Pages

Tuesday, January 24, 2023

Lư Khê

 

Lư Khê - Trương Văn Em (1926-1950)

Lư Khê tên thật là Trương Văn Em còn được gọi là Đệ, tên chữ là Tuấn Cảnh, bút hiệu là Bá ÂmLư Khê; là nhà thơ, nhà báo Việt Nam thời tiền chiến.

Ông sinh ngày 20 tháng 1 năm 1916 (nhưng trong giấy khai sinh ghi là ngày 5 tháng 2 năm 1916, vì làm giấy trễ) tại làng Rạch Vược, xã Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình lao động nghèo. Thân sinh là ông Trương Văn Huynh (ngư dân) và bà Trần Thị Chín.

Thuở nhỏ, Trương Văn Em học tiểu học ở Hà Tiên, học trung học ở Cần Thơ (Collège de Cần Thơ), đậu bằng Thành chung năm 1928 rồi lên Sài Gòn lập nghiệp.

Ở Sài Gòn, ông dạy học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai...và cộng tác với các báo: Thế giới tân văn, Nữ lưu tuần báo, Văn nghệ, Tự do, Nay, Đông Tây, Gió mùa...

Năm 1935, ông cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà, cả bốn người đều được mệnh danh là "Hà Tiên tứ tuyệt", xuất bản tờ báo Sống ở Hà Tiên, nhưng phát hành ở Sài Gòn. Đây là một tờ báo thuộc loại sớm nhất ở miền Tây, và cũng là tờ báo tiến bộ nhất so với các báo khác thời đó.Trước đó có tờ An Hà Nhựt Báo phát hành tại Cần Thơ.

Trong môi trường văn học, ông yêu nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, và rồi họ thành hôn vào ngày 11 tháng 11 năm 1937.

Sau năm 1945, Lư Khê làm Chủ bút báo Tân Việt. Từ năm 1947-1950, ông làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm nhật báo Sự thật Ánh sáng. Lúc này, ông là người theo "chủ trương thống nhất và độc lập dân tộc, đồng thời đấu tranh chống thực dân Pháp".

Đầu năm 1950, Lư Khê được hảng hàng không Air France của Pháp mời dự lễ khánh thành đường bay Paris – Sài Gòn tại thủ đô nước Pháp. Nhân dịp này, ông đặt in một bức ảnh màu bằng kỷ thuật offset, trong khi các báo khác tại Sài Gòn chỉ in typo như xưa. Cơ sở in là Imprimeries George Lang ở Paris, thuộc loại tiên tiến nhất của Pháp. Bức hình màu, cở thật lớn, vẽ cô thiếu nữ tuyệt đẹp.

Ấy là một cô gái thôn quê miền Nam tay ôm chiếc nón lá, vừa xinh lại vừa ngây thơ. Tác phẩm được ông Lư Khê thương lượng mua của tác giả họa sĩ Lê Trung, một họa sĩ thời thượng trong làng báo Sài Gòn lúc ấy.

Nhờ có sáng kiến độc đáo của Lư Khê, bức ảnh màu được in riêng, dán hờ trên bìa báo, một cách gợi ý độc giả có thể tháo rời ảnh để lộng khung, treo làm cảnh trong nhà, hoặc dùng như tác phẩm nghệ thuật hội họa hiếm có. Nhờ vậy, báo Ánh Sáng Xuân năm đó bán thật chạy.

 


Ngày 3 tháng 7 năm 1950, ông bị những kẻ lạ mặt (dư luận cho là nhóm báo phân ly của chính phủ Trần Văn Hữu) sát hại tại nhà riêng, cùng một ngày với nhà báo Nam Quốc Cang. Khi ấy, Lư Khê mới 34 tuổi.

 

Tác phẩm:

-  Douleur secrète (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Luk, 1939),
- Phút thoát trần (tập truyện ngắn và tùy bút, Nhà xuất bản Luk 1942)
- Nhạc đêm (tập thơ)
- La littérature Chinoise et ses ressources artistiques (tiểu luận)
- Khảo về văn chương nước Nhật
- L’ amour dans la poésie annamite (tiểu luận)
- Jour perdu (tiểu thuyết)
Au fil de l’heure (thơ)

Và rất nhiều bài phóng sự, lý sự, khảo luận thơ đăng trong các báo đã dẫn ở trên.

Trích thơ:

 

Thử em

(Tặng bạn yêu)

Một bức thư tình anh gửi em,
Hững hờ em chẳng giở ra xem.

Dẫu rằng em tuổi đang non trẻ,
Máu ái tình sôi nổi quả tim.

                  *

Nào phải đâu em nỡ phụ anh,
Vì “yêu” em mới hóa vồ tình.
Giữ lòng kín đáo em không thiết,
Đến cảnh chim cười, bướm lượn quanh.

                   *

Anh biết: yêu anh em giả ngơ,
Vì em đang lúc tuổi đào tơ.
Phải gìn, phải giữ e mang tiếng,
Cùng với anh là gái lẳng lơ,

                 *

Em nhé, nghe anh nhắc nhủ đây,
Cười cô thiếu nữ quá thơ ngây.
Mãi lo dè dặt mà quên nghĩ,
Rằng bức thư tình ta thử ai ?

                 *

Em có yêu anh thì chớ trách,
Vì yêu ta phải rõ lòng nhau.
Nhưng em nào biết trong thơ ấy,
Giấy trắng tình anh muốn giữ cao.

                  *

Có thế thì anh mới biết thêm,
“Tình yêu” em còn vẫn êm đềm.
Dẫu cơn gió vụt, bao nghiêng ngữa,
Anh chỉ để long, anh luyến em.

Trích từ Thế Giới Tân Văn số 5 ngày 7-8-1936


Trích văn:

Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc

…….
Vừa bước chân lên bờ, một cái mùi đặc biệt, rất đặc biệt từng bừng mơn trớn chào đón tôi. Cái mùi như giục tôi không thể nào trì huỡn công việc điều tra lại nhiều ngày trên đảo Phú Quốc được (…).

Sáng hôm sau …

Ngoài trời mưa rơi lấm tấm.

Vừa mới bước chân vô tới sân, tôi đã thấy bóng ông chủ nhà thấp thoáng ở gian giữa. Trong lòng tôi đã cảm thấy vui vui, vì cái công mình chẳng đến đổi hoài như hôm qua nữa! Thấy tôi ngài mĩm cười nói:

- Mời ông vô ngồi đây! Chiều hôm qua trong người tôi thấy bản than khó chịu, nên không giữ được lời hẹn với ông.

Rồi mĩm cười ông tiếp:

- Ông muốn hỏi điều nào trước ?


Cách làm nước mắm


Nguyên liệu làm nước mắm là cá.

- Nhờ ông cho biết người ta đánh cá vào mùa nào ?

- Ở đây từ tháng 7 sắp lên tới tháng 11 là mùa nhiều cá, và cá mùa ấy thời tốt nhất. Người ta gọi đó là “mùa cá”. Từ tháng chạp tới tháng ba, tháng tư cá ít lắm, mà dầu có cũng rất xấu vì trái mùa rồi.

- Thường người ta đánh cá ở lối nào ?

- Họ cũng đánh theo nội “mặt ngoài” hòn Phú Quốc nầy thôi chớ không có đi đâu xa, vì thế mỗi năm tới mùa thì tự nhiên cá áp vào. Mấy năm nay cá “thưa” quá, chớ lần trước mỗi lần đầy ghe, làm nước mắm không hết, còn phải bán cho mấy chỗ khác mua lại.

- Những ghe mua cá, thường ở đâu lại ?

- Ở tận ngoài Trung kỳ vào.

- Những người đánh cá, họ phải có cái đặc biệt gì mới được ?

- Cái đặc biệt của họ là sự mạo hiểm. Không phải mạo hiểm như anh Nhật Bản, nhưng đối với người mình cng tạm gọi là mạo hiểm. Ở giữ vời gặp chỗ nào có cá, bao lưới rồi nhảy xuống nước không ngần ngại gì cả.

Ngoài ra, họ còn có tài riêng là cái tài “coi cá”. Ở xa nếu có bầy cá đi, là họ sẽ nhận biết liền.

- Đó cũng là nhờ cái nghề luyện cho họ được như vậy. Và, thưa ông, công việc làm của họ cực nhọc như thế mà họ có yêu nghề của họ không ?

- Nếu ở đây mà không yêu cũng phải yêu, vì một người tầm thường nếu ngoài nghề lưới ra, thì có nghề gì khác để nuôi họ sống một cách đầy đủ và hạnh phúc hơn.

- Ngoài nầy ngưòi ta làm nước mắm thường dùng cá chi ?

- Thường là cá “cơm”. Nhưng riêng là cá “cơm” chớ trong ấy chia ra làm bốn năm thứ khác nhau, như cá “cơm thang”, “sọc tiêu”, “sọc phấn”, “sọc trắng” và “ba loài”.

- Nếu phân chia ra như vậy, thì trong ấy, có thứ hơn, thứ kém nhau về nước mắm chớ ?

- Phải! Có lắm! Cá “cơm thang” và cá “sọc tiêu” thì làm ra nước mắm đa màu mà mùi lại dịu, ngon lắm. Người Tây phần nhiều ưa dùng thứ nầy. Cá “sọc phấn” muối lâu mới ra được mắm lại ít thơm. Đến cá “sọc trắng” thì hèn tệ! Ấy là loại cá khó làm nước mắm nhứt. Mà nếu ai có làm ra được thì cũng không ngon và hay “trở” (hư) lắm.

- Cá đem về muốn muối phải làm cách nào ?

- Khi ghe cá về, trước hết bắt ba tấm ván trên miệng thùng, rồi đem ba rổ “kiệu”(1)  cá lên đổ ván ấỵ Cứ ba rổ cá thì đổ 30 kg muối nghĩa là ba phần cá một phần muối, cá và muối trộn cho đều. Trộn rồi đùa xuống thùng. Cứ làm như thế mãi cho đến đầy thùng.

Trong ba hôm muối tan, nước muối, nước cá chảy ra. Phải tháo nước ấy cho ráo rồi chứa tạm qua thùng khác. Rồi thì ém cá lại cho cứng, lấy lá đậy lên, cây gài trên cho chắc, để giữ cho cá khỏi nổi bình lên.

Nước đã tháo ra đó phải đổ trả lại. Nếu đổ phân nửa thì nước mắm mau ngon, còn đổ hết cả thì lâu hơn. Sau khi đổ lại chừng mười bữa hay nửa tháng thì nhừng vảy hay nhng chất vô ích tự nhiên đóng lại trên lá mình đã đậy. Phải hốt lên đem rửa cho sạch lá đậy rồi đem gài lại. Nước vẫn tháo ra thùng khác gọi là “thùng trổ” như trước rồi trộn lại, là cứ giặt rửa cho hết đồ dơ. Làm như thế mãi chừng ba bốn lần, nước đã hơi trong, chất dơ đã sạch, đồ “gài” cứ để y như vậy, chừng nào mắm có mùi thơm, coi tốt là được.

- Từ ngày muối cá đến ra nước mắm chừng bao lâu ?

- Đó là tùy người siêng hay biếng, kỷ hay không kỷ mà thôi. Có người làm chừng hai tháng rưỡi đã ngon, có người ba tháng mà cng có người đến bốn, năm tháng là tại hồi tháo ra họ để cho chảy ra tùy mau hay lâu.

Đây là nói cá “cơm thang” hay “sọc tiêu” , chớ nếu cá “sọc phấn” lại còn phải lâu bằng hai nữa. Tuy là lâu chớ không thể nào ngon bằng hai thứ kia. Người ta chỉ dung để “mượn hơi” hai thứ “cơm thang”“sọc tiêu” thôi.

- Cũng thời cá mà sao thứ “sọc phấn” ấy lại chẳng ngon lắm ?

- Phải, cũng thời cá nhưng thứ “sọc phấn” mình nó cứng và ít máu.

- Còn thứ cá “ba loài” là thứ chi ? Cá ấy làm nước mắm có ngon chăng ?

- À, suýt nữa đã quên nói đến cá “ba loài”

Người ta gọi “ba loài” là tại thứ ấy lộn lạo hai ba thứ: lớn, nhỏ chớ không phải đều như nhau. Cá nầy ít máu nên làm nước mắm thường trắng, trong. Tuy vậy chớ cũng không thể nào bằng “cơm thang”“sọc tiêu”.

- Còn nước mắm thường “trở” là tại sao vậy ?

- Nước mắm hư là tại mình gắp quá. Chưa đúng ngày, tháng đã vội chiết ra đem bán rồi. Máu cá chưa ra kịp. Chớ nếu làm như tôi đã nói thì không thế nào “trở” được cả.

- Mình có thể nào biết trước nước mắm sẽ được “tốt” hay sẽ “thở” không ?

- Đó là tùy theo kinh nghiệm ở nghề. Từ hai tháng sắp lên, sau khi muối cá, Mũi ta ngửi, mắt ta trông, có thể nhận được một cách dễ dàng cái tương lai tốt, xấu của nước mắm mnìh.

- Nước mắm để lâu có hại gì không ?

- Của người ta thì tôi không dám chắc, vì không tin cách họ làm, chớ của tôi dầu để bao lâu cũng được. Tôi cũng thường chiết ra ve, gởi tân qua Pháp hay ra Hà Nội để biếu các quan quen biết. Hôm nọ, quan Toàn quyền Robin đi kinh lý có ghé thăm tôi, tôi cũng có quà ngài mấy ve, xem ngài lấy làm thích lắm.

- Nước mắm ông như thế mà gặp mấy cuộc đấu xảo ông có gửi đi chăng ?

- Có chớ, mấy lần gởi đi đấu xảo tận Marseille, lần nào tôi cũng được giấy chánh phủ khuyến khích và gửi khuê bài ban khen.

- Ông tận tụy với nghề nầy đã được bao lâu ?

- Trên 40 năm.

- Nước mắm Phú Quốc nầy thường bán về đâu ?

Nghe tôi hỏi ông lắc đầu có vẻ buồn bã, thất vọng, chán nản của một ngưòi tận tâm với nghề nghiệp.

- Ông hỏi đến chuyện buôn bán càng thêm buồn. Ông tính nước mắm của cả hòn Phú Quốc nầy mà bán thì chỉ bán  Châu Đốc và Rạch Giá, nhứt là Rạch Giá thôi. Nếu thế thì sản xuất nhiều mà tiêu thụ ít.

- Gặp lúc kinh tế khó khăn nầy ông xem sự buôn bán tiến hay thối ?

- Tiến gì được, ông tính nước mắm thì nhiều mà không bán được xa, cứ dồn ở hai ba tỉnh ấy mãi. Sánh với mấy năm trước thì giá nước mắm hiện giờ không được một phần. Đã vậy mà có lắm khi bọn bạn hang dung ngón gian xảo, nước mắm mình không hư, mà họ tráo trở làm cho hư mà đem đổi lại cho mình, như thế phải ép lòng chịu thiệt thòi, chớ mình biết cãi thế nào, vì chỗ mình buôn bán lâu dài.

- Họ thường tráo trở bằng cách nào ?

- Có khó gì, nước mắm Phú Quốc thì chỉ “nai” sơ thôi, họ mở ra, hoặc chiết ra nửa tỉn rồi đổ nước lại, hoặc họ mua lầm phải đồ xấu của kẻ khác, họ đổi nắp lại. Như thế mình không chối cải gì được vì trên nắp có con dấu hiệu mình.

Mà những kẻ nhẩn tâm như thế thường là bạn hàng bán lẻ, chớ chẳng phải chủ vựa. Vì chủ vựa họ mua bán nhiều, hơi đâu họ làm như thế. Chủ vựa có biết gì, họ mua của mình thì nếu bạn hàng đổi lại với họ, họ cứ mình họ trả lại thôi!

- Như vậy thì mình đem đi xa. Chịu mối hay trữ bán ở những tỉnh lớn như Cần Thơ, Mỹ Tho, Sàigòn chẳng hạn, có được không ?

- Đâu được, chỡ đi xa sở phí nhiều…

- Theo lời ông thì nước mắm ở đây bán không mấy khá mà sao về phương diện vật chất tôi nhận thấy dân sự thật là đầy đủ, sung sướng ?

- Phải ông nói không lầm. Mà cái sung sướng ấy nó chỉ có “duyên” với bọn làm công thôi. Họ chỉ phí công đi một chuyến ghe không hơn 15 ngày đã được hơn chục đồng rồi. Chớ còn chủ nhà thùng thì không được sung sướng cho lắm. Phần xác cũng như phần hồn quanh năm mãi bận việc.

Thế nên có nhiều nhà du lịch lại đây thấy cái cách ăn xài của bọn bạn lưới họ đã nói một câu:

“Ở đây, tôi không phân biệt được ai là “chủ thùng” ai là “bạn lưới”. Thấy từ cái cách ăn mặc đến sự lãng phí, xa hoa của họ tôi cũng tạm bảo họ có phước, vì họ chưa bị con ma khủng hoảng động tới”.

- Vâng, riêng tôi, tôi cng nhận thấy rõ như thế khi mới bước chân đến. Thưa ông, thường nước mắm ở đây có gặp ai cạnh tranh không ?

- Ngoài thi không có ai cạnh tranh, nhưng nội một chỗ với nhau giành được mối lợi cũng đủ mất giá.

Dòm lên chiếc đồng hồ trên vách thấy hơn 11 giơ1 rưỡi, lật đật đứng dậy cám ơn và xin cáo từ. Sau một cái bắt tay tôi, với một nụ cười, chủ nhân đưa tôi ra tới cửa.

Ngoài đường hạt mưa còn lấm tấm rơi. (2)

*

Lư Khê tham gia đóng góp nhiều cho nền văn học quê hương Hà Tiên và đất nước Việt Nam. Ông bị ám sát năm 1950, trong khi nhiều công trình còn dang dở chưa kịp thực hiện.

Về văn học, Lư Khê sáng tác khá nhiều, nhất là thơ. Thơ ông rất trữ tình, thường xuyên đăng ở các báo Thế giới Tân văn (1936), Nữ Lưu tuần báo (1936), Văn Nghệ (1937), Tự do (1938), Nay (1940), Gió Mùa (1941), Đông Tây (1942) Tập tùy bút Phút thoát trần được in năm 1942.

Về thơ chữ Pháp, Lư Khê đoạt giải cuộc thi “Tournoi des Jeux Floreaux de Nice” của Pháp, năm 1938.

Cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà, Lư Khê được văn giới gọi là Hà Tiên tứ tuyệt.

 

Tài liệu tham khảo:

Lư Khê web: vi. Wikipédia

Nguyễn Q. Thắng Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới Tập 3, tr. 91 - 101

 

(1)   Gọi rổ “Kiệu” vì rổ đựng cá ấy đặt trên hai cây cho hai người khiên, như cái kiệu (?). Một rổ kiệu cá nặng chừng 30 kg.

(2)   Báo Sống ngày 28-8-2935 – Hà Tiên.





No comments:

Post a Comment