hồn rộng với không gian.
26-3-1944
In trong Thơ Ý (1950, tác giả tự xuất bản).
Có lẽ nào?
Qua cửa
sổ, gió lùa bao sinh khí,
Lá và hoa cợt với nắng hanh vàng;
Chim trên cành vui cất tiếng ca vang;
Không khí hợp chất gì trong trẻo quá.
Nay là phút lòng tôi chia đôi ngã,
Bên thì nghe tiếng gọi của Tử thần,
Bên gượng cười nấn ná cảnh trời xuân;
Hoa trong lọ sắp tàn cũng còn ráng nở.
Chết giữa lúc ngày xanh còn rực rỡ!
Chết khi lời chưa trút cạn tâm can,
Của ái ân chưa cạn một cung đàn,
Của da thịt chưa nếm mùi hương phấn!
Có lẽ nào? Trong không gian vô tận,
Khi lòng trinh hé nụ với hoa đào,
Khi muôn tim hoà khúc nhạc tiêu đạo.
Muôn lá phổi thắm nhuần qua gió rộng,
Tôi cam chịu nghìn năm không cử động,
Mồ con còn ghi thân lớn, lẻ loi,
Da thắm tươi sẽ lúc nhúc rơi đói?
Cả vũ trụ tiêu tan còn chi nữa!
Người chớ bảo: Chết là buôn hết nợ,
Linh hồn sang một thế giới thần tiên;
Quá tham lam, đòi hạnh phúc nhãn tiền.
Tôi nâng chén thời gian chưa muốn cạn.
Tôi là kẻ đắm thuyền còm ômváng,
Sợ mặt trời tắt hẳn trên đầu tôi;
Sắp xa đời, tôi lại thấy yêu đời.
12-1934
In trong Thơ Ý (1950, tác giả tự xuất bản).
Con nhà thất nghiệp
Ngọn đèn
leo lét,
Xác xơ một nóc nhà tranh;
Trên chiếu tan tành
Một trẻ thơ nằm im, xanh mét…
Ngoài, trời mưa xào xạc,
Gió tạt
Vào vách thưa
Mấy hạt mưa
Mảnh mùng tơi tan tác…
Lạnh lùng đứa bé
Cựa mình, cất tiếng ho ran,
Người mẹ vội vàng
Vuốt ve rằng: “Nín đi con nhé!
Cha con gần về tới,
Con ôi,
Nín đi nào!”
Dạ như bào,
Miệng cười, hàng lệ xối
Cánh cửa tre từ từ mở…
Một luồng gió lạnh chen vô,
Đèn vụt tắt; tối mò…
- Ai đó?
- Ai? Mình về đây!
Chút nữa đã bị còng;
Mới chen vào, họ la ăn trộm!
Nếu chân không chạy sớm
Mặt vợ con còn thấy chi mong!
Thôi! Bây giờ tiền đâu mua thuốc
Cho con; chết nỗi đi Trời!
Túng quá mới ra nghề nhơ nhuốc
Chắc mai đây nhịn đói lắm, mình ơi!
Hồi làm cu-li,
Đến mua, tiệm còn bán chịu;
Nay sở bị đuổi ra, thì
Một đồng điếu
Họ cũng bảo: đi!
Âm thầm, vợ đốt đèn dầu,
Ra chiều buồn bã.
Chồng quên lạnh dạ,
Ngồi thở ra, chắc lưỡi lắc đầu
Ngoài, vẫn mưa xào xạc,
Trong, đứa bé ho ran…
Ngọn đèn tàn,
Hết dầu nên lu lạt...
Nguồn: Phụ nữ tân văn, số 208, ngày 20-7-1933
Ngại ngùng
Gởi Th L.
Tim rạo rực những lời không giám ngỏ,
Ngại ngùng thay! Xa cách biết bao nhiêu!
Nhìn ngay ta, nầy đôi mắt yêu kiều!
Đừng e ấp, hỡi làn môi thắm đỏ!
Gió đông đến, tưng bừng chim gọi bạn:
Nắng vàng lên, rực rỡ bướm tìm hương.
Lòng cô dơn, như khách lạ qua đường,
Ta bước mãi trong chiều thu vô hạn.
7-12-1939
In trong Thơ Ý (1950, tác giả tự xuất bản).
Ngày xưa
Tựa chớp mắt,bỗng thoảng qua trí nhớ
- Ta đâu ngờ! – một kỷ niệm xa xôi,
Vừa êm tươi vừa vui sướng nhất đời,
Với tất cả mơ hồ trong rực rỡ
Một cãm giác như ru lòng tự ái.
Thơm như hoa và trong trẻo như thơ,
Đến hồn ta những lúc tình cờ,
Rồi vụt mất, không dấu gì lưu lại.
Ôi! trí nhớ của người, thô sơ quá!
Không tinh vi chạy bắt những ngày xưa
Mà từ đây ta chẳng gặp bao giờ,-
Để thêm hạn sự trầm ngâm vô gía.
23-5-1939
In trong Thơ Ý (1950, tác giả tự xuất bản).
Tình không
Khách lạ,
xin dừng bước lãng du!
Lòng ta mang nặng một trời thu;
Bâng khuâng htương nhớ gì xa vắng,
Ôm khói tình không đến bạc đầu.
Vì bởi vô duyên với phấn hương,
Đau thương đành rải gió trăng ngàn
Muôn năm sông núi còn u uất
Ngậm ý thơ buồn gởi bốn phương.
Tim ai thổn thức chốn xa xôi
Khi biết lòng ta, đã muộn rồi!
Có kẻ vô tình, trong khiển hứng,
Ngâm nga nhắc lại mấy vần thôi.
2-4-1943
In trong Thơ Ý (1950, tác giả tự xuất bản).
Tình thâm
Đêm đã
khuya, nhấp nhô sao trời thay bóng nguyệt;
Tàu con lướt sóng, xôn xao tiếng bủa ầm ầm.
Ngon giấc nồng, thêm cơn gió thoảng lạnh đêm thâm
Kẻ đắp chiếu, người trùm mền, nằm im la liệt.
Một làn sóng to ác nghiệt,
Từ từ đập táp vào hông;
Nghiêng… rồi ngã… chú tài công
La trời: “Uý! Mau mau chết!”
Người kịp thức, thấy mình giam vào trong bễ tối,
Giờ cuối cùng trông sao chớp, giã kiếp ngàn thu;
Kẻ dưới hầm hay nước phỏng, lung túng trong tù,
Chưa kịp thở, cũng không giây nào cho trăn trối,
Trong bể sống, một người đang lội,
Tay bồng con, tay nương vợ, chới với hụp trồi;
“Mình ơi, phải số nơi trời
Thì…” Làn sóng chẳng để người vợ nối:
Một búng máu hồng
Nhuộm trang phận bạc;
Tấm thân bèo dạt
Nghĩ khổ cho chồng.
“Mình ôi, ôm lấy trẻ thơ,
Thà em cam thác, còn giờ cứu con;
Chỉ lo cho trẻ vuông tròn…”
Im hơi lặng… từ từ chìm đáy nước,
Muốn kéo vợ, trông mình đã kiệt sức,
Rán nâng con lặn lội thẳng vào bờ.
Trông ra một dãi mịt mờ,
Xác người vô phúc dật dờ nơi nao?
Mấy hôm sau
Mặt rầu rầu,
Anh viếng mộ;
Ôi tình! Ôi nghĩa! Ôi nợ duyên ôi!
Cảm long em, anh dạ ngùi ngùi.
Gió chiều ù thổi,
Ấy hồn ta dung ruổi ngàn lau.
Đứa bé dàu dàu,
Trông tuồng ngơ ngẩn;
Dưới vuông khăn trắng,
Hai má ướt dầm…
Cô phần một nấm ngàn năm,
Rằng: đây có mảnh “tình thâm” chôn vùi!
Nguồn: Phụ nữ tân văn, số 210, ngày 3-8-1933
Thơ Hồ Văn Hảo dường như hội đủ các cung bậc cảm
xúc, cảm hứng và thần thái của Thơ mới; tạm gọi là những gặp gỡ, tương
đồng, hòa khí đồng thanh với thi sĩ thơ mới ở mọi miền đất nước. Đó là tinh
thần mơ mộng, niềm khát khao tuổi trẻ (nhất là ở hình ảnh con người ra đi), cái
tôi ủy mị và sầu tình; tất cả những điều này là ảnh hưởng hay hô ứng, thật khó
phân biệt. Thơ ông là một thư viện nhỏ nhắn nhưng phong phú của lớp thi nhân
trong “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” lớn lên giữa khí quyển Thơ mới.
No comments:
Post a Comment