Hôm nay Thứ
Bảy 18 -01-2020, chúng tôi phải dậy sớm để cháu của nhà tôi rước đi tảo mộ.
Năm 1979, Bà
nội của nhà tôi mất, tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm gặp Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm để
mua một huyệt mộ chôn cất bà, tôi biết Nghĩa Trang Vĩnh Ngiêm do năm 1977, Bác
Nguyễn Đức Lợi nguyên là Chủ sự Phòng Vật Liệu Tổng Nha Bưu Điện mất, được Hòa
Thượng Thích Thanh Kiểm biếu một huyệt mộ cho Bác, vì Bác có đóng góp nhiều
công đức cho Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm, Bác từng giữ chức Gia Trưởng
GĐPT Giác Minh, Trưởng Ban Hướng Dần GĐPT thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại
Miền Nam, từng là Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm rồi Đại Diện GĐPT
Miền Vĩnh Nghiêm.
Năm 1980,
ông Bùi Văn Dương nguyên Thanh Tra Tiểu Học tỉnh Kiến Hòa, bị cướp giết cả hai
vợ chồng, con ruột người ở Pháp, kẻ ở Mỹ, người còn trong trại cải tạo. Nhạc phụ
tôi là cháu gọi ông bằng Cậu ruột, nên nhạc phụ tôi và tôi phải lo mua huyệt mộ
trong Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, liên hệ với trại hòm và tổ chức tang lễ tại nhà
quàng chùa Vĩnh Nghiêm.
Rồi năm
2009, nhạc gia tôi mất, sau đó kế thất của nhạc gia tôi mất, các em của nhà tôi
cũng mua huyệt mộ tại Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, nhưng lại được nơi khá tốt, đó
là sát với khuôn viên tượng Đức Địa Tạng.
Sau nầy, các
em của nhà tôi đã bốc mộ ông nội, trước chôn cất trong đất nhà tại cầu Ông Khối,
gần chợ Tầm Vu, nay thuộc đất người khác, sau khi bốc mộ, hỏa thiêu rồi đem về
chôn chung với huyệt mộ của Bà Nội.
Như vậy, đi
tảo mộ ở Nghĩa Trang Vĩnh Nghiêm, tôi đã viếng thăm mộ của ông bà Nội của nhà
tôi, Thân phụ và Kế mẫu của nhà tôi, ông bà Bùi Văn Dương là em ruột của Bà Nội
nhà tôi, Bác Nguyễn Đức Lợi và con gái Bác chị Theresa Nguyễn Thị Ngọc Liên, thân
mẫu của Nguyễn Hoài ở Santa Ana.
Riêng tôi
còn thăm viếng mộ của Bác Nguyễn Đức Lợi, thắp cho Bác mấy nén hương, tưởng nhớ
tình nghĩa Bác cháu gần 20 năm, cùng sinh hoạt chung trong phong trào GĐPT.
Sau khi rời
Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, chúng tôi đi đến chợ Tầm Vu, thuộc làng Dương Xuân Hội
tỉnh Long An để viếng mộ của Nhạc mẫu tôi, người là cựu học sinh Trường Áo Tím,
lập gia đình sớm với Nhạc gia chúng tôi, cả 2 cùng ở Long An, nhưng lên Sàigòn,
người theo học trường Áo Tím, người theo học trường Pétrus Ký, nên quen nhau từ
những chuyến xe lửa đi về đường Sàigòn - Mỹ Tho.
Nhạc mẫu
chúng tôi mất năm 1945, vì sinh em trai của nhà tôi rồi bị Sản hậu, lúc đó giặc
giả tứ tung nên không thể chạy chửa, bệnh rồi qua đời, hưởng dương chỉ có 21 tuổi,
em trai của nhà tôi cũng mất sau mẹ gần 2 năm.
Sau khi thăm
mộ, cúng kiếng hoa quả, chúng tôi đến thăm Lợi, có biệt danh là Hotboy Trà Sữa,
và dùng bữa cơm chay do Tần vợ của Lợi nấu đơn giản với cái Lẫu Chay có bông Sua
đũa, Rau muống, Kèo nèo thêm Chả lụa chay, Đậu hủ chiên, Chả chay chiên ăn với
bún. Tuy đơn sơ nhưng rất ngon miệng và rất thân tình, không khách sáo chi cả,
như những người trong gia đình, lâu ngày gặp lại. Do nhà tôi sanh tại Dương
Xuân Hội, xem Video biết Lợi ở Dương Xuân Hội nên muốn đến thăm, vì mến mộ vợ
chồng Lợi và Tần. Trong nhà còn có thân mẫu của Lợi, còn thân phụ của Lợi người
Đức Hòa đã mất. Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi ăn tráng miệng với vú sữa dây
hình như của Vĩnh Kim, Mỹ Tho rất ngọt. Từ thân mẫu cho tới vợ chồng Lợi rất hiếu
khách, Tần khéo nấu ăn, nên ngon miệng.
Từ trái: Bùi
Thanh Hải, tôi, nhà tôi, thân mẫu của Lợi, Lợi và Tần
Dùng bữa
xong, thấy đã làm khách khá lâu, nên chúng tôi xin phép kiếu từ. Khi đi tôi
không để ý nhưng khi về mới biết xa lộ Tp. HCM – Trung Lương không còn thu phí.
Nghe đâu trạm thu phí đó đã thu quá hạn, tiền thu được hàng ngàn tỉ đồng.
Đi tảo mộ
năm nay, tôi nhớ đến những năm lên mười, vào giữa thập niên 1950, tôi theo người
bác ruột đi làm cỏ mả ông bà cố, ông bà nội, cha má, bác gái và thím tôi trong
những ngôi mộ ở nghĩa trang gia đình và vài ngôi mộ ở phần đất khác. Theo bác một
đôi năm, sau đó tôi và mấy em con người chú hàng năm đi làm cỏ mả, luôn luôn từ
ngày 23 đến 28 tháng chạp, sau đó có thì giờ đi làm cỏ mả cho những ngôi mộ
không có thân nhân. Vì vậy ở nhà quê, người ta phải lo làm cỏ mả trước ngày 28,
sau đó sẽ có người khác “làm cỏ thí”, thân nhân sẽ bị mang tiếng không tốt với
ông bà, cha mẹ mình, người đã khuất núi.
Tục xưa “Sống có nhà, thác có mồ”. Cho nên
ngày Tết người ta trang hoàng nhà cửa, cũng phải lo dọn dẹp cho mồ mả ông bà,
thân nhân của mình được khang trang, quang đảng. “Làm cỏ thí” không biết tục
xưa, ở nhà quê ai còn giữ được?
8664212020
No comments:
Post a Comment