Pages

Saturday, March 25, 2023

Thật là điều đáng trách.

 Hôm nay, xem như tôi đã hoàn thành tác phẩm Báo chí và Nhà văn Quốc ngữ thời sơ khởi. Trong thời gian gần đây để bổ túc và hoàn thành quyển sách, một hôm vô tình tôi vào một Thư mục Ảnh trong máy vi tính của tôi, bỗng tôi thấy có hình của Biến Ngũ Nhy mà từ lâu tôi đã cố đi tìm để vào trong sách của tác giả nầy, cũng như nhà văn Lê Hoằng Mưu. Mừng quá, tôi bắt đầu bổ túc hình ảnh cho quyển sách.

Rồi tiếp theo tôi tìm kiếm tài liệu về Đại-Việt Tập-Chí do Hội Khuyến-Học Long Xuyên ấn hành năm 1918, thế là tôi lên Mạng gõ tìm hình của Đại-Việt Tập-Chí, may mắn thay tìm được trên trang mạng Sách Việt và anh Bùi Hữu Hạnh đã vui lòng gửi cho tôi chẳng những 7 số Đại-Việt Tập-Chí do Hội Khuyến Học Long Xuyên ấn hành năm 1918 mà còn gửi thêm một số Đại-Việt Tập-Chí do ông Hồ Văn Trung tức nhà văn Hồ Biểu Chánh ấn hành năm 1942-1944 cùng với Nam Kỳ Tuần Báo.

 

 

Sau đó tôi lên Mạng tìm tài liệu về Nam-Kỳ Kinh-Tế Báo thì được thấy trên Facebook Trúc Bạch Thư Xã có bài viết về tuần báo nầy, tôi đã liên lạc và được Trang chủ Trúc Bạch Thư Xã là anh Tạ Thu Phong giúp scan cho tôi số báo 103 ấn hành ngày 16 tháng 12 năm 1922, gồm 8 trang trong có bài viết và mấy trang bìa, không scan những trang quảng cáo, vì theo anh cho biết báo có đến 20 trang.


Có điều tôi để ý thấy những trang báo của Nam-Kỳ Kinh-Tế Báo hay Nam Kỳ Địa Phận số trang đánh liên tục từ số báo nọ đến số báo kia.

Trong tờ Nhựt trình Nam Kỳ do Alfred Schreiner làm Giám Đốc, tôi không có hình ông nầy, lên mạng tìm chỉ thấy tiểu sử, nhờ một anh bạn ở Pháp tìm cũng không có hình, anh Tạ Thu Phong biết thế đã gửi cho tôi 2 tấm ảnh của ông Alfred Schreiner, trong 2 tấm nầy có tấm hình chụp lâu ngày bị phai màu không còn được rõ lắm.

Do việc giúp đỡ nầy, Chương kết, ở những dòng cuối cùng tôi đã bày tỏ lòng biết ơn đối với hai anh Bùi Hữu Hạnh và Tạ Thu Phong

 


Alfred Schreiner (1852-1911)

Ghi vài lời cám ơn hai anh đã giúp tôi, làm cho tôi nhớ lại vào năm 2006, khi đó tôi soạn quyển Văn Học Miền Nam từ 1623-1954, tôi đưa bài lên mạng về nhà văn Tân Dân Tử, nhưng không có hình, một độc giả trẻ đã gửi đến cho tôi tấm ảnh của nhà văn Tân Dân Tử tức Nguyễn Hữu Ngỡi, anh bạn trẻ nầy, lúc đó tôi không ghi lại họ tên, sau nầy nhiều lần nhớ lại người đã giúp mình, mà mình đã không quan tâm thật là đáng trách.

Tân Dân Tử - Nguyễn Hữu Ngỡi (1875-1955)

Chẳng những vậy, anh ta còn hỏi tôi có muốn anh ta chạy sang Gia Định sưu tập thêm vài tấm ảnh nữa không ? Tôi trả lời cám ơn và không cần them, vì không muốn làm phiền anh ta. Nay tôi còn nhớ mang máng anh bạn trẻ nầy ở gần khu Lăng Cha Cả, nay là chỗ cầu vượt Hoàng Văn Thụ.

Tôi cho rằng đó là điều đáng trách, mặc dù lúc đó tôi đã có Điện thư cám ơn anh ta. Cho nên lần nầy được sự giúp đỡ của 2 anh Bùi Hữu Hạnh và Tạ Thu Phong tôi không quên viết mấy dòng cám ơn trên sách.

Về tuần báo Nam Kỳ Địa Phận, tôi nghĩ khó tìm được tài liệu, nhưng khi lên Mạng, tôi tìm được ngay ở trang Mạng của Thư viện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm 37 số từ số 1 đến số 37 ấn hành trong năm thứ nhứt 1908-1909. Cám ơn quý vị chủ trương trang mạng nầy. Nhờ đó chúng ta có tài liệu về tờ báo nầy, biết rõ chẳng những nội dung tờ báo có cả đạo và đời.

Hình bìa trước tờ báo có hình Vương cung Thánh đường hay Nhà Thờ Đức Bà, có huy hiệu Tòa thánh, có chữ la-tinh, có chữ Pháp, chữ Nho, chữ Quốc ngữ, có ghi năm, số, ngày tháng dương lịch, ngày tháng âm lịch, giá tiền mỗi số là 0$06 và cả năm là 3$00

866425032023







No comments:

Post a Comment