Pages

Friday, January 20, 2023

Không tìm mà được

 

Cách nay khá lâu, khi tôi soạn bộ Văn Học Miền Nam 1823-1954, trong đó có phần viết về nhà văn Tân Dân Tử - Nguyễn Hữu Ngỡi (1857-1955), tại Thủ Đức Gia Định, lúc đó tôi đưa bài nầy lên Mạng, có một độc giả, lâu ngày tôi quên tên cũng như địa chỉ Điện thư của anh ta, tôi nhớ anh ta có cho biết cư ngụ gần Lăng Cha Cả, anh ta gửi cho tôi tấm ảnh của tác giả Tân Dân Tử, tôi rất vui vì bài mình viết có hình tác giả. Đây là tấm ảnh đầu tiên của nhà văn Tân Dân Tử được đưa lên Mạng. Anh nầy còn cho biết, tôi có cần thêm hình nữa không, nếu tôi cần, anh ta sẵn lòng đi sang Gia Định sưu tầm thêm. Tôi nghĩ là không cần, nên cám ơn anh ta, bây giờ mới thấy tiếc, tự hỏi sao lúc ấy không nhờ anh ta sưu tập thêm vài tấm hình để làm tài liệu!

Tân Dân Tử - Nguyễn Hữu Ngỡi (1875-1955)

Ấy là tấm ảnh đầu tiên tôi có đã đưa vào bài viết, sách của tôi và trên Mạng lúc bấy giờ khoảng cuối thập niên 1990 hay đầu thập niên 2000.

Hôm qua, tôi vào máy lục tìm hình chi đó, bổng dưng trong Thư mục của năm nào đó, hình như năm 2021 có hình của nhà văn Lê Hoằng Mưu, tác giả Hà Hương Phong Nguyệt bị nhà báo Nguyễn Háo Vĩnh phê bình là dâm thư.

Lê Hoằng Mưu (1879-1941)

Cũng từ lâu tôi không có ảnh của tác giả Biến Ngũ Nhy tức là Nguyễn Bính (1876-1973), là bác sĩ xuất thân từ Trường y Hà Nội năm 1910. Ông là tác giả những quyển sách:  - Kim Thời Dị Sử (Imp. Moderne L. Héloury S. Moutégout, 1921),  Biến Ngũ Nhy thi tập (tác giả xuất bản, 1967), Chủ nợ bất nhơn, - Phong tình bịnh chứng,  Nam nữ hôn nhân, Sanh dục vệ sinh.

Biến Ngũ Nhy - Nguyễn Bính (1886-1973)

Ngoài ra tự nhiên tôi thấy có bài viết về Lư Khê, Lư Khê được cho là Hà Tiên tứ tuyệt. Đó là Đông Hồ - Lâm Tuấn Phác (1906-1969), Mộng Tuyết – Thái Thị Úc (1914-2007) , Trúc Hà - Trần Thiêm Thới (1909-194X) và Lư Khê Trương Văn Em (1916-1950)

 
Lư Khê - Trương Văn Em (1926-1950)

Lư Khê tên thật là Trương Văn Em còn được gọi là Đệ, tên chữ là Tuấn Cảnh, bút hiệu là Bá Âm, Lư Khê; là nhà thơ, nhà báo Việt Nam thời tiền chiến.

Ông sinh ngày 20 tháng 1 năm 1916 (nhưng trong giấy khai sinh ghi là ngày 5 tháng 2 năm 1916, vì làm giấy trễ) tại làng Rạch Vược, xã Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình lao động nghèo. Thân sinh là ông Trương Văn Huynh (ngư dân) và bà Trần Thị Chín.

Thuở nhỏ, Trương Văn Em học tiểu học ở Hà Tiên, học trung học ở Cần Thơ (Collège de Cần Thơ), đậu bằng Thành chung năm 1928 rồi lên Sài Gòn lập nghiệp.

Ở Sài Gòn, ông dạy học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai...và cộng tác với các báo: Thế giới tân văn, Nữ lưu tuần báo, Văn nghệ, Tự do, Nay, Đông Tây, Gió mùa...

Năm 1935, ông cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà, cả bốn người đều được mệnh danh là "Hà Tiên tứ tuyệt", xuất bản tờ báo Sống ở Hà Tiên, nhưng phát hành ở Sài Gòn. Đây là một tờ báo thuộc loại sớm nhất ở miền Tây, và cũng là tờ báo tiến bộ nhất so với các báo khác thời đó.Trước đó có tờ An Hà Nhựt Báo phát hành tại Cần Thơ.

Trong môi trường văn học, ông yêu nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh và họ đã thành hôn.

Sau năm 1945, Lư Khê làm Chủ bút báo Tân Việt. Từ năm 1947-1950, ông làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm nhật báo Sự thật Ánh sáng. Lúc này, ông là người theo "chủ trương thống nhất và độc lập dân tộc, đồng thời đấu tranh chống thực dân Pháp".

Ngày 3 tháng 7 năm 1950, ông bị những kẻ lạ mặt (dư luận cho là nhóm báo phân ly của chính phủ Trần Văn Hữu) sát hại tại nhà riêng, cùng một ngày với nhà báo Nam Quốc Cang. Khi ấy, Lư Khê mới 34 tuổi.

Qua đây còn được biết thêm, ông và thi sĩ Manh Manh - Nguyễn Thị Kiêm con ông huyện Nguyễn Đình Trị đã thành hôn vào ngày 11-11-1937, sau đó nữ sĩ sinh con rồi con mất, bà bị tuyệt tự, nên đầu năm 1945 nữ sĩ bằng lòng cho Lư Khê bước thêm bước nữa với cô Nguyễn Thị Diêu. Còn nữ sĩ khoảng đầu năm 1950, qua Pháp sinh sống, rồi mất nơi nhà dưỡng lão vào ngày 26-1-2005, thọ 91 tuổi.

Manh Manh - Nguyễn Thị Kiêm (1914-2005)

Trong buổi nói chuyện về Thơ Mới ở Hội Khuyến Học Sài Gòn ngày 26 tháng 7, năm 1933, Thi sĩ Manh Manh đọc bài Thơ Mới của bà:

Canh tàn

Em ơi, em lắng nghe
Gió đêm thoảng ngoài cửa
Lụn tàn một góc lửa
Lạnh ngắt chốn buồng the.

Gió đêm thoáng qua cửa
Não dạ dế tỉ tê
Lạnh ngắt chốn buồng the
Em ơi, khêu chút lửa

Não dạ dế tỉ tê
Gió ru tha thiết chi nữa
Em ơi, khêu chút lửa
Rồi lại ngồi đây nghe

Gió ru tha thiết chi nữa
Sụt sùi mấy cành tre
Em ngồi đây có nghe
Tơ lòng chị đứt nửa.  

Đôi khi chúng ta cố tìm mà không được, nhưng có lúc không tìm lại được. tôi vội vàng đem những hình nầy vào sách của tôi để cho được đầy đủ hơn.

866420012023







No comments:

Post a Comment