Pages

Monday, May 9, 2016

Đan Trường







(1919-2011)

Nhạc sĩ Đan Trường tên khai sinh là Ngô  Đức Vân Quỳnh. Ông sinh năm 1919 tại làng Đạo Ngạn, Xã Quang Châu, Huyện Việt Yên – Bắc Giang. Cha ông là cụ Ngô- Phấn Dung, cụ là thầy  đồ nổi tiếng, đồng thời cũng là thầy lang bốc thuốc. Đan Trường có năng khiếu đàn hát từ sớm, từ thiếu thời đã tham gia vào dàn nhạc bát âm của làng này. Ông chơi được đàn nhị, măng đô lin, đàn bầu, sáo…

Năm 16 tuổi ông xuống học tại Hải  Phòng. Trường Bonnal, nay là trường Ngô  Quyền,  nổi tiếng không chỉ là nơi học hành của những Thế  Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Văn  Cao, Nguyễn  Đình Thi… mà còn là nơi học hành của Đan Trường. Nỗi đau của mối tình đầu lỡ dở năm 19 tuổi ở Việt Nam, do gia đình nhà gái ngăn cấm, đã khiến Đan Trường sau này khi đã sang Pháp viết nên một tình ca để đời mang tên Trách người đi. Biết bao thế hệ thanh xuân Việt Nam đã ghi lòng giai điệu đẹp và buồn đến ứa nước mắt này: “Sương lam tuôn rơi hắt hiu trên hàng thông xám reo vi vu- khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ- người đi phương xa đâu ngờ  Miền quê hương ai mong chờ- Đau đớn xót thầm từ ngày biệt ly…”. Tình lỡ dở, học hành cũng lỡ dở.

Tương lai bế tắc, năm 1939, chàng nhạc sĩ trẻ Đan Trường đã đăng lính ONS (lính không chuyên nghiệp- thực tế là phu) và xuống tàu từ Hải  Phòng sang Pháp. Ở Pháp Đan Trường làm thông ngôn cho những người lính thợ ở nhà máy chế tạo thuốc súng tại cảng Marcril thuộc thành phố Saintien. Khi Phát Xít Đức tấn công Pháp, chính phủ Pháp đầu hàng, đơn vị của Đan Trường bị bắt làm tù binh. Những người tù binh đói rét trong đó có Đan Trường đã phá  rào trại tù chạy vào rừng gia nhập đội ngũ du kích của lực lượng yêu nước do Đảng Cộng Sản Pháp lãnh đạo. Trong một trận tấn công quân Đức, đội trưởng đội du kích đã tử trận, Đan Trường làm đội phó đã chỉ huy đánh tiếp và chiến thắng oanh liệt. Đan -Trường trở thành đội trưởng, cứ thế dẫn dắt anh em qua nhiều trận đánh kiên cường từ năm 1941 cho đến khi Phát xít Đức đầu hàng tháng 8/1945. Do có thành tích trong kháng chiến chống Phát xít, những người lính Pháp gốc Việt trong đó có Đan Trường được nhà nước Pháp trân trọng, cho phép tự lựa chọn, hoặc hồi hương, hoặc xin việc làm tại Pháp.
Do khá giỏi tiếng Pháp, Đan Trường xin học một lớp ngắn hạn về phát thanh và trở thành thư ký tòa soạn một kênh phát thanh tiếng Việt của đài Phát thanh Paris.

Sang thập kỷ 50 thế kỷ trước, khi Pháp có truyền hình thì Đan Trường vừa làm phát thanh, vừa làm truyền hình tại Paris cho đến năm 1982 mới về hưu. Trong thời gian này Đan  Trường đã viết kịch bản phim Giá hạnh phúc (1953) và đóng vai đầu bếp trong phim này. Ở một phim của Pháp quay 1954 mang tên “Pháo đài của những thằng điên” thì Đan -Trường lại đóng vai một sĩ quan Việt Minh….

Tuy cuộc đời của Đan Trường chìm nổi và thăng trầm như một câu chuyện trong tiểu thuyết, nhưng người nghệ sĩ đa tài này lại sống rất giản dị và luôn gắn mình với cây vĩ cầm từ thuở thanh xuân cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Tình ca  Trách người đi  của ông đã được nhiều thế hệ ca sĩ thời tiền chiến trình diễn. Ở kênh tiếng Việt của Đài phát thanh Paris  khi ông bắt đầu công việc, nữ ca sĩ Bích Thuận đã thể hiện rất thành công. Cũng thời gian ấy, ca sĩ Anh Ngọc và ca sĩ Ngọc Long cũng lấy  Trách người đi  làm bài “tủ” của mình. Đến thời kỳ trước năm 1975, các ca sĩ Mai Hương, Duy Trác, Thanh Lam, Lệ Thu, Khánh Ly , Sĩ Phú… đã nhiều lần thu âm và biểu diễn Trách người đi.

Vào tối ngày 13 âm lịch trước rằm tháng Chạp năm Canh Dần, tức chủ nhật 16-1-2011, tại làng Polomodier thuộc tỉnh Bretagne, miền biển cực Tây nước Pháp, nhạc sĩ Đan Trường đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 92 tuổi.

Nhạc phẩm:

- Trách người đi
- Chiếc áo the thâm tàng (1953)
- Cảnh làng quê (1953)
- Miếng trầu duyên (1953)
- Biệt quê (1953)
- Ba cô xinh xinh (1953)
- Đêm vắng đò xuôi (1953)
- Một cảnh đêm hè (1953)
- Ông đồ Hành (1954)
- Trăng mờ miếu cũ

Tài liệu tham khảo:

- Đan Trường Web: Wikipedia
- Nguyền Thụy Kha, Cuộc đời nhạc sĩ Đan Trường và tình khúc Trách người đi. Web: songnhac.vn


Nhạc phẩm Trách người đi do ca sĩ Sĩ Phú trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=NEtFi3AS3Yk

https://www.youtube.com/watch?v=NEtFi3AS3Yk

 (Xem tiếp nhạc sĩ Canh Thân)



No comments:

Post a Comment